nhà biên kịch Đoàn Lê. Nhưng khác với cô Chín trong tiểu thuyết có số phận nghiệt ngã, ở cái kết "không có hậu", với Đoàn Lê lại tìm thấy một lẽ sống trong tình yêu nghệ thuật. Và chị tìm thấy sự bình yên sau bao ngày sóng gió bão bùng. Những tác phẩm hội họa của chị thể hiện sự tĩnh tại, an nhiên, xa lánh mọi vòng tục lụy của đời thường.
Khi được hỏi hội họa và nghề viết bổ sung cho nhau như thế nào? Đoàn Lê cho biết nghề viết, viết văn, kịch bản, thơ viết ra đã có sự kiểm duyệt của chính mình và nhiều khi không đủ diễn tả mọi xúc cảm. Niềm đam mê hội họa giải phóng những thôi thúc khi không viết được. Những cảm xúc, những vẻ đẹp không thể diễn tả thành lời thì tôi tìm đến hội họa. Nhờ tranh mà những truyện ngắn hay kịch bản phim của tôi cũng có bố cục chặt chẽ hơn và nhiều người nhận ra sự cân đối, hài hòa.
Sắp bước sang tuổi 70, nhà văn Đoàn Lê vẫn có những truyện ngắn và tiểu thuyết với giọng văn hóm hỉnh, trẻ trung và với tài năng của chị, các nhà văn trẻ vẫn thường yêu quý gọi chị là Chị tôi và thường ngâm nga những câu thơ: Thế là chị ơi/ rụng bông hoa gạo/ ô hay, trời không nín gió/ cho ngày chị sinh?...
Cái nết na, nét dịu dàng, tần tảo của Đoàn Lê khiến người đời ngưỡng mộ, nhưng nó dường như cũng chính là nạn nhân của sự giả dối, toan tính của người đời. Ở chị luôn hiển hiện sự giằng xé giữa tình duyên và nặng gánh trách nhiệm. Chính sự vương vấn, lỡ dở ấy tạo nên sự long đong, lân đận trong đời của người đàn bà – là chị.
Phải nói rằng ít có người phụ nữ nào mà số phận long đong như nhà văn Đoàn Lê với hai lần chia tay chồng. Người con trai yêu quý, chiếc lá xanh đã rụng trước lá vàng. Số phận đổ xuống đầu dồn dập như muốn đánh gục người đàn bà đa tài và đa tình này. Những chấn thương tình cảm để lại khá nhiều dấu vết trong những sáng tác của chị. Truyện ngắn Giường đôi xóm Chùa kể lại về cuộc chia tay giữa vợ chồng, cái tổ ấm mà nhà văn cố níu giữ nhưng không được... Mẹ và con và thánh thần kể về sự ra đi của người con.
Nhà văn đã dùng ngòi bút để tự mổ xẻ mình trước căn bệnh cuộc đời. Truyện ngắn này khá hay nhưng thật buồn. Giao cảm cuối cùng nói về cái chết của mình và sự giao cảm với người tình tưởng tượng. Rồi có lúc làm thơ, chị viết:
Người đừng năm tiết, bảy tao
Mai ta ra biển, tan vào sóng xanh...
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện ngắn Đoàn Lê - 2
- Bối Cảnh Lịch Sử - Thẩm Mĩ Của Văn Học Việt Nam Sau 1975
- Khái Lược Về Thế Hệ Nhà Văn Nữ Việt Nam Sau 1975
- Ý Thức Đối Thoại Ngầm Với Những Quan Niệm Sáng Tạo Đương Đại
- Hình Tượng Xóm Chùa Và Các Vấn Đề Đạo Đức – Xã Hội Đương Đại
- Truyện ngắn Đoàn Lê - 8
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
1.3.2. Sự nghiệp sáng tác phong phú
Khi nghĩ tới một nhà văn Đoàn Lê là người đọc thường nhắc đến giải thưởng Hội nhà văn năm 1990 với tiểu thuyết Cuốn gia phả để lại, hoặc gần đây nhất là giải thưởng tập truyện ngắn Trinh tiết xóm Chùa, năm 2005. Và khi nhắc đến một Đoàn Lê điện ảnh, người xem không thể quên bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Còn ở lĩnh vực hội hoạ, đó dường như là một sự quay về với một Đoàn Lê trẻ trung dịu dàng của một thời con gái. Bước vào thế giới hội họa, sự run rẩy của cảm xúc luôn luôn như mới bắt đầu mỗi khi Đoàn Lê cầm cây cọ để giải toả những ẩn ức trong tâm hồn mình. Mỗi bức tranh của chị như một ẩn dụ, thông qua hình tượng để bày tỏ những xúc động sâu thẳm trong con tim. Có lẽ, trái tim thi sĩ đa cảm hiện lên qua mầu sắc, đường nét và được chắt lọc bởi bố cục khá tiết chế. Trong cõi sắc màu này, cái thuở dậy thì thơ ca cách đây nửa thế kỷ với bài thơ Bói hoa của nữ sĩ Đoàn Lê đã trở lại. Cái kiếp hoa ấy sau này nhập hồn vào giá vẽ của Đoàn Lê với các tên khác nhau như Hoa bèo, Hoa lan tiêu, Hoa hồng,... Nhưng có thể nói, ngoài những đề tài tập trung về phụ nữ và phong cảnh, thì mảng tranh “nuy" của chị có một sức thu hút đặc biệt. Đây thật sự là một nét phá cách của một thân phận đầy gian truân, trần ai với cuộc sống mà Đoàn Lê đã trải nghiệm. Nhiều đau khổ đến mức chị đã định tìm đến thiền với một nguyên tắc sống: "Không nói , không nhìn, không nghe, không tình dục!?". Nhưng cuộc đời lại không cho chị được toại nguyện, nên giờ đây, với văn chương lại có một Đoàn lê nghiệt ngã hơn với tập truyện Trinh tiết xóm Chùa, còn với giá
vẽ xuất hiện một Đoàn Lê thi sĩ hơn khi gắn bó tinh tế trong hội hoạ "nuy". Cái nhìn, cái nghe, cái tình dục qua toan với mầu sắc, đường nét mang thương hiệu Đoàn Lê luôn luôn nhân ái và thật sự nồng ấm. Tác phẩm Hoa bèo của chị là một ẩn dụ sâu sắc, giàu tính biểu đạt, thể hiện lòng thương với thân phận của các cô gái trôi dạt về bãi biển Đồ Sơn như những cánh bèo lênh đênh, bị sóng đánh tả tơi trên mặt cát. Hình tượng ấy qua bức tranh ‘nuy" đã làm xúc động lòng người, nó không còn gây ấn tượng ở sự trần trụi gợi dục mà là sự đày ải đến đáy thân phận con người nơi trần gian đã đánh thức lương tâm người xem. Hay như bức Giếng lan tiêu, đâu chỉ có riêng cảnh một cô gái tắm bên giếng, mà ở đó còn toát lên hương vị thanh tân của tuổi trẻ với một sắc đẹp thiên nhiên dịu dàng trong gam xanh trong vắt của miền quê biển. Bên cạnh đó những bức tranh khác của Đoàn Lê cũng gây ấn tượng như những bài thơ đồng quê: Mèo ngủ, Phút yên lặng, Trong phòng tắm, Xóm núi, Nông nhàn...
Đến và sống cùng điện ảnh suốt cuộc đời, Đoàn Lê đã tham gia trong nhiều lĩnh vực hoạt động: diễn viên, thiết kế mỹ thuật, biên kịch rồi đạo diễn. Người ta chưa quên hình ảnh cô giáo Hồng Vân của chị, vai chính trong phim Quyển vở sang trang cùng những phim nhựa, phim truyền hình mà chị là biên kịch hay đạo diễn hoặc biên kịch kiêm đạo diễn. Có thể kể đến Làng Vũ Đại ngày ấy, Bình minh xôn xao, Niết bàn rực cháy, Song nữ, Nước mắt của biển, Cái chết của Hồ Xuân Hương, Giọt nước mắt thiêng,... Chị đã được nhận những giải thưởng xứng đáng cho các phim Con Vá, Chim bìm bịp trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc.
Với văn học, Đoàn Lê lâu nay đã là một gương mặt nhà văn nữ có tiếng với nhiều tác phẩm được độc giả đón nhận. Những tiểu thuyết tâm huyết đầy trăn trở của chị như: Cuốn gia phả để lại, Lão già tâm thần, Người đẹp và đức vua, Tiền định đã gây được nhiều thiện cảm với người đọc. Cuốn gia phả để
lại ngay khi mới ra mắt công chúng đã được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Còn phải kể đến nhiều giải thưởng chị đã nhận được cho những truyện ngắn và tập truyện ngắn trong nhiều năm qua. Những truyện ngắn Giường đôi xóm Chùa, Trinh tiết xóm Chùa... chính là khả năng quan sát và thể hiện thực tế đời sống rất nhạy cảm của Đoàn Lê. Tác phẩm của chị được dịch, xuất bản và được độc giả đón nhận tại Đức, Mỹ, Thụy Điển... Cách viết dung dị, những nhận xét hóm hỉnh và sâu sắc về nhân tình thế thái, về ấm lạnh cuộc đời của chị tựa như một nụ cười khoan dung và độ lượng đã tìm được sự đồng cảm của nhiều tầng lớp độc giả trong và ngoài nước.
Sự trải nghiệm cuộc đời cùng một tâm hồn đầy cá tính đã tạo nên nguồn năng lượng dồi dào và một nội lực “thâm hậu” trong lao động nghệ thuật của Đoàn Lê. Những đứa con tinh thần của người đàn bà mảnh mai và có vẻ yếu đuối này lại có một sức sống mãnh liệt, hấp dẫn, cuốn hút độc giả và giành được những thành tựu đáng kể.
Là người con của đất cảng Hải Phòng, đi học và lập nghiệp tại Thủ đô nhưng từ năm 1988, khi trở về “xóm núi Đồ Sơn” sống và tiếp tục trăn trở sáng tạo với tinh thần “làm chủ quỹ thời gian”, Đoàn Lê thực sự đã có những thành công trong nhiều lĩnh vực. Ở tuổi “tri thiên mệnh”, chị lại bất ngờ cho ta một cách lắng nghe mới về sự lắng đọng của tâm hồn qua bài thơ Mưa núi:
Mưa núi gần kề bên hiên Tí tách nguồn cơn ngõ bé
Xóm núi bâng khuâng rất khẽ Khói chiều
Câu thơ hàng xóm đang yêu Tạc một cánh diều vách núi Chợt nghe bước chân lủi thủi Lá rừng.
Đoàn Lê nhìn cuộc đời rất giản dị nên chị quan niệm không việc gì phải đao to búa lớn cả. Trong sáng tạo, chị làm việc cật lực, thậm chí lao lực, nhưng xét cho đến cùng với chị đó cũng chỉ là những cuộc "rong chơi" trong thế giới này mà thôi. Và sáng tạo nghệ thuật - đấy là một cách "chơi" của chị. Chị lựa chọn một thái độ với cuộc sống bằng những câu thơ tình dí dỏm:
Anh cứ nói cả trăm điều dối trá Để em tin như thể rất dại khờ
Em giấu trong lòng sớm nắng chiều mưa Điều dối trá hồn nhiên thành vô tội
Thế gian này nặng đâu lời nói dối. Những kiếp người èo uột sẽ đi qua Rồi tất cả sẽ trở thành vô nghĩa Tội tình gì em khe khắt với hai ta...
1.3.3. Vị trí truyện ngắn trong sáng tác của Đoàn Lê
Đoàn Lê thử nghiệp của mình trên nhiều loại hình nghệ thuật và ở lĩnh vực nào chị cũng có những tác phẩm tiêu biểu. Nhưng có lẽ nói đến sự nghiệp sáng tác của Đoàn Lê , là người ta nghĩ đến các sáng tác văn chương của nhà văn. Đoàn Lê đã có những thành tựu thật sự với văn chương. Một giọng văn được nhớ, nền nã dung dị nhưng bao giờ cũng kèm theo chất hài hước ngầm. Những tập truyện: Thành hoàng làng xổ số, Nghĩa địa xóm Chùa, Trinh tiết xóm Chùa; những tiểu thuyết: Lão già tâm thần, Cuốn gia phả để lại,... đã đoạt giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, báo Văn Nghệ,...
Đoàn Lê viết văn từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Nhưng khoảng 20 năm gần đây chị mới nổi lên sau bao nhiêu thăng trầm nổi nênh của cuộc đời và thân phận. Người viết văn xuôi thường vẫn vậy. Cuộc đời làm nhà văn điên đảo đau đớn, nhưng bù lại qua đó ta mới thấy yêu quý đời hơn, và văn của ta mới đằm thắm hơn, bao dung hơn. Vốn liếng văn chương của Đoàn Lê nay đã khá dày dặn.
Văn học vốn là thứ bùa mê đối với nhiều người. Đoàn Lê cũng bị thứ bùa mê ấy hút hồn từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong các loại hình văn học như đã nói trên, dường như truyện ngắn còn có “mối nhân duyên” đặc biệt với Đoàn Lê. Chị thấy mình thoải mái hơn cả khi viết truyện ngắn. Nó vừa đủ độ thời gian người viết dành cho nó, không kéo dài quá.
Nhà văn Đoàn Lê thực sự là một cây bút viết truyện ngắn đặc sắc. Truyện ngắn của chị xuất hiện liên tục, đều đều trên nhiều tờ báo. Truyện của Đoàn Lê lúc thì đằm thắm, trữ tình, lúc thì hiện thực sắc sảo. Có lúc lại táo bạo, hiện đại bất ngờ, rồi có lúc lại trẻ trung thổn thức như một cô gái mới lớn.
Vậy những tiền đề mang đến thành công cho Đoàn Lê ở thể loại truyện ngắn là gì? Và cũng thật chân tình, Đoàn Lê thú nhận: “Tôi rất mê truyện ngắn của Nam Cao. Có thể nói, tôi chịu nhiều ảnh hưởng của nhà văn tiền bối ấy trong nghề viết văn xuôi”.
Ở ngay hai truyện ngắn đầu tiên của tập truyện Thành hoàng làng xổ số, người đọc dễ dàng nhận ra hai khuynh hướng, hướng nội và hướng ngoại mà Đoàn Lê đã tìm thấy trong bậc tiền bối được ưa thích của mình. Đêm ngâu vào báo hiệu một khuynh hướng sáng tác của Đoàn Lê. Khuynh hướng hướng nội, phân tích tâm lý, đào sâu vào cái ẩn khuất của tâm hồn con người, cảm thông với những thân phận bất hạnh. Truyện viết khá tinh tế về một mối tình tay ba. Thành hoàng làng xổ số là một truyện ngắn viết theo xu hướng ngược lại. Nó hướng ngoại. Trong truyện có chuyện, đầy sự kiện và chi tiết, nói về những con người nghèo khổ, chỉ muốn đổi đời bằng xổ số, số đề. Xu hướng hướng ngoại ấy của Đoàn Lê nổi lên rõ ràng và đặc sắc nhất là seri truyện ngắn viết về xóm Chùa. Chúng ta bắt gặp Đất xóm Chùa, Nghĩa địa xóm Chùa, Người đẹp xóm Chùa, Trinh tiết xóm Chùa, Xóm Chùa thời ung thư. Trước đây Nam Cao viết về một làng quê thời Pháp thuộc – làng Vũ Đại với sự khốn cùng thê thảm của nó. Còn Đoàn Lê thì vẽ ra cho chúng ta xem một
làng quê trong quá trình đô thị hóa. Thời gian đô thị hóa là thời gian bản lề, nó là thời gian quá độ chuyển sang đời sống công nghiệp cho nên hiện thực xảy ra vô cùng khắc nghiệt. Các giá trị truyền thống của một xã hội nông nghiệp đang mất đi, và các giá trị mới chưa được hình thành. Chúng ta chứng kiến văn hóa làng cổ truyền đang bị biến đổi hay là đang tan rã. Ở chùm truyện ngắn này, những bi kịch về tranh chấp đất đai trong làng xóm xảy ra. Đạo đức xuống cấp (Đất xóm Chùa). Rồi những cô gái đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc (Trinh tiết xóm Chùa), thậm chí người ta bán cả mồ mả ông cha đi mà không biết (Xóm Chùa thời ung thư).
Đoàn Lê chả phải đi thực tế đâu xa. Khi ở làng Lủ quê chồng, chị sống chan hòa với người dân chung quanh, quan sát những con người và sự việc hàng ngày quanh mình mà viết nên những truyện ngắn này. Nam Cao có một làng quê mà ông cắm rễ rất sâu để làm chất liệu cho nghề văn của mình. Đoàn Lê cũng làm như vậy. Có khác chăng giữa hai người, thì chỉ là hiện thực diễn ra mỗi thời mỗi khác, và tâm hồn mỗi nhà văn mỗi khác. Hiện nay, nhà văn nữ đang sống ở một xóm núi Đồ Sơn. Một cái xóm gần núi, gần biển. Đã thấy những truyện ngắn Chốn sơn khê, Rồi Bụt hiện lên, mang hơi thở của cái thị xã du lịch biển này, cái xóm ven biển cũng đang thay đổi từng ngày. Một loạt truyện xóm Chùa của Đoàn Lê đem lại cho người đọc cảm giác chúng có dáng dấp của một cuốn tiểu thuyết thời hậu hiện đại. Cuốn tiểu thuyết gồm những truyện ngắn, tức là kết cấu của nó lỏng. Cái gắn kết các truyện đó lại là chủ đề văn hóa làng thời hiện đại. Một cái gì đó quý giá đang mất đi và ta đang cố níu giữ nó lại.
Phong cách truyện ngắn của Đoàn Lê ngày càng đa dạng. Ngoài những truyện thiên về tả thực và phân tích tâm lý ta còn thấy nhiều truyện mang yếu tố ảo hơn như : Lên ruồi, Nhân bản hoặc mang yếu tố hiện đại như Sex hoặc sử dụng nhiều đến trí tưởng tượng tổng hợp hơn (immagination synthétique),
nghĩa là tác giả dùng hư cấu bịa đặt tổng hợp những trải nghiệm của cả đời mình ra để viết như Chờ nhật thực, Cổ tích Manơcanh, Tình Guột.
Tóm lại truyện ngắn đã mang đến cho Đoàn Lê nhiều thành công và được độc giả ghi nhận. Theo tạp chí nghiệp đoàn xuất bản về Tuyển tập Đoàn Lê ở Mỹ đã khẳng định: “… Đoàn Lê được ghi nhận ở phong cách đa dạng và sức sáng tạo tươi mới” [73]. Còn nhà văn Hồ Anh Thái thì nhận xét “… Đoàn Lê U70 lại viết như U30” [60].
Nhà văn Đoàn Lê chứng tỏ một phong cách mới trong đời sống văn học đương đại Việt Nam. Một phong cách dịu dàng, táo bạo, tỉnh táo nhưng rất nền nã, nhẹ nhàng, và đặc biệt hài hước. Chị là nhà văn kế thừa và tiếp nối dòng văn học nữ Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Đoàn Lê phát huy ưu thế của ngòi bút trong thể loại truyện ngắn, và thực sự nó đã chiếm một vị trí đáng kể trong sự nghiệp viết văn của chị. Khi nói tới Đoàn Lê là người đọc nghĩ tới một “thương hiệu” Đoàn Lê trong văn xuôi nói chung và truyện ngắn của chị nói riêng.