Truyện ngắn Đoàn Lê - 2


ngắn được thì tôi đành chịu”. Hơn thế nữa, ở nữ nhà văn này, người đọc nhận ra sự hội tụ các yếu tố của nhiều loại hình nghệ thuật: điện ảnh, hội họa, thi ca qua các trang văn của chị.

Những tiểu thuyết đầy trăn trở tâm huyết của chị như Cuốn gia phả để lại, Lão già tâm thần, Người đẹp và đức vua, Tiền định gây được nhiều thiện cảm với bạn đọc. Cuốn gia phả để lại ngay khi mới ra mắt công chúng đã được nhận giải thưởng văn học của Hội nhà văn Việt Nam (1990). Song phải kể đến thành quả chị nhận được ở truyện ngắn. Truyện của chị được dịch tại Mỹ, Thụy Điển, Đức và ở đâu cũng được hoan nghênh. Có thể kể tên những tập truyện ngắn của Đoàn Lê như Thành hoàng làng xổ số, Trinh tiết xóm Chùa, Người khách đêm giao thừa, Nghĩa địa xóm Chùa, …Và Sex. Đọc văn chị, ta bị cuốn hút bởi cách viết dung dị, những nhận xét hóm hỉnh và sâu sắc về nhân tình thế thái, về những buồn vui ấm lạnh của cuộc đời. Truyện ngắn của Đoàn Lê là một tiếng nói quen thuộc mà mới lạ, mang đậm dấu ấn sáng tạo của nhà văn.

Đến nay, tuy đã có một số bài giới thiệu, bình luận, đánh giá về tác phẩm Đoàn Lê của một số nhà văn, nhà nghiên cứu nhưng vẫn chưa phải là những công trình mang tính hệ thống, khẳng định vị trí của Đoàn Lê trong dòng văn học nữ đương đại và rộng ra trong nền văn xuôi Việt Nam đương đại.

Trên đây là những lý do để chúng tôi chọn đề tài cho luận văn của mình là TRUYỆN NGẮN ĐOÀN LÊ. Tìm hiểu đề tài này, chúng tôi muốn tiếp cận và nhận diện những thành tựu về nội dung cũng như về nghệ thuật của truyện ngắn Đoàn Lê, đồng thời đặt sáng tác của chị trong sự vận động và đổi mới của văn xuôi Việt Nam đương đại.

2. Lịch sử vấn đề

Đam mê và miệt mài, viết văn, làm thơ, biên kịch, đạo diễn phim và vẽ tranh, một Đoàn Lê vẫn tiếp diễn trên con đường văn học nghệ thuật với nhiều chữ “sĩ”. Cuộc đời chị là vậy, đa mang, truân chuyên nhưng những đứa


con tinh thần của người đàn bà mảnh mai và cương nghị này lại có sức hấp dẫn, cuốn hút độc giả và giành được những giải thưởng danh giá.

Trong quá trình tìm hiểu về Đoàn Lê và tác phẩm của chị, chúng tôi thu thập được một số bài viết để tạo cơ sở cho một cái nhìn bao quát về truyện ngắn Đoàn Lê.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

2.1. Những ý kiến, những bài viết có tính chất khái quát về truyện ngắn Đoàn Lê.

Trong các bài viết về sáng tác của Đoàn Lê, chúng tôi để ý nhiều đến những bài viết của nhà văn Hồ Anh Thái – một nhà văn đã có cả một quá trình theo dõi những sáng tác của chị. Với số lượng bài viết về Đoàn Lê nhiều hơn cả, ông đã nắm được cái “thần” rất riêng, độc đáo trong giọng văn của chị: “ Một giọng văn được nhớ, nền nã, dung dị bao giờ cũng kèm theo chất hài hước ngấm ngầm” [60]. Hồ Anh Thái đã rất chú ý đến nghệ thuật sử dụng những yếu tố kì ảo của nữ văn sĩ này. Ông cho rằng yếu tố kì ảo của Đoàn Lê trong những truyện tiêu biểu nhất ấy là “cái thực lẫn với cái ảo chỉ làm lạ hóa, chỉ thay đổi một góc nhìn hiện thực chứ không phải yếu tố xoay chuyển và quyết định hiện thực nghệ thuật ” [59].

Truyện ngắn Đoàn Lê - 2

Chú ý đến bút pháp và giọng điệu, tạp chí Kirkus Peviews nhận xét: “Thảng hoặc Đoàn Lê có xu hướng ngụ ngôn kiểu Kafka như Lên ruồi…ở chỗ khác, những truyện ngắn đạt tới giọng điệu riêng tư thấm thía như trong Giường đôi xóm Chùa…” [60].

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Hiền – một người bạn của nhà văn, cũng có tới hai bài viết về chị. Ở Đoàn Lê – những cung bậc cuộc đời (http://vietbao.com.vn) đã đưa những nhận định không thể phủ nhận: “…Có lẽ nếm trải cuộc đời với đầy đủ những cung bậc buồn vui, những hạnh phúc và bất hạnh đã qua của người đàn bà đa đoan này đã làm nên những trang viết mang màu sắc Đoàn Lê”. Và thực sự là như thế, “không phải ngẫu nhiên mà những tác phẩm gan ruột của chị, chị đã có chỗ đứng thật đẹp trong trái tim người đọc” [27].


Về nghệ thuật xây dựng nhân vật, Việt Hà với bài viết Người khách đêm giao thừa – phút trải lòng của Đoàn Lê nêu đặc điểm: “nhân vật trong truyện ngắn Đoàn Lê thường có những thiệt thòi về ngoại hình…Chính từ nhân vật kia nhà văn phát hiện ra vẻ đẹp bất tử của tình yêu nguyên vẹn…” [35].

Trong bài Thấp thoáng Đoàn Lê (Báo Văn nghệ số 31 ra ngày 4/8//2012), tác giả Vũ Quốc Văn đã nhận xét về truyện ngắn Đoàn Lê: “Nó (Truyện ngắn Đoàn Lê – Bùi Vũ Ngọc Trâm) như gió, như nước, hư thực hữu hình, vô ảnh cuốn người ta, mê hoặc người ta khôn cưỡng lại để cười, buồn thương, xót xa rồi mở mắt mà thức ngộ, mà nhận chân cuộc sống” [71].

2.2. Những ý kiến, những bài viết về một tập truyện, một tác phẩm cụ thể.

Ý kiến của tác giả Bonnier Crown (NewYork) trên tờ WorldLiterature Today về tập truyện ngắn Nghĩa địa xóm Chùa (The cemetery of Chua village) – tập truyện được nhà xuất bản Curbtone Press ấn hành và có mặt trong hệ thống hiệu sách toàn nước Mỹ, được giới thiệu và bán trên mạng amazon.com. Trong bài viết, tác giả nói lên cảm nhận chung của mình khi đọc tập truyện này: “ Đoàn Lê đã viết những truyện ngắn như những viên đá quý, những truyện ngắn có thể đọc như truyện phúng dụ, châm biếm, huyễn tưởng. Dù thuộc loại gì đi nữa, “Nghĩa địa xóm Chùa” cũng khiến người đọc bật khóc bật cười… tập truyện ngắn phản ánh sự suy sụp các giá trị truyền thống trước sự tham lam, hám lợi, quan liêu, đua đòi, sự áp bức giai cấp và tình dục, sự tham nhũng và vi phạm nhân quyền…tác phẩm này của Đoàn Lê rất đáng được giới thiệu vì văn phong tinh tế, linh hoạt, nó không chỉ là một sự lựa chọn tốt cho văn học châu Á, mà còn cho các lớp học viết văn” [73].

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú khi biên tập để in truyện ngắn Nghĩa địa xóm Chùa trên tạp chí Tác phẩm mới đã nói về cảm xúc của mình khi đọc: “hay Đoàn Lê nghi có mầm bệnh trong người? Chỉ có người ốm mới dám viết về những truyện khủng khiếp như vậy” [40]. Cùng chia sẻ với cảm nhận ấy,


tác giả Mai Ngọc bàn thêm: “Truyện ngắn này có phong cách rất mới. Nhân vật trong truyện là những người đã chết. Chết nhưng vẫn sống trong thế giới riêng, song song với thế giới của những người sống. Ở đây, những người chết nhìn, nghe ngóng và phê phán chuyện của người sống, y hệt như khi họ còn sinh thời”. Qua tình huống nhầm lẫn “ khiến người đọc ám ảnh cho xã hội mà họ đang sống, nơi chỉ cần chút tiền “lót tay tiêu cực phí” là có thể thay đổi được cục diện” [35]. Để có được lời đánh giá cao như vậy của đồng nghiệp là điều mà không phải ai cũng có được.

Tạp chí Nghiệp đoàn phát hành (Consotium Distributorn) khi giới thiệu tập truyện ngắn Trinh tiết xóm Chùa có viết: “Đoàn Lê được ghi nhận ở phong cách đa dạng và sức sáng tạo tươi mới. Với học giả, những truyện ngắn này cho một cái nhìn vào bên trong văn hóa Việt Nam sau đổi mới. Với người đọc nói chung, đây là những tác phẩm bao quát và đầy nhân văn về những đề tài như lòng tham, hôn nhân, ly dị, tuổi già; đó là những tác phẩm về quyền con người, khảo sát tất cả những gì bí ẩn tinh tế của trái tim con người” [41]. Cũng bàn về tập Trinh tiết xóm Chùa, giáo sư Nguyễn Lân Dũng, một người “ngoại đạo” với văn chương cũng phải thốt lên: “Đọc xong 16 truyện trong tập sách này lòng tôi đau xót quá. Đành rằng không phải chỗ nào cũng như xóm Chùa này, nhưng rõ ràng ở nhiều nơi nông thôn hiện đã không còn bình yên nữa…Những xóm Chùa vẫn hiện diện nơi này nơi nọ với những biến tướng khác nhau, nhưng đều giống nhau ở sự tha hóa” [18].

Trong bài viết Cảm hứng trào lộng trong văn xuôi sau 1975, tác giả Nguyễn Thị Bình đã đề cập đến cảm hứng trào lộng biểu hiện thông qua việc xây dựng các tình huống trào phúng trong văn xuôi sau 1975, tác giả nêu ví dụ: “Các tác phẩm Thành hoàng làng xổ số, Đất xóm Chùa của Đoàn Lê… đầy rẫy những tình huống trào phúng” [14] và trong chuyên luận Văn xuôi Việt Nam 1975 – 1995. Những đổi mới cơ bản, tác giả nhận xét: “…Thành hoàng làng xổ số, Đất xóm Chùa… là sự phóng đại hiện thực theo con mắt


trào lộng”, còn Người đẹp xóm Chùa là số phận của nghệ thuật chân chính trong môi trường phàm tục” [13].

Theo http://Vietbao.com, Hồ Anh Thái nhận thấy rằng ở Giường đôi xóm Chùa có sự “xót xa thấm thía, sự hợp tan của một tổ ấm thường ở bên ngoài ý chí của con người, có khi nó là bất khả tri”. Ở Người đẹp xóm Chùa, ông phát hiện ra rằng “hiện tại chỉ trong thoáng chốc được đẩy về thành quá khứ, khoảnh khắc hiện tồn bất chợt nhuốm màu trải nghiệm của cái đẹp đi qua thời gian trong mối tương tác với thời gian”, còn ở Mẹ và con và thánh thần, ta thấy “chị tự mổ xẻ theo kiểu không gây mê” [60].

Trên trang web của Tập đoàn tân tạo (Ita expess) có đăng bài viết bình luận về tập truyện ngắn Người khách đêm giao thừa, trong đó có đoạn “Tập truyện ngắn “Người khách đêm giao thừa” vẻn vẹn 12 truyện ngắn – 12 lần tâm linh tác giả run lên dưới cái rét cuộc đời. Những khoảnh khắc tận cùng của một giây cuối, một lần cuối và một con người đứng bơ vơ rồi đổ bóng xuống lòng nhân thế. Từng trang văn xuôi xông lên mùi cát bụi, mùi nước mắt, mùi mồ hôi nghe thật gần gũi thân quen” [35].

Ý kiến của Vũ Thị Huyền về tập truyện …và Sex cho rằng đây là “mảnh ghép cuộc sống luôn được bà phụng dựng – theo phong cách nào – vẫn cảm nhận được xã hội hiện đại với những mặt trái của thị trường. Những gió độc làm tàn úa một vùng văn hóa (A Tourism xóm Chùa). Nền tảng xã hội, tế bào xã hội – gia đình (Trinh tiết xóm Chùa) lung lay tận gốc. Và đặc biệt trong chuyện “Mẹ và con và thánh thần” (với lời đề “Tặng con trai tội nghiệp”), người đọc là tôi phải chùng lòng trước nỗi đau rứt ruột về tình mẫu tử của người mẹ mất con vì tệ nạn xã hội thay cho một khát vọng vào một kiếp sau mẹ lại là mẹ, con lại là con” [70].

Trên đây mới chỉ dừng lại ở phạm vi một bài báo hoặc những đánh giá khái quát nằm trong các tiểu luận mang tính khái quát về văn học. Về cơ bản, các bài viết, các ý kiến nêu trên đều đánh giá cao Đoàn Lê. Cho đến thời điểm


này vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống và hoàn chỉnh về truyện ngắn Đoàn Lê. Các bài viết còn lẻ tẻ nhưng là những gợi dẫn quý báu cho việc tiếp cận và triển khai luận văn của chúng tôi.

3. Mục đích nghiên cứu

Thông qua việc khảo sát, tìm hiểu truyện ngắn Đoàn Lê, luận văn nhằm mục đích:

3.1. Nhận diện và miêu tả những đặc điểm truyện ngắn Đoàn Lê về nội dung và nghệ thuật. Đồng thời chỉ ra những nét đặc sắc, riêng biệt của Đoàn Lê trong cách thể hiện cuộc sống và con người.

3.2. Khẳng định vị trí của Đoàn Lê trong đời sống văn học đương đại và ghi nhận đóng góp của cây bút nữ này với thể loại truyện ngắn.

4. Đối tượng và Phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đoàn Lê sáng tác nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ,... Tuy nhiên, luận văn của chúng tôi chỉ tập trung vào thể loại truyện ngắn.

Trong thể loại truyện ngắn, chúng tôi tập trung khai thác các khía cạnh về bức tranh hiện thực đời sống và một số phương thức thể hiện nghệ thuật như: xây dựng tình huống truyện, ngôn ngữ, giọng điệu…

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Trong khuôn khổ của luận văn chúng tôi tập trung vào việc khảo sát 5 tập truyện ngắn sau của Đoàn Lê:

Thành hoàng làng xổ số (Nhà xuất bản Phụ nữ, 1990)

Nghĩa địa xóm Chùa (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 1999)

Trinh tiết xóm Chùa (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2005)

Người khách đêm giao thừa (Nhà xuất bản Phụ nữ, 2007)

…và Sex (Nhà xuất bản Thanh niên, 2010)


Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ chú ý tới một số truyện ngắn mới nhất, chưa được tập hợp in thành tập truyện của tác giả như:

Cụ ngoại và tôi (04 – 2010)

Con mốc (09 – 2010)

Vua gái (10 – 2010)

Mỹ nhân mèo (02 – 2011)

Tình muộn (05 – 2011)

Người xiếc chữ (07 – 2011)

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi có sự đối sánh truyện ngắn Đoàn Lê với một số tác phẩm của nhà văn nữ khác cùng thời.

5. Phương pháp nghiên cứu

Để phục vụ cho mục đích nêu trên, luận văn này có kết hợp các phương pháp nghiên cứu như:

5.1. Phương pháp hệ thống

5.2. Phương pháp thống kê, phân loại

5.3. Phương pháp phân tích tổng hợp

5.4. Phương pháp so sánh

6. Nhiệm vụ và đóng góp của luận văn

6.1. Nhiệm vụ

Luận văn triển khai nhằm khẳng định thành tựu của truyện ngắn Đoàn Lê trên cả phương diện nội dung và nghệ thuật như: Bức tranh hiện thực đời sống, phương thức xây dựng tình huống truyện, mô tả tâm lý nhân vật, giọng điệu và ngôn ngữ trần thuật.

6.2. Đóng góp của luận văn

- Nhận diện những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật thể hiện trong truyện ngắn Đoàn Lê. Từ đó đưa ra một cái nhìn hệ thống về truyện ngắn Đoàn Lê.

- Ghi nhận vị thế của Đoàn Lê ở thể loại truyện ngắn.


- Bước đầu minh chứng được sự phong phú, đa dạng của bức tranh truyện ngắn nữ đương đại từ cái nhìn của một “mắt xích” truyện ngắn.

7. Cấu trúc của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận và Thư mục tham khảo, Nội dung của luận văn gồm ba chương:

Chương 1: Truyện ngắn Đoàn Lê trong dòng chảy truyện ngắn nữ Việt Nam sau 1975.

Chương 2: Bức tranh hiện thực đời sống trong truyện ngắn Đoàn Lê

Chương 3: Một số phương thức thể hiện nghệ thuật trong truyện ngắn Đoàn Lê.

Xem tất cả 121 trang.

Ngày đăng: 22/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí