Các Kiểu Nhân Vật Và Phương Thức Biểu Hiện Trong Truyện Ngắn Đoàn Lê.

của đất nước, văn học cũng bắt đầu chuyển biến, đổi mới. Trong đó vấn đề cá thể trở thành vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Chưa bao giờ số phận cá nhân, bi kịch cá nhân được đặt ra một cách bức xúc, mạnh mẽ như trong giai đoạn hiện nay. Quan niệm con người cá thể ở đây không phải là cái tôi đòi hỏi tự do duy nhất của cá thể, phủ nhận mọi cơ sở đạo đức đã được thiết lập, không hề chịu sự tác động của xã hội mà số phận cá nhân được giải quyết thỏa đáng trong mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng. Đấy chính là giá trị truyền thống và hiện đại về sự song hành giữa hai khái niệm riêng chung. Quan niệm con người cá thể không dẫn đến sự cô lập hóa cá nhân với cộng đồng xã hội mà đằng sau số phận của từng cá nhân vẫn là những vấn đề có ý nghĩa khái quát của thời đại.

Có thể nói chưa bao giờ văn học lại đề cập nhiều đến giá trị cá nhân như trong giai đoạn văn học sau đổi mới. Đặc biệt là truyện ngắn. Từng cá nhân, từng mảng đời thầm lặng hay sôi động đều góp phần làm nên thế giới nhân vật đa dạng, phức tạp. Bằng nhiều cách khám phá và thể hiện độc đáo, truyện ngắn đã khắc họa chân dung con người cá nhân một cách sinh động, sâu sắc và đa chiều. Mỗi nhà văn đều tìm cách đi vào chiều sâu không cùng của tâm hồn con người thấy được ở mỗi cá nhân từng niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ, niềm khát khao, đam mê và cả những khát vọng…Con người xuất hiện trong văn học thực sự là một sinh linh, một thực thể trần tục với tất cả “chất người” của nó: Có tốt lẫn xấu, phải và trái, cao cả lẫn thấp hèn, có lý lẫn vô lý, cái vô thức lẫn hữu thức…Con người có dục vọng, có tha hóa, đồng thời cũng biết phản tỉnh, tự ý thức. Qua hiện thực về con người, qua từng số phận cá nhân, các nhà văn đã lật sới những vấn đề nhức nhối có ý nghĩa nhân sinh của thời đại. Mỗi thời đại có một quan niệm nghệ thuật về con người. Mỗi nhà văn lại có một quan niệm riêng châu tuần quanh quan niệm chung nhất: Con người tự ý thức của Nguyễn Minh Châu, con người phi cá tính trong truyện ngắn Phạm Thị Hoài, con người thực dụng trong truyện ngắn Lê Minh Khuê, con người trần thế của Hòa Vang, con người trần tục của Nguyễn Huy Thiệp, con người “ vừa trẻ con, vừa người lớn” trong truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh…Tất cả đều là dạng thức của con người cá nhân, cá thể.

Trong các nhà văn đương đại, Nguyễn Minh Châu đóng vai trò như một “ viên gạch nối” giữa hai giai đoạn văn học, trước và sau 1975. Hơn thế ông còn là “người mở đường tinh anh” trong văn học Việt Nam hiện đại. Những tác

phẩm của ông thể hiện rõ nét những biến chuyển của văn học, đặc biệt là quan niệm nghệ thuật về con người. Trước 1975, sáng tác của Nguyễn Minh Châu chủ yếu tập trung vào việc xây dựng kiểu nhân vật lý tưởng. Nhà văn “ đi tìm những hạt ngọc ẩn chứa trong bề sâu tâm hồn con người” đó là những con người mang trong mình vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, nhân cách cao thượng: Khám phá vẻ đẹp con người nơi hậu phương ( Cửa sông); ca ngợi tình yêu thủy chung, sự gắn bó với cách mạng ( Những vùng trời khác nhau, Mảnh trăng cuối rừng)…Sau năm 1975, Nguyễn Minh Châu bắt đầu chuyển ngòi bút sang những vấn đề thế sự, nhân vật là những con người bình thường với những số phận cụ thể. Đó là những thân phận bé nhỏ, tội nghiệp: gia đình cụ Khang ( Dấu chân người lính); mẹ Êm ( Miền cháy)…Họ giống như những nốt trầm lặng lẽ giữa “ bản hợp xướng anh hùng ca ở giai đoạn cao trào”. Lấy cuộc sống con người làm đối tượng miêu tả, nhà văn không bỏ sót một chi tiết nào được xem là đặc trưng nhất để xây dựng hình tượng nhân vật: một lão nông có tính khí hơi bất thường nhưng trong lòng luôn ẩn chứa một tình yêu chung thủy với quê hương, làng xóm hay ngay cả với con bò của mình ( Lão Khúng – Phiên chợ Giát) đã bao quát đầy đủ và chi tiết đời sống, số phận của người nông dân trong giai đoạn đổi mới. Sự thay đổi trong quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Minh Châu cũng là quan niệm nghệ thuật về con người của văn học giai đoạn tiếp theo.

