Trọng tài - phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh quốc tế giữa các doanh nghiệp. Thực trạng và giải pháp ở Việt Nam - 1


TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG KHOA KINH TẾ ĐỐI NGOẠI

CHUYÊN NGÀNH KINH TẾ ĐỐI NGOẠI


KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP

Tên đề tài:

TRỌNG TÀI – PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG KINH DOANH QUỐC TẾ GIỮA CÁC DOANH NGHIỆP THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP Ở VIỆT NAM


Họ và tên sinh viên : HÀ THỊ HOÀN

Lớp : TRUNG 2

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 95 trang tài liệu này.

Khoá : K41F – KTĐN

Số điện thoại : 0983 606 849

Trọng tài - phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh quốc tế giữa các doanh nghiệp. Thực trạng và giải pháp ở Việt Nam - 1

Giáo viên hướng dẫn : GS., TS. NGUYỄN THỊ MƠ


HÀ NỘI, 11/ 2006

LỜI MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Kể từ khi chúng ta thực hiện mở cửa nền kinh tế đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn mang tính chất bước ngoặt. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, bất cứ một quốc gia nào đứng riêng lẻ cũng không thể tồn tại được. Chính từ nhận định này mà Đảng và nước ta đang hết sức nỗ lực xây dựng nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế mở, hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế khu vực, đã tham gia ký kết nhiều hiệp định hợp tác phát triển kinh tế song phương và đa phương. Trong quá trình hội nhập, thành tích lớn nhất mà Việt Nam đạt được là việc trở thành thành viên của WTO vào ngày 07/11/2006 vừa qua.

Trong quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại, tranh chấp là điều khó tránh khỏi. Có thể dễ dàng giải thích điều này do các bên có sự khác biệt nhau về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán, trình độ, quyền và lợi ích; đó là còn chưa nói đến những gian lận trong quan hệ hợp tác. Giải quyết những tranh chấp này một cách thỏa đáng là điều mong mỏi của các bên tham gia. Tuy nhiên, đạt được sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên không phải là đơn giản. Việc giải quyết tranh chấp có thể được tiến hành thông qua thương lượng, hòa giải, trung gian, trọng tài, hay tòa án nhưng cách giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài vẫn được ưa thích nhất bởi nó có nhiều ưu việt so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác.

Tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hiểu biết tường tận về cách giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, thậm chí có người không biết đến cơ chế giải quyết tranh chấp này. Khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam không chú ý đến điều khoản về giải quyết tranh chấp nói chung và giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nói riêng, do đó, khi tranh chấp xảy ra thường rơi vào thế bất lợi. Chính vì vậy tôi chọn

đề tài này nhằm làm rõ phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp được ưa chuộng trong kinh doanh quốc tế hiện nay.

2. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở làm rõ các phương thức giải quyết tranh chấp chủ yếu trong kinh doanh quốc tế hiện nay, đề tài chú trọng phân tích phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài với ý nghĩa là một phương thức được ưa chuộng trong việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh quốc tế, từ đó đề xuất các kiến nghị nhằm nâng cao vai trò của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong kinh doanh quốc tế đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là các quy định về giải quyết tranh chấp giữa các thương nhân trong kinh doanh quốc tế thông qua các phương thức, trong đó có phương thức trọng tài.

Phạm vi nghiên cứu của khóa luận giới hạn chỉ ở việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong kinh doanh quốc tế giữa các thương nhân với nhau, không nghiên cứu việc giải quyết tranh chấp giữa các nhà nước. Thực tiễn giải quyết tranh chấp ở Việt Nam bằng trọng tài chủ yếu là xem xét thực tiễn giải quyết tranh chấp của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

4. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu của khóa luận chủ yếu là phương pháp tổng hợp, phân tích, diễn giải, quy nạp, thống kê, so sánh, kết hợp nghiên cứu tài liệu với tình hình thực tế ở mức độ cho phép.

5. Bố cục của khoá luận

Ngoài phần mở đầu, kết thúc, danh mục tài liệu tham khảo, khóa luận gồm 3 chương:

Chương 1: Tổng quan về trọng tài và giải quyết tranh chấp trong kinh doanh quốc tế bằng trọng tài

Chương 2: Thực trạng giải quyết tranh chấp trong kinh doanh quốc tế bằng trọng tài ở Việt Nam

Chương 3: Một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp trong kinh doanh quốc tế bằng trọng tài trong thời gian tới

Tôi xin chân thành cảm ơn các thày cô giáo Khoa Kinh tế ngoại thương đã tận tình chỉ bảo tôi trong suốt quá trình học đại học và quá trình nghiên cứu khóa luận vừa qua.

Đặc biệt tôi xin gửi lời cảm ơn của mình tới GS.,TS. Nguyễn Thị Mơ - người đã định hướng và hướng dẫn tôi trong suốt quá trình hoàn thành khóa luận này.

Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn VIAC đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình tìm kiếm tài liệu để viết khóa luận.

DANH MỤC NHỮNG TỬ VIẾT TẮT TRONG KHÓA LUẬN


AAA Hiệp hội trọng tài Mỹ

ASEAN Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

ASEM Diễn đàn hợp tác Á - Âu

APEC Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương

FTAC Hội đồng trọng tài Ngoại thương

ICC Phòng thương mại Quốc tế

ICSID Trung tâm Quốc tế giải quyết các tranh chấp đầu tư

MAC Hội đồng trọng tài Hàng hải

Pháp lệnh Pháp lệnh trọng tài Thương mại 2003

Quy tắc 1993 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC có hiệu lực từ

ngày 20/08/1993

Quy tắc 1996 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC có hiệu lực từ

ngày 15/04/1996

Quy tắc 2004 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC có hiệu lực từ

ngày 01/07/2004

UNCITRAL Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế USD Đô-la Mỹ

VIAC Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

WTO Tổ chức Thương mại Thế giới

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ TRỌNG TÀI‌‌

VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG KINH DOANH QUỐC TẾ BẰNG TRỌNG TÀI

I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TRANH CHẤP TRONG KINH DOANH QUỐC TẾ


1. Tranh chấp là gì ?


Trong nền kinh tế thị trường, các nhà kinh doanh có quan hệ kinh tế thương mại rất chặt chẽ và khăng khít với nhau. Họ đều muốn xây dựng lòng tin, duy trì các mối quan hệ kinh tế, thương mại với các đối tác lâu dài nhằm đảm bảo cho hoạt động kinh doanh, thương mại của họ được ổn định và phát triển. Tuy nhiên, đôi khi, vì nhiều lí do chủ quan và khách quan khác nhau, các mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa các nhà kinh doanh cũng có những bất đồng và mâu thuẫn, dẫn đến các tranh chấp kinh tế, thương mại.

Để hiểu thế nào là tranh chấp kinh tế, thương mại cần phải hiểu rõ khái niệm tranh chấp. Tranh chấp là sự xung đột, mâu thuẫn, tranh giành quyền lợi giữa hai hay nhiều chủ thể tham gia vào một quan hệ pháp luật mà trong quá trình tranh giành đó, ai cũng cho rằng mình là đúng, lợi ích của mình cần được bảo vệ.

Khi các chủ thể tham gia vào các quan hệ do pháp luật điều chỉnh, những mâu thuẫn, bất đồng giữa họ thường phát sinh từ, hoặc có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của một bên, khi mà bên kia, hoặc cho rằng mình có quyền yêu cầu bên này phải làm một nghĩa vụ để tạo ra một lợi ích cho mình, hoặc cho rằng những thiệt hại mà mình phải gánh chịu là do lỗi của bên này... trong khi bên này lại không cho là như vậy.

Tranh chấp xảy ra trong mọi mối quan hệ xã hội. Tranh chấp là một hiện tượng khách quan, nó tồn tại ngoài ý thức của các chủ thể. Xã hội ngày càng phát triển, mối quan hệ xã hội ngày càng phức tạp, do đó, tranh chấp phát sinh cũng ngày càng nhiều và phức tạp. Có thể nói, tranh chấp gắn với

hoạt động xã hội loài người và yêu cầu đặt ra là phải tìm ra cơ chế giải quyết những tranh chấp ấy.

2. Tranh chấp thương mại


Mặc dù tranh chấp xảy ra trong mọi mối quan hệ xã hội, có thể là tranh chấp trong chính trị, ý thức hệ, nhân sinh quan, văn hóa, khoa học, kinh tế, thương mại... Nhưng loại hình tranh chấp phổ biến nhất là tranh chấp về kinh tế, tranh chấp xảy ra trong hoạt động thương mại. Cũng có thể nói đa số các tranh chấp phát sinh đều có mối liên quan chặt chẽ đến lợi ích kinh tế, đến lợi nhuận trong các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng.

Tranh chấp thương mại có thể là tranh chấp giữa các quốc gia hoặc tranh chấp giữa các chủ thể kinh doanh. Trong giới hạn của khóa luận này, người viết chỉ nghiên cứu về tranh chấp thương mại phát sinh giữa các chủ thể kinh doanh. Đó là các tranh chấp thương mại liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp - là tranh chấp trong kinh doanh.

Tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh từ hoặc có liên quan đến các hoạt động thương mại. Vậy hoạt động thương mại là gì? Khái niệm này được hiểu khác nhau tùy từng nước khác nhau, phụ thuộc vào nhận thức về thương mại cũng như về trình độ phát triển của nền kinh tế.

Trước đây, hoạt động thương mại được hiểu là hoạt động mua và bán hàng hóa hữu hình nhằm mục đích thu lợi nhuận. Cho đến nay, khái niệm này đã được mở rộng ra cả với khu vực dịch vụ - hàng hóa vô hình. Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho rằng hoạt động thương mại là tất cả các hoạt động nhằm mục đích thu lợi nhuận, bất kể đó là hàng hóa, dịch vụ hay sở hữu công nghiệp, đầu tư... Chính vì vậy, WTO đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của mình sang các lĩnh vực dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư với việc ban hành các Hiệp định đa biên như GATT (thương mại hàng hóa), GATS (thương mại

dịch vụ), TRIPS (các khía cạnh thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ), TRIMS (các khía cạnh thương mại liên quan đến đầu tư).

Ở Việt Nam, khái niệm hoạt động thương mại cũng được hiểu khác nhau theo từng thời kỳ. Nói cách khác, khái niệm này được xem xét ở trạng thái động, được hiểu theo nghĩa ngày càng rộng hơn. Luật Thương mại Việt Nam năm 1997 quy định: “hoạt động thương mại là việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của thương nhân, bao gồm việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm mục đích thu lợi nhuận hoặc nhằm thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội. Dịch vụ thương mại gồm những dịch vụ gắn với việc mua bán hàng hóa. Xúc tiến thương mại là hoạt động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ thương mại” (Điều 5 Khoản 2). Đây là một khái niệm về hoạt động thương mại hẹp. Nằm trong phạm vi được coi là hoạt động thương mại, được Luật Thương mại năm 1997 điều chỉnh chỉ bao gồm 14 hành vi. Đến năm 2005, Luật Thương mại của Việt Nam đã mở rộng hơn nội hàm của khái niệm hoạt động thương mại bằng quy định: “hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục địch sinh lợi khác” (Điều 3 Khoản 1). Đây là một sự đổi mới vượt bậc trong cách hiểu về khái niệm hoạt động thương mại, phù hợp với cách hiểu của Luật mẫu UNCITRAL: “Khái niệm thương mại cần phải được giải thích theo nghĩa rộng, bao gồm các vấn đề phát sinh từ tất cả các quan hệ có bản chất thương mại, dù có hợp đồng hay không có hợp đồng. Quan hệ có bản chất thương mại bao hàm nhưng không chỉ giới hạn đối với các giao dịch sau đây: bất kỳ giao dịch buôn bán nào nhằm cung cấp hoặc trao đổi hàng hóa hay dịch vụ, hợp đồng phân phối đại diện thương mại hay đại lý, các công việc sản xuất, thuê máy móc thiết bị, xây dựng, tư vấn thiết kế cơ khí, li-xăng, đầu tư, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, các hợp đồng khai thác hoặc chuyển nhượng,

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 15/09/2022