MỞ ĐẦU
1. Lý do nghiên cứu
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, cung cấp đa dạng các sản phẩm và dịch vụ, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế …. Chính vì vậy mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng giai đoạn 5 năm.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước, nên tập trung rất nhiều tổ chức tín dụng và các định chế tài chính trung gian trong và ngoài nước, đặc biệt là hệ thống các ngân hàng thương mại. Các nguồn vốn nhàn rỗi từ các tổ chức và cá nhân được tập trung chủ yếu thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, do đó có thể nói hệ thống các ngân hàng thương mại giữ vai trò chủ đạo trong việc huy động và cung ứng vốn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Trong giai đoạn 2006 đến 2010 các ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân là 32%, tốc độ tăng trưởng huy động bình quân là 29%. Các ngân hàng thương mại quốc doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao về thị phần cho vay và huy động, tuy nhiên khối ngân hàng thương mại cổ phần ngày càng hoạt động linh hoạt và dần chiếm lĩnh thị phần. Các ngân hàng thương mại cổ phần tập trung vào hoạt động ngân hàng bán lẻ và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại cổ phần để đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, nên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn.
Xuất phát từ thực tiễn đó, đề tài “Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” đã được chọn để nghiên cứu.
2. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan
Có thể bạn quan tâm!
- Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh - 1
- Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh - 2
- Tiểu Chuẩn Của Một Số Quốc Gia Và Tổ Chức Trên Thế Giới
- Tổng Quan Về Tín Dụng Ngân Hàng Đối Với Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa
- Một Số Hình Thức Tín Dụng Ngân Hàng Chủ Yếu Trong Nền Kinh Tế
Xem toàn bộ 217 trang tài liệu này.
Liên quan đến đề tài “Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các NH thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” đã có một số công trình khoa học nghiên cứu công bố dưới dạng luận án tiến sỹ và các công trình nghiên cứu. Có thể kể ra một số công trình nghiên cứu gần đây có liên quan đến đề tài luận án như:
Phạm Văn Hồng (2007), Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. Đề tài này đã nghiên cứu và hệ thống hoá các vấn đề lý luận liên quan đến sự phát triển DNNVV. Tổng kết kinh nghiệm phát triển DNNVV trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của một số nước trên thế giới. Phân tích, đánh giá thực trạng DNNVV và môi trường thể chế phát triển DNNVV trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nguyễn Minh Tuấn (2008), Phát triển dịch vụ ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, Hà Nội. Đề tài này đã nghiên cứu và hệ thống hoá các vấn đề lý luận về dịch vụ ngân hàng và DNVVN, đề cập những vấn đề quản lý rủi ro, chi phí giao dịch và chi phí hành chính, sự cần thiết có hệ thống kế toán tài chính đặc thù cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…, xem xét các DNVVN như là các khách hàng tiêu dùng cá nhân, phân loại các DNVVN thành nhóm đại chúng và nhóm có nhiều lợi nhuận. Đề tài đã đưa ra các giải pháp chuyên sâu, có khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Phân tích kinh nghiệm quốc tế từ các nền kinh tế có mức độ phát triển khác nhau để định vị hệ thống các DNVVN Việt Nam và các ngân hàng thương mại Việt Nam trên bản đồ toàn cầu từ đó tạo
điều kiện cho công tác hoạch định chiến lược và định hướng đối với các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam.
TS. Trương Quang Thông (2010), Tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghiên cứu thực nghiệm tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Đề tài này đã nghiên cứu và hệ thống hóa lý thuyết về DNNVV, phân tích tổng quan về DNNVV tại Việt Nam qua các số liệu thống kê và chính sách của nhà nước đối với DNNVV, đề tài cũng đã tiến hành khảo sát về tài trợ tín dụng cho các DNNVV, trên cơ sở đó tác giả đã gợi ý các chính sách đối với DNNVV, đối với ngân hàng và các cơ quan chính phủ.
Đối chiếu với đề tài của tác giả đang nghiên cứu thì không có sự trùng
lắp.
3. Mục tiêu, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là hướng đến việc phân tích về thực trạng tín dụng đối với DNNVV của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ đó tìm ra những hạn chế và nguyên nhân của nó, trên cơ sở đó góp phần đưa ra các giải pháp giúp các DNNVV dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại cổ phần.
Mục đích nghiên cứu là đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm khắc phục những mặt hạn chế, phát huy những ưu điểm, góp phần mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Để đạt được mục tiêu, mục đích nghiên cứu của đề tài, luận án có các nhiệm vụ sau:
- Hệ thống hóa những lý luận cơ bản về doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.
- Phân tích và đánh giá thực trạng hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ đó rút ra những mặt được, những hạn chế và nguyên nhân của nó.
- Đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm khắc phục những mặt hạn chế, phát huy những ưu điểm, góp phần mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là lý luận và thực trạng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh có thể xem như là một trung tâm tài chính ở Việt Nam do đó có rất nhiều loại hình ngân hàng đóng trên địa bàn này, nên Luận án chỉ nghiên cứu giới hạn trong phạm vi các ngân hàng thương mại cổ phần.
Về thời gian, đề tài giới hạn phạm vi nghiên cứu từ năm 2006 đến nay.
5. Cơ sở lý luận và giả thuyết nghiên cứu
Để làm nền tảng lý luận của Luận án, tác giả đã sử dụng cơ sở lý thuyết của một số tác giả và các văn bản pháp luật của Việt Nam như sau:
- Lý luận về doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tác giả đã tổng hợp lý luận của các tác giả: TS. Lê Xuân Bá, TS. Trần Kim Hào, TS. Nguyễn Hữu Thắng [1]; ThS. Nguyễn Công Bình [2]; Shim Shoon Chong [4]; TS Đàm Văn Huệ [8] và các văn bản pháp luật như Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ [27]; Nghị định 90/2001/CP-NĐ [28] và các bàn luận của tác giả.
- Lý luận về tín dụng ngân hàng: Tác giả đã tổng hợp lý luận của một số tác giả: TS Nguyễn Đăng Dờn [5]; TS. Lê Thị Tuyết Hoa, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung [6]; TS. Nguyễn Minh Kiều [9],[10]; PGS.TS. Nguyễn
Văn Tiến [21] và một số văn bản pháp luật như Quyết định số 457/2005/QĐ- NHNN [35]; Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN [36]; Thông tư 13/2010/TT-NHNN [38] và các bàn luận của tác giả.
Giả thuyết nghiên cứu của đề tài: DNNVV có vai trò rất quan trọng đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, do đó hầu hết các nước đều có những chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV trong đó có chính sách về tín dụng. Đối với Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, khi chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường đã tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế tư nhân với nhiều loại hình doanh nghiệp ra đời, trong đó DNNVV chiếm tỷ trọng cao và ngày càng có nhiều đóng góp cho sự phát triển và ổn định của nền kinh tế. Các DNNVV lại bị hạn chế về năng lực tài chính nên cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức tài chính trung gian, tuy nhiên trong thời gian qua các DNNVV rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam phải cổ phần hóa các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước, chính vì vậy vấn đề đặt ra là phải làm gì để các DNNVV dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng TMCP.
6. Phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở của phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, các phương pháp được sử dụng trong quá trình thực hiện luận án bao gồm:
- Phương pháp thống kê, phân tích thống kê.
- Phương pháp điều tra khảo sát.
- Tham vấn ý kiến của các nhà doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
7. Những đóng góp của luận án
Thứ nhất, Luận án đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận có chọn lọc về doanh nghiệp nhỏ và vừa, dành phần lớn cho nội dung lý luận tổng quan về tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có kết hợp giữa lý luận và thực tiễn để đánh giá vai trò tín dụng của các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó giúp cho người đọc thấy được sự cần thiết phải mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ hai, trên cơ sở nguồn số liệu được cập nhật phong phú, luận án đã đi sâu phân tích đánh giá thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2006 đến nay, phân tích được những nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó luận án đã rút ra những kết luận, những vấn đề hạn chế và những nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quan hệ tín dụng giữa các ngân hàng thương mại cổ phần với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ ba, xuất phát từ những vấn đề hạn chế và những nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quan hệ tín dụng giữa các ngân hàng thương mại cổ phần với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố, cùng với tình hình kinh tế xã hội của thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2006 đến nay, luận án đã đề xuất các giải pháp có thể vận dụng trong thực tiễn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, các ngân hàng thương mại cổ phần có thể thực hiện cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp tư nhân, các công ty TNHH một thành viên và các doanh nghiệp siêu nhỏ. Luận án cũng đã gợi ý khuyến nghị với các hiệp hội, các cơ
quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác có thể vận dụng nhằm góp phần thiết thực hỗ trợ mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
8. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Mục lục, Danh mục các chữ viết tắt, Danh mục tài liệu tham khảo và các phụ lục, Luận án được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1: Tổng quan về tín dụng của các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chương 2: Thực trạng tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Chương 3: Giải pháp mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN VỀ TÍN DỤNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
1.1 NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
1.1.1 Khái niệm về doanh nghiệp
Doanh nghiệp có thể được hiểu một cách chung nhất là một tổ chức kinh tế được thành lập nhằm sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ trên thị trường.
Khoản 1 và 2 Điều 4 Luật doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 thì doanh nghiệp được hiểu như sau: Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh. Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
Từ khái niệm trên chúng ta thấy: trước hết doanh nghiệp phải là chủ thể kinh tế độc lập, có hoặc không có tư cách pháp nhân, có tên gọi và hoạt động với danh nghĩa riêng, thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường và chịu trách nhiệm độc lập về mọi hoạt động kinh doanh của mình. Thứ hai, tùy theo mục đích thành lập doanh nghiệp mà mỗi doanh nghiệp có mục đích hoạt động khác nhau nhưng trừ một số ít các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích còn mục đích của các doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận.
Trong nền kinh tế thị trường có nhiều loại hình doanh nghiệp cùng tồn tại, phát triển và cạnh tranh lẫn nhau. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, người ta thường dựa theo những tiêu thức khác nhau để phân loại các doanh nghiệp.