Pautôpxki,…). Từ thực tiễn sáng tác – Môôm (Wiliam Somerset Maugham) – nhà văn Anh hiện đại, tác giả của nhiều tập truyện ngắn chia sẻ: “Trong nghệ thuật tôi thiên về sự chuẩn mực, về trật tự nghiêm ngặt và trong truyện ngắn, tôi lại càng thích mọi chuyện được sắp xếp chặt chẽ” [122, tr.87]. Những kinh nghiệm này thực sự cần thiết không chỉ với người viết truyện ngắn mà cả với tác giả luận án. Đây là những gợi mở để người viết phân tích những vấn đề kỹ thuật viết truyện ngắn của nhà văn.
Những nghiên cứu liên quan đến từng trường hợp, tác giả, tác phẩm cụ
thể:
Đã có một số bài viết của các học giả nước ngoài lựa chọn một trường hợp,
một tác giả truyện ngắn Việt Nam đương đại làm đối tượng khảo sát (như trường hợp Nguyễn Huy Thiệp), chẳng hạn: Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – Evelipe Pieller, Thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp, Lịch sử Việt Nam qua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - T.N.Filimonova [107]. Một số nhà văn, nhà nghiên cứu Việt Nam ở hải ngoại (Nguyễn Hưng Quốc, Thụy Khuê) cũng đã có các bài viết về truyện ngắn của tác giả trong nước: Phạm Thị Hoài trên sinh lộ mới của văn học (Thụy Khuê), Không gian sông nước trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Thụy Khuê),…
Trong một số Hội thảo quốc tế được tổ chức ở Việt Nam có những học giả bước đầu quan tâm đến một số tác phẩm và tác giả truyện ngắn Việt Nam đương đại từ những góc nhìn mới, chẳng hạn tại Hội thảo quốc tế Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế do Viện Văn học và Viện Harvard – Yenching phối hợp tổ chức năm 2006 có các tham luận: Khi người ta trẻ: những câu chuyện nữ sinh của Phan Thị Vàng Anh – Rebekah Collins (Nghiên cứu sinh đại học California – Mỹ), Giao thông với tư cách biểu tượng trong văn học đổi mới
– Jonathan McIntyre – Đại học Cornell, New York, Mỹ). Điều đáng chú ý là với những học giả nước ngoài họ thường lựa chọn và giải quyết những vấn đề nghiên cứu gắn với thực tiễn đời sống và đây là đặc điểm khác biệt với tư duy nghiên cứu của người bản địa.
1.2. Tình hình nghiên cứu ở trong nước
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay nhìn từ góc độ thể loại - 1
- Những Nghiên Cứu Về Các Tác Giả, Tác Phẩm Cụ Thể
- Giai Đoạn Từ 2000 Đến Nay Với Sự Xuất Hiện Của Những Cây Bút Thế Hệ 7X, 8X
- Quan Niệm Và Tư Duy Thể Loại Truyện Ngắn Trong Văn Học Truyền Thống
Xem toàn bộ 172 trang tài liệu này.
1.2.1. Về khái niệm và định nghĩa truyện ngắn
Đã có nhiều công trình nghiên cứu hoặc tập hợp những bài nghiên cứu về truyện ngắn với tư cách là một thể loại tự sự trong đó có đề cập đến khái niệm thể loại. Đáng chú ý là các công trình Sổ tay truyện ngắn [122], Nghệ thuật viết truyện ngắn và ký [115], Bình luận truyện ngắn [152], Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại [153]; Truyện ngắn Việt Nam, lịch sử, thi pháp, chân dung [125], Những vấn đề thi pháp của truyện [66], Tìm hiểu truyện ngắn [37], Truyện ngắn: lí luận, tác gia và tác phẩm [10].
Mặc dù chưa có một định nghĩa nhất quán nhưng thuật ngữ “truyện ngắn” đã được nhiều tác giả công trình lý luận, từ điển và người viết truyện ngắn định danh. Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa truyện ngắn là “tác phẩm tự sự cỡ nhỏ”, “khác với tiểu thuyết là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người” [126, tr.304].
Trong Từ điển văn học (tập 2, Nxb Khoa học xã hội, 1984) truyện ngắn được quan niệm:
“Truyện ngắn khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ hơn, tập trung mô tả một mảnh của cuộc sống: một biến cố hay một vài biến cố xảy ra trong một giai đoạn nào đó của đời sống nhân vật, biểu hiện một mặt nào đó của tính cách nhân vật, thể hiện một khía cạnh nào đó của vấn đề xã hội.” [127, tr.457].
Các nhà nghiên cứu, phê bình, các nhà văn từ trước tới nay cũng đã đưa ra những cách hiểu của mình về truyện ngắn. Từ góc độ người sáng tác nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho rằng: “truyện ngắn phải có “chuyện”, tức có thể kể lại cho người khác nghe được. Mà muốn kể, câu chuyện phải chặt chẽ, hấp dẫn” [122, tr.36]. Theo nhà văn Nguyễn Kiên thì “truyện ngắn là một trường hợp” trong khi Nguyễn Công Hoan lại quan niệm: “Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết với sự bố trí chặt chẽ và bằng thái độ với cách đặt câu dùng tiếng có cân nhắc”, “muốn truyện là truyện ngắn, chỉ nên lấy một ý
chính làm chủ đề cho truyện. Những chi tiết trong truyện chỉ nên xoay quanh chủ đề ấy. Không có chi tiết thừa, rườm rà, miên man” [122, tr.14].
Nhiều nhà văn cũng đã chia sẻ về những kinh nghiệm, kỹ thuật viết truyện ngắn. Công trình biên soạn Sổ tay truyện ngắn (Vương Trí Nhàn) hệ thống lại những kinh nghiệm viết truyện của một số nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Đỗ Chu, Ma Văn Kháng. Từ kinh nghiệm viết truyện ngắn của bản thân, nhà văn Tô Hoài đúc kết: “truyện ngắn là một thể văn tạo cho người viết nhiều nết quý lắm. Chỉ với truyện ngắn, người ta mới biết tận dụng từng chữ, lo săn sóc từng chữ. Nhà văn mình thường yếu không tạo được phong cách riêng. Truyện ngắn là nơi là có thể thử tìm phong cách cho mình. Truyện ngắn đòi hỏi sự hoàn thiện” [122, tr.8]. Với quan niệm viết truyện ngắn là một công việc rất thiêng liêng, bởi đó là một cuộc gặp gỡ giữa người viết và người đọc, một cuộc gặp gỡ phút chốc, nhưng để lại một ấn tượng sâu đậm, làm người ta khó quên, nhà văn Đỗ Chu chia sẻ: “Với tôi, thường cốt truyện không thành vấn đề lắm. Và cả nhân vật nữa, giữa nhân vật với tôi không có sự phân biệt đáng kể. Tôi không bám vào hiện tượng quan sát được, mà thường ướm mình vào nhân vật, không giả sử mình đóng vai người khác sẽ ra sao, mà thường giả sử trong trường hợp đó, mình sẽ xử sự ra sao. Tôi muốn huy động vai trò của bản thân một cách cao nhất. Và mỗi truyện ngắn trở thành một mảnh của sự phân thân” [122, tr.68].
Ngoài ra còn có những công trình khảo cứu truyện ngắn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước phương Tây: Truyện ngắn dưới ánh sáng so sánh (Đào Ngọc Chương) [22], Truyện ngắn Pháp cuối thế kỷ XX một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn sáng tác (Phạm Thị Thật) [157]. Lựa chọn đối tượng nghiên cứu là truyện ngắn của một số nước trên thế giới, trong các công trình này, các nhà nghiên cứu cũng đã đặt ra được một số vấn đề thuộc về lý thuyết và thực tiễn truyện ngắn ở một số nước trên thế giới như Pháp, truyện ngắn Mỹ, truyện ngắn Châu Mỹ.
Quan sát những nhận định, ý kiến, bàn luận về truyện ngắn từ xưa đến nay có thể thấy rõ hai khuynh hướng chính sau đây: thứ nhất, chỉ ra những đặc trưng của truyện ngắn, theo đó: “truyện ngắn chỉ dừng lại ở một khoảnh khắc nào đó tiêu biểu
trong một đời người” “trong sự hạn chế của không gian thời gian, tính cách trong truyện ngắn thường khi là những tính cách đã hình thành ổn định và người ta chỉ bắt gặp nó, hơn là việc chứng kiến nó phát triển”. Bên cạnh những quan niệm coi truyện ngắn là một thể loại độc lập với những tiêu chí rõ ràng thì cũng có những cách thức so sánh truyện ngắn với tiểu thuyết để tìm ra đặc trưng của truyện ngắn. Cũng lại có những quan niệm coi truyện ngắn là “một loại tiểu thuyết rất ngắn”, truyện ngắn nằm trong phạm trù của truyện kể, truyện ngắn gần với tiểu thuyết nghĩa là vẫn lấy tiểu thuyết làm điểm quy chiếu.
Dù định nghĩa truyện ngắn khá phong phú và quan niệm về thể loại này còn có nhiều điểm chưa đồng nhất nhưng truyện ngắn với tư cách là một thể loại thuộc loại hình tự sự vẫn có những đặc điểm đặc thù. Tính chất ngắn của thể loại là dấu hiệu bề mặt. Dung lượng truyện ngắn là ngắn nhưng thể loại này vẫn có một sức dung chứa lớn. Truyện ngắn với tư cách là một khái niệm thể loại không chỉ vì truyện của nó ngắn mà vì “cách nắm bắt cuộc sống của thể loại”. Truyện ngắn có thể là một tình thế, một khoảnh khắc nhưng cũng có thể phản ánh nhiều phương diện khác nhau của đời sống. Do sự khuôn định về dung lượng nên buộc người viết truyện ngắn phải chú ý đến những phương diện được cho là lợi thế của truyện ngắn. Chi tiết, tình huống, kết cấu và ngôn ngữ là những phương diện được chú ý khai thác của người viết truyện ngắn. Truyện ngắn thường hạn chế về nhân vật: “Trong tiểu thuyết hay truyện dài sự kiện hành động nhằm để mô tả tâm lý nhân vật, nó có thể rẽ ngang rẽ tắt. Trong khi đó với một dung lượng nhỏ hơn rất nhiều, truyện ngắn chỉ chớp lấy cái thần thái của nhân vật khiến nó phải bộc lộ tính cách bằng cách khoan sâu vào lớp đời sống bao quanh nhân vật” [115, tr.105]. Với tính chất ngắn, truyện ngắn đòi hỏi một độ căng, độ dồn nén cần thiết để có thể chuyển tải hiệu quả thông điệp của người viết, bởi vậy “truyện ngắn thường mang lại những âm vang dài và rộng hơn khuôn khổ chật hẹp về mặt hình thức của nó”, chính vì thế, “đôi khi chỉ một truyện ngắn vài ngàn chữ, lại cho thấy một sự bao trùm về không gian, thời gian, lịch sử… rộng lớn của một cuốn tiểu thuyết trường thiên” [115, tr.105]. Vậy thì, dung lượng (ở đây là sự giới hạn về số trang) tỷ lệ nghịch với những giá trị biểu
đạt, với sức dung chứa, với những tầng nghĩa mà nhà văn muốn biểu đạt. Điều quan trọng là ở lối viết và khả năng sáng tạo các thủ pháp nghệ thuật của nhà văn.
