Dựa vào quan hệ sở hữu về vốn và tài sản, các doanh nghiệp được chia thành: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp tư nhân.
- Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước thành lập, đầu tư vốn và quản lý.
- Doanh nghiệp cổ phần là các doanh nghiệp có sự đan xen của các hình thức sở hữu khác nhau trong cùng một doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tư nhân là những doanh nghiệp do cá nhân đầu tư vốn và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cách phân loại này chỉ rõ quan hệ sở hữu vốn và tài sản trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đồng thời là một trong những căn cứ để nhà nước có chính sách kinh tế và định hướng phát triển phù hợp đối với từng loại hình doanh nghiệp.
Dựa vào mục đích kinh doanh, người ta chia doanh nghiệp thành doanh nghiệp hoạt động kinh doanh (vì mục tiêu lợi nhuận) và doanh nghiệp hoạt động công ích (không vì mục tiêu lợi nhuận).
- Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh là những doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo cơ chế thị trường với mục tiêu là thu lợi nhuận.
- Doanh nghiệp hoạt động công ích (thông thường là các doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước) là doanh nghiệp thành lập để thực hiện các hoạt động sản xuất, lưu thông hay cung ứng các dịch vụ công cộng, trực tiếp thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước hoặc thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Mục đích chính của các doanh nghiệp này là hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội nói chung.
Việc phân loại theo cách này là cơ sở để chọn tiêu thức đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và là căn cứ quan trọng để xác định chính sách tài trợ của Nhà nước.
Dựa vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp có thể được chia thành: doanh nghiệp tài chính và doanh nghiệp phi tài chính.
- Doanh nghiệp tài chính là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, là các tổ chức tài chính trung gian như các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, các công ty bảo hiệm v.v… Những doanh nghiệp này cung ứng cho nền kinh tế các dịch vụ tài chính, tiền tệ, bảo hiểm v.v.
- Doanh nghiệp phi tài chính là các doanh nghiệp lấy hoạt động sản xuất kinh doanh các hàng hóa và dịch vụ thông thường là chủ yếu.
Việc phân loại theo tiêu thức này nhằm chỉ ra được chức năng chủ yếu của từng loại doanh nghiệp. Chức năng chủ yếu của các doanh nghiệp tài chính là làm môi giới thu hút vốn, biến tiết kiệm thành đầu tư trong nền kinh tế, còn các doanh nghiệp phi tài chính có chức năng chủ yếu là cung cấp các sản phẩm hàng hóa dịch vụ phi tài chính để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Điều đó giúp Nhà nước có căn cứ để hoạch định các chính sách quản lý phù hợp với mỗi loại hình doanh nghiệp. Ví dụ: các doanh nghiệp phi tài chính thì hoạt động theo luật doanh nghiệp hay Luật doanh nghiệp Nhà nước, còn các doanh nghiệp tài chính thì hoạt động theo luật ngân hàng và các tổ chức tài chính. Tuy nhiên cách phân loại này cũng chỉ mang tính chất tương đối vì trong điều kiện thị trường bản thân các doanh nghiệp phi tài chính nhưng vẫn có thể cho các doanh nghiệp khác hoặc cá nhân vay tiền bằng cách bán chịu hàng hóa, các doanh nghiệp tài chính vẫn thành lập các công ty độc lập hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ.
Dựa vào quy mô kinh doanh người ta chia doanh nghiệp thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp nhỏ.
Việc quy định tiêu thức như thế nào là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa là tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội của từng nước trong từng giai đoạn cụ thể.
Thông thường những tiêu thức được lựa chọn là: Số lượng cán bộ công nhân viên bình quân, vốn đầu tư, tổng tài sản, doanh thu tiêu thụ. Riêng ở Việt Nam hiện nay thì căn cứ vào hai tiêu thức là số lao động làm việc bình quân và tổng nguồn vốn để phân loại doanh nghiệp thành siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa.
Việc phân loại theo tiêu thức này nhằm giúp cho Nhà nước có những chiến lược và những chính sách hợp lý nhằm hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội cụ thể, đặc biệt là trong lúc nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như lạm phát, khủng hoảng ….
1.1.2 Tiêu chuẩn doanh nghiệp nhỏ và vừa
1.1.2.1 Tiểu chuẩn của một số quốc gia và tổ chức trên thế giới
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là khái niệm tương đối đối với doanh nghiệp có quy mô lớn. Phương thức phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa thường là căn cứ các tiêu chuẩn như số lượng nhân viên, tổng số vốn, tổng số tài sản, thị phần của doanh nghiệp …, hoặc kết hợp một số tiêu chuẩn trên để phân loại.
Do mức độ phát triển kinh tế, bối cảnh văn hóa và mục đích phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước khác nhau, cho dù ở cùng một quốc gia, những địa điểm hoạt động và thời điểm hoạt động khác nhau thì phương pháp phân loại và chỉ tiêu phân loại cũng khác nhau.
Tiêu chuẩn phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn được quyết định bởi mục đích thiết lập tiêu chuẩn. Mục đích thường gặp nhất là nắm vững được tình hình hoạt động kinh doanh, kết cấu tỷ lệ của các doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau trong nền kinh tế quốc dân đồng thời tiến hành quản lý các doanh nghiệp đó về phương diện hành chính, kinh tế và pháp luật …. Ở nhiều quốc gia, tiêu chuẩn phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các ngành khác nhau cũng có những khác biệt nhất định. Dưới đây là bảng tiêu chuẩn
phân định doanh nghiệp nhỏ và vừa của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới:
Bảng 1.1 Tiêu chuẩn phân định doanh nghiệp nhỏ và vừa của một số nước trên thế giới.
Tên và tiêu chuẩn phân định | |
Nhật Bản | Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Ngành chế tạo: Số lượng nhân viên dưới 300 người hoặc vốn đầu tư khoảng dưới 100 triệu Yên Ngành bán buôn: Nhân viên dưới 50 người và vốn đầu tư 10 triệu Yên. |
Braxin | Doanh nghiệp vừa: Số nhân viên từ 50 – 249 người Doanh nghiệp nhỏ: Số nhân viên 5 – 49 người |
Indonesia | Doanh nghiệp nhỏ: Nhân viên từ 5 – 19 người, vốn khoảng 70 triệu Rubi (trừ đất đai và bất động sản) Doanh nghiệp vừa: Số nhân viên khoảng 20 – 29 người |
Malaysia | Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nhân viên khoảng dưới 250 người, vốn tài sản cố định hoặc tài sản khoảng 1 triệu Ringis |
Hàn Quốc | Doanh nghiệp nhỏ và vừa: 1. Ngành chế tạo, vận tải có số lượng nhân viên khoảng dưới 300 người hoặc tài sản dưới 500 triệu Won 2. Ngành kiến trúc có số nhân viên dưới 50 người và tài sản dưới 500 triệu Won 3. Ngành thương mại, ngành dịch vụ có số nhân viên dưới 50 người và tài sản dưới 50 triệu Won 4. Ngành bán buôn có số nhân viên dưới 50 người hoặc tài sản dưới 200 triệu Won. |
Philippin | Công nghiệp quy mô nhỏ và vừa: Tổng tài sản trên 250 nghìn và dưới 1 triệu Pêsô. Công nghiệp quy mô nhỏ: Chủ doanh nghiệp chỉ đạo mọi hoạt động ngoài sản xuất và có số lượng nhân viên từ 5 – 99 người, tổng tài sản là 100 nghìn đến 1 triệu Pêsô. |
Singapore | Doanh nghiệp nhỏ: Tài sản cố định dưới 5 triệu đô la Sing Doanh nghiệp vừa: Vốn cố định từ 5 – 10 triệu đô la Sing |
Đài Loan | Doanh nghiệp nhỏ và vừa: 1. Ngành chế tạo: Vốn dưới 40 triệu Đài tệ, tổng tài sản dưới 120 triệu Đài tệ. 2. Ngành khoáng sản: Tổng vốn dưới 40 triệu Đài tệ 3. Ngành thương mại, vận tải …: Mức tiêu thụ hàng năm dưới 40 triệu Đài tệ. |
Thái Lan | Công nghiệp quy mô nhỏ: Vốn đăng ký dưới 2 triệu Bạt và dưới 50 nhân viên. |
Mỹ | Ngành chế tạo: Có số nhân viên dưới 500 người, ngành chế tạo ô tô dươi 1.000 người, ngành chế tạo máy hàng không dưới 500 người. Ngành dịch vụ bán lẻ: Mức tiêu thụ hàng năm dưới 80.000 USD. Ngành bán buôn: Mức tiêu thụ hàng năm dưới 220.000 USD. Ngành nông nghiệp: Mức tiêu thụ hàng năm dưới 1 triệu đô la. |
Có thể bạn quan tâm!
- Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh - 1
- Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh - 2
- Tổng Quan Về Tín Dụng Của Các Ngân Hàng Thương Mại Đối Với Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa
- Tổng Quan Về Tín Dụng Ngân Hàng Đối Với Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa
- Một Số Hình Thức Tín Dụng Ngân Hàng Chủ Yếu Trong Nền Kinh Tế
- Đặc Điểm Và Rủi Ro Của Tín Dụng Ngân Hàng Đối Với Dnnvv
Xem toàn bộ 217 trang tài liệu này.
Nguồn: Viện nghiên cứu và đào tạo về quản lý [42].
Theo quan niệm của Ngân hàng thế giới (WB) và Công ty tài chính quốc tế (IFC ) thì doanh nghiệp nhỏ và vừa là những doanh nghiệp có qui mô vốn, lao động và doanh thu nhỏ bé. Căn cứ vào quan niệm trên, doanh nghiệp nhỏ và vừa được chia làm ba loại như sau:
- Doanh nghiệp siêu nhỏ: là các doanh nghiệp có không quá 10 lao động, tổng giá trị tài sản hoặc nguồn vốn không quá 100.000 USD và tổng doanh thu hàng năm không quá 100.000 USD.
- Doanh nghiệp nhỏ: là các doanh nghiệp có không quá 50 lao động, tổng giá trị tài sản hoặc nguồn vốn không quá 3.000.000 USD và tổng doanh thu hàng năm không quá 3.000.000 USD.
- Doanh nghiệp vừa: là các doanh nghiệp có không quá 300 lao động, tổng giá trị tài sản hoặc nguồn vốn không quá 15.000.000 USD và tổng doanh thu hàng năm không quá 15.000.000 USD.
Theo khối EU, DNNVV là những doanh nghiệp có dưới 250 nhân công và được chia thành ba loại sau:
- Doanh nghiệp siêu nhỏ: có dưới 10 nhân công, doanh số 2 triệu Euro, tổng tài sản 2 triệu Euro.
- Doanh nghiệp nhỏ: có từ 10 nhân công đến dưới 50 nhân công, doanh số 10 triệu Euro, tổng tài sản 10 triệu Euro.
- Doanh nghiệp vừa: có từ 50 nhân công đến dưới 250 nhân công, doanh số 50 triệu Euro, tổng tài sản 43 triệu Euro.
1.1.2.2 Tiêu chuẩn ở Việt Nam
Ở Việt Nam, tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tạm thời tại Công văn 681/CP – KTN ngày 20 tháng 6 năm 1998 của Thủ Tướng Chính Phủ. Theo quy định tại Công văn này, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là vốn điều lệ và lao động của doanh nghiệp. Cụ thể: doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 5 tỷ đồng và số lao động trung bình hàng năm dưới 200 người.
Tiếp theo đó để khuyến khích và tạo thuận lợi cho việc phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo điều 3 của Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thì doanh nghiệp nhỏ và vừa được định nghĩa như sau: Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người.
Theo định nghĩa này, các doanh nghiêp nhỏ và vừa ở Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô nhỏ và vừa đăng ký kinh doanh theo luật Doanh nghiệp nhà nước, các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa được đăng ký theo luật doanh nghiệp, luật Hợp tác xã, doanh nghiệp theo hình thức hộ kinh doanh cá thể được điều chỉnh bởi quy định của Chính phủ.
Theo quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF – Small And Medium Enterprise Development Fund), là một dự án phát triển do liên minh Châu Âu tài trợ thì một doanh nghiệp tại Việt Nam được xem là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đáp ứng được các điều kiện: Số nhân viên từ 10 người đến 500 người; Số vốn đăng ký từ hơn 50.000 USD đến 300.000 USD.
Theo Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30 tháng 06 năm 2009 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, định nghĩa doanh nghiệp nhỏ và vừa: DNNVV là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên), ngoài các tiêu chi trên Nghị định này còn căn cứ vào ngành hoạt động để phân loại, cụ thể được thể hiện ở bảng 1.2 như sau:
Bảng 1.2 Phân loại DNNVV theo khu vực kinh tế ở Việt Nam
DN siêu nhỏ | Doanh nghiệp nhỏ | Doanh nghiệp vừa | |||
Số lao động | Tổng nguồn vốn | Số lao động | Tổng nguồn vốn | Số lao động | |
1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản | 10 người trở xuống | 20 tỷ đồng trở xuống | Từ trên 10 người đến 200 người | Từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng | Từ trên 200 người đến 300 người |
2.Công nghiệp và xây dựng | 10 người trở xuống | 20 tỷ đồng trở xuống | Từ trên 10 người đến 200 người | Từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng | Từ trên 200 người đến 300 người |
3. Thương mại và dịch vụ | 10 người trở xuống | 10 tỷ đồng trở xuống | Từ trên 10 người đến 50 người | Từ trên 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng | Từ trên 50 người đến 100 người |
Nguồn: Nghị định số 56/2009/NĐ-CP [27]
1.1.3 Đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nghiên cứu về mô hình các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới, ta có thể nêu bật những nét điển hình sau đây:
- Đa dạng về loại hình sở hữu
Doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại và phát triển ở mọi loại hình khác nhau như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã.
- Hạn chế về sản phẩm, dịch vụ và năng lực tài chính
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có khối lượng sản phẩm, dịch vụ hạn chế, chủ yếu dựa vào lao động thủ công: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chỉ kinh doanh một vài sản phẩm dịch vụ phù hợp với trình độ và kinh nghiệm của chủ doanh nghiệp cũng như năng lực tài chính của doanh nghiệp.
Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn tài chính hạn chế: Vốn kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu là vốn tự có của chủ sở hữu doanh nghiệp, vay mượn từ người thân, bạn bè, khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng thấp.
- Tính năng động và linh hoạt cao
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có tính năng động và linh hoạt cao: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có mức đầu tư ban đầu thấp, sử dụng ít lao động và tận
dụng các nguồn lực tại chỗ. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dẽ dàng chuyển đổi phương án sản xuất, chuyển đổi mặt bằng kinh doanh, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và thậm chí dễ dàng giải thể doanh nghiệp.
- Trình độ quản lý chưa cao
Bộ máy quản lý thường gọn nhẹ, trình độ tổ chức quản lý chưa cao: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập và hoạt động chủ yếu dựa vào năng lực và kinh nghiệm của bản thân chủ doanh nghiệp nên tổ chức bộ máy rất gọn nhẹ, các quyết định trong quản lý cũng được thực hiện nhanh chóng.
- Lao đông có trình độ thấp và sử dụng công nghệ cũ
Lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ thấp và doanh nghiệp thường sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nên chất lượng sản phẩm chưa cao.
Cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới, với quy mô nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng có những đặc điểm tương tư như ở các quốc gia khác. Ngoài ra, do đặc trưng riêng của nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn có những đặc trưng riêng. Những đặc điểm cơ bản của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thể hiện như sau:
- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam thuộc nhiều thành phần kinh tế với nhiều hình thức tổ chức doanh nghiệp, bao gồm từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp và các công ty tư nhân đến các hợp tác xã. Trong một thời gian dài, các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác nhau không được đối xử bình đẳng, bị phân biệt đối xử. Điều đó ảnh hưởng đến tâm lý, phong cách kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay, đồng thời cũng tạo ra những điểm xuất phát về tiếp cận nguồn lực không như nhau (trong giao đất, trong vay vốn ngân hàng …).