Cơ Sở Phương Pháp Luận Và Phương Pháp Nghiên Cứu 76777

Nguyễn Cao Lũy, Nguyễn Tiến Cường cũng trình bày một số vấn đề liên quan đến HĐNK được đề cập ở trong chương 11. Trong đó, đã nhấn mạnh tác dụng của HĐNK trong nhiệm vụ giáo dục, giáo dưỡng HS “Hoạt động ngoại khóa có tác dụng không thường xuyên bằng nội khóa, nhưng lại có nhiều thuận lợi hơn trong việc gắn nhà trường với đời sống, với các sinh hoạt xã hội”, tr.100. Các tác giả cũng đã đưa ra các hình thức ngoại khóa gồm: Đọc sách, tham quan, nghe nói chuyện lịch sử, gặp gỡ nhân chứng, dạ hội lịch sử và hoạt động xã hội, phổ biến tri thức lịch sử và nghiên cứu lịch sử địa phương.

Trong cuốn Công tác ngoại khóa môn Lịch sử ở trường phổ thông cấp II và cấp III (NXB GD, HN 1968) của Phan Ngọc Liên đã trình bày một số vấn đề lí luận về HĐNK đã được hệ thống lại, các hình thức của công tác ngoại khóa môn Lịch sử như đọc sách, kể chuyện, nói chuyện lịch sử, công tác công ích xã hội, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, chỉnh lí biên soạn lịch sử địa phương,….

Trong các giáo trình “Phương pháp dạy học lịch sử(NXB GD, HN 1992) do Phan Ngọc Liên chủ biên cũng khẳng định hoạt động ngoại khóa đóng vai trò quan trọng “có tác động to lớn” đối với việc dạy học lịch sử ở trường phổ thông. Các tác giả đề ra các hình thức, cách thức tổ chức ngoại khóa để mang lại hiệu quả cao nhất.

Cuốn sách “Hệ thống thao tác sư phạm trong dạy học lịch sử ở trường THPT” (Nxb Đại học Quốc gia, 1999) của tác giả Kiều Thế Hưng đã nhấn mạnh các hoạt động ngoại khóa nằm trong chương trình được quy định chứ không phải là việc làm tùy tiện. Ngoại khóa không chỉ làm cho học sinh hiểu sâu sắc hơn các kiến thức đã học mà còn giúp vận dụng kiến thức thu được trong nhà trường vào cuộc sống. Tuy nhiên, đây là công việc đòi hỏi lòng nhiệt tình và khả năng hoạt động sáng tạo của đông đảo giáo viên quan tâm đến vấn đề mang đặc trưng nghề nghiệp này.

Trong cuốn “Rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ sư phạm môn lịch sử(NXB ĐHSP, HN 2011) của các tác giả Nguyễn Thị Côi, Trịnh Đình Tùng, Trần Viết

Thụ, Nguyễn Mạnh Hưởng, Đoàn Văn Hưng, Nguyễn Thị Thế Bình cho rằng tổ chức công tác công ích xã hội trong dạy học lịch sử cho học sinh là một biện pháp thực hiện nhiệm vụ dạy học. Tổ chức tốt công tác này sẽ góp phần củng cố làm sâu sắc tri thức lịch sử, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, phát huy năng lực nhận thức độc lập phát triển hứng thú và năng lực thực hành cho học sinh.

Công trình Các con đường biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử ở trường phổ thông của tác giả Nguyễn Thị Côi (NXB ĐHSP, HN 2006, tái bản bổ sung các năm 2008, 2009, 2011) đã khẳng định vai trò của HĐNK bộ môn Lịch sử ở trường THPT là một biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử như làm phong phú, sâu sắc thêm kiến thức lịch sử, bổ sung thêm các vấn đề lịch sử địa phương… Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra những hình thức dạy học ở bảo tàng, thực địa, tham quan… Đây là những gợi mở cho chúng tác giả trong quá trình nghiên cứu về những biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học bộ môn Lịch sử ở trường THPT.

Ngoài ra, vấn đề ngoại khóa còn được đề cập nhiều trên các tạp chí chuyên ngành trong đó có nhiều bài viết có giá trị góp phần làm phong phú những vấn đề lý luận và thực tiễn của công tác ngoại khóa lịch sử như Tạp chí nghiên cứu giáo dục số 6, 1994 các tác giả Trần Đức Minh, Đặng Công Lộng viết: “Lịch sử là một khoa học gắn liền với cuộc đấu tranh xã hội và phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị”. Vì vậy, dạy học lịch sử cần kết hợp học với hành thông qua các biện pháp thực hành bộ môn, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống. Tác giả Nguyễn Mạnh Hưởng trong bài Công nghệ thông tin và truyền thông với vấn đề đổi mới phương pháp dạy học lịch sử ở trường phổ thông (Tạp chí Giáo dục, 2008, Số 185, tr.41-43) đã có những gợi mở trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học lịch sử nói chung và HĐNK nói riêng. Tác giả Phạm Thị Ái Vân, Trò chơi lịch sử và vai trò của chúng trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông (Tạp chí Giáo dục, Số 254, tr.37-39,

2011) đã giới thiệu những hình thức tổ chức trò chơi lịch sử trong dạy học lịch sử nói chung và trong HĐNK nói riêng. Trong bài Hướng dẫn tổ chức dạ hội Lịch sử ở trường phổ thông (qua ví dụ về chiến thắng Điện Biên Phủ - 1954) (Tạp chí Dạy & học ngày nay, Số 9, tr.44- 47, 2015) tác giả Nguyễn Mạnh Hưởng đã có những hướng dẫn chi tiết về cách thức tổ chức dạ hội lịch sử ở trường phổ thông,….

Như vậy, về vai trò của hoạt động ngoại khóa được các tác giả đưa ra một cách cụ thể, ngoài ra các quan niệm như dạy học nêu vấn đề, dạy học liên môn, dạy học lấy học sinh làm trung tâm cũng được nghiên cứu và trình bày trong nhiều công trình khoa học. Tất cả những vấn đề trên đều nhằm chung một mục đích đó là đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử ở trường phổ thông, hình thành hứng thú học tập bộ môn cho các em. Do đó, trong cuốn: “Kinh nghiệm giảng dạy theo chủ đề gây hứng thú học tập lịch sử” đã nêu một số kinh nghiệm gây hứng thú theo chủ đề trong dạy học lịch sử.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 141 trang tài liệu này.

Luận văn của Thạc sỹ Nguyễn Thanh Bình “Bước đầu tìm hiểu nguyên nhân gây hứng thú học tập bộ môn tâm lý học của sinh viên khoa học tự nhiên Đại học sư phạm Hà Nội” tác giả Nguyễn Thanh Bình đã nghiên cứu về nguyên nhân và biện pháp gây hứng thú học tập bộ môn Tâm lý cho sinh viên các ngành khoa học tự nhiên.

Để tạo ra hứng thú có nhiều con đường và biện pháp khác nhau. Trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử ở các trường PTTH khu vực miền núi phía Bắc” do TS Đỗ Hồng Thái chủ nhiệm đặt ra vấn đề dạy học lịch sử gắn liền với thực tiễn. Theo tác giả “Kiến thức lịch sử được liên hệ với thực tiễn luôn tạo ra hứng thú học tập cho học sinh, nó còn là sự gợi ý để các em tìm tòi, khám phá nhiều hiện tượng trong đời sống thường ngày”.

Tổ chức hoạt động ngoại khóa trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông Thanh Hà – Hải Dương Nhân kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - 3

Với mong muốn tạo cho học sinh hứng thú học tập từ nhiều hướng khác nhau Trong tạp chí giáo dục số 258 Kỳ 2 tác giả Nguyễn Thị Thế Bình

đề cập đến “Tạo hứng thú tự học bộ môn Lịch sử cho học sinh” theo tác giả hình thành và phát triển kỹ năng tự học cho học sinh đòi hỏi nhiều yếu tố trong đó xác định nhu cầu, động cơ, kích thích hứng thú học tập là yếu tố quan trọng đầu tiên có tính quyết định hiệu quả tự học của học sinh. Theo đó, khi học sinh có nhu cầu, hứng thú, động cơ và tính tự giác trong học tập là cơ sở cho việc hình thành kỹ năng tự học của các em, để khơi dậy ở học sinh nhu cầu, hứng thú và động cơ tự học đúng đắn giáo viên cần làm cho học sinh biết tự động viên mình, làm cho tự mình cảm thấy cần thiết và bắt tay vào việc học, xác định tầm quan trọng của tự học và hứng thú học tập.

Kỷ yếu hội thảo năm 2012 tác giả Phạm Đình Kha và Lương Hữu Nga (Đà Nẵng) đề cập đến vấn đề “ Gây hứng thú học tập cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy học lịch sử ở trường phổ thông hiện nay”. Theo các tác giả tình trạng “báo động đỏ” về chất lượng dạy học lịch sử ở trường phổ thông có nhiều nguyên nhân khác nhau và cũng đã có nhiều giải pháp nhưng “gây hứng thú học tập cho học sinh là giải pháp hàng đầu vì mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động học tập, nếu không hứng thú thì hoạt động học tập sẽ thiếu tính tích cực, thiếu chủ động, sáng tạo để làm chủ quá trình khám phá, chiếm lĩnh tri thức. Hoạt động với tinh thần sảng khoái, hứng thú chắc chắn kết quả sẽ đạt như mong muốn”.

Cũng trong kỷ yếu Hội thảo năm 2012 các tác giả TS Trần Quốc Tuấn và Thạc sỹ Nguyễn Văn Phúc nêu vấn đề “Định hướng nhiệm vụ nhận thức trong dạy học lịch sử ở trường THPT nhằm kích thích hứng thú học tập cho học sinh, tác giả cho rằng, trong học tập, hứng thú giúp cho người học chiếm lĩnh tri thức nhanh hơn, sâu sắc hơn, làm khơi dậy trong lòng người học mong muốn và khao khát nhận thức. Từ đó, người học trở nên tích cực, độc lập và đầy sáng tạo trong hoạt động học tập của mình. Trong đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử hiện nay, hứng thú học tập là “chìa khóa vàng” cần thiết để học sinh vượt khỏi tính áp đặt của cách học truyền thống, hướng đến cách học tích cực.

Luận án “Tạo biểu tượng về hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh qua dạy học lịch sử Việt Nam lớp 12 THPT” (1919 - 1969) Nghiên cứu sinh Đặng Văn Hồ đi sâu nghiên cứu việc tạo biểu tượng về hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh và đề ra các biện pháp sư phạm để tạo biểu tượng về Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao hiệu quả bài học một cách toàn diện.

Luận án “Đổi mới hoạt động ngoại khóa trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông (vận dụng qua dạy học ở tỉnh Nghệ An)” của Phạm Tiến Đông, bảo vệ tại Đại học sư phạm Hà Nội năm 2019 đã trình bày những vấn đề cơ bản về HĐNK lịch sử ở trường trung học phổ thông, đề xuất một số đổi mới trong hình thức tổ chức HĐNK ở trường trung học phổ thông.

Một số luận án, luận văn sau đại học và các khóa luận tốt nghiệp của các nghiên cứu sinh và sinh viên khoa lịch sử đã lấy công tác ngoại khóa làm đề tài nghiên cứu. Trong các đề tài này các tác giả đều nghiên cứu lý luận ngoại khóa, trên cơ sở đó đề xuất một số hình thức hoạt động ngoại khóa mang lại kết quả tương đối khả quan.

Nhìn chung, trong các công trình nghiên cứu các tác giả mới đề cập đến một số hình thức nhất định và chỉ được thực hiện ở địa phương mà tác giả nghiên cứu. Về cơ bản các hình thức ngoại khóa còn tiến hành một cách chung chung, chưa đưa ra những biện pháp, chủ đề cụ thể để tiến hành hoạt động ngoại khóa. Do vậy, chưa trang bị cho giáo viên những biện pháp cụ thể để tổ chức tốt hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên những tài liệu này là nguồn tham khảo quan trọng giúp thực hiện luận văn này.

3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

3.1 Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của của đề tài là hoạt động ngoại khóa trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông Thanh Hà tỉnh Hải Dương.

3.2 Phạm vi nghiên cứu:

- Về lí luận dạy học Lịch sử: Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu các hình thức tổ chức hoạt động ngoại khóa trong quá trình dạy học lịch sử ở trường THPT.

- Phạm vi điều tra, thực nghiệm: Tổ chức thực nghiệm tại trường THPT

Thanh Hà – Hải Dương.

- Chương trình lịch sử Việt Nam lớp 12 ở trường THPT đặc biệt là dịp kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (1930-2020).

4. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu

4.1 Mục đích nghiên cứu

- Khẳng định vai trò, ý nghĩa của tổ chức hoạt động ngoại khóa trong việc phát huy năng lực trong học tập lịch sử của học sinh ở trường THPT.

- Đi sâu giới thiệu nội dung và biện pháp hướng dẫn vấn đề tổ chức ngoại khóa lịch sử và tiến hành thực nghiệm tổ chức một hoạt động ngoại khóa nhân kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam nhằm tạo hứng thú học tập lịch sử ở trường THPT góp phần nâng cao chất lương dạy và học bộ môn hiện nay.

4.2 Nhiệm vụ nghiên cứu:

Đề đạt được mục đích trên của đề tài chúng tác giả cần giải quyết những nhiệm vụ sau:

- Tìm hiểu được cơ sở lí luận về tổ chức hoạt động ngoại khóa, khái niệm, nội dung, yêu cầu, ý nghĩa, mục tiêu và các hình thức tổ chức ngoại khóa.

- Khai thác nội dung trong SGK lịch sử Việt Nam lớp 12 sự thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.

- Khảo sát thực trạng việc tổ chức hoạt động ngoại khóa trong học tập lịch sử của học sinh ở trường THPT hiện nay.

- Đề xuất các hình thức, biện pháp tổ chức hoạt động ngoại khóa trong dạy học lịch sử Việt Nam lớp 12 THPT về sự thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.

- Thực nghiệm sư phạm qua tổ chức hoạt động ngoại khóa về sự thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.

5. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cơ sở phương pháp luận

Cơ sở phương pháp luận chung của luận văn là vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục, đổi

mới PPDH nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, phát triển các năng lực chung và chuyên biệt của HS.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

- Các phương pháp nghiên cứu lí luận:

Tác giả sẽ sử dụng các thao tác của tư duy như: phân tích, tổng hợp, đánh giá các thông tin để phục vụ cho việc nghiên cứu cơ sở lý luận của đề tài.

- Các phương pháp nghiên cứu thực tiễn:

- Điều tra thực tiễn về việc tổ chức hoạt động ngoại khóa trong dạy học lịch sử ở trường THPT qua phiếu điều tra, lấy ý kiến giáo viên, học sinh; quan sát, đề xuất các hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là ngoại khóa về sự thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.

- Thực nghiệm sư phạm để đánh giá tính đúng đắn và khả thi của đề tài.

6. Giả thuyết khoa học

Nếu thực hiện tốt hoạt động ngoại khóa kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam trong dạy học lịch sử phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường thì sẽ góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy học lịch sử ở trường THPT hiện nay.

7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

7.1. Ý nghĩa khoa học

Làm phong phú thêm lí luận bộ môn Phương pháp dạy học lịch sử ở trường phổ thông về tổ chức hoạt động ngoại khóa trong dạy học lịch sử, góp phần nâng cao tính chủ động, hứng thú học tập của HS, tạo điều kiện thuận lợi cho GV nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

7.2. Ý nghĩa thực tiễn

- Giúp bản thân tác giả nắm vững lí luận đổi mới PPDH, đặc biệt là việc tổ chức hoạt động ngoại khóa trong dạy học lịch sử ở trường THPT. Kết quả nghiên cứu của đề tài là tài liệu tham khảo bổ ích giúp giáo viên vận dụng vào quá trình dạy học lịch sử ở trường THPT.

- Việc thực hiện đề tài cũng là một hình thức trao đổi kiến thức chuyên môn, rèn luyện nghiệm vụ sư phạm với các đồng nghiệp để nâng cao chất lượng dạy học tại địa phương.

8. Đóng góp mới của đề tài

- Khẳng định vai trò, ý nghĩa của việc tổ chức hoạt động ngoại khóa cho HS qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học Lịch sử ở trường THPT.

- Cung cấp thêm một số kết quả số liệu điều tra, khảo sát về thực trạng tổ chức hoạt động ngoại khóa trong dạy học lịch sử ở trường THPT nói chung và về kỉ niệm 90 năm ngay thành lập Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng.

- Đề xuất một số phương pháp có tính khả thi để giúp GV lựa chọn được PPDH phù hợp để phát triển năng lực cho HS trong dạy học Lịch sử Việt Nam lớp 12 ở trường THPT.

9. Cấu trúc của luận văn

Luận văn được cấu trúc gồm 2 chương:

Chương 1. Vấn đề tổ chức hoạt động ngoại khóa trong dạy học lịch sử ở trường THPT: Lý luận và thực tiễn.

Chương 2. Hình thức và biện pháp tổ chức hoạt động ngoại khóa môn lịch sử nhân kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam ở trường THPT Thanh Hà. Thực nghiệm sư phạm.

Xem tất cả 141 trang.

Ngày đăng: 31/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí