người khác. Một người thành công trong đời bỗng thấy mình có tội lỗi gì đấy với ai đó, ít nhất cũng có nghĩa là anh ta thấy mình chưa hoàn thiện. Và cũng có nghĩa là anh ta có khát vọng tự hoàn thiện.
Trong truyện ngắn Bảo Ninh, có những tác phẩm đề cập đến những lời tự thú bắt nguồn từ những tình huống nhỏ nhặt, không đâu nhưng lại ám ảnh, day dứt nhân vật khôn nguôi. Những tình huống ấy có khi chỉ là những ghen ghét đố kỵ trước một người bạn học giỏi hơn mình (Thách đấu), hay chỉ vì phút nông nổi thêm “dấu sắc” từ Tân thành thành Tấn trong Mối ngờ, hoặc vì một lời trêu ghẹo không đâu mà “tôi” thấy “như là một vết thương cứa sâu vào lòng” (Cái búng)…
Hưởng (Thách đấu) “thiên tài nhà quê” lại là đứa “tôi” ghét đặc. Sau này ngẫm lại, “tôi phải tự thừa nhận rằng thái độ của mình hồi ấy coi thường Hưởng chẳng qua là vì tức tối, mình dốt hắn giỏi” [61,87]. Cũng chỉ vì ghen ghét mà “tôi” thách Hưởng cùng nhau nộp đơn tình nguyện đi lính khi chưa thi tốt nghiệp. Hôm sau, lên huyện, không thấy Hưởng, “tôi” đánh giá Hưởng là “thằng hèn”. Bị nhà trường và ban tuyển quân phát hiện lời thách đấu nên bị từ chối. Điều này khiến cho “tôi” vô cùng hả hê và đắc thắng “do hoàn toàn trên điểm Hưởng về phẩm giá” [61,97].
Thời gian trôi qua, mỗi người đều có sự lựa chọn cho riêng mình. “Tôi” trở thành người rất thành công trên con đường công danh, được du học ở Liên Xô, dạy đại học, làm Phó Tiến sĩ rồi Tiến sĩ. Mặc dù “cuộc đời tôi đã thật hoàn hảo” nhưng khác hoàn toàn với “chí lớn anh hùng thời trai trẻ” [61,100]. Còn Hưởng, mặc dù thi đỗ với số điểm rất cao nhưng vì sự kiện “thách đấu” ấy nên đã không đủ điều kiện du học. Hưởng nhập ngũ (dù là con một của gia đình liệt sĩ) và hy sinh ở mặt trận phương Nam. Hy sinh mà hài cốt vẫn chưa tìm thấy.
Câu chuyện như một kỷ niệm buồn của nhân vật về một thời nông nổi. Bảo Ninh viết ra như thể trải lòng mình, như là một lời xin lỗi với linh hồn người đã khuất. “Tôi” day dứt khôn nguôi mặc dù “tuổi trẻ đã nguội đi từ lâu, lòng dạ uể oải, trái tim buồn ngủ”, nhưng “hình như vẫn có cái gì đó trong tôi chưa lụi hẳn”
[61,100]. Phải chăng, đó chính là nguyên nhân mà cứ vài năm một lần, “tôi” lại về làng Mơ, có khi chẳng vào thăm ai mà chỉ “leo trăm bậc tam cấp đồi Giàng, lên đỉnh ngắm cảnh đồng bằng mờ trong sương thu”. Bao giờ cũng ghé vào thăm nghĩa trang liệt sĩ – Nơi ghi dấu những người bạn cùng lớp yên nghỉ!
Câu chuyện của “tôi” (Tấn) trong Mối ngờ cũng vậy. Chỉ vì ích kỷ cá nhân, vì muốn đạt được mục đích của mình (đạt điểm cao để du học) nên “tôi” biến bài của Tân thành của Tấn trong giờ kiểm tra Toán. Chỉ vì cái “dấu sắc” mà thay đổi hẳn số phận một con người. Hành động ấy giờ đây nhớ lại, “tôi” khẳng định: “Xin thề là hoàn toàn vô thức. Chỉ là tiện tay, tôi bình tĩnh lấy bút máy thêm dấu sắc vào chữ Tân”. Sau đó tự mình thủ tiêu bài của mình mà không hề đắn đo. Chính vì hành động đó mà Tân, người học giỏi Toán nhất lớp bị cho là “kẻ hèn nhát”, “ngu ngốc và mù quáng tới tột cùng”. Tấn được điểm tối đa, sang Liên Xô học đại học rồi học lên tiếp. Còn Tân bị hạnh kiểm thấp, không đủ điều kiện du học nên đã nhập ngũ và trở thành một trắc thủ siêu hạng, được vinh danh toàn quân vì đã đóng góp đáng kể vào kỳ tích của bộ đội Hà Nội phá nhiễu máy bay B52 của Mỹ. Cũng vì vậy mà sau này Tân không một lần xuất hiện trước mặt bạn bè vì ngượng. Tuy nhiên, “cả lớp 10A phải nên ngượng trước mặt Tân mới đúng, Tân không nhơ nhuốc gì hết mà chính chúng ta. Lúc đó, chúng ta đã chỉ quáng quàng nghĩ đến bản thân mình, bài làm của mình, điểm số của mình, số phận của mình mà không nghĩ đến bạn, do vật không nhận ra sự vô lý hiển nhiên của cái vụ không nộp bài ấy. Một là Tân nó rất giỏi toán, thừa sức làm tốt bài kiểm tra ấy, hai nữa, con người nó đâu có thể hèn kém như vậy” [61,77]. Chuyện này xảy ra lâu rồi nhưng vẫn ám ảnh Bảo Ninh đến tận sau này.
Đọc những truyện ngắn trên, chúng tôi liên tưởng tới nhận xét khẽ khàng vang lên trong truyện ngắn Đứa ăn cắp của Nguyễn Minh Châu: “Đôi lúc con người ta trở nên tàn ác một cách rất hồn nhiên”.
Có thể bạn quan tâm!
- Vai Trò Của Nhân Vật Trong Tác Phẩm Văn Học
- Những Thiệt Thòi, Bất Hạnh Sau Chiến Tranh
- Nhân Vật Với Những Góc Khuất Của Con Người Cá Nhân
- Truyện Ngắn Bảo Ninh - 9
- Kết Cấu Trong Truyện Ngắn Bảo Ninh
- Ngôn Ngữ Trần Thuật Đậm Chất Triết Lý, Chất Trữ Tình.
Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.
Có thể nói, nhân vật tự thú và sám hối trong truyện ngắn Bảo Ninh đã đem đến cho người đọc một cảm xúc mới. Niềm trăn trở với những góc khuất của con người cá nhân với nỗi đau thầm kín và nỗi niềm riêng tư không dễ gì bộc
bạch. Đáng quý khi người lính trong các trang văn của Bảo Ninh là những con người sống trung thực với chính mình, tự nhận thức những việc đã qua trong day dứt, sám hối. Tất cả đều nhằm thể hiện hoài bão khám phá đến tận cùng con người đời tư, khám phá đến tận cùng số phận của người lính sau chiến tranh trong cái nhìn đa diện về con người của nhà văn.
2.2.3. Kiểu nhân vật lạc thời
Quá khứ tác động sâu mạnh mẽ tới cuộc sống của những con người bước ra khỏi chiến tranh mà không quên được nó. Chiến tranh đang nằm trong tâm linh và suy nghĩ, tình cảm và tâm lý hàng ngày của những con người đang sống, những con người từng trải qua chiến tranh.
Văn học sau 1975, đặc biệt là văn học từ thời kỳ đổi mới đã tập trung khắc hoạ hình tượng người lính thời hậu chiến. Họ có thể là những người hoà nhập nhanh chóng với những con người lam lũ, chất phác đời thường (Trung tướng giữa đời thường của Cao Tiến Lê); có người lính trở về bắt tay ngay vào xây dựng kinh tế, tham gia quản lý, tiếp tục với những cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, hàn gắn vết thương chiến tranh với những nguy hiểm rình rập trong lối sống ích kỷ của đồng nghiệp nhưng cuối cùng vẫn là người chiến thắng (Vòng tròn bội bạc của Chu Lai)… Tuy nhiên, không phải người lính trở về nào cũng có thể thích nghi ngay được với cuộc sống thời hậu chiến với bao bộn bề, phức tạp. Họ đi ra từ cuộc chiến nhưng ám ảnh về chiến tranh vẫn luôn đeo bám. Nó là vết thương tâm hồn không dễ gì lành được. Đó là những người lính luôn sống trong ám ảnh chiến tranh và đã có lúc tâm hồn họ trở nên “méo mó dị dạng” (Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai); có những người lạc lõng ngay giữa căn nhà và người thân của mình (Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp); có người lại chịu thiệt thòi bởi kiểu đối xử vô ơn, bạc bẽo (Kẻ sát nhân lương thiện của Lại Văn Long)…
Bước ra khỏi chiến tranh, xã hội Việt Nam không còn cái không khí hào hùng của cuộc chiến nữa mà thay vào đó là một cuộc sống mới với bao biến động dữ dội như lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Khải: “Chiến tranh ồn ào,
náo động mà lại có cái yên tĩnh, giản dị của nó. Hòa bình yên tĩnh mà chứa chấp bao nhiêu sóng ngầm”. Cuộc sống mưu sinh thời hậu chiến khiến người lính phải gồng mình lên với những khó khăn, thử thách mới. Trong cuộc sống đầy biến động ấy, người lính trở về hình như lỗi nhịp với nhịp sống hối hả, gấp gáp hiện tại nên họ cảm thấy cô đơn, lạc thời trong căn nhà mình, xã hội mình, có những người cảm thấy mình vô vị, vô nghĩa trong thời hậu chiến. Vinh quang chiến đấu đã qua, đồng đội hy sinh quá nhiều, trở về sau chiến tranh như người “chiến bại” trước hòa bình nên họ sống trong những mặc cảm về thân phận (Mộc - Trại “Bảy chú lùn”); những người không tham gia chiến tranh, không có niềm tin đối với dân tộc thì bi kịch trong hòa bình của họ lớn gấp trăm lần bi kịch của những người lính chiến.
Ở truyện ngắn Ba lẻ một, ngoài nhân vật người lính và cô gái, Bảo Ninh đã phác họa thêm nhân vật người cha - một con người không tham gia chiến tranh, trốn tránh những người lính cộng sản trong ngày cuối cùng của chiến tranh. Nhân vật người cha hiện lên qua suy nghĩ của con gái: “Thật tình cô không sao hiểu nổi nguyên do của nỗi ghê khiếp cộng sản đã ám ảnh và chế ngự cuộc sống của cha cô cũng như bao người khác nữa ở thị trấn này” [60,15]. Để rồi khi hòa bình lập lại, quê hương đổi thay người cha ấy đã bỏ xứ mà đi, chạy trốn khỏi quá khứ, chạy trốn khỏi quê hương vì mối mặc cảm về quá khứ. Bảo Ninh cho người đọc thấy một trong muôn vàn con người khác mang trong mình bi kịch “lạc thời”, “lạc môi trường” khi họ là những con người thiếu niềm tin đối với Tổ quốc, đối với quê hương.
Bên cạnh những nhân vật lạc thời thiếu niềm tin vào Tổ quốc còn có một số nhân vật thiếu niềm tin vào con người. Phúc trong truyện ngắn Thời tiết của kí ức là một nhân vật như vậy. Trong chiến tranh, ông làm việc cho Đảng Đại Việt (một Đảng phản động của ngụy). Khi bị bắt, người hỏi cung ông là Định - bạn học cũ. Phúc nghe theo lời Định “khai hết và nhận hết” với hy vọng với tình bạn trước đây Định sẽ “gỡ bớt tội” và sẽ xin cho ông “một án nhẹ”. Nào ngờ, “tội làm gián điệp cho Mỹ, án mười năm” [60,310]. Do vậy, Phúc thất
vọng, “cay đắng trong lòng”: “Mình đúng là một thứ nạn nhân của tình bạn. Tình bạn, rốt cuộc chính là sợi dây thòng lọng mà mình tự đút cổ vào” [60,310]. Do mất hết niềm tin vào bạn bè nên sau này hết hạn cải tạo, ông chẳng muốn đi đâu, không muốn làm gì và giao du với ai. Nhưng Phúc cũng không ngờ được rằng chính Định lại là người dõi quan tâm, dõi theo Phúc. Biết Quỳnh yêu Phúc nên Định đã đi tìm và lo nhà cửa cho mẹ con Quỳnh. Cũng nhờ Định mà ông biết được mọi chuyện về người mình tìm kiếm bao năm sau khi ra tù. Suốt năm tháng còn lại của cuộc đời, ông Phúc luôn sống trong day dứt trăn trở. Ông đau đớn khi nhận được tin Định mất: “Trái tim già nua nhức nhối và nước mắt nóng rực đau nhói tròng mắt như kim châm” [60,329].
Bảo Ninh xây dựng môtíp con người cô đơn, chông chênh giữa hai chiều quá khứ và hiện tại. Đó là kiểu người cô đơn, lạc thời giữa hòa bình, giữa cộng đồng; là số phận của người lính mang nỗi buồn của thời hậu chiến do không vượt qua nổi dư âm chiến tranh. Quan niệm con người cô đơn là quan niệm chung của các nhà văn sau 1975, Lê Thị Hường lý giải: “Trong xã hội bề bộn, đen trắng, tốt xấu lẫn lộn hôm nay - đâu người tri âm, tri kỷ, đâu là tình người, đâu là sự đồng cảm, đâu là niềm tin? Cô đơn vì thế trở thành điểm xoáy thu hút của nhiều cây bút truyện ngắn hôm nay” [32]. Nhiều nhà văn khác cũng xây dựng nhân vật theo hướng này. Nguyễn Huy Thiệp vẽ lên chân dung của một ông tướng về hưu chỉ quen với cách nghĩ giản đơn, rạch ròi của người lính. Trở về trong cuộc sống đời thường ông Thuấn vẫn giữ nguyên nếp suy nghĩ cũ nên sống giữa gia đình, người thân mà ông vẫn cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Hay Phái trong Vùng biển thẳm của Triệu Huấn cũng may mắn sống sót trở về, cũng sống cạnh vợ con, bạn bè nhưng cuộc sống trong đời thường của anh thật tẻ nhạt, không có ý nghĩa, chẳng có niềm vui, nỗi buồn, chẳng có đam mê và hứng thú...
Bảo Ninh cũng đã xây dựng được rất nhiều nhân vật lạc thời. Trong truyện ngắn Hữu khuynh, Tư là một người lính đã từng tham gia chiến trận. Khi trở về, anh được giao quyền Bí thư huyện uỷ. Việc đầu tiên anh làm là phóng thích những tù nhân. Anh quan niệm: đã hoà bình rồi thì ngay tại “nơi đậm đặc ân
oán” – nhà tù, sẽ không còn sự ngăn cách giữa những con người từng ở hai đầu chiến tuyến. Việc làm đó khiến cho anh bị lên án là “mất cảnh giác”, là “mất lập trường giai cấp, quay lưng lại với quá khứ” [60,160]. Từ đó, “có một cái gì đó ở trong lòng mà tự Tư cũng không rõ là cái gì cứ lặng lẽ kiềm cương anh. Luôn luôn ngập ngừng do dự. Không táo bạo được, không thẳng thừng được, không triệt để được” [60,161]. Những lời phê phán của mọi người giống như hàng rào ngăn cách. Khoác ba lô trở về làng, trở về với ngôi nhà tang thương cô quạnh, người thân và gia đình không còn ai, anh sống giữa làng xóm quê hương mình mà chỉ thấy “chống chếnh” một nỗi cô đơn.
Tại sao người lính trong chiến tranh là những người anh hùng, họ tha thiết, mong mỏi được sống cuộc sống không có chiến tranh, vậy mà khi họ đạt được ước nguyện lại không hạnh phúc? Họ bị lạc lõng giữa đồng đội mình, anh em mình, giữa làng xóm quê hương. Truyện ngắn Bảo Ninh phần nào lý giải được câu hỏi đó. Nếu như con người thời chiến được sống vì một mục đích, một lý tưởng vì nền độc lập dân tộc thì trong thời bình họ phải đối diện với biết bao mục đích khác nhau. Người lính hậu chiến không theo kịp với nhịp sống hối hả thời hiện tại nên họ trở nên lạc thời ngay trong căn nhà mình. Vinh trong Quay lưng là một trong những nhân vật như vậy. Nếu như những người khác luôn vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn với nhà tiện nghi hơn, xe sang trọng hơn ở những nơi sầm uất thì Vinh cứ sống mãi với căn hộ hai tư mét vuông ở “khu tập thể lão thành”. Căn hộ ấy dường như quá rộng với Vinh. Theo thói quen, anh chỉ ăn ngủ ở “nửa căn hộ bên trong với cái chuồng cọp”. Anh sống thu mình, không thích giao tiếp, tự cô lập mình với hàng xóm, không quan tâm đến sự thay đổi xung quanh, liền mấy năm trời anh chưa hề gặp những người sống trong hai căn hộ liền kề và chào hỏi người ta một câu. Con người Vinh “kém bặt thiệp, ít giao tiếp luôn luôn ngần ngại, do dự, im lìm. Lặng lẽ, càng năm càng im lìm hơn, càng khó tiếp xúc với thiên hạ hơn” [61,217]. Cuộc sống của anh gói gọi trong nửa căn hộ nhỏ bé và dy nhất một con đường từ nhà đến cơ quan. Vinh sống một cuộc sống cô đơn, lạc lõng trong hiện tại bởi quá khứ bởi anh luôn bị
quá khứ ám ảnh: “Kỷ niệm đã vụt tắt từ bao năm luôn chọn lúc anh từ cơ quan lầm lũi trở về nhà, mở khoá, đẩy cửa, bật đèn lên mà hiện dậy” [61,218]. Chính vì vậy mà anh không thể thay đổi mình, không thể mở lòng đến với người phụ nữ khác. Anh cứ mãi sống với kỷ niệm tình yêu thời chiến, mãi kiếm tìm người con gái năm nào. Nào ngờ, người con gái ấy sống ngay cạnh anh suốt mấy chục năm trời mà anh không hề biết.
Quá khứ bám riết lấy những người lính từng xông pha trận mạc nên khi trở về với cuộc sống đời thường luôn cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Đối với họ, cho dù hiện tại có đau khổ hay hạnh phúc cũng không còn nhiều ý nghĩa. Họ sẽ tự nhủ lòng rằng “không sao cả bởi có thấm thía gì đâu, bởi có nỗi khổ nào của ngày hôm nay sánh bằng những đau khổ đã trải qua trong chiến tranh, và trái lại, mai đây dù được sống sung sướng tới thế nào chúng tôi cũng biết chẳng hạnh phúc nào bằng hạnh phúc ngày đã qua” (Rửa tay gác kiếm) [60,212].
Họ là những người có học vị, có bằng cấp, được đi du học nhưng ngoài cái bằng cấp và học vị ấy, họ vẫn như mắc kẹt trong cõi đời hiện tại. Trước cuộc sống đời thường, Túc và Hảo (Mắc cạn) như những đứa bé chập chững bước vào đời. Họ yêu nhau, lấy nhau thật nhẹ nhàng. Họ “tìm hiểu nhau rồi lấy nhau là lẽ đời cần thiết” [61,25]. Đến khi đưa nhau ra toà ly hôn cũng thật đơn giản. “Trong đơn, trước toà, Túc và Hảo chẳng một lời đổ lỗi cho nhau, cũng chẳng nại ra chuyện gì từ sự đời thế gian” [61,25]. Sau khi ly hôn, tưởng rằng đã dứt được nhau nhưng cuối cùng cuộc sống của hai người lại càng gắn chặt. Cuộc sống chung nơi căn phòng chật hẹp dù có bức tường ngăn cách cũng không chia cắt được hai người. Nhất là khi có những đứa bé ra đời dù không phải tất cả đều là con của Túc. “Người ta nói đời riêng của Túc đã hoàn toàn mắc cạn. Không thể từ bỏ khu tập thể để đến được với miền đất mới, mà lùi lại năm tháng xưa cũng không thể được” [61,37].
Trong cái xã hội còn nhiều bất cập đó, sự phản bội vẫn ngấm ngầm và bị che khuất bởi vẻ hào nhoáng của con người. Ba người đàn ông, kể cả nhân vật xưng “tôi” trong Bội phản liệu có yêu Thảo thật không? Vì sao họ chẳng dám
công khai? Vì sao cả Quân và Minh lại ung dung ra mặt dan díu với Thảo? Khi ra đi một mình, Thảo gánh hết mọi điều nhơ nhuốc, còn kẻ phản bội kia vì cớ gì mà vẫn không bị phát giác? Phải chăng vì chị gái và mẹ “tôi” vốn yêu mến con người có “học thức”, “biết điều” như anh Quân nên không nỡ nói ra sự thật, hay đó là là sự cả nể thâm căn cố đế trong tâm lý con người Việt Nam?
Xây dựng nhân vật lạc thời, Bảo Ninh còn thể hiện ở sự đối đáp lạc điệu giữa hai thế hệ. Lớp người đi trước chỉ biết sống trong quá khứ hào hùng của họ còn lớp người đi sau phải đương đầu với biết bao sự đổi thay... Nhà văn Vương Khả Sơn trên blog của mình đã từng bộc bạch: “Chúng tôi cũng có nỗi đau riêng. Đó là sự nhức nhối về thực trạng xã hội hiện nay, về các tệ nạn xã hội, về tham nhũng, về sự lãng quên quá sớm đối với quá khứ của một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Sự mơ hồ, dửng dưng đối với quá khứ hào hùng của dân tộc. Đó là cái lỗi khó có thể tha thứ cho họ được”.
Thái độ của những đứa con trước di vật của người mẹ trong truyện ngắn Gọi con thể hiện sự không đồng cảm, không chia sẻ được của hai thế hệ. Trước khi mẹ Tân chết đã để lại chiếc hòm đã cũ. Khi chuyển nhà mới, mặc dù Tân “nào có thiết” nhưng “chả lẽ không giữ lấy một tị gì kỷ vật của mẹ” nên anh đành miễn cưỡng chọn lấy cái rương kê kề giường mẹ. Vợ Tân thì coi “cái thứ này lạc vào biệt thự nhà mình chẳng khác gì một cái bát cóc gặm được tìm thấy trong dinh ông Thạch Sùng!” [61,127]. Chị em Tân hầu như không còn nhớ đến người em trai út (Nghĩa) đã hy sinh. Họ quên không ghi Nghĩa vào lý lịch tự khai, “dần dần trong tâm thức họ hình bóng người em út cứ lẳng lặng phai mờ, rồi tắt hẳn đi lúc nào không hay” [61,130]. Thái độ của những đứa con và người mẹ về quá khứ cũng thể hiện sự “lạc điệu” giữa hai thế hệ. Quá khứ đối với những người trẻ chỉ là “nỗi khiếp hãi cảnh sống nghèo nàn kham khổ” với cuộc sống tập thể “chung đụng cau có, ảm đạm, sờn nát và buồn ê ẩm, chẳng có gì đáng cho người ta phải nuối tiếc mà nhớ nhung hồi tưởng” [60,131]. Trong khi đó, người mẹ luôn sống với quá khứ, “bao nhiêu những sự khổ sở một thời, mẹ cứ giữ rịt”. Trong khi những đứa con luôn hướng tới tương lai với đời sống