toán tốt đẹp. Do đó nhà xuất khẩu sẽ muốn phòng ngừa trước những rủi ro không được thanh toán có thể xảy ra do người mua mất khả năng thanh toán hoặc từ chối nhận hàng. Trong trường hợp này thư tín dụng (L/C) sẽ đáp ứng nhu cầu của cả hai bên với tư cách một phương tiện thanh toán. Nó còn có thể là công cụ tín dụng. Thật vậy, với những đảm bảo mà nó mang lại cho mỗi bên, đảm bảo giao hàng đối với nhà nhập khẩu và đảm bảo thanh toán đối với nhà xuất khẩu, nên các bên có thể xin vay vốn phục vụ nhu cầu vốn của mình. Thư tín dụng (L/C) là cam kết của ngân hàng mở L/C đối với nhà xuất khẩu (theo yêu cầu của khách hàng nhập khẩu) rằng ngân hàng sẽ thanh toán cho nhà xuất khẩu hoặc chấp nhận hối phiếu do người xuất khẩu ký phát nếu nhà xuất khẩu trình được bộ chứng từ phù hợp với những điều khoản, điều kiện do ngân hàng mở L/C chỉ ra. Đối với nhà nhập khẩu, mở L/C được xem là hình thức tài trợ của ngân hàng. Mọi thư tín dụng đều được mở theo đề nghị của nhà nhập khẩu. Khi ngân hàng đồng ý mở L/C cho nhà nhập khẩu, có nghĩa là ngân hàng cam kết thanh toán cho người hưởng lợi L/C nếu bộ chứng từ hợp lý. Ngân hàng sẽ gánh chịu rủi ro nếu như nhà nhập khẩu không có khả năng thanh toán, nhưng để đảm bảo uy tín của mình ngân hàng mở L/C phải thanh toán cho phía nước ngoài, điều này có nghĩa là ngân hàng mở L/C cấp tín dụng cho nhà nhập khẩu. Do đó trước khi mở L/C, ngân hàng phải kiểm tra tình hình tài chính và khả năng thanh toán, hoạt động của nhà nhập khẩu.
1.2. Cho vay ký quỹ mở L/C:
Ký quỹ là một quy định của ngân hàng phát sinh trong trường hợp khách hàng xin được bảo lãnh. Khách hàng sẽ phải nộp một khoản nhất định vào tài khoản của họ tại ngân hàng mà họ xin bảo lãnh và khoản tiền đó sẽ được phong tỏa cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng chấm dứt. Thường khoản tiền này được tính tỷ lệ với giá trị mà khách hàng xin bảo lãnh. Trong trường hợp thiếu sự tin cậy hoặc hiệu quả thương vụ tiềm ẩn rủi ro cao, ngân hàng có thể yêu cầu khách hàng ký quỹ 100% giá trị mà khách hàng xin bảo lãnh.
Ký quỹ nhằm hạn chế rủi ro cho ngân hàng trong quá trình thực hiện bảo lãnh cho khách hàng. Trường hợp ngân hàng phải thực hiện nghĩa vụ trả thay cho người được bảo lãnh, tiền ký quỹ sẽ được dùng để thanh toán cho người thụ hưởng bảo lãnh, phần còn thiếu ngân hàng mới dùng vốn của mình để thanh toán sau. Ngoài ra còn khẳng định khách hàng
có năng lực nhất định về vốn và ràng buộc khách hàng làm tròn nghĩa vụ của người được bảo lãnh. Trong hợp đồng bảo lãnh, thường có quy định tiền ký quỹ của khách hàng sẽ bị mất khi khách hàng vi phạm hợp đồng đã ký với ngân hàng.
Trong thanh toán quốc tế, khách hàng phải thực hiện ký quỹ khi đề nghị ngân hàng phát hành tín dụng thư, xác nhận tín dụng thư hoặc bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn nước ngoài. Cho vay ký quỹ là hình thức tài trợ nhập khẩu bởi tính rủi ro của thương vụ quá cao, ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng ký quỹ với giá trị lớn mà khả năng của doanh nghiệp không đáp ứng được hoặc chỉ đáp ứng được một phần. Điều này gây trở ngại cho khách hàng trong quá trình thực hiện thương vụ hoặc vay vốn nước ngoài, vì tiền ký quỹ là món tiền bị phong tỏa, khách hàng không được sử dụng trong suốt thời gian được ngân hàng bảo lãnh dẫn đến vốn lưu động của doanh nghiệp bị thu hẹp. Khi đó, căn cứ trên uy tín của khách hàng, hiệu quả của thương vụ hoặc trên tài sản đảm bảo, ngân hàng có thể xét cho vay ký quỹ. Cho vay ký quỹ vừa giải quyết được khó khăn về vốn lưu động cho khách hàng, tăng tính an toàn và mang lại hiệu quả cho ngân hàng, vừa đảm bảo tuân thủ những quy định pháp lý của ngân hàng về ký quỹ bảo lãnh. Tuy nhiên chỉ nên cho vay ký quỹ đối với khách hàng thực hiện bảo lãnh và thanh toán qua chính ngân hàng cho vay.
Có thể bạn quan tâm!
- Tìm hiểu hoạt động tài trợ thương mại quốc tế tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - 2
- Phát Hành Bảo Lãnh Trên Cơ Sở Bảo Lãnh Đối Ứng Của Ngân Hàng Khác
- Khái Niệm Và Tính Tất Yếu Khách Quan Của Hoạt Động Tài Trợ Thương Mại Quốc Tế:
- Đối Với Phương Thức L/c: ( Tài Liệu Tham Khảo Số 7)
- Nghiệp Vụ Chiết Khấu Nợ Dài Hạn ( Forfaiting - Hay Còn Gọi Là Bao Thanh Toán Tuyệt Đối): ( Tài Liệu Tham Khảo Số 4)
- Đánh Giá Chung Về Tình Hình Hoạt Động Kinh Doanh: (Tài Liệu Tham Khảo Số 8)
Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.
Trong thực tế, các ngân hàng thường phân loại khách hàng của mình tùy theo tình hình tài chính, khả năng thanh toán, quan hệ giữa ngân hàng với khách hàng mà ngân hàng tài trợ sẽ quyết định mức ký quỹ cao hay thấp. Trong một số trường hợp ngân hàng có thể cho vay ký quỹ mở L/C.
1.3. Bảo lãnh:
Trong TMQT, rủi ro là một yếu tố luôn luôn xuất hiện trong các thương vụ khác nhau (rủi ro thanh toán, rủi ro không thực hiện hợp đồng…). Từ đó nảy sinh nhu cầu bảo lãnh để hạn chế những rủi ro.
Trong mua bán quốc tế, đôi khi nhà xuất khẩu không nắm chắc được khả năng tài chính để thanh toán và mức độ tín nhiệm của nhà nhập khẩu, do vậy nhà xuất khẩu sẽ yêu
cầu nhà nhập khẩu phải có một tổ chức, thường là ngân hàng, đứng ra bảo lãnh thanh toán. Ngược lại, do không biết rõ hoặc không tin tưởng nhau, nhà nhập khẩu có thể yêu cầu bên xuất khẩu có ngân hàng đứng ra bảo lãnh giao hàng hoặc bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Trách nhiệm của ngân hàng bảo lãnh là đảm bảo thi hành đúng cam kết với nước ngoài trong trường hợp người xin bảo lãnh không thực hiện đầy đủ một nghiệp vụ nào đó với bên nước ngoài.
Bảo lãnh cũng có nhiều hình thức khác nhau như mở thư tín dụng trả chậm, ký bảo lãnh hay ký chấp nhận trên các hối phiếu, phát hành thư bảo lãnh với nước ngoài....
Các lợi thế của các bên liên quan trong nghiệp vụ này:
Đối với nhà nhập khẩu (bên được bảo lãnh): được hưởng một khoản vốn của bên xuất khẩu mà không phải trả lãi ( thực chất có thể giá bán đã tính lãi rồi), chỉ trả một khoản chi phí cho người bảo lãnh.
Đối với nhà xuất khẩu: hoàn toàn yên tâm rằng đến hạn sẽ được thanh toán nợ. Nếu cần tiền, nhà xuất khẩu cũng có thể đem bộ chứng từ chiết khấu tại một ngân hàng khác để đáp ứng nhu cầu vốn của mình.
Đối với ngân hàng bảo lãnh: với bất cứ ngân hàng nào, khi tiến hành bảo lãnh, nghĩa là đã được sự tin tưởng về uy tín của bên xuất khẩu, bên nhập khẩu. Khi bảo lãnh cho khách hàng, ngân hàng chỉ cho vay trừu tượng, nghĩa là ngân hàng không bỏ ra một khoản vốn nào cả, mà chỉ lấy uy tín, danh dự của ngân hàng ra cho vay, làm cơ sở cho vay.
Thủ tục bảo lãnh cho vay ngắn hạn theo phương thức cho vay thông thường, nghĩa là khi bảo lãnh cho khách thì khách hàng phải có mục đích xin vay, có khả năng thanh toán và có tài sản thế chấp. Khi đến hạn, nếu nhà nhập khẩu không có khả năng thanh toán thì phải làm thủ tục vay tại ngân hàng. Như vậy mục đích bảo lãnh được thực hiện, nghĩa là ngân hàng bảo lãnh muốn khách hàng của mình vay, nhằm thu thêm được một khoản lãi, có khách hàng mới về mặt tín dụng và chi phí bảo lãnh.
1.4. Chấp nhận hối phiếu:
Chấp nhận hối phiếu là một nghiệp vụ thông thường trong quá trình lưu thông hối phiếu. Trong thời hạn quy định, bên bán phải xuất trình cho bên mua để họ ký chấp nhận trả tiền hối phiếu. Hối phiếu chỉ có thể lưu thông dễ dàng khi nó đã được ký chấp nhận trả tiền khi đến hạn. Tuy nhiên, nghiệp vụ ngân hàng chấp nhận hối phiếu ở đây được bàn ở khía cạnh khác: khía cạnh tài trợ của ngân hàng đối với các doanh nghiệp XNK. Tín dụng chấp nhận hối phiếu là khoản tín dụng mà ngân hàng ký chấp nhận hối phiếu. Người vay khoản tín dụng này chính là nhà nhập khẩu và khoản vay chỉ là một hình thức, sự đảm bảo về tài chính, thực chất ngân hàng chưa phải xuất tiền thực sự cho người vay. Tuy nhiên, khi đến hạn nếu nhà nhập khẩu không có đủ khả năng thanh toán, thì người cho vay (ngân hàng), người đứng ra chấp nhận hối phiếu phải trả nợ thay.
Tín dụng chấp nhận hối phiếu xảy ra trong trường hợp bên bán thiếu tin tưởng khả năng thanh toán của bên mua, họ có thể đề nghị bên mua yêu cầu một ngân hàng đứng ra chấp nhận trả tiền hối phiếu do bên bán ký phát. Nếu ngân hàng đồng ý, điều đó cũng có nghĩa là ngân hàng đã chấp nhận cấp một khoản tín dụng cho bên mua để họ thanh toán cho bên bán khi hối phiếu đến hạn. Đối với ngân hàng, kể từ khi chấp nhận trả tiền hối phiếu cũng chính là thời điểm bắt đầu gánh chịu rủi ro, nếu như bên mua không có tiền thanh toán cho bên bán khi hối phiếu đến hạn thanh toán. Đương nhiên, nếu đến thời hạn thanh toán hối phiếu, bên mua có đủ tiền, thì ngân hàng thực sự không phải ứng tiền ra, như vậy khoản tín dụng này chỉ là hình thức, là một sự đảm bảo về tài chính. Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ chỉ nhận được một khoản phí chấp nhận, khoản tiền bù đắp cho chi phí gánh chịu rủi ro tín dụng mà thôi.
Giá trị của tín dụng chấp nhận hối phiếu thể hiện ở chỗ:
Với sự chấp nhận của ngân hàng, nhà xuất khẩu trên cơ sở đó có được sự đảm bảo một cách chắc chắn về khả năng thanh toán và có thể đem hối phiếu chiết khấu tại bất kỳ ngân hàng nào. Khả năng thương mại của hối phiếu lúc này rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà xuất khẩu được hưởng một tỷ lệ chiết khấu ưu đãi.
Đối với nhà nhập khẩu, hình thức tín dụng này đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động thương mại. Nhà nhập khẩu phát hành một hối phiếu kèm theo một đơn xin
vay loạt tín dụng qua chữ ký yêu cầu ngân hàng ký chấp nhận hối phiếu cho dù ngân hàng không có quan hệ nợ với nhà nhập khẩu. Đó là sự thỏa thuận ngầm, một nghệ thuật vay vốn. Sau đó nhà nhập khẩu đem hối phiếu đã được chấp nhận đến chiết khấu tại một ngân hàng khác. Với khoản thu từ chiết khấu này, nhà nhập khẩu đem hối phiếu có đủ khả năng thanh toán trước hạn cho nhà xuất khẩu để hưởng hoa hồng và khi đó sẽ kiếm được giá mua thuận lợi.
1.5. Cho vay thanh toán hàng nhập khẩu hay tài trợ thanh toán chứng từ giao hàng:
Theo hình thức này, khách hàng phải lập phương án sản xuất kinh doanh mang tính khả thi cho lô hàng nhập về phục vụ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, khách hàng phải lên kế hoạch tài chính nhằm xác định khả năng thanh toán thì đến thời điểm thanh toán dự kiến, xác định khoản thiếu hụt cần ngân hàng tài trợ. Trên cơ sở xem xét và phân tích kế hoạch và phương án của khách hàng ngân hàng sẽ quyết định tài trợ và xác định mức ngân hàng chấp nhận tài trợ. Tất cả các công đoạn này phải thực hiện trước khi bộ chứng từ giao hàng đã về đến ngân hàng đứng ra tài trợ. Trường hợp bộ chứng từ giao hàng đã về rồi mà khách hàng mới xin tài trợ thanh toán, thì khả năng bị ngân hàng từ chối tài trợ rất lớn vì ngân hàng có rất ít thời gian xem xét bộ chứng từ cũng như đánh giá khả năng hoàn vốn của khách hàng cho khoản tiền mà ngân hàng tài trợ. Khi hàng hóa, bộ chứng từ về đến nơi, nhà nhập khẩu có thể nhận được sự tài trợ của ngân hàng thông qua hình thức vay thanh toán L/C trong trường hợp L/C trả ngay, hoặc ngân hàng thay mặt nhà nhập khẩu ký chấp nhận thanh toán trên hối phiếu trong trường hợp L/C trả chậm.
1.6. Cho vay bắt buộc:
Về nội dung cũng là cho vay thanh toán bộ chứng từ giao hàng. Tuy nhiên, tình trạng vay bắt buộc phát sinh khi người nhập khẩu không thanh toán hoặc không tập trung đủ tiền để thanh toán bộ chứng từ giao hàng. Ngân hàng khi đó sẽ cho vay trên giá trị tiền hàng còn thiếu để thanh toán đúng hạn cho ngân hàng nước ngoài. Nhà nhập khẩu nên tránh tình trạng phát sinh nợ vay bắt buộc do họ sẽ phải chịu lãi suất vay cho khoản tiền này tương ứng lãi suất vay quá hạn theo quy định của ngân hàng, bởi vì tính chất của món vay bắt buộc
thường không quá 30 ngày kể từ ngày ngân hàng trả thay, áp lực thanh toán nợ vay cho ngân hàng là sẽ rất lớn. Tuy nhiên, vì món vay bắt buộc mang tính nhất thời nên khách hàng phát sinh vay bắt buộc không hẳn là khách hàng không lành mạnh, món vay phát sinh thường do họ không tính toán chính xác trong kế hoạch tài chính hoặc gặp những biến cố bất ngờ trong quá trình sản xuất kinh doanh. Vì thế nên, ngân hàng sẽ có cách hành xử thích hợp với khách hàng.
2. Tài trợ xuất khẩu:
Tài trợ xuất khẩu của NHTM là một hình thức tài trợ thương mại, kỳ hạn gắn liền với thời gian thực hiện thương vụ xuất khẩu, đối tượng nhận tài trợ là các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp hoặc ủy thác; giá trị tài trợ thường ở mức vừa và lớn. Nó giải quyết nhu cầu vốn tạm thời thiếu hụt của khách hàng trong quá trình kinh doanh xuất khẩu (quá trình thu gom hàng cũng như chế biến hàng hóa chuẩn bị xuất khẩu), nhất là đối với những khách hàng là các tổ chức xuất khẩu lớn có uy tín, có những hợp đồng xuất khẩu liên tục, thường có nhu cầu vốn ngay để tiếp tục sản xuất kinh doanh bình thường.
Sau đây là các hình thức tài trợ xuất khẩu ở NHTM hiện nay:
2.1. Tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng: (tài liệu tham khảo số 6)
Mục đích của loại tài trợ này là nhằm tài trợ nhu cầu vốn lưu động cho nhà xuất khẩu để thực hiện đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu nước ngoài. Nội dung tài trợ bao gồm: Tài trợ trực tiếp cho nhà xuất khẩu để trang trải phần tài sản lưu động tăng thêm, như giá trị vật tư nguyên liệu, sản phẩm dở dang và dự trữ thành phẩm xuất khẩu. Trong một số trường hợp có thể là tài trợ trực tiếp cho những nhà sản xuất cung ứng hàng hóa (hay bán thành phẩm) phục vụ xuất khẩu.
Tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng thường bao gồm các loại hình: tài trợ cho từng thương vụ độc lập và tài trợ theo hạn mức (tín dụng hạn mức trước khi giao hàng).
2.1.1. Tài trợ cho từng thương vụ độc lập:
Đây là loại tài trợ trên cơ sở một đơn đặt hàng, một hợp đồng ngoại thương hay một L/C cụ thể đã được mở. Quyết định cho vay phụ thuộc chủ yếu vào tính hiệu quả của thương vụ và nguồn thu hồi nợ vay cũng chính từ nguồn thu của thương vụ này. Đây cũng là loại tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng chủ yếu.
Để được ngân hàng tài trợ nhà xuất khẩu hoặc nhà cung ứng cần phải có một đơn hàng hoặc một cam kết mua hàng chắc chắn từ phía nhà nhập khẩu nước ngoài, trong khi đó hàng hóa chưa được sản xuất hoặc chưa thu mua từ nhà sản xuất. Thông thường chính sách hỗ trợ xuất khẩu của các nước thường coi những nhà sản xuất cung ứng hàng hóa cho những nhà kinh doanh xuất khẩu trung gian và cả các nhà thầu phụ cung cấp hàng sơ chế hoặc sản phẩm chưa hoàn chỉnh cho các nhà xuất khẩu cũng được xem là đối tượng khách hàng để ngân hàng xem xét tài trợ. Tương tự, trong lĩnh vực nông sản, các chủ trại và nông dân cung ứng sản phẩm cho nhà sản xuất chế biến hoặc nhà xuất khẩu cũng được xem là khách hàng được tài trợ. Đối với những khách hàng mới hay những thương vụ kinh doanh mặt hàng mới, để được ngân hàng tài trợ, khách hàng thường phải xuất trình một L/C đã được mở bởi một ngân hàng có uy tín, hoặc L/C phải được xác nhận của một ngân hàng có uy tín khác.
Vấn đề đặt ra là, trong thực tế những nhà sản xuất không những sản xuất hàng hóa dành cho mục đích xuất khẩu mà còn tiêu thụ nội địa, do đó việc thẩm định phương án xin vay xuất khẩu, xem xét bảo đảm tiền vay cho thương vụ, giám sát mục đích sử dụng vốn vay và khống chế nguồn thu trả nợ trở nên rất phức tạp và khó kiểm soát. Hơn nữa, các khoản tài trợ xuất khẩu thường được ưu tiên vê lãi suất, nếu doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích thì các biện pháp chế tài đặt ra là như thế nào? Đặc biệt là trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất vẫn hoàn trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn?
Mức tài trợ thông thường được khống chế theo tỷ lệ phần trăm giá trị đơn đặt hàng, và thường xoay quanh từ 70% đến 80%. Việc nhà xuất khẩu tham gia thương vụ với tỷ lệ vốn nhất định là để gắn trách nhiệm của nhà xuất khẩu với thương vụ, bảo đảm cho thương vụ được thực hiện một cách hiệu quả, tạo khả năng hoàn trả vốn vay cho ngân hàng.
Thời hạn ngân hàng tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng thường được tính từ khi giải ngân để trả tiền hàng hóa và dịch vụ cho các nhà cung ứng cho đến khi thu được tiền từ nhà nhập khẩu nước ngoài. Nhiều ngân hàng tài trợ xuất khẩu thường yêu cầu người thanh toán ( nhà nhập khẩu hay ngân hàng mở L/C ) thanh toán hàng xuất khẩu trực tiếp cho mình để đảm bảo thu nợ, bằng cách quy định trong hợp đồng ngoại thương là nhà xuất khẩu sẽ ký phát hối phiếu cho ngân hàng tài trợ hưởng. Đặc biệt là trong phương thức tín dụng chứng từ, thì ngân hàng thông báo L/C thường là ngân hàng tài trợ cho nhà xuất khẩu và cũng là người hưởng lợi trực tiếp L/C. Sau khi trừ nợ gốc, lãi tiền vay và các chi phí phát sinh, phần còn lại sẽ được ghi có vào tài khoản của nhà xuất khẩu. Theo định nghĩa thì tín dụng ngắn hạn có thời hạn đến một năm, còn trong thực tế, thời hạn tín dụng tài trợ xuất khẩu ngắn hạn thường từ 60 ngày đến 180 ngày.
Có ba đặc điểm về lãi suất tài trợ xuất khẩu cần chú ý là: Thứ nhất, hầu hết các nước đều khuyến khích xuất khẩu bằng nhiều công cụ khác nhau, trong đó, lãi suất là một công cụ truyền thống và mang lại hiệu quả. Để kích thích xuất khẩu thông qua lãi suất, các nước thường cho phép các NHTM áp dụng lãi suất tài trợ xuất khẩu thấp hơn mức lãi suất thị trường, phần chênh lệch sẽ được chính phủ bù. Hơn nữa, một số nước hình thành ngân hàng XNK chuyên trợ giúp và khuyến khích xuất khẩu thông qua công cụ lãi suất và các công cụ hỗ trợ khác. Thứ hai, do tài trợ xuất khẩu được dựa trên cơ sở đơn đặt hàng, hợp đồng ngoại thương hay L/C đã được mở từ phía nước ngoài, do đó đầu ra của thương vụ hầu như được bảo đảm chắc chắn; chính vì vậy mà chính sách lãi suất của các NHTM thường ưu tiên cho tài trợ xuất khẩu theo mức độ rủi ro giảm dần (ví dụ như ở ngân hàng Ngoại thương Việt Nam):
Sản xuất cung ứng hàng xuất khẩu.
Có đơn đặt hàng hay hợp đồng ngoại thương xuất khẩu.
Có L/C đã được mở.
Xuất trình bộ chứng từ thanh toán.
Chiết khấu hối phiếu đã được chấp nhận và còn hiệu lực.
Thứ ba, căn cứ vào hệ số xếp hạng tín nhiệm của nhà xuất khẩu mà áp dụng mức lãi suất ưu tiên phù hợp.