Từ trước đến nay những phát biểu liên quan đến lý thuyết truyện ngắn rất nhiều nhưng không dễ tìm được một định nghĩa thống nhất. Lý giải thực tế này, nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng: “do năng lực ôm chứa của truyện ngắn ngày càng tỏ ra vô tận nên thể tài này trong những năm gần đây đã mang một tầm vóc lớn lao về tư tưởng và nghệ thật rất đáng nể trọng. Và đó là nguyên nhân khiến co những định nghĩa về nó trong các sách giáo khoa kinh điển đã trở nên bất cập” [135, tr.204 - 205]. Một phương diện cần phải nói tới là dù tồn tại như một thể loại độc lập nhưng những vấn đề cơ bản của truyện ngắn cũng có thể nằm trong phạm trù tiểu thuyết. Bakhtin khi đề cập đến những vấn đề thi pháp tiểu thuyết thì cũng bao hàm trong đó cả những vấn đề thuộc về truyện ngắn. Trong công trình Những vấn đề thi pháp của truyện (Nguyễn Thái Hòa) khi phân chia các thể loại truyện thì thể loại tiểu thuyết đã bao gồm cả truyện ngắn, truyện dài, truyện vừa. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “truyện ngắn là một thể loại rất động. Nó không tự nhốt mình trong một khuôn phép nào (và có lẽ ở đây một lần nữa ta lại thấy sự giao thoa giữa truyện ngắn và tiểu thuyết, không có ranh giới tuyệt đối giữa hai thứ đó)” [115, tr.27]. Bởi vậy, tìm hiểu truyện ngắn từ góc độ thể loại, một mặt, chúng tôi hướng tới việc đi tìm những đặc trưng của thể loại truyện ngắn trên cơ sở soi chiếu thực tiễn và thi pháp sáng tác truyện ngắn Việt Nam đương đại; mặt khác, sẽ không tránh khỏi việc xem xét truyện ngắn trong những mối liên quan với tiểu thuyết từ thực tiễn sáng tác thể loại truyện ngắn trong một bối cảnh cụ thể là văn học Việt Nam từ thời kỳ đổi mới.
Đã có nhiều ý kiến bàn về đặc trưng thể loại cũng như những chia sẻ về nghệ thuật và kinh nghiệm viết truyện ngắn. Bên cạnh đó, từ thực tiễn khảo sát truyện ngắn, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã có những đúc kết quan trọng ở phương diện lý thuyết. Những quy ước nghệ thuật đó là cơ sở để chúng tôi tham chiếu khi nghiên cứu sự vận động của thể loại truyện ngắn trong đời sống văn học hôm nay.
1.2.2. Các công trình, bài viết đề cập đến truyện ngắn từ sau 1986
1.2.2.1 Những vấn đề chung
Sau 1986 cùng với sự xuất hiện đông đảo đội ngũ những người viết truyện ngắn với sự thay đổi trong lối viết đã có nhiều công trình lựa chọn truyện ngắn, đặc biệt là truyện ngắn đổi mới làm đối tượng nghiên cứu. Khảo sát truyện ngắn thời kỳ đổi mới, các nhà nghiên cứu, phê bình đã tiếp cận với nhiều phương diện của thể loại. Nhiều cuộc tranh luận xung quanh các vấn đề của truyện ngắn, các tác phẩm cụ thể đã diễn ra tạo nên một đời sống văn học sôi động. Các công trình nghiên cứu về sự vận động của truyện ngắn thời kỳ đổi mới đã giúp người đọc thấy được những bước đi của thể loại trong tiến trình văn học dân tộc.
Ngoài các công trình chuyên biệt về thể loại truyện ngắn như luận án tiến sĩ của Lê Thị Hường hoàn thành năm 1995 Những đặc điểm cơ bản của truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1975 -1995 [74]; các công trình, chuyên luận như Bình luận truyện ngắn (Bùi Việt Thắng) [152], Truyện ngắn Việt Nam lịch sử, thi pháp, chân dung (Nhiều tác giả) [125]; Truyện ngắn - Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại (Bùi Việt Thắng) [153] đã có nhiều bài viết quan tâm nghiên cứu nhiều vấn đề của truyện ngắn. Các công trình, bài viết ở nhiều góc độ đã đề cập đến thành tựu của truyện ngắn sau 1975, những đóng góp và thách thức của thể loại trong đời sống văn học đương đại. Tìm hiểu sự vận động của truyện ngắn trong dòng chảy của văn học những thập niên cuối thế kỷ XX, nhiều người có đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng trong việc ghi nhận vị trí quan trọng của truyện ngắn đối với quá trình đổi mới văn học đương đại: “Không quá khi nói rằng độ khoảng mười năm qua (10 năm đầu thời kỳ đổi mới – tác giả luận án) là thời kỳ hưng thịnh của truyện ngắn… truyện ngắn đang thăng hoa” [152, tr.177].
Cùng với các công trình mang tính tổng quan về văn xuôi trong đó có đề cập đến thể loại truyện ngắn Văn xuôi Việt Nam 1975 – 1995 những đổi mới cơ bản (Nguyễn Thị Bình) [13] là các bài viết khảo sát quá trình vận động của văn xuôi nói chung và thể loại truyện ngắn nói riêng ở từng giai đoạn, từng thời kỳ và trong từng năm: Những thành tựu của truyện ngắn sau 1975 (Bích Thu) [161], Từ một góc nhìn về sự vận động của truyện ngắn chiến tranh (Tôn Phương Lan) [81], Trong
tấm gương của thể loại nhỏ (Bùi Việt Thắng) [152] Truyện ngắn và cuộc sống hôm nay (Phạm Xuân Nguyên) [101], Truyện ngắn nhìn từ trong nguồn mạch (Lại Văn Hùng) [69], Nhìn lại văn xuôi 1992 (Mai Hương) [73], Sự vận động của các thể loại văn xuôi trong văn học thời kỳ đổi mới (Lý Hoài Thu) [164], Truyện ngắn hiện nay, sức mạnh và hạn chế (Nguyên Ngọc) [99],…Đa phần các bài viết có chung quan điểm trong việc ghi nhận vị trí quan trọng của truyện ngắn đối với quá trình đổi mới văn học đương đại. Khảo sát sự vận động của các thể loại văn xuôi trong văn học thời kỳ đổi mới Lý Hoài Thu khẳng định đây là thời kỳ truyện ngắn lên ngôi. Cắt nghĩa về điều này, tác giả cho rằng: “Trong nhịp độ của đời sống công nghiệp hiện đại, dưới sức ép của các phương tiện nghe nhìn, truyện ngắn đã phát huy được ưu thế của mình một cách hiệu quả” [164]. Bích Thu trong bài viết Những thành tựu của truyện ngắn sau 1975 [161] đã có một cái nhìn và cách đánh giá khá toàn diện về truyện ngắn sau 1975 từ việc khảo sát truyện ngắn trên các phương diện cốt truyện, kết cấu, quan niệm nghệ thuật về con người, ngôn ngữ trần thuật.
Một trong những “mảnh đất ươm mầm” các cây bút truyện ngắn là các cuộc thi truyện ngắn liên tục được tổ chức trên các báo và tạp chí. Bên cạnh việc tham dự của nhà văn là sự quan tâm của các nhà phê bình. Ngay sau khi các tác phẩm được đăng tải, nhiều nhà phê bình đã có ý kiến phản hồi tạo nên những hiệu ứng tích cực cho đời sống văn học (các bài viết của Phạm Xuân Nguyên, Lý Hoài Thu, Bùi Việt Thắng, Xuân Thiều, Bùi Hiển: Tản mạn bên lề cuộc thi (Phạm Xuân Nguyên, tạp chí Văn nghệ quân đội số 10/1993), Những truyện ngắn hay (Lý Hoài Thu, tạp chí Văn nghệ quân đội số 12/1993), Một cuộc thi về người lính, vì người lính và vì một nền văn học đổi mới, lành mạnh (Báo cáo tổng kết cuộc thi truyện ngắn 1992 – 1994, tạp chí Văn nghệ quân đội số 10/1994),... Những bài viết này cho thấy gương mặt mới của thể loại trong đời sống văn học đương đại cùng những chuyển biến tích cực so với truyện ngắn giai đoạn trước.
Những sáng tác mới của các tác giả trẻ cũng luôn dành được sự chú ý và phản hồi của người đọc. Khi tìm hiểu sáng tác của lớp nhà văn trẻ này, nhiều bài viết một mặt khẳng định những đóng góp và sáng tạo mới, mặt khác còn đề cập đến những thách thức trong sáng tạo nghệ thuật ở họ (Văn trẻ - phía trước và hy vọng,
Khi người ta trẻ I, Khi người ta trẻ II, Bắt mạch văn trẻ (Bùi Việt Thắng) [152]. Cùng với tạp chí Văn nghệ quân đội, báo Văn nghệ, báo Văn nghệ trẻ,… là những cái nôi cho sự xuất hiện của các truyện ngắn, nhất là truyện ngắn của các tác giả trẻ. Đồng hành với sáng tác của các cây bút trẻ, với các sáng tác mới là việc đăng tải các bài phê bình cập nhật về sáng tác của họ. Sự xuất hiện của các tập Truyện ngắn 8X và Vũ điệu thân gầy đã dấy lên những tranh luận trên văn đàn. Từng có những cuộc hội thảo, tọa đàm về sáng tác của những cây bút thế hệ 8X (tọa đàm về hai tập truyện ngắn Vũ điệu thân gầy và Truyện ngắn 8X do Ban công tác Nhà văn trẻ tổ chức ngày 28/6/2007 tại Hà Nội). Điều này cho thấy ý thức và nhu cầu được viết đúng bản ngã của người viết và sự quan tâm của bạn đọc đối với một thế hệ viết mới. Phần lớn các ý kiến đều hướng tới việc lý giải những vấn đề trong sáng tác trẻ như: nhà văn trẻ và câu chuyện thế hệ, vấn đề vốn sống với nhà văn trẻ, việc lựa chọn đề tài và lối viết, những hạn chế, căn bệnh của người viết trẻ cũng được chỉ ra.
Truyện ngắn từ phương diện thể loại cũng đã ít nhiều được các tác giả, các nhà nghiên cứu đề cập đến, ở các phương diện: những đổi mới trong tư duy thể loại, những cách tân trong nghệ thuật tự sự của các cây bút truyện ngắn. Sự có mặt của hình thức truyện rất ngắn (còn gọi là truyện ngắn mi ni) cũng không nằm ngoài sự quan tâm nghiên cứu của giới nghiên cứu, phê bình văn học. Tìm hiểu truyện ngắn sau 1975 các nhà nghiên cứu cũng đã chú ý đến sự hiện diện của thể loại truyện rất ngắn trong đời sống văn học và coi đó như một nhu cầu tất yếu xuất phát từ cả chủ thể sáng tạo và đối tượng tiếp nhận. Nhiều tác giả đã dành sự quan tâm cho thể loại này như Đặng Anh Đào với Truyện cực ngắn [33], Nguyên Ngọc với Truyện rất ngắn – tác phẩm nghệ thuật, Lê Dục Tú với Thể loại truyện rất ngắn trong đời sống văn học đương đại [174].
Theo dõi tình hình nghiên cứu truyện ngắn đổi mới, có thể thấy, đa phần các ý kiến đều thống nhất cho rằng: “Truyện ngắn Việt Nam đang có những chuyển đổi mạnh mẽ, đang được mùa, “thăng hoa” và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn học đương đại. Qua việc khảo sát lịch sử vấn đề nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy cùng với sự vận động của thể loại, truyện ngắn thời kỳ đổi mới (từ những hiện tượng đến những vấn đề đặt ra trong từng tác giả, tác phẩm cụ thể) đã dành