Những Biểu Hiện Của Huyền Thoại Trong Truyện Ngắn Việt Nam Từ 1986 Đến Nay


hợp hữu cơ các thành tố của chủ nghĩa lịch sử và chủ nghĩa huyền thoại, chủ nghĩa hiện thực xã hội và tính Folklore của chủ nghĩa hiện đại". Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đã để lại những tên tuổi có tầm ảnh hưởng rộng lớn như: G. Macquez, F. Kafka, A. Carpentier, H. Maria Arguedas, R. Bostas,…

Qua những biểu hiện vừa phong phú, vừa sâu rộng, nhiều nhà nghiên cứu nói đến sự phục hưng một cách kì diệu của huyền thoại trong văn học thế kỉ XX nói chung và trong văn xuôi nói riêng. Hướng trở về đó, rò ràng, mở ra nhiều triển vọng cho sự vận động và đổi mới thể loại. Hiện tượng văn học độc đáo và đầy giá trị này chắc chắn sẽ thâm nhập, ảnh hưởng đến văn học toàn cầu, tạo nên một mối quan hệ tương tác rộng khắp, nhiều chiều.

2.2.2.2. Huyền thoại trong văn học Việt Nam

Từ dòng chảy của huyền thoại trong văn xuôi thế giới, nhìn về diễn trình vận động của văn học Việt Nam, chúng ta tìm thấy những chỗ gặp nhau cũng như con đường riêng của văn học dân tộc.

Với bề dày văn hóa lâu đời và là một trong những cái nôi hình thành loài người, kho tàng folklore Việt Nam đầy ắp những huyền thoại. Huyền thoại Việt Nam (chủ yếu là thần thoại) cũng phong phú đa dạng như huyền thoại nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới: huyền thoại sáng thế, huyền thoại văn hóa, huyền thoại tín ngưỡng - tôn giáo,… Một điều rất đáng tiếc, cũng như kho tàng thần thoại đồ sộ Trung Hoa, thần thoại Việt Nam tồn tại một cách tản mác trong dân gian mà không được xâu chuỗi, không được hệ thống hóa thành các áng sử thi đồ sộ như thần thoại Ấn Độ, Hy Lạp. Thế nhưng, có một điều đặc biệt và là điều may mắn của kho tàng huyền thoại Việt Nam đó là hiện tượng tập hợp, ghi chép, "thành văn hóa" một số huyền thoại của các học giả bác học trong suốt thời kì văn học trung đại. Trân trọng vốn liếng văn hóa thiêng liêng của dân tộc, với một tâm thức hướng về những giá trị của quá khứ, các học giả bác học đã sưu tập, đã làm sống dậy các huyền thoại xa xưa trong các tập sách: Việt điện u linh (Lí Tế Xuyên), Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp). Thêm nữa, cùng một tâm thức trân trọng huyền thoại, bên cạnh việc sưu tầm, tập hợp; nhiều học giả đời sau đã dày công viết lại, biên tập lại các


truyện của tiền nhân. Việt điện u linh liên tục được "tu bổ", "tân đính" qua từng giai đoạn. Những người tiêu biểu tiếp nối, giữ gìn gia sản quý giá này là: Nguyễn Văn Chất (thế kỉ XV), Lê Tự Chi (thế kỉ XVI), Cao Huy Diệu, Lê Hữu Hỉ (thế kỉ XVIII), Kim Miện Muội, Chư Cát Thị (đầu thế kỉ XX). Kim Miện Muội đặt lại tên cho tác phẩm là Trùng bổ Việt điện u linh tập toàn biên, Chư Cát Thị biên soạn lại thành Tân đính hiệu bình Việt điện u linh,… Sự kiện cũng lí thú như thế đối với Lĩnh Nam chích quái. Gắn với tuyển tập này, từ Lĩnh Nam chích quái "nguyên tác" cho đến Lĩnh Nam chích quái tân đính, trùng bổ, san định,… có thể nhắc đến các tên tuổi: Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh, Kiều Phú,… Sức sống, phương thức lưu giữ, bảo tồn và chuyển tải của Việt điện u linh Lĩnh Nam chích quái là một hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam.

Trong tương quan về thể loại, cũng như nhiều nền văn học khác trên thế giới, trước dấu mốc thế kỉ XX, truyện ngắn, đặc biệt là truyện ngắn hư cấu Việt Nam hoàn toàn lép vế trước sự độc tôn của thơ ca. Trên thế giới, có hai quan điểm khác nhau về thời gian truyện ngắn ra đời với tư cách một thể loại văn học: từ thế kỉ XV hoặc từ thế kỉ XIX. Điều các nhà nghiên cứu thống nhất cao là: truyện ngắn có nguồn gốc từ các hình thức tự sự ngắn trong văn học dân gian cổ xưa. Từ quan điểm đó, Lê Huy Bắc coi "mảng truyện kể dân gian, tồn tại với tư cách văn bản truyền miệng, với những truyện xuất hiện thần linh, loài vật… được xem là hình thức truyện ngắn cổ đại, cổ xưa nhất của người Việt" [34, tr.95]. Cùng quan điểm đó, Nguyễn Đăng Na coi Việt điện u linh là tập truyện ngắn trung đại đầu tiên của Việt Nam. Từ góc nhìn ấy, có thể thấy, truyện ngắn Việt Nam có khởi nguồn từ một nền móng huyền thoại mạnh; và truyền thống thể loại ấy được lưu giữ, được bảo tồn rất sinh động trong suốt chiều dài văn học trung đại - như sự tồn tại và đồng hành sinh động của hai tập truyện ngắn Việt điện u linh Lĩnh Nam chích quái.

Trong phạm trù văn học trung đại, như đã dẫn ở chương 1, tuy "lép vế" trước thể loại trung tâm là thơ ca nhưng trong sự "lép vế" đó, Trần Đình Sử vẫn coi: Truyện truyền kì, quái dị và truyện văn xuôi lấy đề tài lịch sử là hai hệ thống thể loại lớn của văn học trung đại Việt Nam. Trong hai hệ thống thể loại ấy, rò ràng, thể

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.


loại truyền kì với những đặc trưng thẩm mỹ của nó vẫn là hệ thống thể loại trội hơn cả: "Đặc điểm chung dễ nhận thấy của truyện ngắn trung đại Việt Nam là kể lại những sự kiện, nhân vật kì lạ. Yếu tố huyền ảo luôn được sử dụng trong tự sự của các cây bút truyện ngắn" [34, tr.96]. Trong logic của sự tương tác - tiếp sức và phát triển, chúng ta không phủ nhận cả sự tiếp thu, ảnh hưởng của truyền thống huyền ảo trong văn học Trung Hoa: văn chí quái thời Lục Triều, truyền kì đời Đường,… Có thể nói, tận sâu trong nội lực của nền văn học dân tộc; cùng với sự kế thừa, tiếp thu từ văn học Trung Hoa, đã hình thành nên dòng văn xuôi huyền ảo - truyền kì liên tục chảy qua các thế kỉ văn học trung đại Việt Nam: Việt điện u linh - Lý Tế Xuyên (thế kỉ XIII), Lĩnh Nam chích quái - Trần Thế Pháp (thế kỉ XIV), Thánh Tông di thảo - Lê Thánh Tông (thế kỉ XV), Truyền kì mạn lục - Nguyễn Dữ (thế kỉ XVI), Công dư tiệp kí - Vũ Phương Đề, Truyền kì tân phả - Đoàn Thị Điểm, Lan trì kiến văn lục - Vũ Trinh (thế kỉ XVIII), Tang thương ngẫu lục - Nguyễn Án, Phạm Đình Hổ, Mẫn hiên huyết thoại - Cao Bá Quát (thế kỉ XIX). Có thể thấy: ngay trong diễn trình vận động, phát triển của yếu tố huyền thoại trong văn học Việt Nam trước thế kỉ XX đã tồn tại dấu ấn của tương tác thể loại. Từ các huyền thoại dân gian đến Việt điện u linh Lĩnh Nam chích quái, sự tương tác thể loại diễn ra như một bước trung chuyển, quá độ: đó là sự sưu tập, tân đính, san định, trùng bổ,… Nhưng từ Việt điện u linh Lĩnh Nam chích quái đến Thánh Tông di thảo là một bước tiến dài. Thánh Tông di thảo là những sáng tác thực thụ bằng một bút pháp già dặn, uyên bác, với những truyện hay như: Phả kí về thành núi, Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc, Tinh chuột, Hai gái thần, Chuyện lạ nhà thuyền chài,… Đặc biệt, như sự tích tụ dày dặn về "thâm niên" thể loại, truyện truyền kì Việt Nam đạt đỉnh cao với Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Truyền kì mạn lục được đánh giá rất cao: "Có lẽ những truyện kể thành công nhất trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ hẳn sánh bằng một số truyện trong Mười ngày của Boccaccio. Những truyện như Hà Ô Lôi, Thiếu phụ Nam Xương,… hoàn toàn không hổ thẹn khi đứng ngang với bất kì tuyệt tác nào trong lĩnh vực truyện ngắn ở Việt Nam vì tính truyện, độ hư cấu, khả năng phản ánh hiện thực bằng hình tượng và ngôn từ… đã

Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay - 13


được cách tân rất nhiều" [34, tr.102]. Từ đời sống thể loại sinh động như vậy, Lê Huy Bắc khẳng định "Xem ra suốt cả 9 thế kỉ (chính xác hơn là 6 thế kỉ: từ thế kỉ XIII đến thế kỉ XIX) truyện ngắn Việt Nam cơ bản vẫn là loại truyện ngắn kinh dị" [34, tr.106].

Bước sang phạm trù văn học hiện đại, trong thời kì từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng tháng Tám 1945, chúng ta bắt gặp sự trở về của yếu tố kì ảo trong nhiều sáng tác của Nguyễn Tuân, thấp thoáng trong một đôi tác phẩm của Thế Lữ, Nhất Linh, Thanh Tịnh và cả Nam Cao. Bùi Việt Thắng tìm thấy ở Nguyễn Tuân một lối viết nhiều chất huyền bí kiểu truyền kì, chí dị của phương Đông và có chất kinh dị của phương Tây. Sáng tác Nguyễn Tuân trước và sau cách mạng tháng Tám đều mang màu sắc kì ảo ấy: Báo oán, Xác Ngọc Lan, Rượu bệnh, Loạn âm, Trên đỉnh non tản, Khoa thi cuối cùng và cả trong Chùa đàn. Sự kết hợp giữa chất truyền kì và chất kinh dị đã tạo nên một phong cách sáng tác huyền thoại độc đáo.

Trong văn học 1945 -1975, như một sự đứt gãy, huyền thoại gần như vắng bóng. Phùng Văn Tửu lí giải về sự gián đoạn này: "Do hoàn cảnh lịch sử nước ta, văn học cách mạng cùng với toàn dân dốc sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và đấu tranh thống nhất đất nước, nên trong sáng tác cũng như trong lí luận phê bình ở thế kỉ XX, huyền thoại còn là một vấn đề xa lạ, ít ai quan tâm" [30, tr.378]. Thế nhưng, sau 1975, nhất là từ sau đổi mới, chúng ta chứng kiến sự tái xuất đầy ấn tượng của huyền thoại trong đời sống văn học nghệ thuật: âm nhạc, điện ảnh, văn học,… Đặc biệt, huyền thoại trở thành một tố chất thể loại vừa mới mẻ vừa mạnh mẽ trong truyện ngắn giai đoạn này. Chính Phùng Văn Tửu, người vừa thấy sự xa lạ của huyền thoại trong văn học 1945 - 1975 đã rất ngạc nhiên: "Từ thời kì đổi mới, bắt đầu xuất hiện trên văn đàn những tác phẩm với các nhân vật, các sự kiện siêu nhiên hoặc được xây dựng trên cơ sở của trí tưởng tượng sáng tạo vượt ra ngoài khuôn khổ chân thực cụ thể lịch sử. Những truyện như thế xuất hiện ngày càng nhiều. Hai phụ bản báo Văn ghệ chỉ đăng 20 tác phẩm mà đã có nhiều truyện khiến ta phải suy nghĩ" [30, tr.378]. Đó chỉ là những nhận xét bước đầu, đi sâu vào đời sống thể loại, chúng ta sẽ thấy: huyền thoại không phải chỉ trở lại ở một vài hiện


tượng riêng lẻ, ngược lại, những sáng tác huyền thoại đã hình thành một dòng truyện ngắn: truyện ngắn - huyền thoại.

Nếu nhìn văn học trên bình diện đồng đại, các nhà nghiên cứu sẽ thấy huyền thoại trong truyện ngắn đương đại Việt Nam là một hiện tượng lạ. Thế nhưng, khi chúng ta nhìn văn học trên bình diện vừa đồng đại vừa lịch đại; sẽ thấy huyền thoại trong truyện ngắn hôm nay là một hiện tượng thú vị, rất thú vị chứ không lạ. Cách nhìn văn học như một lát cắt của thời hiện đại mà không đặt trong một hệ thống động với sự tác động đa chiều của nó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: truyện ngắn huyền thoại Việt Nam là kết quả sự ảnh hưởng của truyện ngắn huyền ảo (Magical short stories), một trong ba xu hướng truyện ngắn phát triển mạnh của truyện ngắn hậu hiện đại thế giới. Trên cơ sở sự trình bày về diễn trình của yếu tố huyền thoại trong văn học thế giới và văn học Việt Nam ở trên, có thể khẳng định rằng: sự trở về với huyền thoại là quy luật chung của văn học thế giới và rất ngạc nhiên, ở phương diện tương tác này, văn học Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Thế nhưng, xét về con đường cũng như phạm vi tương tác, điều thú vị nằm ở chỗ: yếu tố huyền thoại trong truyện ngắn Việt Nam là kết quả của một quá trình tương tác vừa đa dạng vừa nhiều chiều chứ không chỉ là kết quả của sự tương tác với văn học hiện đại phương Tây. Đó là sự trở về với những huyền thoại, những mẫu cổ trong vốn liếng folklore dồi dào của dân tộc; đó là sự tác động, thâm nhập, thẩm thấu của yếu tố huyền thoại trong văn học Việt Nam qua một chu kì phát triển dích dắc và mang tính tiệm tiến; và đó còn là sự kế thừa, tiếp thu thành tựu của văn học huyền thoại thế giới. Nói cách khác, có nhiều con đường để hình thành nên truyện ngắn huyền thoại Việt Nam đương đại: có con đường gián tiếp trong sự tương tác với các thể loại văn học dân gian; có con đường quanh co, dích dắc trong sự tương tác với các thể loại huyền thoại, truyền kì trong lịch sử phát triển thể loại của văn học dân tộc; đồng thời cũng có con đường trực tiếp trong sự tương tác với văn học huyền thoại thế giới. Hai nẻo tương tác trên là sự tương tác từ nội lực văn học dân tộc, nẻo tương tác thứ ba có sự giao lưu, tiếp sức từ ngoại lực văn học thế giới, nhưng cũng không thể phủ nhận cơ sở từ cái nôi huyền thoại mạnh của yếu tố nội sinh. Như vậy,


có thể khẳng định rằng: yếu tố huyền thoại chủ yếu được tạo nên bởi yếu tố nội sinh, bởi truyền thống huyền thoại mạnh, bởi nội lực mạnh mẽ của dòng truyền kì trong văn học Việt Nam. Sự tương tác với yếu tố nội sinh và ngoại sinh đã tạo nên gương mặt vừa phong phú vừa độc đáo của truyện ngắn huyền thoại Việt Nam sau đổi mới.

Sự thâm nhập của huyền thoại vào truyện ngắn được biểu hiện một cách phong phú, đa dạng: có truyện ngắn chỉ biểu hiện ở tính hư tưởng (mythos); có truyện ngắn biểu hiện ở phương thức liên văn bản khi trở lại với những cổ mẫu, tìm về tích xưa; có truyện ngắn kế thừa huyền thoại ở phương thức xây dựng thế giới nghệ thuật bằng những biểu tượng kì ảo đa nghĩa nhưng cũng có những truyện ngắn du nhập huyền thoại ở các vấn đề kết cấu, không thời gian,… Ở những tác giả lớn, huyền thoại trong tác phẩm của họ là sự tổng hợp một cách nhuần nhuyễn của những yếu tố nêu trên. Trên một bình diện khác, xét về cách thức tương tác, có thể phân chia thành: những truyện ngắn trở về với huyền thoại trong văn học dân tộc và những truyện ngắn tiếp thu những đặc tính của huyền thoại như đã nêu ở trên để sáng tạo nên những huyền thoại mới. Ở khía cạnh này, nhiều nhà nghiên cứu phân chia trên cơ sở truyện ngắn có điểm tựa hay không có điểm tựa (xét theo nghĩa dựa trên cốt truyện, tích truyện hay biểu tượng truyện) là một huyền thoại dân gian. Theo đó: có những truyện ngắn trở về với huyền thoại cổ, trở về với những cổ mẫu trong vốn liếng folklore dân tộc; song hành, trong nỗ lực đổi mới của các cây bút truyện ngắn, còn có sự sáng tạo nên những huyền thoại mới, huyền thoại thời hiện đại. Đối với những truyện ngắn trở về với huyền thoại cổ, do có điểm tựa là một huyền thoại dân gian nên có nhà nghiên cứu đề xuất gọi những truyện ngắn này là truyện cũ viết lại; với những truyện không có điểm tựa là một huyền thoại dân gian như trên thì gọi là truyện giả (nhại) cổ tích (Bùi Thanh Truyền) [386]. Dưới góc nhìn tương tác thể loại, chúng tôi đều coi những tác phẩm trên là sự khúc xạ của huyền thoại do vậy đều được gọi chung là truyện ngắn huyền thoại. Tuy nhiên, khi cần phân biệt các tiểu loại của truyện ngắn huyền thoại chúng tôi dùng khái niệm kì ảo để gọi tên loại truyện ngắn thứ hai. Còn nếu xét dưới góc độ tinh thần thời đại


của những truyện có yếu tố huyền thoại này, chúng tôi đề xuất tên gọi cho toàn bộ những truyện ngắn trên là truyện ngắn giả (nhại) huyền thoại (tên gọi giả (nhại) cổ tích không bao quát được ý nghĩa của loại truyện ngắn này). Chúng tôi chọn cách phân chia này để trình bày dưới đây. Cách phân chia như vậy chỉ có tính chất tương đối nhằm thấy được những biểu hiện sinh động của tố chất huyền thoại trong truyện ngắn hôm nay. Tương đối vì ở những tên tuổi lớn, tác phẩm của họ có cả hai kiểu loại trên; đôi khi hai kiểu loại hoà phối trong một tác phẩm chứ không tách bạch một cách rò ràng, cơ học. Có thể nói đến những giá trị ấy trong sáng tác Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Hòa Vang, Vò Thị Hảo, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nhật Chiêu,…

2.2.3. Những biểu hiện của huyền thoại trong truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay

2.2.3.1. Sự trở về với huyền thoại trong văn học dân tộc

Như đã nói ở trên, huyền thoại đến với cuộc sống hiện đại bằng nhiều nẻo, trong đó nẻo trở về với kho tàng "kí ức tập thể" của dân tộc là nẻo chính, nẻo mang lại nhiều hiệu ứng thẩm mĩ mới cho đời sống thể loại. Rất thú vị khi không hẹn mà gặp, hành trình trở về với vốn liếng folklore mang bản quyền chung của cả dân tộc ấy đã trở thành nẻo đường chung của nghệ thuật đương đại, tiêu biểu là trong âm nhạc, điện ảnh, kịch, tiểu thuyết, đặc biệt là trong truyện ngắn. Sự hội ngộ của chất dân gian trong âm nhạc hôm nay đã tạo nên dòng nhạc dân gian đương đại độc đáo với nhiều tên tuổi: Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phó Đức Phương, Lưu Thiên Hương,… Dòng nhạc dân gian đương đại với những giai điệu, âm hưởng riêng của ca trù, của hát ả đào, của sáo Mèo, của các làn điệu dân ca,… đã thực sự thuyết phục đôi tai thính nhạy của khán giả hiện đại để lên ngôi trong nhiều số Bài hát Việt. Huyền thoại, dã sử, cổ tích dân gian cũng được tái sinh trong kịch. Âm hưởng huyền thoại cũng là ngả rẽ riêng của nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam đương đại.

Như một điều kì diệu - như một huyền thoại, trong cuộc sống đầy tường minh của những năm cuối thế kỉ XX, truyện ngắn Việt Nam lại đầy yếu tố lung linh, hư ảo với những cổ mẫu, những huyền thoại đã nằm sâu dưới bao lớp trầm tích văn


hóa trong nguồn mạch folklore dân tộc. Nếu coi các hình thức tự sự dân gian cổ xưa là khởi nguồn đầu tiên của thể loại truyện ngắn Việt Nam thì sau bao nhiêu giai đoạn tiến lên phía trước, cái "trí nhớ siêu cá nhân" đó lại "hội ngộ", lại "hợp hôn" thật đẹp trong truyện ngắn đương đại. Vì thế, như đã khẳng định ở trên, trong nẻo tương tác này, yếu tố huyền thoại không phải là cái gì đó xa lạ mà quý thay khi nó đến với hiện đại từ truyền thống, đến với hiện đại từ nội lực văn học dân tộc, chúng tôi coi đó là biểu hiện của hiện tượng "lại giống thể loại". Huyền thoại trong truyện ngắn đương đại Việt Nam như kết quả của những hồi ức văn học, khi hồi ức là đặc tính rất mạnh, là gen trội rất đặc trưng của các cư dân nông nghiệp - các dân tộc gieo mầm. Nguyễn Huy Thiệp xác minh cội nguồn yếu tố huyền thoại trong truyện ngắn: “…Khi viết văn tôi luôn tìm lại những giá trị truyền thống… Tôi nghĩ một nhà văn phải bắt đầu từ những kinh nghiệm nguyên thuỷ nhất của dân tộc mình. Tóm lại, phải đi từ những con người Việt Nam, từ nguồn gốc, từ đó lần về sau” [283, tr.383]. Có thể nói rằng, không chỉ riêng Nguyễn Huy Thiệp mà mỗi nhà văn Việt Nam, thậm chí mỗi con người Việt Nam, thẳm sâu trong vô thức đã tiềm tàng một thế giới huyền thoại. Chỉ cần nhắm mắt suy tư là thế giới ấy hiện về:"Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện. Sẽ được nhìn thấy các bà tiên,.." (Nói với em - Vũ Quần Phương).

Sự trở về của huyền thoại trong truyện ngắn đương đại cuối thế kỉ XX, tất nhiên, với những tính chất mới, những giá trị mới. Đó là kết qủa của sự tương tác theo vòng xoáy trôn ốc mà những vòng tròn lặp lại chắc chắn sẽ đem đến cho độc giả hôm nay những dư vị mới hơn nhiều, khác hơn nhiều so với huyền thoại dân gian nguyên thủy hay chất truyền kì chí dị trung đại. Với sự hiện hữu của những huyền thoại dân gian, truyện ngắn đương đại đã tạo nên những song đề truyền thống

- hiện đại. Cũng như xu hướng tái huyền thoại hoá trong chủ nghĩa huyền thoại phương Tây, huyền thoại nguyên thủy đã được khúc xạ nhiều trong môi trường truyện ngắn đương đại, trong tinh thần triết mĩ đương đại. Do vậy, nói như E. M. Meletinsky: đó là phản huyền thoại, là huyền thoại lộn trái. Đến với cuộc sống đương đại bằng những biểu tượng siêu mẫu đã ngưng tụ thành những trầm tích của

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/07/2022