Đổi Mới Kết Cấu Văn Bản Trên Mô Hình Truyền Thống


Khảo sát truyện ngắn Việt Nam đương đại có thể thấy giấc mơ được trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm như một ám ảnh nghệ thuật: Lời hứa của thời gian (Nguyễn Quang Thiều), Con gái thủy thần, Giọt máu, Cún, Những người thợ xẻ, Huyền thoại phố phường, Không có vua; Tâm hồn mẹ (Nguyễn Huy Thiệp); Phiên Chợ Giát (Nguyễn Minh Châu); Vết son, Người đoán mộng giỏi nhất thế gian, Giấc mơ, Tổ khúc bốn mùa (Phạm Thị Hoài); Người sót lại của rừng cười, Biển cứu rỗi, Giọt buồn giáng sinh, Bán cốt, Máu của lá, Đêm bướm ma (Võ Thị Hảo); Người đi tìm giấc mơ, Phù thủy, Ám ảnh (Nguyễn Thị Thu Huệ); Cơn mưa hoa mận trắng (Phạm Duy Nghĩa), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư).

Nếu như trong văn học dân gian, văn học trung đại, giấc mơ xuất hiện gắn liền với chức năng điềm báo, với quan niệm tín ngưỡng dân gian thì giấc mơ trong truyện ngắn Việt Nam đương đại được biểu hiện ở nhiều dạng thức và dù ở dạng thức nào thì nó cũng góp phần tái hiện đời sống thực, là cách thức để nhà văn khám phá những ẩn khuất của con người bên trong. Có giấc mơ xuất hiện như một ám ảnh về quá khứ. Sau chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, với giảng đường đại học nhưng nhân vật Thảo trong Người sót lại của rừng cười luôn bị ám ảnh bởi những giấc mơ của thời thơ bé và giấc mơ tuổi thanh xuân - ký ức về những năm tháng cô và đồng đội sống và chiến đấu ở rừng cười. Giấc mơ với Thảo là những ám ảnh về quá khứ. Ở Vào một đời sống khác - truyện ngắn trong tập truyện mới nhất Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ - lại khai thác vấn đề giấc mơ khá thú vị. Nhân vật Mai phải tìm đến bác sỹ để điều trị căn bệnh đau đầu mà nguyên nhân của nó là những giấc mơ. Ám ảnh triền miên về những gì xảy ra trong giấc mơ hằng đêm khiến cô mắc phải chứng bệnh đau đầu. Bác sỹ cho cô dùng một loại thuốc an thần và sau khi sử dụng thuốc thì những ám ảnh của giấc mơ đã không còn hành hạ cô như trước, chứng bệnh đau đầu cũng được cải thiện. Nhưng sau tất cả, chính Mai đã nhận ra rằng, cuộc sống của cô đã mất đi nhiều ý nghĩa vì chính những giấc mơ là một phần của đời sống trong cô. Cô lại lâm vào trạng thái trống rỗng.


Đáng chú ý trong truyện ngắn Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu là việc đi vào cõi vô thức của nhân vật với việc sử dụng mô típ giấc mơ, sự đan bện chồng xếp của các giấc mơ :

- Ngay từ đầu truyện, nhân vật chính – lão Khúng đã mơ thấy hình ảnh bò khoang bị sát hại, rồi tiếp sau lão mơ thấy ông Bời, bí thư huyện ủy.

- Mơ thấy hình ảnh bò khoang bị giáng một đòn chí tử và lần này người sát hại không ai khác lại chính là lão Khúng.

- Lại mơ thấy hình ảnh ông Bời bí thư huyện ủy.

- Mơ thấy hình ảnh của cánh rừng xanh thẫm với những con bò hoang dã đi đứng trên vỉa đá cheo leo hoặc bình yên gặm cỏ giữa khoảng rừng bằng ngập nắng.

- Lão lại nằm mơ, nhưng khác với lần trước là chính lão bị đánh bằng búa tạ, chính lão là con bò.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 172 trang tài liệu này.

