những lời ca mang “nỗi niềm của thảo nguyên” ấy, phải chăng Bảo Ninh muốn gửi gắm khát vọng tự do mãnh liệt của con người thời chiến?
Như vậy, nhân vật người lính trong truyện ngắn Bảo Ninh được miêu tả một cách chân thực, đời thường nhất. Ông không tô vẽ, lý tưởng hoá nhân vật của mình. Do vậy, nhân vật người lính trong truyện ngắn Bảo Ninh dễ gây ấn tượng với độc giả theo một cách riêng. Còn với nhân vật phụ nữ, Bảo Ninh lại miêu tả họ với sự ưu ái đặc biệt. Họ thường là những con người đẹp. Phải chăng, trước sự khắc nghiệt của chiến tranh, những người phụ nữ ấy như ngọn gió mát lành xoa dịu đau thương, mất mát mà người lính đã và đang trải qua.
2.3.2. Xây dựng nhân vật qua hồi ức
Hồi ức hay hồi tưởng là “làm trở lại trong trí nhớ những hình ảnh của cái đã xảy ra, những kỷ niệm của dĩ vãng” [17,386]. Theo tác giả Phong Tuyết trong bài viết Macxel Prux (1871 - 1920) và vấn đề thời gian nghệ thuật, “hồi ức thực chất là tìm lại cái quá khứ đã qua đi, làm cho nó sống lại. Tìm lại thời gian đã mất tức là tìm lại bản chất, tìm lại chính mình” [82,51). GS. Trần Đình Sử cũng cho rằng: “Hồi tưởng là quay về quá khứ nhưng đồng thời cũng sống với cái “hiện tại” của quá khứ” [68,70). Bùi Việt Thắng đưa ra khái niệm cụ thể hơn: “Ký ức chính là dòng hồi tưởng “đi tìm thời gian đã mất” trong tâm lý nhân vật, nối quá khứ với hiện tại, sự “móc nối” này do một hoặc hai nhân vật đảm nhiệm”. Trong quá trình “đi tìm thời gian đã mất” ấy, con người tìm lại được chính mình.
Trong mỗi con người, ai cũng có một miền ký ức. Ký ức đó chính là quãng đời trước mà mỗi người đã sống, đã trải qua. Cuộc sống đổi thay có thể làm phai mờ, xoá nhoà nhiều thứ, song quá khứ là cái có thật, cái còn lại, bất biến trong ký ức mỗi người. Làm sống dậy quá khứ, thực chất là tìm lại chính mình, trả lời cho câu hỏi: “Trong quá khứ, mình đã từng là người như thế nào?”.
Bản chất của hồi ức là làm sống dậy những cái đã qua trong quá khứ. Có loại quá khứ không dính dáng gì tới hiện tại, không chi phối cuộc sống con người ở hiện tại, người ta chỉ nhớ đến nó như một kỷ niệm đã qua, hoặc chỉ với
mục đích xâu chuỗi các sự kiện cho câu chuyện thêm liền mạch. Lại có loại quá khứ luôn luôn ám ảnh nhân vật ở hiện tại, như một phần không thể tách rời cuộc sống hiện tại, chỉ cần một chi tiết nào đó ở hiện tại gợi ý là lập tức liên tưởng quay về với những kỷ niệm trong quá khứ. Điều đó chứng tỏ quá khứ để lại một dấu ấn rất mạnh mẽ trong tâm hồn con người. Nó đồng hành với cuộc sống hiện tại, thậm chí nó chi phối những gì xảy ra trong hiện tại. Mối liên hệ này lý giải nguyên nhân vì sao ngày nay người ta lại sống như thế? Đồng thời, nó minh chứng cho tất cả những suy nghĩ, hành động ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, người kể chuyện không đứng bên ngoài mà tham gia vào quá khứ ấy, giờ đây đang nhớ lại, kể lại những gì mình đã từng trải qua. Hồi ức trong sáng tác của Bảo Ninh thuộc loại thứ hai.
Thực tế, những người luôn nhớ về quá khứ, sống với những gì thuộc về quá khứ thường là những con người nhạy cảm, sống nội tâm, hay suy nghĩ và day dứt. Quá khứ với những người như vậy thường in hằn trong tâm khảm khiến cho họ không thể dứt ra khỏi nó. Những sự kiện nào hay trở về nhất trong hồi ức của nhân vật thì đều là những kỷ niệm có sức ám ảnh nhất, day dứt nhất và ấn tượng mạnh mẽ nhất.
Có thể bạn quan tâm!
- Nhân Vật Với Những Góc Khuất Của Con Người Cá Nhân
- Truyện Ngắn Bảo Ninh - 8
- Truyện Ngắn Bảo Ninh - 9
- Ngôn Ngữ Trần Thuật Đậm Chất Triết Lý, Chất Trữ Tình.
- Truyện Ngắn Bảo Ninh - 12
- Truyện Ngắn Bảo Ninh - 13
Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.
Hồi ức không chỉ mở rộng không gian và thời gian của câu chuyện mà còn có vai trò quan trọng trong việc khắc hoạ con người bên trong của nhân vật. Đó là đời sống nội tâm vô cùng phức tạp, đa chiều. Bởi vì “chỉ khi nào có ý thức về đời sống nội tâm nhân vật thì nhân vật mới có khả năng hồi tưởng và mới xuất hiện quá khứ” [69,71]. Những người sống bằng hồi ức thường mâu thuẫn hay không thể hoà hợp được với cuộc sống hiện tại của mình. Con người bên trong của họ lúc nào cũng bị ám ảnh bởi quá khứ.
Hầu hết các nhân vật truyện ngắn Bảo Ninh đều được xây dựng qua cái nhìn hồi ức. Hồi ức về quá khứ của nhân vật in đậm trong tâm khảm, trong cuộc sống của những người lính hậu chiến. Quá khứ là nỗi đau mất mát đồng đội, người thân; quá khứ là những ám ảnh, day dứt về lỗi lầm; quá khứ là những kỷ niệm ấu thơ, kỷ niệm thời trai trẻ in dấu suốt cuộc đời nhân vật…
Hồi ức của nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Hà Nội lúc không giờ là những kỷ niệm ấu thơ: “Người bộ hành đang dạo bước dọc canh khuya, lẳng lặng rẽ khỏi đời thực, âm thầm đi lẫn vào sự vật của những ngày xưa kia” [60, 114]. Đó là những kỷ niệm về ngôi nhà số bốn với những đứa trẻ nghèo chung vui đón Tết. Qua hồi ức của nhân vật “tôi”, các nhân vật lần lượt hiện lên rõ nét. Một hoạ sĩ Năm Tín nồng hậu, bạn vong niên của bọn trẻ, người chịu nhiều đau thương, mất mát; một chị Giang xinh đẹp, đảm đang, tháo vát; một anh Trung lầm lỳ cục mịch nhưng sống mạnh mẽ, can đảm; một Pét xồm bảnh bao, ga lăng, cởi mở… “Tôi” nhớ như in cảm xúc được đón giao thừa nơi ngôi nhà số bốn, niềm vui sướng khi lên đường làm nghĩa vụ, cả nỗi đau trong sâu thẳm con tim khi nhận ra tình yêu thầm lặng - mối tình đầu không có thật dành cho chị Giang… Tất cả đã trở thành ký ức không thể phai mờ trong tâm trí nhân vật.
Còn hồi ức của ông Phúc trong Thời tiết của ký ức lại là việc làm lầm lỗi thời trẻ và cả tình yêu thầm lặng với Quỳnh. Phúc vì hoàn cảnh nên đã chọn con đường phục vụ cho nguỵ quyền. Phúc đã sống trong day dứt sám hối cả khi ở trại cải tạo và khi đã được tự do. Sau bao năm kiếm tìm Quỳnh, Phúc đã sống cuộc sống vô nghĩa. Ông “chẳng đi đâu cả, ủ rũ, suy nhược, tuyệt đối âm thầm, tuyệt đối chẳng trò chuyện, chẳng giao du, dường như chẳng quen biết một ai trên đời” [60,324]. Thậm chí việc ông tồn tại trên đời cũng không biết để làm gì, không có ý niệm về thời gian, “đầu óc buồn ngủ, trái tim uể oải. Và rời rã, buông xuôi trong buồn nản” [60,328]. Chỉ đến khi gặp lại Định, người bạn mà cũng là người từng tra vấn mình, ông mới biết Quỳnh không hề vào Nam như dự định mà ở lại đợi chờ ông cho đến khi mất. Cũng từ đây ông khám phá ra bí mật đời mình: “Những dòng của quá khứ xa vời vợi, đêm nay mới trở về từ đáy sâu quên lãng. Nhờ vậy mà giờ đây dù có phải xa lìa, dù có phải mất anh mãi mãi em vẫn sẽ mãi mãi còn anh”…” [60,329]. Khám phá những ẩn chứa sâu thẳm tâm tư nhân vật chính là nét mới nhân văn trong sáng tác của Bảo Ninh, thể hiện cái nhìn đa diện về con người của nhà văn.
Hồi tưởng về quá vãng là tâm lý thường trực trong tâm hồn người lính: “Đôi khi chỉ cần nhắm mắt lại là trong tôi lập tức ký ức tự nó xoay mình lui về theo lối cũ, gạt toàn bộ cõi đời thực hôm nay ra rìa cỏ. Bao nhiêu kỷ niệm bi thảm, bao nhiêu là nỗi đau mà từ lâu lòng đã nhủ lòng phải gắng cho qua đi, rốt cuộc đều dễ dàng bị lay thức bởi những mối liên hệ tưởng tuồng như là không đâu nảy sinh một cách khôn lường từ muôn vàn những chi tiết tầm thường” [59,48].
Hàng loạt số phận con người được khắc hoạ qua hồi ức về những năm ở trại an dưỡng của nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Rửa tay gác kiếm. Họ phải chịu tác động của di chứng chiến tranh. Qua những giấc mơ của những người lính trở về, người đọc không thôi bị ám ảnh bởi sự tàn phá của bom đạn kẻ thù. Mỗi người một giấc mơ - thế giới tâm linh đầy rẫy những hồn ma bóng quỷ vật vờ: “Có những giấc mơ thật kỳ lạ, trong đó chỉ toàn gặp những bóng ma quân thù. Chúng lững thững xuyên qua tường, êm như ru bước vào phòng, lượn sát đầu giường tôi nằm” [60,202]. Những năm tháng chiến tranh đi qua nhưng âm hồn của những con người tử trận vẫn đeo đẳng tâm hồn người lính. Thế giới vô thức kéo con người trở về với nỗi sợ hãi của chiến tranh. Những bóng ma “phần đa chỉ nhè nhẹ diễu lướt qua, nhưng cũng có vài bóng nấn ná dừng lại, hé cửa màn ra, và phà hơi thở lạnh toát, cúi sát xuống, như thể nhận mặt tôi” [60,202]. Trong hư vô những người lính thấy kẻ thù của mình từ cõi chết trở về nhưng vẫn không quên ân oán cũ.
Bước ra khỏi chiến tranh nhưng quá khứ vẫn ám ảnh, đeo bám những người lính hậu chiến. Khương đau đớn với những giấc mơ bị thương; “tôi” ám ảnh, hãi hùng với sự tàn phá ác liệt của chất độc màu da cam. Giấc mơ chính là điều thẳm sâu con người chưa thể bộc lộ, là thế giới vô thức mà ở đó vẫn ngổn ngang câu chuyện cuộc đời. Nếu như trong thế giới hiện thực Quang che giấu nỗi đau của mình thì trong giấc mơ anh đã bộc lộ nỗi đau đớn tột cùng. Thế giới của những giấc mơ đưa Quang trở về với những buồn đau, day dứt. Đó mới là lúc anh được sống thật với bản chất con người mình, cho anh nhận diện nhân tình thế thái. Bảo Ninh đã xây dựng nên một người lính “rất người”, có lòng tự trọng, có sự tổn thương và nỗi đau bị bội bạc không thể nào xoa dịu được.
Thông qua sự hồi tưởng của nhân vật, nhà văn đã gián tiếp cho người đọc thấy được khuôn mặt thật của chiến tranh. Bảo Ninh cho người đọc thấy chiến tranh qua sự hồi tưởng được thể hiện trong những giấc mơ. Thế giới bí ẩn của con người nằm sâu trong những giấc chiêm bao. Chiến tranh đã lùi vào quá vãng hơn ba mươi năm nhưng hình ảnh của nó thì vẫn còn trong giấc mơ. Đó là sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn kẻ thù, là những vết thương của đất trời, sông núi… Dẫu rằng chiến tranh đã đi qua nhưng dư âm của nó vẫn bủa vây người lính thời hậu chiến. Trở về sau chiến tranh, nhiều nhân vật trong sáng tác của Bảo Ninh “đã phải chịu hết hồi ức này đến hồi ức khác, ngày này qua ngày khác, đêm thâu này qua đêm thâu kia”. Vì thế chiến tranh được hồi tưởng lại, quá khứ được nhớ lại trong các giấc mơ của người lính hiện lên chân thực với biết bao mất mát, đớn đau và gian khổ. Mượn ký ức để soi chiếu lại quá khứ, đó là cách để Bảo Ninh xây dựng khuôn mặt chiến tranh trong những trang viết của mình với tất cả sự sinh động và chân thực nhất.
Chiến tranh được hồi tưởng lại, nhân vật được xây dựng qua hồi ức là một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của văn học hậu chiến. Với việc phát triển đề tài chiến tranh theo hướng này, Bảo Ninh đã làm rõ hơn số phận của người lính trong chiến tranh và trong cuộc sống đời thường. Nỗi ám ảnh về chiến tranh chế ngự trong tâm hồn mỗi người lính. Trong tâm thức họ, chiến tranh là điểm tựa để họ quay về và được sống lại với một thời gian khổ, đau thương mà hào hùng, oanh liệt. Kiếm tìm, hồi tưởng về quá khứ là phản ứng của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, sâu sắc khi thời cuộc đã đổi thay. Hầu hết các nhân vật trong sáng tác của Bảo Ninh đều nhận thức quá khứ đã xa vời và trong quá khứ ấy in dấu kỷ niệm của một thời trai trẻ. Trong các trang viết của mình, dường như Bảo Ninh đang “cố gắng bổ khuyết phần thiếu hụt, phần phiến diện trong quan niệm con người bằng cách đào sâu vào thế giới tâm linh (...) Việc xem xét con người ở phần tâm linh sẽ đem đến các giá trị nhân văn mới (…) giàu ý nghĩa triết học nhân sinh” [7].
3.1. Kết cấu
CHƯƠNG 3
KẾT CẤU, NGÔN NGỮ, GIỌNG ĐIỆU TRONG TRUYỆN NGẮN BẢO NINH
3.1.1. Khái niệm kết cấu
“Kết cấu là sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục của tác phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định” [21,143].
Kết cấu là một yếu tố của hình thức nghệ thuật, “nhiệm vụ chủ yếu của kết cấu là tổ chức bố cục của cốt truyện thành các phần, chương, đoạn, lớp, cảnh một cách hợp lý; đồng thời bố trí, sắp xếp các chi tiết, các sự kiện thành các bộ phận hữu cơ của một quá trình phát triển biện chứng, và cái đích cuối cùng của quá trình đó vẫn là bộc lộ đặc điểm của tính cách nhân vật và khẳng định chủ đề tư tưởng tác phẩm. Ngoài ra, kết cấu còn bố trí, sắp xếp sự xuất hiện một cách hợp lý của các yếu tố ngoài cốt truyện như: lời nói đầu, lời nói cuối của tác giả, những đoạn bình luận trữ tình ngoại đề, những đoạn phụ đề, những bức tranh phong cảnh” [21,144].
Các nhà văn thường rất quan tâm đến mở đầu và đoạn kết khi viết truyện ngắn. Tsêkhốp nhấn mạnh: “Theo tôi, viết truyện ngắn, cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và cái kết luận”. Nhà văn Đỗ Chu đã từng chia sẻ với bạn đọc: “Còn như việc kết thúc một truyện ngắn, đó là hành động dễ gây xúc động đột ngột. Ta rất sung sướng nếu cảm thấy vừa khép kín một cái gì vừa hình thành. Và ta sẽ buồn bã biết bao nếu chợt nhận ra mình nhầm lẫn. Ở phút dừng lại, có thể biết những gì mình viết ra đã thành công đến đâu. Cái thú của người viết truyện ngắn có khi còn nằm ngay chỗ đó nữa” [72,92]. Trong truyện ngắn Bảo Ninh chúng tôi quan tâm đến cách mở đầu và kết thúc tác phẩm.
3.1.2. Kết cấu trong truyện ngắn Bảo Ninh
3.1.2.1. Cách mở đầu
Cách mở đầu một tác phẩm văn học có vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ tạo ấn tượng ban đầu mà còn góp phần định hướng độc giả trong việc tiếp nhận tác phẩm. Hầu hết các truyện ngắn Bảo Ninh có kết cấu: mở đầu và kết thúc ở thời điểm hiện tại, ở giữa là quá khứ. Kiểu đi ngược quá khứ như thế này ta bắt gặp trong rất nhiều tác phẩm của ông. Nếu cắt bỏ đi phần mở đầu thì người đọc không thể cảm nhận được những câu chuyện về quá khứ được kể từ điểm nhìn của hiện tại.
Trong truyện ngắn Khắc dấu mạn thuyền, thời điểm chuyện là sau hai mươi năm chiến tranh nhưng chiến tranh được kể lại giống như đang diễn ra. Trại “Bảy chú lùn” bắt đầu từ thời điểm hiện tại: “tôi” - nhân viên bưu điện, trên đường đi làm nhiệm vụ gặp trời mưa bão nên đã trú nhờ nhà Mộc (trên lối mòn dọc theo bờ Tây Sa Thầy). Trong thời gian trú mưa, “tôi” đã được Mộc kể về cuộc đời mình, về quãng thời gian Mộc làm lính hậu cần nơi Trại “Bảy chú lùn”. Truyện ngắn Hà Nội lúc không giờ cũng vậy. Mở đầu của tác phẩm là khoảnh khắc nhân vật “tôi” đứng trước căn nhà cũ tại thời điểm thiêng liêng Giao thừa khiến “tôi” hồi tưởng về căn nhà xưa với biết bao kỷ niệm vui buồn thuở thiếu thời. Ngôi sao vô danh lại mở đầu bằng chuyến tàu đi qua “thế giới hoang vu trập trùng đồi gò khe lũng và mênh mông những trảng trống miền tây Quảng Bình” [60,292]… Phần mở đầu tác phẩm trong truyện ngắn Bảo Ninh giúp người đọc nhận ra được những câu chuyện quá khứ được kể từ thời điểm hiện tại. Từ hiện tại hồi ức về quá khứ, người đọc dễ dàng cảm nhận được đây là những vấn đề đã xảy ra nay được kể lại, hồi tưởng lại.
Thời hiện tại đóng vai trò chủ đạo vì đó là thời gian cảm nhận. Trong hiện tại các nhân vật sống với quá khứ của hiện tại. Điều này rất quan trọng. Bởi thời điểm hiện tại mở đầu tác phẩm giúp người đọc nhận thấy chiến tranh và người lính được đánh giá, nhìn nhận sau chiến tranh - khi đã có “khoảng lùi thời gian” nhất định.
Hầu hết các tác phẩm của Bảo Ninh đều bắt đầu ở thời điểm hiện tại để hồi ức về quá khứ nên những mốc thời gian quá khứ được nhà văn sử dụng đậm đặc. Nhà văn thường mở đầu tác phẩm bằng những mệnh đề quá khứ: “Đã ba chục năm hơn rồi còn gì” (Thách đấu) [60,214]; “Ngẫm lại, vậy mà, đã non bốn chục năm rồi còn gì” (Thời tiết của ký ức) [60,307]; “Hơn hai chục năm trời sau chiến tranh” (Rửa tay gác kiếm) [60,195]; “Chẵn 34 năm trời xa biệt” (Hà Nội lúc không giờ) [60,135]; “Năm ấy, tôi 17 tuổi, binh nhì, chiến sĩ của tiểu đoàn 5 tân binh” (Giang) [61,55]...
Hầu hết nhân vật trong truyện ngắn Bảo Ninh là những người có tuổi, từng trải trận mạc nên nhìn nhận chiến tranh, cuộc sống con người trong và sau chiến tranh cũng thấu đáo và chín chắn hơn. Vì vậy, một số truyện ngắn của Bảo Ninh mở đầu bằng những suy tư, chiêm nghiệm giàu cảm xúc .
Bí ẩn của làn nước được mở đầu bằng sự suy tư của nhân vật xưng “tôi”: “Các dòng sông trôi đi như thời gian, và cũng như thời gian, trên mặt nước các triền sông biết bao nhiêu là các chuyện đời đã diễn ra. Nhất là về đêm, trên làn nước của quê hương tôi lấp lánh hằng hà những đốm sáng bí ẩn, có cả điều bí ẩn của đời tôi” [60,32]. Sau đó, tác giả lý giải điều bí ẩn và cũng là niềm day dứt đi suốt cuộc đời. Đó là việc “tôi” không cứu được vợ và con mình, đứa con hiện tại không phải con anh. Nỗi đau này không ai biết và đâu dễ bộc bạch.
Tác giả đã mở đầu cho câu chuyện may mắn của Tư Lâm (Kỳ ngộ) do tình cờ run rủi đã tìm lại được mối tình đã mất trong rừng sâu chiến tranh ba chục năm về trước. Một tình yêu mà sau chừng bấy năm trời anh cũng không còn thực tin là mình có: “Thế gian này sở dĩ đẹp vì nó không khi nào chịu giống như là lẽ ra nó phải thế. Và cuộc sống này tiếng là vẫn vậy chứ vẫn cứ vô cùng đáng sống bởi ngoài nông nỗi nhọc nhằn ngày qua ngày y chang nhau chán ngắt còn có biết bao nhiêu là những bất thường, từ những may mắn lớn lao dành cho tất cả tới những điều kỳ diệu lặng lẽ luôn âm thầm chợt đến với đời riêng mỗi người” [60,264].