Sau năm 1986, quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học ngày càng có nhiều nét đột phá. Con người được nhìn nhận hoàn toàn ở góc độ đời tư. Con người trở thành đối tượng quan trọng của văn học, “là một tiểu vũ trụ đầy bí ẩn không thể biết trước, không thể biết hết, họ đều có những đột biến tâm lý, tính cách và những hành động bất ngờ”. Với quan niệm nghệ thuật về con người như vậy, văn học thời kỳ đổi mới (đặc biệt là sau 1986) đã đánh dấu những mốc quan trọng của quá trình vận động và phát triển của văn học Việt Nam.

1.2. Đặc điểm nhân vật trong truyện ngắn của Đoàn Lê.

Những đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người của văn học giai đoạn sau 1975, đã tác động chi phối đến hầu hết cây bút trẻ. Là nhà văn thuộc thế hệ trước, nhưng sáng tác của Đoàn Lê chỉ thực sự có tiếng vang từ những năm chín mươi của thế kỷ XX nên cũng không nằm ngoài sự chi phối này. Là một cây bút luôn nhạy cảm và tinh tế trong cách nắm bắt và lý giải tâm lý nhân

vật, Đoàn Lê đã khám phá và chắt lọc những tính cách tâm lý điển hình để xây dựng một thế giới nhân vật phong phú, sinh động nhưng cũng rất phức tạp. Đó là những kiếp đời có nhiều giông bão, những số phận éo le bất hạnh bởi những ám ảnh của chiến tranh (Một ngày xứ em) hay đó là nỗi bất hạnh của những người con gái tài sắc nhưng không thoát nổi “ nghiệp chướng” của cái đẹp bạc mệnh (Người đẹp xóm Chùa, Con bướm nhựa cánh xanh…), thế giới nhân vật của bà còn có những mảng đời đói khổ, rách rưới, bần cùng vì miếng cơm manh áo ( Hạt Vừng, Thành hoàng làng sổ số)...

Cùng với Đoàn Lê có khá nhiều cây bút nữ khác xuất hiện với những tác phẩm ít nhiều đã để lại những dấu ấn trong lòng bạn đọc hiện đại: Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Y Ban, Lý Lan, Phan Thị Vàng Anh, Vũ Thị Thường…Các chị thường viết về những đề tài gần giống nhau, có quan điểm sáng tác và đi tìm những đối tượng sáng tác cũng gần giống nhau. Tuy nhiên mỗi cây bút lại có một giọng điệu khác nhau tạo nên một vườn hoa đa hương nhiều sắc: “ Một Vũ Thị Thường sắc sảo, cô đọng; một Nguyễn Thị Ngọc Tú chân chất, mộc mạc; một Lê Minh Khuê giàu chiêm nghiệm; một Nguyễn Thị Ấm với lối viết tài hoa, pha chút giễu cợt đầy thiện ý; Nguyễn Thị Thu Huệ chao chát nhưng dịu dàng và từng trải; một Y Ban đằm thắm và khắc khoải; một Vàng Anh lạnh lùng trí tuệ và hóm hỉnh; Lý Lan hồn hậu và sắc sảo…”. Tất cả đếu xuất phát từ tình yêu cuộc sống, niềm tin với con người của các chị. Truyện của Đoàn Lê cũng vậy: dung dị, đơn giản nhưng sâu sắc để người đọc có thể cảm nhận được sự tinh tế trong cách nắm bắt và khám phá cuộc sống của nhà văn.

Nhân vật trong truyện ngắn của Đoàn Lê là những con người đi ra từ cuộc sống. Chính vì vậy, đặc điểm đầu tiên dễ nhận thấy nhất ở nhân vật trong truyện ngắn của Đoàn Lê chính là sự gần gũi với con người thực, cuộc đời thực như cuộc sống hàng ngày. Các nhân vật trong truyện từ ông Sỹ Duệ (tức Sỹ thái sư), ông Hớn, Cường xóm Chùa, lão Bạch mù, bà Chiu, cô Lầy Lầy, lão Bản…như là nguyên bản của người thật việc thật đều xuất phát từ một không gian sống, sự quan sát thực tế của nhà văn nơi xóm Chùa cụ thể. Họ đều là những chân dung rất sống, có địa chỉ lý lịch hẳn hoi: lão Bạch mù chuyên chơi đàn bầu, người luôn hài lòng với sự bình yên của xóm làng. Tiếp đến là ông sỹ Duệ- một kép hát cải lương trên tỉnh, nhân vật trở đi trở lại trong nhiều sáng tác của Đoàn Lê,

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

cũng là người mang văn minh tân tiến đến cho dân xóm Chùa bằng việc dùng cát sét thay cho kèn trống, loa đài trong các đám ma, đám cưới. Rồi cái Nhớn con bà cả Thận được đoàn ca múa trung ương tuyển vào làm diễn viên, hôm nó được về thăm nhà, hai mắt xanh lè, mí mắt rắc nhũ óng ánh, mặt mũi chỗ đỏ, chỗ nâu, quần áo miếng xanh, miếng tím làm cả làng lác mắt. Lạ nhất là chuyện về bà Chiu người quanh năm bán rượu nếp trên phố để nuôi lũ con ăn hại. Một lần bà bị người tây Thụy Điển lạng tay lái ở khúc ngoặt móc vào gánh hàng, bà được bồi thường đến 400 đô la khiến bao người ở xóm Chùa ước được như bà. Rồi câu chuyện về cuộc đời cô gái lai tây tên Mừng chuyên hủ hóa với trai làng rồi quy đổi ra gạo, chuyện về lão Hớn, người chuyên sản xuất tiền vàng, đô la cho âm phủ… (Xóm Chùa Ông, Đất xóm Chùa, Trinh tiết xóm Chùa, A Toursim xóm Chùa, Nghĩa địa xóm Chùa…). Những hành động, suy nghĩ, tâm lý của họ là những hành động suy nghĩ của con người hiện đại giữa đời thường với những tính toán nhỏ nhặt nhất để có miếng cơm manh áo. Vì vậy nhân vật của Đoàn Lê rất gần với con người thực trong cuộc sống hiện đại.

Nhân vật trong sáng tác của Đoàn Lê gắn những mảng đời rất thực như cuộc sống mà nhà văn từng chứng kiến. Họ cũng lăn lộn, đấu tranh với cuộc sống sinh tồn hàng ngày, hàng giờ để kiếm miếng cơm, manh áo và đôi khi phải bất chấp cả những mánh lới thủ đoạn (Thành hoàng làng sổ số, Hạt Vừng, Đất xóm Chùa, A Tourism xóm Chùa), cả chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới” với những thủ tục hành chính rườm rà khi nhập cư nơi ở mới dẫu là nghĩa địa (Nghĩa địa xóm Chùa). Có khi lại là những mảnh đời bất hạnh vì sự thiếu hụt của hình hài: Cô Huệ ( Dấu hỏi gửi Thượng đế), lão Guột (Tình Guột). Nhân vật của Đoàn Lê có lúc là mảng đời lắm nỗi chuân chuyên của những cô gái hồng nhan nhưng lâm vào cảnh đời trôi dạt phải bán thân nuôi miệng và nhận lấy cái chết đầy bí ẩn (Tiểu Anh), hay cái chết âm thầm từ căn bệnh thế kỷ (Thúy) và rất nhiều cô gái lưu lạc đến xóm biển (Con bướm nhựa cánh xanh). Nhân vật của Đoàn Lê đôi khi là mảng đời sống nhiều chật vật, khó khăn của các văn nghệ sỹ do miếng cơm manh áo, nơi ăn chốn ở (Tí teo hạnh phúc,), thậm chí phải biến thành Ruồi (Lên Ruồi). Cuộc sống thời mở cửa với muôn vàn những phức tạp cũng để lại khe hở cho những thói tham lam, lộng quyền của một số kẻ có chức có quyền như lão Quang chủ tịch, anh em họ Đào ( Đất xóm Chùa).

Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Đoàn Lê - 8

Nhân vật trong truyện ngắn của Đoàn Lê dù có cảnh đời, có số phận khác nhau nhưng họ giống nhau ở chỗ đều mang trong mình những bi kịch: bi kịch về sự đổ vỡ gia đình (Giường đôi xóm Chùa, Ngôi nhà gỗ, Trái táo nham nhở, Viên sỏi…), bi kịch vì tình yêu không thành ( Đêm ngâu vào, Tình Guột, Dấu hỏi gửi Thượng đế, Na ơi…), bi kịch vì cuộc sống mưu sinh ( Đất xóm Chùa, Xóm Chùa Ông, Trinh tiết xóm Chùa, Hạt Vừng…), bi kịch vì sự mất mát của những người thân yêu (Hai bà mẹ và tôi, Viên sỏi). Mỗi tác phẩm của nhà văn là một thông điệp quý về tình yêu giữa người với người: có tình yêu đôi lứa, có tình nghĩa vợ chồng, có tình cảm ruột thịt thiêng liêng, có tình làng nghĩa xóm… tất cả đều là những huyền thoại về tình yêu. Dù được thiên biến vạn hóa ở nhiều sắc thái khác nhau nhưng những thông điệp tình yêu của nhà văn là sự trân trọng, yêu mến, vị tha giữa người với người, giữa đồng loại với nhau. Những tình cảm thiêng liêng ấy đều được nhà văn giữ gìn, nâng niu, ca ngợi còn sự dối trá, bội bạc, phi thiện mỹ đều bị lên án quyết liệt. Thành công của nhà văn sau mỗi tác phẩm là sự thanh lọc tâm hồn mà người đọc hiện đại hôm nay luôn tìm kiếm.

Một đặc điểm chung cho các tác phẩm của các cây bút nữ thời kỳ đổi mới là thiên hướng nữ. Thiên hướng này tác động mạnh mẽ đến cảm hứng sáng tác của các nhà văn bởi một lý do rất đơn giản họ là những người phụ nữ viết văn. Cho nên phần lớn các nhân vật trong sáng tác của họ là nhân vật nữ, đồng thời cũng là nhân vật chính trong các tác phẩm. Đặc điểm này tạo nên sự khác biệt rõ nét nhất giữa văn học trước và sau thời kỳ đổi mới. Trong văn học trung đại, Hồ Xuân Hương là nhà thơ duy nhất dám mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi và hạnh phúc của người phụ nữ. “Hồ Xuân Hương đã làm được cái điều mà tưởng như không thể làm được, cái không thể trở thành cái có thể, trước không ai đã đành, sau bà cũng không có ai”. Đến thời kỳ văn học hiện đại, nhân vật nữ được khai thác ở nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là thế giới nội tâm. Dưới ngòi bút của các nhà văn nữ, thế giới tinh thần của các nhân vật nữ lại càng được thể hiện sinh động, sâu sắc và chân thực nhất. Bởi lẽ, khi đặt ngòi bút dường như các tác giả nữ đang viết về chính con người thực của mình. Đó chính là cảm hứng tự nghiệm”. Đặc điểm này được thể hiện rõ nhất ở ngôi của người kể chuyện- ngôi thứ nhất, các tác giả đã có ý thức để lại trong tác phẩm dấu ấn cá nhân riêng biệt của mình. Dấu ấn cá nhân của nhân vật “tôi” đã thể hiện đầy đủ cảm nhận, suy nghĩ riêng của mỗi nhà văn, bất chấp mọi sự khen chê. Giọng điệu của người kể

chuyện hay “lạc đề”, chuyện nọ xọ chuyện kia. “Dường như trong văn chương của họ có một người đàn bà mê mải nói, mê mải kể, chê bai, khen ngợi, bất cần, khinh bạc… Điều đó khiến độc giả nhận ra họ trước tiên: chất lý sự đàn bà, cái ồn ào rất đời trong những giọng nói không cần ẩn mình vì lý do công, dung, ngôn, hạnh truyền thống, đồng thời lại rất sách vở và tự chủ theo cách riêng của mình” [22]. Nhân vật nữ trong truyện ngắn Đoàn Lê là những con người như vậy. Dấu ấn cá nhân trở thành một đặc điểm nổi bật khi xây dựng nhân vật của cây bút này. Các nhân vật của bà thường được đặt trong trạng thái “động”. Khi đọc toàn bộ sáng tác của nhà văn, một hình ảnh nổi bật mà người đọc dễ dàng bắt gặp nhất đó là hình ảnh một người đàn bà luôn trăn trở, day dứt, bất định trong suy nghĩ. Họ thường có những bi kịch gần giống nhau- bi kịch tình yêu. Bi kịch đó bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa Niềm Tin và Bản chất Nhẹ dạ của người phụ nữ, hay giữa hạnh phúc và khổ đau, hoặc từ những hoàn cảnh sống tối tăm, bần cùng. Những đặc điểm trên trở thành nguyên tắc xây dựng nhân vật của Đoàn Lê.


2. Các kiểu nhân vật và phương thức biểu hiện trong truyện ngắn Đoàn Lê.‌

2.1 Nhân vật cô đơn

Đây là kiểu nhân vật xuất hiện nhiều trong văn học thời kỳ đổi mới. Lý do khiến các nhà văn tập trung vào việc xây dựng, khai thác kiểu nhân vật này cũng rất dễ hiểu. Trong xã hội hiện đại vấn đề tồn tại và mưu sinh không còn là vấn đề cơ bản, con người bắt đầu hướng về bản thân mình nhiều hơn. Họ có nhu cầu khám phá,cắt nghĩa lý giải những trạng thái tâm hồn mình để giảm đi những lo toan căng thẳng trong cuộc sống, để cân bằng lại đời sống tâm hồn. Nhu cầu đó trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhà văn. Đời sống tinh thần của con người trở thành đối tượng quan trọng của văn học. Vì thế trong văn học xuất hiện kiểu nhân vật cô đơn. Cô đơn là khát khao cái đẹp, cái thiên lương của con người. Cô đơn là vấn đề của mỗi bản thể, mỗi cá nhân nhưng cũng có ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội. Thế giới nội tâm của mỗi cá nhân chứa đầy những yếu tố bất ngờ và bí ẩn. Không phải chỉ khi tồn tại đơn thân một mình một bóng con người mới cảm thấy cô đơn mà con người mang tâm trạng cô đơn ngay chính trong ngôi nhà, trong gia đình của mình khi không tìm thấy sự đồng cảm, không tìm thấy tiếng nói chung.

Con người cô đơn đã từng được nói đến trong văn học trung đại nhưng chưa thật rõ nét. Đến văn học 1930-1945, con người cô đơn (cái tôi cô đơn) trở thành tâm trạng chung của các nhà Thơ mới. Thậm chí con người cô đơn được đẩy đến mức cực đoan, đến tận cùng. Họ tìm nhiều cách khác nhau để thoát khỏi trạng thái cô đơn: Thế Lữ thoát lên tiên, Lưu Trọng Lư phiêu diêu trong trường tình, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên điên cuồng trong hồn máu và tháp Chàm đổ nát, Xuân Diệu đắm say…Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi lại tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ, Huy Cận mang mối sầu vạn kỷ, sầu tới đáy hồn nhân thế, Chế Lan Viên muốn trốn mình tận phía cuối trời xa, rốt cục vẫn bế tắc tuyệt vọng không có lối thoát.

Trong văn học hiện đại giai đoạn 1945-1975, cô đơn vẫn bị xem là chủ đề kiêng kỵ. Con người trong văn chương chủ yếu là con người tập thể. Chung quanh họ là bạn bè, đồng chí, dân tộc, cộng đồng, nhân loại. Cá nhân con người là nhỏ bé, không đáng kể. Con người không có điều kiện để nhìn ngắm tâm hồn mình. Sau 1975 với quan niệm con người cá thể, cùng với sự thức tỉnh của cá nhân với nhu cầu tự ý thức, con người nhiều lúc cảm thấy cô đơn và có nhu cầu nói to lên trạng thái tâm lý này. Hơn nữa, trong xã hội bộn bề đen trắng, tốt xấu lẫn lộn hôm nay, đâu người tri âm tri kỷ, đâu là tình người, đâu là sự đồng cảm, đâu là niềm tin? Cô đơn vì thế trở thành điểm xoáy thu hút sự chú ý của nhiều cây bút truyện ngắn. Nguyễn Huy Thiệp thường xây dựng những nhân vật cô đơn: “nỗi cô đơn khủng khiếp rằng xé tim chàng” (Sạ), nỗi cô đơn mênh mang của cõi đời (Chút thoáng Xuân Hương), nhân vật trong “ Con gái thủy thần”, “Chảy đi sông ơi”, “Tâm hồn mẹ” đều là những cá nhân cô đơn đi tìm kiếm niềm tin. Nguyễn Minh Châu lại day dứt với con người cô đơn bất hạnh sau chiến tranh còn lại một khoảng trống vắng tâm hồn không gì bù lấp nổi (Cỏ lau). Dương Thu Hương vật vã với kiểu con người cô đơn đi tìm lý tưởng, cứ phải suốt đời loay hoay đi tìm kiếm những gì không thể với được trong tầm tay. Một số cây bút nữ đã hướng ngòi bút vào số phận của những người đàn bà đi suốt cuộc đời vẫn không tìm thấy một tổ ấm, một nơi trú ngụ tinh thần bởi sự thất vọng về tình yêu , về người bạn đời, vì vậy họ luôn phải đối diện với sự trống vắng của tâm hồn bởi sự hụt hẫng vô cớ thất thường của trạng thái cô đơn (Giai nhân- Nguyễn Thị Thu Huệ, Người đàn bà có ma lực- Y Ban). Đặc biệt ở Phạm Thị Hoài, cô đơn đã trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên của nhân vật. Nhân vật

60

cô đơn do không có sự đồng cảm, mỗi nhân vật là một thế giới riêng, họ cô đơn ngay giữa đám đông. Nhân vật cô đơn của Phạm Thị Hoài thường đối thoại với nhau một cách rời rạc, không lô gích vô nghĩa. Chị thường sử dụng mô týp im lặng, ngôn ngữ bất đồng. Nhân vật của chị thường đắm chìm trong những suy nghĩ riêng tư, còn lời nói chỉ là “chiếc vỏ trứng của sự im lặng”, có khi hai người ngồi bên nhau nhưng ngôn ngữ bất lực, mỗi người là một thế giới cô đơn, không thể đồng cảm… Như vậy nỗi cô đơn trở thành một đề tài hấp dẫn mà nhiều cây bút nữ lựa chọn khai thác. Có lẽ vì họ vừa là nhà văn vừa là người phụ nữ bước ra từ cuộc sống đời nhất và thực nhất.

Đoàn Lê cũng vậy, các nhân vật trong truyện ngắn của bà dù được khai thác ở nhiều tình huống, cốt truyện khác nhau nhưng đều phảng phất nỗi cô đơn. Khi xây dựng tác phẩm, nhà văn thường đứng ở góc độ người kể chuyện hoặc vị trí các nhân vật nữ. Vì thế nỗi cô đơn trong những sáng tác của bà là nỗi cô đơn tự nghiệm. Đó là nỗi cô đơn, trống trải cùng niềm khát khao tình yêu, hạnh phúc đến cháy lòng của một người con gái luôn bị những mặc cảm về sự thiếu hụt của hình hài dày vò. Đêm đêm nàng vẫn sống vẫn dạo chơi với những người tình trong mộng để xoa dịu sự khô cháy của những năm tháng cô độc (Dấu hỏi gửi thượng đế). Đó cũng là nỗi cô đơn, niềm mong mỏi thầm lặng được che chở, bảo vệ cho người mình yêu đến trọn đời, trọn kiếp của lão Guột trong (Tình Guột), đó là nỗi cô đơn đau khổ ngấm ngầm của người phụ nữ có chồng phụ bạc (Giường đôi xóm Chùa). Trong sáng tác của mình có đôi khi Đoàn Lê đề cập đến nỗi cô đơn, cô độc của những người đàn ông chung tình như nỗi trống trải của nhân vật “tôi” (Một ngày xứ em, Đêm ngâu vào). Họ đều tha thiết yêu một người phụ nữ, nhưng hoàn cảnh chớ trêu đã khiến họ không đến được với người phụ nữ mà họ yêu thương, tôn thờ. Nhân vật “tôi” (Một ngày xứ em) rơi vào nỗi cô đơn trống trải do chiến tranh cướp mất người con gái anh yêu thương hứa hẹn. Còn “tôi” (Đêm ngâu vào) do một phút do dự thiếu quyết đoán, anh đã để kẻ khác cướp mất người con gái anh yêu…Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có chung nỗi cô đơn khắc khoải và cả niềm luyến tiếc xót xa vì không đến được với người mình yêu. Song nổi bật trong những truyện ngắn của Đoàn Lê là nỗi cô đơn của những người phụ nữ trong gia đình mà hôn nhân không được toại nguyện. Họ cũng đã từng có tình yêu hoặc lầm tưởng là được yêu, sau một thời gian chung sống, họ nhận ra rất nhiều khiếm khuyết, rất nhiều

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 30/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí