Ngôn Ngữ Trần Thuật Đậm Chất Triết Lý, Chất Trữ Tình.


Mở đầu truyện ngắnRửa tay gác kiếm bằng nỗi lòng của ông Phúc: “Giờ đây, nhớ lại những ngày tháng cuối cùng của đời bộ đội lòng tôi vô hạn một nỗi buồn nhớ sâu lặng. Kể từ ngay sau đỉnh cao của hạnh phúc ngày chiến thắng tới buổi chiều ngày hôm nay, ngày và đêm hoà bình lững lờ trôi chảy mà đời người thì trôi quá mau (…) Tôi lặn lội kiếm sống, trải nhiều nghề, rốt cuộc thành nhà văn, song văn chương gì tôi, viết lách đã chẳng bao nhiêu lại chẳng ra thế nào, chỉ tổ ngày một thêm lạc lõng và ngày một thêm bơ phờ, thời gian và cuộc sống nhận chìm tôi” [60,194]. Đó là suy tư của một người cảm thấy sự biến đổi khôn lường của cuộc sống và con người sau chiến tranh. Thời gian trôi chảy, cuộc sống đổi thay không ngừng mà người lính trở về lại luôn ngoái lại quá khứ. Đây là cảm giác chung của nhiều người lính trận: Thời chiến, họ là những anh hùng, được sống hết mình vì đất nước, đồng đội nhưng sau chiến tranh, trở về với cuộc sống thời bình, nhiều người lính không thể thích nghi được với những bon chen, xô đẩy của cuộc sống đời thường. Vì vậy, họ sống thu mình, cô đơn, lạc lõng.

Như vậy, cách mở đầu trong truyện ngắn Bảo Ninh thể hiện rất rõ ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Hầu hết các tác phẩm của ông đều viết về chiến tranh từ cái nhìn hiện tại. Do vậy, cách mở đầu bằng thời điểm hiện tại rất đắc dụng để độc giả cảm nhận rõ quan điểm của nhà văn khi nhìn nhận vấn đề từ cái nhìn hồi tưởng. Không chỉ mở đầu bằng thời điểm hiện tại, truyện ngắn Bảo Ninh còn được mở đầu bằng những suy tư chiêm nghiệm giàu cảm xúc. Điều này làm cho truyện ngắn Bảo Ninh có sức hấp dẫn riêng.

3.1.2.2. Cách kết thúc

Truyện ngắn hiện đại thường có có một khoảng trống ở cuối truyện nhằm tạo độ mở cho đoạn kết tạo nên độ tin cậy và quyền chủ động cho người đọc theo lý thuyết đồng sáng tạo. Lối “kết thúc mở” còn tạo ra sự bất ngờ, vì thế ám ảnh và có dư ba trong tâm trí người đọc. Khác với truyện ngắn trung đại (thường có cốt truyện được xây dựng theo kết cấu nhân - quả nên các đoạn kết thường có hậu), các truyện ngắn hiện đại thường không được xây dựng theo lối ấy nữa nên đoạn kết thường có lối kết mở không có hậu.


Nhà văn Nga hiện đại D. Phuôcmanôp nhận xét: “Sức mạnh của cú đấm (nghệ thuật) là thuộc về đoạn cuối” [72,90]. Hướng về sự thật đời sống, ý thức về sự phức tạp, đa dạng của cuộc đời, của số phận con người, các nhà văn “bỏ ngỏ” tác phẩm của mình để người đọc cùng tham gia tranh luận. Kết cấu truyện ngắn sau 1975 co giãn và uyển chuyển hơn. Nó “không tuân thủ theo quy tắc kết cấu truyền thống là kết thúc có hậu, giải quyết hoàn toàn các vấn đề. Đoạn kết trong truyện ngắn gần đây đã tạo ra các khoảng trống, khiến độc giả cũng trở thành kẻ đồng sáng tạo” [76,33]. Tác giả Lê Thị Hường khi nghiên cứu về truyện ngắn đương đại cũng đưa ra nhận xét tương tự: “Hình thức kết cấu của truyện ngắn hôm nay phần lớn vượt ra khỏi kết cấu của truyện ngắn truyền thống (tức là kết cấu theo mô hình “có hậu”…). Truyện ngắn hôm nay có kết cấu tự do hơn. Đặc biệt, đoạn kết truyện ngắn hôm nay khá đa dạng” [33,29]. Ta có thể gặp rất nhiều kiểu kết cấu này trong hàng loạt truyện ngắn của Phạm Thị Hoài (Kẻ giết ý nghĩ, Người tốt bụng, Mê lộ, Người suy tư…), Lê Minh Khuê (Đồng đô la vĩ đại), Tạ Duy Anh (Bước qua lời nguyền, Vòng trần gian trầm luân)… Kết cấu trong các trang văn của Bảo Ninh cũng không nằm ngoài đặc điểm này.

