giúp cho bà con dân tộc dần thoát khỏi những phong tục, tập quán, lối sống lạc hậu, có cái nhìn mới mẻ về khoa học và tin tưởng vào y học hiện đại
Y tá Nhình trong truyện ngắnMột ngày nghỉ cũng là một thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân. Cô đã hi sinh một ngày sum họp duy nhất với người chồng xa cách hàng năm trời để chăm sóc cho bệnh nhân. Nhình lấy chồng đã được ngót một năm nhưng ngoài bảy ngày nghỉ cưới ra mười một tháng nay anh chưa được về nhà lần nào. Đợt này anh được về nghỉ một ngày, Nhình đã mong ngóng bao nhiêu đến ngày đó, nhưng chưa kịp ăn trọn bữa cơm sum họp với chồng, với tấm lòng của một người thầy thuốc tận tâm, cô đã vội vàng sang đỡ đẻ cho một sản phụ. Cô hi vọng sản phụ đẻ sẽ dễ và cô sẽ được về nhà trước chín giờ. Thế nhưng sản phụ đó lại bị băng huyết, với trách nhiệm của người thầy thuốc, Nhình đã quyết định ở lại chăm sóc cho sản phụ mặc dù cô biết chồng mình đang nóng lòng đợi ở nhà. Khi người bệnh đã ổn định, Nhình ra về thì cũng là lúc ba giờ sáng. Sáng hôm sau, lại có người nhà bệnh nhân gọi, cô lại sửa soạn thuốc men để cứu chữa cho một em bé bị sưng phổi. Mặc dù biết rằng, ba giờ chiều là chồng mình phải lên xe trở về nơi công tác nhưng tính mạng một con người đang nằm trong tay cô, nếu cô về thì đứa trẻ sẽ khó sống nên cô đã quyết định ở lại. Chữa được bệnh cho đứa trẻ, cô còn hi vọng sẽ giúp mẹ đứa bé thấy được tác dụng của thuốc chứ xưa nay bà con toàn cúng mo, then khi con ốm đau, đến khi nguy cấp mới gọi đến thầy thuốc. Vậy là, đành phải dành một ngày nghỉ cuối tuần hiếm hoi để làm tròn nhiệm vụ của người thầy thuốc, cô đã không còn thời gian để chia tay với người chồng của mình trước khi anh lên đường trở về cơ quan công tác.
Như vậy, có thể thấy "những bông huệ trắng" trong sáng tác của nhà văn Vi Thị Kim Bình đều là những người phụ nữ chân thật, chất phác, tận tụy, đảm đang, luôn hi sinh hết mình vì người khác, rất tâm huyết với công việc,... Thông qua những tác phẩm của mình nhà văn muốn khẳng định và ngợi ca nhân cách, bản lĩnh của những nữ y bác sĩ yêu nghề, tận tụy với bệnh nhân,
chấp nhận sự vất vả thiếu thốn để cứu người, để đem lại sự sống cũng như niềm vui, niềm hạnh phúc cho bệnh nhân. Dù cuộc sống còn nhiều gian nan, thiếu thốn nhưng "lửa thử vàng, gian nan thử sức", chính những khó khăn đó đã làm sáng lên sức sống bền bỉ, nghị lực mãnh liệt của những con người miền núi nơi đây. Sức sống ấy, nghị lực sống ấy là động lực, là cội nguồn sức mạnh giúp con người vượt qua được những chông gai, thách thức trong cuộc sống. Trong mọi hoàn cảnh, họ luôn biết vượt lên những khó khăn, thử thách trong chiến tranh, vươn tới tầm cao đẹp của cuộc sống, của thời đại mới. Những đóng góp thầm lặng, nghĩa tình, bền bỉ, to lớn của họ cũng là một trong những cội nguồn sâu xa tạo nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến của cả dân tộc. "Những bông huệ trắng" giàu đức hi sinh và giàu lòng nhân ái đó đã đem đến cho người đọc những "Niềm vui", những "Đốm sáng" và niềm tin bất diệt vào sức mạnh kì diệu của con người. Đó là những bông hoa rừng - đẹp một cách chân mộc mà ngát hương thơm, nó góp phần làm lành bao vết thương về thể xác cũng như tâm hồn của con người.
2.2.2. Con người miền núi trước những cơ hội và thách thức trong thời mở cửa của đất nước.
Đất nước ngày một phát triển, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao biên giới đã có nhiều thay đổi theo xu hướng hiện đại hóa với những con người mới. Sáng tác của Vi Thị Kim Bình cũng có sự vận động cho phù hợp với sự đổi thay đó của xã hội. Tâm điểm của bức tranh hiện thực trong sáng tác của Vi Thị Kim Bình lúc này là những con người miền núi trước những cơ hội và thách thức trong quá trình xây dựng cuộc sống mới thời kì mở cửa và hội nhập.
Tìm hiểu truyện ngắn của Vi Thị Kim Bình, chúng tôi nhận thấy hình tượng con người miền núi trong thời kì mới được nhà văn khắc họa khá đa dạng và phong phú. Với những câu chuyện đời thường nhẹ nhàng, giản dị và sâu sắc, với những con người vốn rất gần gũi, thân quen, truyện ngắn của Vi
Thị Kim Bình luôn chứa đựng những giá trị ngợi ca, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của con người. Nó thể hiện niềm tin, sự trân trọng đối với con người của nhà văn.
Trong thời kì mở cửa, tình miền núi biên giới Lạng Sơn có rất nhiều cơ hội để phát triển đi lên. Sự phát triển đó phụ thuộc nhiều yếu tố (môi trường, địa lí, ...) nhưng một trong những yếu tố quan trọng nhất là yếu tố con người. Nhà văn Vi Thị Kim Bình đã nắm bắt vấn đề mang tính thời sự đó để xây dựng hình tượng nghệ thuật là những con người mới trong quá trình xây dựng cuộc sống thời kì hiện đại ở mảnh đất vùng biên có cửa khẩu vào loại lớn nhất phía Bắc này.
Trong giai đoạn này, những nhân vật xuất hiện trong sáng tác của nhà văn là những con người giàu nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm, có niềm tin mãnh liệt ở sức mình và ở tương lai. Đó sẽ là những con người góp phần làm thay đổi cuộc sống của đồng bào vùng biên giới còn nhiều khó khăn và đầy thách thức này.
Có thể bạn quan tâm!
- Hiện Thực Cuộc Sống Vùng Biên Đầy Sự Phong Phú, Phức Tạp Thời Mở Cửa.
- Truyện ngắn Vi Thị Kim Bình - 7
- Hình Tượng "những Bông Huệ Trắng" Ngát Hương Giàu Đức Hi Sinh, Giàu Lòng Nhân Ái.
- Khái Niệm Cốt Truyện Trong Tác Phẩm Tự Sự.
- Nghệ Thuật Xây Dựng Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Vi Thị Kim Bình
- Nghệ Thuật Miêu Tả Tâm Lí, Tính Cách Nhân Vật Qua Độc Thoại Nội Tâm
Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.
Là một y tá người dân tộc, Xuyến (Chuyện bà Sử) hiểu hơn ai hết sự trì trệ, bảo thủ trong nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của bà con người dân tộc. Để thay đổi được họ là điều không dễ dàng vì đó là những hủ tục đã ăn sâu vào tư tưởng của người dân nơi đây. Nếu chỉ tuyên truyền thôi thì rất khó thay đổi được họ. Chính vì vậy nên ngoài việc khuyên nhủ, nhắc nhở bà Sử nhiều lần Xuyến còn phải "chữa cho bà khỏi để bà tự hiểu và mong mọi người cũng hiểu được như bà" [5, tr.41]. Bằng lòng nhiệt tình và hiệu quả thiết thực của tiến bộ y tế Xuyến không những chữa khỏi bệnh cho bà Sử mà còn cứu sống cả đứa cháu ngoại của bà. Việc làm ấy của cô đã làm một bệnh nhân "ngoan cố" như bà Sử phải tin vào khoa học tiến bộ, tin vào y học hiện đại và nhận ra rằng: "gần cả cuộc đời lao động vất vả tối tăm, hôm nay bà mới thấy cuộc đời thật thự hạnh phúc và sung sướng" [5, tr. 44].
Cô bác sĩ trẻ người dân tộc Tày trong truyện ngắn Đốm sáng cũng vậy. Với mong muốn chữa những bệnh về mắt cho đồng bào dân tộc mình, Duyên đã không ngừng nghiên cứu tài liệu và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Bằng lòng nhiệt tình, sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm và đôi bàn tay khéo léo, Duyên đã mổ thành công nhiều ca đem lại ánh sáng cho nhiều bệnh nhân. Những bệnh nhân sau khi điều trị hết bệnh, khỏe mạnh ra viện sẽ là câu trả lời thiết thực nhất để đồng bào dân tộc tin tưởng vào khoa học hiện đại.
Nhân vật Quang trong truyện ngắn Chiếc khăn quàng màu xanh cũng là một đại diện tiêu biểu cho những con người mới dám nghĩ, dám làm. Quang là một kĩ sư lâm nghiệp gắn bó và yêu vô cùng vẻ đẹp của quê hương xứ Lạng. Quang chọn nghề lâm nghiệp cũng bởi với nghề đó anh sẽ được đi rừng nhiều, mà đi rừng nhiều thì anh sẽ khám phá được nhiều cảnh đẹp của quê hương đất nước. Ngay từ lúc còn là học sinh phổ thông, Quang đã có sáng kiến táo bạo trong việc trồng cây gây rừng, đó là trồng cây thành những hàng chữ có ý nghĩa. Sáng kiến đó của Quang đã lan nhanh đến mọi tầng lớp nhân dân làm cho ở Lạng Sơn "không một đồi nào bỏ trống". Không khí tưng bừng "trồng cây gây rừng" của Lạng Sơn kéo dài hết năm này đến năm khác. Thế rồi, chiến tranh biên giới xảy ra đã khiến những đồi cây mà Quang cùng mọi người trồng bị tàn phá nặng nề. Dù xót xa, dù đau đớn nhưng Quang và mọi người sẽ quyết tâm trồng lại cây trên dòng chữ kỉ niệm. Anh và nhiều người khác sẽ tiếp tục trồng cây, trồng gỗ quý vì màu xanh và sự giàu có của quê hương, đất nước.
Trong truyện ngắn Giấc mơ tiên tác giả đã mượn câu chuyện về giấc mơ lắp ráp được một con tàu vũ trụ của bé Hoan để nói lên khát khao tiếp cận khoa học kĩ thuật hiện đại để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn. Con tàu mà Hoan mơ mình lắp ráp được thật độc đáo. Nó "có hình như một cái măng mai. Trong khoang có hai chỗ ngồi. Có một cửa ra vào và có một
cầu thang gấp. Trong khoang có đủ thức ăn, nước uống. Em tự nghiên cứu ra một loại vải bằng vỏ cây đặc biệt. Quần áo có thể chịu được nhiệt độ cao và cả khi nhiệt độ xuống thấp. Con tàu chạy bằng một loại dầu đặc biệt, được ép bằng một loại quả ở trên rừng" [7, tr. 617]. Tất cả những nguyên liệu mà em sử dụng để chế tạo con tàu của mình đều được lấy từ tự nhiên, lấy từ rừng. Vậy là ngay từ trong ý tưởng, em đã có ý thức bảo vệ môi trường. Qua câu chuyện của Hoan, tác giả cũng muốn khẳng định những con người miền núi là những người dám nghĩ, dám làm, có niềm tin mãnh liệt ở sức mình và ở tương lai.
Với một niềm tin mãnh liệt vào những phẩm chất tốt đẹp của con người, trong sáng tác của Vi Thị Kim Bình những người tốt, những con người miền núi có vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách luôn chiếm số đông. Họ là những con người miền giàu lòng vị tha, luôn giữ vững nhân cách, phẩm giá trong mọi hoàn cảnh. Đó chính là những tấm gương để các nhân vật khác và người đọc tự "soi mình". Ta có thể nhận ra những con người đó trong các tác phẩm như:Giàn nho chín, Trong khung của sổ, Mối tình đầu muộn mằn, Ánh đuốc bên bờ suối, Giấc mơ kì diệu ...
Khi còn trẻ, thầy Thuận truyện ngắn Giàn nho chín là một thầy giáo hết lòng với học sinh, luôn dốc sức vun đắp cho các lứa học trò để sau này họ trở thành những người có tài, có đức. Nhiều lần dù còn đang nằm trùm chăn kín mít vì vừa dứt cơn sốt rét, thấy học trò đến hỏi bài thầy vẫn cố gắng ngồi dậy cầm bút và tờ giấy nháp để chỉ cho các em những điều khúc mắc, hóc búa của bài toán mà các em chưa tìm ra cách giải. Ngoài việc truyền đạt kiến thức cho các em, thầy luôn nhắc nhở học sinh của mình những việc nhỏ trong sinh hoạt. Cuộc đời của thầy gắn chặt với bục giảng, chiếc bảng đen, viên phấn trắng và những tiếng nô đùa của học sinh. Đến khi về hưu, thầy vẫn chỉ là một thầy giáo nghèo nhưng thầy luôn cảm thấy tự hào vì đã làm tròn bổn phận của mình. Và cũng chỉ đến khi về hưu, thầy mới có thời gian để làm kinh tế gia
đình. Từ một khu đất bỏ hoang thầy đã biến nó thành một khu vườn trồng nhiều loại cây ăn quả quí hiếm. Thầy còn nuôi một đàn lợn con với hi vọng từ những con lợn này "sẽ gom góp cho thầy những viên gạch, những viên ngói, những cái xà, cái kèo để thầy dựng một nếp nhà nho nhỏ, chắc chắn phòng khi mưa bão" [7, tr. 358]. Cuộc sống lao động tuy chật vật nhưng thầy vẫn cảm thấy sung sướng bởi vì thầy tự sống bằng mồ hôi và sức lực của mình. Và đối với thầy, phần thưởng cao quý nhất đó là nhìn thấy những lứa học trò của mình trưởng thành, trở thành những con người có ích cho xã hội.
Giàu lòng nhân ái, vị tha là một trong những phẩm chất rất đáng trân trọng của người dân miền núi. Dù bị người khác hãm hại, lừa gạt lợi dụng họ vẫn không căm giận và tìm cách trả thù. Ngược lại, khi có điều kiện, họ vẫn rộng mở tấm lòng cứu giúp chính những con người trước đây đã từng hại mình. Phương châm sống của họ là lấy tình người làm gốc. Ông bác sĩ đông y trong truyện ngắn Trong khung cửa sổ là người như vậy. Mặc dù trước đây bị ông bí thư huyện cắt lương, cắt gạo thậm chí kí giấy gửi lên tỉnh để đuổi việc nhưng khi ông ta bị bệnh, cần đến thuốc cầm máu, vị bác sĩ đông y này vẫn tận tình cắt thuốc và còn nhắc đi nhắc lại cách sắc thuốc và uống thuốc. Rồi khi ông may mắn trúng xổ số, ngoài việc khao dân làng, đem tiền biếu những gia đình thương binh liệt sĩ và mấy nhà khó khăn nhất xã, ông còn dành một số tiền đến thăm ông bí thư huyện kia. Hành động đó đã làm sáng ngời tấm lòng vị tha, cao cả của ông. Đối với những người đồng cảnh ngộ, ông hết lòng yêu thương giúp đỡ, đối với những kẻ đã từng gây khó khăn cho mình ông cũng sẵn sàng tha thứ. Tấm lòng bao dung của ông bác sĩ đông y "chân thật, trong sáng, giàu nghị lực, bị oan ức" [7] kia luôn là nỗi ám ảnh, day dứt, ân hận của ông bí thư huyện đến khi chết.
Nếu như ở giai đoạn trước, sáng tác của nhà văn Vi Thị Kim Bình chủ yếu tập trung ca ngợi những người phụ nữ trong ngành y thì ở một số truyện ngắn của mình giai đoạn sau này, nhà văn đã đi sâu phản ánh, ca ngợi những
người phụ nữ dân tộc với bản tính dịu dàng, mộc mạc, chân thực. Dù mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng họ luôn biết vượt lên hoàn cảnh, sống nhường nhịn, vị tha, nhiều khi chấp nhận những hi sinh thiệt thòi cho riêng mình để dành những gì tốt đẹp nhất cho cuộc đời.
Hưởng trong truyện ngắn Ánh đuốc bên bờ suối là một cô gái nhân hậu, giàu tình thương yêu. Chiến tranh đã cướp đi của cô người chồng sắp cưới. Từ đó cô trở nên lặng lẽ, không chịu lấy ai, ngoài công việc, cô chỉ tập trung vào chăm sóc đứa cháu gái mồ côi mẹ. Nhưng rồi cô gặp Thắng, một anh bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi biên giới. Tình yêu đã nảy nở từ cuộc gặp gỡ giữa hai con người, hai tâm hồn đã chịu nhiều mất mát, đau khổ bởi chiến tranh như ngọn đuốc tưởng như tàn lụi, dập tắt đến nay lại được “đốt sáng, cháy bùng, mạnh mẽ”[7, tr. 186].
Là một phụ nữ đã qua thời son trẻ, cô giáo Nhạn trong Mối tình đầu muộn mằn đã trải qua biết bao cay đắng, bất hạnh trong cuộc đời. Nhiều năm sống độc thân, Nhạn đã tự “tạo cho mình một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc. Cái hạnh phúc của một người được tự sống có nề nếp và giàu nghị lực” [7, tr. 422]. Trên một chuyến tàu, cô đã gặp lại Hùng, người đã lần đầu tiên làm cho trái tim Nhạn biết rung động. Cuộc gặp gỡ tình cờ ấy đã kết nối hai trái tim tưởng như lỗi nhịp lại cùng hòa chung một nhịp đập. Tuy nhiên, Nhạn vẫn cảm thấy lo sợ sẽ không đem lại hanh phúc cho Thắng bởi những nốt vôi hóa trên hai lá phổi của mình, cô sợ mình sẽ không có con. Nhưng với Hùng, những điều đó không lớn bằng tình yêu anh dành cho cô. Với anh "những nốt vôi hóa rải rác trên hai lá phổi của các thầy cô giáo là những tấm huân chương cao quý" [7, tr. 430] và anh rất tự hào về điều đó. Lễ cưới của họ là kết thúc có hậu của một mối tình đầu tuy muộn mằn nhưng thật hạnh phúc.
Nhân vật Hương trong truyện ngắn Giấc mơ kì diệu cũng là một người phụ nữ thủy chung, giàu lòng nhân ái. Cô đã không quản ngại khó khăn, gian khổ để đi tìm hài cốt của liệt sĩ Hùng. Trước đây, Hùng và Hương yêu nhau,
nhưng do hoàn cảnh gia đình, do chiến tranh họ không đến được với nhau. Trong cuộc chiến, Hùng đã hi sinh và không có một người thân nào đón hài cốt anh trở về với quê hương. Điều đó cứ ám ảnh Hương khiến cô ngày một gày mòn. Và rồi Hương đã tâm sự điều đó với Thanh, người chồng hiện tại của mình. Thanh không những không ghen với quá khứ của vợ, đồng ý cho cô đi tìm hài cốt của Hùng mà anh còn cùng đi với cô để "đón" Hùng trở về. Đó là một việc làm đầy tình nghĩa, thể hiện đạo lí "uống nước nhớ nguồn" của những con người không bao giờ quên đồng chí, đồng đội một thời chiến đấu hi sinh.
Như vậy, có thể thấy càng ngày, hình tượng con người miền núi trong sáng tác của Vi Thị Kim Bình càng để lại ấn tượng sâu đậm hơn trong lòng người đọc. Ấn tượng đó được tạo nên bởi sự chuyển biến trong việc xây dựng hình tượng nhân vật từ lối viết cổ truyền sang lối viết vận dụng nhiều yếu tố hiện đại, từ khái quát bề mặt sang phân tích tâm lí chiều sâu, đa dạng và đa diện hơn. Những con người miền núi và đời sống của họ được tác giả thể hiện trong tác phẩm của mình rất gần gũi như những con người ngoài đời. Khi tiếp cận với họ chúng ta như cùng được sống, cùng đau khổ, xót thương và tự nhận về mình tình yêu thương và sự cảm thông. Qua hình tượng những con người miền núi thủy chung, nhân hậu ấy, nhà văn muốn thể hiện niềm tin tuyệt đối vào nhân cách con người.
Trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở miền núi, bên cạnh những cơ hội mở ra cho đồng bào dân tộc còn có cả những thách thức đặt ra. Một trong những thách thức đó là sự xuống cấp đạo đức, sự tha hóa của con người. Đọc tập truyện ngắn Một nửa của người đàn bà của nữ nhà văn người dân tộc Mường Hà Thị Cẩm Anh, ta luôn thấy hình ảnh con người bị tha hóa do môi trường mới đầy sự phức tạp gây nên trong phần lớn các truyện của nhà văn này. Họ sống với nhau rất vô ơn, giả tạo, tham tiền tài, địa vị (Cuộc đời bị đánh cắp); rất tàn nhẫn (Của hồi môn); hoặc bị tha hóa, sa đọa (Một nửa của