Việc tái hiện nhiều lần của giấc mơ trong Phiên chợ Giát không đơn thuần là sự biểu hiện một phương diện của đời sống, đi vào cõi vô thức của con người, là phương diện khám phá thế giới nội tâm nhân vật, đào bới chiều sâu bản thể tâm hồn con người mà còn là cách thức để nhà văn tạo dựng cốt truyện độc đáo.

Mô típ giấc mơ vốn đã từng xuất hiện trong văn học từ xưa đến nay nhưng phải đến thời kỳ đổi mới, nó mới được biểu hiện ở nhiều dạng thức. Giấc mơ cũng là cách thức nhà văn thể hiện năng lực sáng tạo, là một cách thức phản ánh thế giới trên tinh thần và cảm quan mới: nhà văn chú ý khai thác những phần ẩn khuất của thế giới tâm linh, con người được khám phá ở nhiều chiều kích. Việc sử dụng giấc mơ như một cách thức biểu đạt hiện thực, biểu đạt trạng thái tâm linh, trạng thái vô thức của con người. Theo quan niệm của Freud, mọi giấc mơ đều có ý nghĩa, “vô thức là những ham muốn hay những biểu hiện bị dồn nén, kiểm duyệt, đó là những bản năng hoạt động theo nguyên tắc khoái cảm. Mặc dù không biểu hiện trực tiếp bằng các hành động thường xuyên, nhưng vô thức ngấm ngầm, chi phối, điều khiển hành vi con người” [52]. Sử dụng hình thức giấc mơ cũng là cách thức để thay đổi bút pháp: từ bút pháp tả thực đến việc sử dụng bút pháp đa dạng, nhiều biến ảo. Ở những truyện ngắn có sử dụng mô típ giấc mơ, nhà văn thường dùng đến thủ pháp dòng ý thức với việc đi sâu miêu tả tâm lý nhân vật. Điều này có ảnh hưởng trong

Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay nhìn từ góc độ thể loại - 13


việc thay đổi nghệ thuật kết cấu truyện ngắn (ở sự đan cài, đồng hiện giữa thực tại và quá khứ, giữa hư và thực, ở tính chất ghép mảnh – một biểu hiện của tư duy nghệ thuật hậu hiện đại từng được nói đến trong đời sống văn học đương đại Việt Nam).

Theo quan niệm truyền thống, nhân vật là yếu tố quyết định sự sống còn của truyện ngắn, là nhân tố quan trọng trong việc cấu thành cốt truyện. Bởi vậy, có nhà văn từng đặt ra mục tiêu là làm thế nào để người đọc nhớ được nhân vật của mình sau khi đọc (Nguyễn Đình Thi). Một bộ phận người viết truyện ngắn hiện nay vẫn duy trì cách thức này, nghĩa là nhân vật vẫn là đường dây nối kết các sự kiện, số phận nhân vật được khắc họa rõ nét và trên thực thế nhiều người đọc vẫn hứng thú với cách viết này. Bên cạnh đó, một bộ phận người viết và người đọc lại không đặt ra yêu cầu khắc họa để có thể ghi nhớ nhân vật trong tác phẩm. Bởi thế, nhà văn có dụng ý làm mờ nhòe nhân vật. Sự cố ý làm mờ nhòe này nằm trong ý thức của người viết hướng tới thể hiện những trạng thái đa dạng của đời sống, một chiều kích mới, một thực tại mới.

3.2. Tổ chức kết cấu văn bản truyện ngắn

3.2.1. Các dạng thức kết cấu

Kết cấu không đơn thuần là phạm trù của hình thức thể loại, không chỉ là sự liên kết bên ngoài (sự liên kết giữa các phân đoạn, các chi tiết, tình huống) mà còn là cả sự liên kết bên trong (thuộc về nội dung) tác phẩm. Quan điểm của nhiều nhà lý luận hiện đại cho rằng: truyện ngắn không đơn thuần là chuyện về một cuộc đời mà là chuyện làm sao để kể một câu chuyện, nhà văn không coi trọng viết cái gì mà coi trọng viết như thế nào, giống như phương Tây coi trọng “cái biểu đạt” hơn “cái được biểu đạt”. Sẽ là cực đoan khi tuyệt đối hóa vai trò của cấu trúc, kết cấu tác phẩm. Điều đó đồng nghĩa với việc xem xét tác phẩm chỉ đơn thuần là một hiện tượng kĩ thuật, điều mà nhiều nhà hình thức Nga đã quan niệm: “hình thức mới không xuất hiện để diễn tả một nội dung mới, mà chỉ thay thế cho hình thức cũ” [114, tr.123]. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, do giới hạn về kích cỡ nên nhà văn càng phải dụng công trong việc tổ chức, thiết tạo văn bản nghệ thuật. Bởi vậy tác phẩm có thể biến hóa năng động và thường không mang tính khuôn định. Mỗi tác phẩm là một cấu trúc, một kết cấu riêng biệt.


Cùng với trào lưu đổi mới văn học, đổi mới tư duy, các cây bút truyện ngắn đương đại đã đem đến cho văn học những góc nhìn và khuôn hình mới. Truyện ngắn trong hơn hai thập niên gần đây bên cạnh khuynh hướng tiếp nối lối viết truyền thống là khuynh hướng nới giãn kết cấu quy phạm truyền thống bằng việc thay đổi phương thức trần thuật, thay đổi mô hình kết cấu định trước mà vẫn đảm bảo tính chỉnh thể nghệ thuật. Với sự mở rộng biên độ sáng tạo, hình thức kết cấu truyện ngắn trở nên đa dạng, dưới đây là một số dạng thức kết cấu trần thuật của truyện ngắn đương đại.

3.2.1.1. Đổi mới kết cấu văn bản trên mô hình truyền thống

Đây là những truyện ngắn triển khai kết cấu dưới các dạng thức: kết cấu theo trình tự thời gian; kết cấu tâm lý; kết cấu theo hình thức nhật ký, thư từ; kết cấu truyện lồng trong truyện. Cần phải nhấn mạnh rằng, sự phân chia truyện ngắn theo hai khuynh hướng đổi mới kết cấu văn bản truyện ngắn trên mô hình truyền thống đổi mới tổ chức kết cấu truyện ngắn theo hướng hiện đại cũng như các dạng thức trong mỗi khuynh hướng là mang tính tương đối vì trong nhiều truyện ngắn có sự tồn tại đan xen nhiều dạng thức.

• Kết cấu theo trình tự thời gian:

Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới chứng kiến sự nở rộ của các phong cách truyện ngắn. Không ít cây bút đã có những cách tân trong lối viết, tuy nhiên, trên thực tế kiểu kết cấu theo trình tự thời gian với sự cố kết chặt chẽ của tuyến sự kiện vẫn được nhiều cây bút kế thừa và phát triển.

Những truyện ngắn được kết cấu theo trình tự thời gian thường thuộc về những truyện ngắn có cốt truyện sự kiện. Loại truyện ngắn này chủ yếu triển khai kết cấu theo trình tự giời gian tuyến tính. Kiểu cốt truyện này thường lấy nhân vật chính làm điểm quy chiếu để hình thành hệ thống sự kiện. Dạng thức kết cấu cốt truyện này có thể bắt gặp trong các tác phẩm Một chiều xa thành phố, Anh lính Tony D, Bi kịch nhỏ, Đồng đô la vĩ đại (Lê Minh Khuê), Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh),… Thực tế thì bên cạnh những độc giả hôm nay thích tìm tòi cái mới, bứt phá khỏi lối viết truyền thống vẫn có những độc giả quen đọc truyện ngắn theo kiểu coi trọng vai trò của cốt truyện sự kiện. Với


