Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay nhìn từ góc độ thể loại - 10


định bởi bối cảnh đời sống xã hội, bởi những trạng thái tư tưởng tinh thần của thời đại mà trong đó các nhà văn đang sống. Cái nhìn của nhà văn về hiện thực xã hội luôn là cái nhìn động cùng với những động hình tư tưởng của người viết.

Văn học suy cho cùng là sự phản ánh đời sống, là “một cách sống với hiện thực” bởi “hồn cốt của văn chương là đời sống con người”. Vấn đề là đời sống được khúc xạ qua lăng kính của nhà văn, là kết quả của quá trình tích lũy, trải nghiệm vốn sống, hệ quả của những va đập trong đời sống tinh thần, tư tưởng của nhà văn trong một môi trường bối cảnh văn hóa, xã hội cụ thể. Văn học những năm sau chiến tranh bước sang một quỹ đạo mới, với sự hình thành một đội ngũ viết mới bên cạnh thế hệ cầm bút đã đi qua chiến tranh - họ đã viết về hiện thực của ngày hôm qua và hôm nay từ những điểm nhìn của hiện tại. Cái nhìn về hiện thực xã hội đương đại của các nhà văn hôm nay được thể hiện ở chỗ tả thực gắn liền với phân tích, lý giải, chiêm nghiệm đời sống.

Tả thực là bút pháp quan trọng với nhà văn trong quá trình triển khai và thể hiện ý tưởng của người viết. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, quan niệm về tả thực trong văn học giai đoạn trước và giai đoạn hiện nay có khác nhau. Trước đây, trong văn học cách mạng, tả thực là nguyên tắc cơ bản và tả thực ở đây cũng không thể chệch ra ngoài “từ trường” cũng như sự chi phối có tính định hướng. Trong giai đoạn hiện nay, được sự cỗ vũ của tinh thần dân chủ trong đời sống và trong văn chương, nhu cầu nói thẳng nói thật, các nhà văn đã hướng tới việc tiếp cận đời sống trong tính đa dạng và phức tạp của nó.

Sau chiến tranh, nhiều nhà văn đã ý thức được việc phải thay đổi lối viết. Hay nói cách khác đổi mới văn học là nhu cầu tự thân của người cầm bút. Sự thay đổi trạng thái đời sống, ý thức cách tân của chủ thể sáng tạo đã dẫn đến những đột phá trong cách tiếp cận và xử lý chất liệu hiện thực. Trong nghệ thuật đương đại, nhiều loại hình nghệ thuật mới xuất hiện như nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, kịch hình thể với việc sử dụng những chất liệu nghệ thuật khác với truyền thống như một cách thức tìm kiếm khả năng thích ứng của các bộ môn nghệ thuật trước tác động của đời sống xã hội, của các phương tiện truyền thông. Văn học, cụ thể là các nhà văn cũng đã có cách thức tiếp cận đời sống từ những góc nhìn của cá nhân mình.


Xuất phát từ ý thức thay đổi quán tính viết, đổi mới tư duy văn học, truyện ngắn thời kỳ đổi mới đã xuất hiện một khuynh hướng khá nổi bật là khuynh hướng nhận thức lại quá khứ. Sau chiến tranh, nhu cầu được nói thẳng, nói thật đã trở nên cần thiết và điều này được cổ vũ bởi tinh thần dân chủ của đời sống. Trong cảm quan sáng tác của các nhà văn lúc này đã có ý thức lật xới lại những vấn đề của lịch sử, hay nhìn thực tại với giác độ mới. Nhiều vấn đề trước đây còn bỏ ngỏ hoặc né tránh giờ đã được trở lại. Có thể nói, chỉ trong vòng một thập kỷ của thời kỳ đầu đổi mới các sáng tác thuộc nhiều thể loại văn học đã liên tục đăng đàn tạo nên những tiếng nói, những tông giọng khác trước. Đầu tiên là những tác phẩm phóng sự viết về đời sống xã hội đương đại, rồi tiểu thuyết và sự nở rộ của truyện ngắn với hàng loạt các tác phẩm cùng đi vào những vấn đề của lịch sử trước đây còn bỏ ngõ.

Khác với thời kỳ trước, hiện thực thường được tiếp cận từ cái nhìn đơn chiều, cảm hứng lãng mạn cách mạng và cảm hứng sử thi luôn chi phối các nhà văn trong suốt ba mươi năm chiến tranh, những vấn đề lớn lao của vận mệnh dân tộc trở thành mối quan tâm của hầu hết các nhà văn hồi bấy giờ. Thực tế đó không cho phép nhà văn đi sâu vào số phận cá nhân, có chăng là những chuyện hạnh phúc của con người luôn được gắn liền với lợi ích dân tộc và thời đại. Những năm sau chiến tranh, truyện ngắn ngày càng áp sát hiện thực đời sống. Một cách nhìn mới về con người được mở ra. Nhân vật lý tưởng trở nên hiếm hoi hơn. Hầu hết các truyện ngắn được độc giả đón nhận và gây được phản hồi tích cực từ phía người đọc đều khai thác những mảng đề tài lâu nay trong văn học chưa có điều kiện đề cập tới hoặc chưa được nhìn nhận thấu đáo: Người đánh trống trường (Ma Văn Kháng), Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Hai người đàn bà xóm Trại (Nguyễn Quang Thiều), Xưa kia chị đẹp nhất làng (Tạ Duy Anh), Người hùng trường làng (Tạ Nguyên Thọ), Người sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo), Họ đã trở thành đàn ông (Phạm Ngọc Tiến), Cỏ lau (Nguyễn Minh Châu), Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Bản lý lịch tự thuật (Y Ban),… Đây là những tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng nhận thực lại quá khứ, thể hiện cách nhìn mới về hiện thực của ngày hôm qua và hôm nay.

Tả thực theo nguyên tắc nghệ thuật mới cũng là cách thức nhà văn đặt lại quan niệm về hiện thực: không chỉ dừng lại ở hiện thực bề mặt mà còn là hiện thực


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 172 trang tài liệu này.

lý tính, hiện thực trực giác, ảo giác, hiện thực của “sự tưởng tượng vô bờ bến”. Vậy thì nhà văn phải sử dụng ngôn ngữ và hình thức biểu đạt như thế nào để diễn tả được hiện thực đa dạng đó. Phạm Thị Hoài là một trong số những nhà văn sớm cho thấy những thay đổi trong bút pháp nghệ thuật qua việc khai thác hiện thực theo chiều sâu, hiện thực đời sống con người bên trong. Truyện ngắn Bảo Ninh về cơ bản vẫn là cách viết truyền thống nhưng không ít tác phẩm của ông vẫn hấp dẫn người đọc bởi bằng những kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm nghệ thuật, người viết đã có khả năng trong việc tái tạo một hiện thực ám ảnh, đầy day dứt trong các truyện ngắn (Gió dại, Khắc dấu mạn thuyền).

Hiện thực chiến tranh và người lính vốn là một đề tài chủ đạo của văn học thời kỳ trước giờ đây đã được trở lại với những cách tiếp cận mới, không chỉ với những nhà văn đã từng kinh qua chiến tranh mà còn với cả những cây bút trẻ, thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh. Nếu như trước đây, chiến tranh thường được khai thác ở những bình diện bề nổi thì giờ đây các nhà văn lại đi vào đời sống bên trong của tâm hồn con người. Không một cuộc chiến tranh nào là không có tổn thất và đau thương. Tuy nhiên trước đây trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh, người viết thường ít có cơ hội đề cập đến những vấn đề này. Đọc Thanh minh trời trong sáng (Ma Văn Kháng), Người sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo), Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), Núi đợi (Bùi Thị Như Lan),… có thể thấy, ngòi bút của tác giả đã chạm được đến tầng sâu của đời sống tâm linh, đời sống bản thể con người. Nhân vật nhà văn trong truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ (Ma Văn Kháng) từng có quan niệm: “Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn, chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật”. Cũng với quan niệm đó, nhân vật trong Thanh minh trời trong sáng đã tìm đến sự giải thoát trong thế giới tâm linh để vợi bớt những đau thương, mất mát. Người con trong truyện ngắn đã nhìn thấy giữa khói hương sự hiện linh của người bố đã hy sinh ngoài mặt trận. Cùng viết về chiến tranh nhưng hiện thực trong các tác phẩm viết về đề tài này trước và sau 1975 được thể hiện không giống nhau. Sau 1975, truyện ngắn viết về chiến tranh càng ngày chất giọng sử thi càng nhạt dần và có thêm những giọng điệu mới từ giọng điệu thâm trầm trong Cỏ lau (Nguyễn Minh

Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay nhìn từ góc độ thể loại - 10


Châu), Họ đã trở thành đàn ông (Phạm Ngọc Tiến) đến chất giọng xót xa trong Xưa kia chị đẹp nhất làng (Tạ Duy Anh), Người sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo), Mảnh vườn xưa hoang vắng (Đỗ Chu),… Viết về chiến tranh, các tác giả thường đi sâu vào khám phá số phận con người từ góc nhìn hậu chiến, về nỗi đau của con người do chiến tranh. Các cây bút chứng minh một thực tế là chiến tranh không có ngoại lệ và bi kịch có thể đến với bất kỳ ai (dù là những người lính đối mặt với quân thù trên các chiến tuyến hay những người vợ, người mẹ nơi hậu phương). Nếu với Người sót lại của rừng cười, Võ Thị Hảo đã thông qua số phận của những người phụ nữ đã từng đến và đi ra từ cuộc chiến để khắc họa những mất mát mà người phụ nữ phải gánh chịu thì với Điều ấy bây giờ con mới hiểu ra (Y Ban), Con ma (Lý Lan), các tác giả đã đi sâu vào khai thác bi kịch của người phụ nữ khi chiến tranh kết thúc, khi những người chồng của họ vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Một sự thật luôn được đề cập đến trong những tác phẩm viết về chiến tranh là sự mất mát tinh thần của người phụ nữ vì nỗi cô đơn không gì bù đắp được khi những người đàn ông của họ đã vĩnh viễn không trở về.

Viết về những vấn đề của quá khứ, của lịch sử trên tinh thần nhận thức lại hiện thực là thực tế được đặt ra với nhiều cây bút, ngay cả với những nhà văn đã sống và viết cả trong và sau chiến tranh (Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu). Đã có một cách nhìn khác ở Đỗ Chu - nhà văn được cho là “thiên về khai thác cái đẹp trong đời sống” trong tập truyện Mảnh vườn xưa hoang vắng so với những truyện ngắn trước đó. Đỗ Chu không phải là cây bút ngay từ đầu đã có cái nhìn phê phán quyết liệt mà có thể coi Mảnh vườn xưa hoang vắng là tập truyện đánh dấu sự chuyển biến. Ở đây, Đỗ Chu đã xoáy sâu vào bi kịch của người lính sau khi rời khỏi chiến trận. Với nhân vật Hoàng Trữ (Mảnh vườn xưa hoang vắng) thì suy cho cùng chiến tranh và những cơ chế cứng nhắc của một thời chính là nguyên nhân để cuộc đời ông trở thành một “mê lộ” – một con người không bình thường giữa đồng loại với những ký ức trận mạc luôn hằn sâu trong tâm trí. Nhà văn đã không ngần ngại đưa lên trang viết hiện thực của cái thời chưa xa ấy, ở đó những quan niệm cứng nhắc của một bộ phận đã làm phương hại đến nhiều cuộc đời, nhiều con người. Vô hình chung, họ đã trở thành nạn nhân của lối hành xử cứng nhắc, cách đánh giá con


người phiến diện theo chủ nghĩa thành phần. Ở đó họ không còn được là chính mình và luôn phải sống trong nỗi phấp phỏng bị rình rập, “ai cũng có ý thức thu kín mình lại”, “đến nỗi ốm mệt nhức đầu cũng không dám nằm, vẫn phải làm ra mình đang rất khỏe, rất hăng, tối tối họp hành sinh hoạt nghển cổ lên mà hát, giơ tay cao lên mà vỗ, hát giống mọi người, vỗ giống mọi người” (Mê lộ).

Tái tạo hiện thực bằng nhãn quan và bút pháp mới đã trở thành một thực tế sáng tác và cũng là nhu cầu đổi mới của người viết trong bối cảnh mới. Trên tinh thần nhận thức lại hiện thực, nhiều nhà văn đã không ngần ngại đưa lên trang viết những vấn đề được cho là nhạy cảm, không ít những tác phẩm như thế đã trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận (xung quanh vấn đề sự thật và hư cấu, ranh giới giữa sự thật lịch sử và hiện thực trong tác phẩm văn học). Cho đến thời điểm này, nhiều cuộc tranh luận vẫn chưa hoàn kết (gần đây nhất là Hội thảo “Sáng tác văn học về đề tài lịch sử do Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương tổ chức”). Theo quan điểm của chúng tôi không thể đòi hỏi tác phẩm văn học phải minh họa cho lịch sử mà có thể coi lịch sử là một nguyên cớ và nhà văn có thể sáng tạo tác phẩm bằng những suy lý trên tinh thần hướng đến thể hiện những vấn đề nhân sinh với ý nghĩa nhân văn cao cả.

Không thể phủ nhận vai trò của bút pháp tả thực trong quá trình sáng tạo của nhà văn, tuy nhiên, tả thực bao giờ cũng có tính hai mặt của nó. Nếu người viết lạm dụng, hoặc giả vận dụng không được nhuần nhuyễn thì tác phẩm không tránh khỏi việc tái tạo hiện thực một cách khô cứng và thiếu đi tính thẩm mỹ. Bên cạnh đó, để có được hiệu quả nghệ thuật cũng như những hiệu ứng tích cực với người tiếp nhận, nhà văn buộc phải đa dạng hóa, phối hợp nhiều bút pháp trần thuật trong quá trình viết và hiện thực trong tác phẩm là một hiện thực đã được chắt lọc, nghiền ngẫm và tái tạo lại.

2.2.4.2. Bút pháp huyền thoại


Quan sát dòng chảy của truyện ngắn từ thời kỳ đổi mới, có thể nhận thấy một trong những hình thức tự sự được nhiều cây bút sử dụng là bút pháp huyền thoại. Không phải ngẫu nhiên mà gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu về dòng văn


học kỳ ảo trong văn xuôi sau 1975 nói chung và truyện ngắn nói riêng. Điều này cho thấy thực tế là sự tồn tại của một dạng thức trần thuật trong đó yếu tố kỳ ảo đóng vai trò như một phương thức tự sự, chi phối cách xây dựng nhân vật và cốt truyện, cách tạo dựng chi tiết và tình huống. Bút pháp huyền thoại đã có mặt trong văn học trước đây, tuy nhiên sau một thời gian gần như vắng bóng, phải đến những năm sau chiến tranh, đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới, yếu tố kỳ ảo đã được tái xuất làm phong phú thêm những phương thức tiếp cận hiện thực. Có nhiều con đường dẫn đến sự tái xuất của bút pháp huyền thoại. Ngoài sự tiếp nối từ vốn liếng huyền thoại (cổ tích, thần thoại,…) trong văn học dân gian và văn học viết là sự tiếp nhận, ảnh hưởng của văn học kỳ ảo thế giới, từ ý thức đổi mới lối viết của nhà văn. Bút pháp huyền thoại được sử dụng trong nhiều truyện ngắn của các cây bút Võ Thị Hảo, Ngô Văn Phú, Phạm Hải Vân, Nguyễn Huy Thiệp, Hoà Vang, Phạm Thị Hoài, Lý Lan, Nguyễn Thị Ấm, Y Ban, Ngô Tự Lập, Lưu Sơn Minh,... Với việc sử dụng những hình thức nghệ thuật như cổ tích hoá, huyền thoại hoá; các cây bút đã có một cách thức phù hợp với việc tái tạo hiện thực nhằm đem đến cho người đọc những không gian hiện thực mới. Thủ pháp kỳ ảo được các tác giả sử dụng có khi dựa trên nền tảng của những tác phẩm cổ tích, truyền thuyết, thần thoại trong quá khứ (Trương Chi, Những ngọn gió Hua Tát - Nguyễn Huy Thiệp, Sự tích ngày đẹp trời

– Hoà Vang, Gióng – Lê Minh Hà) và ở đó hiện thực đời sống không phải bao giờ cũng tuân theo lô gic nhân quả; có khi là việc sử dụng các chi tiết tình huống kỳ ảo (Thợ may - Phạm Hải Vân, Anh lính Tony D – Lê Minh Khuê, Nguyệt cầm - Nguyễn Thị Ấm) với sự lồng ghép yếu tố hư và thực, sử dụng mô típ hóa kiếp, luân hồi. Tính chất “nguyên phiến” của huyền thoại, cổ tích đã không còn mà đã có sự khúc xạ qua lăng kính của nhà văn. Bút pháp huyền thoại được vận dụng trong việc tạo dựng không khí, không gian huyền thoại, yếu tố thần kỳ, xây dựng kết cấu, nhân vật truyện ngắn, qua ngôn ngữ và hệ thống biểu tượng,… Nhân vật trong nhiều truyện ngắn Võ Thị Hảo mang âm hưởng của huyền thoại, cổ tích: Nàng tiên xanh xao, Hành trang của người đàn bà Âu Lạc, Đêm bướm ma,…Nhiều truyện ngắn có cấu trúc đan cài thực và ảo. Không phải trở về với quá khứ xa xôi, yếu tố huyền thoại ở đây được xem như một công cụ để tái hiện sinh động và có hiệu quả cuộc


sống con người đương thời. Nếu như Nguyễn Huy Thiệp đã mượn hình thức truyện cổ (Trương Chi, Những ngọn gió Hua tát ) để xây dựng nên những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống đương đại thì Lưu Sơn Minh, Phạm Hải Vân, Võ Thị Hảo và nhiều tác giả khác đã bằng hình thức huyền thoại hóa để mở ra “không gian cảm nhận mới lạ” cho người đọc. Sự tiếp nối, liên tưởng với những nét mờ nhoè, sự pha trộn đan cài giữa hư và thực, sự vận động của dòng mạch truyện kể nhiều khi “không tuân theo quy luật tư duy và lý trí” đã kích thích khả năng khám phá của người đọc với tư cách là chủ thể tiếp nhận.

Việc sử dụng bút pháp huyền thoại xuất hiện nhiều trong văn học những thập kỷ gần đây xuất phát từ một thực tế mặc dù những tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã giúp cho con người có khả năng lý giải được nhiều vấn đề của đời sống nhưng không phải bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể tìm ra những ẩn số cuối cùng. Vì thế, việc khám phá những phần khuất lấp trong con người, trong đời sống tâm linh đang là vấn đề đặt ra với nhiều người viết. Ở đây, không phải là chiều theo thị hiếu, dù rằng với những phạm trù khó nắm bắt như thế giới tâm linh, con người luôn có hứng thú tìm hiểu mà chính là ở ý thức nội tại của chủ thể sáng tạo, ở ý thức “đoạn tuyệt với quán tính viết”, mở rộng đường biên của hiện thực.

Với việc sử dụng bút pháp huyền thoại, các tác giả truyện ngắn thời kỳ này đã cho thấy những cách tân trong kỹ thuật tự sự: từ chỗ tả thực nặng về “nệ thực” đến việc sử dụng yếu tố kỳ ảo như một thủ pháp nương vào sự đa nghĩa của hình tượng để chuyển tải ý tưởng và gia tăng biên độ cảm nhận cho người đọc. Các cây bút truyện ngắn đã tận dụng được lợi thế của bút pháp này trong việc khám phá và thể hiện thế giới đa chiều của đời sống. Cũng cần phải nói thêm rằng, thủ pháp kỳ ảo không phải là một phương thức tự sự độc tôn của truyện ngắn mà ở các thể loại văn xuôi nghệ thuật khác, kỳ ảo cũng đã trở thành một đặc trưng trong nghệ thuật tự sự như các tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma), của Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của Chúa), của Chu Lai (Ăn mày dĩ vãng), của Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), của Tạ Duy Anh (Thiên thần sám hối), Châu Diên (Người sông Mê), Nguyễn Bình Phương (Thoạt kỳ thuỷ, Trí nhớ suy tàn), Hồ Anh


Thái (Cõi người rung chuông tận thế, Trong sương hồng hiện ra), Đào Thắng (Dòng sông mía)... Việc sử dụng bút pháp huyền thoại trong các sáng tác thời kỳ này cho thấy những bứt phá khỏi mô thức tự sự truyền thống với sự biến hóa trong cách kể, cách trần thuật đem đến cho người đọc những cách tiếp cận mới. Điều đó cho thấy nỗ lực nhằm xoá bỏ khoảng cách trần thuật, xoá bỏ giới hạn của cái bình thường và cái dị biệt, vượt qua cái nhìn hiện thực truyền thống.

2.2.4.3. Tự sự dòng ý thức


Với ý thức thể hiện thế giới đa chiều của hiện thực và khám phá chiều sâu bí ẩn của con người, nhà văn buộc phải có những cách tân trong lối viết, nhằm “phá vỡ hình thức, tìm một tiếng nói nghệ thuật mới có thể dung chứa nội dung nghệ thuật mới”. Trong những năm chiến tranh, do yêu cầu của việc phản ánh, chuyển tải hiện thực, theo sát các sự kiện đời sống, các nhà văn thường thiên về biểu đạt thế giới hiện thực trong tương quan với đời sống xã hội. Ở đó nhân vật thường được soi chiếu từ bình diện con người công dân, con người mang tâm thức cộng đồng. Thời kỳ đổi mới, với sự mở rộng các bình diện khám phá, sự thay đổi quan niệm về hiện thực, nhà văn thường nhìn nhận con người ở nhiều kiểu dạng: cả con người ý thức và con người vô thức, con người cá nhân với những đặc điểm nhân sinh, tâm lý, tính cách phức tạp. Trước đây hiện thực trong tác phẩm thường được nhìn nhận bằng cảm quan “đại tự sự” thì trong những thập kỷ gần đây, các cây bút có xu hướng khai thác những “tiểu tự sự”. Với cách tiếp cận hiện thực đời sống theo hướng đó, một tác phẩm được triển khai bằng sự vận động của trục sự kiện trong cốt truyện đã tỏ ra không còn hợp lý; kỹ thuật dòng ý thức được các tác giả sử dụng cho phép nhà văn đi sâu vào đời sống bên trong con người, biểu đạt thế giới đời sống theo chiều sâu, biểu đạt thế giới nội tại của con người: “từ hướng ngoại chuyển vào hướng nội”. Cùng với sự dịch chuyển điểm nhìn nghệ thuật là sự thay đổi ngôi kể. Có những truyện ngắn, người viết đã tạo nên sự hòa lẫn của nhiều dòng ý thức bằng việc sử dụng linh hoạt ngôi kể. Trên thế giới, dòng ý thức có thời điểm trở thành một “xu hướng sáng tạo văn học” và đã từng có những đại diện tiêu biểu như Marcel Proust (với Đi tìm thời gian đã mất), James Joyce (với Ulysses). Ở Việt Nam, trước thời kỳ

Xem tất cả 172 trang.

Ngày đăng: 17/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí