“Báo cáo tổng hợp quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn 2025” (2012) đã đánh giá hiện trạng và nguồn lực phát triển, đánh giá kết quả phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2000 - 2010 và đưa ra quy hoạch tổng thể đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong báo cáo này, việc tổ chức không gian du lịch có điểm đáng lưu ý là đề cập đến tính liên kết vùng trong phát triển du lịch của tỉnh, gắn du lịch Phú Yên với du lịch của các tỉnh lân cận, với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, báo cáo chưa chỉ ra một cách cụ thể và rõ ràng cơ sở cho liên kết vùng, định hướng cũng như giải pháp để thực hiện sự liên kết.
Năm 2011, nhân kỷ niệm Phú Yên 400 năm và năm du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên đã cho xuất bản cuốn sách song ngữ Anh - Việt: “Du lịch Phú Yên”. Cuốn sách đã miêu tả một cách chi tiết và hấp dẫn các địa điểm du lịch trong tỉnh, các lễ hội lớn trong năm, nhạc cụ truyền thống, các làng nghề, các đặc sản ẩm thực… Đây thực sự là cuốn cẩm nang quan trọng để quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh Phú Yên đến du khách trong và ngoài nước. Cũng trong dịp này, tỉnh cũng đã thành lập “Bản đồ du lịch Phú Yên” phục vụ công tác nghiên cứu cũng như khai thác du lịch tỉnh.
Những đề tài nghiên cứu nói trên đã có những đóng góp đáng kể cho công tác quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, dưới góc độ TCLT vẫn chưa có một đề tài nghiên cứu độc lập, có chăng chỉ là một phần trong các nghiên cứu. Trong luận văn “Tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Phú Yên”, tác giả có dịp được nghiên cứu sâu hơn vấn đề này và có sự kế thừa của những tác giả đi trước.
4. Các quan điểm và phương pháp nghiên cứu
4.1 Các quan điểm nghiên cứu
- Quan điểm tổng hợp lãnh thổ: Hệ thống lãnh thổ du lịch được tạo thành bởi nhiều yếu tố: tự nhiên, văn hoá, lịch sử, con người. Chúng có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau. Các yếu tố tự nhiên của Phú Yên khá đa dạng từ địa hình, khí hậu, cảnh quan... Các yếu tố văn hoá lịch sử rất độc đáo, mang đặc trưng riêng. Tất cả những yếu tố đó luôn được xem xét, đánh giá trong mối quan hệ tổng thể. Quan điểm tổng hợp lãnh thổ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về du lịch tỉnh Phú Yên.
- Quan điểm hệ thống: Mỗi một lãnh thổ du lịch có mối tương quan với cấp phân vị cao hơn và thấp hơn. Du lịch Phú Yên là một bộ phận của du lịch Nam Trung Bộ. Trong khu vực, Phú Yên còn được xem như chiếc cầu nối giữa các tuyến du lịch Bắc - Nam, Đông - Tây. Quan điểm hệ thống cho phép phân tích, tổng hợp và xác định mối quan hệ hữu cơ giữa việc phát triển du lịch trong hoạt động sử dụng tài nguyên và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) tỉnh Phú Yên, cho thấy mối tương quan giữa lãnh thổ du lịch tỉnh Phú Yên với lãnh thổ du lịch ở cấp vùng, quốc gia cũng như ở cấp thấp hơn như cụm, tuyến, điểm.
- Quan điểm lịch sử: Vận dụng quan điểm lịch sử trong nghiên cứu lãnh thổ du lịch tỉnh Phú Yên để tìm hiểu nguồn gốc phát sinh, quá trình phát triển theo thời gian và không gian trên từng địa bàn cụ thể, trên cơ sở đó hiểu rõ những sự kiện có thật trong lịch sử để rút ra được những bài học kinh nghiệm áp dụng cho hoạt động du lịch. Quán triệt quan điểm lịch sử để có được những nhận định, những dự báo phát triển không sai lệch và TCLTDL mang tính thực tiễn, gắn với xu thế phát triển chung của cả nước.
Có thể bạn quan tâm!
- Tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Phú Yên - 1
- Tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Phú Yên - 2
- Sơ Đồ Hệ Thống Lãnh Thổ Du Lịch (M.bưchơvarốp, 1975)
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Tổ Chức Lãnh Thổ Du Lịch
- Tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Phú Yên - 6
Xem toàn bộ 228 trang tài liệu này.
- Quan điểm phát triển bền vững: Quan điểm này được xuyên suốt trong nội dung của luận văn. Giáo sư Raoul Blanchard (Grenoble 1890) cho rằng: “Du lịch là một ngành kinh doanh, kinh doanh các danh lam thắng cảnh của đất nước”[dẫn theo 15, trang 8]. Việc kinh doanh này đã dẫn đến việc gia tăng các thiệt hại về môi trường như ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, tài nguyên du lịch bị xâm hại… Do đó cần phải tính đến yếu tố phát triển bền vững khi sử dụng tài nguyên du lịch, có nghĩa là phải tính đến hậu quả lâu dài sẽ nảy sinh trong tương lai. Ngày nay, phát triển bền vững là xu thế của nhân loại và du lịch Phú Yên cũng không nằm ngoài xu thế đó. Đứng trên góc độ này, TCLTDL tỉnh Phú Yên cần tính đến cách sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường sao cho hiệu quả nhất.
4.2. Các phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp thu thập, phân tích và tổng hợp tài liệu: Đây là phương pháp quan trọng và xuyên suốt trong quá trình thực hiện luận văn. Việc phân tích, phân loại và tổng hợp tài liệu liên quan sẽ giúp ta hiểu biết về những nghiên cứu trong quá khứ và hiện tại ở phạm vi địa phương và cả nước, phát hiện ra những vấn đề đã nghiên cứu
cũng như những vấn đề còn đang bỏ ngỏ. Trên cơ sở những tài liệu phong phú đó, việc tổng hợp sẽ giúp chúng ta có một tài liệu toàn diện, khái quát về vấn đề nghiên cứu. Đặc biệt hiện nay, việc khai thác các nguồn tài liệu qua mạng internet có vai trò quan trọng trong việc tổng hợp các nghiên cứu liên quan. Thu thập, phân tích và tổng hợp tài liệu từ các nguồn đáng tin cậy còn cung cấp cho ta những số liệu, những thông tin có giá trị phục vụ cho đề tài nghiên cứu. Trong luận văn, phương pháp này được tác giả sử dụng nhiều trong Phần mở đầu: Mục 3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề; Chương 1: Mục 1.1. Cơ sở lý luận của tổ chức lãnh thổ du lịch.
- Phương pháp phân tích số liệu thống kê: Nghiên cứu hoạt động du lịch có rất nhiều số liệu ở nhiều lĩnh vực như lực lượng lao động, số lượng cơ sở lưu trú, lượng khách, doanh thu, vốn đầu tư... Các số liệu đó đều mang tính định lượng. Nghiên cứu, phân tích các số liệu này để có những nhận định, đánh giá khoa học, phù hợp với thực tế. Các số liệu được sử dụng trong luận văn chủ yếu từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục du lịch, Niên giám Thống kê tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên cung cấp. Trên cơ sở nguồn số liệu đó tác giả tiến hành xử lí, phân tích để có những dự báo phù hợp, đồng thời có thể xây dựng được bản đồ, biểu đồ và đưa ra được những kết luận chân thực, chính xác. Trong luận văn, phương pháp này được tác giả dùng nhiều ở Chương 2: Mục 2.2.1.1. Khách du lịch; 2.2.1.2. Doanh thu du lịch; 2.2.1.3. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; 2.2.1.4. Lao động trong ngành du lịch.
- Phương pháp nghiên cứu thực địa: Địa lí học nói chung và địa lí du lịch nói riêng luôn gắn mình với thực tiễn. Để hoàn thành luận văn, tác giả đã tiến hành khảo sát hầu hết các điểm du lịch trọng yếu của tỉnh. Đây là cơ sở để đánh giá cụ thể các điểm, cụm, tuyến du lịch bằng điểm số. Phương pháp này giúp người nghiên cứu tiếp cận vấn đề một cách chủ động, sát sao, có hiểu biết thực sự, tránh những ý kiến chủ quan và gắn nghiên cứu với thực tiễn. Phương pháp này được tác giả thể hiện rõ trong Chương 2: Mục 2.2.2 Thực trạng phát triển du lịch theo lãnh thổ.
- Phương pháp bản đồ: Việc trình bày những dữ kiện du lịch trên bản đồ là rất cần thiết. Điều này giúp nắm được những thông tin quan trọng, đáp ứng cho việc đi lại, tham quan, giải trí, ăn ở… Để xây dựng được bản đồ cho luận văn, đề tài có sử dụng
bản đồ chuyên đề như bản đồ hành chính, bản đồ giao thông vận tải, dân cư, tài nguyên du lịch... và các số liệu nghiên cứu. Phương pháp này được áp dụng với sự trợ giúp của hệ thống thông tin địa lí GIS. Trong luận văn, tác giả đã xây dựng các bản đồ: Bản đồ Hành chính tỉnh Phú Yên; Bản đồ Tài nguyên du lịch tỉnh Phú Yên; Bản đồ Hiện trạng phát triển du lịch tỉnh Phú Yên; Bản đồ Tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Phú Yên.
- Phương pháp thang điểm tổng hợp: Trong quá trình nghiên cứu tổ chức lãnh thổ du lịch, tác giả đã sử dụng phương pháp thang điểm tổng hợp. Mỗi hình thức TCLTDL cấp tỉnh đều có tiêu chí đánh giá cụ thể. Nghiên cứu đã lựa chọn các tiêu chí phù hợp để đánh giá, mỗi tiêu chí có các thang điểm đánh giá khác nhau. Việc đánh giá bao gồm chọn các tiêu chí đánh giá, xác định thang điểm cho các tiêu chí, xác định trọng số cho các tiêu chí, tính điểm cho các tiêu chí cụ thể và đưa ra thang điểm tổng hợp. Dựa vào phương pháp này, việc đánh giá điểm cho mỗi hình thức TCLTDL đảm bảo tương đối khách quan, dễ thực hiện, có thể nhìn một cách nhanh chóng và toàn diện những tiềm năng của các điểm, cụm, tuyến du lịch. Phương pháp này được tác giả thể hiện rõ trong Chương 1: Mục 1.1.6. Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá các hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch cấp tỉnh; Chương 2: Mục 2.2.2.Thực trạng phát triển du lịch theo lãnh thổ.
- Phương pháp dự báo: Công tác dự báo dựa trên cơ sở thực tiễn, những tiềm năng du lịch, chiến lược phát triển KTXH của tỉnh, phương hướng, nhiệm vụ phát triển ngành du lịch của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Yên. Các tính toán dự báo ở 3 phương án: thấp, trung bình và cao. Phương pháp này được tác giả thể hiện rõ trong Chương 3: Mục 3.1.2. Định hướng phát triển du lịch Phú Yên theo ngành.
5. Những đóng góp của luận văn
- Tổng quan có chọn lọc các nghiên cứu ở Việt Nam và trong tỉnh liên quan đến TCLTDL và vận dụng chúng vào việc nghiên cứu TCLTDL tỉnh Phú Yên.
- Xây dựng được hệ thống tiêu chí đánh giá các hình thức TCLTDL: điểm, tuyến, cụm du lịch để áp dụng vào địa bàn nghiên cứu.
- Phân tích nguồn lực và thực trạng phát triển du lịch, đánh giá TCLTDL qua các tiêu chí đã được xây dựng ở địa bàn tỉnh Phú Yên.
- Đề xuất được định hướng và các giải pháp cụ thể để TCLTDL tỉnh Phú Yên có hiệu quả hơn.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, luận văn gồm có 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tiễn của tổ chức lãnh thổ du lịch.
Chương 2: Các nhân tố ảnh hưởng và thực trạng tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh Phú Yên.
Chương 3: Định hướng tổ chức lãnh thổ du lịch Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các giải pháp thực hiện.
Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA TỔ CHỨC LÃNH THỔ DU LỊCH
1.1. Cơ sở lí luận của tổ chức lãnh thổ du lịch
1.1.1. Các khái niệm liên quan
- Du lịch
Từ xa xưa, du lịch đã xuất hiện và trở thành một hiện tượng khá quan trọng trong đời sống của con người. Ngày nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hoá, xã hội của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, có rất nhiều tác giả quan tâm đến du lịch và có nhiều khái niệm về du lịch.
Từ du lịch bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “Tonos” nghĩa là đi một vòng. Thuật ngữ này được Latinh hóa thành “Turnur” và sau đó thành “Tour” trong tiếng Pháp nghĩa là đi vòng quanh, cuộc dạo chơi, còn “Touriste” là người đi dạo chơi. Từ “Tourism” trong tiếng Anh xuất hiện từ khoảng năm 1800 và được quốc tế hóa. Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng từ du lịch bắt nguồn từ tiếng Pháp “le tour” chứ không phải là tiếng Hy Lạp. Tuy còn chưa thống nhất về nguồn gốc thuật ngữ “du lịch” nhưng có một điểm chung là nội hàm thuật ngữ này nói đến chuyến hành trình từ nơi này đến nơi khác và có quay trở lại.
Năm 1811, định nghĩa về du lịch lần đầu tiên xuất hiện tại nước Anh: “Du lịch là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lý thuyết và thực hành của các cuộc hành trình với mục đích giải trí” [dẫn theo 41, trang 5].
Năm 1930, Clusman (Thụy Sỹ) cho rằng: “Du lịch là sự chinh phục không gian của những người đến một địa điểm mà ở đó họ không có chỗ cư trú thường xuyên” [dẫn theo 41, trang 6].
Năm 1951, Giáo sư Hunziker (Thuỵ Sĩ) đã đưa ra khái niệm: “Du lịch là tổng thể các hiện tượng và các mối liên hệ phát sinh từ chuyến đi khỏi nơi thường trú và không liên quan với các hoạt động kiếm sống” [dẫn theo 15, trang 12].
Năm 1985 I.I Pirojnik định nghĩa: “Du lịch là một hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi liên quan tới sự di chuyển và lưu lại tạm thời bên ngoài nơi thường trú nhằm nghỉ ngơi, chữa bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao trình độ nhận
thức văn hoá hoặc thể thao kèm theo việc tiêu thụ những giá trị về tự nhiên, kinh tế và xã hội” [dẫn theo 41, trang 6].
Năm 1991, tại Otawa (Canada), Hội nghị quốc tế về Thống kê Du lịch đưa ra định nghĩa: “Du lịch là hoạt động của con người đi tới một nơi ngoài môi trường thường xuyên (nơi ở thường xuyên của mình), trong một khoảng thời gian ít hơn khoảng thời gian đã được các tổ chức du lịch quy định trước, mục đích của chuyến đi không phải để thực hiện các hoạt động kiếm tiền trong phạm vi vùng đến thăm” [dẫn theo 41, trang 6]
Năm 1993, Hội nghị lần thứ 27 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đưa ra khái niệm du lịch thay thế cho khái niệm năm 1963: “Du lịch là hoạt động về chuyến đi đến một nơi khác với môi trường sống thường xuyên của con người và ở lại đó để tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hay các mục đích khác ngoài hoạt động để có thù lao ở nơi đến với thời gian liên tục ít hơn một năm” [dẫn theo 41, trang 6].
Luật Du lịch Việt Nam (2005), chương I, điều 4, khoản 1 định nghĩa: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thoả mãn nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định” [44].
Như vậy có thể thấy có rất nhiều quan niệm khác nhau về du lịch ở từng nơi, từng thời điểm và từng tác giả nghiên cứu. Theo thời gian những quan niệm về du lịch cũng thay đổi và hoàn thiện hơn. Ở nước ta, quan niệm “du lịch” trong Luật Du lịch Việt Nam (2005) là được thừa nhận rộng rãi hơn cả. Tuy có nhiều cách nhìn khác nhau nhưng nhìn chung, du lịch được hiểu là một dạng hoạt động của con người liên quan đến việc di chuyển chỗ ở đến một nơi khác trong một khoảng thời gian ngắn để thoả mãn việc nghỉ ngơi, giải trí, tìm hiểu, khám phá... Du lịch là một hoạt động đặc thù có nhiều thành phần tham gia, tạo thành một tổng thể hết sức phức tạp. Hoạt động du lịch vừa có đặc điểm kinh tế, vừa có đặc điểm văn hóa - xã hội.
Trong xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ, trên thế giới những năm gần đây xuất hiện nhiều khái niệm mới về du lịch: du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch bền vững, du lịch cộng đồng...
Du lịch sinh thái: Định nghĩa tương đối hoàn chỉnh về du lịch sinh thái lần đầu
tiên được Hector Ceballos – Lascurain đưa ra năm 1987: “Du lịch sinh thái là du lịch đến những khu vực tự nhiên còn ít bị thay đổi, với những mục đích đặc biệt: nghiên cứu, tham quan với ý thức trân trọng thế giới hoang dã và những giá trị văn hóa được khám phá” [dẫn theo 12, trang 8].
Từ đó đến nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về du lịch sinh thái của các nhà nghiên cứu. Tại Việt Nam, Hội thảo về “Xây dựng chiến lược phát triển Du lịch sinh thái ở Việt Nam” đã đưa ra định nghĩa: “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa, gắn giáo dục với môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương” [12, trang 11].
Du lịch văn hoá: “Du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hoá dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống” [44].
Mục đích của du lịch văn hoá là nâng cao hiểu biết cho cá nhân, thoả mãn nhu cầu được hiểu biết về văn hoá, lịch sử, kiến trúc, kinh tế - xã hội, lối sống và phong tục tập quán của đất nước đến du lịch.
Du lịch bền vững:
Theo WTO: “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người” [dẫn theo 25, trang 22].
Theo luật du lịch Việt Nam (2005): “Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai” [44].
Du lịch cộng đồng: Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch của người dân địa phương. Họ tham gia làm du lịch cùng với một tổ chức kinh tế nào đó (có thể cả với tổ chức nước ngoài) nhằm khai thác những lợi thế (cả tự nhiên và KTXH) để tăng thu