Một Số Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Hành Vi Tình Dục Nguy Cơ


1.5. Một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tình dục nguy cơ

Một số yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tình dục nguy cơ trong nhóm NBDĐG có thể chia thành 3 nhóm: yếu tố cá nhân, yếu tố môi trường - xã hội và hoàn cảnh cụ thể của việc bán dâm.

1.5.1. Yếu tố cá nhân

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy những đặc điểm xã hội của cá nhân liên quan đến việc sử dụng BCS khi QHTD qua đường hậu môn bao gồm: tuổi, trình độ học vấn, kinh tế [17], [21]. Những yếu tố này góp phần ảnh hưởng đến khả năng đàm phán, thỏa thuận với khách hàng về tình dục an toàn [48].

Theo McNamara, những người bán dâm thường có nhận thức sai lầm về những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, như việc họ tin rằng họ có thể phân biệt được khách hàng nào bị nhiễm bệnh hay không thông qua việc quan sát bên ngoài thấy anh ta trông sạch sẽ hoặc trông bệnh tật, đó thực sự là một niềm tin rất ngây thơ và nguy hiểm [55]. Hơn nữa, McNamara cũng đã tiến hành điều tra cơ chế thích nghi và tìm ra một thực tế rằng một số người bán dâm sau khi biết mình nhiễm bệnh đã tỏ ra lãnh đạm, che giấu nó và vẫn tiếp tục hành nghề bán dâm.

Các yếu tố như kiến thức HIV/AIDS, sự khó khăn về kinh tế, khuynh hướng tình dục và sự tin tưởng vào mối quan hệ với bạn tình đã được một nghiên cứu trên nhóm NBDĐG tại Trung Quốc đề cập là các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng BCS trong nhóm này [44].

Một số NBDĐG khi chuyển từ nông thôn lên thành phố đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề để có thể hòa nhập, như khó khăn về tài chính, áp lực tâm lí... Điều này cũng góp phần ảnh hưởng đến việc sử dụng BCS khi QHTD. Một nghiên cứu ở Cordoba-Argentina (2003) được thực hiện trên 31 NBDĐG kéo dài trong vòng 1 năm. Nghiên cứu cho thấy hầu hết những đối tượng này tham gia vào hoạt động bán dâm do thiếu cơ hội việc làm và tiền [49].


Tại Việt Nam, nghiên cứu ở nhóm NBDĐG ở Hà Nội năm 2007 cho thấy hơn 80,0% nam giới trong mẫu nghiên cứu (n=110) là nam thanh niên từ các tỉnh khác về Hà Nội; khoảng 75,0% nói rằng mình bán dâm là vì lý do kinh tế, hơn 70,0% nói rằng mình là “đàn ông” và chỉ hấp dẫn tình dục bởi phụ nữ và có đến hơn 50,0% nói rằng đã tham gia bán dâm trong khoảng thời gian từ 1 năm trở lại, điều này chứng tỏ sự quay vòng nhanh chóng trong nhóm NBDĐG [10]. Qua nghiên cứu 300 NBDĐG tại TP HCM năm 2010 cho thấy các yếu tố liên quan với QHTD qua đường hậu môn không an toàn là các rối loạn sau sang chấn tâm lý (OR = 2,2; 95%CI = 1,2 - 3,8), tuổi ≥ 26 (OR = 2,0; 95%CI = 1,0 - 4,0) [30]. Một nghiên cứu định tính (2002) đã cho thấy NBDĐG chưa nhận thức được nguy cơ lây nhiễm HIV của mình cũng như thiếu kiến thức về việc lây truyền HIV. Ví dụ như có một niềm tin phổ biến rằng “nếu một khách hàng không muốn sử dụng BCS có nghĩa là người đó không bị nhiễm HIV” [33].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

1.5.2. Yếu tố môi trường - xã hội

Yếu tố môi trường, xã hội tác động không nhỏ đến tâm lý của NBDĐG. Sự phân biệt đối xử đối với NBDĐG là rất phổ biến, liên quan đến các chuẩn mực về giới, giá trị của gia đình và đặc điểm của văn hóa, tôn giáo.

Thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng đến lây nhiễm HIV và một số nhiễm trùng lây qua đường tình dục ở nhóm nam bán dâm đồng giới tại Hà Nội, 2009 - 2010 - 5

Một nghiên cứu được thực hiện qua những cuộc phỏng vấn với 18 nam bán dâm tuổi từ 17 đến 40 (2009) cho thấy nghề bán dâm nam vẫn bị định kiến rất nhiều ở Hồng Kông, xã hội cho rằng đó là một nghề thiếu văn hóa, những NBDĐG bị cho là những nạn nhân hay những công cụ tình dục thiếu tri thức và kỹ năng [43]. Tại quận Mombasa-trung tâm kinh tế và du lịch của Kenya (2009) những nam bán dâm phải đối mặt với định kiến từ xã hội và xa lánh từ gia đình, họ bị cấm chia sẻ đời sống tình dục [53]. Một nghiên cứu phân tích các quyết định về việc tiết lộ công việc bán dâm, hành vi tình dục đồng giới và mối nguy hiểm từ HIV trong cộng đồng bán dâm nam ở 2 thành


phố của Dominica (2008), 72 NBDĐG tham gia phỏng vấn cho thấy họ đã trải qua những định kiến xã hội khắc nghiệt vì hành vi đi ngược lại với quy tắc xã hội của họ [56].

Theo một nghiên cứu ở Mexico (2009), các yếu tố liên quan đến tính dễ bị tổn thương của NBDĐG bao gồm: hoàn cảnh xã hội, sự kỳ thị liên quan đến quan hệ đồng giới và công việc bán dâm và việc thiếu các dịch vụ xã hội cũng như dịch vụ y tế, sức khỏe [26]. Việc không được đề cập đến trong các chương trình phòng chống HIV cũng như thiếu hụt các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe dành cho nhóm đối tượng này cũng góp phần làm tăng tỷ lệ QHTD không an toàn cũng như tỷ lệ nhiễm HIV [53], [60]. Một số nghiên cứu ở Trung Quốc đã chỉ ra rằng tỷ lệ QHTD không an toàn liên quan đến khả năng tiếp cận các chương trình phòng chống HIV và việc đã từng xét nghiệm HIV [45], [73].

Tại Việt Nam, những nghiên cứu về giới và tình dục đã chỉ ra rằng những hiểu biết sai lệch và thông tin không chính xác về nhóm NTDĐG đã làm tăng sự kỳ thị đối với nhóm này và do đó khiến họ có nguy cơ cao với lây nhiễm HIV và STIs [2], trong đó nhóm NBDĐG là một thành phần của nhóm NTDĐG và bị kỳ thị ở mức độ cao đối với cả hai loại hành vi là quan hệ đồng giới và bán dâm. Một số NBDĐG cho biết gia đình sẽ phản ứng mạnh mẽ và đuổi đi nếu biết tình trạng của họ [14]. Khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của nhóm NBDĐG vẫn chưa được quan tâm nhiều, một số nghiên cứu trong nhóm NTDĐG đã cho thấy hạn chế của nhóm này trong việc tiếp cận dịch vụ y tế [3], [14].

1.5.3. Hoàn cảnh bán dâm

Hình thức quan hệ cũng như việc sử dụng BCS khi QHTD phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi lần mua bán dâm. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, ba yếu tố thường được đề cập đến là địa điểm bán dâm,


việc sử dụng chất gây nghiện trước khi quan hệ và các yếu tố liên quan đến

khách hàng [45], [73].

Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa sử dụng chất gây nghiện và hành vi nguy cơ về tình dục như: không sử dụng BCS, chấp nhận QHTD với khách lạ, chấp nhận QHTD với nhiều người, QHTD kéo dài…[15], [22], [25], [69].

Tại Việt Nam, nghiên cứu IBBS năm 2009 cho thấy có tới 62,5% NBDĐG tại Cần Thơ đã từng có QHTD khi đang say rượu, tỷ lệ này ở Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng lần lượt là: 31,8%, 25,3% và 21,4% [9]. Nghiên cứu của Trung tâm LIFE (2011) cho thấy tỷ lệ QHTD qua đường hậu môn với nam giới không an toàn ở những người dùng ecstasy hoặc đá (29,7%) cao hơn ở những người không dùng (15,1%), sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p = 0,01) [30].

Nghiên cứu “Sử dụng chất gây nghiện và nguy cơ trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, mại dâm nam và người chuyển giới tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh” năm 2009 chỉ ra rằng có mối liên quan giữa trạng thái phê thuốc và hành vi tình dục không an toàn (đó là QHTD qua hậu môn không bảo vệ với cả người nhận và người cho) trong những người tham gia nghiên cứu. BCS thường không được sử dụng trong QHTD với cả bạn tình nam và nữ bởi vì những người tham gia nghiên cứu không nghĩ đến việc dùng nó khi đang trong trạng thái phê. QHTD nhóm cũng khá phổ biến khi NTDĐG, NBDĐG và nhóm chuyển giới cùng sử dụng chất gây nghiện với nhóm bạn. Chất gây nghiện được sử dụng như là chất làm tăng sự tự tin khi tiếp cận và thương thuyết với khách hàng, tăng cường khả năng tình dục bằng cách kích thích ham muốn tình dục và kéo dài thời gian giao hợp. Những người sử dụng chất gây nghiện chấp nhận bán dâm như là sự lựa chọn cuối cùng của họ để có tiền mua thuốc dùng [1].


Yếu tố liên quan đến khách hàng thường là yếu tố quan trọng, quyết định hình thức quan hệ, cũng như việc sử dụng BCS khi quan hệ. Khoảng 2/3 số khách hàng thường yêu cầu hình thức quan hệ mà họ muốn trong quá trình mua dâm [58]. Việc sử dụng ma túy trong nhóm NBDĐG chịu tác động bởi bối cảnh và những ảnh hưởng từ phía khách hàng. Trong nghiên cứu của Minichiello và cộng sự trên nhóm NBDĐG tại Autralia cho thấy việc sử dụng rượu, tài mà và một số chất kích thích khác của NBDĐG cũng bị chi phối từ phía khách hàng [51].

Tại Chennai, Ấn Độ, NBDĐG cho biết một số khách hàng có sử dụng rượu trước khi QHTD, mặc dù NBDĐG nhận thức được tình trạng tổn thương đến sức khỏe nhưng vì sợ mất khách hàng, mất thu nhập nên họ vẫn chấp nhận quan hệ sau khi khách hàng uống rượu, một số khách hàng cung cấp rượu cho họ uống để có thể “hợp tác” trong QHTD, một khi đã sử dụng rượu thì họ có thể chịu đựng bất cứ điều gì mà khách hàng làm, trong đó có bạo lực tình dục [69].

1.6. Sử dụng dịch vụ y tế

Ở nhiều quốc gia, nơi tình dục đồng giới nam và bán dâm là bất hợp pháp, nhóm NBDĐG vẫn còn phải chịu sự kỳ thị mạnh mẽ. Nghiên cứu ở Mexico về mối đe dọa về sức khỏe đối với NBDĐG cho một kết luận rõ ràng là dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoàn toàn không có để dành cho những người NBDĐG. Những người chuyển đổi giới tính và thực hiện hành vi bán dâm là nhóm bị định kiến và phân biệt nhiều nhất [26].

Tại quận Mombasa - trung tâm kinh tế và du lịch của Kenya những nam bán dâm bị cấm chia sẻ đời sống tình dục và cấm tìm đến các dịch vụ sức khỏe, nhu cầu phòng tránh HIV cho những người này phần lớn bị bỏ qua nên nạn dịch HIV càng trở nên tồi tệ hơn. Hầu hết những người tham gia phỏng vấn đều thừa nhận không biết phải làm sao khi họ bị ốm hoặc mắc bệnh vì họ


sợ phải tới những cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và nhà nước, như trường hợp dưới đây cho thấy dịch vụ khám chữa bệnh không chuyên nghiệp, một NBDĐG cho biết “Dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện không tốt, bạn sẽ bị coi thường thậm chí họ có thể gửi bạn đi chỗ khác hoặc hỏi những câu hỏi nhạy cảm, mà bạn biết đấy chúng tôi rất cần tính bảo mật [53].

Phân biệt và kỳ thị đối với nhóm NBDĐG, phòng chống HIV/AIDS không được quan tâm tại Ấn Độ. NBDĐG không được tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV, tư vấn viên và bác sỹ không sẵn sàng thảo luận về hành vi nguy cơ tình dục của khách hàng, thiếu kiến thức về lây truyền HIV và STIs, thiếu thông tin và các hỗ trợ về tình dục an toàn. Như vậy sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và STIs trong nhóm NBDĐG cũng như lây nhiễm sang bạn tình nam và nữ của họ [69].

Tại Jakarta, Indonesia, một niềm tin rất phổ biến là STIs là bệnh của phụ nữ đã dẫn tới kết quả là ít nam giới có QHTD đồng giới đi kiểm tra xét nghiệm STIs và HIV [15]. Có ít hơn 3,0% nhóm NBDĐG đã từng xét nghiệm HIV tự nguyện mặc dù có tới 28,0% NBDĐG tiếp xúc với các chương trình dự phòng trong năm qua [57]. Liên quan đến xét nghiệm HIV trong nhóm NBDĐG tại Córdoba, Argentina 45,1% cho biết đã xét nghiệm HIV trong 12 tháng qua [48]. Tại Chen nai, Ấn độ, theo số liệu thì có tới 2/3 số NBDĐG đã xét nghiệm HIV nhưng với tần suất xét nghiệm chỉ có 1 lần [69].

Tại Jakarta, Indonesia, trong số những người trả lời có triệu chứng nhiễm STIs trong 12 tháng qua (28,9%) chỉ có 44,9% điều trị tại các dịch vụ y tế, có tới 48,2% đối tượng tự điều trị và số còn lại không điều trị gì [57]. Tại Córdoba, Argentina, nhìn chung tỷ lệ tiêm chủng vacxin viêm gan A hoặc B của nhóm NBDĐG thấp, 58,1% nói rằng họ đã không được tiêm phòng hoặc là họ không chắc chắn [48].


Ở Việt Nam, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của nhóm NBDĐG vẫn chưa được quan tâm nhiều, một số nghiên cứu trong nhóm NTDĐG đã cho thấy hạn chế của nhóm này trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Trong nhóm NTDĐG, tỷ lệ đã từng làm xét nghiệm HIV của nhóm tự nhận chỉ bán dâm là 12,5%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình (19,5%). Ngoài ra chỉ có 39,0% nhóm NTDĐG đã từng nhận được BCS. Trong đó, tỷ lệ của nhóm chỉ bán dâm là thấp nhất (22,2%) [14].

Nghiên cứu IBBS năm 2009 cho thấy việc tiếp cận với dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện còn thấp, nhận được BCS miễn phí và chất bôi trơn trong 6 tháng qua ở mức độ trung bình, ngoài ra, nhóm NBDĐG còn nhận được các thông tin về tình dục an toàn và tiêm chích an toàn [9].

Đánh giá của Trung tâm LIFE về việc tiếp cận với các dịch vụ can thiệp phòng chống HIV và STIs của nhóm NBDĐG năm 2009 và năm 2011 cho thấy số lượng NBDĐG nhận được các tài liệu phòng chống HIV và xét nghiệm HIV là cao hơn nhiều so với ban đầu. Phần lớn các NBDĐG (trên 74,0%) đã nhận được BCS và chất bôi trơn miễn phí, gần ½ NBDĐG (46,0%) nhận được tất cả 3 dịch vụ (tờ rơi thông tin về nhóm NTDĐG, BCS và chất bôi trơn) và 38,0% đã nhận được cả 4 dịch vụ gồm 3 dịch vụ trên và dịch vụ xét nghiệm HIV. Tuy nhiên việc tiếp cận với các dịch vụ can thiệp dự phòng vẫn hạn chế mặc dù các dịch vụ này có hiệu quả [29].

Tiếp cận với các dịch vụ chẩn đoán và điều trị HIV và STIs cũng không khá hơn, cho dù điều trị có tầm quan trọng trong ứng phó với dịch. Do mặc cảm bị xã hội kỳ thị người đồng tính nên những NBDĐG rất ngại đi khám và điều trị bệnh. Nghiên cứu tại Hà Nội năm 2007 cho thấy, chỉ có 12,7% nhóm NBDĐG đã từng đến cơ sở y tế để khám STIs, tỷ lệ đã từng làm các xét nghiệm HBV (18,2%), HCV (3,6%), HIV (37,3%) không cao [10].


1.7. Chiến lược can thiệp dự phòng HIV và STIs cho nhóm NTDĐG/NBDĐG

1.7.1. Trên Thế giới

1.7.1.1. Nguyên tắc

- Không gây hại đến nhóm NTDĐG/NBDĐG: Tuân thủ pháp luật, không kỳ thị và phân biệt đối xử, và giữ bí mật thông tin cá nhân.

- Đảm bảo công bằng trong tiếp cận: Các dịch vụ phù hợp, dễ tiếp cận cho nhóm NTDĐG, không phân biệt xu hướng tình dục, địa bàn, nhóm tuổi hay tầng lớp xã hội.

- Đảm bảo chất lượng chăm sóc đạt tiêu chuẩn.

- Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hiệu quả nhất với việc sử dụng tối ưu các nguồn lực sẵn có.

- Đảm bảo bền vững: Phát triển chiến lược đảm bảo tính bền vững của dịch vụ và không phụ thuộc vào nguồn tài trợ tạm thời.

- Tăng cường hệ thống y tế: Ưu tiên cho can thiệp là tăng cường hệ thống y tế trực tiếp hoặc gián tiếp, bao gồm việc phát triển cộng đồng và các tổ chức xã hội.

- Các bước trong một giai đoạn tiếp cận can thiệp

+ Phát triển nghiên cứu ban đầu về tỷ lệ hiện nhiễm HIV.

+ Thực hiện can thiệp và các dịch vụ như phòng lây truyền qua đường tình dục, các can thiệp hành vi, tư vấn xét nghiệm, chăm sóc điều trị.

+ Tăng cường giám sát - theo dõi - đánh giá các chương trình nhóm NTDĐG/NBDĐG.

+ Giới thiệu chiến lược bổ sung để giải quyết các rào cản trong tiếp cận can thiệp.

- Hiểu biết về quan điểm của những người NTDĐG/NBDĐG: Đại diện cộng đồng và nhóm NTDĐG/NBDĐG tham gia thực hiện các dịch vụ để đảm bảo sự phù hợp với văn hóa và đáp ứng nhu cầu.

- Hướng tới tương lai

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/11/2022