Nhân Vật Truyện Ngắn Việt Nam Sau 1975


hoàn chỉnh, toàn vẹn nhất. Trên một phương diện khác, mở đầu và đoạn kết là những thành tố cho thấy rò nhất tính thống nhất (unity) cao độ của truyện ngắn như một đặc trưng thể loại, khiến người đọc cảm nhận được “chủ âm” và ý đồ nghệ thuật xuyên suốt từ đầu chí cuối truyện. Vì vậy, đây là những chìa khoá quan trọng trong cấu trúc tác phẩm truyện ngắn.


Tiểu kết chương 2:

Nhìn một cách khái quát, việc xây dựng tình huống trong truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 diễn ra theo khuynh hướng ngày càng gắn bó với đời tư, thế sự. Có ba kiểu tình huống chính là tình huống nhận thức, tình huống hành động và tình huống tâm trạng gắn với những cách xử lý tình huống khác nhau, cho thấy khả năng quan sát và tái hiện hiện thực trong tính đa dạng, phức tạp của các nhà văn. Truyện ngắn Việt giai đoạn này cũng đa dạng, phong phú và dân chủ về kết cấu trên cả hai phương diện: phương thức kết cấu và các thành tố kết cấu. Có một số phương thức chủ yếu trong kết cấu tác phẩm là kết cấu theo lôgic nhân quả, kết cấu đa tầng, kết cấu lắp ghép và kết cấu liên hoàn. Các thành tố bổ trợ kết cấu như nhan đề, mở đầu, đoạn kết đều góp phần đắc lực vào việc xây dựng một tác phẩm chặt chẽ, lôgic và hấp dẫn từ dòng đầu tiên đến dòng cuối cùng, góp phần hiện đại hóa, dân chủ hóa thể loại truyện ngắn.


CHƯƠNG 3: NHÂN VẬT TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU 1975


Nguyễn Minh Châu khi đưa ra quan niệm của mình về văn học từng phát biểu: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm – mà tâm điểm là con người”, và tình yêu cuộc sống, tình yêu thương con người của người nghệ sĩ “vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người chung quanh mình” [26, tr.111]. Vấn đề trung tâm, đối tượng trung tâm của văn học là con người, và vì vậy, sự biểu hiện con người trong tác phẩm là một trong những phương diện quan trọng bậc nhất đối với văn học. Cũng chính vì thế, nhân vật là một khái niệm cơ bản, thiết yếu, không thể bỏ qua trong nghiên cứu văn học.

Nhân vật văn học là sự khúc xạ hình ảnh về con người trong thế giới nghệ thuật của tác giả, cho thấy cái nhìn, quan niệm, lý tưởng của tác giả về con người và về cách thức mà văn học nghệ thuật giải quyết những vấn đề của nhân sinh. Dù được xây dựng dựa trên một nguyên mẫu có thật ngoài đời, dựa trên một phần sự thật hoặc hư cấu toàn bộ, nhân vật văn học thường tạo cho người đọc niềm tin về tính chân thật hoặc tính đại diện, tiêu biểu của nó cho một kiểu người, lớp người nào đó trong xã hội. Mặc dù vậy, nhân vật không được đồng nhất với con người có thật, mà luôn là một đơn vị nghệ thuật có tính ước lệ trong tác phẩm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.

Mỗi thể loại văn học có đặc trưng và ưu thế riêng trong việc xây dựng nhân vật. Nếu như trong thơ, nhân vật trực tiếp giãi bày thế giới cảm xúc, tâm trạng, tình cảm; nhân vật kịch được xây dựng dựa trên những hành động có tính ước lệ chứa đựng xung đột, mâu thuẫn; thì các tác phẩm tự sự là nơi để nhân vật hiện lên qua những câu chuyện với diễn biến cụ thể, sinh động. Và ngay trong chính tự sự thì truyện ngắn cũng khác với tiểu thuyết trong việc xây dựng nhân vật. Trong khi nhân vật tiểu thuyết có một chiều rộng của không gian và chiều dài của thời gian để


Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 12

“vùng vẫy” thì giới hạn của dung lượng và tính súc tích của sự thể hiện khiến cho truyện ngắn phải khai thác nhân vật ở chiều sâu, như Todorov từng ví von một cách thú vị: “Người ta sẽ so sánh tiểu thuyết với một chuyến đi dài qua nhiều địa điểm khác nhau, nó giả thiết một chuyến quay về yên bình; còn truyện ngắn với một chuyến leo lên một quả đồi có mục đích là mang lại cho chúng ta một cái nhìn từ trên cao”. Hiệu quả của “cái nhìn từ trên cao” đó phụ thuộc rất nhiều vào tầm khái quát, tiêu biểu của “quả đồi” mà nhà văn lựa chọn làm điểm đứng. Nhiều nhà văn đã nói về vai trò của tình huống, về cái “mô măng”, “cái chốc lát” trong truyện ngắn

– đó chính là khoảnh khắc quan trọng nhất, chói sáng nhất, là đỉnh cao nhất để nhân vật bộc lộ phẩm chất, tính cách của mình, là nơi mà người đọc sẽ có được cái nhìn thấu thị “từ trên cao” để soi rọi toàn bộ hiện thực được đề cập đến trong tác phẩm. Truyện ngắn không chú trọng việc tái hiện toàn vẹn tiến trình, dòng chảy của cuộc đời nhân vật, mà bóc tách một mảng, một giai đoạn của tiến trình đó để biểu hiện, và vì vậy, những tình tiết, sự kiện, chi tiết được lựa chọn phải thật sự tiêu biểu, phải cô đặc được nhiều nhất những điều cần hàm chứa về cuộc đời và tính cách nhân vật.

Trong chương này, luận án, dựa trên những quan sát có tính loại hình, sẽ phân tích những kiểu nhân vật chủ đạo trong truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975, từ đó chỉ ra những đặc điểm cơ bản trong phương thức xây dựng nhân vật truyện ngắn của các nhà văn giai đoạn này, những điểm mới trong tư duy nghệ thuật và sự thể hiện con người so với truyện ngắn giai đoạn trước.


3.1. CÁC KIỂU NHÂN VẬT CHỦ ĐẠO


Đứng trước một hệ thống nhân vật, những cách tiếp cận khác nhau sẽ đem đến những hệ quy chiếu khác nhau, từ đó tạo ra những cách phân chia khác nhau. Nếu xét trên tầm quan trọng của nhân vật trong tiến trình phát triển của cốt truyện, có thể phân chia thành nhân vật chính và nhân vật phụ. Từ góc nhìn về đặc điểm nhân cách – đạo đức của nhân vật, có thể có nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Nếu quan sát từ vị trí của nhân vật trong hiện thực của tác phẩm, có thể kể tới các loại nhân vật: quan sát hiện thực, chủ nhân của hiện thực và nạn nhân của hiện


thực. Nhân vật chân dung, nhân vật hành động và nhân vật tâm lý là những kiểu nhân vật được phân chia dựa trên phương diện chủ đạo mà nhà văn tạo dựng nhân vật trong tác phẩm. Một số công trình lý luận văn học đề xuất các khái niệm nhân vật loại hình, nhân vật chức năng, nhân vật tư tưởng, nhân vật tính cách… Theo quan sát của chúng tôi, nếu như truyện ngắn Việt Nam trước năm 1975 thường chú trọng thể hiện các đặc điểm nhân cách, đạo đức để người đọc có ấn tượng rò rệt về việc nhân vật trong tác phẩm thuộc loại nhân vật chính diện hay nhân vật phản diện (mà biểu hiện cụ thể là lương thiện hay bất lương/ nhân hậu hay tàn ác/ cao thượng hay thấp hèn/ trung thành hay phản bội/ kiên cường bất khuất hay yếu mềm hèn nhát…), thì truyện ngắn sau năm 1975, về cơ bản, từ chối sự đối lập siêu hình giữa các phương diện trên trong việc thể hiện con người. Con người trong truyện ngắn nói riêng, văn học nói chung, giai đoạn này, thường hiện lên trong sự đa dạng, phức tạp của tính cách, sự đan xen của nhiều phẩm chất và phạm trù thẩm mỹ. Vì thế, sẽ khó có một hệ quy chiếu nào khả dĩ bao quát hết các kiểu nhân vật với đầy đủ những đặc điểm đa dạng, phong phú ấy. Trong luận án này, xuất phát từ phương diện chủ đạo của nhân vật được nhà văn xây dựng, chúng tôi nhận thấy có hai kiểu nhân vật chính: nhân vật tư tưởng và nhân vật tính cách – số phận, và ở kiểu nhân vật thứ hai, sẽ có nhiều nhóm nhân vật cụ thể được phân tích.

Con người đứng ở vị trí nào, giữ vai trò như thế nào đối với hoàn cảnh? Đó là một câu hỏi muôn thuở đối với văn chương. Trong văn học kháng chiến, câu hỏi ấy thường được trả lời bằng việc giải quyết mối quan hệ giữa nhân vật với những vấn đề chung của cộng đồng. Bước sang thời kỳ hậu chiến, lời giải cho câu hỏi trên trở nên đa dạng hơn, gắn với những mối quan hệ phong phú, phức tạp hơn của hiện thực. Theo quan sát của chúng tôi, trong truyện ngắn giai đoạn này, có nhiều nhân vật đứng từ một vị trí khách quan giả định để quan sát, suy ngẫm về đời sống (nhân vật tư tưởng), và có những nhân vật, thông qua những trải nghiệm cụ thể, cho thấy rất rò số phận, tính cách, vị trí của mình trong cuộc đời, đó là những nhân vật tính cách – số phận, với những kiểu cụ thể là: nhân vật làm chủ hoàn cảnh (nhân vật tự chủ), nhân vật lạc lòng, không tìm thấy vị trí của mình trong xã hội và rơi vào bi


kịch (nhân vật bi kịch) và nhân vật bị lệ thuộc vào hoàn cảnh, thậm chí bị hoàn cảnh làm cho tha hóa (nhân vật tha hóa). Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích những đặc điểm cơ bản của từng kiểu nói trên.


3.1.1. Nhân vật tư tưởng


Nhân vật tư tưởng là loại nhân vật quan sát, suy ngẫm, triết lý về đời sống từ một vị trí khách quan giả định. Nói khách quan giả định là bởi thực chất những phát ngôn của loại nhân vật này là hết sức chủ quan, nhưng nhà văn cố tình tạo ra ấn tượng về sự khách quan bằng cách để cho nhân vật đứng ngoài diễn biến của câu chuyện chính. Nói cách khác, đây là những nhân chứng của câu chuyện trung tâm về đời sống được kể trong tác phẩm. Nhân vật cô gái được tác giả Phan Thị Vàng Anh gọi là “nó” trong suốt truyện ngắn Kịch câm vô tình có được trong tay bí mật về việc ngoại tình của cha mình đã coi đó như một tấm “giấy thông hành” cho tự do sinh hoạt của mình bằng cách im lặng giơ mẩu giấy chứa đựng bí mật đó ra trước mặt cha như một thách thức, một sự mặc cả, và từ đó cô lầm lũi chứng kiến sự bình yên giả tạo, hòa thuận giả tạo diễn ra trong gia đình mình, cô phân tích mọi sự việc bằng con mắt lạnh lùng, bình thản. Từ những quan sát đó, cô buồn rầu nhận ra rằng mẹ mình yêu bố nhất, rằng tình yêu của mẹ với bố thật lớn lao, lớn hơn cả tình yêu với chị em cô, và mẹ yêu chị em cô chẳng qua chỉ vì chúng là sản phẩm của bố. Nhận thức ấy khiến cho cô bé trở nên quá già dặn và từng trải, và càng ngày trong cô tình yêu với gia đình càng bị rạn vỡ. Chỉ một mẩu giấy bé xíu mang đi tất cả niềm tin và lòng kính trọng của một đứa con đối với cha mình. Chỉ một ánh mắt thách thức trong im lặng khiến một cô bé vô tư nghịch ngợm trở thành một con người trĩu nặng suy tư, đầy nghi ngờ và toan tính. Khi lòng thủy chung và chân thành biến mất, sự gắn kết tình yêu thương giữa con người với nhau như sợi chỉ mỏng manh vụt đứt, cuộc sống trở thành một màn kịch, một vở kịch câm - tưởng như yên bình mà hàm chứa biết bao xung đột và sóng gió.

Nhân vật tư tưởng có khi chỉ nêu lên những quan sát của mình để người đọc tự suy ngẫm kiểu như nhân vật “nó” trong Kịch câm, nhưng cũng có khi hiện lên


qua diễn biến tâm lý, qua những suy nghĩ, quan niệm của mình về cuộc sống. Ông Diểu trong Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp là một nhân vật như vậy. Diễn biến tâm trạng và hành động của ông trong một ngày mùa xuân vào rừng đi săn cho thấy rất rò thông điệp nghệ thuật của tác giả. Ban đầu ông “không nghĩ gì không buồn không vui, không lo lắng, cũng không tính toán” với tư thế ngồi yên chờ con mồi đến, rồi khi con vật như mong đợi xuất hiện, trong ông bừng lên sự thích thú, ham muốn và bao âm mưu, toan tính lạnh lùng, vô cảm, khắc nghiệt của một tay săn mồi. Khi con khỉ cái che đạn cho con đực, “Ông Diểu tức giận giương súng. Hành động hy sinh thân mình của con khỉ cái làm ông căm ghét”. Lúc này với tư cách một tay súng khát máu, một nỗi thèm khát cực độ được chiếm lĩnh con mồi, ông cay cú vì thứ tình cảm thiêng liêng và hồn nhiên của hai con vật hoang dã bởi trước “lòng thủy chung và tận tụy” của con khỉ cái, ông trở nên hết sức lố bịch và yếu hèn. Nhưng chính sự “cay cú” đó khiến ông không chỉ là một thợ săn, không phải là một loài động vật mang trong tay sức mạnh và vũ khí để truy đuổi và giết chóc những loài khác trong thiên nhiên, mà còn là, vẫn là, một con người biết rung động, biết hổ thẹn trước vẻ đẹp của tình yêu thương, tự ý thức được cái tư thế trớ trêu của mình. “Nó mà biết mình là người thì hỏng việc” là một ý nghĩ thật sắc sảo, nó xóa đi tất cả xác tín và niềm kiêu hãnh của nhân loại trước thiên nhiên hoang dã. Hình ảnh ông Diểu trong tư thế trần truồng vác con khỉ đực khổng lồ bị thương đi giữa rừng xuân tưởng như nực cười và nhố nhăng nhưng lại vô cùng ý nghĩa, xúc động. Không còn là một con người trước một con vật, ông và con khỉ đáng thương trở nên hoàn toàn bình đẳng với nhau – mạnh mẽ như nhau và yếu đuối như nhau trong cánh rừng hoang vắng. Và rồi lòng nhân đạo, tự trọng đã chiến thắng ham muốn săn mồi. Sự kiên trì, bền bỉ của con khỉ cái đã cảm hóa ông Diểu, khiến ông “buồn tê tái đến tận đáy lòng” nhận ra: “Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề”, để rồi sau đó quyết định phóng sinh cho con vật. Xâu chuỗi những ý nghĩ, tâm trạng và phát ngôn của ông trong tiến trình câu chuyện, ta thấy được chiều sâu và vẻ đẹp trong triết lý nhân sinh của tác phẩm: khi con người hòa hợp với thiên nhiên, khi con người biết sống trong tình yêu thương và bằng tình yêu thương, khi


đó cuộc sống thăng hoa. Cho nên, nếu vào đầu truyện, tác giả miêu tả một bức tranh thiên nhiên mùa xuân sáng láng và rực rỡ khiến cho con người có thể rũ sạch “tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày”, thì kết thúc lại là hình ảnh:

Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.

Cuộc sống sẽ mãi mãi thanh bình và yên vui nếu loài người có thể vượt qua và chiến thắng ham muốn, thù hận bằng tình yêu và sự khoan hòa. Trong câu chuyện giàu ý nghĩa nhân văn trên, nhà văn đã lôi cuốn và thuyết phục người đọc bằng một lối kể chuyện không hề cầu kỳ hoa mỹ mà hết sức giản dị và trong sáng. Trong truyện, ông Diểu là con người duy nhất, là nhân vật chính của sườn cốt truyện, nhưng những ý nghĩ và hành động của ông lại xuất phát, lại bị chi phối bởi một câu chuyện khác mà ông là người chứng kiến – câu chuyện về tình yêu thương của những con vật hoang dã. Cho nên, xét đến cùng, đây là loại nhân vật quan sát và suy ngẫm về đời sống, và chính những phát ngôn, suy ngẫm của nhân vật đã đưa người đọc đến gần nhất với thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm.

Bên cạnh những nhân vật chiêm nghiệm hiện thực được xây dựng từ ngôi thứ ba – tức là được kể lại thông qua lời kể của một người kể chuyện hàm ẩn với cái nhìn toàn tri, nhiều nhân vật tư tưởng hiện diện trong tác phẩm như một chủ thể của việc kể chuyện, với điểm nhìn bên trong. Tuy là một bộ phận của câu chuyện, nhưng những nhân vật này được người đọc quan tâm không phải với tư cách là nhân tố chính thúc đẩy tiến trình của cốt truyện, mà chủ yếu như những chứng nhân trực tiếp phát ngôn những suy tư, bình giá, triết lý của mình về câu chuyện họ chứng kiến. Nhân vật “tôi” trong Nợ đời của Ma Văn Kháng tham gia vào câu chuyện một cách hết sức tình cờ khi được ông Lực cho cặp vé xem vở kịch Hoa Tàn của Quang Nhã (mà đáng lẽ cặp vé đó phải đến tay ông tổng giám đốc công ti biểu diễn), và rồi bị những cảm xúc thăng hoa của vở kịch và ấn tượng mạnh mẽ về những éo le trong


hoàn cảnh, số phận của Quang Nhã và tình yêu mãnh liệt mà người vợ xinh đẹp dành cho nhà soạn kịch ám ảnh. Để rồi ở cuối tác phẩm, trở về sau mấy năm đi công tác nước ngoài, khi biết được những chuyện diễn ra đằng sau sự thành công, nổi tiếng của Quang Nhã qua lời kể của lão Lực, “tôi” đã trở thành một “triết gia” về thế sự:

Tôi vẫn ngồi trong bóng tối của những suy luận mu mơ. Không thể tin được mọi lời kể của lão Lực. Người phụ nữ đẹp thường gây ra những ảo giác cho những kẻ si tình. Vả chăng, chả lẽ câu chuyện lại hóa ra đơn giản vậy! Ông Quyền lại vốn không phải là kẻ giăng hoa. Một xã hội trong đó số phận của tài năng lại tùy thuộc vào lòng tốt của một cá nhân là một xã hội kém phát triển, đó chẳng lẽ lại là xã hội của chúng ta!

Bác bẻ lão Lực, nhưng tôi lại thầm cảm ơn lão. Trong màn đêm suy tưởng, tôi đã nhận ra vẻ đẹp lớn lao toàn vẹn và quyết liệt của tình yêu, của người phụ nữ nọ, với cảm giác mình luôn luôn là kẻ mang nợ nần với cuộc đời này.

Ở đây, “tôi” hiện lên trong vai trò một nhân chứng của câu chuyện, và những đánh giá, bình luận, cảm xúc của anh về những nhân vật khác, về bản chất của tình huống, dường như chính là những trăn trở trước hiện thực mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc.

Tương tự như Nợ đời, trong Vũ điệu địa ngục, Vò Thị Hảo cũng xây dựng nhân vật “tôi” trong vai trò một người quan sát và bình luận về những tình tiết quan trọng trong cuộc đời nhân vật chính Thùy Châu. Những bình luận ấy lúc đầu có thể đánh lạc hướng, khiến người đọc hiểu lầm về nhân cách cô gái trẻ (bởi chính “tôi” đã đoán nhầm), để rồi cuối tác phẩm, cả “tôi”, cả người đọc “ngã ngửa người” trước hành động tuẫn tiết và lá thư tuyệt mệnh đầy nước mắt của Thùy Châu. Vậy là, những nhân vật tư tưởng không chỉ là những người chứng kiến câu chuyện, mà những xúc cảm, nghĩ suy của họ có thể dẫn dắt cách cảm nhận của người đọc, cái nhìn của họ về hiện thực có thể sẽ được lan truyền sang người đọc một cách hết sức

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022