xum họp vui vẻ: “Sau bữa cơm không rau, không muối là đêm vui đầm ấm, cảm động diễn ra thâu đêm cạnh đống lửa cháy bập bùng giữa rừng mùa đông giá lạnh
…Cuộc vui kéo dài, không khí lúc sôi nổi, lúc trầm lắng đọng lại sâu sắc trong lòng của mỗi cán bộ, chiến sĩ trước ngày ra trận...” [37, tr.388]
Tình cảm giữa đồng chí, đồng đội đã trở thành những ký ức đẹp đẽ trong lòng mỗi người lính cách mạng. Ai cũng cũng mang trong mình tình yêu quê hương đất nước và hơn cả là tinh thần cách mạng sục sôi đang rực cháy. Từng người đồng đội tự giới thiệu về mình như một lời khắc ghi, lời nhắc nhở luôn nhớ về nhau trong những tháng ngày chiến đấu vất vả.
Trong tác phẩm Giải phóng, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những trang văn mang âm hưởng hoài niệm tha thiết. Khung cảnh thiên nhiên cũng hiện lên qua từng trang viết: “Buổi sáng Lam Sơn thật trong trẻo. Hơi lạnh thoảng dìu dịu. Ông Cụ từ đầu nguồn Ngườm Bốc đi lên, khăn vắt vai, dáng nhanh nhẹn, hứng khởi. Mọi người nhanh chóng sắp xếp chuẩn bị lên đường. Bữa sáng có xôi đỗ xanh thơm dẻo và những nắm cơm gạo trắng, thịt kho mang theo... Tất cả đứng một hàng ngang dưới gốc cây vải nghe Ông Cụ truyền lệnh rồi đi xuống bản vừa lúc đội bảo vệ mang vác thiết bị từ Nà Dưởng vừa đến. Ông Cụ ngó nghiêng tìm kiếm hai người bạn Đồng Minh cho tới khi nhìn thấy họ vui vẻ giơ tay vẫy mới yên tâm lên đường.”[38, tr. 5].
Những câu chuyện mà tác giả kể lại như vừa mới diễn ra ngày hôm qua. Nó vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của tác giả. Từng câu nói, từng việc làm của Bác luôn là dấu ấn khó phai nhòa. Phải có một tình yêu tha thiết đến nhường nào tác giả mới có thể viết được những câu văn thấm thía ân tình, chan chứa hoài niệm đến thế về Bác.
Kỷ niệm về Bác luôn đem đến cho người đọc cũng như chính tác giả những nỗi niềm xúc động tha thiết. Bởi vậy những dòng văn đầy cảm xúc là điều người đọc dễ dàng nhận thấy: “Công việc đã xong. Các đồng chí bảo vệ chuẩn bị đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Vạn Phúc. Tất cả đã được gói ghém cẩn thận! Mà có gì đâu, tư trang của Người chỉ có hai bộ quần áo, chiếc máy chữ và túi tài liệu. Người chưa muốn rời nơi này mặc dù các đồng chí bảo vệ rụt rè nhắc nhở nhiều lần. Người chưa muốn đi, chưa muốn xa Hà Nội thân yêu chỉ vài giờ nữa thôi sẽ ngập trong máu lửa”[38, tr. 385].
Thời gian đã lùi xa, những những năm tháng được sống bên Bác luôn là những năm tháng không thể nào quên. Những kỷ niệm khó quên ấy mãi mãi sẽ thấm sâu vào
trái tim của tác giả. Tác giả cũng đã khẳng định với tình yêu tha thiết, trìu mến dành cho Bác: “Năm nay đã là năm thứ tám của cuộc chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bước sang tuổi sáu mươi tư nhưng vẫn là một người dồi dào nghị lực và sức sống, có sức vóc như một thanh niên, mặt tuy rám nắng và gầy nhưng vẫn hồng hào khỏe mạnh, đôi mắt sáng ánh lên niềm vui, hiền từ, đượm vẻ ưu tư luôn cuốn hút...”[38, tr. 352]
Với giọng điệu hoài niệm thắm thiết, Hoàng Quảng Uyên đã dẫn dắt người đọc hướng về quá khứ và không quên gửi gắm những tình cảm tha thiết của mình ở đó. Có lẽ, do bản thân tác giả cũng là người luôn lưu giữ những kỷ niệm đẹp về một thời đã xa nên các trang viết của ông cũng bộc lộ những ưu tư, hoài niệm với những gì đã diễn ra trong quá khứ. Quá khứ như vẫn vẹn nguyên trong kí ức của tác giả, cũng như tình yêu, niềm kính trọng mà tác giả giành cho chủ tịch Hồ Chí Minh là không bao giờ phai nhạt và như thế, quá khứ ấy sẽ không bao giờ bị lãng quên.
3.4.2.3. Giọng điệu dí dỏm, hài hước, bông đùa
Có thể bạn quan tâm!
- Điểm Khác Biệt Trong Hai Tiểu Thuyết: “Mặt Trời Pác Bó” Và “Giải Phóng” Khi Sử Dụng Hư Cấu Nghệ Thuật Để Xây Dựng Nguyên Mẫu Hồ Chí Minh Thành
- Khái Niệm “Kết Cấu” Và Kết Cấu Tiểu Thuyết
- Giọng Điệu Trần Thuật Trong Hai Tiểu Thuyết Mặt Trời Pác Bó Và Giải Phóng Của Hoàng Quảng Uyên
- Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quảng Uyên - 13
Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.
Có một điều dễ dàng nhận ra trong các tác phẩm của Hoàng Quảng Uyên khi viết về Bác là ta luôn thấy hiện lên hai hình ảnh song song. Một nhà cách mạng yêu nước, một vị lãnh tụ của dân tộc, một người chỉ huy, một nhà chiến lược, một nhà ngoại giao, và bên cạnh đó là một con người bình thường trong cuộc sống đời thường giản dị đến vô cùng.
Nếu như khi viết về Bác với tư cách là một nhà chính trị, một lãnh tụ, tác giả viết bằng giọng văn trang nghiêm, ngợi ca, trân trọng thì khi viết về Bác trong cuộc sống đời thường ta bắt gặp một giọng văn dí dỏm, hài hước, bông đùa.
Trong tác phẩm Giải phóng tác giả viết về câu chuyện mượn ngựa của dân trong chuyến đi công tác của Bác đầy thú vị, hỏm hỉnh : “Ông Cụ lại móc từ túi ra nhiều tờ tiền đưa cho Mỹ Đức rồi quay sang nói với hai người bạn Đồng Minh điều gì đó. Người cao, da trắng nở nụ cười rất tươi, bước đến cầm lấy cương con ngựa to khoẻ, nhảy phắt lên lưng, quất roi. Con ngựa lồng lên phi về phía trước. Mọi người thích thú nhìn theo, một lúc mới thấy anh ta phi trở lại, nhảy xuống ngựa. Anh ta giơ tay ngang đầu chào ông Cụ... Ông Cụ cười rất vui nói với mọi người:
- Thế cũng hay. Hôm qua anh ta đã kêu nhức chân. Anh ta đang hăng, đừng để anh ta cụt hứng” [38, tr.14]
Không chỉ dừng lại ở đó, nhà văn Hoàng Quảng Uyên còn tái hiện tính cách hài hước của Bác qua một tình huống tưởng như không thể hài hước khi Bác gặp gỡ các viên tướng người Pháp.
Năm 1946, sau chuyến thăm chính thức nước Pháp với tư cách là thượng khách của nước này, Bác về nước bằng tàu thủy. Về đến vùng biển của Cam Ranh, Bác nhận được bức điện của Đô đốc Đắc Giăng-li-ơ, xin gặp Bác trong cảng, mục đích của chúng là diễu võ dương oai để uy hiếp tinh thần Bác. Trong bộ quần áo giản dị, Bác ngồi giữa một bên là Đô đốc Hải quân Pháp, bên kia là Thống soái lục quân Pháp ở Viễn Đông với những bộ quân phục sáng loáng các thứ bội tinh, quân hàm, quân hiệu. Đô đốc Đắc Giăng-li-ơ nói đùa nhưng đầy sự mỉa mai bóng gió:
- Thưa ông Chủ tịch, ông đã được đóng bộ khung rất đẹp của Hải quân và Lục quân đó.
Bác thản nhiên mỉm cười :
- Đô đốc biết đó, giá trị là ở bức họa chứ không phải ở bộ khung. Chính bức tranh mới đem lại giá trị cho cái khung [38, tr.329]
Trước những lời uy hiếp của Đô đốc Đắc Giăng-li-ơ, Bác đã trả lời một cách rành rọt nhưng cũng rất hài hước, dí dỏm. Qua câu trả lời ấy, người đọc thấy được sự tinh anh trong suy nghĩ của Bác về một vấn đề liên quan đến vận mệnh của dân tộc. Bác không coi trọng hình thức bề ngoài mà chỉ quan tâm đến giá trị đích thực của một bức tranh, còn cái khung chỉ là để trang trí chứ không hề có một chút giá trị nào. Cùng với đó, lời nói của Bác còn hàm chứa ẩn ý sâu xa, đó là: Bác chính là bức tranh tuy giản dị, mộc mạc nhưng giá trị của nó thì vô cùng lớn lao, còn hai tên tướng Pháp ngồi hai bên với những bộ quân phục sáng loáng các thứ bội tinh, quân hàm, quân hiệu chỉ là khung tranh dùng để trang trí mà thôi. Chính sự hiểu biết cũng như lòng tự tin của Người đã khiến cho đối phương vô cùng cảm phục vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Có thể nói: bên cạnh những lúc trăn trở, suy tư về vận mệnh của dân tộc, Hồ Chí Minh còn hiện lên là một con người hài hước, dí dỏm. Thông qua ngôn ngữ và hành động của Bác, nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã giúp người đọc thêm yêu mến, kính trọng và gần gũi với Bác hơn.
3.4.2.4. Giọng điệu châm biếm đả kích, tố cáo tội ác của kẻ thù
Trong một tác phẩm văn học, giọng điệu châm biếm đả kích thường được tác giả sử dụng để phê phán, khắc họa loại nhân vật phản diện. Giọng điệu này thường gắn với ngôn ngữ thông tục đời thường chỉ có một sắc thái biểu cảm là căm thù, khinh bỉ, đồng thời tố cáo tội ác của kẻ thù, lột trần bản chất xấu xa, phi nhân tính của chúng.
Trong hai tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó và Giải phóng, nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã sử dụng thành công giọng điệu này thông qua việc sử dụng ngôn ngữ thông tục, đời thường để đả kích sâu cay hành động dã man của thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam. Là người đã từng chứng kiến cảnh những người nghèo khổ thuộc tầng lớp dưới đáy của xã hội bị giai cấp thống trị của một số quốc gia trên thế giới trà đạp, áp bức đến tận xương tủy nên Hồ Chí Minh luôn mang trong mình nỗi đau xót xa, căm phẫn những kẻ chuyên cậy thế quyền đi ức hiếp những kẻ yếu hơn mình. Và khi đất nước, dân tộc Việt Nam bị giặc ngoại xâm lấn chiếm, nỗi căm phẫn ấy càng mãnh liệt hơn, quyết liệt hơn. Với cái nhìn tinh tế, nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã lựa chọn nhiều sự kiện, chi tiết tiêu biểu diễn ra trong lịch sử nhằm bộc lộ rõ hơn, sâu hơn về nỗi băn khoăn, trăn trở cũng như nỗi căm phẫn tột cùng của Bác đối với kẻ thù.
Tội ác của kẻ thù bị vạch trần mọi lúc, mọi nơi : “Trải gần một trăm năm sống đời nô lệ, bọn đế quốc, phong kiến đã làm cho dân tộc ta trở nên ngu dốt, tối tăm. Nay ta phải giúp cho người dân học chữ, học văn hóa, học phương pháp tổ chức cách mạng, đưa họ vào các tổ chức chính trị, vũ trang, đồng lòng, đồng chí hướng trên đường tranh đấu. Tạo ra một phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, một cao trào cách mạng như triều dâng, thác đổ ...” [37, tr.42].
Nhà văn đứng trên lập trường dân tộc, tố cáo những tội ác của quân xâm lược đối với dân tộc Việt Nam. Với lời lẽ dứt khoát, tác giả nhấn mạnh phải giúp cho người dân học chữ, tiếp cận với các tổ chức cách mạng, cùng đoàn kết đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. Có như thế mới tạo được phong trào đấu tranh cách mạng rộng lớn trên khắp cả nước.
Cùng với đó, nhà văn khẳng định: “Đi theo quân Tưởng vào Việt Nam là một lũ Việt Gian, phản quốc. Chúng sống lưu vong nhờ vào sự o bế của Tưởng Giới Thạch. Với bản chất bịp bợm, đầu cơ chính trị, chúng thấy “thời” của chúng đã đến, nên cùng kéo ùa vào “dây máu, ăn phần”” [38, tr.173].
Những từ ngữ “Việt gian, phản quốc, bịp bợm, dây máu, ăn phần” được nhà văn sử dụng liên tiếp chỉ trong một đoạn văn ngắn gồm hai câu nhằm vạch trần bản chất của những kẻ “sống lưu vong” nhờ vào quân Tưởng. Đó là những kẻ chuyên cậy quyền, cậy thế mà bòn rút của dân, làm chuyện bất nhân, bất chính, phản quốc, hại dân.
Tác giả cũng đanh thép trong lời tố cáo : “Xảo trá và lật lọng đó là bản tính của những kẻ có đầu óc thực dân nặng nề đứng đầu là cao uỷ Đácgiăngliơ, đại diện đầu tiên của Pháp ở Đông Dương, người ngay từ đầu đã cố tình đi ngược các thoả hiệp giữa chính phủ Việt Nam và Pháp bằng cách tiến hành chiến tranh ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, lập ra chính phủ Nam Kỳ và nước cộng hoà Nam Kỳ giả hiệu nhằm chia cắt Việt Nam. Triệu tập hội nghị Đà Lạt thứ hai lập ra liên bang Đông Dương gồm các đại biểu bù nhìn của Căm pu chia, Lào, Nam Bộ, Nam Trung Bộ với âm mưu từng bước chiếm lại Đông Dương, chia cắt Việt Nam và cô lập chính phủ Hồ Chí Minh. Tổ chức phong toả, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và Thủ đô Hà Nội.”[38, tr. 393]
Với giọng văn mỉa mai, châm biếm sâu cay, nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã tố cáo tội “Xảo trá và lật lọng” của Pháp thông qua những hành động và việc làm cụ thể như: cố tình đi ngược các thoả hiệp giữa chính phủ Việt Nam với Pháp bằng cách tiến hành chiến tranh ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, lập ra chính phủ Nam Kỳ và nước cộng hoà Nam Kỳ với danh nghĩa giả hiệu nhằm chia cắt Việt Nam. Bên cạnh đó, qua lời tố cáo của nhà văn, người đọc thấy rõ hơn âm mưu bước chiếm lại Đông Dương và cô lập chính phủ Hồ Chí Minh của Pháp thông qua liên bang Đông Dương gồm các đại biểu bù nhìn của Căm pu chia, Lào, Nam Bộ, Nam Trung Bộ ...
Cũng là giọng điệu châm biếm, đả kích nhưng tác giả lại có cái nhìn tỉ mỉ hơn: “Bọn Tưởng với danh nghĩa và nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, danh thì oai như vậy, nhưng thực tế đó là một đội quân Ô hợp. Binh lính ốm yếu, mặt mũi bủng beo, chân tay phù thũng, râu tóc bơ phờ, quân phục rách rưới, bẩn thỉu, gồng gánh lễ mễ, có những toán quân đem cả đàn bà, trẻ con, đi tới đâu là cướp phá, vơ vét của cải đến đấy. Tệ hại hơn, chúng đánh đạp dân chúng, hãm hiếp phụ nữ, bắt dân chúng tiếp tay bọn phản động chống phá cách mạng …”[38, tr.197-198].
Chỉ với một đoạn văn ngắn, nhà văn đã vạch trần quân Tưởng với giọng điệu mỉa mai, khinh bỉ. Núp dưới danh nghĩa giải giáp quân Nhật, quân Tưởng càng lộ rõ bản chất xấu xa, vô trách nhiệm. Qua ngòi bút châm biếm, nhà văn cho người đọc thấy được bộ
dạng nhéch nhác, tồi tệ của quân Tưởng với toán “binh lính ốm yếu, mặt mũi bủng beo, chân tay phù thũng, râu tóc bơ phờ, quân phục rách rưới, bẩn thỉu”.
Đôi khi tác giả lại mỉa mai kẻ thù : “Không khí chiến tranh đang bị dồn nén. Dồn nén để nổ tung. Nhìn vẻ ngoài, dường như êkíp mới được cử sang thay Đácgiăngliơ, Xanhtơni, Pi Nhông, VaLuy... là những kẻ... yêu hoà bình! Ít nhất là theo những gì mà báo chí cánh hữu Pháp thổi phồng và “vẽ vời” về một kết quả thương lượng trong tầm tay. Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Ngày 1-4-1947, BôLae đến Hà Nội. Ngày 5-5-1947, BôLae đọc một bài diễn văn “khẳng định” sự có mặt của người Pháp ở Đông Dương là lẽ đương nhiên và vị trí Đông Dương trong Liên hiệp Pháp đã được xác định.” [38, tr. 465].
Giọng điệu của nhà văn chuyển từ châm biếm sang mỉa mai thực dân Pháp. Giọng điệu mỉa mai ấy thể hiện rõ qua những cách cảm và cách nghĩ của chính tác giả. Nhà văn cho rằng, những viên tướng người Pháp “là những kẻ ... yêu hòa bình!” nhưng thực chất ý đồ của chúng là muốn đánh chiếm toàn bộ Đông Dương. Tác giả sử dụng dấu chấm than nhằm làm tăng thêm tính mỉa mai đối với kẻ thù. Chúng không hề yêu hòa bình mà luôn nung nấu kế hoạch xâm chiếm và thâu tóm các nước yếu thế hơn trở thành thuộc địa của chúng.
Có thể nói: giọng điệu trong hai tiểu thuyết lịch sử “Mặt trời Pác Bó” và “Giải phóng” của nhà văn Hoàng Quảng Uyên thuộc giọng điệu đơn thanh, nghĩa là nhiều giọng điệu và có một giọng điệu chủ đạo, các giọng điệu khác ở vị trí phối thuộc với giọng điệu chủ đạo và không bình đẳng với nhau. Do đó, giọng điệu nhà văn Hoàng Quảng Uyên rất phù hợp với tiểu thuyết lịch sử viết về một bậc vĩ nhân là Hồ Chí Minh. Hơn nữa, đây là bộ tiểu thuyết lịch sử đầu tiên gồm hai tập mà nhà văn Hoàng Quảng Uyên – là người dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết lịch sử về Bác Hồ kính yêu trong giai đoạn lịch sử này. Ông đã mạnh dạn, xông xáo khi đặt nét bút đầu tiên viết về quá trình hoạt động cách mạng của Bác từ khi Bác đặt chân lên mảnh đất Cao Bằng, giữa núi rừng Pác Bó đại ngàn đến khi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi và trở về Hà Nội.
KẾT LUẬN
1. Luận văn chọn nghiên cứu vấn đề nguyên mẫu Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quảng Uyên bởi Hoàng Quảng Uyên là nhà văn dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết lịch sử về Bác Hồ kính yêu. Những trang viết của ông đều phản ánh một cách chân thực về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã từng gắn bó với mảnh đất Cao Bằng, nơi mà nhà văn đã được sinh ra, lớn lên và với Việt Bắc - “Thủ đô gió ngàn” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Với tấm lòng thiết tha, tự hào về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Hoàng Quảng Uyên đã viết nên những trang văn thể hiện lòng kính yêu của mình đối với Bác một cách chân thành, sâu sắc. Với những trang viết thành công về Hồ Chí Minh vĩ đại, Hoàng Quảng Uyên đã nhanh chóng tự khẳng định mình ở vị trí một cây bút viết tiểu thuyết lịch sử trong nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung, và của nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại nói riêng.
2. Khi nghiên cứu đề tài này, luận văn đã tập trung nghiên cứu nguyên mẫu Hồ Chí Minh gắn với những “cột mốc” lịch sử được tái hiện trung thực trong hai tác phẩm Mặt trời Pác Bó và Giải phóng. Dựa vào lịch sử, nhà văn đã hư cấu thành công nhân vật Hồ Chí Minh thông qua hai phương diện: con người vĩ nhân và con người đời thường. Con người vĩ nhân ấy được hư cấu để tái hiện thành công qua tài năng, trí tuệ với tầm nhìn xa trông rộng trước vận mệnh của đất nước, của dân tộc; vĩ nhân ở một tâm hồn nghệ sĩ tràn đầy niềm tin và tự hào trước bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ của núi rừng Việt Bắc. Hoàng Quảng Uyên đã tập trung hư cấu nguyên mẫu Hồ Chí Minh trong tác phẩm ở các phương diện ngoại hình, tính cách, hành động, nội tâm, bên cạnh đó ông cũng sử dụng nghệ thuật hư cấu để xây dựng chân dung một số nhân vật lịch sử có thật đã gắn bó với Bác trong suốt quá trình hoạt động cách mạng. Sự hư cấu có hạn chế với những phạm vi và góc độ nhất định để vừa thực hiện chức năng sáng tạo nghệ thuật của văn học, vừa tôn trọng tối đa tính khách quan của sự thật lịch sử. Hoàng Quảng Uyên đã cho người đọc cảm nhận được vẻ đẹp từ chân dung tâm hồn của Hồ Chí Minh với niềm tự hào lớn lao. Một con người luôn hướng về cách mạng, về dân tộc để giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Qua nghệ
thuật hư cấu, Hoàng Quảng Uyên đã cho người đọc có được cái nhìn sâu sắc hơn về nhân cách, phẩm chất của vị lãnh tụ vĩ đại Nguyễn Ái Quốc.
Trong những sáng tạo đặc sắc của Hoàng Quảng Uyên, trong hai tiểu thuyết này, bên cạnh nghệ thuật hư cấu để xây dựng nguyên mẫu Hồ Chí Minh thành nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh, nhà văn còn thể hiện tài năng của mình ở các phương diện: kết cấu nghệ thuật, giọng điệu trần thuật và ngôn ngữ nghệ thuật. Ở phương diện kết cấu, nhà văn đã sử dụng kết cấu của tiểu thuyết chương hồi, một hình thức chủ yếu của tiểu thuyết trường thiên trung đại Trung Quốc có đặc điểm là dùng tiểu mục để phân hồi câu chuyện liên tiếp, mạch lạc, chỉnh tề nhằm làm nổi bật được từng sự kiện tiêu biểu được nói đến, đồng thời giúp hiểu rõ hơn về nội dung cũng như dụng ý sáng tác của tác giả trong mỗi chương. Ở phương diện nghệ thuật, nhà văn sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật gần gũi với phong cách giao tiếp của nhân dân vùng cao gắn với các sự vật quen thuộc trong đời sống sinh hoạt, lao động của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc thông qua nhiều thành ngữ, tục ngữ cùng nhiều từ ngữ địa phương được sử dụng trong hai tác phẩm, tạo nên nét độc đáo riêng trong sáng tác của Hoàng Quảng Uyên. Bên cạnh đó, nhà văn còn sử dụng một cách linh hoạt, khéo léo giọng điệu trần thuật, đó là giọng điệu ngưỡng mộ, ngợi ca chiếm vị trí giọng điệu chủ đạo; giọng điệu hoài niệm thắm thiết; giọng điệu dí dỏm, hài hước, bông đùa và giọng điệu châm biếm, đả kích, tố cáo tội ác của kẻ thù. Các giọng điệu luôn ở vị trí phối thuộc với giọng điệu chủ đạo và không bình đẳng với nhau. Chính vì vậy, giọng điệu của nhà văn Hoàng Quảng Uyên rất phù hợp với tiểu thuyết lịch sử viết về một bậc vĩ nhân là Hồ Chí Minh.
3. Nghiên cứu đề tài Tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quảng Uyên có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng nhằm khám phá giá trị nội dung, nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quảng Uyên. Qua hai tác phẩm, người đọc không chỉ được gặp lại bức tranh lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn tiền khởi nghĩa và giai đoạn kháng chiến chống Pháp, mà còn thêm hiểu và kính yêu hơn về nhân cách, tài năng, trí tuệ và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước, từ đó, nhằm khẳng định cá tính sáng tạo độc đáo và đóng góp của nhà văn Hoàng Quảng Uyên trong thể loại tiểu thuyết về đề tài Bác Hồ kính yêu.