họ, sức hấp dẫn của truyện ngắn được viết theo lối đó nằm ở cách tổ chức sắp xếp các sự kiện. Bi kịch nhỏ là một dẫn chứng. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của ông Tuyên và mối tình đầy bi kịch của cô con gái. Ở truyện ngắn này, cách tổ chức cốt truyện theo tuyến nhân vật - sự kiện khá chặt chẽ. Sự kiện, hành động này là hệ quả tất yếu của sự kiện, hành động trước đó. Với những truyện ngắn được viết theo lối đó, tính kịch là một trong những yêu cầu được người viết truyện ngắn đặt ra để đảm bảo cho một cốt truyện có sức hấp dẫn với người đọc. Trong Phục thiện của Phan Thị Vàng Anh mỗi phần tương ứng với một quãng thời gian trong suốt chặng đường nhân vật tôi là học sinh trung học. Hệ thống sự kiện và chuỗi tình huống trong Kịch câm (Phan Thị Vàng Anh) được khai triển bởi trật tự thời gian và lô gic nhân quả của sự kiện. Nhiều truyện ngắn khác của Phan Thị Vàng Anh như Bỏ trường, Đất đỏ, Cha tôi cũng được viết theo lối này.

Vẫn viết theo lối truyền thống với tính “chuyện” rõ rệt và kết cấu tuyến tính nhưng Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (Đỗ Bích Thúy) – tác phẩm được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh Chuyện của Pao - lại có cách thể hiện đời sống nội tâm của nhân vật khá độc đáo và ấn tượng. Tác phẩm là câu chuyện về thân phận, cuộc đời của người đàn bà miền núi – một người chỉ được coi là cục đá kê chân cột nhà chồng vì bà không thể sinh con, chỉ có thể làm dâu mà không thể làm mẹ. Song hành với câu chuyện được kể là việc khắc họa tâm trạng của nhân vật với giọng điệu giàu xúc cảm. Không thuộc về trường phái cách tân nhưng nhiều truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy vẫn có sức lay động người đọc bởi lối viết và cách thể hiện độc đáo. Truyện ngắn Tưởng (Phan Thị Vàng Anh) được xây dựng dựa trên diễn trình của các sự kiện xảy ra liên tục theo trục thời gian tuyến tính, sự kiện sau là hệ quả của hành động trước đó. Mở đầu là việc Tưởng lên Sài Gòn học may và phản ứng với việc làm mai Hiển cho minh → Ở Sài Gòn, Tưởng gặp và yêu Chương → Tưởng bị Chương phụ bạc → Tưởng về quê, gặp lại Hiển và lấy Hiển. Ở Tưởng, dù sự kiện trong tác phẩm tuân thủ trật tự thời gian tuyến tính nhưng điều gây ấn tượng với người đọc là những suy nghĩ, những biến đổi của nhân vật từ những sự kiện, bước ngoặt đó.


Kết cấu theo trình tự thời gian (kết cấu theo trật tự tuyến tính) vốn là hình thức kết cấu phổ biến trong truyện ngắn trước đây. Sang thời kỳ đổi mới, lối tổ chức cốt truyện theo cách thức trên vẫn được sử dụng trong nhiều truyện ngắn. Hình thức kết cấu này thường dễ đọc, dễ hiểu nhưng muốn có sức lôi cuốn người viết cần có sự dụng công trong việc sáng tạo tình huống, chi tiết và nghệ thuật dẫn chuyện.

• Kết cấu tâm lý:

Sau 1975 đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới với sự đổi mới tư duy thể loại, người viết truyện ngắn đã chú ý đến những cách tân trong khi dàn dựng kết cấu truyện ngắn, truyện được xây dựng đa dạng hơn trên cơ sở phản ánh hiện thực phong phú, đa chiều, nhiều bình diện: có kết cấu mang tính kịch căng thẳng, có kết cấu có đầu có cuối, có kết cấu rạch ròi sự kiện, tình huống, có kết cấu tâm lý. Những quy phạm truyền thống không còn là sự ràng buộc với người cầm bút. Những truyện ngắn được viết theo kiểu “lý lịch trích ngang” dường như đã không còn hợp lý khi muốn chuyển tải những trạng thái tâm lý bên trong của con người. Truyện có đầu có cuối không còn là một đặc điểm mang tính quy phạm với người viết truyện ngắn. Thời gian vận động của cốt truyện không còn là thời gian biên niên mà là thời gian tái hiện, đồng hiện, thời gian tâm tưởng với sự đảo lộn trật tự thời gian và không gian trong bố cục kết cấu truyện ngắn.

Một trong những khuynh hướng của văn học hôm nay là nhà văn đi vào khai thác thế giới tinh thần với nhiều trạng thái bên trong tâm hồn con người và kết cấu tâm lý là dạng thức phù hợp để chuyển tải hiện thực bên trong đó. Trước đây, từ thập kỷ 30 – 40 của thế kỷ trước, các nhà văn như Thanh Tịnh, Thạch Lam, Hồ Dzếnh… đã có các truyện ngắn mà kết cấu tác phẩm được tổ chức theo hình thức này. Tuy nhiên đến thời kỳ đổi mới, kiểu kết cấu tâm lý mới được sử dụng phổ biến trong ý thức phát huy tính ưu trội của dạng thức này để khám phá thế giới tâm hồn con người, bộc lộ cái nhìn nhiều chiều về hiện thực đời sống. Với quan niệm co giãn hơn, truyện ngắn hôm nay có xu hướng tăng cường kết cấu cốt truyện bên trong, bộc lộ trạng thái tâm tưởng của nhân vật, phân tích nội tâm trở thành phương tiện nghệ thuật quan trọng trong cách thức xây dựng kết cấu cốt truyện truyện ngắn đương đại. Các nhà văn không chỉ khai thác tình huống, sự kiện mà còn quan tâm


tới những biến thái bên trong, những xúc cảm, nghĩ suy của nhân vật. Diễn biến của truyện thường là nương theo tâm trạng của nhân vật và vì thế truyện có thể có cấu trúc không đầu, không cuối, không thắt nút, mở nút.

Với nhà văn Đỗ Chu, ông ý thức rằng “thường cốt truyện không thành vấn đề lắm” cho nên những chi tiết, biến cố, sự kiện không đơn thuần là chất liệu kết dính dòng mạch của chuyện kể mà đó còn là nguyên cớ để nhân vật bộc lộ thế giới nội cảm. Không chú trọng vào việc khai thác những yếu tố bất ngờ, những khúc quanh của số phận, truyện của Đỗ Chu thường ít có những tình huống lắt léo và vì thế khó có thể kể lại rành mạch theo trình tự của cốt truyện sự kiện thông thường. Nhiều truyện ngắn hấp dẫn người đọc bởi cách kể chuyện, kể, tả và độc thoại nội tâm của nhân vật. Không phải không có lý khi nói rằng, nhân vật của Đỗ Chu nặng về hoài niệm và hồi tưởng. Với Đỗ Chu, “miêu tả cũng là hồi tưởng và biểu hiện”. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn đã dừng lại khá lâu để mô tả sự thay đổi theo thời gian nhiều biến cố ngôi nhà thờ họ Đặng – chốn thâm nghiêm của một dòng tộc (Mảnh vườn xưa hoang vắng). Hình ảnh ngôi nhà qua nhiều năm tháng đã gợi nhắc cho Đống nhiều kỷ niệm về một thời đã qua và những suy ngẫm về cái thời anh đang sống. Đỗ Chu thường chú ý khắc họa dòng hồi ức của nhân vật, ở đó quá khứ và hiện tại cùng đan xen tồn tại, thời gian đồng hiện, nhân vật hiện diện với dòng chảy ý thức. Nhân vật thường được đặt trước một khung cảnh và ký ức bất chợt tràn về.

Chiếm một tỷ lệ tương đối lớn trong truyện ngắn của các cây bút nữ là những truyện ngắn có kết cấu tâm lý. Truyện thường được xây dựng trên dòng diễn biến tâm trạng, trạng thái tâm lý bên trong của nhân vật. Truyện được co giãn linh hoạt phù hợp với việc thể hiện các sắc thái tâm lý nhân vật. Mỗi truyện ngắn là một “mảnh phân thân” (chữ dùng của Đỗ Chu) khắc họa những khoảnh khắc của tâm trạng, những biến đổi của đời sống nội tâm. Với đặc trưng đó, Người xưa (Nguyễn Thị Thu Huệ) là sự giãi bày, là nỗi lòng và những cảm nhận về cuộc sống, về tình yêu của nhân vật tôi - người phụ nữ đã yên bề gia thất gặp lại người tình cũ sau nhiều năm xa cách khi hai người cùng đến xem bộ phim “Người tình” ở một phòng chiếu. Truyện của Y Ban thường ít hành động, xung đột mà thay vào đó là những suy tư, trăn trở về cuộc đời với những nỗi niềm và suy tư thầm kín. Cái mà truyện


ngắn ám gợi người đọc chính là những trạng huống cảm xúc mà nhân vật đã trải, qua giọng điệu như một lời tâm sự của người viết. Sau chớp là giông bão, Người đàn bà và những giấc mơ là những băn khoăn, day dứt của người phụ nữ có ý định ngoại tình, những cuộc đấu tranh giữa khát khao bản năng và bổn phận. Xuyên suốt Người đàn bà có ma lực là những cuộc tình đã đi qua của một người đàn bà mà đằng sau mỗi cuộc tình được hồi tưởng là những suy nghĩ và trăn trở, những cơn sóng lòng khắc khoải, những cảm xúc khi yêu và được yêu. Phần lớn truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh là truyện không có chuyện. Truyện của chị rất khó kể lại rành mạch vì thường là những mẩu đối thoại xen lẫn những cảm nhận về đời sống thông qua thế giới nội tâm của nhân vật. Ở những truyện ngắn này tác giả thiên về bộc lộ những cảm nghĩ và suy tưởng hơn là bám sát sự kiện và biến cố của đời sống. Theo đó thời gian trần thuật không trùng khít với thời gian lịch sử mà có sự đan xen, đồng hiện, có khi là đảo ngược trật tự thời gian quá khứ - hiện tại thông qua sự hồi tưởng của nhân vật và nghệ thuật tạo lập không thời gian của người viết. Với việc đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, kiểu kết cấu này có sự liên quan chặt chẽ với lối viết dòng ý thức vẫn được nhiều cây bút truyện ngắn đương đại vận dụng.

• Kết cấu truyện lồng trong truyện:

Trên thực tế thì kiểu kết cấu này là thế mạnh của tiểu thuyết, tuy nhiên, một số người viết truyện ngắn hiện nay vẫn sử dụng hình thức này, tiêu biểu là Nguyễn Huy Thiệp ở Con gái thủy thần với bộ ba truyện ngắn: Truyện thứ nhất, Truyện thứ hai, Truyện thứ ba; Những ngọn gió Hua Tát với chùm truyện ngắn Trái tim hổ, Con thú lớn nhất, Nàng Bua, Tiệc xòe vui nhất, Sói trả thù, Đất quên, Chiếc tù và bị bỏ quên, Sạ, Nàng Sinh; Chút thoáng Xuân Hương (Truyện thứ nhất, Truyện thứ hai, Truyện thứ ba). Đây là dạng kết cấu tổ hợp theo cách nhiều truyện cùng hướng về một chủ đề, mỗi truyện là một tổ chức chịu sự chi phối của tổ chức lớn hơn là câu chuyện/ chủ đề bao trùm. Bên cạnh đó là những truyện ngắn có sự đan xen của nhiều câu chuyện được kể, có thể là với nhiều người kể chuyện khác nhau (Vàng lửa – Nguyễn Huy Thiệp). Truyện ngắn Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu) tiếp tục số phận của nhân vật lão Khúng trong Khách ở quê ra. Dù viết về những giai

Xem tất cả 172 trang.

Ngày đăng: 17/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí