Truyện ngắn Thanh Tịnh trong dòng truyện ngắn trữ tình Việt Nam 1930-1945 - 5


gặp thất bại trên tình trường. Và buổi chiều hôm ấy, may mắn thay, chàng đã gặp được một “rừng thông đang yêu”. Chàng đã mở lòng mình để nhận lấy “bài học ngụ trong bài thơ của phấn thông vàng”. Bởi “tình yêu có bao giờ mất”. Xuân Diệu đã tả rất đẹp cảnh này: “Không gian đã thành một điệu vàng mênh mông: nắng vàng nhuộm vàng những cây, và phấn thông vàng lẫn vàng trong nắng”. Bút pháp trữ tình lãng mạn của ông có lẽ đã quá thành công trong truyện ngắn này.

Thanh Châu, Ngọc Giao là những cây bút mà tên tuổi gắn liền với tờ Tiểu thuyết thứ bảy trong suốt thời gian dài. Thanh Châu tên thật là Ngô Hoan, sinh năm 1912, quê tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ngòi bút Thanh Châu trước năm 1945 nhẹ nhõm, trong trẻo, trong những chuyện tình thoáng qua, chỉ còn lại như một kỷ niệm đẹp không phai mờ. Chất lãng mạn ở Thanh Châu không phải là thứ lãng mạn phóng đãng “vui vẻ, trẻ trung”, mà thường là những rung cảm nghệ sỹ trước cái đẹp, cái thiện, ít nhiều mang màu sắc lý tưởng. Nhân vật trong truyện ngắn Thanh Châu thường xuất hiện nhiều giới công chức sang trọng, nghệ sỹ, dân trung lưu thị xã, thị trấn, dân nghèo cư ngụ ven thành phố. Cốt truyện của Thanh Châu đơn giản, tình huống nhẹ nhàng, tình tứ mơ màng buồn thương như Hoa ti gôn, Tà áo lụa, … Truyện của ông thường chứa đựng những yếu tố tinh thần: tâm trạng xót xa trước kiếp người bất hạnh; thái độ tán thành đức hy sinh, lòng chung thuỷ; sự trân trọng đối với những tình cảm trong sáng: “Cả đêm, Bình mơ thấy một tà áo mỏng như sương bay trong ánh trăng thanh” (Tà áo lụa). Truyện của Thanh Châu có khả năng giúp con người hướng thiện, có khi làm thức dậy trong con người những cảm nhận nhẹ nhàng nhưng nhuốm ý vị triết lí hướng thượng: “Vô ích cả, vô ích cả. Lại bên bờ ta đây mà nghe ngóng một vài điều huyền bí về cõi đời này và


cõi bên kia. Như thế còn hơn…” (Ở Tây Hồ, một chiều sang xuân). Thanh Châu chuyên đi vào những trạng thái tâm hồn nhân vật, ông đi tìm và thể hiện những vẻ đẹp tâm hồn, lắng nghe, rượt đuổi, cố nắm bắt và thể hiện cho bằng được những cung bậc tinh tế của tâm hồn. Các sự việc, tình tiết thuộc đời sống sinh hoạt hằng ngày của nhân vật chỉ còn là nguyên cớ để bộc lộ thế giới nội tâm. Lời văn của Thanh Châu rất đẹp, thanh lịch và sang trọng: “Trong thư, một dây hoa ti gôn nhỏ ép rơi ra. Những nụ hoa chúm chím hình như quả tim vỡ làm mấy mảnh, đỏ hồng như nhuộm máu đào” (Hoa ti gôn), “Ban đêm, đó mới là lúc các loài thảo mộc đua nhau sống. Một trận gió nhẹ thổi qua làm run rẩy và rời rụng những cánh hoa trên đám lá đen. Tôi chợt hiểu tại sao đến cây cỏ cũng sống vội vàng, mãnh liệt” (Vườn chanh).

Ngọc Giao (1911-1997), cũng như Thanh Châu, được coi là nhà văn “chuyên về tình cảm” (lời Phùng Tất Đắc), thường đi vào những cảnh ngộ ngang trái, đượm buồn. Trước 1945, truyện ngắn của Ngọc Giao thường nghiêng về đề tài đời sống tình cảm, đó là thứ tình cảm bi thương sầu uất. Ngọc Giao đã tái hiện trong tác phẩm những cảnh đời ngang trái: thân phận thảm thương đặc biệt của những người làm nghề “xướng ca” (Yên hoa, Đời tư Lã Bố), những ông già bà già bất hạnh vì con cái bất hiếu (Đời nó thế, Thời gian),… Giữa những vùng nhân thế tối tăm, Ngọc Giao nhận thấy không ít con người vẫn giữ được trái tim trong sáng, lòng nhân ái, đức hy sinh… Một số truyện ngắn của ông còn bày tỏ dấu ấn tình cảm gắn bó với quê hương đất nước, gắn bó với nơi “chôn nhau cắt rốn”, với phong tục tập quán cổ truyền, danh lam thắng cảnh, tinh thần thượng võ và nghĩa hiệp (Bến đò Rừng, Cô gái làng Sơn Hạ,…).


Đỗ Tốn sinh năm 1920, mất khoảng năm 1972-1973. Truyện ngắn của ông thường là những truyện không có truyện, trong đó tác giả sử dụng bút pháp gợi nhiều hơn tả, viết bằng cảm giác nhiều hơn bằng ý nghĩ. Tâm hồn nhạy cảm đã giúp nhà văn cảm nhận thật tinh tế những màu sắc, mùi vị của đồng quê cùng những biến đổi mơ hồ, khó nắm bắt trong thế giới nội tâm của con người. Tình quê hương, Duyên số, Hoa vông vang kể về những tình yêu trong sáng, ngập ngừng cùng những rung động mong manh đầu tiên trong đời của con người, một thứ tình yêu vừa dại khờ, vừa ngây ngất mà bất cứ ai cũng từng có. Tâm lý nhân vật trong Định mệnh được khắc hoạ khá tỉ mỉ và sâu sắc: biết là trái đạo lý nhưng Phong không thể trốn chạy tình yêu, chàng yêu chính em họ của mình, và Lan – em họ chàng – thoạt đầu chỉ nhận lời yêu anh vì thương hại, nhưng rồi cũng bị cuốn theo cơn lốc ái tình đó, đến khi nhận ra mối nguy hiểm đang chờ đợi ở phía trước, Lan đã chủ động rời xa Phong và đẩy chàng đến kết cục bi thảm. Với cái già dặn của một người đã sống nhiều, trải nhiều, ông đã viết về những cảnh đời, kiếp người mòn mỏi, tàn lụi đi theo thời gian (Chú tôi, Một kiếp người). Ông gửi gắm những chiêm nghiệm độc đáo về cuộc đời, tình yêu qua những chi tiết ngỡ như không có gì, như hình ảnh “cây na bên vại nước trước căn bếp mà khói đang nặng nề chui ra mái rạ” (Một kiếp sống), hay hình ảnh loài hoa vông vang “đương kín đáo cúp lại trong gió chiều êm đềm… để sớm mai trở lại” (Hoa vông vang).

Một nhà văn tiêu biểu không thể không nhắc đến của dòng truyện ngắn trữ tình này là Thanh Tịnh - đồng thời cũng là đối tượng nghiên cứu chính của luận văn - do đó chúng tôi sẽ không đề cập ở phần này nữa.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 98 trang tài liệu này.

IV. DÕNG TR UYỆN NGẮN TR Ữ TÌNH VỚI C ÁC DÕNG TRUYỆN NGẮN KHÁC THUỘC GIAI ĐOẠN 1930-1945

Văn học Việt Nam 1930-1945 bị chi phối bởi hệ tư tưởng thống trị, tức là hệ tư tưởng tư sản (bao gồm cả tư tưởng thực dân) và hệ tư tưởng phong kiến. Mặt khác, nó cũng chịu ảnh hưởng bởi những phong trào cách mạng do Đảng cộng sản lãnh đạo. Tác động của văn học nước ngoài đến các khuynh hướng văn học thời kỳ này cũng rất đa dạng và phức tạp. Thế giới quan của các nhà văn tiểu tư sản trí thức lại đầy mâu thuẫn và quá trình sáng tác của họ không phải lúc nào cũng thuần nhất. Chính những điều kiện nói trên đã làm xuất hiện trên văn đàn nhiều khuynh hướng, nhiều phong cách đa dạng, phức tạp và luôn luôn dao động, chuyển hoá. Ở lĩnh vực truyện ngắn, người ta thường chia ra các khuynh hướng nổi bật là: hiện thực phê phán, lãng mạn, trữ tình. Các nhà văn lãng mạn Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ, Lan Khai,… từng làm say mê độc giả đương thời, nhất là thanh niên ở thành thị và thanh niên có học ở nông thôn vì sự lên án, đả phá đại gia đình phong kiến, kêu gọi hưởng ứng cuộc đấu tranh mới - cũ, đòi giải phóng cái “tôi”, đòi một cuộc sống hiện đại mà trong đó cá nhân mỗi con người được tự khẳng định mạnh mẽ trước xã hội. Cùng một hướng khai thác và sáng tạo dựa vào sự kết hợp giữa sự việc của đời sống khách quan và những cảm xúc chủ quan, mạch truyện của các nhà văn Thạch Lam, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh,… đã đi vào khám phá đời sống tinh thần, nói lên vẻ đẹp nội cảm của tâm hồn con người trước cuộc sống với một ngôn ngữ nhiều chất thơ, trữ tình. Với các tác giả như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, … thì truyện ngắn lại được sáng tác theo phong cách những nhà văn hiện thực.

Truyện ngắn Thanh Tịnh trong dòng truyện ngắn trữ tình Việt Nam 1930-1945 - 5


Nguyễn Công Hoan là người đầu tiên khẳng định phương pháp hiện thực phê phán trên lĩnh vực truyện ngắn. Ông rất nhạy cảm với tình trạng bất công sừng sững trong xã hội có áp bức bóc lột, tình trạng đổ nát đạo đức, phá hoại những giá trị tinh thần truyền thống. Ông có xu hướng “lật mặt trái” để phơi trần cái tàn ác, đê tiện, xấu xa của “bọn giàu”, từ địa chủ cường hào ở thôn quê đến những ông chủ, bà chủ, những tiểu thư gái mới đua đòi, hư hỏng ở thành thị. Đằng sau tiếng cười giòn giã, sảng khoái của nhà văn thường chất chứa niềm phẫn uất, thái độ căm ghét, ý thức vạch mặt sự hoành hành của cái ác, cái xấu, cái đểu, cùng nỗi đau xót trước số phận khốn khổ của người dân lành trong cái trật tự không có chút công lý nào đó. Nguyên Hồng bước vào nghề văn từ rất trẻ, và ông đã tự vạch ra con đường riêng cho mình: trở thành nhà văn của những người lao động cùng khổ. Mỗi truyện của Nguyên Hồng là một cảnh đau thương, lắm khi thật rùng rợn, của những phu phen bến tàu bến xe, những người đàn bà buôn thúng bán bưng, những kẻ ăn mày, gái điếm, lưu manh,… Nguyên Hồng chẳng những thấu hiểu sâu sắc nỗi khổ không cùng của người nghèo mà ông còn có một niềm tin mãnh liệt vào bản chất tốt đẹp của họ. Trong văn học hợp pháp đương thời, hiếm có nhà văn có được cái nhìn tri âm, thái độ trân trọng thật sự đối với người nghèo đến thế. Điều này thể hiện đậm nét nhất ở hình tượng người phụ nữ lao động, nhân vật chính của hầu hết truyện ngắn Nguyên Hồng (Hàng cơm đêm, Người con gái, Cô gái quê, Đây bóng tối, Người mẹ không con, Bố con lão Đen,…). Nguyên Hồng đã đem đến dòng truyện ngắn hiện thực phê phán một phong cách mới mà nét nổi bật là giọng trữ tình thiết tha, sôi nổi tràn đầy tin yêu. Đương thời, không mấy ai biết đến cây bút đầy tài năng Nam Cao, nhưng


từ sau khi ông mất, tác phẩm của ông càng ngày càng có sức hấp dẫn đặc biệt với công chúng. Sức hấp dẫn đó trước hết là ở tính chân thực, chân thực đến kinh ngạc. Dường như những gì ông viết toàn là điều có thật. Nam Cao vận dụng rất hiệu quả nghệ thuật phân tích tâm lý trong truyện ngắn. Trong khuôn khổ của những cấu trúc tự sự nhỏ, ông đã để cho những mạch tâm lý vận động để bộc lộ tính cách. Do sống sâu sắc cuộc sống, do tư duy phân tích sắc sảo lạ thường, luôn trăn trở tìm tòi, khám phá cái sự thật sâu xa chứa đựng trong cái bề ngoài tầm thường, nên từ những chuyện tưởng như rất đời thường, vặt vãnh, Nam Cao đã đặt ra được những vấn đề xã hội, triết học có ý nghĩa rộng lớn, sâu sắc, đầy tính nhân đạo, nhân văn. Tô Hoài lại thành công qua những khám phá về phong tục tập quán ở làng quê vùng ven thành. Không đi thẳng vào những xung đột xã hội căng thẳng mà theo thời gian tìm hiểu cuộc đời qua những trầm tích về văn hoá trong hội hè, nếp sống lâu đời của làng quê. Những truyện ngắn của Tô Hoài mang một phong vị riêng vừa vui tươi dí dỏm, vừa thầm lắng xót xa. Theo xu hướng khám phá những phong tục tập quán này còn có các nhà văn Vũ Bằng, Thanh Châu, Bùi Hiển, Kim Lân,… Truyện ngắn của Vũ Bằng, Thanh Châu mang phong vị Hà Nội. Bùi Hiển miêu tả được chất riêng của người dân xứ Nghệ. Nhà văn Nguyễn Tuân lại tìm cảm hứng cho truyện ngắn từ đề tài lịch sử với tinh thần suy tôn những giá trị văn hoá tinh thần đậm màu sắc dân tộc. Những truyện đường rừng của Lan Khai là những truyện tình lãng mạn, trong không gian rừng núi “man rợ bí mật”, với một màu sắc lịch sử huyền ảo.


Trong quá trình phát triển của văn học, trong thực tiễn sáng tác văn học, văn học lãng mạn, trữ tình và văn học hiện thực phê phán tuy có những chỗ khác nhau về chất, có khi chống đối nhau gay gắt, song vẫn có những cơ sở thống nhất chung, nên thường có mối quan hệ qua lại, chịu ảnh hưởng của nhau, thâm nhập lẫn nhau tới mức khó phân biệt ranh giới giữa chúng. Các nhà văn Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Thạch Lam, … đều đã có những tác phẩm vượt ra khỏi ranh giới của dòng lãng mạn để nhập vào văn học hiện thực phê phán, hướng ngòi bút về phía đời sống hoặc lên tiếng phê phán hiện thực trên một lập trường nhân đạo tiến bộ. Khi văn học càng phát triển, trưởng thành thì càng nảy nở những phong cách sáng tác khác nhau và không phải phong cách nào cũng nổi rõ nhất nét điển hình của phương pháp sáng tác, khiến cho việc phân ranh giới giữa các dòng văn học càng khó khăn. Vì vậy, việc sắp xếp các nhà văn vào dòng này, dòng kia thường chỉ có một ý nghĩa tương đối và ít nhiều có tính chất quy ước. Nhà văn phong tục Trần Tiêu với bút pháp “tả chân” khách quan không mấy “lãng mạn”, chuyên viết về sinh hoạt nông thôn, cũng đã có những sáng tác miêu tả khá chân thực, cảm động về đời sống tình cảm của người nông dân đương thời. Thạch Lam, đại diện tiêu biểu của dòng truyện ngắn trữ tình có cả một loạt sáng tác viết về số phận hẩm hiu của người nghèo, người phụ nữ, có thể coi là hiện thực chủ nghĩa. Người con gái của Nguyên Hồng là một truyện ngắn hiện thực nhưng được viết với một bút pháp trữ tình thơ mộng.


Trong sự thành công rực rỡ của truyện ngắn 1930-1945, dòng truyện ngắn trữ tình tuy số lượng tác phẩm không đồ sộ, số lượng tác giả không đông đảo, nhưng bản thân sự tồn tại phong cách của mỗi tác giả như một tất yếu đã có giá trị khẳng định rõ ràng. Và nó có cùng một điểm chung với toàn bộ mảng sáng tác truyện ngắn rất bề bộn, gồm nhiều xu hướng, phong cách khác nhau trên văn đàn là: ít nhiều làm hiện lên hình ảnh quê hương đất nước Việt Nam với cảnh sắc, hương vị riêng, bình dị và thân thuộc vô cùng, hình ảnh và con người Việt Nam trong một thời kỳ nhiều gian nan thử thách mà vẫn mang vẻ đẹp tinh thần độc đáo, nhuần nhuỵ yêu thương và bền bỉ, gan góc, đầy sức sống.


V. CON ĐƯỜNG SÁNG TÁC CỦA NHÀ VĂN THANH TỊNH


Thanh Tịnh sinh năm 1911, mất năm 1988. Ông tên thật là Trần Văn Ninh, đến năm lên sáu tuổi mới đổi là Trần Thanh Tịnh. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho tại xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô Huế. Thanh Tịnh được học chữ Nho đến năm 11 tuổi, rồi tiếp tục học tiểu học, trung học ở Huế. Ngay từ khi đi học ông đã ham thích văn chương. Hai nhà văn Pháp Daudet và Maupassant có ảnh hưởng không nhỏ đến văn phong của ông sau này. Nguồn văn nghệ dân gian phong phú của Huế, những giọng hò câu hát trên sông nước quê hương là chất liệu cho các tác phẩm của ông. Năm 1933, ông đi làm ở các sở tư rồi sau đó làm nghề dạy học. Thời gian này ông bắt đầu viết văn làm thơ và cộng tác với các báo Phong Hoá, Ngày nay, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Thanh Nghị,…

Xem tất cả 98 trang.

Ngày đăng: 23/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí