Tình Hình Chung Của Văn Khảo Cứu Phê Bình Những Năm 1940‌

Chương 4‌

VĂN KHẢO CỨU PHÊ BÌNH VÀ SƯU TẦM DỊCH THUẬT TRÊN TRI TÂN TẠP CHÍ

4.1. Văn khảo cứu phê bình‌

4.1.1. Tình hình chung của văn khảo cứu phê bình những năm 1940‌

So với các tạp chí cùng thời như Thanh nghị, Hàn Thuyên, các tờ báo chuyên về văn học như Tiểu thuyết thứ Bảy, Tao đàn… phần đóng góp chính của Tri tân không phải là mảng sáng tác văn học mà là phần học thuật. Trong đó, khảo cứu và phê bình văn học là đóng góp nổi bật nhất, làm nên giá trị riêng của tạp chí Tri tân. Nghiên cứu và phê bình văn học là một thể văn mới, ra đời ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX khi mà cuộc Âu hóa bắt đầu.

Diện mạo chung của nghiên cứu phê bình văn học trong khoảng 30 năm đầu thế kỷ XX, có thể hình dung theo lộ trình sau: Từ những công trình biên khảo, sưu tầm mang tính khái quát, tổng hợp (Việt Hán văn khảo, 1918 của Phan Kế Bính; Văn chương thi phú An Nam, 1923 của Hà Ngọc Cẩn; Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, 1928 của Lê Thước…) đến những công trình khảo cứu, phê bình có tính khu biệt (Nghề hát bội của ta và nghề diễn kịch của người châu Âu của Nguyễn Văn Vĩnh; Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính; Bàn về tiểu thuyết, Tâm lý Thúy Kiều, Văn học Pháp… của Phạm Quỳnh; Lời khuyên học trò của Nguyễn Bá Học; Bàn về quốc văn của Ngô Đức Kế…). Đặc biệt là cuộc tranh luận sôi nổi về Truyện Kiều mà Phạm Quỳnh là người khởi xướng liên tục được tạp chí Nam phong đăng tải đã dần mở rộng địa hạt của nghiên cứu và phê bình trong đời sống văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Trước hết phải kể đến lớp học giả tiên phong là Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học, Ngô Đức Kế… Tên tuổi của họ trở nên quen thuộc trên mặt báo với nhiều bài viết thể hiện khá rõ tính chất nghiên cứu, phê bình văn học. Mặc dù, 30 năm đầu thế kỷ, chúng ta chưa có những nhà nghiên cứu, phê bình chuyên nghiệp song khi kể đến thành tựu của nghiên cứu phê bình văn học không thể phủ nhận vai trò tiên phong của họ. Các quan niệm, nguyên lý sáng tác văn chương, sự hình thành, phát triển của thể loại văn học đã sớm được định hình trong các công trình nghiên cứu của lớp học giả này.

Trong tác phẩm “Lời khuyên học trò”, Nguyễn Bá Học đã thẳng thắn phát biểu quan niệm văn chương của mình. Ông phê phán những thể loại văn học cổ (thơ, phú) “không suy ra sự thực” đồng thời đề cao các thể loại văn học mới: Tiểu thuyết ký sự, luận thuyết, diễn thuyết… và đòi hỏi văn học phải “có chân tình chân cảnh”. Như vậy, Nguyễn Bá Học đã nhận rõ sự hạn chế trong quan niệm văn học của nhà nho: Khuôn mẫu, cứng nhắc, gượng ép, xa rời thực tế. Ông hướng quan niệm thẩm mỹ đến hiện thực đời sống sinh động.

Phan Kế Bính không chỉ khảo cứu về văn chương mà còn mở rộng giới hạn của nghiên cứu phê bình sang các lĩnh vực khác. Việt Hán văn khảo (1918) có thể coi là cuốn sách đầu tiên tổng kết các quan niệm về văn chương đương thời, trình bày một cách khái lược về “nguyên lý văn chương”. Tuy ranh giới giữa nghiên cứu phê bình với khảo luận, sưu tầm chưa phân định rõ ràng song, đó vẫn là công trình: “Có gợi ý mở đầu cho khuynh hướng tìm về hình thức văn thơ cổ điển Việt Nam, kích thích nhiều tác giả nghiên cứu sâu vào thi pháp văn thơ cổ Việt Nam như Nhập môn thi pháp trong Nam thi hợp tuyển của Nguyễn Văn Ngọc (1927); Thơ lục bát, song thất lục bát của Trịnh Đình Rư (1929); Quốc văn cụ thể của Bùi Kỷ (1932)” [35, 687].

Một loạt các bài nghiên cứu của Phạm Quỳnh có ý nghĩa khởi đầu, đánh dấu bước phát triển của thể văn khảo cứu, phê bình những năm đầu thế kỷ XX. Xoay quanh các bài tranh luận về Truyện Kiều trên tạp chí Nam phong, Phạm Quỳnh đã tạo ra bước đột khởi trong nghiên cứu phê bình văn học, nhất là các cuộc tranh luận giữa Thơ mới Thơ cũ; giữa hai trường phái Nghệ thuật vị nghệ thuật Nghệ thuật vị nhân sinh...

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

Nghiên cứu và phê bình văn học thực sự trở thành một phong trào diễn ra sôi nổi vào khoảng năm 1934-1935: “Giở những tạp chí, những tờ báo xuất bản vào những năm ấy, ta thấy nhan nhản những bài phê bình. Họ đã sốt sắng phê bình, phê bình nhân vật, phê bình tiểu thuyết, phê bình thơ, phê bình kịch…, phê bình hết những tác phẩm mới xuất bản, những tác phẩm xuất bản đã lâu, họ phê bình cả những tác phẩm ra đời chưa trọn kiếp nữa” [163, 57]. Sự phát triển “rầm rộ” của phê bình văn học giai đoạn này đã phản ánh quá trình vận động phong phú mà phức tạp của các thể loại văn học hiện đại Việt Nam.

Khi nghiên cứu văn học sử, hầu như các học giả chủ yếu đề cập đến công trình

Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 16

Phê bình và cảo luận của Thiếu Sơn, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Thi nhân

Việt Nam của Hoài Thanh và đánh giá vai trò quán quân của các tác giả này đối với nghiên cứu và phê bình văn học nửa đầu thế kỷ XX mà ít lưu tâm đến một lượng bài khảo cứu phê bình rất có giá trị của các học giả uyên bác như Nguyễn Văn Tố, Đào Trọng Đủ, Dương Bá Trạc, Hoa Bằng…; của các cây bút phê bình tài hoa như Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Phạm Mạnh Phan… Sự có mặt của các cây bút này đã góp phần không nhỏ khẳng định quá trình phát triển đa sắc của phê bình và lý luận văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Từ những năm 1940, nghiên cứu và phê bình văn học ngày càng chuyên môn hóa và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Các khuynh hướng phê bình ngày càng đa dạng: Có lối phê bình nghiêng về cảm giác, ấn tượng như Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam, 1941; Có lối phê bình theo xu hướng tổng kết như Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại, 1942; Lê Thanh trong Cuốn sổ văn học, 1944; Lại có lối phê bình nghiêng về biên khảo như Nguyễn Văn Tố trong Tài liệu để đính chính các bài văn cổ, 1941; Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu, 1944) hay phê bình theo xu hướng khảo cứu, thực chứng (Hoa Bằng trong Thử viết Việt Nam văn học sử, 1941; Kiều Thanh Quế trong Ba mươi năm văn học, 1941; Phê bình văn học, 1942 và Cuộc tiến hóa văn học, 1943…).

Điểm qua diện mạo của văn khảo cứu, phê bình những năm 40 của thế kỷ XX ở ba tờ tạp chí lớn, xuất hiện cùng thời là Thanh nghị, Hàn Thuyên Tri tân, luận án có thể chỉ ra đặc điểm riêng của văn khảo cứu phê bình trên tạp chí Tri tân cũng như thế mạnh của từng nhóm bút. Mỗi nhóm phái có tôn chỉ mục đích và đặc thù riêng song cả ba tờ tạp chí này đều có một điểm chung là luôn chủ trương đón nhận, đăng tải những công trình khảo cứu về lịch sử, văn hóa, văn học cổ. Tuy nhiên, lực lượng cầm bút cũng như tư tưởng của những người làm báo Tri tân, Thanh nghị Hàn Thuyên khác nhau nên quan điểm nghiên cứu cũng khác nhau.

Mảng khảo cứu có giá trị nhất trên tạp chí Hàn Thuyên là các công trình nghiên cứu văn học cổ (Kinh thi Việt Nam của Trương Tửu, 1940; Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, 1942; Nguyễn Du và Truyện Kiều của Nguyễn Bách Khoa, 1943; Văn học khái luận của Đặng Thai Mai, 1944…) và các bài khảo cứu về lịch sử, tiêu biểu như Lý Thường Kiệt và Hai Bà Trưng khởi nghĩa của Nguyễn Tế Mỹ; Nhân loại tiến hóa sử, Nguồn gốc văn minh của Nguyễn Bách Khoa; Gốc tích loài người, Đời sống thái cổ của Nguyễn Đức Quỳnh... Tuy nhiên, khi nghiên cứu về văn hóa, lịch sử

các học giả của báo Hàn Thuyên lại chịu sự chi phối bởi quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử nên không tránh khỏi cái nhìn khiên cưỡng, máy móc.

Thế mạnh của tạp chí Thanh nghị là các bài khảo cứu về chính trị, giáo dục, kinh tế xã hội của lớp học giả cấp tiến như Vũ Văn Hiền, Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Nghiêm Xuân Yêm… Đối với những bài khảo cứu về lịch sử và văn học cổ trên tạp chí Thanh nghị số lượng còn khiêm tốn, xuất hiện lẻ tẻ và rời rạc ở một số bài viết của tác giả Nguyễn Thiệu Lâu, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh…

Trong khi đó, hoạt động chủ yếu của nhóm Tri tân là khảo cứu về lịch sử, văn hóa, văn học cổ. Với con số 388 bài khảo cứu về các lĩnh vực trên mà luận án khảo sát cũng là một phần minh chứng cho thành công và giá trị của mảng văn khảo cứu trên tạp chí. Ngoài ra, Tri tân còn có số lượng lớn các bài nghiên cứu và phê bình văn học, trong 5 năm tồn tại, với con số 427 văn bản mà luận án khảo sát trên tạp chí Tri tân quả đã có sức thuyết phục. Nếu như lực lượng cầm bút chủ chốt của tạp chí Thanh nghị là các trí thức Tây học có tư tưởng tiến bộ thì lực lượng cầm bút chính đồng hành cùng tạp chí Tri tân tập trung chủ yếu ở lớp trí thức Nho học mang tinh thần dân tộc với chủ trương “ôn cố”. Chính sự khác biệt về lực lượng cầm bút này đã tạo nên đặc điểm riêng của văn khảo cứu phê bình trên Tri tân.

Sở dĩ từ năm 1940, văn khảo cứu, phê bình phát triển mạnh mẽ và ngày càng chuyên môn hóa cao bởi có những điều kiện thuận lợi thúc đẩy. Đó là một nền tảng vững chắc của biên khảo, phê bình giai đoạn trước, đặc biệt từ thời Nam phong. Đặt trong tương quan so sánh, có thể nhìn nhận đầy đủ hơn về thành tựu và cả những mặt hạn chế của biên khảo, phê bình từ Nam phong trở về trước. Nếu như giai đoạn trước, mảng nghiên cứu, phê bình, khảo luận hầu như chỉ có một mình Phạm Quỳnh chèo chống thì giai đoạn sau, lực lượng cầm bút là những trí thức vừa có nền tảng về Nho học vừa có vốn văn hóa, văn học phương Tây. Hơn nữa, họ lại được học hành nghiêm túc, đào tạo bài bản nên những công trình nghiên cứu của họ được soi chiếu bằng thế giới quan khoa học và tư duy lý luận. Vì vậy khảo cứu và phê bình văn học những năm 40 của thế kỷ XX thể hiện rõ sự tiến bộ trong nhận thức và tư duy của người viết.

Mặt khác, bối cảnh chính trị, xã hội, tình hình văn hóa tư tưởng là tiền đề tiên quyết cho khảo cứu và phê bình văn học phát triển. Trong không khí kiểm duyệt nghiệt ngã, trong bầu chính trị căng thẳng, bức bối, các sáng tác văn học dần bị thu hẹp. Để an toàn cho cả người đọc lẫn người viết thì thể loại khảo cứu, phê bình chiếm

vị thế tối ưu. Đồng thời, khi lựa chọn viết khảo cứu, phê bình, người viết đã đáp ứng được hai yêu cầu thiết thực đối với đời sống văn học đương thời: Vừa tìm nguồn, phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống mà khuynh hướng văn học “phục cổ” khởi xướng; vừa thống nhất, trung thành với tôn chỉ, mục đích của báo Tri tân. Tinh thần, bản chất của văn học giai đoạn này là hành trình trở về với quá khứ, với những giá trị cổ truyền bởi trong thẳm sâu tâm hồn người trí thức Việt: “Cái bản chất Việt Nam không thể mất hoặc do một sự chọn lọc dựa vào chính quan niệm Âu Tây mà họ thâu thái được. Sự Âu hóa mau và mạnh đến nỗi nhiều người phải tỏ nỗi lo ngại về tình trạng mất gốc và trong xã hội đã có một sự tách rời khá rõ rệt giữa giới trí thức và đại đa số quần chúng. Để kịp thời ứng phó với các biến cố đưa đến do thế chiến 1939- 1945, một số thức giả đã phải lợi dụng phong trào Phục hưng của Chính phủ thuộc địa thời Pétain để phục hồi những giá trị lịch sử và văn hóa cần thiết cho sự quật khởi của tinh thần quốc gia” [186, 421].

Hiện tượng phồn thịnh về khảo cứu, phê bình trên Tri Tân, nhìn rộng hơn, không thể không kể đến vai trò của Chữ quốc ngữ. Đồng thời, lớp nhà Nho thế hệ trước (thời Nam phong) đã chủ trương xây dựng một nền quốc văn mới nhằm mục đích bảo tồn “quốc hồn, quốc tuý” dân tộc và “bàn giao” lại cho thế hệ sau: “Những người làm việc biên khảo này hầu hết là bọn Nho gia tàng trữ cái cựu học, cựu thức mà trước khi rút lui họ muốn đem giãi bày vào sách vở để lưu lại cho thế hệ sau. Họ đã thực hiện đúng cái đường lối mà Nguyễn Bá Trạc đã vạch ra cho những nhà cựu học trong buổi giao thời ấy là vì xã hội mà đứng ra làm công việc bàn giao, bàn giao cho người kế vị mình cái kho tàng hiểu biết của lớp mình. Biết điều gì thì bàn giao điều ấy, người về tư tưởng Á Đông, kẻ về sử ký nước nhà, kẻ về văn chương tiền nhân. Bọn người tới sau có thể tôn quý hay rẻ rúng hay phẩm bình cách nào mặc lòng, song nhiều biên bản bào giao ấy, bởi cái tình thế đứt đoạn giữa hai thế hệ, hai nền học, hai thứ văn, có giá trị những tài liệu mà người sau không còn thể tìm ra ở đâu nữa” [125, 257]. Đối với những người xây dựng Tri tân, họ cũng nhận ra rằng: Ở giai đoạn ấy, mảng sáng tác đang có những vấn đề riêng của nó, người sáng tác đang tập trung quanh một số nhà xuất bản hoặc một số tờ báo. Để tìm một lối đi riêng, Tri tân không thể cạnh tranh với họ nên một cách rất thông minh Tri tân đã tìm ra một hướng phát triển mà ít nhóm quan tâm tới – chú trọng và đẩy mạnh khảo cứu phê bình văn học.

4.1.2. Diện mạo và đặc điểm của văn khảo cứu, phê bình trên Tri tân

4.1.2.1. Về văn khảo cứu

So với hai tạp chí lớn cùng thời (Thanh nghị Hàn Thuyên) thì mảng văn khảo cứu trên Tri tân khá đồ sộ và thực sự có giá trị. Với tính cách của thể tài tạp chí: “Văn tự phải yêm báo, thâm thuý, tinh tường, khúc chiết. Nói về việc gì sự gì phải có nhiều tài liệu khảo cứu kỹ càng, đầu đuôi, gốc ngọn, nguyên tắc, chi tiết, phải nói rõ phân minh vì mỗi bài trong tạp chí đều có thể in thành sách nên phải hết sức thận trọng” (Tạp chí Tri tân, số 214, tr.15) nên văn khảo cứu là thể loại phù hợp nhất với yêu cầu của thể tài tạp chí

Hơn 5 năm tồn tại, Tri tân đã đón nhận, đăng tải được 388 bài khảo cứu ở đủ các lĩnh vực: Văn học, lịch sử, văn hóa, triết học, tôn giáo, khoa học, giáo dục, báo chí… Đáng chú ý nhất là những bài khảo cứu về lịch sử, văn hóa, văn học dài kỳ mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Có thể kể đến những bài khảo cứu dài trên dưới một trăm số như Bia Văn miếu, những ông nghè triều Lê của Nguyễn Văn Tố (112 số, đăng tải trong suốt 4 năm, từ số 25, Novembre, 1941 đến số 204, tháng 9 năm 1945); Tài liệu để đính chính những bài văn cổ (90 số, từ số 19, Octobre, 1941 đến số 212 ngày 22 tháng 11 năm 1945 mà vẫn chưa kết thúc)… Có nhiều bài dài vài chục số như Đại Nam dật sự của Nguyễn Văn Tố (68 số, từ số 104, Juillet, 1943 đến số 209 ngày 25 tháng 10 năm 1945); Thử viết Việt Nam văn học sử của Hoa Bằng (32 số, từ số 1, Juin, 1941 đến số 56, Juillet, 1942 vẫn còn dang dở); Tra nghĩa chữ Nho (31 số, từ số 46, Mai, 1942 đến số 92, Avril, 1943); Việt Nam văn học sử (21 số, từ số 172, Décembre, 1944 đến số 210 ngày 1 tháng 11 năm 1945, vẫn trong tình trạng còn dang dở); Bản sách dẫn về “Đại Nam liệt truyện” của Thọ Xuân Lê Văn Phúc (18 số, từ số 57, Aout, 1942 đến số 170, Décembre, 1944); Bàn góp về nguồn gốc tiếng Việt Nam của Đào Trọng Đủ (12 số, từ số 129, Février, 1944 đến số 192 ngày 21 tháng 6 năm 1945)… Để có được những bài khảo cứu với dung lượng chiếm từ hàng trăm tới vài trăm trang báo, các tác giả đã miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu những tài liệu, sách vở cũ rồi so sánh, đối chiếu, phản biện trên một tinh thần khoa học nghiêm túc, cẩn trọng để đưa ra những nhận xét, đánh giá thuyết phục. Đồng thời các bài viết cũng thể hiện tinh thần phê phán một cách đúng mực, nhằm cho độc giả nhận biết rõ “cái thật, cái giả”. Kho tàng tài liệu mà các học giả say mê tìm kiếm chủ yếu là nguồn cổ văn (Hán, Nôm) viết về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, văn tự, văn học…

Đặc điểm nổi bật của thể văn khảo cứu trên Tri tân là sự tra cứu, so sánh, đối chiếu, hiệu đính một cách công phu nghiêm túc những điểm còn tồn nghi trong một bài văn cổ hoặc một sự kiện, một nhân vật lịch sử hoặc một nét hay một đặc điểm về văn hóa, tư tưởng… Đảm nhiệm công việc cần mẫn đó, không thể không kể đến vai trò chủ chốt của lực lượng cầm bút. Họ là những nhà nho uyên bác lớp trước như Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Đào Trọng Đủ, Nguyễn Đôn Phục... và những học giả lớp sau nhưng lại có vốn Nho học khá dày dặn như Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm, Biệt Lam Trần Huy Bá, Mãn Khánh Dương Kỵ… Đối với người sáng tác thì điều cốt yếu là sự trải nghiệm và thăng hoa của cảm xúc, in đậm dấu ấn chủ quan. Đối với người làm công việc khảo cứu đòi hỏi đức tính thận trọng, tỉ mỉ, miệt mài. Để có được một minh chứng khoa học họ phải tìm tòi, góp nhặt những tài liệu cổ từ nhiều nguồn (có thể từ trong kho tàng thư sách xưa, có thể trong thư viện, có thể lưu lạc trong nhân gian…) để làm cơ sở đối chứng, đưa ra những cứ liệu xác thực. Đồng thời, nhà khảo cứu phải làm việc trên tinh thần khoa học khách quan, có ý thức trách nhiệm cao đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống.

Phần giá trị nhất của mảng văn khảo cứu trọng tâm ở hai lĩnh vực: Lịch sử và văn học. Ngoài ra còn có các bài khảo cứu về văn hóa, triết học, phong tục, tôn giáo, khoa học, giáo dục… rất có ý nghĩa.

Đối với mảng văn khảo cứu về đề tài lịch sử, Tri tân dành những chuyên mục khá hấp dẫn để thu hút người viết và độc giả như chuyên mục Sử liệu sống, Mảnh sử liệu, Anh hùng với giai nhân, Chép tân cổ nhắp ngon mùi chính khí, Danh nhân Việt Nam, Sử học luận đàm… Trong đó hai chuyên mục “trung thành” và “ăn khách” nhất của Tri tân Sử liệu sống Sử học luận đàm. Các tác giả không ngần ngại theo vết người xưa để tìm về khảo cứu một địa danh, một di tích đền chùa miếu mạo hay một nhân vật, một sự kiện trong một giai đoạn lịch sử của một vương triều phong kiến… bị sử sách lãng quên hoặc chỉ lược cứu hoặc còn nhiều nghi vấn. Thậm chí nhà khảo cứu còn “cất công” trong hành trình tìm về gặp gỡ các cổ nhân như tìm về nguồn nhân chứng sống để nghe và ghi chép lại những câu chuyện, những giai thoại lịch sử chỉ có được ở những nguồn Sử liệu sống rất hấp dẫn đó.

Trong chuyên mục Danh nhân lịch sử, chủ yếu các tác giả khảo cứu về nhân vật lịch sử, thường là các bậc danh tướng, danh nho, những người có công lớn đối với lịch

sử nước nhà mà sử sách chỉ nhắc đến sơ lược như Danh nhân nhà Trần, Danh tướng nhà Đinh, Danh nhân Bình Định, Danh nhân Nam Kỳ...; Những võ tướng như Tả quân Lê Văn Duyệt, Tiền quân Nguyễn Văn Thành, Hậu quân Lê Chất… Hay khảo cứu về một gia tộc, một dòng họ như Gia thế họ Đinh ở Hàm Giang, Gia đình Trưng Vương, Họ vua nhà Nguyễn… Loại bài khảo cứu này thường ngắn gọn, súc tích (trên dưới một trang báo) được viết dưới dạng một câu chuyện hoặc có thật, hoặc được ghi chép từ những giai thoại, những lời truyền tụng trong dân gian hoặc thuật lại theo lời kể của một lão nho để tìm về tận ngọn nguồn, gốc gác của nhân vật, phản biện lại những giả thuyết còn tồn nghi, đính chính những chỗ sai sót, đưa ra những kết luận khoa học. Ngoài ra còn có những bài khảo cứu xoay quanh việc giới thiệu, hiệu đính một số sáng tác của các bậc danh nho, danh thần hoặc những câu đối, những bài thơ, bài phú, văn bia của người đời sau cảm tác tặng các bậc công thần đó.

Tri tân cũng rất cởi mở trong mục Sử học luận đàm để cùng bạn đọc gần xa trao đổi, bàn luận về một sự kiện hay một nhân vật lịch sử còn nhiều điểm chưa thống nhất. Mở ra diễn đàn luận bàn về sử học, rõ ràng Tri tân rất thành tâm trong việc lượm nhặt, gom tìm, vun vén những giá trị đích thực về lịch sử. Tạp chí luôn trân trọng công việc thu gom kho tài liệu cổ sử bốn phương. Để có được những bài khảo cứu lịch sử hẫp dẫn cống hiến cho độc giả, ngay ở những số đầu tiên, Tri tân đã đề ra chủ trương và nhiệm vụ rất cụ thể:

“1/ Tìm tòi trong đống sách Đông Tây, nhặt lượm lấy các sử liệu có dính líu đến Việt Nam;

2/ Phê phán các sử liệu trong sử sách cũ, vạch rõ những cái giả hiệu, những cái sai lầm trong các sách mới xuất bản thuộc loại sử ký;

3/ Đến hỏi tận nơi mấy bậc cố lão chuyện mắt thấy tai nghe ở lớp các cụ, rồi ghi chép lấy để làm sử liệu sống;

4/ Đến thăm tận nơi những vết cũ, dấu tàn có dính líu đến lịch sử như lăng vua Bố Cái Phùng Hưng, thành Cổ Lộng…” (Tạp chí Tri tân, số 2, tr.2).

Đặc biệt hơn là những bài khảo cứu về lịch sử đã thể hiện sâu sắc nhất tinh thần của tạp chí- niềm tự tôn, tự hào dân tộc: “Lấy công tâm mà phán xét thì lịch sử Việt Nam so với lịch sử của bất cứ nước nào, không kém phần vinh diệu; Sử còn là một nguồn sinh lực cho tinh thần quốc gia. Những cảnh loạn lạc lầm than của nhân dân gặp khi quốc biến nhắc ta nhớ rằng quanh mình ta còn có đồng bào, chủng tộc; Có đọc sử

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023