Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay nhìn từ góc độ thể loại - 1


Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)


- Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

- Mã số: 62. 22. 34. 01

- Họ và tên nghiên cứu sinh: Lê Thị Hương Thủy

- Họ và tên người hướng dẫn: 1. PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp

2. PGS.TS. Tôn Phương Lan

- Cơ sở đào tạo: Học viện Khoa học Xã hội


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 172 trang tài liệu này.

MỞ ĐẦU


Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay nhìn từ góc độ thể loại - 1

1. Lý do chọn đề tài

1.1. Thể loại truyện ngắn có lịch sử lâu dài. Trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều nhà văn thành danh với truyện ngắn. Cùng với thời gian, đội ngũ những người viết truyện ngắn ngày càng đông đảo, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới với một số lượng ấn phẩm phong phú trong đó nhiều cây bút đã tạo được dấu ấn phong cách.

1.2. Truyện ngắn là thể loại luôn vận động và biến đổi. Ở Việt Nam, cùng với quá trình hiện đại hóa văn học, thể loại truyện ngắn đã có những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới truyện ngắn đã chứng tỏ là thể loại năng động, có khả năng nắm bắt sự vận động của cuộc sống một cách nhanh nhạy, kịp thời nhưng vẫn khái quát được những vấn đề sâu sắc đặt ra trong đời sống. So với trước đây, truyện ngắn đã có những chuyển đổi rõ rệt, cả về nội dung và hình thức. Những năm đầu thế kỷ XXI, truyện ngắn đã có những bước phát triển mới đóng góp vào thành tựu của nền văn học đổi mới. Xuất phát từ thực tiễn đời sống thể loại, chúng tôi xét thấy cần có một công trình nghiên cứu hệ thống, cập nhật về những đặc điểm và quy luật vận động của thể loại trong đời sống văn học từ sau 1986. Mốc 1986 mà chúng tôi lựa chọn có ý hướng để giới hạn và tập trung vào giai đoạn sôi nổi và có nhiều thành tựu của văn học đương đại, của đời sống thể loại những năm sau chiến tranh.

1.3. Trong khi thực tiễn đời sống thể loại truyện ngắn đang ngày một trở nên sinh động thì vấn đề lý thuyết thể loại truyện ngắn lại không ngừng được tra vấn, bổ sung, thậm chí là đối thoại tranh biện với những lý thuyết truyện ngắn tưởng đã ổn định trước đây. Những phát biểu về truyện ngắn vẫn không ngừng ra đời. Truyện ngắn, từ góc độ thể loại và ranh giới thể loại là vấn đề đáng quan tâm của văn học đương đại. Truyện ngắn đang mang trong mình nó những dấu hiệu của sự chuyển đổi, có nhiều ngả rẽ. Khuynh hướng thứ nhất là vẫn viết theo lối truyền thống, tuân thủ những đặc tính vốn có của thể loại, khuynh hướng thứ hai là truyện ngắn có những cách tân nhưng vẫn tôn trọng những dấu hiệu quy chuẩn của thể loại và khuynh hướng thứ ba là những truyện ngắn hướng tới việc phá bỏ ranh giới thể


loại. Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay nhìn từ góc độ thể loại là một hướng đi được lựa chọn nhằm góp phần lý giải đời sống thể loại trong bước chuyển của đời sống văn học những thập kỷ cuối của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI. Tìm hiểu truyện ngắn đương đại trên cơ sở tham chiếu lý thuyết thể loại sẽ thấy được những thay đổi trong tư duy nghệ thuật, tư duy thể loại trong bối cảnh mới.

2. Mục đích nghiên cứu

Mục đích của luận án là tìm hiểu sự vận động của thể loại truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay, lý giải quy luật vận động, chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi tư duy nghệ thuật. Trên cơ sở tìm hiểu sự đổi mới tư duy thể loại, luận án đi sâu nhận diện và lý giải một số phương thức trần thuật, bút pháp nghệ thuật được sử dụng trong quá trình tạo lập văn bản truyện ngắn.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 3.1.Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là truyện ngắn từ 1986 đến nay trên các phương diện quan niệm và tư duy thể loại, nghệ thuật xây dựng nhân vật và kết cấu truyện ngắn, ngôn ngữ và điểm nhìn trần thuật.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Tập trung khảo sát những sáng tác truyện ngắn đặc sắc của các tác giả tiêu biểu như Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Hảo, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Võ Thị Xuân Hà, Trần Thùy Mai,… Mặt khác, luận án cũng chú ý đến sáng tác của các cây bút trẻ xuất hiện gần đây như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phong Điệp,...

Trong những năm gần đây việc các cây bút hải ngoại công bố tác phẩm ở trong nước không còn là trường hợp hiếm thấy (Lê Minh Hà, Nguyễn Văn Thọ, Amond Nguyen Thi Tu,…). Đây cũng là đối tượng để chúng tôi tham chiếu khi đi vào những vấn đề của thể loại trong đời sống văn học đương đại. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề tài, để thấy được sự vận động và phát triển của truyện ngắn, chúng tôi mở rộng phạm vi nghiên cứu tới truyện ngắn trước 1986 và một số tác


phẩm ở các thể loại khác (như tiểu thuyết) từ 1986 đến nay để có cái nhìn đối sánh và sâu hơn về đối tượng.

4. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

4.1. Cơ sở lý thuyết

Một lý thuyết dù có hiệu quả đến mấy thì cũng không thể là chìa khóa vạn năng khi đi vào giải mã thế giới nghệ thuật của nhà văn cũng như tìm hiểu một thể loại hay một tác phẩm, tác giả cụ thể. Đối với trường hợp nghiên cứu một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn sáng tác đời sống thể loại truyện ngắn Việt Nam đương đại, như hướng đi luận án lựa chọn, thiết nghĩ sự phối hợp nhiều lý thuyết khi nghiên cứu khảo sát là điều cần thiết. Trong luận án này, lý thuyết tự sự học, thi pháp học vẫn là lựa chọn chính yếu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng vận dụng một số lý thuyết khác như phân tâm học, lý thuyết huyền thoại, lý thuyết hậu hiện đại,… nhằm có cái nhìn đa chiều khi tiếp cận và giải mã quá trình sáng tạo, sự đổi mới tư duy nghệ thuật của các cây bút truyện ngắn.

Luận án cũng xác định và làm rõ một số khái niệm cơ bản liên quan đến đề tài như sự tương tác thể loại, sự pha trộn thể loại, tư duy tiểu thuyết trong truyện ngắn,…

4.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp cấu trúc hệ thống: Đặt truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay trong sự vận động của văn học thời kỳ đổi mới, xem xét đối tượng như một hiện tượng có tính hệ thống, chúng tôi hướng tới việc xác định vị trí, ý nghĩa của một thể loại trong diễn trình văn học, đặc biệt là đời sống thể loại.

- Phương pháp loại hình: Nhằm tìm ra những đặc điểm tương đồng loại hình về thi pháp thể loại, qua đó thấy được quy luật phát triển của thể loại truyện ngắn từ thực tế đời sống văn học.

- Phương pháp so sánh: Để có sự đối sánh và cái nhìn sâu hơn về đối tượng, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát truyện ngắn giai đoạn này trong sự liên hệ để tìm ra những nét tương đồng và khác biệt giữa truyện ngắn thời kỳ đổi mới và truyện ngắn giai đoạn trước đó, giữa truyện ngắn và các thể loại văn học khác ở góc độ đồng đại và lịch đại.


- Tiếp cận theo hướng thi pháp học, tự sự học.

5. Đóng góp của luận án

Góp phần làm sáng rõ một số vấn đề thuộc về lý luận thể loại, về những đặc điểm khu biệt và sự tương tác thể loại qua việc khảo sát truyện ngắn sau 1986.

Luận án góp phần vào việc nhìn nhận, đánh giá một phương diện của văn học sử qua việc tìm hiểu thể loại truyện ngắn trong đời sống văn học đương đại. Từ góc nhìn lịch đại, luận án sẽ nhận diện những kế thừa và sự tiếp biến, đổi mới tư duy nghệ thuật truyện ngắn Việt Nam đương đại.

6. Kết cấu của luận án

Ngoài phần mở đầu và kết luận, kết cấu luận án gồm 4 chương: Chương 1: Tổng quan về vấn đề nghiên cứu

Chương 2: Truyện ngắn – quan niệm và sự đổi mới tư duy thể loại

Chương 3: Các dạng thức xây dựng nhân vật và tổ chức kết cấu văn bản truyện ngắn

Chương 4: Ngôn ngữ và điểm nhìn trần thuật


CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU


1.1. Tình hình nghiên cứu ở ngoài nước

Khái lược về những nghiên cứu lý thuyết truyện ngắn

Nguồn tư liệu nước ngoài về lý thuyết truyện ngắn vốn rất phong phú, tuy nhiên vì nhiều lý do, chúng tôi chưa thể bao quát được hết. Bởi vậy, khảo sát của luận án chủ yếu dựa trên nguồn tài liệu đã được giới thiệu trong nước.

Thuật ngữ truyện ngắn (short story: tiếng Anh, nouvelle: tiếng Pháp, đoản thiên tiểu thuyết: tiếng Trung) ra đời muộn nhưng tiền thân của truyện ngắn vốn xuất hiện từ rất sớm. Qua tiến trình lịch sử, đến nay truyện ngắn đã hiện diện với tính chất một thể loại có vị trí quan trọng trong đời sống văn học. Truyện ngắn là thể loại phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Đã có nhiều ý kiến bàn về truyện ngắn, về khái niệm và đặc trưng của thể loại này.

Mặc dù có những quan điểm không tách bạch trên phương diện lý thuyết thể loại giữa truyện ngắn và tiểu thuyết nhưng dù muốn hay không truyện ngắn với tư cách là một thể loại vẫn tồn tại như một thực tế được thừa nhận. Đáng chú ý là số lượng truyện ngắn trên thế giới và ở Việt Nam vô cùng phong phú nhưng lại không dễ đưa ra một định nghĩa thống nhất, cho phép khái quát hết các đặc điểm của các tác phẩm. Trong lịch sử văn học, khái niệm truyện ngắn và những vấn đề lý thuyết thể loại luôn là vấn đề gây tranh cãi. Không những với người nghiên cứu mà với người sáng tác, các ý kiến, định nghĩa truyện ngắn không chỉ thay đổi theo thời gian mà còn có nhiều điểm khác biệt tùy vào quan điểm mỹ học của từng tác giả.

Từ những năm đầu thế kỷ XIX, lý thuyết truyện ngắn đã được nghiên cứu ở phương Tây [60]. Đã có nhiều nhà văn coi truyện ngắn là một thể loại văn học riêng biệt. Edgar Allan Poe là một trong số đó. Quan tâm tới mỹ học truyện ngắn, Edgar Allan Poe chú trọng tới “lý thuyết về bước ngoặt”, “thời gian văn bản” (bao gồm cả thời gian đọc của độc giả). Những phạm trù này được chính nhà văn sử dụng trong khi viết truyện kinh dị (với việc đặt ra yêu cầu hiệu quả của sự bất ngờ, cái kỳ dị,


khác thường tác động đến người đọc). Frank Oconnor (1903 – 1966) - nhà văn có hơn 20 năm sống ở Mỹ (từ 1945) lại coi tính chất ngắn của thể loại thuộc về phong cách nhà văn. Ông đặc biệt hứng thú với thể truyện rất ngắn vốn đòi hỏi sự cô đúc, ngắn gọn và súc tích vì “những truyện này rất gần với thơ trữ tình” [122, tr.103].

Ở Pháp, thế kỷ XIX được coi là thời kỳ hoàng kim của truyện ngắn với các tên tuổi Maupassant, Daude, Mérimée,… Nhiều tác phẩm truyện ngắn ra đời giai đoạn này tạo được sự quan tâm của người nghiên cứu, “trở thành cơ sở để họ xây dựng khung lý thuyết thể loại truyện ngắn” [157, tr.17]. Mục từ “truyện ngắn” trong Từ điển văn học Pháp ngữ định nghĩa: “Với nhiều người, truyện ngắn so với tiểu thuyết giống như phim ngắn với phim dài. Truyện ngắn là bài tập của các nhà văn duy mĩ” [157, tr.27]. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Phạm Thị Thật trong công trình Truyện ngắn Pháp cuối thế kỷ XX một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn sáng tác

[157] thì vấn đề định nghĩa thể loại truyện ngắn trong thực tiễn văn học Pháp cũng không đồng nhất từ việc xác định độ dài của truyện ngắn đến những vấn đề thuộc về thi pháp thể loại. Thực tế này là thách thức không chỉ với các “từ điển gia” mà còn với các nhà nghiên cứu, ngay cả những người viết truyện ngắn. Không có một định nghĩa nào thõa mãn được tất cả các tiêu chí, bởi vậy ý kiến của Annie Saumont - nhà văn Pháp được đánh giá là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất hiện nay - về truyện ngắn có thể cho là dễ được chấp nhận: “truyện ngắn là một văn bản ngắn trong đó có một câu chuyện, còn kể câu chuyện đó thế nào là việc của nhà văn” [157, tr.41], nghĩa là câu chuyện có thể được thuật lại dưới mọi hình thức.

Tên tuổi của nhiều nhà văn Nga cũng được vinh danh ở thể loại truyện ngắn như A. Tônxtôi, Pautôpxki, Shêkhôp. Đều có những tác phẩm truyện ngắn xuất sắc nhưng mỗi nhà văn lại có những quan niệm và cách thức khác nhau khi viết truyện ngắn. Từ kinh nghiệm nghệ thuật, A. Tônxtôi chú trọng đến khả năng của người viết: “Truyện ngắn là một hình thức nghệ thuật khó khăn bậc nhất (...) Trong truyện ngắn, tất cả như trong bàn tay anh. Anh phải thông minh, như anh đã phải hiểu biết. Bởi lẽ hình thức nhỏ không có nghĩa là nội dung không lớn lao” [122, tr.116]. Pautôpxki nhận định: “Truyện ngắn là một truyện viết ngắn gọn trong đó, cái không bình thường hiện ra như một cái gì bình thường, và cái gì bình thường hiện ra như


một cái gì không bình thường” [122, tr.121]. Còn Shêkhôp khi viết truyện ngắn lại chú ý “tô đậm cái mở đầu và kết luận” [122, tr.75].

Thể loại thường gắn liền với tính quy ước với những yếu tố đặc định, nhưng không phải là những quy phạm cứng nhắc, bất biến. Không ít người viết truyện ngắn luôn có ý thức “khắc phục mọi sơ đồ”, “mọi đường mòn đã hình thành trong người viết và người đọc”. Đề cao khuynh hướng kể chuyện tự do trong truyện ngắn hiện đại, U. Xaroyan (nhà văn Mỹ) cho rằng: “Chừng nào trên quả đất này còn nhà văn, và họ còn viết, truyện ngắn còn tìm được cách nhập vào mọi hình thức thể tài, chọn cho mình mọi dung lượng, mọi phong cách, và nó cũng có thể vượt ra, phá tung mọi hình thức, mọi khuôn khổ, phong cách đó” [122, tr.97]. Nhà văn Nhật Bản Kôbô Abê (sinh 1924) cũng có đồng quan điểm với U. Xaroyan về sự sáng tạo trong truyện ngắn: “Tính kịp thời là một đặc điểm đáng ngạc nhiên của truyện ngắn. Đó là một sự tự do, nó cho phép truyện ngắn không bị ràng buộc bởi những hình thức nghệ thuật đã thành quy phạm. Mặt khác, truyện ngắn cũng có khả năng “chín” rất nhanh. Hình thức truyện ngắn vừa luôn luôn vỡ ra, thay đổi, vừa luôn luôn được hàn gắn “cấu trúc” lại” [122, tr.106]. Có thể thấy quan niệm và lối viết của các nhà văn theo thời gian đã trở nên uyển chuyển hơn, đặc điểm của truyện ngắn hiện đại do vậy ngày càng khác xa với truyện ngắn truyền thống.

Do khả năng biến động và tính năng sản của thể loại nên đã có rất nhiều quan niệm truyện ngắn được xác lập, theo đó cũng có nhiều cách hiểu về truyện ngắn. Thứ nhất, coi truyện ngắn tồn tại như một thể loại độc lập, có những đặc trưng riêng về thi pháp thể loại. Xu hướng thứ hai là đặt truyện ngắn trong mối liên hệ với các thể loại tương cận (như tiểu thuyết: ý kiến của D. Grojnowski). Bên cạnh đó, lại cũng có nhà văn tuyên ngôn rằng khi sáng tác họ từ chối mọi quy định lý thuyết và vì thế truyện ngắn ít bị ràng buộc bởi các quy phạm. Có thể thấy việc đưa ra được một định nghĩa nhất quán về truyện ngắn là một thách thức với không chỉ các nhà văn mà còn với cả các nhà nghiên cứu.

Cùng với việc đưa ra quan niệm về truyện ngắn, các nhà văn cũng chia sẻ những kinh nghiệm viết truyện ngắn, những công việc “bếp núc” của người sáng tác. Xung quanh vấn đề này đã có nhiều ý kiến (Môôm, Hêmingway, OConnor,

Xem tất cả 172 trang.

Ngày đăng: 17/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí