Sơ Đồ Hệ Thống Lãnh Thổ Du Lịch (M.bưchơvarốp, 1975) 108487


nhập, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện sống ở địa phương, bảo vệ được nguồn tài nguyên thiên nhiên và giữ gìn được bản sắc văn hoá của địa phương [15, trang 17].

Sản phẩm du lịch: Theo luật du lịch Việt Nam (năm 2005) “Sản phẩm du lịch là tâp hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch” [44].

Những bộ phận hợp thành sản phẩm du lịch:

Sản phẩm du lịch = Tài nguyên du lịch + Dịch vụ du lịch

Tài nguyên du lịch gồm có: Tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn.

Dịch vụ du lịch gồm có: Dịch vụ lữ hành; vận chuyển; lưu trú, ăn uống; vui chơi giải trí; mua sắm; thông tin, hướng dẫn; dịch vụ trung gian và dịch vụ bổ sung.

Các loại hình du lịch: Có nhiều tiêu chí phân loại các loại hình du lịch. Trong luận văn này, tác giả sử dụng tiêu chí phân loại theo mục đích chuyến đi để tiện sử dụng cho việc đưa ra định hướng phát triển du lịch Phú Yên trong chương 3. Theo tiêu chí này, loại hình du lịch gồm có:

- Du lịch thuần túy: là chuyến đi chỉ với mục đích du lịch. Loại hình này gồm có: Du lịch tham quan; du lịch giải trí; du lịch thể thao; du lịch khám phá; du lịch nghỉ dưỡng.

- Du lịch kết hợp: là chuyến đi ngoài mục đích du lịch còn có những lý do khác. Loại hình này bao gồm: Du lịch tôn giáo; du lịch học tập nghiên cứu; du lịch thể thao kết hợp; du lịch công vụ; du lịch chữa bệnh; du lịch thăm thân.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 228 trang tài liệu này.

- Tổ chức lãnh thổ

Có rất nhiều khái niệm về TCLT. Có thể chia thành hai nhóm: khái niệm của các nhà địa lí Xô Viết và khái niệm của các nhà địa lí phương Tây.

Tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Phú Yên - 4

Đối với các nhà địa lí Xô Viết: Tổ chức lãnh thổ theo nghĩa rộng bao gồm phân công lao động theo lãnh thổ, phân bố lực lượng sản xuất, sự khác biệt về vùng trong quan hệ sản xuất, mối quan hệ tương hỗ giữa xã hội và thiên nhiên, các vấn đề về chính sách. Theo nghĩa hẹp, nó bao gồm tổ chức lãnh thổ - hành chính của nhà nước, quản lý vùng về sản xuất, sự hình thành các thành tạo lãnh thổ về tổ chức - kinh tế, xác định các khách thể vùng quản lý, phân vùng KTXH… Có thể đưa ra định nghĩa ngắn


gọn như sau: “Tổ chức lãnh thổ xã hội là sự kết hợp các cơ cấu lãnh thổ đang hoạt động (bố trí sắp xếp dân cư, sản xuất, sử dụng tài nguyên thiên nhiên), được liên kết lại bởi các cơ cấu quản lý với mục đích tái sản xuất cuộc sống của xã hội phù hợp với các mục đích và trên cơ sở các quy luật kinh tế hiện hành trong hình thái xã hội đó” [17, trang 54].

Như vậy, TCLT có hai tính chất cơ bản là tính tổ chức và tính lãnh thổ - hệ thống lãnh thổ. Tính tổ chức là tính được sắp xếp, tính phù hợp bên trong của tác động qua lại giữa các bộ phận ít nhiều được phân công hóa và độc lập của chỉnh thể do cấu tạo của nó quy định. Tính lãnh thổ - hệ thống lãnh thổ là độ dài không gian, có ranh giới, có kích thước, là nét tạo hình đặc biệt của đối tượng, là những đặc điểm không gian của bức tranh phân bố các đối tượng trong một phạm vi nhất định. Hệ thống lãnh thổ bao gồm hệ thống sản xuất, hệ thống dân cư và hệ thống tự nhiên. Trong đó hệ thống sản xuất là phức tạp nhất và đóng vai trò quan trọng nhất.

Từ những năm 1965, để thúc đẩy phát triển kinh tế có hiệu quả, các nhà khoa học Xô Viết đã khẳng định sự cần thiết phải kết hợp tối ưu việc kế hoạch hoá theo ngành và theo lãnh thổ nhằm đảm bảo kế hoạch hoá tổng hợp và giải quyết những vấn đề kinh tế quốc dân to lớn. Khái niệm về kế hoạch hoá lãnh thổ ở đây chính là vấn đề TCLT.

Đối với các nhà địa lí phương Tây: từ thế kỷ XIX, TCLT đã trở thành khoa học quản lý. Do đó, khái niệm tổ chức lãnh thổ đã xuất hiện ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp từ sớm. Theo Morrille (1970), “Tổ chức theo không gian là kinh nghiệm của loài người về sử dụng có hiệu quả không gian trên Trái Đất”[dẫn theo 17, trang 56]. Theo Jean Paud Gaudemar (1992), “Tổ chức không gian là sự tìm kiếm một phân bố tối ưu về người, các hoạt động và tài sản nhằm tránh sự mất cân đối trên lãnh thổ quốc gia hay một vùng” [dẫn theo 14, trang 15].

Nhận thức của các nhà địa lí phương Tây là TCLT nhằm tìm kiếm một tỷ lệ và quan hệ hợp lý về phát triển KTXH giữa các ngành trong một vùng, giữa các vùng trong một quốc gia và trên mức độ nhất định có xét đến các mối liên hệ quốc gia với nhau; tạo ra một giá trị mới nhờ sắp xếp có trật tự và hài hòa giữa các đơn vị lãnh thổ khác nhau trong cùng một tỉnh, một vùng và cả nước, trong những điều kiện kinh tế thị


trường và hệ thống kinh tế mở. Mục đích của nó nhằm sử dụng hợp lý các nguồn lực và lợi thế so sánh trong xu thế hòa nhập và cạnh tranh để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Ở Việt Nam, Các nhà kế hoạch hoá và các nhà địa lí kinh tế thường dùng khái niệm TCLT. TCLT được hiểu như toàn bộ quá trình hay hành động của con người nhằm phân bố các cơ sở sản xuất và dịch vụ, phân bố dân cư, sử dụng tự nhiên, có tính đến các mối liên hệ của chúng. Các hành động này được thực hiện phù hợp với các mục tiêu của xã hội và trên cơ sở các quy luật kinh tế hoạt động trong hình thái KTXH tương ứng. Mục tiêu cơ bản của nền kinh tế là cải thiện cơ cấu tổ chức sản xuất của đất nước hay của từng vùng cụ thể. TCLT cũng nhằm phát triển tổng hợp, có hiệu quả cao nền sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Có thể nói, TCLT là một biện pháp quan trọng vì mục tiêu phát triển bền vững.

Như vậy, TCLT về đại thể là sự kiến thiết lãnh thổ. Trong một lãnh thổ có rất nhiều thành phần (bộ phận) về tự nhiên, dân cư, kinh tế, xã hội... Vấn đề ở chỗ là phải tổ chức như thế nào để đạt được mục tiêu phát triển KTXH. Trên cơ sở đó, “Tổ chức lãnh thổ được hiểu là sự sắp xếp các thành phần (đã, đang và dự kiến sẽ có) trong mối liên hệ đa ngành, đa lãnh thổ ở một vùng nhằm sử dụng hợp lí các nguồn lực để đạt hiệu quả cao nhất về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và phát triển bền vững” [34, trang 217].

- Tổ chức lãnh thổ du lịch

Trong nghiên cứu du lịch, TCLTDL là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu. Sở dĩ như vậy vì không thể tổ chức và quản lí có hiệu quả hoạt động này nếu không xem xét khía cạnh không gian (lãnh thổ) của nó. Có nhiều quan niệm khác nhau về TCLTDL. Theo PGS. TS Nguyễn Minh Tuệ: “Tổ chức lãnh thổ du lịch là một hệ thống liên kết không gian của các đối tượng du lịch và các cơ sở phục vụ có liên quan dựa trên việc sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên du lịch (tự nhiên, nhân văn) kết cấu hạ tầng và các nhân tố khác nhằm đạt hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cao nhất” [35, trang 99].

TCLTDL là hình thức tổ chức sản xuất xã hội theo lãnh thổ. Do đó TCLTDL đồng thời giải quyết các nhiệm vụ chính là kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.


TCLT du lịch là sự phân hoá không gian của du lịch căn cứ trên điều kiện tài nguyên, hiện trạng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật và lao động, các mối liên hệ giữa ngành với các ngành khác, với các địa phương và các quốc gia liền kề.

TCLT du lịch là một bộ phận không tách rời với các định hướng của chiến lược phát triển KTXH của quốc gia và vùng, với các định hướng đô thị hoá, bảo vệ môi trường sinh thái lâu bền, với các định hướng khoa học công nghệ và các yêu cầu của an ninh quốc phòng.

Như vậy, TCLT du lịch là sự phân hoá không gian của du lịch. Sự phân hoá không gian này dựa vào TNDL, CSHT, CSVCKT, lao động trong ngành du lịch, mối liên hệ giữa ngành du lịch với ngành khác, với địa phương khác. TCLTDL phải hợp lý, khoa học để khai thác có hiệu quả TNDL, đồng thời phải bảo vệ môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

1.1.2. Các hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch‌

TCLTDL là một dạng của tổ chức lãnh thổ KTXH. Cùng với sự phát triển của xã hội, trước hết là của sức sản xuất, đã dần dần xuất hiện các hình thức TCLTDL. Trên bình diện vĩ mô có 3 hình thức chủ yếu: hệ thống lãnh thổ du lịch, cụm tương hỗ phát triển du lịch (thể tổng hợp lãnh thổ du lịch), vùng du lịch.

- Hệ thống lãnh thổ du lịch

“Hệ thống lãnh thổ du lịch thường được coi là hệ thống xã hội được tạo thành bởi các yếu tố có quan hệ qua lại mật thiết với nhau, đó là: nhóm người đi du lịch, các tổng thể tự nhiên, văn hoá - lịch sử, cơ sở vật chất - kĩ thuật, đội ngũ cán bộ công nhân viên và bộ phận tổ chức quản lý. Nét đặc trưng quan trọng của hệ thống lãnh thổ du lịch là tính hoàn chỉnh về chức năng và lãnh thổ” [35, trang 100].

Về phương diện cấu trúc, hệ thống lãnh thổ du lịch là một hệ thống bao gồm nhiều thành phần có mối liên hệ chặt chẽ. Đó là một hệ thống mở, phức tạp gồm có cấu trúc bên trong và cấu trúc bên ngoài. Cấu trúc bên trong bao gồm các nhân tố hoạt động với sự tác động qua lại, còn cấu trúc bên ngoài gồm các mối liên hệ với điều kiện phát sinh và các hệ thống khác. Đây là một dạng đặc biệt của địa hệ mang tính hỗn hợp, có đủ các thành phần tự nhiên, kinh tế, xã hội và chịu sự chi phối của nhiều quy luật cơ bản khác nhau.


Về phương diện hệ thống, hệ thống lãnh thổ du lịch được cấu thành bởi nhiều phân hệ khác nhau về bản chất, nhưng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Đó là các phân hệ khách du lịch, tổng thể tự nhiên, lịch sử, văn hoá, các công trình kĩ thuật, cán bộ phục vụ và điều khiển.

Phân hệ khách du lịch là phân hệ trung tâm, quyết định những yêu cầu với phân hệ khác của hệ thống bởi vì các thành phần này phụ thuộc vào đặc điểm của khách du lịch. Các đặc trưng của phân hệ khách là cấu trúc và lượng nhu cầu, tính lựa chọn, tính mùa vụ và tính đa dạng của luồng khách du lịch.

Phân hệ tổng thể tự nhiên, lịch sử - văn hóa là phân hệ tham gia hệ thống với tư cách là tài nguyên, là điều kiện để thoả mãn nhu cầu nghỉ ngơi du lịch và là cơ sở lãnh thổ cho việc hình thành hệ thống. Tổng thể này có sức chứa, độ tin cậy, tính thích hợp, tính ổn định và tính hấp dẫn. Phân hệ này được đặc trưng bằng lượng nhu cầu, diện tích phân bố và thời gian khai thác.

Phân hệ cơ sở vật chất - kỹ thuật là phân hệ đảm bảo cho cuộc sống bình thường của khách du lịch, nhân viên phục vụ và những nhu cầu giải trí đặc biệt (chữa bệnh, tham quan, du lịch…). Toàn bộ cơ sở vật chất - kỹ thuật là điều kiện cần thiết để phát triển du lịch. Nét đặc trưng của phân hệ là sức chứa, tính đa dạng, tính thích hợp, mức độ chuẩn bị để khai thác.

Phân hệ cán bộ nhân viên phục vụ là phân hệ hoàn thành chức năng dịch vụ cho du khách và đảm bảo cho các xí nghiệp hoạt động bình thường. Đặc trưng của phân hệ này là số lượng, trình độ chuyên môn - nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ nhân viên và mức độ đảm bảo của lực lượng lao động.

4

I

1

2

3

II

5


Hình 1.1. Sơ đồ hệ thống lãnh thổ du lịch (M.Bưchơvarốp, 1975)


Chú giải

I. Môi trường và các điều kiện phát sinh môi trường du lịch.

II. Hệ thống lãnh thổ du lịch.

1. Phương tiện giao thông vận tải

2. Phân hệ khách du lịch

3. Phân hệ cán bộ phục vụ

4. Phân hệ tài nguyên du lịch

5. Phân hệ cơ sở vật chất kĩ thuật

Luồng khách du lịch

Các mối liên hệ bên trong hệ thống Các mối liên hệ với hệ thống khác

Các mối liên hệ thông tin giữa I và II



Như vậy, TCLT du lịch là một hệ thống bao gồm nhiều phân hệ có mối quan hệ tương tác và bổ trợ nhau.

- Cụm tương hỗ phát triển du lịch

Cụm tương hỗ phát triển du lịch trước đây được xem là thể tổng hợp lãnh thổ du lịch theo quan niệm của các nhà địa lí Xô Viết.“Cụm tương hỗ phát triển du lịch là tập hợp theo khu vực các doanh nghiệp, nhà cung cấp và dịch vụ du lịch có mối liên kết với nhau” [35, trang 103]. Tại một khu vực địa lí nhất định có nhiều doanh nghiệp du lịch liên hệ với nhau, hỗ trợ nhau, phối hợp với nhau; nhờ đó làm tăng hiệu quả khai thác TNDL, CSVCKT, giảm bớt chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cụm tương hỗ phát triển du lịch hình thành khi các lợi thế cạnh tranh thúc đẩy hoặc dẫn đến việc gia tăng sự bố trí và sự phát triển các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ thuộc các lĩnh vực khác nhau, nhưng cần đến nhau để tận dụng các cơ hội qua liên kết địa lí trong một lãnh thổ nhất định.

Cụm tương hỗ phát triển du lịch được hình thành trên những điều kiện sau:

+ Một không gian địa lí nhất định.

+ Có một hoặc một vài doanh nghiệp du lịch đóng vai trò hạt nhân.


+ Các doanh nghiệp du lịch tự nguyện liên kết với nhau thông qua hợp đồng kinh tế hoặc biên bản thỏa thuận liên kết và trên cơ sở đó cùng thu được lợi ích kinh tế, cùng có được sự cạnh tranh cần thiết.

+ Chính quyền địa phương khuyến khích liên kết thành cụm và tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thực thi nguyện vọng của mình.

- Vùng du lịch

Theo E.A Kotliarov (1978), vùng du lịch là: 1) Một lãnh thổ hoàn chỉnh với sự kết hợp các điều kiện, đối tượng và chuyên môn hoá du lịch; 2) Không chỉ là lãnh thổ để nghỉ ngơi, chữa bệnh, giải trí mà còn là một cơ chế kinh tế hành chính phức tạp; 3) Có các xí nghiệp nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, xây dựng và các cơ sở văn hoá; 4) Hình thành do phân công lao động theo lãnh thổ trong lĩnh vực phi sản xuất. [dẫn theo 35, trang 105].

Theo quan điểm của N.X Mironeko và I.T Tirodokholebok (1981): “Vùng du lịch là một cộng đồng lãnh thổ của các xí nghiệp du lịch chuyên môn hoá phục vụ du khách có quan hệ về mặt kinh tế nhằm thoả mãn tốt các nhu cầu của khách trên cơ sở sử dụng tổng thể tự nhiên, văn hoá - lịch sử hiện có và các điều kiện kinh tế của lãnh thổ” [dẫn theo 35, trang 105].

Theo I. I Pirojonik (1985), “Vùng du lịch là hệ thống lãnh thổ kinh tế - xã hội, một tập hợp các hệ thống lãnh thổ du lịch thuộc mọi cấp có liên hệ với nhau và các xí nghiệp thuộc cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo cho hoạt động của hệ thống lãnh thổ du lịch với việc có chung chuyên môn hoá và các điều kiện kinh tế - xã hội để phát triển du lịch” [dẫn theo 35, trang 105].

Trong Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam 1995 - 2010 thì: “Vùng du lịch là một hệ thống lãnh thổ kinh tế - xã hội bao gồm một tập hợp các hệ thống lãnh thổ du lịch thuộc mọi cấp có quan hệ với nhau và các cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo cho sự hoạt động của các hệ thống lãnh thổ du lịch” [dẫn theo 35, trang 105].

Như vậy, có rất nhiều quan niệm về vùng du lịch và mỗi quan niệm có những ưu, khuyết điểm khác nhau. Chung quy lại có thể hiểu: “Vùng du lịch là một bộ phận lãnh thổ đất nước, có phạm vi và ranh giới xác định, có những nét đặc thù về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn), điều kiện vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, sản


phẩm du lịch đặc trưng… cho phép hình thành và phát triển hiệu quả các hệ thống lãnh thổ du lịch dựa trên cơ sở các mối liên hệ nội vùng và liên vùng” [35, trang 106].

Trên quan điểm hệ thống có thể trình bày vùng du lịch như một tập hợp hệ thống lãnh thổ được tạo nên bởi hai yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau. Hệ thống lãnh thổ du lịch và các mối liên hệ nội vùng và liên vùng (không gian KTXH xung quanh) nhằm đảm bảo cho cả hệ thống hoạt động có hiệu quả. Mối liên hệ giữa các yếu tố tạo thành hệ thống lãnh thổ du lịch mang tính chất liên hệ công nghệ, có tác dụng thực hiện đầy đủ các khâu công nghệ của quá trình du lịch. Còn các mối liên hệ nội vùng và liên vùng là các mối liên hệ kinh tế.

Như vậy, hệ thống lãnh thổ du lịch là hạt nhân tạo nên vùng du lịch. Hệ thống lãnh thổ du lịch và vùng du lịch là các khái niệm rất gần gũi với nhau, đồng thời lại có những sự khác biệt cơ bản. Sự khác biệt giữa chúng là ở chỗ hệ thống lãnh thổ du lịch là hạt nhân của vùng du lịch. Chính từ hạt nhân này đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện và phát triển của vùng trong môi trường xung quanh. Các yếu tố của môi trường nuôi dưỡng hạt nhân, giúp cho nó hoạt động và cùng với bản thân hạt nhân trở thành vùng du lịch. Hệ thống lãnh thổ du lịch không phải là toàn bộ lãnh thổ của vùng mà chỉ là nơi tập trung nguồn TNDL và các công trình kĩ thuật... Vùng du lịch có không gian rộng lớn hơn trong đó bao gồm cả các khu vực sản xuất hàng hoá, vật liệu năng lượng, có đội ngũ cán bộ thông tin, kho tàng, các công trình công cộng. Quan hệ giữa hệ thống lãnh thổ du lịch và vùng du lịch tương tự như quan hệ giữa tổng hợp sản xuất - lãnh thổ và vùng kinh tế tổng hợp.

1.1.3. Hệ thống phân vị trong phân vùng du lịch‌

Hệ thống phân vị trong phân vùng du lịch rất khác nhau giữa các nước. Ở nước ta, trên phạm vi một quốc gia, TCLTDL có 5 cấp: điểm du lịch - trung tâm du lịch - tiểu vùng du lịch - á vùng du lịch - vùng du lịch.

- Điểm du lịch

Điểm du lịch là nơi tập trung một loại TNDL, một loại công trình riêng biệt phục vụ du lịch hoặc kết hợp cả hai ở quy mô nhỏ. Vì thế điểm du lịch có thể phân thành: điểm tài nguyên và điểm chức năng. Đây là cấp thấp nhất trong hệ thống phân vị. Về mặt lãnh thổ, điểm du lịch có quy mô nhỏ và là những điểm riêng biệt.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/01/2024