Kết thúc trong truyện ngắn Bảo Ninh hầu hết là kết thúc mở, nhiều sức gợi. Chúng thường tồn tại như một kiểu trữ tình ngoại đề. Nhà văn thường bình luận, đánh giá, bày tỏ thái độ về sự việc, nhân vật, câu chuyện được kể. Những lời bình luận cuối tác phẩm dù không tham gia trực tiếp vào việc cấu thành nên cốt truyện nhưng nó có vai trò rất quan trọng trong việc gửi gắm thông điệp của tác giả về nhân tình thế thái, về cuộc sống và con người, giúp người đọc hiểu rõ hơn quan điểm, tư tưởng của tác giả.

Kết thúc truyện ngắn Cái búng, Bảo Ninh đưa ra lời bình luận mang tính chiêm nghiệm. Nỗi đau trong tâm hồn người lính đôi khi không thể lý giải nổi, bắt nguồn từ những cái không đáng có. Tác phẩm này có cốt truyện rất đơn giản. Câu chuyện kể về buổi tối hẹn hò đầu tiên và cũng là cuối cùng giữa nhân vật “tôi” và Hiền. Họ bị đám thanh niên trêu chọc. Kết thúc câu chuyện, mối tình chấm dứt. Chấm dứt mà không hiểu vì sao. Bảo Ninh lý giải: “Chuyện như


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.

vậy chắc các bạn thấy khó tin? Nhưng tôi như thế thật đấy. Và tôi nghĩ chẳng riêng tôi, bạn cũng thế thôi, thỉnh thoảng bạn vẫn phải vướng phải những chuyện mà người khác chẳng buồn để tâm nhưng bạn lại xúc động sâu xa, bạn không thể quên, như là một vết thương tự cứa vào lòng, khó bề chữa khỏi. Ấy là những nỗi đau vô cớ, những bất hạnh mơ hồ, những cay đắng chua xót không đâu, những nỗi nhục, những mặc cảm không có duyên do, không tài nào ai hiểu nổi vẫn thường thấy đầy rẫy trong cuộc đời mỗi người” [61,43]. Trong cuộc sống, ta vẫn thương thấy có những chuyện xảy ra mà không thể lý giải được nguyên do. Đôi khi chỉ là những chuyện “lãng xẹt”, đơn giản và khó tin như thế.

Kết thúc truyện ngắn Hữu khuynh cũng là một kiểu kết cấu mở giống như một trữ tình ngoại đề. Tác phẩm kể về nhân vật Tư, sau chiến tranh khoác ba lô về làng, người thân, gia đình không còn ai, sống giữa làng xóm quê hương mình mà chỉ thấy cô đơn, buồn tủi. Nhà văn đồng cảm, chia sẻ với nhân vật của mình: “Lịch sử của ngôi làng chọn một mùa khô đẹp trời với những buổi tối êm đềm như thế làm mốc kết thúc thời hậu chiến. Lòng người thiết tha mong được sớm bắt đầu thời đại mới, với niềm hy vọng là từ đây sẽ mãi mãi không cùng chuỗi dài miên man ngày lành tháng tốt” [61,213].

Truyện Ngắn Bảo Ninh - 11

Người kể chuyện bày tỏ niềm xúc động của mình về việc người thiếu phụ đã trân trọng lưu giữ bức ảnh chụp chiếc xe tăng 301 và đồng đội khi kết thúc tác phẩm Ba lẻ một: “Và như thế là đã hai chục năm trời rồi theo đuổi vô vọng cho tới buổi chiều hôm ấy. Chẳng phải sự tình cờ, mà là một sự run rủi tuyệt vời của định mệnh đã khiến tôi bước vào vườn cây lêkima bên bờ biển Khánh Hoà. Cuộc đời có hậu đã cho tôi, một số phận lẻ một, khi đã luống tuổi, lúc đã xế tà vẫn còn ruổi kịp đà tiến công vũ bão của thời thanh xuân để được gặp lại số phận chung của bốn anh em. Chiều hôm ấy, trước bức ảnh xe tăng 301, người thiếu nữ năm xưa, vụt sống lại với buổi bình minh của đời mình, đã không cầm đước nước mắt. Và tôi cũng vậy, sau hai chục năm trời, lệ chiến tranh đã tràn mi” [60,19]. Đây là một kết thúc đầy cảm xúc, suy tư. Nhà văn đã bộc lộ thái độ, tình cảm của mình với đồng đội, với quá khứ, với hành động đẹp của thiếu nữ năm xưa trong chiến tranh.


Kết thúc trong truyện ngắn Bảo Ninh không chỉ tồn tại như kiểu trữ tình ngoại đề, nhiều sức gợi mà còn xuất hiện kiểu kết thúc bất ngờ. Đọc xong truyện ngắn Bên lề cuộc tấn công, người đọc chắc hẳn sẽ bị hụt hẫng. Sau khi miêu tả cảnh sinh hoạt trong giờ nghỉ giải lao của khẩu đội cao xạ và việc người lính quyết định cứu vợ con người đàn ông bên kia chiến tuyến, nhà văn dừng tác phẩm: “Anh cán bộ Ba Na bước hẳn ra khỏi xe, gật gật đầu và đưa tay chỉ chỉ ra sau. Ngạc nhiên thấy khuôn mặt đen sạm của anh cán bộ tỉnh đội này đầm đìa nước mắt, anh lái xe kéo pháo tự hỏi không hiểu có chuyện gì đã xảy ra với khẩu đội cao xạ” [60,31]. Kết thúc tạo ra một khoảng lặng, người đọc băn khoăn đi tìm lời giải đáp cho hàng loạt câu hỏi: Ngoài Phúc ra, khẩu đội cao xạ có còn ai hy sinh? Hai tên ngụy hãm hiếp vợ của người đàn ông kia có bị tiêu diệt? Anh cán bộ Ba Na gật đầu và chỉ tay ra sau làm gì?...

Bí ẩn của làn nước cũng có một kết thúc đầy bất ngờ, hé lộ bí ẩn cuộc đời “tôi”. Đó là nỗi đau không nói nên lời, đứa con “tôi” cứu được đâu phải là con anh mà nó là “đứa con của làn nước”. Anh sung sướng, vui mừng biết bao khi vợ anh thông báo sinh con trai nhưng đứa con anh hiện tại lại là một thiếu nữ: “Từ bấy tới nay, thời gian trôi qua và triền nước trôi đi, tôi đã có tuổi và con gái tôi giờ đã trở thành một thiếu nữ (…) Thời gian, năm tháng cứ trôi, dòng sông và lịch sử, tất cả đều đổi thay nhưng mà niềm đau của đời tôi thì khôn nguôi bởi ấy là một niềm đau không thể nói nên lời” [60,34].

Kiểu kết thúc bất ngờ, hụt hẫng này khác hẳn với kết thúc truyền thống. Nếu như mọi việc sẽ được giải quyết, mọi băn khoăn sẽ được trả lời trong kết thúc theo kiểu truyền thống thì kết thúc trong truyện ngắn Bảo Ninh nói riêng, trong truyện ngắn hôm nay nói chung, người đọc sẽ phải tự tìm câu trả lời, tự lý giải những vấn đề nhà văn đặt ra trong tác phẩm. Độc giả trở thành người đồng sáng tạo với tác giả. Chính điều này tạo ra sức hấp dẫn riêng cho truyện ngắn Bảo Ninh.

Truyện ngắn Bảo Ninh còn xuất hiện kiểu kết thúc bỏ lửng. Những câu chuyện trong tác phẩm của ông nhằm diễn đạt những ý nghĩ, những cảm nhận, những băn khoăn về khổ đau chứ không nhằm mô tả nỗi đau. Điều đó khiến


người ta phải thấy rằng chúng muốn giải thoát khỏi cho những nỗi đau khổ ấy. Ta có thể bắt gặp điều này trong các truyện ngắn Chuyện xưa kết đi, được chưa? Mùa khô cuối cùng, Quay lưng…

Quay lưng là tác phẩm kể về chuyện Vinh và Hạnh kiếm tìm nhau hơn hai mươi năm sau chiến tranh. Nào ngờ, họ ở ngay cạnh nhau suốt thời gian ấy. Dấu ba chấm (…) cuối tác phẩm khiến người đọc day dứt:

“ - Anh ở Z1, phòng 306. Hơn hai chục năm rồi. Ban đầu mới ra ở nhờ ông anh, sau thì…

Vinh cũng đột ngột cảm thấy như một roi vút vào tim. Anh ngừng bặt không nói tiếp nổi.

- Em ở nhà Z2, Hạnh gần như thì thầm – Em đã đi tìm anh. Em đã vào làng Yên Vực quê anh. Làng bị bom tan nát hết. Em đã tìm anh. Em đã nhớ anh biết bao nhiêu. Em… Em ở nhà đấy anh. Phòng 407. Cũng ở đấy đến hai chục năm hơn. Anh ơi. Hoá ra chúng mình” [61,225]. Tác phẩm kết thúc nhưng đã tạo ra một khoảng lặng đớn đau khi họ mãi kiếm tìm, mãi chờ đợi mong ngóng nhau nhưng nào ngờ họ ở cạnh nhau hơn hai chục năm mà không biết. Khi gặp lại thì họ không thể đến với nhau được nữa.

Chuyện xưa kết đi, được chưa? cũng là một truyện ngắn có kết thúc tạo ra nhiều khoảng lặng, nhiều băn khoăn trong lòng người đọc. Trước thái độ gay gắt của anh con trai về việc ngăn cản không cho bác Lân kể lại chuyện xưa, nhà văn dừng tác phẩm: “Bỗng dưng, mẹ tôi bật khóc. Tôi sững người. Ông thân sinh của Loan muốn nói điều gì đó với mẹ tôi, nhưng ông không nói. Bác Lân, Loan, các em tôi cũng chẳng ai lên tiếng an ủi gì mẹ tôi cả. Cứ để cho mẹ tôi như vậy, tấm tức khóc, phá tan hoàn toàn buổi tối của tôi” [61,172]. Câu hỏi “Chuyện xưa kết đi, được chưa?” như câu chuyện cuộc đời. Nó sẽ còn ngổn ngang những vấn đề cần phải giải quyết, sẽ còn biết bao câu hỏi cần phải lý giải… Mỗi người sẽ tự có câu trả lời cho riêng mình. Với Bảo Ninh, chuyện xưa chưa thể kết được. Điều đó lý giải tại sao hồi ức về quá khứ luôn xuất hiện đậm đặc, thường trực trong hầu hết các sáng tác của ông.


Cách kết thúc nào trong truyện ngắn cũng nhằm tái hiện dòng chảy phức tạp của đời sống vốn luôn nhiều “chuyện”. Điều quan trọng hơn cả là sau mỗi cách kết thúc, tác giả phải gieo vào lòng người đọc những nhận thức sâu sắc về quy luật đời sống và những dự cảm về tương lai, về cái đẹp tất yếu sẽ chiến thắng. Rất nhiều truyện ngắn của Bảo Ninh cũng có cách kết thúc bằng những triết lý, những suy tư về cuộc đời và con người.

Rửa tay gác kiếm miêu tả nhiều số phận, nhiều cảnh đời người lính sau chiến tranh. Những mất mát âm thầm, những tổn thương về thể xác và đặc biệt tổn thương tinh thần - di chứng chiến tranh người lính phải gánh chịu. Với họ, thời hào hùng là thời trận mạc. Họ tự hào vì đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc và đã được sống một cuộc sống thật ý nghĩa thời chiến tranh. Vậy mà, những con người từng ao ước được “sống trong hoà bình một ngày thôi rồi chết” ấy lại không thích nghi được với cuộc sống phồn tạp thời hậu chiến. Họ thấy cô đơn, lạc thời. Bảo Ninh kết thúc truyện ngắn bằng những suy tư thật xúc động: “Chỉ có điều, khi đã mang nặng trên vai dĩ vãng chiến tranh nặng nghìn năm tuổi thì dù còn đang trẻ đến đâu, đối với chúng tôi, phần đời đáng sống nhất đã sống rồi. Nếu rồi đây không may sống phải đời bất hạnh thì chúng tôi sẽ tự nhủ lòng rằng không sao cả bởi có thấm thía gì đâu, bởi có nỗi khổ nào của ngày hôm nay sánh bằng những đau khổ đã trải qua trong chiến tranh, và trái lại, mai đây dù có được sống sung sướng tới thế nào, chúng tôi cũng biết chẳng hạnh phúc nào sánh bằng hạnh phúc ngày đã qua. Chiến tranh và đồng đội, ấy là tình yêu của chúng tôi, lớp trẻ trưởng thành lên trong hầm trú ẩn và làm nên ý nghĩa cuộc đời mình trong trận mạc” [60,213]. Những triết luận ngậm ngùi này khiến người đọc day dứt. Tại sao họ là những anh hùng hy sinh tất thảy vì nhân dân, vì Tổ quốc lại không được đền đáp xứng đáng?

Cuộc sống có biết bao điều không dễ gì lý giải tận nguồn cơn, gốc rễ. Đôi khi ta hành động, suy nghĩ mà không hiểu nổi tại sao. Câu chuyện trong Thách đấu là một trong những tình huống như vậy. Chỉ vì sĩ diện hão


mà “tôi” thách đấu với Hưởng cùng xung phong vào bộ đội trước ngày thi tốt nghiệp phổ thông. Sự việc bị lật tẩy. Sau này, “tôi” ân hận bởi chính Hưởng mới là người ra trận và hy sinh. Còn “tôi” chọn con đường đi du học, tiến bước trên đường công danh. Khi đã là người từng trải, “tôi” suy ngẫm về những việc đã qua: “Vào những năm tháng anh hùng ấy chúng ta ai cũng chí lớn như ai, nhưng rồi ra mỗi người lại bước đi trên những ngả đường tuyệt đối khác xa nhau. Cái đó người ta vẫn gọi là số phận, là định mệnh. Đời tôi chẳng hạn, chỉ chút nữa thôi đã hướng khác rồi. Có thể là tôi đã vào bộ đội, đã lâm trận, trực tiếp chiến đấu ở hàng đầu. Đáng lẽ tôi đã là một con người nào đó, vậy mà tôi lại là tôi như bây giờ đây. Sự đời là thế, không có cái gì khó hiểu, dù vậy, thú thực tôi vẫn không hoàn toàn hiểu nổi vì sao lại thế” [61,101].

Bảo Ninh lý giải về nỗi đau của ông Phúc khi kết thúc truyện ngắn Thời tiết của ký ức: “Tôi muốn nói, lẽ đời là vậy đấy. Bởi vì là nỗi đau nên quá khứ còn sống mãi. Và bởi nỗi đau quá khứ còn sống mãi nên về sau ta mới có được một quãng đời êm lặng, một nếp sống bình yên, một tư duy thư thả, một tấm lòng khoan thứ và một cảm giác có hậu với cuộc đời cùng số phận” [60, 329]. Quá khứ sẽ còn day dứt, ám ảnh suốt quãng đời còn lại của nhân vật. Chính vì nhân vật dám nhìn nhận lại những sai lầm thời trai trẻ nên cuối cùng đã tìm lại được niềm vui và hạnh phúc đời mình. Đó là sự chấp nhận của đứa con duy nhất.

Tất cả các dạng kết thúc trên trong truyện ngắn Bảo Ninh đều nhằm phân tích, lý giải những vấn đề phức tạp và bí ẩn của con người và cuộc sống. Mỗi kiểu kết thúc tác phẩm của nhà văn đều thể hiện sự suy tư chiêm nghiệm của họ trước cuộc đời. Đây là kiểu kết cấu mở được nhiều nhà văn sử dụng trong văn học đương đại. Nó tạo ra một khoảng trống để người đọc cùng suy ngẫm, nhà văn là người đồng sáng tạo với người đọc. Vì vậy, tác phẩm sẽ tạo được giá trị và có ý nghĩa khơi mở.


3.2. Ngôn ngữ nghệ thuật

3.2.1. Khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật

Ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy văn học được gọi là loại hình nghệ thuật ngôn từ. Đúng như M. Gorki khẳng định: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “ngôn ngữ văn học là ngôn ngữ mang tính nghệ thuật được dùng trong văn học. Trong ngôn ngữ học, thuật ngữ này có ý nghĩa rộng hơn, nhằm chỉ một cách bao quát các hiện tượng ngôn ngữ được dùng một cách chuẩn mực trong các văn bản nhà nước, trên báo chí, đài phát thanh, trong văn học và khoa học” [23,185].

Ngôn ngữ nghệ thuật “là một hệ thống các phương thức, phương tiện tạo hình, biểu hiện, hệ thống các quy tắc thông báo bằng tín hiệu thẩm mỹ của một ngành, một sáng tác nghệ thuật. Người ta có thể nói đến ngôn ngữ ba lê, ngôn ngữ chèo, ngôn ngữ điện ảnh. Cũng có thể nói đến ngôn ngữ nghệ thuật của sáng tác văn học trên cấp độ đó” (Dẫn theo Lê Hồng My) [47,6]

Ngôn ngữ nghệ thuật trong tác phẩm văn học vừa là phương tiện biểu đạt nội dung vừa là sự phản ánh ngôn ngữ đời sống. Nó thể hiện trí tuệ, sức sáng tạo, cá tính, tài năng… của nhà văn. Trong tác phẩm văn học, ngôn ngữ không đơn thuần là phương tiện biểu đạt mà còn là hình thức mang tính nội dung. Nghiên cứu ngôn ngữ nghệ thuật là một phương diện quan trọng trong việc nghiên cứu tác giả với tư cách là nghệ sĩ của một loại hình nghệ thuật. Qua ngôn ngữ của Bảo Ninh, người ta có thể thấy dấu ấn tài năng của tác giả.

3.2.2. Ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn Bảo Ninh

3.2.2.1. Ngôn ngữ trần thuật đậm chất triết lý, chất trữ tình.

Như đã nói, hầu hết truyện ngắn Bảo Ninh được kể lại, nhìn nhận lại từ hiện tại. Ký ức chiến tranh còn hằn sâu trong tâm trí và trong các trang văn của ông. Do vậy, những suy nghĩ triền miên của dòng hồi tưởng là đặc điểm nổi bật, là một trong những thế mạnh trong nghệ thuật trần thuật của Bảo Ninh. Cuộc truy tìm về quá khứ làm sống dậy những kỷ niệm xưa tưởng chừng như

Xem tất cả 131 trang.

Ngày đăng: 23/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí