Nhìn tổng thể, năm đầu và năm thứ 2, phần sáng tác dịch của tạp chí Tri tân hầu như dành cho các tác phẩm văn học cổ (của Trung Quốc và Việt Nam). Sang năm thứ 3 và thứ 4 đã có sự cân bằng giữa các dịch phẩm của hai nguồn Hán văn và Pháp văn. Năm cuối cùng, dường như các sáng tác văn học dịch vắng bóng. Đặc điểm này cũng nhất quán với tôn chỉ mục đích của Tri tân đồng thời cũng chịu sự chi phối của tinh thần thời đại.
Sở dĩ, tạp chí Tri tân coi trọng văn sưu tầm dịch thuật bởi công việc này vừa đáp ứng nhu cầu đông đảo của lớp công chúng mới vừa phản ánh thực tiễn nội sinh của đời sống văn học dân tộc. Độc giả tiếp nhận sáng tác văn học nước ngoài thông qua bản dịch bằng chữ Quốc ngữ là một cách: “Làm quen với thể loại văn học mới, khiến cho các thể loại phi truyền thống ngày càng được trở nên gần gũi và được tiếp nhận một cách tự nhiên. Đồng thời, dịch thuật là phương thức quan trọng chuyển toàn bộ và trực tiếp mô hình các thể loại văn học phổ biến của văn học hiện đại thế giới, biến nó thành một phần tài sản kinh nghiệm văn học dân tộc” [4, 14].
Rõ ràng công việc sưu tầm và dịch thuật văn học Đông – Tây có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực thúc đẩy quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc trên nhiều phương diện: Từ ngôn ngữ tiếng Việt đến các thể loại văn học; từ quá trình thâm nhập, lĩnh hội đến việc làm chủ các thể loại văn học mới. Có thể nói, “Dịch thuật góp một phần không nhỏ tạo nên một lớp nhà văn và thúc đẩy cả một lớp độc giả háo hức tìm đến cái mới lạ của văn chương” [4, 17].
Bởi vậy, các tờ báo, tạp chí lớn đầu thế kỷ XX đều xác định vị trí và đánh giá cao vai trò của văn dịch thuật. Đông Dương tạp chí hướng tới mục đích là “truyền bá văn hoá Đông Tây thông qua con đường khảo cứu và dịch thuật”. Nam Phong tạp chí chủ trương bảo tồn vốn văn hoá cổ đồng thời chú trọng giới thiệu các nhà văn và các tác phẩm văn học Tây phương. Tri tân tạp chí hướng tới mục đích “ôn cũ, biết mới” để riêng đi vào con đường văn hóa với cặp kính khảo cứu. Vì thế, tìm hiểu về văn sưu tầm dịch thuật của Tri tân, luận án chia thành hai khuynh hướng theo đúng chủ đích của tờ báo.
4.2.1. Sưu tầm dịch thuật theo khuynh hướng “ôn cố”
Ngay từ số báo đầu tiên, tạp chí Tri tân đã đặt ra tôn chỉ, mục đích thống lĩnh trong suốt 5 năm sinh tồn. Vì thế, mảng văn sưu tầm, dịch thuật trên Tri tân cũng không đi ra ngoài mục đích ấy mà còn thể hiện rõ nhất quan điểm của những người
làm báo Tri tân: Theo khuynh hướng “ôn cố”. Nguồn dịch chủ yếu theo khuynh hướng này là những tài liệu Hán văn trong kho tàng văn học cổ của Trung Quốc và Việt Nam. Làm công việc này, các dịch giả dành trọn tâm nguyện: “Đem cái tinh hoa của kho sách ấy làm cho phổ cập, khiến cho người trong nước ngày nay có thể thông cảm với tinh thần người xưa để nối hai thế hệ với nhau” [169, 49].
Để khôi phục, gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, văn học cổ truyền của dân tộc, Tri tân đón nhận và đăng tải được 167 bài sưu tầm, dịch thuật, Trong đó, tạp chí giới thiệu, sao lục, dịch đăng 44 bài thơ cổ (trong chuyên mục Dịch thơ Đường, Hán văn trích diễm) và 103 bài sưu tầm, dịch các văn bia, những bài phú, tế, đạo dụ, sắc chỉ của các đời vua chúa…
Tri tân dành chuyên mục Hán văn trích diễm để sao lục, hiệu đính những sáng tác thơ văn cổ. Đó là những tác phẩm Hán văn nổi tiếng của các tác giả trong nước như Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Trịnh Hoài Đức, Võ Huy Tấn, Nguyễn Du…; của các tác giả thời Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Xương Linh, Vương Duy, Vương Bột và cả những bài hịch, phú, tế rất có giá trị…
Đặc biệt tạp chí rất chú ý đến việc sưu tầm các tác phẩm theo nhóm chủ đề qua các số đặc san: Thơ xuân thời Hồng Đức (Nguyễn Văn Tố, số 126-127), thơ về phụ nữ, sưu tầm tục ngữ, ca dao của các dân tộc miền núi, tục ngữ và ca dao về ngày kỵ của Vua Lê Thái Tổ (Sùng Thanh, số 19), những bài thơ cổ về Hai Bà Trưng (Nguyễn Văn Tố, số 38-40), Xuân trong thơ chữ Hán của bậc đại anh hùng (Hoa Bằng, số 81-21), Thơ xuân của Nguyễn Du (Đào Duy Anh, số 81-82), Thơ và câu đối quanh việc Hoàng Diệu tử trung (Hoa Bằng, số 185-186)… ; rồi sao lục, trích giảng những bài văn cổ có giá trị như Dụ chư tỳ tướng hịch văn, Phú Sông Bạch Đằng (Dương Quảng Hàm, số 17), Đăng Lam thành sơn hoài cổ phú, Sắc phong của vua Gia Long, bài văn của công chúa Ngọc Hân tế vua Quang Trung…; cần mẫn tìm tòi giới thiệu các tác giả ít được sử sách nhắc đến: Ba nữ sĩ con vua Minh Mệnh (Trúc Khê, số 169), Một nữ sĩ làm cố vấn cho triều đình trong văn học: Bà Nguyễn Thị Du (Nhật Nham), Một bài thơ của Lê Cảnh Tuân (Hoa Bằng), Bắc sở tự tình phú của Lê Quýnh (Long Điền), Bốn bà công chúa có tiếng trong văn học (Nguyễn Văn Tố, số 113), rồi Đinh Nhật Thận, Lê Trọng Đô, Sái Thuận, Đức Thành Thái, Vũ Phạm Khải, Nguyễn Nghiễm… Ngoài ra tạp chí còn sưu tầm, dịch những sách báo, ca dao thời cổ của Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm!
- Tình Hình Chung Của Văn Khảo Cứu Phê Bình Những Năm 1940
- Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 17
- Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 18
- Tri Tân Tạp Chí Trong Hành Trình Về Nguồn - “Ôn Cố”
- Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 21
- Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 22
Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.
Hấp dẫn hơn cả là chuyên mục Góp vui, chuyện thơ, Giai thoại làng văn, thường sưu tầm những bài văn, bài thơ trào phúng, những mẩu chuyện vui, những giai thoại lạ về các đời vua chúa (Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Gia Long…), các thầy đồ Nho (Thầy đồ Phùng Dương, Vay tiền trả chữ, Hồn thơ lạc mất…), các ông trạng (Trạng Me đè Trạng Ngọt), gom góp thu lượm những câu thơ, những lời tương truyền trong dân gian về vị vua (Vua Đinh Tiên Hoàng dưới ngòi bút của các thi nhân, số 40; Những câu ca dao về ngày kỵ của vua Lý Thái Tổ…).
Câu chuyện về Thầy Đồ Phùng Dương trong chuyên mục Góp vui (số 9), Vũ Văn Lễ đã sưu tầm, dịch kể về cuộc tình tự, ái ân của thầy đồ với một người thiếu nữ qua giấc mơ của cô đồ. Điều đặc biệt là sau giấc mơ, ba người: Thầy đồ, vợ thầy và người em rể kể lại đều trùng khít và cuối cùng ẩn số không thể giải đáp vì không ai biết người thiếu nữ quyến rũ thầy đồ là ai? Phải chăng, câu chuyện mang dáng dấp “liêu trai” đó, đã đặt ra vấn đề về niềm tin và hạnh phúc lứa đôi?
Chuyện thơ “Một tình phụ, một hồn thơ” (Song Cối, số 61) là mẩu chuyện được sưu tầm và kể lại về cuộc đời bạc bẽo, cụ thể là cuộc tình ngắn ngủi, mong manh của nàng Tuệ Khanh, một nữ sĩ có “tâm hồn thơ dồi dào, một phôi thai tài nghệ” nhưng lấy phải kẻ phụ tình. Nàng đắm say trong thế giới của những vần thơ thao thiết, đớn đau, ai oán, ngậm ngùi cho nỗi niềm riêng, bằng cả sự “chịu đựng và nhẫn nhục của phái phụ nữ thuần túy Á Đông”: “Im lìm đành chịu lỡ làng; Mặc ai vui cuộc huy hoàng trăm năm” hay “Lòng nào còn tưởng sang ngang; Trời giông bão giữa tràng giang cũng đành”. Thế rồi, nàng cũng đã kiên quyết rũ sạch bụi trần, thanh thản đi vào cõi “sắc – không” tịch diệt: “Oán sầu quyết rũ sạch không; Lâng lâng thân đã ngồi trong sen vàng”. Đây thực chất là câu chuyện thơ (ca ngợi tài sáng tác, ứng khẩu thành thơ của một nữ sĩ) nhưng được lồng trong câu chuyện đời (hồng nhan, bạc mệnh của người thiếu phụ), phần nào cũng là cách tác giả thể hiện, tường minh cho một quan niệm văn chương muôn thuở: Sáng tác không thể tách rời đời sống, người nghệ sĩ không thể dửng dưng dưng ngoài cuộc mà phải trải nghiệm, thấm thía…
Đặc biệt Tri tân còn tổ chức các cuộc thi dịch thơ để thu hút những cây bút yêu văn thơ, giỏi Hán văn, thạo quốc âm. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, với mục đích ham học hỏi, sau mỗi cuộc thi tạp chí có giới thiệu cùng độc giả những bài đạt thứ hạng, sau mỗi bài có “chua” thêm lời nhận xét. Từ đó kêu gọi những ai có bản dịch hay mà chưa dự thi xin được cống hiến cho độc giả. Có thể kể đến một số dịch giả,
dịch phẩm tiêu biểu như Một áng thơ được cụ Phan Thanh Giản trịnh trọng: “Dương liễu từ” của Lê Bích Ngô được dịch giả Mộng Tuyết dịch Nôm (số 16), Mấy bài thi ca Tàu dịch Nôm của một văn nhân vô danh (Trần Văn Giáp, số 26), dịch Sắc văn của vua Gia Long đức Bá Đa Lộc tước thái tử thái phó (Trần Văn Giáp, số 29), dịch tấm Bia kỷ niệm công đức ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (Thi Nham sao lục và dịch, số 43), Lời tựa bữa tiệc: Đêm xuân trong vườn đào mận của Lý Thái Bạch (Trúc Khê dịch, số 85). Ngoài ra chuyên mục Dịch thơ Đường đã giới thiệu được nhiều tác phẩm Đường thi nổi tiếng đồng thời cũng đặt ra vấn đề về lý thuyết dịch thuật. Giá trị của những công trình dịch thuật này không đơn thuần là dịch sát hay không sát mà những tác phẩm đó có ý nghĩa không nhỏ đối với lý luận sáng tác và phê bình văn học.
Đáng chú ý là loạt các bài về lý thuyết dịch như Cần phải dịch những sách hay của cổ kim Đông Tây để cống hiến cho đồng bào ta của Hoa Bằng (số 43); Phiên dịch cũng là một cách đào luyện văn chương, Nhìn qua sự nghiệp dịch thuật ở nước ta, Phương pháp dịch sách của người Tàu, Sách dịch rất cần ích cho việc trứ thuật của Kiều Thanh Quế (số 49), Dịch sách xưa của Đào Duy Anh (số 114), Cảm tưởng và hi vọng với sách biên dịch ở xứ ta của Kiều Thanh Quế (số 129), Dịch thơ Đường của Trúc Khê (số 139)… đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa thiết thực không chỉ về tư tưởng mà còn về văn hóa đọc đối với người đương thời. Hầu hết các dịch giả nhận thấy vai trò cần thiết của việc dịch sách đặc biệt việc dịch các sách sử của ta lại là một việc cần thiết hơn. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng khó khăn trong việc in ấn và tiêu thụ, tác giả đã nêu vấn đề trích dịch những nội dung: “Phàm những sử liệu gì cần thiết, những đoạn sách nào quan yếu, những điển chương, chế độ hay nguyên nhân một sự biến gì có dính líu mật thiết đến quốc kế dân sinh, những truyện ký, dã sử và tạp lục có cần làm tài liệu tham khảo ta hãy cứ dịch dần để hiến cho những ai muốn khảo cứu mà không xem được các sử sách bằng chữ Hán của các cụ xưa” (Tạp chí Tri tân, số 8, tr.2). Từ đó, các học giả của báo Tri tân nguyện làm người “môi giới” trong việc:
thống kê sách dịch, đăng ký người dịch, yêu cầu dịch…
Như vậy, Tri tân chủ yếu sưu tầm và dịch từ nguồn Hán văn cổ. Thể loại dịch chính là thơ, truyện rất ít, chỉ có một số truyện cổ mang ý nghĩa trào phúng hay các câu chuyện từ giai thoại văn học mà không dịch truyện ngắn với ý nghĩa là một thể loại văn học mới du nhập đầu thế kỷ XX. Tuyệt nhiên, Tri tân cũng không dịch một
tiểu thuyết nào, so với Đông Dương tạp chí, Nam phong tạp chí, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết thứ Năm thì đó cũng là điểm khác biệt của Tri tân.
4.2.2. Sưu tầm dịch thuật theo khuynh hướng “tri tân”
Ngoài sưu tầm và dịch các sáng tác văn học cổ, Tri tân còn mở mang “ngó rộng chân trời tri thức mới” trong các mục Dịch thơ Tây (22 bài thơ được dịch chủ yếu từ nguồn văn học Pháp), Dịch văn Pháp (dịch các bài diễn văn của thống chế Pétain trích từ quyển Pháp Nam phục hưng) và dịch những mẩu truyện vui từ sách, báo nước ngoài (dịch báo chí Pháp, tạp chí Pollice...). Ngoài ra, tạp chí còn sưu tầm và giới thiệu cho độc giả đương thời những tác giả nước ngoài danh tiếng như Tagore (1861-1941); Pearl
S. Buck, đại văn hào Pháp thời cận đại; Anatole France (1844-1924)... Số lượng dịch văn học Âu Tây tuy chưa thật nhiều song cũng in rõ chủ trương, mục đích mà bản bảo hướng tới: Theo khuynh hướng “tri tân”.
Trúc Đình trong bài Vấn đề dịch sách (số 49) đã đánh giá rất cao vai trò của dịch thuật. Tác giả phủ nhận quan niệm coi ngôn ngữ tiếng Nam là “ngô nghê, nặng nề, khó hiểu”, như một thứ “tử ngữ” với một lối văn “cũ rích” mà vấn đề dịch sách còn làm cho ngôn ngữ tiếng Việt trở thành: “Một sinh ngữ, nó vẫn tiến hóa như cuộc đời, nó phải thay đổi luôn luôn, nó phải thu thập rất nhiều mọi điều mới mẻ để làm giàu cho quốc văn” (Tạp chí Tri tân, số 49, tr.21). Đồng thời, tác giả cũng nhận rõ dịch sách cũng là một cách để tri tân, bởi: “Muốn cho Việt văn được thích hợp với thời bây giờ, nhà văn phải mạnh bạo dần lên, phải hăng hái thu nhập những cái mới mẻ của văn chương ngoại quốc mà nhất là của văn chương Pháp… Tiếng Nam cũng cần tiến hóa nhưng vẫn phải giữ gìn bản sắc của tinh thần riêng. Sự tiến hóa thay đổi ấy là công cuộc của các nhà dịch sách” (Tạp chí Tri tân, số 49, tr.21).
Rõ ràng, vấn đề dịch thuật không chỉ có vai trò quan trọng trong việc mở rộng chân trời tri thức mới mà còn đáp ứng được một yêu cầu thực tiễn quan thiết hơn trong đời sống văn học: Nhu cầu của lớp độc giả mới muốn tiếp xúc với nền văn hóa, văn học phương Tây.
Trong bài Quan niệm dịch thơ (số 56), Kiều Thanh Quế đã đề xuất hai quan niệm: Dịch thơ Tàu và Dịch thơ Tây. Tác giả nêu lên những khó khăn của việc dịch thơ Đường đồng thời khẳng định vai trò, tài năng của Tản Đà đối với việc dịch văn học Tàu. Quan điểm dịch thuật của Kiều Thanh Quế khá tiến bộ khi ông đứng ở vị trí của độc giả để đưa ra những phán xét rất nghiêm khắc, đòi hỏi người làm công việc
dịch thuật ngoài sự nghiêm túc, cẩn trọng đối với nghề còn phải hiểu tâm lí tiếp nhận của người đọc. Tác giả so sánh những công trình dịch thuật tồn tại được qua thử thách của thời gian, được công chúng đón nhận coi như hình ảnh của một: “Ông Lý chỉnh tề khăn áo bưng mâm gà ra trước sân đình vậy” (Tạp chí Tri tân, số 56, tr.20).
Hoa Bằng khi bàn về Địa vị Hán học trong văn học ta (số 143) đã khẳng định tầm quan trọng của vấn đề dịch thuật, nhất là việc dịch Hán văn lại chính là lợi khí để vươn xa khỏi thung lũng “ôn cố” mà hướng tới chân trời “tri tân”, ông cho rằng: “Hán học có quan hệ mật thiết đến lịch sử dân tộc; Chữ Nho có quan hệ khăng khít đến viết báo, làm sách Quốc ngữ; tiếng Hán Việt là cái lợi khí để dịch sách Âu Tây, giới thiệu tư tưởng ngoại lai” (Tạp chí Tri tân, số 143, tr.2). Như vậy, dịch thuật đã ghi lại rõ nhất dấu mốc của quá trình tiếp biến văn hóa Đông Tây và nội lực của nền văn học dân tộc: “Cố gắng thoát khỏi tình trạng phong bế hàng nghìn năm, vươn tới hòa đồng với văn hóa và văn học thế giới, chuyển hóa những yếu tố ngoại lai thành một thực tiễn nội sinh” [43, 536].
Mở rộng tầm nhìn, hướng sang nước ngoài học hỏi, tiếp thu tinh hoa của nhân loại là điều mà các nhà văn hóa Việt Nam nhận thức rất rõ. Nhà nghiên cứu văn học Đặng Thai Mai cho thấy rõ việc Cần học tập những tinh hoa của văn học thế giới: “Mỗi một lúc nhà văn của một dân tộc lâm vào cái tình cảnh nguy ngập bị thế lực nước khác xâm loát - số là tư tưởng cũng là một thủ đoạn của đế quốc chủ nghĩa - thì tự nhiên bản năng tự vệ của dân tộc phải lo mà đề kháng, mà cự tuyệt sự chi phối của người nước ngoài. Nhưng chính trong sự đề kháng đó nếu như muốn xây dựng một nền văn học quốc gia cho đầy đủ vững vàng thì ta cũng cần thâu thái lấy những tinh hoa thế giới, của nhân loại”. Nhà cách mạng Trường Chinh cũng nêu cao tinh thần Ra sức học tập văn nghệ tiên tiến của thế giới, cho đó là điều thực sự cần thiết. Nhà thơ Huy Cận xác định: Muốn xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc cần có bốn nguồn phải uống là Chủ nghĩa Mác Lê -nin; vốn văn hóa văn nghệ tốt đẹp của cha ông đã quy tụ trong bản sắc văn hóa dân tộc nghìn đời; tinh hoa văn hóa văn nghệ thế giới và vốn sống hút từ cuộc sống cách mạng của nhân dân ta ngày nay.
Trong chuyên mục trao đổi, luận đàm để Nối lời ông Hoa Bằng về vấn đề dịch sách, tác giả Kiều Thanh Quế có bài Phiên dịch cũng là một cách đào luyện văn chương (số 49). Nhìn qua sự nghiệp dịch thuật ở nước ta không thể không kể đến vai trò của những người tiên phong: Phan Kế Bính chuyên dịch Hán văn và Nguyễn Văn
Vĩnh, Phạm Quỳnh chuyên dịch Pháp văn. Tiếp đến tác giả điểm diện vai trò của các dịch giả nhóm Ngày nay (Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam), nhóm Tân dân (Thanh Châu, Như Phong, Văn Thu, Lan Khai), rồi các nhà nghiên cứu, nhà văn như Vũ Ngọc Phan, Tản Đà, Ngô Tất Tố… Từ đó, Kiều Thanh Quế đưa ra ba phương pháp dịch sách tối ưu của người Tàu: “tín, nhã, đạt” (Tín tức là đúng. Phải đúng từng chữ, đủ từng ý và hệt với giọng của hạng người nào về thời đại nào. Nhã là lời điển nhã, êm tai. Có khi dịch ra tiếng ấy thì đúng nhưng theo văn ý nước mình thì nghe lại ra thô, thì phải dùng tiếng khác cùng tính cách ấy mà có ý nhã hơn thay vào. Đạt là đạt được cái ý ra thì thôi, không câu nệ phải đúng. Phép này là hóa tan cả nguyên văn vào tâm mình rồi rút lấy toàn thần của nó ra, thay vào bằng những điển cố, thành ngữ, văn thể của nước mình, lời lẽ, giọng điệu đều tự nhiên như ở nước mình mà ý tưởng thì vẫn của người ta không thiếu tí nào). Những phương pháp này không chỉ có ý nghĩa đối với lý thuyết dịch thuật mà còn cung cấp cho dịch giả phương pháp dịch thuật và độc giả phương pháp đọc sách dịch.
Đặt ra vấn đề dịch văn học nước ngoài, Tri tân cũng đề xướng chủ trương, mục đích cụ thể nhằm hiện thực hóa tôn chỉ mà tạp chí khởi xướng ngay từ số đầu tiên. Vì thế, trong bài Cần phải dịch những sách hay của cổ kim Đông Tây để cống hiến cho đồng bào (số 43) Hoa Bằng đã nêu lên như một nhu cầu khẩn cấp: “Để làm giàu thêm cho kho văn hóa nước nhà không gì bằng phiên dịch sách vở ngoại quốc ra tiếng mẹ đẻ”. Điều quan trọng là tác giả đề cập đến vấn đề dịch thuật trong một phạm vi rất cởi mở, không chỉ bó hẹp trong “mấy thứ văn chơi và tiểu thuyết” mà phải mở rộng ra cả các lĩnh vực khác như khoa học, triết học. Đối với sách Nho thì: “Ngoài mấy cuốn tiểu thuyết Tàu và cao hơn một đôi cuốn Kinh, Truyện như Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung dung đã được dịch ra quốc văn, ta thấy biết bao những sách hay của chư tử bách gia vẫn chưa được dịch ra tiếng mẹ đẻ”. Cho nên: “Việc cần bây giờ là, trong trường doanh tác văn hóa, ta phải có những tay thợ chuyên môn, những nhà tân học uyên bác không nên chôn chữ mà không cống hiến cho đồng bào bằng cách thực hành những điều sở học: “Dùng quốc văn làm lợi khí, dịch hết những sách về khoa học, triết học để truyền bá tư tưởng Thái Tây và làm phổ cập trong xã hội ta những cái tốt, cái hay, cái mới của những nước tiên tiến” (Tạp chí Tri tân, số 43, tr.2). Đối với các bậc Nho gia lớp trước cần: “Giới thiệu với các bạn hậu tiến những món tinh hoa của hiền triết Á Đông, phải dịch ra quốc văn những sách nho hay mà trước giờ chưa dịch” (Tạp chí Tri
tân, số 43, tr.3). Tác giả còn đặt ra vấn đề về vai trò, trách nhiệm và sứ mệnh của dịch giả: Phải “thận trọng”, coi mình như một “vai kép”, phải đồng sáng tạo với tác giả. Mặt khác, không vì “hám danh, tham lợi” mà làm cái việc ngoài địa hạt của mình. Sự nghiêm túc cẩn trọng đó đến nay vẫn không hề cũ.
4.3. Kết luận chương 4
Tạp chí Tri tân là diễn đàn chính của những nhà khảo cứu, phê bình uyên bác và lịch lãm như Nguyễn Văn Tố, Hoa Bằng, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế... Đặt trong tương quan so sánh với một số tờ báo, tạp chí cùng thời có thể khẳng định loại phê bình, khảo cứu thực chứng, khách quan chiếm ưu thế nổi bật là nét riêng, độc đáo của Tri tân. Giá trị kết tinh của văn khảo cứu ở các bài nghiên cứu về lịch sử, văn học dài kỳ; của văn phê bình ở các bài phỏng vấn, phê bình tác giả, tác phẩm mới mang tính thời sự. Với những thế mạnh đó, văn khảo cứu phê bình trên Tri tân có ý nghĩa quan trọng đối với lí luận, nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Đối với văn sưu tầm, dịch thuật, các học giả của Tri tân đã nhận thức rõ vai trò của dịch thuật và luôn khuyến khích dịch thuật - dịch sách hay của cả cổ kim, Đông Tây. Bởi dịch thuật góp phần tạo đà cho văn học phát triển vừa mở mang giới hạn để tiếp cận được những chân trời tri thức mới. Tuy nhiên, đặt ra chủ trương vừa “ôn cố” vừa “tri tân” nhưng thực tế thì bài vở của tạp chí nghiêng về phía “ôn cố” hơn là phía “tri tân”.