Bản Đồ Tổ Chức Lãnh Thổ Du Lịch Tỉnh Thái Nguyên

Hình 2 5 Bản đồ tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Thái Nguyên Người thành 1

Hình 2.5. Bản đồ tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Thái Nguyên

Người thành lập: Học viên Nguyễn Thị Thanh Thúy - Lớp CHK24

2.2.2.2. Một số hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch

a. Điểm du lịch

* Danh lam thắng cảnh

- Danh thắng quốc gia hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà

Hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà là một danh thắng nổi tiếng, đã được xếp hạng cấp quốc gia. Danh thắng nằm bên trái quốc lộ 1B (Thái Nguyên – Lạng Sơn) trên một núi đá lớn của dãy Phượng Hoàng, thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai. Nằm ở độ cao khoảng gần 500m so với chân núi, Phượng Hoàng là một hang castơ rộng lớn, cảnh đẹp kỳ lạ. Trong hang không khí trong lành, mát rượi. Đáy hang có nước trong veo, lại có bờ cát trắng mịn ven bờ nước. Khắp lòng hang, trên các các vách hang không biết bao nhiêu những nhũ đá được thiên nhiên tạo thành hình thù như những cột chống trời, mẹ bồng con, vũ nữ, voi chầu, kỳ lân, móng vuốt đại bàng… rất đẹp. Và sừng sững giữa lòng hang là khối nhũ đá khổng lồ hình chim con phượng hoàng trong tư thế giương cánh oai hùng.

Suối Mỏ Gà nằm ngay chân núi Phượng Hoàng, nước chảy giữa lòng hang trong vắt, mát lạnh. Hang khá rộng và rất sâu, cửa hang nước đổ xuống tạo thành một thác nước tung bọt trắng xóa giữa những khối đá lớn rồi đổ xuống cánh đồng Phú Thượng tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình.

- Hồ Suối Lạnh

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Nằm dưới chân núi Hàm Lợn của dãy Tam Đảo, thuộc xã Thành Công, huyện Phổ Yên với diện tích 48,8 ha, hồ Suối Lạnh có lợi thế để phát triển du lịch. Đặc biệt, bên hồ có suối nước trong, có đồi, có núi, có rừng cây tạo cảnh quan non xanh nước biếc thu hút khách gần xa.

- Hồ Vai Miễu

Nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, có diện tích mặt nước 39,4 ha, thuộc xã Ký Phú, huyện Đại từ. Mặt nước hồ xanh, có nhiều đảo đẹp, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ lại không xa di tích lịch sử cấp quốc gia Núi Văn – Núi Võ nên hồ Vai Miễu có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.

- Hồ Ghềnh Chè

Thuộc xã Bình Sơn, thị xã Sông Công, có diện tích 40 ha, được bao quanh bởi những cánh rừng bạch đàn, rừng mỡ bạt ngàn. Do cảnh quan đẹp, không khí trong

lành lại không xa trung tâm thành phố Sông Công và Thái Nguyên nên gần đây hồ được nhiều du khách đến du lịch, câu cá.

- Thác Nặm Rứt

Nghĩa tiếng Tày là thác Mưa rơi. Thác cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 35 km trên đường từ La Hiên đi vào Khu di tích Khảo cổ học Thần Sa. Vào mùa mưa, giữa vùng núi non hùng vĩ, trên đỉnh một núi đá vôi có nhiều cây rừng, những dòng nước trắng xóa ào ào đổ xuống dòng sông Nghinh Tường tạo nên thác lớn. Nhưng mùa khô, nước chỉ đủ để ngấm qua những mảng rêu trên vách đá, rơi xuống dòng sông xanh tạo nên sự lấp lánh khắp mặt sông dưới ánh nắng vàng. Nặm Rứt – thật là một thác nước đẹp hiếm thấy

- Thác Khuôn Tát

Người dân địa phương còn gọi là thác Bẩy Tầng, thuộc xóm Tỉn keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Nơi đầu nguồn suối Tỉn Keo, giữa đỉnh núi nhiều cây cổ thụ, một dòng nước ào ào đổ xuống các bậc đá tạo nên dòng thác bạc bẩy tầng. Đây thật là nơi lý tưởng để du ngoạn, bơi lội, cắm trại, dã ngoại. Thác Khuôn Tát đã được xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia năm 2002.

- Động Linh Sơn

Nằm ở núi Hột, còn gọi là động Hang Dơi, thuộc xóm núi Hột, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 4 km về phía Đông Bắc, gồm có hai hang đá rộng lớn: hang Thiên và hang Địa. Trong động có nhiều khối nhũ các cỡ giống hình tượng Phật, mẹ bồng con, voi, hổ, đôi rồng uốn lượn rất đẹp. Từ xưa dân chúng đã thờ Phật trong động. Thắng cảnh động Linh Sơn đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2009.

* Di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng

- Chùa Phủ Liễn

Là một điểm du lịch văn hoá tâm linh của nhân dân các địa phương lân cận, có lễ hội diễn ra hàng năm từ 10 - 15 tháng giêng, tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Lễ Phật cầu phúc, cầu tài, các trò chơi chọi gà, đánh đu, cờ tướng, bình thơ...

- Chùa Đán

Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 5km về phía tây, thuộc xóm Chùa, phường Thịnh Đán. Chùa xây trên đồi, kiến trúc lối chữ đinh, gồm nhà tiền đường,

hậu cung lợp ngói vẩy rồng. Chùa Đán là địa điểm tập kết của Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiều ngày 19/8/1945, để sáng sớm 20/8/1945 tiến đánh phát xít Nhật, giải phóng tỉnh lỵ Thái Nguyên. Chùa Đán được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2011.

- Đền Đội Cấn

Tại trung tâm thành phố Thái Nguyên gắn với tên tuổi của danh nhân lịch sử Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra vào đêm 30 rạng sáng ngày 31/8/1917, Trịnh Văn Cấn đã cùng Lương Ngọc Quyến lãnh đạo nghĩa quân gồm những binh lính yêu nước, tù chính trị, công nhân và thị dân. Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử cận đại Việt Nam một cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp đã chiếm được tỉnh lỵ, không những làm vang dội cả nước Việt Nam, mà còn làm rung động nước Pháp và ảnh hưởng tới các xứ thuộc địa của Pháp. Khởi nghĩa Thái Nguyên cùng tên tuổi Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến được ghi trong trang sử hào hùng của mảnh đất Thái Nguyên, của lịch sử dân tộc. Nhân dân ta đã dựng ngôi đền thờ để tưởng nhớ về danh nhân lịch sử Đội Cấn, một di tích lịch sử cấp quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng bảo tồn. Ngày nay, đài tưởng niệm ghi danh, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Thái Nguyên một công trình kiến trúc trang nghiêm trong quần thể Đội Cấn lịch sử - Văn hoá tại Trung tâm thành phố Thái Nguyên đã trở thành một điểm tham quan với du khách khi đến Thái Nguyên.

- Đình Hộ Lệnh

Đình được dựng thời nhà Lê, thuộc làng Hộ Lệnh, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình. Đình thờ thần Cao Sơn, Quý Minh, Tam Giang là các bộ tướng thời Hùng Vương và Dương Tự Minh – Thủ lĩnh phủ Phú Lương thời nhà Lý.

Đình có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm đại đình, hậu cung kết cấu bởi 48 cột gỗ lim. Các tác phẩm trang trí ở đây đều rất tinh xảo, đạt trình độ nghệ thuật cao. Đình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2007.

- Khu di tích khảo cổ học Thần Sa là một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi nghiên cứu về văn hóa khảo cổ học.

- Địa điểm công bố ngày thương binh liệt sỹ toàn quốc

Tối ngày 27/7/1947, trên bãi đất rộng có cây đa cổ thụ xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ đã diễn ra lễ công bố lấy ngày 27/7 hàng năm là ngày thương binh, liệt sĩ của nước ta. Địa điểm lịch sử này đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1997. Một công

trình lớn được nhà nước xây dựng tại nơi cội nguồn phát tích ngày Thương binh liệt sĩ để nhân dân cả nước đến thăm viếng, thắp hương “đời đời biết ơn” các anh hùng, liệt sỹ, thương binh đã vì nước mà đổ máu, hy sinh.

- Nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên

Gần cuối năm 1936 tại xã La Bằng, huyện Đại Từ, đồng chí Đặng Tùng – đảng viên của Đảng Cộng Sản Đông Dương – đã về nước kết nạp bốn quần chúng cách mạng ưu tú nhất ở La Bằng vào Đảng Cộng Sản Đông Dương. Cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh đã ra đời. Địa điểm này đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1999 và được tôn tạo, trở thành một địa chỉ đỏ - nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ hôm nay.

- Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Được thành lập năm 1960, tọa lạc giữa trung tâm thành phố, trên một vùng đất rộng khoảng 40.000m2 (cả khu trưng bày và ngoài trời). Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam là một công trình kiến trúc lớn, đẹp của thành phố Thái Nguyên và cả nước. Đây là nơi hội tụ đặc trưng của văn hóa các vùng, miền, là nơi lưu giữ và trưng bày hơn 3.000 hiện vật, tài liệu di sản văn hoá của 54 dân tộc Việt Nam, giới thiệu về truyền thống văn hóa, lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Việt Bắc. Hiện nay, Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam đã thu hút nhiều khách trong và ngoài nước đến thăm quan và tìm hiểu về bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam.

* Các vùng chè đặc sản

- Vùng chè đặc sản Tân Cương

Vùng chè đặc sản Tân Cương có diện tích 1.207 ha nằm ở các xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân phía tây thành phố Thái Nguyên. Nơi đây được coi là cái nôi của chè Thái. Trà Tân Cương có hương vị tự nhiên, màu nước xanh vàng, vị chát dịu, có hậu, vị ngọt còn lắng sâu trong vị giác người thưởng trà. Nghệ thuật thưởng trà đã trở thành nét đẹp văn hoá đặc sắc của nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Ngày 30 tháng 9 năm 2016 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ký Quyết định số 2538/QĐ- UBND về việc công nhận điểm du lịch địa phương: Vùng Chè đặc sản Tân Cương tỉnh Thái Nguyên.

- Không gian văn hóa Chè

Không gian Văn hoá Trà Thái Nguyên thuộc xóm Soi Vàng - Trung tâm vùng chè Tân Cương nổi tiếng, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 10km toạ lạc trên

khuôn viên diện tích 2,61 ha. Với ý tưởng chính là: “Chè trong dòng chảy văn hoá lịch sử”, toàn bộ không gian văn hoá trà được thiết kế mở tạo sự hài hòa giữa kiến trúc và không gian, cảnh quan vùng đất chè Tân Cương. Không gian này đóng vai trò như một bảo tàng qui mô nhỏ, ở đó khắc hoạ một câu chuyện về dòng đời của chè tại Thái Nguyên. Trong đó cây chè như một nhân chứng về lịch sử mang đậm nét văn hoá truyền thống của dân tộc: Truyền thống nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến chè để mang đến một thương hiệu đồ uống nổi tiếng - chè Tân Cương, Thái Nguyên. Chiếc ấm chè được đặt giữa không gian cây xanh, lấy chè làm nền với ý nghĩa nêu bật ý tưởng văn hoá trà cũng như tầm quan trọng của văn hoá trà Việt Nam.

- Vùng chè Trại Cài – Minh Lập

Thuộc Văn Lăng (Đồng Hỷ) cũng đã nổi tiếng từ lâu bởi hương vị thơm ngon đặc biệt của nó. Chè ở vùng này cũng mang đầy đủ dư vị chỉ riêng chè Thái mới có. Đó là mùi hương cốm bay, nước sánh vàng mật ong, đắng, ngọt, chát, thơm hòa quyện làm quyến rũ lòng người.

- Vùng chè Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô (Phú Lương)

Đây là một trong những vùng chè tập trung có diện tích lớn. Chè được thu hái gần như quanh năm do được tưới bởi nguồn nước sông Cầu chở nặng phù sa. Vào các ngày chợ phiên, khách hàng trong và ngoài tỉnh về mua chè đông như trẩy hội.

- Vùng chè La Bằng (Đại Từ)

Với diện tích trồng chè 220 ha, chất lượng chè thơm ngon nổi tiếng thu hút du khách gần xa. Đặc biệt nơi đây còn có kinh nghiệm làm chè đông đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2011, Liên hoan Trà quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam diễn ra tại thành phố Thái Nguyên, trong dịp diễn ra Liên hoan, nhân dân các dân tộc thành phố Thái Nguyên được thưởng thức những nét đẹp văn hóa, những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được giao lưu để hiểu biết thêm về văn hóa trà của các địa phương và của bạn bè quốc tế cùng với những tình cảm tốt đẹp của đất và người Thái Nguyên, để lại dấu ấn đẹp đẽ trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế. Nhằm bảo tồn, tôn vinh các giá trị đặc sắc của văn hoá trà Thái Nguyên, từng bước mở rộng giao lưu văn hoá và hội nhập quốc tế, Thành phố tiếp tục thực hiện Đề án do UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai: “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể tại Fetivanl trà quốc tế Thái Nguyên 2011”.

Những nét đẹp văn hóa của các dân tộc thành phố Thái Nguyên luôn được lưu giữ và đang hòa vào nhịp sống mở cửa hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

- Bảo tồn Làng Nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải

Được xây dựng từ năm 2003 đến nay, từ một vùng đất cằn cỗi, chỉ toàn cỏ cây hoang dại, những chủ nhân của làng nhà sàn Thái Hải đã biến nơi đây trở thành một không gian sinh thái lý tưởng, đầy sức sống.

Trong khuôn viên diện tích 70ha có hồ cá, đồi cây 10ha đã được phủ xanh, nương chè đâm chồi nảy lộc, những ruộng lúa, vườn rau xanh mướt, trâu thủng thẳng gặm cỏ trên bờ, những chùm cây dại trổ bông, hoa chuối nở đỏ rực cả một góc vườn… Ở đây, môi trường trong lành, nhiệt độ cũng được điều hòa bởi chính cây xanh. Mùa hè, bước vào làng đã thấy những làn gió mát thổi về, dịu đi cái nắng nóng bỏng. Mùa đông, những tán cây như chắn những cơn gió bắc thổi về, làm nơi đây ấm hơn. Với sự hòa hợp cùng thiên nhiên đã tạo nên một khung cảnh đặc trưng giống như những mái nhà Tày - Nùng của miền đất trung du này.

Điều thú vị nhất ở đây chính là mọi hoạt động sản xuất đề mang tính tự cung tự cấp. Ở đây có đồng bào dân tộc Tày, Nùng cũng quây quần làm ăn, sinh sống. Họ trồng rau, cấy lúa, nuôi cá, chăn thả gia súc, sản xuất nước uống đóng chai, trồng và chế biến chè xanh, tự nấu rượu theo đúng đặc trưng của dân tộc mình. Mọi hoạt động đều gắn với sinh thái, để đảm bảo không tác động tới môi trường và duy trì nguồn thực phẩm sạch, bổ dưỡng để sử dụng.

- Ngày 31 tháng 7 năm 2014 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ký Quyết định số 1648/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch địa phương: Khu bảo tồn Làng Nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải.

Bảng đánh giá xếp loại và kết quả đánh giá mức độ thuận lợi của các điểm du lịch tỉnh Thái Nguyên thể hiện trong phần phụ lục.

b. Khu du lịch

- Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Núi Cốc

Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 18km về phía Tây. Diện tich hồ khoảng 25km2, có đến 89 hòn đảo lớn nhỏ. Núi Cốc là tên gọi một vùng đất, vùng hồ thấm đẫm chất huyền thoại về câu chuyện tình thủy chung giữa nàng Công, chàng Cốc. Họ yêu nhau nhưng không thành, một người ra đi nước mắt chảy thành sông,

người kia chờ đợi mỏi mòn hóa thành núi. Và chính trên con sông Công huyền thoại người ta đã cho xây dựng Hồ Núi Cốc, một hồ nước nhân tạo mang vẻ đẹp tự nhiên và trở thành một điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Nguyên.

Đến với Hồ Núi Cốc cái thú nhất là được du thuyền trên hồ. Giữa mênh mang sóng nước, thấp thoáng vô số các đảo nổi, đảo chìm như đảo Tiên Nằm, đảo Cò, đảo Khỉ… Đặc biệt du khách không thể không ghé thăm chùa thiêng Thác Vàng nằm trọn trong lòng bức tượng phật Thích Ca Mâu Ni khổng lồ sừng sững giữa núi rừng, hướng mặt ra hồ. Bên cạnh đó ở đây còn nhiều loại hình vui chơi giải trí ấn tượng có tính giáo dục sâu sắc mà hấp dẫn như: Công viên cá Sấu, công viên nước, sân khấu nhạc nước, huyền thoại cung, chuyện tình ba cây Thông, chùa Thiêng Thác vàng…

Từ khu du lịch Hồ Núi Cốc nối tuyến, tiếp tục hành trình tham quan khu di tích lịch sử Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang…).

- Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa

Đến với Thái Nguyên, chúng ta còn được hành trình về nguồn thăm thủ đô gió ngàn, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hoá, tự hào về thủ đô kháng chiến, nơi vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ chọn làm an toàn khu từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp. Vùng ATK Định Hóa bao gồm toàn bộ huyện Định Hóa của tỉnh Thái Nguyên.

Từ năm 1947 đến năm 1954, chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng... đều đặt đại bản doanh ở Định Hóa để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tại đây nhiều quyết định liên quan đến vận mệnh dân tộc đã ra đời.

Là trung tâm Thủ đô gió ngàn của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, những tên xóm, tên làng, tên rừng, tên núi, tên sông, tên suối của ATK Định Hóa đã đi vào huyền thoại, trở thành niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Những dấu son lịch sử liên quan đến sự kiện Bác Hồ về ATK Định Hóa - Thái Nguyên và tình cảm của Bác Hồ với người dân Thái Nguyên là những sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam, để từ đó mỗi chúng ta nỗ lực cống hiến, dựng xây đất nước trên con đường phát triển, hội nhập. Di tích ATK Định Hóa đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/04/2023