đã vùi sâu vào dĩ vãng. Quá khứ hiện về qua dòng hồi ức của nhân vật với những suy tư về hiện thực, về chiến tranh, về con người với những thức tỉnh đớn đau ám ảnh khôn nguôi. Điều này đã làm cho ngôn ngữ trong truyện ngắn Bảo Ninh đậm chất triết lý và chất trữ tình.
Với khát vọng về “cuộc chiến của riêng anh” [59,54], nhân vật trong truyện ngắn Bảo Ninh đã tự phơi bày thế giới bên trong phức tạp của mình với vị trí của người kể chuyện xưng “tôi”, cũng có lúc tác giả nhập thân vào nhân vật để cất lên tiếng nói giãi bày, bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình. Các tác phẩm như là những thế giới bên trong của con người được hé mở với những điều riêng tư thầm kín nhất. Đặc biệt, nhân vật trong truyện ngắn Bảo Ninh không ngần ngại bộc lộ quan điểm của mình về những mặt trái của chiến tranh và những mặt khuất lấp ẩn sâu trong tâm hồn con người.
Chiến tranh là “đề tài ruột” của Bảo Ninh nên những chiêm nghiệm, triết lý về chiến tranh tràn ngập sáng tác của ông: “Thành phố chiến tranh – Như bên bờ vực” (Cũ xưa) [60,59]; “Chiến tranh nào phải trò đùa, đấy là cả một cuộc kinh thiên động địa và là một lò lửa thử lòng người. Hăm hở đặt bước đi đầu tiên vào cuộc chiến thì dễ nhưng can đảm bước thêm dù chỉ là một bước nữa thôi lại chẳng dễ chút nào” (Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng) [60,253]; “Đêm tối chiến tranh vẫn là cả một mênh mông hoang vắng” (Đêm trừ tịch) [61,184]… Vẫn biết những đau thương mất mát đó là đương nhiên trong trận chiến người còn kẻ mất nhưng ta không thể không ngậm ngùi nỗi đau trước do chiến tranh gây nên. Những ám ảnh khủng khiếp về chiến tranh từng ngày huỷ diệt tâm hồn Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) khiến anh phải thốt lên: “Chao ôi! Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” [59,33]. Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng cũng có cảm xúc tương tự: “Chiến tranh là gì mà ngày nào cũng phải chôn người chết?”…
Chiến tranh đã thôi thúc hàng trăm, hàng nghìn người ra trận, hầu hết đó là những con người ưu tú nhất. Đó là “một thời đại lớn lao và nghiệt ngã chưa
từng có. Thời của chiến tranh và của cách mạng lay trời, thời của những đau thương vô hạn” (Hà Nội lúc không giờ) [60,113]. Tính chất tàn khốc của chiến tranh được Bảo Ninh suy ngẫm: “Giữa thời loạn lạc, phúc hoạ khôn lường, bình yên như treo đầu sợi tóc” [60, 317]. Cũng trên hướng này, người đọc có thể nhận thấy sự nghiệt ngã của chiến tranh đã làm nên bi kịch cuộc đời Lực trong truyện ngắn Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu. Anh lặng lẽ chịu đựng những mất mát lớn lao nhất của đời mình đồng thời cũng thấm thía một cách sâu sắc tính chất tàn khốc của chiến tranh: “Chiến tranh, kháng chiến, không phải như một số người khác, đến bây giờ tôi không hề mảy may nuối tiếc đã dốc tất cả tuổi trẻ vào đấy cống hiến cho nó, nhưng nó như một nhát dao phạt ngang hai nửa cuộc đời tôi bị chặt lìa thật khó gắn liền lại như cũ. Nhưng đau đớn hơn là hai nửa cuộc đời tôi cũng không bị cắt lìa hẳn” [12,470].
