Vai Trò Của Vốn Tín Dụng Ngân Hàng Đối Với Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa


Từ những phân tích trên, luận án thống nhất khái niệm vốn tín dụng ngân hàng được hiểu là khoản tiền mà NHTM cho DNNVV vay để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh.

1.2.2. Vai trò của vốn tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ nhất, vốn tín dụng ngân hàng góp phần giải quyết bài toán thiếu vốn cho DNNVV, giúp doanh nghiệp chớp thời cơ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Khi vốn tự có đầu tư ban đầu không đáp ứng đủ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, DNNVV phải bổ sung vốn thông qua việc bán tài sản, huy động vốn góp cổ đông, từ lợi nhuận tích lũy hoặc vay vốn từ bên ngoài. Tài sản của DNNVV cũng không hoàn toàn có tính thanh khoản cao, còn lợi nhuận tích lũy thường phải cần một khoảng thời gian nhất định và không đáp ứng được ngay nhu cầu vốn của DNNVV, vì vậy các DNNVV rất cần sự tài trợ vốn từ bên ngoài. Các nguồn tín dụng không chính thức thì có số tiền hạn chế và lãi vay cao, cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro,… Do vậy, vốn tín dụng ngân hàng vẫn là một lựa chọn để DNNVV giải quyết bài toán thiếu vốn của mình. So với các kênh huy động khác, vốn tín dụng ngân hàng có ưu điểm vượt trội đó là có thể đáp ứng được nhu cầu vốn lớn của DNNVV trong một thời gian ngắn, và khoản vay nợ này không làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu của DNNVV.

Thứ hai, vốn tín dụng ngân hàng giúp DNNVV nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, các DNNVV sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt vốn trong thời gian nhất định cũng như để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn của mình. NHTM không chỉ giúp DNNVV có được nguồn tài chính lớn, kịp thời để sản xuất kinh


doanh mà còn cung cấp các giải pháp tài chính thích hợp, tạo nền tảng cho sự thành công của doanh nghiệp. Với cơ chế giám sát tình hình sử dụng vốn của DNNVV, NHTM cũng góp phần tư vấn và thúc đẩy DNNVV nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo lập vững chắc vị thế của DNNVV trên thị trường. Đồng thời, cùng với cơ chế giám sát tài chính đối với khoản vay, NHTM cũng phát triển và khai thác các dịch vụ tài chính ngân hàng đối với các DNNVV, giảm các giao dịch bằng tiền mặt, góp phần làm lành mạnh hóa nền kinh tế.

Thứ ba, vốn tín dụng ngân hàng là động lực thúc đẩy các DNNVV nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, xác lập uy tín và định vị thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 248 trang tài liệu này.

Để tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng trước hết DNNVV phải sản xuất kinh doanh có lãi, đảm bảo được tính minh bạch hóa thông tin, phải có dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ. Trong quá trình vay vốn, DNNVV chịu áp lực trả nợ gốc và lãi cho NHTM, điều này buộc các DNNVV phải nâng cao công tác quản lý tài chính, bên cạnh đó hiệu quả kinh doanh cũng phải được nâng cao nhằm đạt được mức tỷ suất lợi nhuận cần thiết đáp ứng yêu cầu sinh lợi của doanh nghiệp, hoàn trả nợ gốc và lãi vay cho NHTM đúng hạn. Trong quan hệ tín dụng giữa NHTM và DNNVV thì NHTM vừa là người cho vay, vừa là người tư vấn để đảm bảo DNNVV sản xuất kinh doanh hiệu quả, tích lũy nguồn trả nợ cho NHTM. Do đó, NHTM luôn quan tâm đến hoạt động kinh doanh của DNNVV, NHTM để có thể góp ý, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV, từ đó tư vấn giúp DNNVV nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

1.3. KHẢ NĂNG TIẾP CẬN VỐN TÍN DỤNG NGÂN HÀNG CỦA DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Phú Thọ - 8


1.3.1. Khái niệm

Thuật ngữ “khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng” đã được một số nghiên cứu đề cập tới, tuy nhiên cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra khái niệm đầy đủ về thuật ngữ này.

Nguyễn Thị Kim Lý (2013) trong luận án tiến sĩ “Nghiên cứu khả năng tiếp cận vốn cho các DNNVV ở tỉnh Thái Bình” cho rằng “Khả năng tiếp cận vốn là khả năng của doanh nghiệp nghiên cứu, nhận biết, nắm bắt và có thể được cung ứng vốn với các chi phí vốn thấp nhất, có thể chấp nhận được bởi cả hai phía là doanh nghiệp (người cần vốn) và người cung cấp vốn” [23, tr.13]. Và nghiên cứu cũng nhận định rằng “khả năng tiếp cận vốn là khả năng của doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện do người cung cấp vốn đặt ra để có được nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh với chi phí thấp nhất có thể được trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của các nhân tố bên trong và bên ngoài” [23, tr.13].

Đặng Thị Huyền Hương (2016) trong luận án tiến sĩ “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự tiếp cận nguồn vốn vay của các DNNVV trên địa bàn Hà Nội” cho rằng “Sự tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp là khả năng doanh nghiệp có thể đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định của các tổ chức tín dụng tại mức lãi suất phù hợp và tổ chức tín dụng sẵn sàng cho vay” [17, tr.41].

Đặng Thị Thu Hằng (2017) trong bài báo “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng đi vay của doanh nghiệp” cho rằng “Khả năng đi vay của khách hàng là khả năng của khách hàng để được nhận và sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng” [11].

Các nghiên cứu trên đã phần nào khái quát được nội dung khái niệm “khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng”, tuy nhiên các nghiên cứu đó


chưa diễn đạt được nội hàm khái niệm khi sử dụng chính các cụm từ “khả năng”, “tiếp cận” để diễn đạt trong khái niệm.

Nghiên cứu của Ribot & Peluso (2003) trong bài báo “A Theory of Access” (Lý thuyết tiếp cận) cho rằng thuật ngữ “access” (tiếp cận) được hiểu là “the ability to derive benefits from things” (khả năng hưởng lợi từ cái gì đó) [68, tr.153].

Theo Hoàng Phê và cộng sự (2013) trong cuốn “Từ điển Tiếng Việt” thì thuật ngữ “khả năng” được hiểu là “Cái có thể xuất hiện, có thể xảy ra trong điều kiện nhất định” hoặc được hiểu là “Cái vốn có về vật chất hoặc tinh thần để có thể làm được việc gì” [31, tr.488]. Còn thuật ngữ “tiếp cận” có nghĩa là “Ở gần, ở liền kề” hoặc “Tiến sát gần” hoặc “Đến gần để tiếp xúc” hoặc “Từng bước, bằng những phương pháp nhất định, tìm hiểu một đối tượng nghiên cứu nào đó” [31, tr.987].

Vì vậy, trong khuôn khổ luận án này, khái niệm khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV được hiểu như sau: Khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV là việc DNNVV có thể vay được tiền của NHTM khi có nhu cầu sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

DNNVV gặp khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng là các DNNVV có nhu cầu vay vốn nhưng không chủ động tiếp xúc với NHTM để đề xuất nhu cầu vay vốn; hoặc các DNNVV đã đề nghị NHTM cấp vốn tín dụng nhưng chỉ được cấp một phần nhu cầu vay vốn hoặc bị NHTM từ chối cấp tín dụng. Khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV được xác định là tốt nhất khi DNNVV có nhu cầu vay vốn và được NHTM cấp vốn đầy đủ và kịp thời.

1.3.2. Các hình thức tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa


Liên quan đến tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng thì DNNVV có các hình thức tiếp cận thường được áp dụng là đi vay, chiết khấu, thuê tài chính, sử dụng bao thanh toán, sử dụng bảo lãnh ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

1.3.2.1. Đi vay

Đi vay là việc DNNVV nhận từ NHTM một khoản tiền để sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, theo nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi cho NHTM. DNNVV thường sử dụng hình thức vay theo món hoặc vay theo hạn mức tín dụng khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

- Vay theo món:

Đối với hình thức vay theo món thì mỗi lần vay vốn, DNNVV phải làm thủ tục vay vốn và ký kết hợp đồng tín dụng theo quy định với NHTM, mỗi món vay được tách biệt thành các hồ sơ vay vốn khác nhau. Các DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo hình thức này thường là các DNNVV không vay vốn thường xuyên; hoặc DNNVV vay vốn thường xuyên nhưng mức độ tín nhiệm thấp nên chưa được NHTM áp dụng cho vay theo hạn mức tín dụng; hoặc áp dụng cho các khoản vay trung và dài hạn, vay để thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn.

- Vay theo hạn mức tín dụng:

Đối với hình thức vay theo hạn mức tín dụng, DNNVV và NHTM xác định và thỏa thuận một hạn mức dư nợ tín dụng tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Căn cứ trên hạn mức tín dụng, DNNVV có thể thực hiện vay trả nhiều lần trong kỳ, song dư nợ tín dụng không vượt quá hạn mức tín dụng. Các DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo hình thức này thường là các DNNVV có nhu cầu vay vốn thường xuyên và được NHTM tín nhiệm.


1.3.2.2. Chiết khấu

Chiết khấu là việc DNNVV bán các công cụ chuyển nhượng hoặc giấy tờ có giá khác còn thời hạn thanh toán cho NHTM. Khi đó, NHTM sẽ ứng trước tiền cho DNNVV tương ứng với giá trị của giấy nhận nợ trừ đi phần thu nhập của NHTM. Khi đến hạn thanh toán của giấy tờ có giá, NHTM sẽ thực hiện đòi tiền người mua hàng của DNNVV.

1.3.2.3. Thuê tài chính

Thuê tài chính là việc DNNVV thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển,… của NHTM trên cơ sở hợp đồng thuê tài chính giữa NHTM và DNNVV. Đây là hình thức cấp tín dụng trung và dài hạn của NHTM cho DNNVV, trong đó NHTM (bên cho thuê) cam kết mua máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển,… theo yêu cầu của DNNVV và NHTM sẽ nắm giữ quyền sở hữu đối với các tài sản cho thuê. DNNVV (bên thuê) sử dụng tài sản thuê và thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn thuê. Khi kết thúc thời hạn thuê, DNNVV (bên thuê) được quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê tài chính.

1.3.2.4. Bao thanh toán

Bao thanh toán là việc DNNVV bán lại các khoản phải thu hoặc các khoản phải trả phát sinh từ việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ giữa DNNVV và đối tác của DNNVV cho NHTM. Nói cách khác, bao thanh toán là việc NHTM đứng ra trả tiền ngay cho người bán, sau đó NHTM sẽ đòi tiền người mua theo hợp đồng bao thanh toán đã ký kết.

1.3.2.5. Bảo lãnh ngân hàng

Bảo lãnh ngân hàng là việc DNNVV (bên được bảo lãnh) được NHTM cam kết với bên nhận bảo lãnh (người cung cấp hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho DNNVV) sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho DNNVV khi DNNVV không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên


nhận bảo lãnh. Trong đó, DNNVV phải nhận nợ và hoàn trả cho NHTM số tiền đã được NHTM trả thay (nếu có).

1.3.2.6. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu của DNNVV là loại chứng khoán nợ do DNNVV phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả gốc, lãi và các nghĩa vụ khác (nếu có) của DNNVV đối với chủ sở hữu trái phiếu. Trong mối quan hệ này, DNNVV đóng vai trò là người đi vay, người mua trái phiếu (trong đó có NHTM) là người cho vay. Thông qua việc sử dụng trái phiếu, DNNVV có thể huy động được một khối lượng vốn trung và dài hạn lớn. So với đi vay NHTM thì tiếp cận vốn thông qua phát hành trái phiếu có ưu điểm nổi bật là không cần tài sản thế chấp và DNNVV chủ động sử dụng số tiền bán trái phiếu mà không chịu sự giám sát của người mua trái phiếu (trong đó có NHTM).

1.3.3. Một số chỉ tiêu đánh giá khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Có nhiều chỉ tiêu định tính và định lượng khác nhau được dùng để đánh giá khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV. Trong phạm vi luận án, tác giả tập trung phân tích một số chỉ tiêu sau:

1.3.3.1. Chỉ tiêu định tính

a. Mức độ chủ động tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Mức độ chủ động tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV thể hiện qua tính năng động, trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ DNNVV; khả năng lập dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh; tính chủ động trong việc công khai thông tin tài chính; chủ động tạo lập mối quan hệ với chính quyền địa phương, các NHTM và các doanh nghiệp khác,…

b. Mức độ chủ động tiếp cận doanh nghiệp nhỏ và vừa của ngân hàng thương mại để cấp tín dụng


Mức độ chủ động tiếp cận DNNVV của NHTM để cấp tín dụng phản ánh thông qua việc NHTM mở rộng mạng lưới hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của DNNVV; chiến lược kinh doanh của NHTM hướng đến khách hàng DNNVV; NHTM chủ động hạ lãi suất cấp tín dụng nhằm thu hút khách hàng DNNVV;…

c. Mức độ chủ động của Chính phủ và chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng

Khi Chính phủ và địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV thì khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV sẽ tăng lên và ngược lại. Các chính sách ưu đãi dành cho DNNVV thì sẽ tạo điều kiện cho DNNVV phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, qua đó nâng cao năng lực tài chính, kích thích doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh và tăng hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời với các chính sách hỗ trợ DNNVV của Chính phủ sẽ góp phần khắc phục những điểm điểm yếu của DNNVV, tạo môi trường tốt cho thị trường tín dụng DNNVV phát triển.

Để tạo lập môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của DNNVV tại các địa phương, bên cạnh chính sách của Chính phủ thì vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng, đặc biệt là chính quyền cấp tỉnh trong việc triển khai thực hiện các chính sách của trung ương vào phát triển kinh tế địa phương. Việc triển khai ở mỗi địa phương lại khác nhau, phụ thuộc vào sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, vào sự năng động, tinh thần trách nhiệm của bộ máy tham mưu, thực thi chính sách ở địa phương.

1.3.3.2. Chỉ tiêu định lượng

a. Dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa

* Mức tăng dư nợ tín dụng DNNVV:

- Công thức tính:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/11/2022