Sự Giao Thoa Giữa Ngôn Ngữ Truyện Ngắn Và Ngôn Ngữ Báo Chí


Với đoạn đối thoại trên, trật tự thông thường trong gia đình lão Kiền bị dỡ bỏ: câu cửa miệng của bố với các con là “Cha chúng mày”, “Mẹ cha mày”, con nói với bố không xưng không hô, giọng châm chọc, hỗn láo, cha con bằng vai phải lứa với nhau, và toàn bộ những từ ngữ diễn tả các giá trị đạo đức (truyền thống, trong sáng, đức), nghề nghiệp (giáo dục), tri thức (triết học) đều bị đem ra giễu nhại, mỉa mai bằng cách làm biến nghĩa, ngược nghĩa của chúng. Sự giễu nhại (parody) ấy phản ánh sự sụp đổ trật tự, sự tan vỡ niềm tin của con người trong một thế giới xô bồ, ngổn ngang, hỗn tạp, một thế giới “không có vua”, không còn những đại tự sự thống trị. Với những văn bản mà tính đối thoại được thể hiện trong chiều sâu như vậy, tinh thần của kịch và tinh thần của tự sự đã hòa quyện nhuần nhuyễn, uyển chuyển vào tư duy nghệ thuật của nhà văn. Đó cũng chính là điểm khác biệt giữa truyện ngắn giàu kịch tính trước năm 1945 với truyện ngắn – kịch giai đoạn này: ở những truyện như Đồng hào có ma, Mất cái ví, Cụ Chánh Bá mất giày, Người ngựa

– ngựa người, Kép Tư Bền… của Nguyễn Công Hoan trước năm 1945, kịch tính chủ yếu nằm ở sự gay cấn của tình huống truyện, ở tiến trình hành động của nhân vật và cách mà nhà văn thắt nút, mở nút câu chuyện, còn tính chất kịch trong truyện ngắn đương đại len lỏi vào thi pháp của văn xuôi ngay từ những đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất và cách mà nhà văn sử dụng chúng trong văn cảnh cụ thể.

Ngôn ngữ giàu chất thơ và ngôn ngữ giàu tính chất kịch là những kiểu ngôn ngữ tiêu biểu cho tính chất giao thoa thể loại của truyện ngắn đương đại. Ngoài ra, ở một số tác giả, tác phẩm, sự ảnh hưởng, thâm nhập của tiểu thuyết đối với ngôn ngữ truyện ngắn cũng được thể hiện. Tuy nhiên, theo chúng tôi, sự giao thoa, gần gũi về mặt ngôn ngữ của các thể loại trong cùng địa hạt tự sự nghệ thuật là điều tự nhiên, tất yếu từ trong bản chất, nên trong giới hạn của luận án, chúng tôi chỉ tập trung bàn đến sự giao thoa của truyện ngắn với hai thể loại ở hai phương thức biểu đạt trên.

4.2.3. Sự giao thoa giữa ngôn ngữ truyện ngắn và ngôn ngữ báo chí


Nếu sự giao thoa giữa ngôn ngữ truyện ngắn với ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ kịch phản ánh sự thâm nhập của các loại thể văn học, các phương thức biểu đạt


khác (trữ tình và kịch) vào văn xuôi, thì sự phong phú thông tin mang tính thời sự, cách lập luận sắc bén, chất chính luận trong nhiều tác phẩm lại cho thấy sự giao thoa của ngôn ngữ truyện ngắn và ngôn ngữ báo chí. Truyện ngắn là thể loại vốn ra đời và phát triển gắn liền với các tờ báo, chính môi trường đăng tải ban đầu là báo chí đã làm nên tính chất ngắn gọn và nhiều đặc điểm thi pháp khác của thể loại này như tính bất ngờ trong nội dung, sự phù hợp với việc tiếp nhận liền mạch trong một lần đọc… Trong tiếng Pháp, từ “nouvelle” để chỉ thuật ngữ truyện ngắn còn có nghĩa thông dụng là “tin tức”, điều đó cũng cho thấy sự gần gũi từ trong bản chất giữa truyện ngắn và các thể loại báo chí. Trở lại với truyện ngắn đương đại Việt Nam, trên phương diện ngôn ngữ, có thể quan sát thấy trong nhiều truyện, sự dày đặc thông tin thực tế khiến cho tác phẩm mang dáng dấp của một phóng sự cung cấp tri thức, giúp người đọc khám phá, trải nghiệm đời sống ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đến với tập Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí, người đọc được tham dự vào những cuộc phiêu lưu, những trải nghiệm đượm chất sống, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu, những hiểu biết và cảm xúc khác lạ - vừa hiện thực, vừa đầy bí hiểm, bất ngờ về cuộc sống nơi rừng thiêng nước độc, thế giới của những người dân lao động, những tay giang hồ, hảo hán, những cô gái làng chơi… Ngôn ngữ của tác giả như chiếc máy quay phim của một nhà báo can đảm và sắc sảo, len đến khắp hang cùng ngò hẻm của thế giới ấy để cung cấp cho người đọc những hình ảnh chân thực nhất. Cả tập truyện là một phóng sự dài kỳ, trong đó mỗi kỳ lại mở ra một góc hiện thực kỳ thú. Đậm tính chất báo chí nhất có lẽ là Trầm hương. Mở đầu truyện, nhà văn dành một độ dài đáng kể để nói về các thuật ngữ liên quan đến nghề tìm trầm, những phẩm chất cần có của dân tìm trầm như giỏi vò, khả năng sử dụng rìu, xỉa, tiếp đó giải thích về sự hình thành trầm hương trong cây dó, sau đó mới kể câu chuyện điển hình về những người làm nghề tìm trầm (địu) với những chia sẻ, trải nghiệm, cảm xúc của người trong cuộc như minh chứng cho những tri thức được giới thiệu ở phần đầu. Thông tin và cảm xúc, hiểu biết và trải nghiệm đan xen vào nhau trong một thứ ngôn ngữ khi thì khách quan ở điểm nhìn


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.

toàn tri, khi thì lạnh lùng ở điểm nhìn bên ngoài, khi lại chan chứa tâm trạng ở điểm nhìn bên trong, và có lúc tất cả những khía cạnh ấy hoà quyện vào nhau. Chẳng hạn:

- Dân địu là bụi đời chính thống. Họ gái gú, nhậu nhẹt, bài bạc… Tứ đổ tường không từ một món nào. Luôn luôn có những sòng bạc sát phạt nhau ở nơi thu mua trầm. Kẻ ăn bạc về thăm phố, kẻ thua lại tiếp tục hành trình. Có cả bi kịch xảy ra. Bi lắm, không đùa đâu.

Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 20

- Kể thử một bi kịch nghe chơi.


- Đơn giản thôi, thằng gian lận bị thằng thua phạt một lưỡi rìu. Hãy tưởng tượng sức mạnh của một tay băng rừng lội suối, và lưỡi rìu xuyên suốt từ bụng qua lưng. Dưới chân núi, xa lộ lớn hàng chục cây số. Kẻ thủ ác chạy ngược lên rừng, người bị nạn đành chấp nhận chết và bằng hữu sẽ vùi thây kẻ xấu số lại tại đó…

Cùng với sự mới lạ, hấp dẫn của nội dung câu chuyện, sự kết hợp giữa ngôn ngữ kể với ngôn ngữ tả chứa đựng nhiều thông tin đi từ hiểu biết chung về đối tượng đến những trải nghiệm cụ thể của người trong cuộc đã khiến cho tác phẩm mang dáng dấp của một bài báo hoặc một tác phẩm truyền hình với phần đầu là lời bình của phóng viên được phát cùng những hình ảnh minh hoạ, phần sau là câu chuyện và phát ngôn của những nhân vật thực tế - một cấu trúc rất phổ biến trong các phóng sự hiện nay. Đúng như đánh giá của Hồ Anh Thái, tác phẩm của Nguyễn Trí – một tác giả không chuyên, hấp dẫn là nhờ “một đời sống thực” và một thứ văn “có không khí và có màu sắc”, một thứ văn rất gần với ngôn ngữ báo chí.

Truyện ngắn hiện nay cũng gần với ký báo chí khi quan tâm phản ánh những vấn đề thời sự, những điểm nóng của đời sống chính trị - xã hội. Lời tâm sự của người phụ nữ đi cùng xe với Tường để đến nhà tù thăm người thân trong Sống chậm của Lê Minh Khuê giống như bản tin về tội danh của một bị cáo mà người đọc có thể bắt gặp dễ dàng trên báo chí:

… Đó không phải là chồng tôi. Là một người bạn. Là đồng đội. Thì cũng một cung cách như thế thôi. Đổi tiền đô do phía chuyển nhượng giao


sang ra tiền Việt dùng thủ tục thu chi khống huy động bốn giả để rút ra hơn 6 tỷ bỏ túi. Rồi tiếp theo là vụ lấy tiền mà người ta chuyển cho quỹ phúc lợi công ty, không chuyển cho quỹ phúc lợi mà chuyển thẳng vào tài khoản do mình chỉ định để chiếm đoạt. Rồi lập biên bản khống, lập phiếu chi khống để hợp thức hoá cho phiếu thu huy động vốn… Túm lại – nói theo ngôn ngữ của cư dân mạng nhé, nói túm người anh hùng của tôi bỏ túi hơn mười tỷ đồng phá hỏng một nhà máy do lòng người tan rã lãnh án mười hai năm cải tạo.

Lời kể chuyện ấy đã tạo nên một không khí sống động và hấp dẫn, vừa tạo cảm giác thật với dày đặc những từ ngữ (chuyển nhượng, quỹ phúc lợi, tài khoản, chiếm đoạt, biên bản khống, phiếu chi khống, hợp thức hoá, phiếu thu, huy động vốn, bỏ túi, lãnh án) phản ánh tội danh tham nhũng của nhân vật được nhắc đến, vừa sử dụng thủ pháp liệt kê và giọng điệu khách quan, khiến người đọc có cảm giác như đang đọc một tin tức báo chí. Cũng từ câu chuyện của nhân vật này, ở cuối tác phẩm, Tường đã có những suy luận hết sức nhạy cảm và sâu sắc:

Nhưng biên giới nơi gìn giữ cái căn nhà chính nơi không thể cho ai xâm phạm lại ở trong tay một vài kẻ đêm đêm xách va li nặng tiền hối lộ để vào kho riêng của mình – chỉ là hé cái cửa cho hàng lậu đi qua. Năm phút thôi. Nhưng năm phút là ma tuý vào đầu độc giới trẻ. Là hàng hoá phá hoại công sức của công nhân. Mà biết đâu là tiền giả? Biết đâu là thuốc nổ. Năm phút để đổi lấy một va li vàng một va li đô la. Năm phút có thể hàng chục cái xe tải đi qua…

Vẫn với sự đầy ắp thông tin, với biện pháp liệt kê và sự sắc sảo của lập luận, những suy tư ấy của Tường đã gợi lên trong người đọc những băn khoăn về những vấn nạn của đời sống chính trị - xã hội hiện nay như hối lộ, buôn lậu qua biên giới, các tệ nạn xã hội… Tác phẩm có tình huống, có nhân vật, có tâm trạng, có kết cấu tiêu biểu cho nghệ thuật truyện ngắn, nhưng đồng thời cũng mang tính chính luận rất rò nét trong ngôn ngữ. Và không chỉ ở Sống chậm, tính chất chính luận sắc sảo như những bài xã luận trong ngôn ngữ của Lê Minh Khuê còn được thể hiện trong


nhiều truyện khác của tập Nhiệt đới gió mùa như Xe Camry ba chấm, Nghĩ ngợi quẩn quanh, Ráp Việt.

Sự giao thoa với báo chí trên phương diện ngôn ngữ khiến cho truyện ngắn đương đại vừa mang đặc trưng của một thể loại văn xuôi nghệ thuật, vừa bám sát những vấn đề của đời sống xã hội với khả năng phản ánh sinh động, giàu tư liệu thực tiễn và những đánh giá, bình luận sâu sắc, thể hiện trách nhiệm xã hội của người cầm bút. Người đọc có thể bắt gặp thứ ngôn ngữ mang hơi hướng của ngôn ngữ báo chí trong nhiều truyện của Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Y Ban, DiLi, Mạc Can, Phan Cung Việt, Trần Nhã Thuỵ… Đặc biệt, với truyện cực ngắn, tính luận đề trong nội dung thường được chuyển tải trong một thứ ngôn ngữ mang đậm tính chất ngắn gọn, súc tích, tối đa thông tin, giàu lập luận của báo chí. Ngôn ngữ Này hỏi thật đã nhìn thấy gì chưa đấy? của Y Ban, Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc của Lê Minh Phong, truyện cực ngắn của Phạm Sông Hồng, Nhật Chiêu, Hoàng Nhật Tuyên… ít nhiều đều mang hơi hướng của ngôn ngữ báo chí.

Nhìn một cách tổng thể, sự gần gũi, giao thoa về mặt ngôn ngữ giữa truyện ngắn với các thể loại văn học khác và với báo chí đã cho thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, uyển chuyển của các tác giả. Hiện tượng này cũng phản ánh những biến chuyển trong tư duy nghệ thuật theo hướng phức hợp và nới rộng biên độ thể loại của các nhà văn trong một thời đại của sự cộng sinh và giao thoa mạnh mẽ về văn hóa.


Tiểu kết chương 4:


Qua việc khảo sát những hiện tượng tiêu biểu, có thể thấy những chuyển động về mặt ngôn ngữ của truyện ngắn Việt Nam sau 1975 diễn ra theo xu hướng ngày càng gắn bó chặt chẽ với đời sống hiện thực, và xích lại gần hơn với một số thể loại văn học, loại hình nghệ thuật khác. Sự thông tục hóa ngôn ngữ truyện ngắn được thể hiện trên cả hai phương diện: từ vựng và ngữ pháp. Điều đó cho thấy khả năng quan sát và vận dụng ngôn ngữ đời sống vào văn học, đồng thời phản ánh


quan niệm mới của các nhà văn về mối quan hệ giữa văn học và đời sống, đi kèm với đó là sự đổi mới quan niệm đạo đức, thẩm mỹ, xã hội. Ngôn ngữ truyện ngắn đương đại, ở nhiều tác phẩm, có sự giao thoa, thâm nhập của ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ kịch, và gần gũi với điện ảnh – đó là kết quả của một tư duy thể loại nhạy bén, năng động, phù hợp với thời đại mở cửa và kết nối của các nhà văn hôm nay.


KẾT LUẬN


1. Với sự phát triển nở rộ cả về số lượng và chất lượng, truyện ngắn là một trong những thể loại chủ lực làm nên bức tranh đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc của văn học Việt Nam sau năm 1975 và nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng cũng như giới nghiên cứu, phê bình. Việc phân chia các kiểu truyện ngắn giai đoạn này đã được tiến hành từ những góc nhìn khác nhau và ở những cấp độ nhất định. Nhìn trong sự vận động và tương tác của truyện ngắn với các thể loại khác, có thể thấy một số kiểu truyện ngắn phản ánh các khuynh hướng phát triển cơ bản của thể loại này, đó là: sự tiếp tục các khuynh hướng trước năm 1975 (với truyện ngắn truyền thống, truyện ngắn trữ tình, truyện – ký) và sự kiến tạo các khuynh hướng mới của thời đương đại (với truyện ngắn mang tư duy tiểu thuyết, truyện ngắn – kịch, và truyện cực ngắn). Mỗi kiểu truyện vừa bảo lưu những đặc trưng lý luận của truyện ngắn, vừa có sự thâm nhập một số yếu tố của thể loại khác, phản ánh sự giãn nở linh hoạt như là thế mạnh của thể loại, và phản ánh đặc điểm tư duy năng động, cởi mở của con người trong thời kỳ đương đại.

2. Truyện ngắn đương đại Việt Nam đã cho thấy những nỗ lực của các tác giả trong việc đa dạng hóa tình huống truyện theo xu hướng đời tư, thế sự, quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề của cá nhân. Bên cạnh đó, sự dân chủ về kết cấu tác phẩm cũng được thể hiện trên cả hai phương diện: phương thức kết cấu và các thành tố bổ trợ kết cấu. Có một số phương thức chủ yếu trong kết cấu tác phẩm là kết cấu theo lôgic nhân quả, kết cấu đa tầng, kết cấu lắp ghép và kết cấu liên hoàn. Các thành tố kết cấu như nhan đề, mở đầu, đoạn kết đều góp phần đắc lực vào việc xây dựng một tác phẩm chặt chẽ, lôgic và hấp dẫn từ dòng đầu tiên đến dòng cuối cùng, góp phần hiện đại hóa, dân chủ hóa thể loại truyện ngắn.

3. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 là một thế giới đa dạng, phong phú, phức tạp. Có thể phân chia các nhân vật thành một số kiểu loại cơ


bản là nhân vật tư tưởng và các nhân vật tính cách – số phận (nhân vật tự chủ, nhân vật bi kịch, nhân vật tha hóa). Mỗi loại hình nhân vật có đặc điểm tính cách, số phận riêng, có vị trí khác nhau trong tác phẩm nhưng đều cho thấy sự vận động trong quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Sự vận động đó cũng chi phối các phương thức xây dựng nhân vật gắn với tính thế sự, đời tư, theo xu hướng diễn tả nhân vật ngày càng có tính hiện thực, biện chứng, gần gũi hơn với con người của đời sống xã hội đương đại. Một số phương diện quan trọng trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của truyện ngắn đương đại là khắc họa chân dung – ngoại hình, hành động nhân vật, phân tích tâm lý nhân vật và sáng tạo chi tiết nghệ thuật. Ở phương diện nào, truyện ngắn giai đoạn này cũng vừa kế thừa những thành tựu của truyện ngắn các giai đoạn trước, vừa có những sáng tạo riêng cho thấy sự vận động trong tư duy nghệ thuật của nhà văn giai đoạn này.

4. Ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 có những chuyển động đáng kể, trong đó phải kể đến hai đặc điểm quan trọng là sự thông tục hóa và tính chất giao thoa thể loại về mặt ngôn ngữ. Sự thông tục hóa diễn ra trên cả phương diện từ vựng và phương diện ngữ pháp, nhờ đó ngôn ngữ truyện ngắn ngày càng gắn bó chặt chẽ với ngôn ngữ đời thường. Thậm chí, ở một số tác giả, tác phẩm, ranh giới giữa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ thông tục của đời sống dường như bị xóa bỏ. Ngôn ngữ truyện ngắn sau năm 1975 có sự tương tác, giao thoa ngày càng đậm nét với ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ kịch, và điện ảnh. Những đặc điểm trên đã cho thấy sự biến đổi linh hoạt của ngôn ngữ truyện ngắn gắn liền với những đổi mới trong quan niệm, tư duy nghệ thuật của các nhà văn đương đại: ngôn ngữ văn chương bình đẳng và phản ánh chân thực sự vận động của ngôn ngữ đời sống, và ngôn ngữ của các thể loại văn học có sự xâm nhập, giao thoa vào nhau trong quá trình vận động của nền văn học.

5. Trên tất cả các phương diện, truyện ngắn hiện nay vừa duy trì, kế thừa những đặc điểm của truyện ngắn hiện đại các giai đoạn trước, vừa nỗ lực cách tân,

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022