Những mất mát do chiến tranh gây ra là vô kể, người lính đã cống hiến trọn tuổi trẻ, niềm vui, tình yêu, hạnh phúc của mình và rất nhiều người đã phải sống cuộc sống cô độc đến rợn người giữa rừng già hoang vắng. “Đời lính buồn hắt hiu, như tiếng thở dài” (Đêm trừ tịch) [60,92]. Người lính đã ý thức được trách nhiệm của bản thân với vận mệnh đất nước: “Làm trai sinh ra gặp thời loạn lạc không thể dửng dưng với vận nước. Nước mất thì nhà tan, ấy là châm ngôn truyền đời” (Cũ xưa) [60,65]… Mặc dù cuộc sống thời chiến có biết bao nhọc nhằn, “khổ đau bất tận”, chia ly nhưng với người lính vẫn là “những năm tháng vinh quang”. Họ cho rằng “hạnh phúc nhất trong đời là chiến đấu”. Hạnh phúc của người lính thật lớn lao khi được cống hiến cho Tổ quốc nhưng đôi khi hạnh phúc của họ đôi khi thật giản đơn. Đó là niềm vui vô bờ của Mộc (Trại “Bảy chú lùn”) khi được ngắm nhìn Nga, mặc dù chỉ là “ngắm nhìn lén lút”, là hạnh phúc “tột đỉnh” khi anh được chăm sóc con gái Nga dù đó không phải là con mình… Niềm vui, hạnh phúc của Mộc có cái gì đó chua xót, ám ảnh chúng ta - những con người đang được hưởng cuộc sống hoà bình mà trong đó có một phần không nhỏ được làm nên từ những nỗi đau của những người lính năm nào! Bảo Ninh cắt nghĩa tình yêu và hạnh phúc của người lính trong và sau
chiến tranh: “Trong cuộc sống này, đau khổ và chia lìa có biết bao ngả đường và cách thức để đến với số phận người ta. Hạnh phúc cũng vậy, có biết bao ngả để có thể gặp được. Lắm khi ngẫu nhiên, bất chợt và đơn giản đến lặng người” [60,275]. Đó là hạnh phúc của Lâm “tìm lại được mối tình đã mất đi trong rừng sâu chiến tranh ba chục năm về trước” [60,264] (Kỳ ngộ), là niềm vui cuối đời của ông Phúc (Thời tiết của ký ức), là hạnh phúc vô bờ của người lính lái xe tăng khi gặp lại hình ảnh của đồng đội trong truyện ngắn Ba lẻ một… Sống trong sự huỷ diệt của chiến tranh, “trong ánh nhá nhem của buổi
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện Ngắn Bảo Ninh - 9
- Kết Cấu Trong Truyện Ngắn Bảo Ninh
- Ngôn Ngữ Trần Thuật Đậm Chất Triết Lý, Chất Trữ Tình.
- Truyện Ngắn Bảo Ninh - 13
- Giọng Điệu Trần Thuật Trong Truyện Ngắn Bảo Ninh
- Truyện Ngắn Bảo Ninh - 15
Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.
hoàng hôn năm cùng tháng tận, binh sĩ đi hàng một, dẫm trên đá răm và các thanh tà vẹt ray nom như thể đang cùng nhau leo lên một cái thang cao ngất bắc thấu vào trời sâu lạnh giá” [61,182] tâm trạng của con người thật chán nản, bi quan. Trước những vũ khí tối tân và quân lực hùng mạnh của bọn địch, nhân vật của Bảo Ninh bộc lộ: “Ôi chao mày ôi, đánh nhau với bọn Mỹ không chết trước cũng chết sau. Chúng nó mạnh ghê người…” [61,185]. Người lính dấn thân nơi lửa đạn cũng không hề cảm thấy vui sướng khi chứng kiến những mất mát của người tham chiến, cái chết của kẻ đối đầu: “Thương vong nặng nề của kẻ thù không giúp người ta nhẹ lòng, không làm cho ai vui sướng hả hê” [60,279]. Bởi cho dù ở khía cạnh nào đi nữa thì đó cũng là đồng loại, là con người. Giống như nỗi thương cảm của Dưỡng đối với tên nguỵ trong truyện ngắn Hoả điểm cuối cùng. Nhìn thấy trước cái chết của hắn, anh muốn ngăn lại nhưng không kịp. “Nỗi kinh hoàng câm lặng gào lên trong lòng Dưỡng, và cảm giác về cái chết chỉ trong tích tắc nữa của con người đang phơi mình trong nắng gắt kia khiến toàn thân anh run lên bần bật”, tim anh thắt lại [60,153]. Nỗi buồn của người lính không chỉ là nỗi buồn đơn thuần mà nó còn là nỗi đau không nói nên lời. Nó là tiếng lòng, là tiếng nói trữ tình thẳm sâu trong tâm hồn người lính: “Nỗi buồn chiến tranh trong lòng người lính có cái gì đó tựa hồ như nỗi buồn của tình yêu, như nỗi nhớ nhung quê nhà, như biển sầu lúc triều buông trên bến sông bát ngát. Nghĩa là buồn là nhớ là niềm đau êm dịu, có thể làm cho người ta bay bổng lên trong thời gian quá khứ với điều kiện không được dừng nỗi buồn chiến
trận lại ở cụ thể một điểm nào, bởi vì không dừng mắt lại thì không còn là nỗi buồn nữa mà là sự đau xé trong lòng” [59,103].
Mặc dù vậy, người lính trong chiến tranh sẵn sàng đón nhận những gian nguy phía trước nhưng họ vẫn tha thiết mong mỏi có ngày sống trong hoà bình. Ước nguyện của người lính thật cảm động: “Hết được chiến tranh rồi sẽ sung sướng biết bao. Không còn bọn Mỹ, không còn bọn ngụy, không bom không pháo, đất nước thống nhất, hoà bình, dẫu chỉ được sống một ngày như vậy thôi rồi chết, cũng đáng” [60,14]. Khi triết lý về hoà bình, có lúc nhân vật của Bảo Ninh cắt nghĩa thật đơn giản: “Hoà bình là hoà và bình, chớ gì nữa” [60,159], nhưng cũng có khi nhà văn đưa ra khái niệm thật chua xót: “Hừ, hoà bình! Mẹ kiếp, hoà bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu của bao anh em mình, để chừa lại chút xương” [59,45]…
Chúng ta thường bắt gặp trong văn Nguyễn Minh Châu những lời triết lý về cuộc sống và con người: “Rồi thì cũng như mọi người tôi vẫn không thể trốn đi được số phận, tôi không thể trốn khỏi cuộc đời mình, một khi mà tôi đang sống”(Cỏ lau), “Cuộc đời không có thánh nhân, cũng như không có người nào mà tâm hồn hoàn toàn không thể cứu chữa được nữa”(Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành)… Từ những điều chiêm nghiệm, mỗi người hiểu thêm về bản thân, về cuộc đời và con người. “Hoá ra cuộc sống từ bao đời là như thế. Con người là kết tinh của của những tinh hoa” [12,163]. Cũng giống như Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh không có ý định đi tìm “cái tuyệt đối không bao giờ có” ở con người. Vấn đề cơ bản và đáng trân trọng ở chỗ, con người dám nhìn nhận lại, “mổ xẻ” đúng sai để sống một cuộc sống tốt hơn. Giống như Kiên và đồng đội (Nỗi buồn chiến tranh) không chạy trốn chiến tranh, không chạy trốn nỗi buồn sau chiến tranh. Họ đương đầu với chiến tranh để trở về hoà nhập với cuộc sống hoà bình nhưng họ không lãng quên quá khứ. Chính con đường rẽ ngoặt về quá khứ ấy, người lính đã tìm lại được hạnh phúc. Họ được sống với tình yêu, tình bạn, tình đồng đội, những yếu tố tiên quyết giúp họ vượt qua muôn vàn những năm tháng đau thương của thời chiến. Bảo Ninh bày tỏ
trong truyện ngắn Rửa tay gác kiếm: “Chúng tôi đã từng đông đảo biết bao và hùng mạnh biết bao. Và chúng tôi không chỉ là một đạo quân, chúng tôi còn là cả một sự nghiệp lớn lao, một sự đồng lòng vĩ đại. Giờ đây, mỗi người mỗi ngả, bèo dạt mây trôi, song lòng dạ không đổi thay, lý tưởng chiến đấu cháy bỏng suốt thời trai trẻ sẽ còn sáng mãi đến trọn đời anh em chúng tôi” [60,209].
Trong thời hậu chiến, nỗi buồn, sự khổ đau chưa buông tha người lính trở về. Họ bị tổn thương về mọi mặt, tiều tuỵ về tinh thần, méo mó về thể xác: “Sau chiến thắng oai hùng này những thằng lính chiến đấu như ông ấy và ông Kiên, chả trở lại thành nguời bình thường được nữa đâu. Ngay cả giọng người, mẹ kiếp xin nói là còn chán mới hòng có lại để giao tiếp với đời” [59,46]. Những di chứng chiến tranh không chỉ ở những người trực tiếp tham gia chiến trận mà còn hệ luỵ đến đời con họ, đời cháu họ. Đặc biệt, tình người sau chiến tranh cũng là vấn đề đáng bàn. Trước hiện tượng con khỉ và cô bé ăn mày bị đối xử tàn tệ trong Bi kịch của con khỉ, tác giả bình luận: “Người khác loài vật ở chỗ đó, người mà bị lâm vào cảnh ngộ thế này ắt phải tự vẫn chết rồi” [60,37]. Lời triết lý này là sự cảnh báo cấp thiết về sự xuống cấp đạo đức của không ít người trong xã hội hiện nay.
Chính vì thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm về hiện thực, về chiến tranh, về con người và cuộc sống trong và sau chiến tranh qua hồi ức của nhân vật nên ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Bảo Ninh không chỉ mang tính triết lý mà còn đậm chất trữ tình. Đó là tiếng nói nội tâm, là tiếng lòng giàu cảm xúc của nhân vật. Thật xúc động khi nghe người lính bày tỏ: “Buổi sáng hôm nay, quê hương em giải phóng, em hãy nhìn xem, đất trời tươi đẹp biết bao. Còn anh thì anh coi hôm nay là ngày đầu tiên sau bao năm trời xa cách anh được gặp lại quê hương. Quê anh ở bờ biển Quảng Ninh cho nên hễ cứ nơi nào bờ biển cũng đều là quê nhà. Vậy nên anh và em chúng mình là đồng hương duyên hải đấy” [60,16]. Lời văn trong đoạn trên như có chất thơ, tính nhạc. Ngôn ngữ đậm chất trữ tình biểu đạt hiệu quả cảm xúc sung sướng tột cùng của người lính khi giải phóng được những vùng đất bị chiếm đóng. Hai tiếng “quê hương” thật gần gũi, tự hào.
Ngôn ngữ đậm chất trữ tình còn được bộc lộ qua những lời dặn dò của người cha đối với con trước khi lên đường nhập ngũ, qua những bức thư của mẹ gửi con nơi chiến trường, qua việc miêu tả cuộc chia tay đồng đội ở trại an dưỡng trước ngày giải ngũ… Truyện ngắn Cũ xưa giống như một bài thơ trữ tình buồn. Cả truyện ngắn chỉ có bốn lời đối thoại một chiều của cha với Tâm, còn lại mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Qua những suy nghĩ của Tâm về cha, người đọc thấy được cha Tâm là người lạnh lùng, ít nói nhưng đằng sau vẻ lạnh lùng đến khó chịu ấy lại là một tình thương yêu vô bờ đối với anh. Thật xúc động trước lời dặn dò của cha Tâm sáng hôm anh lên đường: “Cha mẹ muốn con học lên, vào đại học, với lại thấy sức con yếu ớt, tâm tính cũng còn non dại, nên dùng dằng không ký đơn cho con. Nhưng thấy lòng con đã quyết, cha cũng mừng… Làm trai sinh ra gặp thời loạn lạc không thể dửng dưng với vận nước. Nước mất thì nhà tan, ấy là châm ngôn truyền đời…”[60,65]. Chắc hẳn, nỗi lòng của cha Tâm cũng là nỗi lòng của biết bao người cha, người mẹ trên đất nước này. Lời nói của ông chứa chan bao tình cảm dành cho anh mà chưa một lần ông thổ lộ. Lời dặn dò ấy còn là những lời triết lý nhân sinh về thời trận mạc: Con người phải biết hy sinh vì vận nước, nhưng sự hy sinh ấy chỉ thật sự có ý nghĩa khi người lính thấy được “con đường mình đã chọn là đúng đắn và tất yếu”.
Góp phần tạo nên ngôn ngữ đậm chất trữ tình trong truyện ngắn Bảo Ninh còn là yếu tố trữ tình ngoại đề. Nhà văn thường trực tiếp bình luận, đánh giá về nhân vật, về sự việc, câu chuyện được kể, dù có lúc nhà văn đứng ở điểm nhìn trần thuật khách quan. Phương diện này giúp cho ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Bảo Ninh giàu tính biểu cảm, đậm chất trữ tình. Giang là truyện ngắn ghi dấu một lần gặp gỡ thoảng qua giữa chàng lính trẻ “tôi” với Nhật Giang. Không ngờ cuộc gặp gỡ ấy đã khiến họ nảy sinh tình cảm nhưng không bao giờ họ đến được với nhau, không bao giờ có cơ hội gặp lại. Lòng bồi hồi xúc động và nuối tiếc cho mối tình thoảng qua mà sâu nặng ân tình khiến nhân vật không thể kìm lòng: “Chiến tranh, đời lính, tuổi trẻ, mọi sự là như thế, chỉ
thế thôi, thoảng nhanh. Thoảng nhanh nhưng không tắt lịm. Chỉ thế thôi nhưng để rồi sau này cứ nhớ mãi. Trở thành nỗi đau. Những nỗi đau mất mát âm thầm (…). Tôi thì không bao giờ quên cô ấy, mặc dù thực ra là có gì đâu một tình cờ như thế, một gặp gỡ vẩn vơ, lưu luyến mơ hồ gần như không có thật mà năm tháng cuộc đời cứ mãi chồng chất lên muốn xoá nhoà” [61,64]. Chính những bộc bạch chân thành đầy cảm xúc ấy khiến người đọc cảm nhận sâu sắc nỗi đau đôi khi chỉ bắt nguồn từ những cái không ngờ đến, cảm nhận được tình cảm sâu thẳm trong tâm hồn nhân vật.
Dấu ấn riêng trong ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Bảo Ninh còn được thể hiện ở ngôn ngữ kể và ngôn ngữ tả. Việc sử dụng ngôn ngữ kết hợp kể và tả rất hiệu quả trong việc tạo dựng bối cảnh không gian khác nhau trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Còn ở truyện ngắn, do đặc trưng thể loại, Bảo Ninh chỉ khắc hoạ một số bối cảnh không gian nhất định. Không gian trong truyện ngắn Mùa khô cuối cùng chủ yếu tập trung ở làng Diêm. Xen giữa câu chuyện về Diệu Nương là những đoạn văn miêu tả sinh động, gợi hình, sắc nét: “Xa, sau rặng đồi thâm thấp nhô trên bờ đông đồng cỏ vừng dương ướt át, mềm mại và tươi hồng đang thầm lặng nhô lên. Từ tù mù xám đục không gian bỗng trong vắt cả một vùng và cả vòm trời đã ngả màu lơ, ánh sáng lung linh chảy thành dòng. Cùng với ngày mới, tiếng hát dường như lớn lên mãi và tràn rộng ra, vừa sâu trầm vừa vút cao, tự thoát đi trở thành âm thanh vô chủ, ngân lên hoang dã trở thành khúc du ca thiên nhiên” [60,75]. Bảo Ninh tỏ ra nhạy cảm và tinh tế khi quan sát và tổ chức ngôn từ trong việc miêu tả không gian và thời gian bằng màu sắc, âm thanh và những từ ngữ gợi hình. Tiếng hát của Diệu Nương không có được sự đồng cảm của con người nhưng lại như có được sự cộng hưởng của thiên nhiên. Thiên nhiên như nói hộ tiếng lòng, ước nguyện tự do của Diệu Nương.
Thể hiện chiến tranh, tình yêu và cuộc sống người lính trong truyện ngắn của mình, Bảo Ninh thường đi sâu phân tích, khám phá đời sống nội tâm để tìm ra những bài học có ý nghĩa triết học, nhân sinh sâu sắc. Có thể nói sự tăng cường của ngôn ngữ triết lý là một khuynh hướng nổi bật trong truyện ngắn
Bảo Ninh nói riêng và truyện ngắn về đề tài chiến tranh sau 1975 nói chung. Đó chính là một trong những hình thức thể hiện đặc sắc của Bảo Ninh về chiến tranh, tình yêu, hạnh phúc và cuộc sống người lính trong tác phẩm của mình. Chính vì nhân vật trở về quá khứ qua hồi ức, bộc lộ nỗi lòng thầm kín nên ngôn ngữ trần thuật không chỉ đậm chất triết lý mà còn thấm đẫm chất trữ tình. Chất triết lý và chất trữ tình trên những trang văn của Bảo Ninh hoà quyện đã đem đến cho người đọc những cảm xúc khác lạ về những điều tưởng chừng đã cũ.
3.2.2.2. Một số phương tiện đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn Bảo Ninh
a. Kiến trúc câu văn đa dạng, linh loạt
Trong sáng tạo nghệ thuật, mỗi nhà văn đều cố gắng tạo ra dấu ấn riêng cho ngôn ngữ của mình. Bảo Ninh cũng vậy. Cái tạo nên sức hấp dẫn cho mỗi trang văn của ông là cách dùng từ và cách kiến trúc câu văn đa dạng, sáng tạo linh hoạt. Xét về góc độ chức năng thông tin, câu văn Bảo Ninh rất rạch ròi, mạch lạc. Xét ở khả năng biểu cảm, câu văn Bảo Ninh giàu hình ảnh so sánh, tượng trưng, gợi nhiều liên tưởng thú vị, bất ngờ, nhất là khả năng tạo hình, gợi cảm giác, dễ lôi cuốn người đọc.
Kiểu câu văn dài, mở rộng nhiều thành phần được Bảo Ninh sử dụng phổ biến trong các truyện ngắn của ông. Văn học Việt Nam cũng có nhiều nhà văn thường sử dụng dạng câu văn dài. Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà cũng đã có câu văn “đua tài cùng tạo hóa” khi miêu tả vẻ đẹp của Đà giang: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Nhưng người ưa dùng câu văn dài phải kể tới Nguyên Hồng: “Câu văn của Nguyên Hồng chủ yếu là dạng câu phức, khung câu mở rộng hết cỡ, thành phần câu không phải là một từ mà thường là các cụm từ ngữ giống như gié lúa “nhánh mẹ đẻ nhánh con”, “như cái cây xum xuê”, “ như một đoàn tàu chợ”” [47,150). Theo kết quả khảo sát của TS. Lê Hồng My, câu văn dài nhất của Nguyên Hồng “dài tới 21 dòng, chứa 13 cụm