Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông - 2


MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài Luận văn

Nghèo là một phạm trù lịch sử có tính tương đối ở từng thời kỳ, ở mọi quốc gia, với bản chất của nghèo là phức tạp và nguyên nhân nghèo thì đa dạng. Người nghèo hầu như không có được những tài sản và năng lực thiết yếu, bởi vì họ thường phải sống ở những vùng sâu vùng xa có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, những vùng nghèo tài nguyên hoặc thường xảy ra xung đột. Cho nên khoảng cách giàu nghèo ngày một tăng, là vấn đề xã hội nhức nhối mang tính toàn cầu, do đó thế giới đã lấy ngày 17 tháng 10 hàng năm là “Ngày thế giới xóa đói, giảm nghèo”.

Người nghèo có thể bị tổn thương do tuổi tác, sức khỏe, môi trường sống hoặc do nghề nghiệp. Sự trì trệ về mặt kinh tế có thể hạn chế những cơ hội để có được việc làm và thu nhập hữu ích. Người nghèo có thể bị từ chối không được tiếp cận với các tài sản dịch vụ bởi vì họ thuộc một nhóm dân tộc ít người, sống trong một cộng đồng được coi là thấp kém về mặt xã hội, hoặc đơn giản họ là phụ nữ, người tàn tật hay chỉ vì họ khác biệt. Cho nên, giảm nghèo có vai trò quan trọng tạo điều kiện cho sự phát triển của xã hội, trong đó chính sách giảm nghèo là một chính sách xã hội hướng vào sự phát triển toàn diện của con người về vật chất lẫn tinh thần, nhất là nhóm người nghèo, tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xã hội căn bản để có năng lực tham gia vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Xóa đói, giảm nghèo là chương trình lớn mang tính nhân văn sâu sắc nhằm thực hiện an sinh và đảm bảo công bằng xã hội, sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi” và “Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, bệnh thì chính sách của ta dù có hay đến mấy thì cũng không thực hiện được” [28, tr.572]. Vì vậy, công tác xóa đói giảm nghèo sớm được Đảng và nhà nước ta quan tâm, là 1 trong 8 mục tiêu của tuyên bố thiên niên kỷ mà Việt Nam đã ký. Những năm qua để thực hiện cam kết đó, Đảng và Nhà nước đã xác định giảm nghèo là một trong các nội dung của chiến lược 10


năm, kế hoạch 5 năm và nhiệm vụ hàng năm về phát triển KTXH cần ưu tiên thực hiện từ trung ương cho tới địa phương. Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII chỉ rõ: “Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo” và chú trọng“đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản”. Trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, áp dụng chuẩn đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh, bình quân cả nước giảm từ 1% đến 1,5%/năm, riêng các huyện nghèo và xã khó khăn giảm 4%/năm.

Toàn tỉnh Đắk Nông có 40 dân tộc, trong đó DTTS chiếm 30,2% với đời sống kinh tế xã hội chậm phát triển, trình độ dân trí còn thấp và những phong tục tập quán lạc hậu nên đời sống còn nhiều khó khăn. Công tác giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là một trong những nội dung luôn được ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế xã hội hiện nay của tỉnh. Định kỳ hàng năm và từng giai đoạn, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực, để thực hiện các Chương trình, Dự án giảm nghèo giúp đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, tình trạng nghèo trong đồng bào được cải thiện không đáng kể, tốc độ giảm nghèo không đồng đều, thiếu bền vững, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái nghèo. Thực trạng đó do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu: do hoạch định chính sách khả năng dự báo yếu nên công tác tổ chức thực hiện chính sách nảy sinh bất cập, năng lực quản lý kém, làm cho việc sử dụng các nguồn lực vào công tác giảm nghèo cho đồng bào DTTS manh mún, dàn trải, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số để phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo còn hạn chế...Do đó, tác giả chọn đề tài “Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông” làm luận văn tốt nghiệp với mong muốn kiến nghị một số giải pháp cụ thể để thực hiện tốt hơn chính sách giảm nghèo.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.


2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận văn

Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông - 2

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, phải nâng cao đời sống và thu nhập, kết hợp với bảo vệ tài nguyên và môi trường sống, thì chính sách dân tộc được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, trong đó thực hiện chính sách giảm nghèo cho đồng bào DTTS là mục tiêu hàng đầu. Các công trình nghiên cứu về giảm nghèo đối với đồng bào DTTS là một chủ đề được quan tâm nghiên cứu bởi nhiều học giả trong và ngoài nước như:

Trần Thị Diễm Thúy (2013) “Quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo đối với đồng bào thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”, Luận văn Thạc sỹ Quản lý công, Học viện Hành chính quốc gia. Luận văn đánh giá quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo đối với đồng bào DTTS ở tỉnh Đắk Nông, phân tích thực trạng công tác quản lý, tìm ra nguyên nhân các tồn tại, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo đối với đồng bào DTTS [45].

Nguyễn Kim Khánh (2017) “Thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk”, Luận văn Thạc sỹ Quản lý công, Học viện Hành chính quốc gia. Luận văn đã làm rõ một số vấn đề lý luận về GNBV và thực hiện chính sách GNBV, phân tích thực trạng nghèo đói trên địa bàn huyện Cư M’Gar, đề xuất một số giải pháp và kiến nghị nhằm thực hiện tốt chính sách nhà nước về GNBV trên địa bàn huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới [23].

Lê Quốc Lý (2013) “Chính sách xóa đói giảm nghèo - thực trạng và giải pháp” (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội). Cuốn sách với 9 chương, 311 trang sách, cuốn sách đã đánh giá một cách tổng quan về thực trạng đói nghèo ở Việt Nam; chủ trương, đường lối của Đảng và các chính sách của Nhà nước ta về xóa đói, giảm nghèo; các chương trình giảm nghèo điển hình; nêu ra định hướng, mục tiêu giảm nghèo cùng những cơ chế, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam [25].

Tổ chức Oxfam Anh tại Việt Nam (2016) “Từ đơn lẻ đến tích hợp: đổi mới chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và khuyến nông hướng đến giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, (Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2016). Cuốn sách cũng đã


nghiên cứu, đánh giá các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo còn chồng chéo và dàn trải, nguồn lực không đủ, thiếu sự liên kết và khó lồng ghép; nội dung và phương pháp thực hiện chưa phù hợp với đặc điểm địa phương và nhu cầu đặc thù của từng nhóm đối tượng, nhất là các nhóm nghèo DTTS. Nghiên cứu đã tiến hành theo dõi và phân tích các vấn đề chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và khuyến nông tại địa bàn dân cư điển hình, nhằm cung cấp các phân tích và đề xuất cho việc thiết kế và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và khuyến nông hướng đến giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS [30].

Ngô Văn Lệ (2015) “Về giải pháp góp phần xóa đói giảm nghèo ở Đắk Nông”, tại Hội thảo Khoa học “Giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ - Thực trạng và giải pháp”. Tham luận đã tập trung phân tích về các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo đói trong vùng đồng bào DTTS tại chỗ của tỉnh Đắk Nông, đặc biệt là mối liên hệ giữa GNBV và trình độ dân trí. Tác giả đã nhận định rằng muốn phát triển và phát triển bền vững đòi hỏi phải nâng cao dân trí. Xóa đói giảm nghèo và phát triển giáo dục phụ thuộc vào các chiều kích khác nhau, nhưng có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, mà học vấn là một biến độc lập trong tương quan với vấn đề đói nghèo, một khi giải quyết được vấn đề đói nghèo và nâng cao dân trí lại chính là góp phần vào việc phát triển và phát triển bền vững ở các DTTS [22].

- Bài viết “Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ở các vùng dân tộc và miền núi, cải thiện đời sống nhân dân” của tác giả Đặng Vũ Liêm, đăng trên Tạp chí quốc phòng toàn dân, số 2/1999. Trên cơ sở phân tích các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, tác giả nêu ra những giải pháp trong việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số [19].

- Bài viết của tác giả Hoàng Xuân Trung được đăng tải trên tạp chí Dân Tộc số 139 xuất bản tháng 7 năm 2012 với tựa đề “Về việc thiết kế chương trình giảm nghèo ở vùng dân tộc, miền núi”, bài viết đã có được những nhận xét đánh giá ban đầu về công tác xây dựng chính sách XĐGN ở các vùng có đông đồng bào dân tộc


sinh sống, qua đó tác giả cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong cơ chế chính sách mà đặc biệt là công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách…[29].

Ngoài ra, còn một số bài viết đăng trên các tạp chí khoa học hoặc nhiều công trình, luận án, luận văn khác có đề cập ít nhiều đến vấn đề này.

Nhìn chung hầu hết các nghiên cứu về đói nghèo tại Việt Nam trong thời gian qua chỉ thiên đề cập đến đặc điểm của người nghèo như: người nghèo họ là ai, họ ở đâu, tại sao họ nghèo chứ chưa đề cập sâu đến việc họ thoát nghèo bằng cách nào, yếu tố nào giúp họ thoát nghèo bền vững. Cũng như các công trình nghiên cứu nêu trên đã tìm hiểu về nguyên nhân, thực trạng và các giải pháp giảm nghèo, cho chúng ta thấy được bức tranh toàn cảnh về chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, địa phương. Tuy nhiên, phần lớn các công trình nghiên cứu đó chủ yếu được tiến hành ở nhiều nhóm xã hội khác nhau mà ít đi sâu nghiên cứu một nhóm xã hội yếu thế cụ thể nào. Đồng thời, cũng chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu riêng vấn đề thực hiện chính sách GNBV đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để làm cơ sở tìm ra các chính sách xóa đói giảm nghèo hiệu quả hơn phù hợp hơn cho địa phương.

Phương pháp nghiên cứu mà các đề tài đã sử dụng nêu ở trên chủ yếu là phương pháp nghiên cứu định lượng, phân tích và tổng hợp. Các đề tài nghiên cứu trên là một nguồn tư liệu rất quý giá cho bản thân tác giả để có thể học hỏi và tiếp thu một cách có cơ sở nhằm hoàn thiện tốt hơn đề tài nghiên cứu của mình.


3. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ của luận văn

*Mục đích: Trên cơ sở nghiên cứu làm rõ cơ sở khoa học về thực hiện chính sách GNBV đối với đồng bào DTTS và thực trạng thực hiện chính sách GNBV đối với đồng bào DTTS tỉnh Đắk Nông, đề xuất các giải pháp thực hiện chính sách GNBV đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

*Nhiệm vụ: Để thực hiện những mục đích trên, đề tài có ba nhiệm vụ.

- Một là hệ thống cơ sở khoa học thực hiện chính sách GNBV.

- Hai là khái quát thực trạng thực hiện chính sách GNBV đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.


- Ba là đề xuất một số giải pháp để tăng cường thực hiện chính sách GNBV đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.


4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

*Đối tượng nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu của luận văn là thực hiện chính sách GNBV đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

*Phạm vi nghiên cứu:

- Về không gian: Đề tài nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

- Về thời gian: Đề tài nghiên cứu giai đoạn 2016-2020.

-Về nội dung: Đề tài tiến hành nghiên cứu nội dung chính sách và quy trình thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.


5. Phương pháp nghiên cứu

*Phương pháp luận: Đề tài nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận biện chứng duy vật, cơ sở lý luận là Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về GNBV.

*Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp hệ thống: Phương pháp này, giúp cho quá trình đảm bảo được tính khoa học của các dữ liệu nhằm nâng cao tính minh bạch và thuyết phục trong quá trình đánh giá, kiến nghị, việc lồng ghép các chương trình hỗ trợ trong quá trình vận dụng thực hiện chính sách giảm nghèo, là cơ sở đề xuất nhân rộng mô hình có hiệu quả.

- Phương pháp thống kê: Được sử dụng trong việc tổng hợp trình bày số liệu, các đặc trưng của đối tượng nghiên cứu phục vụ cho quá trình phân tích, dự đoán và đề ra quyết định. Chỉ ra các đặc trưng, phân tích mối liên hệ giữa các đối tượng nghiên cứu, dự đoán về đề nghị giải pháp các số liệu thu thập.

- Phương pháp điều tra, khảo sát bảng hỏi nhằm thu thập thông tin sơ cấp cần thiết để phân tích, đánh giá các hoạt động tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo,


trong đó đi vào quy trình tổ chức thực hiện chính sách. Phương pháp này được thực hiện dựa vào việc thiết kế bảng hỏi điều tra xã hội học, dành cho đối tượng là người nghèo. Các phiếu điều tra dành cho đối tượng là người nghèo được thực hiện ngẫu nhiên, trên phạm vi tỉnh Đắk Nông, với số lượng 200 phiếu. Mỗi huyện phát 10 phiếu, thành phố phát 30 phiếu cho hộ nghèo (mẫu phiếu M1, tổng số 100 phiếu). Để kết quả nghiên cứu của luận văn được khách quan và hợp lý, ngoài việc tập trung điều tra khảo sát đối với hộ nghèo, luận văn đã xây dựng bảng hỏi dành cho 2 đối tượng. Đối tượng thứ nhất là cán bộ, công chức cấp xã, những người có trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách (Phần I dành cho cán bộ công chức xã phường, mẫu phiếu M2, tổng số 100 phiếu, mỗi huyện phát 10 phiếu và phát 30 phiếu cho thành phố ngẫu nhiên cho cán bộ, công chức ở xã). Đối tượng thứ hai là cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý ở tỉnh, huyện (Phần II dành cho cán bộ lãnh đạo quản lý, mẫu 02 tổng số 39 phiếu, mỗi huyện phát 3 phiếu bao gồm lãnh đạo huyện và trưởng phòng cấp huyện (7 huyện x 3 = 21 phiếu), 18 phiếu phát ngẫu nhiên ở tỉnh cho cán bộ quản lý cấp tỉnh bao gồm lãnh đạo tỉnh lãnh đạo các sở thuộc UBND tỉnh bao gồm: Sở LĐTB&XH, Sở Tài chính, Ban Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh,...Việc phát phiếu điều tra dành cho các đối tượng này, để có được thông tin sơ cấp rất quan trọng phục vụ phân tích, trên cơ sở kết hợp các thông tin tham chiếu 2 chiều, giữa một bên là các cơ quan nhà nước và một bên là đối tượng thụ hưởng lợi ích của chính sách, từ đó rút ra những kết luận quan trọng của quá trình nghiên cứu.

Ngoài bảng hỏi được thiết kế để thu thập thông tin định lượng còn có các công cụ thu thập thông tin định tính, để vừa đi sâu tìm ra những vấn đề mới, vừa tính được tần suất và tương quan giữa các số liệu liên quan đến việc thực hiện chính sách giảm nghèo thuộc tỉnh Đắk Nông.


6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

*Ý nghĩa lý luận: Đây là công trình khoa học nghiên cứu tương đối cơ bản về hệ thống các lý luận liên quan đến giảm nghèo, chính sách GNBV nói chung và giảm nghèo đối với đồng bào DTTS nói riêng. Tác giả tập trung làm rõ vai trò và sự


cần thiết phải thực hiện chính sách giảm nghèo, quy trình thực hiện chính sách giảm nghèo cũng như phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quy trình thực hiện chính sách giảm nghèo. Các nghiên cứu, góp phần bổ sung, hoàn thiện về mặt lý luận trong nghiên cứu chính sách công và quy trình thực hiện chính sách công của Nhà nước.

*Ý nghĩa thực tiễn: Dựa trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng đói nghèo của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, chỉ ra những ưu điểm và hạn chế trong thực hiện chính sách giảm nghèo tại tỉnh Đắk Nông. Đồng thời, đề xuất phương hướng, giải pháp phù hợp nhằm thực hiện tốt chính sách GNBV trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

- Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo để nghiên cứu, học tập cũng như giúp người đọc có thể hiểu thêm về những vấn đề lý luận, thực tiễn về thực hiện chính sách GNBV đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, mục lục, kết luận và phần phụ lục, luận văn được kết cấu thành 3 chương như sau:

Chương 1. Cơ sở khoa học thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương 2. Thực trạng thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Chương 3. Các giải pháp thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Xem tất cả 137 trang.

Ngày đăng: 12/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí