Lạt được khởi công, hoàn thành năm 1948, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.
1.1.4. Đà Lạt ngày nay
Sau Đại hội Đảng VI (1986), cả nước bước vào thời kì đổi mới, Đà Lạt dường như có một luồng sinh khí mới thổi vào. Cho đến những năm 1990, Đà Lạt thực sự biến đổi và có chiều hướng khởi sắc. Nhiều khách sạn được chỉnh trang, xây cất, các thắng cảnh, khu du lịch cũng được từng bước đầu tư, tôn tạo. Đặc biệt là việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình dân dụng. Đà Lạt đã hoàn thành dự án cải tạo lưới điện, triển khai dự án vệ sinh môi trường, xây dựng nhiều trường học, trạm y tế, tập trung chỉnh trang đô thị, nâng cấp nhiều tuyến đường trong thành phố. Đường giao thông ở Đà Lạt cũng là một nét hấp dẫn, nó không chỉ là cơ sở hạ tầng mà còn là một cảnh quan. Những con đường uốn lượn lên, xuống hoặc quanh các thung lũng hoặc vắt qua các ngọn đồi dưới những rặng thông trông như bức hoạ gây ấn tượng mạnh mẽ. Để tăng thêm vẻ thơ mộng, duyên dáng cho Đà Lạt, chính quyền thành phố đã qui hoạch chọn lựa trồng hoa thống nhất theo từng tuyến đường, từng khu phố, tạo nét đặc trưng, độc đáo riêng như mai anh đào, mimoza, hoa sứ, hoa trạng nguyên, cẩm tú cầu, kim châm… Ven đường là vậy, trước mỗi ngôi nhà, mỗi biệt thự xinh xắn đều được tô điểm những vườn hoa kiểng đầy màu sắc. Nhờ đó, thành phố Đà Lạt đã sạch đẹp, nay trở nên khang trang, xanh, sạch đẹp và quyến rũ hơn.
Nhìn chung trong những năm gần đây, kinh tế Đà Lạt tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12%, du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng xấp xỉ 70% và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15%, du lịch – dịch vụ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Trên cơ sở những gì đang có, thành phố Đà Lạt xác định cho mình một hướng đi trở thành một trung tâm du lịch văn minh, hiện đại. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 409/CP phê duyệt điều chỉnh qui hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020. Theo qui hoạch này, tính chất du lịch của thành phố Đà Lạt được điều chỉnh là Trung tâm nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo của cả vùng, cả nước và quốc tế; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học; trung tâm nông nghiệp sạch, sản xuất và chế biến rau hoa chất lượng cao.
Với tiềm năng du lịch lớn và định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố Đà Lạt hiện có rất nhiều dự án đầu tư cho du lịch. Từ đầu năm 2003 đến nay, đã có hơn 60 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó có 45 dự án xây dựng khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo. Khi các dự án hoàn thành sẽ có nhiều sản phẩm du lịch mới, phong phú, đa dạng. Có nhiều dự án có chất lượng sản phẩm, dịch vụ cao cấp, hấp dẫn như sân golf, đua ngựa, nghiên cứu thiên văn, dưỡng lão, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, phục hồi chức năng… Đặc biệt, với hai công trình trọng điểm về du lịch là khu du lịch chuyên đề hồ Tuyền Lâm và khu du lịch tổng hợp Đankia - Suối Vàng sẽ tạo nên một bộ mặt mới cho du lịch Đà Lạt.
Xây dựng khu du lịch hồ Tuyền Lâm là một trong 22 khu du lịch chuyên đề của cả nước, Đà Lạt đồng thời cũng xác định phấn đấu phát triển đây là một đô thị sinh thái, với mục đích khai thác lợi thế của hồ, núi, cảnh quan, thác nước và tín ngưỡng của Thiền Viện Trúc Lâm phục vụ đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế muốn du lịch nghỉ dưỡng dài ngày ở đây. Dự án tiến hành xây dựng các công trình du lịch, dịch vụ trên hồ, dọc sườn núi,… đặc biệt là khu vực Thiền Viện và phụ cận thì phải giữ được không khí mát mẻ, yên tĩnh, có cảnh quan hấp dẫn.
Với dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Đankia - Suối Vàng, theo dự kiến những hạng mục công trình chủ yếu bao gồm trung tâm điều hành và dịch vụ tổng hợp, các khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp xen lẫn trong rừng cây, khu lưu trú gia đình, các khách sạn, các khu vui chơi giải trí (sân golf, bể bơi…) các khu dân cư xen kẽ (chủ yếu giành cho cán bộ công nhân viên trực tiếp làm việc tại các khu du lịch), các công trình phụ trợ v.v… Ngoài ra, quanh các khu công trình là rừng cảnh quan, rừng bảo vệ đảm bảo môi trường đặc biệt của Đà Lạt. Kết hợp khu du lịch – thương mại ở trung tâm Đà Lạt, khu du lịch nghỉ dưỡng bình dân ở hồ Tuyền Lâm thì khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Đankia - Suối Vàng sẽ bổ sung cho sự phát triển bền vững và đồng bộ của du lịch Đà Lạt.
Cùng với việc đầu tư xây dựng các khu du lịch, đầu tư xây dựng thương hiệu cho du lịch Đà Lạt cũng được triển khai. Hình ảnh “thành phố hoa” đang được giới thiệu với du khách trong và ngoài nước thông qua các hội chợ triển lãm du lịch – thương mại, các festival du lịch ở Huế, Hà Nội, du lịch biển Nha Trang. Đặc biệt hơn là Festival hoa Đà Lạt sẽ được tổ chức lần đầu tiên năm 2005, sau đó định kỳ 2 năm tổ chức một lần. Đây sẽ là một sinh hoạt văn hoá góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng hình ảnh và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Có thể bạn quan tâm!
- Thực trạng và một số giải pháp marketing du lịch cho thành phố Đà Lạt - 1
- Thực trạng và một số giải pháp marketing du lịch cho thành phố Đà Lạt - 2
- Các Công Trình Kiến Trúc, Di Tích Lịch Sử Văn Hoá Ở Đà Lạt
- Nhân Tố Con Người - Một Tiềm Năng Lớn Trong Hoạt Động Du Lịch Ở Đà Lạt
- Thị Trường Khách Du Lịch Của Đà Lạt - Lâm Đồng Trong Thời Gian Qua
Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.
1.2. Tiềm năng và nguồn lực phát triển du lịch ở thành phố Đà Lạt
1.2.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên
Tài nguyên du lịch là yếu tố tiền đề quan trọng để hình thành và phát triển ngành kinh tế du lịch. Một địa phương, một lãnh thổ chỉ có thể phát triển du lịch khi ở đó hội tụ đủ tài nguyên du lịch cần thiết nhất định. Trên cơ sở đó, dưới tác động của con người sẽ trở thành những sản phẩm và dịch vụ cụ
thể phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch. Với thành phố Đà Lạt, tài nguyên du lịch tự nhiên quả là một lợi thế so sánh khi phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Vị trí địa lý, cấu trúc địa hình, chế độ khí hậu, thảm che phủ thực vật đã tạo cho thành phố Đà Lạt những thế mạnh rất lớn trong việc phát triển du lịch.
1.2.1.1. Vị trí địa lý
Thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng – là một tỉnh nằm ở phía Nam Tây Nguyên, phía Bắc giáp tỉnh Đắc Lắc; Đông và Đông Bắc giáp các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận; Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận, Tây Nam giáp các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây và Tây Bắc giáp tỉnh Đắc Nông. Đà Lạt nằm trên cao nguyên cao nhất của vùng đất Tây Nguyên – cao nguyên Lâm Viên - Di Linh (cao 1500m so với mặt nước biển). Với diện tích khoảng 424 km2, thành phố Đà Lạt gần các trung tâm công nghiệp, thương mại lớn, các khu chế xuất ở miền Nam với đường giao thông thuận tiện, nên có nhiều thuận lợi phát triển du lịch. Từ thành phố Hồ Chí Minh, theo quốc lộ 20, khoảng 300km là đến Đà Lạt. Từ các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có thể theo đường quốc lộ 28 (Bình Thuận - Đà Lạt ), đường 11 (Ninh Thuận - Đà Lạt) và sắp tới là đường DT723 (Nha Trang - Đà Lạt); các tỉnh Tây Nguyên đến Đà Lạt theo quốc lộ 27.
1.2.1.2. Địa hình, khí hậu, thuỷ văn
Địa hình: Thành phố Đà Lạt trên cao nguyên 1500m so với mặt nước biển, cấu trúc địa hình rất đa dạng, đồi núi xen kẽ với bình nguyên và thung lũng tạo thành nhiều hồ thác hết sức hùng vĩ và thơ mộng. Phía Bắc có dãy Lang Bian với đỉnh cao nhất là 2167m, phía Tây và Nam là dãy núi Voi cao 1756m, ngọn Lap-Benord (cao 1732m) phía Đông Bắc và ngọn Dansena (cao 1600m) ở phía Đông. Tiếp theo bên trong là những quả đồi đỉnh tròn thấp dần sườn thoai thoải, xen giữa chúng là những thung lũng. Hồ Xuân Hương nằm
giữa được coi là trung tâm của thành phố và vì vậy Đà Lạt gần có dạng lòng chảo hình bầu dục.
Nằm trên cao và địa hình được cấu tạo phức tạp nên Đà Lạt có được khí hậu quanh năm mát mẻ và thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên. Nhiều thắng cảnh nổi tiếng như thác Prenn, thung lũng Tình Yêu, hồ Tuyền Lâm, thác Đatanla, đỉnh núi Lang Bian hùng vĩ, suối Đankia, hồ Xuân Hương… được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến.
Khí hậu: chính nhờ vào địa hình đồi núi chập trùng và ở trên độ cao 1500m so với mặt nước biển nên Đà Lạt đã được tạo hoá ban cho một khí hậu tuyệt vời mà hiếm nơi nào trên đất nước ta có được: Nhiệt độ trung bình cả năm là 18,50C, dao động từ 16 – 240C. Chế độ mưa ở Đà Lạt cũng ôn hoà thường bắt đầu giữa tháng 4, từ tháng 6 có những đợt mưa kéo dài, những trận mưa như vậy thường xảy ra khi có bão hoặc áp thấp ngoài biển Đông. Mùa mưa kết thúc vào tháng 10 đôi khi là giữa tháng 11. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Độ ẩm không khí ở Đà Lạt khá lớn: mùa mưa độ ẩm tương đối trung bình các tháng là 85%, mùa khô độ ẩm giảm xuống dưới 80%.
Ngoài ra, Đà Lạt còn có nhiều hiện tượng thời tiết như sương mù, mưa đá và sương muối. Sương mù thường xuất hiện vào các tháng 2, tháng 3, tháng 4, và tháng 5. Các tháng còn lại cũng có sương mù nhưng không đáng kể. Có lẽ vì vậy mà Đà Lạt còn có một danh hiệu khác là “thành phố sương mù” hay “thành phố mờ sương”. Một ngày Đà Lạt có đủ bốn mùa: sáng là mùa xuân rực rỡ, trưa là hè óng ả, chiều là thu lãng đãng và tối là đông co ro. Gió ở đây cũng rất hào phóng, những cơn gió nhẹ mát rượi làm cho không khí thêm phần thoáng đãng trong lành.
Nhìn chung, khí hậu Đà Lạt tuy mang những đặc điểm chung nhất của khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, song lại có đặc điểm riêng của vùng cao
nguyên nên khá ôn hoà. Với khí hậu này cùng với nhiều yếu tố khác về địa hình về môi trường, chứng tỏ Đà Lạt có đủ điều kiện để xây thành một thành phố nghỉ dưỡng và phát triển được nhiều loại hình du lịch.
Điều kiện thuỷ văn: nhiều người cho rằng sở dĩ Đà Lạt có một nguồn nước khá dồi dào và phong phú là nhờ có nhiều dải núi rừng vây bọc. Ở phía Bắc Đà Lạt có khá nhiều con suối lớn đổ vào hồ Suối Vàng, phía Đông có nhiều con suối nhỏ đổ vào thượng nguồn sông Đa Nhim, ở phía Nam các con suối đổ về suối Đạ Tam như dòng Đatanla, dòng Prenn góp phần tạo nên nhiều khung cảnh thiên nhiên thơ mộng cho thành phố cao nguyên này. Chảy qua khu trung tâm Đà Lạt có suối Cam Ly bắt nguồn từ phía Đông Bắc thành phố, xuôi về hồ Đa Thiện đến hồ Xuân Hương, sau đó đổ về thác Cam Ly.
Đà Lạt nổi tiếng là thành phố của hồ và thác, song phần lớn hồ ở đây là hồ nhân tạo. Từ những thung lũng nhỏ, người dân đắp đập ngăn dòng chảy tạo thành hồ chứa nước vừa để nước sinh hoạt, vừa để cung cấp nước tưới cho ruộng đồng, tạo nên những thắng cảnh nên thơ của thành phố.
1.2.1.3. Tài nguyên động, thực vật
Nói đến Đà Lạt, trước hết phải nói đến tài nguyên rừng, rừng của Đà Lạt có một ý nghĩa hết sức quan trọng, chính rừng quyết định sự sống còn của thành phố du lịch, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó rừng còn là nhân tố quyết định đến môi trường sinh thái và nguồn nước dự trữ cho địa phương và cả khu vực. Yếu tố này đã làm cho thành phố Đà Lạt thêm hấp dẫn, lãng mạn, tạo nên tính đặc trưng riêng của một thành phố “như hoà lẫn trong đồi núi và rừng thông” tạo nên những cảnh quan đẹp và kỳ thú. Cảnh quan rừng thông là nguồn tài nguyên luôn tạo nên nét riêng biệt, hài hoà với các hoạt động sản xuất, tham quan, thư giãn, nghỉ ngơi của cộng đồng dân cư và du khách.
Rừng Đà Lạt bao gồm rừng lá kim, rừng thường xanh và rừng hỗn giao. Rừng lá kim ở Đà Lạt với những quần tụ thông ba lá chiếm một diện tích đáng kể khoảng gần 10.000 ha. Ngoài thông 3 lá còn có thông 2 lá, đặc biệt thông 5 lá là một loài cây đặc hữu quí hiếm của Đà Lạt.
Ngoài rừng lá kim, Đà Lạt còn có rừng hỗn giao phân bố khắp nơi quanh thành phố, nhất là ở các thung lũng, khe suối. Trong rừng này có khá nhiều loài cây cùng sinh sống như: dẻ, kim giao, chò ngọc lan, chò sót, chò nước, huỳnh đàn, trắc bách diệp, tùng, thông tràm… Bên cạnh đó là những loài cây thuốc, cây cảnh như ngũ gia bì, thanh mai, đỗ quyên, bướm bạc, trang bông trắng, trang bông đỏ, địa lan, phong lan.
Trong rừng cảnh quan Đà Lạt, đặc biệt ở các khu rừng hỗn giao còn tồn tại các loài động vật quí như: cầy bay, sóc bay, vượn, hổ, báo, bò rừng…, có nhiều loại chim như: bách thanh, sáo sậu, cu gáy, chèo bẻo, gõ kiến… riêng các loài phường chèo đỏ, bạc má bụng vàng, gõ kiến bụng hung là những loại chim đặc biệt chỉ thấy xuất hiện ở Đà Lạt. Những năm trước đây, khi bước chân vào rừng hỗn giao của Đà Lạt có thể bắt gặp ngay nhiều chim, thú rừng quí, nhưng giờ đây do nạn phá rừng, săn bắt thú rừng quá nhiều và một số tác nhân khác nên các loài động vật nói trên còn rất ít.
1.2.1.4. Cảnh quan tự nhiên và một số thắng cảnh du lịch nổi tiếng
Cấu trúc địa hình đa dạng và thảm động thực vật phong phú đã tạo cho cảnh quan tự nhiên Đà Lạt hết sức phong phú và có một sự lôi cuốn đặc biệt. Những triền đồi nhấp nhô với những rặng thông xanh và thảm cỏ mượt, những thác nước ầm ào và những hồ nước yên bình, những đồi cao và thung lũng mộng mơ… tất cả làm cho Đà Lạt có một sức sống riêng và rất hấp dẫn khách du lịch.
Hồ Xuân Hương: Hồ Xuân Hương rộng khoảng 38ha có hình dáng mảnh trăng lưỡi liềm, là hồ đẹp nhất, ở trung tâm thành phố Đà Lạt. Mặt hồ phẳng lặng, trong vắt tựa chiếc gương soi, chỉ gợn vài đợt sóng lăn tăn khi có cơn gió nhẹ thổi qua. Viền quanh hồ là con đường nhựa uốn lượn và bờ cỏ xanh mượt điểm những cây thông, tùng, anh đào, liễu rủ, tất cả tạo nét duyên dáng đặc biệt cho hồ và cho thành phố. Hồ Xuân Hương không mang trên mình nhiều huyền thoại như một số địa danh khác của Đà Lạt. Đây là một hồ nhân tạo được xây dựng từ năm 1919 với cái tên Pháp là Gran Lake. Năm 1953, theo chủ trương của chính quyền Ngô Đình Diệm cho Việt hoá một số địa danh ở miền Nam nên hồ đã được mang một cái tên mới là hồ Xuân Hương. Tên Xuân Hương có ý nghĩa là hương thơm mùa xuân. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hồ được lấy tên của nữ sĩ tài hoa – bà chúa thơ nôm nổi tiếng của Việt Nam - Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương là danh thắng đầu tiên của Đà Lạt được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Đồi Cù: nhiều người cho rằng Đà Lạt sẽ kém phần mỹ lệ nếu thiếu đồi Cù và hồ Xuân Hương. Đồi Cù như một tấm thảm cỏ xanh mượt trải dài, nhấp nhô xen lẫn hồ nước nhỏ và những cây thông, cây tùng. Tên đồi Cù không biết có từ khi nào, nhưng có nhiều cách lý giải hóm hỉnh về tên gọi này. Nếu nhìn từ xa, những quả đồi ở đây trông giống tấm lưng trần khổng lồ của những con Cù, cũng có người cho rằng nơi đây là địa điểm chơi golf, hay gọi là đánh Cù nên có tên là đồi Cù.
Ngay từ năm 1942, khi thiết kế đồ án qui hoạch thành phố Đà Lạt, một kiến trúc sư người Pháp đã khoanh vùng đồi Cù thành một khu vực thoáng đãng cho thành phố. Về sau, đồi Cù được xây dựng thành một sân golf 9 lỗ, sân golf đầu tiên của Việt Nam và khá nổi tiếng ở vùng Đông Nam Á. Khi còn đương vị, cựu hoàng Bảo Đại thường xuyên ra đây chơi golf cùng các