Bối Cảnh Lịch Sử - Thẩm Mĩ Của Văn Học Việt Nam Sau 1975


NỘI DUNG

Chương 1

TRUYỆN NGẮN ĐOÀN LÊ TRONG DÒNG CHẢY TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM SAU 1975

1.1. Khái lược truyện ngắn Việt Nam sau 1975

1.1.1. Một số vấn đề lý thuyết thể loại.

Văn học Việt Nam kể từ sau 1975 đã bước sang một thời kì mới, với sự bừng nở của văn xuôi. Đặc biệt là từ giữa thập kỉ 80, khi ý thức văn hoá mới hình thành, hệ hình giá trị biến đổi thì văn học đã thực sự chuyển sang một hình thái khác trước, đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử văn học dân tộc. Văn xuôi đóng vai trò chủ đạo trong bước ngoặt của dòng chảy hiện đại ấy. Trong đó, truyện ngắn, một thể loại văn học được coi là “xung kích” của đời sống văn học, một thể loại có tính chất “thuốc thử” đối với hầu hết nhà văn trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình.

Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung thể loại của Truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn gọn. Bởi truyện ngắn được viết ra để đọc liền một mạch. Tuy nhiên, mức độ dài ngắn chưa phải là đặc điểm chủ yếu phân biệt truyện ngắn với các tác phẩm tự sự khác (các loại truyện kể dân gian cũng có độ dài tương đương với truyện ngắn). Hình hài của truyện ngắn hiện đại như ta thấy hiện nay là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm bắt cuộc sống rất riêng, mang tính chất thể loại. Khác với tiểu thuyết là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường chỉ hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người. Vì thế, trong truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp.


Nếu mỗi nhân vật của tiểu thuyết là một thế giới thì mỗi nhân vật của truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới ấy. Về cách nắm bắt cuộc sống của thể loại, truyện ngắn không có tham vọng ôm vào mình một hiện thực rộng lớn, hoành tráng. “Ngắn ở đây đồng nghĩa với hàm súc, tinh lọc và hay” [63]. Nguyên tắc chưng cất của truyện ngắn không cho phép “dồn ép” hoặc “nhồi nhét” rút gọn nội dung của một truyện dài, hoặc một hình thức tương đương như thế, thành truyện ngắn. Truyện ngắn hiện nay được hình thành từ mối quan hệ con người với hoàn cảnh, mối quan hệ giữa thực chất sâu xa của hiện tượng với biểu hiện bên ngoài, những mặt này đôi khi lẫn lộn với nhau khiến người ta khó nhận ra một cách rành mạch.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

Từ những sự kiện riêng lẻ trong cuộc sống, những trường hợp cá biệt, người viết truyện ngắn phải tìm ra một cái gì chung, có ý nghĩa. Việc này giống như cách làm của người thợ ngọc. Đá thì rất nhiều, nhưng không phải đá nào cũng có ngọc. Người nghệ sĩ phải biết lựa chọn, rồi lại gia công thế nào, để cuối cùng làm bật ra vẻ đẹp bấy lâu vẫn ẩn tàng trong đá chết. Các tác giả truyện ngắn thường hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay trong đời sống tâm hồn con người. Ám ảnh và đầy ấn tượng cũng là một trong những cách thức chiếm lĩnh hiện thực và hấp dẫn người đọc của truyện ngắn. Về tác động của truyện ngắn, do tính chất cô đúc, truyện ngắn có sức nén và sức công phá cao. Chỉ cần một ít trang văn xuôi, người viết có thể làm “nổ tung trong tình cảm và ý nghĩ của người đọc những điều rất sâu xa và da diết của con người, khiến người đọc phải nhớ mãi, suy nghĩ mãi, đọc đi đọc lại mãi không chán” [38, tr. 148].

Trong truyện ngắn hiện đại, nhiều khi cốt truyện gồm nhiều đường dây cùng tồn tại, liên quan tới các hiện tượng mà bề ngoài dường như không có gì liên quan tới nhau. Trong thời đại hiện nay, khi kỹ thuật đã phát triển tới một trình độ rất cao, nhân loại vẫn luôn luôn phải đối mặt với những vấn đề không

Truyện ngắn Đoàn Lê - 3


thể giải quyết, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Nhưng chính trong một thế giới như vậy, văn học lại có điều kiện tìm ra mối quan hệ phức tạp của các hiện tượng khác nhau. Với đặc trưng hết sức năng động, phản ứng rất nhanh, dễ điều chỉnh và mau thu được kết quả, thể loại truyện ngắn có thể dễ dàng theo dõi các qui luật sáng tạo của nhà văn, cùng là theo dõi việc giải quyết những vấn đề được đề cập tới trong văn học. Bên cạnh đó truyện ngắn cũng cho phép và khuyến dụ người viết thử nghiệm các phương pháp, hình thức mới. So với việc phiêu lưu trong một thời gian gian dài với một cuốn tiểu thuyết, việc “chơi” với một câu chuyện ngắn có lẽ có sức quyến rũ hơn. Chính trong sự phát triển thể loại truyện ngắn người ta dễ cảm nhận được sự uyển chuyển và khả năng thích nghi nhanh chóng của nó với thời đại, với các trào lưu. Truyện ngắn hiện đại ngày nay đã cho thấy khá nhiều cách tân và thể nghiệm táo bạo, vượt ra ngoài những giới hạn, phá vỡ cấu trúc năm màn truyền thống, thậm chí truyện mà không có chuyện. Ở truyện ngắn, chi tiết đóng vai trò rất quan trọng. Nó góp phần tạo dựng cảnh trí, không khí, tình huống và khắc họa tính cách, hành động, tâm tư, nhân vật. Nhận xét về điều này, nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định: “Truyện ngắn có thể có cốt truyện, thậm chí cốt truyện li kì, gay cấn, kể được. Truyện ngắn cũng có thể chẳng có cốt truyện gì cả, không kể được nhưng truyện ngắn không thể nghèo chi tiết. Nó sẽ như nước lã” [58].

Sức hấp dẫn của truyện ngắn là ở chỗ nó không tự gói mình trong cái áo chật hẹp của hình thức và của thể loại, mà luôn chứa đựng sức khai phóng tiềm tàng. Ngay cả những truyện ngắn được cho là “không có gì để kể”, nó vẫn có một độ căng hiện thực nhất định và khả năng bùng nổ.

Có thể gọi truyện ngắn là thể loại của thời hiện tại. Bởi cái chính, tác động của truyện ngắn là tức thời và liền mạch. Nó tạo một lát cắt, bất ngờ đặt người đọc vào đâu đó giữa lòng cuộc sống rồi cứ thế đẩy anh ta đi tiếp.


Truyện ngắn không đòi hỏi người đọc phải bao quát được nhiều tầng của hiện thực, nó chỉ là một khoảnh khắc được ngưng đọng, một tia sáng được soi chiếu, thành ra người đọc dễ dàng đến với truyện ngắn trong bất cứ thời gian nào, bối cảnh nào. Ký ức nó để lại bao giờ cũng tươi rói và đầy ấn tượng, trong khoảnh khắc ấy, phút giây ấy. Cho nên, không đầy sự hoài vọng như thơ hay tùy bút, không vươn mình kể những gì dài rộng như tiểu thuyết, truyện ngắn thản nhiên bày biện một cách gọn ghẽ một hiện tại hiện tồn. Dường như, truyện ngắn là thể loại thích hợp hơn cả để thể hiện những đoạn cắt cuộc đời. Bởi quá khứ đã trôi qua, tương lai thì chưa tới, những mảnh vụn tâm tình chỉ có thể dành cho hiện tại.

Hơn thế, trong nhịp sống hối hả ngày nay, con người có chút ít thời gian để lật vội những trang báo, tạp chí hay kích chuột trên màn hình vi tính để tìm đọc những sáng tác văn chương, truyện ngắn trở thành thể loại “hợp thời” và cần thiết cho công cuộc duy trì văn hóa đọc của quần chúng.

1.1.2. Bối cảnh lịch sử - thẩm mĩ của văn học Việt Nam sau 1975

Mùa xuân năm 1975, chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chấm dứt sự chia cắt đất nước. Sự kiện này mở ra một thời kỳ mới của xã hội và lịch sử dân tộc Việt Nam cùng những cơ hội và thách thức mới ở phía trước.

Khi khúc khải hoàn vừa tấu xong, khi xúc cảm mãnh liệt về chiến công tạm lắng xuống, thực trạng của đất nước sau chiến tranh với tất cả những đổ nát, ngổn ngang, nhức nhối của nó đòi hỏi một sự nhận thức mới, sự đối mặt với những vấn đề phức tạp đang diễn ra. Từ thời chiến bước sang thời bình, hiện thực cuộc sống mở ra bao điều phức tạp, con người cũng có những thay đổi trong tâm tư, tình cảm: trong kháng chiến, tất cả hướng về cái chung, đồng lòng, đồng sức hướng về chiến thắng. Giờ đây, cuộc sống đầy lo toan, tính toán buộc con người phải căng mình lên đối mặt với những khó khăn,


những vun vén cá nhân. Các giá trị cao cả về xã hội, đạo đức, lối sống trong chiến tranh bền vững thì đến giờ ít nhiều đã bắt đầu lung lay, rạn nứt. Các chuẩn mực giá trị mới đang phôi thai từng bước hình thành. Đời sống văn hóa

– tư tưởng vào những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ đứng trước diễn biến không ổn định. Những tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường và việc mở cửa, hội nhập làm nảy sinh tâm lý thực dụng, sùng ngoại, chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất, coi nhẹ các giá trị tinh thần của cộng đồng. Hiện thực xã hội khiến con người chán nản, mất niềm tin, không có động lực để phấn đấu.

Đứng trước những bất cập, những vấn đề nhức nhối, bức xúc của xã hội hiện thực cuộc sống như muốn phá vỡ khuôn khổ vốn chật hẹp, bức bối của nó. Đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế xã hội, như PGS.TS Phan Trọng Thưởng nhận định: “Mười năm sau chiến tranh, cơ chế quan liêu bao cấp đã đến lúc bộc lộ hết những hậu quả nặng nề của nó trên mọi mặt của đời sống chính trị - xã hội. Hàng loạt chủ trương, chính sách đã tỏ ra lỗi thời. Những quy luật đặc thù của đời sống chiến tranh đã hết hiệu lực, không còn phù hợp với trạng thái phát triển của đất nước trong điều kiện lịch sử mới”. Vậy nhu cầu đổi mới được đặt ra khẩn thiết và cấp bách.

Để khắc phục những sai lầm, khiếm khuyết, đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng và đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đại hội Đảng toàn quốc lần VI đã đề ra đường lối đổi mới đất nước trong thời kỳ quá độ. Có thể xem đây là bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. “Đối với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đổi mới là con đường vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thời đại, đối phó thắng lợi với mọi thử thách, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Đối với đất nước ta, đổi mới có ý nghĩa sống còn". (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần VI 1987), với phương châm đổi mới đồng bộ và toàn diện, và tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng


sự thật, nói rõ sự thật, Đảng ta đã nghiêm khắc tự phê bình những chủ trương, chính sách sai lầm, chủ quan, duy ý chí, đề ra đường lối phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, hình thành cơ chế thị trường, kế hoạch hoá theo phương châm hạch toán kinh doanh... nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, đi vào ổn định, phát triển. Giống như một cuộc lột xác đau đớn để trưởng thành mạnh mẽ, đất nước ta đã chuyển mình để bắt kịp với quy luật của sự phát triển. Những chuyển biến ấy đã tác động sâu sắc đến sự phát triển của văn học nghệ thuật.

Văn học - hoạt động tư duy tinh tế, sâu sắc và mẫn cảm với hiện thực đã được đặt lên hàng đầu trong công cuộc đổi mới. Tâm điểm của công cuộc đổi mới là con người. Đáp ứng nhu cầu lịch sử, văn học đã tự nhận thức được sứ mệnh của mình: công cụ quan trọng để hoàn thiện nhân cách con người. Đổi mới văn học đã góp phần hình thành bộ mặt văn hóa xã hội trong thời kỳ mới. Tư duy nghệ thuật cũ ngày càng tỏ ra không thích hợp với thời kỳ mới.

Sự chuyển đổi của tư duy nghệ thuật đã làm cho mối quan hệ giữa văn học và hiện thực có sự thay đổi về chất. Suốt 30 năm chiến tranh, dường như nhà văn chưa có điều kiện, thời gian để nghiền ngẫm, suy tư, để quan sát hiện thực từ nhiều phía. Khi chiến tranh đã lùi lại phía sau, nhà văn mới có điều kiện để quan sát, nhìn nhận nó trong tính toàn diện và nhiều mặt của sự kiện. Vấn đề chiến tranh, số phận, đạo đức, nhân cách, những kiểu tư duy, làm ăn cũ đều được nhìn nhận lại với ý nghĩa nhân văn mới. Và cùng với sự mở rộng giao lưu, hội nhập văn hóa nhân loại, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, văn học cũng đã thực sự bước vào chặng đường đổi mới chính mình theo xu hướng phát triển của thời đại.

Như vậy nhu cầu tự thân của văn học và nhu cầu xã hội đã dẫn đến đổi mới văn học. Đổi mới văn học là một tất yếu lịch sử.


1.1.3. Truyện ngắn Việt Nam sau 1975

Truyện ngắn với ưu thế đặc biệt của thể loại luôn tỏ ra nhạy bén với cái mới do tác động của điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội. Trong điều kiện hoàn cảnh mới của đất nước sau 1975, thể loại nhạy cảm này chắc chắn có những thay đổi quan trọng. Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng trong công trình Truyện ngắn, những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại cũng khẳng định sự thành công của truyện ngắn sau 1975: “... truyện ngắn phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng”, “truyện ngắn có bước đột khởi nhờ vào ngọn gió lành của công cuộc đổi mới” [64].

Khác với trước 1975, do tác động của điều kiện hoàn cảnh chiến tranh và yêu cầu của Đảng về một nền văn nghệ cổ vũ, động viên cho hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng mang đặc trưng “ký hoá” và “sử thi hoá” rõ nét. Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 tập trung nghiên cứu hiện trạng tinh thần xã hội sau chiến tranh – đó là hiện trạng phức tạp và đa dạng đan xen các mặt tích cực và tiêu cực. Tính chất phức tạp của đời sống tinh thần xã hội là kết quả tất yếu của hậu chiến tranh, của đời sống kinh tế khó khăn, của sự xâm nhập các trào lưu tư tưởng từ bên ngoài vào. Nhìn chung các nhà văn đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh và viết về sự thật. Chuyện “đời thường” vì thế nổi trội trong đa số truyện ngắn giai đoạn này, thậm chí đã hình thành một quan niệm “văn học thế sự”. Nhà văn có thể viết tất cả mọi chuyện: Nỗi cô đơn, sự đau khổ về thể xác và tinh thần của con người, niềm vui và sự đắng cay của cuộc đời, sự trung thành và sự phản bội…

Truyện ngắn thời kỳ đổi mới đã xuất hiện một khuynh hướng khá nổi bật là khuynh hướng nhận thức lại quá khứ. Sau chiến tranh, nhu cầu được nói thẳng, nói thật đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết và điều này được cổ vũ bởi tinh thần dân chủ của đời sống. Trong cảm quan sáng tác của các nhà văn lúc này đã có ý thức lật xới lại vấn đề của lịch sử, hay nhìn thực tại với góc độ mới.


Hiện thực chiến tranh và người lính thời kỳ này giống như một cỗ xe khổng lồ đang chạy theo quán tính vượt qua ranh giới lịch sử vẫn được trở lại tiếp tục khai thác nhưng với cách tiếp cận mới. Chất giọng sử thi nhạt dần và có thêm những giọng điệu mới từ giọng điệu thâm trầm trong Cỏ lau (Nguyễn Minh Châu), Bản lý lịch tự thuật (Y Ban), Thời gian (Cao Duy Thảo),… đến chất giọng xót xa với Người sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo), Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh),… Từ nhiều góc nhìn và sự thể hiện khác nhau về sự đa đoan của con người, sự đa sự của cuộc sống, các truyện ngắn viết về chiến tranh đã có sự phối âm của nhiều chất giọng. Điều đó tạo nên tính đa sắc cho bức tranh cuộc sống con người thời hậu chiến, với những gương mặt như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh,…

Không khí đổi mới - dân chủ tác động mạnh mẽ đến đời sống văn học nghệ thuật, đến các chủ thể sáng tạo. Con người trở thành đối tượng hàng đầu trong cảm hứng sáng tác của các văn nghệ sĩ. Con người được mô tả như một thực thể của những cái đã biết và những cái chưa biết – những “cái con người” trong con người. Con người nếm trải với những vấn đề đời tư, bản thể, tự do luyến ái, đời sống tình dục... được các nhà văn khai thác không né tránh, ngại ngùng ở cả các mặt trái, góc khuất, phần chìm của hiện thực. “Chưa bao giờ, con người với tất cả quan hệ xã hội của nó, thân phận và cuộc đời của nó được phản ánh một cách sinh động và phong phú như trong giai đoạn hiện nay” (Bích Thu). Con người được phản ánh trong văn học với cái nhìn đa diện, đa chiều và được đặt trong mối quan hệ với các yếu tố xã hội phức tạp, phong phú (Nhân vật của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải….). Trong văn xuôi xuất hiện nhân vật tự thú (con người tự phê phán, khác giai đoạn trước: con người bị phê phán), nhân vật trí thức (tự khám phá, mổ xẻ nội tâm của

Xem tất cả 121 trang.

Ngày đăng: 22/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí