truyện ngắn hay không, đây vẫn là những cuốn sách mang tính công cụ quan trọng, giới thiệu những hướng tiếp cận, những phương pháp, thao tác nghiên cứu của lý luận văn học phương Tây để các nhà nghiên cứu truyện ngắn có thể vận dụng. Tuy nhiên, các công trình về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu chuyên biệt về truyện ngắn nhìn chung vẫn còn ít ỏi.
1.1.2. Nghiên cứu tổng quan về truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Để tổng kết, đánh giá một giai đoạn phát triển của nền văn học, cần đến một độ lùi nhất định về thời gian. Tuy vậy, đứng trước sự phát triển đa dạng, phong phú của văn học Việt Nam từ năm 1975 đến nay, một số nhà nghiên cứu, phê bình cũng đã có những công trình bước đầu đưa ra được cái nhìn tổng quan về nền văn học nói chung, đồng thời đánh giá những thành tựu cũng như đặc điểm quá trình vận động của từng thể loại. Trong những công trình này, truyện ngắn Việt Nam sau 1975 đều được đánh giá là có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu đáng kể, với một đội ngũ sáng tác đông đảo, một số lượng lớn tác phẩm đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức, trong đó có những tác giả tác phẩm trở thành tiêu biểu cho văn học hiện đại Việt Nam. Sách Văn học Việt Nam thế kỷ XX đánh giá cao sự khởi sắc của truyện ngắn giai đoạn 1975 – 2000. Trong công trình Truyện ngắn Việt Nam, Lịch sử - Thi pháp – Chân dung, nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ ghi nhận: “Truyện ngắn và tiểu thuyết thời kỳ Đổi mới (1986 – 2006) phát triển hết sức mạnh mẽ. Điều đó hoàn toàn phù hợp với quy luật” [38, tr.369]. Từ việc phân tích các tiền đề khách quan và chủ quan, tác giả khẳng định thành tựu của truyện ngắn giai đoạn này trên các phương diện: đổi mới chủ đề và nội dung phản ánh; tính chất dân chủ trong sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm; đề cao dấu ấn của chủ thể sáng tạo; sự đa dạng về phương pháp sáng tác, phương thức tiếp cận hiện thực và bút pháp nghệ thuật. Năm 1991, Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng “chúng ta đang đứng trước một vụ được mùa truyện ngắn mới. Truyện ngắn đông, nhiều và thật sự có một số truyện ngắn thật hay”, và “truyện ngắn bỗng nổi bật lên hàng đầu” như “một quy luật rất thú vị về sự phát triển của các thể loại văn học” [103, tr.12]. Ông cho rằng truyện
ngắn là thể loại “tiến xa hơn cả” trong đời sống văn học đương đại. Lý Hoài Thu trong bài viết Sự vận động của các thể văn xuôi trong văn học thời kỳ đổi mới cũng khẳng định “Có thể nói rằng, trong văn xuôi, truyện ngắn là thể loại đã khẳng định được vị trí của mình và có tầm ảnh hưởng rộng rãi nhất đối với đời sống văn học thời kỳ đổi mới” [143, tr.182]. Bích Thu nhận định “Chưa bao giờ truyện ngắn lại phát triển phong phú về số lượng lẫn hiệu quả nghệ thuật như hôm nay”. Sự phát triển ấy được tác giả đánh giá là “một hiện tượng mang tính tất yếu không chỉ bởi sự phát triển nội tại của bản thân thân thể loại mà còn do sự tác động của những đổi mới về mọi phương diện của môi trường sáng tạo mới, của sự giao lưu rộng rãi với văn hóa thế giới” [139, tr.34]. Thành tựu của truyện ngắn giai đoạn này được nhà nghiên cứu tổng kết trên ba phương diện chủ yếu: cốt truyện và kết cấu, quan niệm nghệ thuật về con người và nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ. Đề cao truyện ngắn như một thể loại mạnh của nền văn xuôi hiện đại nước nhà, Nguyễn Thị Bình cho rằng: “Với truyện ngắn, văn học Việt Nam đang tiệm cận văn học đương đại thế giới ở tư duy thể loại” [89, tr.278].
Làm nên sự “lên ngôi”, “thăng hoa”, sự phát triển mạnh mẽ đó của truyện ngắn, theo các nhà nghiên cứu, là nhờ một đội ngũ sáng tác hùng hậu: “Truyện ngắn đã và đang là trung tâm thu hút sức sáng tạo của các thế hệ cầm bút, là thể loại sở trường của nhiều nhà văn, người đến trước, kẻ đến sau, tập hợp thành một lực lượng hùng hậu” [139, tr. 34]. Phan Cự Đệ đã làm một thống kê về đội ngũ những người viết truyện ngắn theo không gian, bao gồm những cây bút truyện ngắn miền xuôi, những nhà văn dân tộc thiểu số, và các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại. Bùi Việt Thắng lại có cái nhìn lịch sử khi ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ sáng tác văn xuôi theo từng thế hệ: thế hệ trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp và hòa bình (1954), thế hệ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, thế hệ xuất hiện sau 1975, và “một thế hệ mới với nhiều tiềm năng sáng tác” xuất hiện từ thời kỳ đổi mới. Trong sự trưởng thành của lực lượng sáng tác, các nhà nghiên cứu đã thống nhất thừa nhận có một phần đóng góp đáng kể từ các giải thưởng văn học do Hội Nhà văn Việt Nam, một số tờ báo, tạp chí như Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ… khởi
xướng. Một hiện tượng đáng chú ý về đội ngũ tác giả truyện ngắn giai đoạn này được nhiều nhà nghiên cứu đề cập, đó là sự nở rộ của các cây bút nữ. Sự xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng thành công của các tác giả nữ được Phương Lựu đánh giá là “một hiện tượng tốt đẹp, đánh dấu một phương diện phát triển của văn học thế kỷ này trên đất nước ta”, khiến ông nhận thấy “Đã đến lúc, trên bình diện lý thuyết, phải đặt vấn đề tìm hiểu những đặc điểm của nữ văn sĩ, với tất cả mặt mạnh yếu của nó, để góp phần nhỏ thúc đẩy việc bồi dưỡng và phát triển lực lượng sáng tác của nửa phần dân tộc và nhân loại này” [96, tr. 66]. Thậm chí một số nhà nghiên cứu đã sử dụng những cụm từ “gương mặt nữ”, “âm hưởng nữ quyền” để phác họa diện mạo văn học Việt Nam đương đại.
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 1
- Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 2
- Nghiên Cứu Thành Tựu Đổi Mới Nghệ Thuật Truyện Ngắn
- Các Kiểu Truyện Tiếp Tục Những Khuynh Hướng Vận Động Trước Năm 1975
- Tình Huống Và Kết Cấu Truyện Ngắn Việt Nam Sau 1975
Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.
Việc xác định các khuynh hướng nội dung chính trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm và tiến hành từ những góc tiếp cận khác nhau. Căn cứ vào chủ đề và cảm hứng, Nguyễn Thị Bình nhận thấy văn xuôi, trong đó có truyện ngắn, giai đoạn này nổi bật ba khuynh hướng: “khuynh hướng nhận thức lại hiện thực”, “khuynh hướng đạo đức – thế sự” và “khuynh hướng triết luận”. Nguyễn Văn Long nói đến bốn khuynh hướng của văn xuôi giai đoạn này là “khuynh hướng sử thi”, “khuynh hướng nhận thức lại”, “khuynh hướng thế sự - đời tư” và “khuynh hướng triết luận”, tuy nhiên, “khuynh hướng sử thi” được ông khái quát chủ yếu từ các tác phẩm tiểu thuyết. Bích Thu xác định Những dấu hiệu đổi mới của văn xuôi từ sau 1975 qua hệ thống mô típ chủ đề, bao gồm “chủ đề thiện ác”, “chủ đề sám hối”, “chủ đề cô đơn”…
Ngoài việc khái quát sự vận động của các khuynh hướng, một số công trình cũng đã đi vào phân tích một số đề tài, chủ đề, khuynh hướng cảm hứng cụ thể trong truyện ngắn sau 1975. Nếu như trong các giáo trình văn học Việt Nam sau 1975, trong khi khái quát về sự vận động của văn xuôi, thường phân chia các khuynh hướng chính dựa trên đề tài, chủ đề của các sáng tác, thì trên các báo và tạp chí cũng xuất hiện nhiều bài viết đi vào phân tích sự thể hiện của từng đề tài, chủ đề, cảm hứng trong văn xuôi và truyện ngắn sau năm 1975. Đề tài chiến tranh trong truyện ngắn được tìm hiểu trong các bài viết của Tôn Phương Lan (Từ một góc nhìn
về sự vận động của truyện ngắn chiến tranh), Lê Dục Tú (Truyện ngắn đương đại về đề tài chiến tranh – những đổi mới trong tư duy thể loại). Truyện ngắn và văn xuôi nói chung viết về đề tài dân tộc và miền núi được nghiên cứu công phu, có hệ thống trong luận án của Phạm Duy Nghĩa: Văn xuôi Việt Nam hiện đại về dân tộc và miền núi. Phạm Xuân Thạch bàn về đề tài lịch sử trong các tác phẩm tự sự đương đại qua bài viết Quá trình hóa hư cấu. Tự sự đương đại Việt Nam về đề tài lịch sử giữa truyền thống và hiện đại. Trần Cương chú ý đến Văn xuôi viết về nông thôn từ nửa sau những năm 80. Nhiều bài viết đề cập đến các đề tài tình yêu, gia đình, dục tính… trong truyện ngắn. Các chủ đề của truyện ngắn như sám hối, nhận thức lại thực tại, cô đơn cũng được tìm hiểu trong một số bài viết.
Về các chặng đường vận động, phát triển của truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975, các tác giả đều khẳng định từ sau 1975, truyện ngắn đã có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước đó, song bước phát triển vượt bậc được tính từ thời kỳ đổi mới (1986 tới nay). Bùi Việt Thắng chia sự phát triển của thể loại này thành hai “khúc”: khúc vượt qua quán tính (1975 – 1985) và khúc đổi mới (từ 1986 tới nay). Nguyễn Thị Bình cũng mô tả các chặng đường vận động của văn xuôi giai đoạn này qua hai chặng: những năm từ 1975 đến 1985 là “chặng đường “khởi động” chuẩn bị cho cao trào đổi mới”, còn từ 1986 là thời kỳ “đổi mới văn xuôi đạt đến cao trào sau đó lắng lại”. Nguyễn Văn Long lại cho rằng “Nằm trong sự vận động chung của cả nền văn học, văn xuôi sau 1975, trên đại thể cũng đã đi qua ba chặng đường: từ 1975 đến 1985, 1986 đến đầu những năm 90, và từ giữa những năm 90 đến nay” [90, tr.48].
Đáng chú ý trong các công trình nghiên cứu tổng quan về truyện ngắn Việt Nam đương đại là luận án tiến sĩ Truyện ngắn Việt Nam sau 1986 – nhìn từ góc độ thể loại của tác giả Lê Thị Hương Thủy, bảo vệ tại Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam năm 2013. Ngoài chương Tổng quan về tình hình nghiên cứu, ba chương sau của luận án đi vào khảo sát và phân tích các vấn đề: Truyện ngắn – quan niệm và sự đổi mới tư duy thể loại, Các dạng thức xây dựng nhân vật và tổ chức kết cấu văn bản truyện ngắn, Ngôn ngữ và điểm nhìn trần
thuật. Theo tác giả luận án, từ sự thay đổi theo hướng ngày càng uyển chuyển của tư duy thể loại, “truyện ngắn Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đã có những biến đổi sâu sắc trên phương diện nghệ thuật xây dựng nhân vật, tổ chức văn bản truyện ngắn”, “truyện ngắn Việt Nam đương đại cũng đã có những thay đổi đáng kể từ góc độ ngôn ngữ và phương thức tổ chức trần thuật” [148, tr.147]. Những thành tựu của truyện ngắn Việt Nam thời kỳ đổi mới từ góc độ thể loại đã được tác giả phân tích với những minh chứng cụ thể. Tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày trong phần Mở đầu, quá trình đổi mới tư duy, quan niệm thẩm mỹ và thi pháp thể loại trong truyện ngắn, không cần đợi đến năm 1986, mà đã bắt đầu và xác lập được một số thành tựu ngay sau năm 1975, tiêu biểu là nhiều sáng tác quan trọng của Nguyễn Minh Châu. Luận án của chúng tôi, bên cạnh việc lấy năm 1975 làm lát cắt cho việc phân kỳ quá trình phát triển của thể loại – cũng tức là nới rộng đối tượng và phạm vi nghiên cứu, sẽ có những cách thức triển khai, lựa chọn tư liệu và kiến giải vấn đề của mình, để vừa kế thừa những kết quả nghiên cứu của công trình kể trên, vừa góp phần tạo nên một cái nhìn khái quát về đối tượng nghiên cứu từ góc độ thể loại.
1.1.3. Nghiên cứu các hệ vấn đề trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Bên cạnh các công trình nghiên cứu tổng quan về truyện ngắn Việt Nam sau 1975 để đánh giá thành tựu, lý giải các tiền đề, nguyên nhân của sự phát triển, phân chia các khuynh hướng, kiểu loại, các chặng đường phát triển và giới thiệu những tên tuổi tiêu biểu cho thể loại trong giai đoạn này như chúng tôi vừa kể trên, đã có những công trình đi vào tìm hiểu một khía cạnh, một phương diện, một vấn đề cụ thể nào đó của truyện ngắn sau 1975. Có thể kể đến những công trình nghiên cứu thành tựu và phong cách của các tác giả hay nhóm tác giả tiêu biểu; nghiên cứu các đề tài, chủ đề, khuynh hướng cảm hứng của truyện ngắn giai đoạn này; nghiên cứu thành tựu đổi mới nghệ thuật truyện ngắn giai đoạn này; nghiên cứu các kiểu truyện ngắn cụ thể; và nghiên cứu sự tương tác của truyện ngắn với các thể loại khác trong giai đoạn này.
1.1.3.1. Nghiên cứu thành tựu và phong cách của các tác giả, nhóm tác giả tiêu biểu
Sự phát triển mạnh mẽ của truyện ngắn Việt Nam sau 1975 là thành quả của một đội ngũ hùng hậu các nhà văn ở nhiều thế hệ, nhiều vùng miền, đa dạng về phong cách, bút pháp. Trong đội ngũ đó, có những tác giả mà sáng tác của họ đặt ra những vấn đề tiêu biểu cho sự vận động của thể loại trong giai đoạn này. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đã đi sâu tìm hiểu quan điểm sáng tác, thế giới nghệ thuật và phong cách của những tác giả tiêu biểu đó. Các nhà văn từ Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Y Ban, Vò Thị Hảo, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Sương Nguyệt Minh đến Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa… cùng với thành tựu truyện ngắn của mình, đều đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều chuyên luận, bài viết, luận án, luận văn. Đặc biệt, trong số đó, Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Huy Thiệp là những tác giả từng thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng và giới nghiên cứu, phê bình. Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 đã tạo nên một cuộc thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến đa dạng, phức tạp. Tôn Phương Lan, Lại Nguyên Ân khi biên soạn cuốn Nguyễn Minh Châu – con người và tác phẩm đã nhận xét: “Các truyện ngắn từ đầu những năm 80 dường như trình diện một Nguyễn Minh Châu khác trước. Những sáng tác này lại trở thành một trong những tiêu điểm chú ý của dư luận. Bắt đầu xuất hiện những cách hiểu khác nhau. Ấy là chưa kể đến loại dư luận không thành văn” [78, tr.158]. Theo thống kê của Tôn Phương Lan, từ 1976 đến 1991 có tới 82 bài viết bàn về Nguyễn Minh Châu được đăng tải trên các báo, tạp chí, trong đó phần lớn là các bài viết về truyện ngắn của ông. Năm 1999, một chuyên luận công phu của Tôn Phương Lan ra đời mang tên Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu. Năm 2001, Mai Hương tuyển chọn và biên soạn 59 bài viết trong sách Nguyễn Minh Châu tài năng và sáng tạo nghệ thuật, trong đó bộ phận truyện ngắn sau 1975 của ông được bàn luận, nghiên cứu từ nhiều góc độ. Các phương diện cụ thể về truyện ngắn Nguyễn Minh Châu như quan niệm nghệ thuật về con người, thế giới nhân vật, nghệ thuật xây dựng nhân vật, tình huống truyện… cũng được nhiều
luận văn lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu. Bên cạnh Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp với hàng loạt truyện ngắn bắt đầu xuất hiện vào giữa những năm 80 của thế kỷ XX cũng là một hiện tượng văn học phức tạp, gây xôn xao dư luận và tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu, phê bình. Giáo trình Văn học Việt Nam sau 1975 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Từ khoảng giữa năm 1987 đến 1989 đã có khoảng 70 bài viết về sáng tác của nhà văn này. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được dịch ra tiếng Anh, Pháp và nhiều hơn cả là ở các nước châu Âu” [81, tr.122]. Những vấn đề đặt ra trong các truyện ngắn của nhà văn tài năng và phức tạp này tạo ra những luồng dư luận rất đa dạng, thậm chí nhiều ý kiến trái chiều nhau, cả ngợi ca suy tôn lẫn phê phán đều rất mạnh mẽ. Cuốn sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp (2001) do Phạm Xuân Nguyên sưu tầm, biên soạn, với 54 bài viết của giới nghiên cứu, phê bình, sáng tác trong và ngoài nước, đã cho thấy sức nóng, sức hấp dẫn của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đối với văn đàn lúc bấy giờ. Và cho đến nay, truyện ngắn của ông vẫn tiếp tục là đối tượng khảo sát, nghiên cứu của những người quan tâm đến văn học đương đại Việt Nam, và đến thể loại này. Hai tác giả Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Huy Thiệp cũng được các giáo trình, các công trình nghiên cứu về văn học Việt Nam sau 1975 giới thiệu đến người học và công chúng như là hai đại diện tiêu biểu hàng đầu trong thể loại truyện ngắn nói riêng, văn học nói chung giai đoạn này.
Cùng với những công trình nghiên cứu chuyên sâu về các tác giả tiêu biểu, còn có nhiều công trình đi vào khảo sát, phân tích các nhóm tác giả truyện ngắn quan trọng theo những tiêu chí lựa chọn nhất định. Luận án tiến sĩ của Nguyễn Thị Bích đi vào nghiên cứu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 (Qua truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng). Theo tác giả luận án, ba nhà văn được lựa chọn là “những đại biểu tinh anh của phong trào đổi mới văn học sau 1975. Họ là những cây bút trưởng thành trong chiến tranh và trở về từ chiến tranh nhưng trong bối cảnh đổi mới, họ vẫn là những tác giả có nhiều bạn đọc” [20, tr.3]. Lựa chọn hướng tiếp cận từ tự sự học, luận án đã phân
tích đặc điểm sáng tác của ba tác giả này trên các phương diện: ngôi kể, điểm nhìn và giọng điệu trần thuật, để thấy được sự chuyển động của thể loại truyện ngắn trong hành trình của các nhà văn tiêu biểu thế hệ “3X”.
Thành tựu, hạn chế, những đặc điểm trong sáng tác của một loạt nhà văn nữ cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình. Cuối năm 1996, Phương Lựu thuật lại: “Chỉ trong mấy tháng cuối năm 92 đầu 93, nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu đã liên tiếp viết về sáng tác của Nguyễn Thị Ấm, Vò Thị Hảo, Vò Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ v.v… Rồi Tạp chí Văn học số 6 năm nay đã công bố nội dung buổi tọa đàm Phụ nữ và sáng tác văn chương của một số nhà phê bình như Văn Tâm, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên, với một số nhà thơ nhà văn như Ngô Thế Oanh, Đặng Minh Châu, trong đó có cả các cây bút nữ, phê bình lẫn sáng tác: Đặng Anh Đào, Lê Minh Khuê, Vò Thị Hảo v.v…” [96, tr. 66]. Bích Thu viết về Văn xuôi của phái đẹp trên Tạp chí Sông Hương, số 3
– 2001. Rất nhiều tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn nữ đã ra đời. Bùi Việt Thắng tuyển chọn, biên soạn nhiều tuyển tập truyện ngắn của các tác giả nữ như Truyện ngắn bốn cây bút nữ, Mùa thu vàng rực rỡ, Có một thời yêu, và ở mỗi tuyển tập, ông đều có những bài giới thiệu khái quát về thành tựu, đặc điểm của truyện ngắn các nhà văn nữ. Theo ông, “Thực tiễn văn học, đặc biệt trong lĩnh vực truyện ngắn, những cây bút nữ đã góp phần quan trọng làm cho văn đàn sôi nóng lên, hấp dẫn hơn nhờ vào sự đa hương sắc của tác phẩm”. Gần đây, lý thuyết Nữ quyền được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình từng bước áp dụng để tìm hiểu truyện ngắn của các nhà văn nữ. Cuối năm 2012, Viện Văn học tổ chức tọa đàm Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại. Gần 30 tham luận của tọa đàm đã đề cập và phân tích một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn sáng tác của các cây bút nữ trong văn học đương đại, trong đó có bộ phận quan trọng là truyện ngắn. Bên cạnh việc khẳng định đóng góp của các nhà văn nữ vào đời sống văn học, một số tham luận đã đề cập đến “vấn đề nữ quyền”, đề xuất việc áp dụng lý thuyết nữ quyền trong nghiên cứu bộ phận sáng tác này.