rất cao, vì các quyết định kinh doanh được đưa ra rất kịp thời bởi một bộ máy quản lý có trình độ chuyên môn cao.
2.4. Đánh giá
2.4.1. Tích cực
Theo những kết quả thu hút trên ta thấy, khối lượng vốn đăng ký đầu tư vào các dự án ngành Công nghiệp Dịch vụ liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây thể hiện sức hút của ngành này đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì nguồn vốn huy động được từ các nhà đầu tư nước ngoài là một nguồn bổ sung đáng kể cho công cuộc chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế của đất nước đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận lớn lao động.
Lĩnh vực thu hút được sự quan tâm nhiều nhất của các nhà đầu tư, thể hiện qua số dự án đầu tư chiếm gần một nửa đó là lĩnh vực phát triển phần mềm. Mặc dù số vốn đầu tư vào các dự án này thường không lớn nhưng số lượng dự án nổi bật như vậy cho thấy Việt Nam rất có tiềm năng về lĩnh vực này mà cụ thể là tiềm năng con người. Đây cũng chính là cơ hội để lực lượng kỹ sư phần mềm Việt Nam học hỏi kiến thức chuyên môn từ các chuyên gia Nhật Bản và tự hoàn thiện mình để trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc phát triển Công nghệ Quốc gia trong tương lai.
Ngoài ra, chúng ta cũng thu hút được khá nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải và bưu điện. Đây là những lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển tổng thể của nền kinh tế vì nó ảnh hưởng tới hầu hết tất cả các ngành nghề sản xuất khác trong xã hội. Nhận vốn đầu tư vào những lĩnh vực này, chúng ta có điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông và viễn thông của mình.
2.4.2. Hạn chế và nguyên nhân
Hạn chế
Thứ nhất, FDI của Nhật Bản đầu tư vào ngành Công nghiệp Dịch vụ tuy đạt được những thành tích nhất định nhưng thực sự vẫn chỉ là những con số rất khiêm tốn so với tiềm lực kinh tế của Nhật Bản. Trong khi trên thế giới đang tồn tại xu hướng chuyển dịch FDI sang lĩnh vực Công nghiệp Dịch vụ thì tỷ trong FDI của Nhật Bản đầu tư vào Công nghiệp Dịch vụ ở Việt Nam không thể hiện xu hướng đó.
Biểu đồ: Tỷ trọng FDI Nhật Bản đầu tư vào các ngành
(chỉ tính các dự án còn hiệu lực cho tới tháng 8/2008)
(Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Tỷ trọng FDI đầu tư vào ngành Công nghiệp Dịch vụ trên thực tế tăng giảm thất thường trong 8 năm qua và trung bình chỉ chiếm 12% lượng vốn FDI của Nhật đầu tư vào Việt Nam. Nói một cách khách quan thì đa số các nhà đầu tư Nhật Bản tìm đến Việt Nam trong những năm gần đây quan tâm
tới lĩnh vực Công nghiệp – Xây dựng với tỷ trọng vốn đăng ký đầu tư vào lĩnh vực này lên đến 85%. Cũng không quá khó để lý giải tại sao tỷ trọng FDI Công nghiệp – Xây dựng lại cao đến thế. Bởi lẽ Nhật Bản vốn được đánh giá là một đất nước nghèo nào tài nguyên nhưng có lực lượng sản xuất trình độ cao với phí nhân công đắt đỏ nên hoạt động đầu tư ra nước ngoài với mục đích tìm kiếm nguồn tài nguyên và lao động rẻ tiền luôn được ưu tiên. Chính bởi thế, trong tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của đất nước này, tỷ trọng đầu tư vào Công nghiệp – Xây dựng vẫn luôn chiếm ưu thế. Mặt khác, Việt Nam có đầy đủ thế mạnh về mặt này thay vì những yếu kém trong chất lượng cơ sở hạ tầng, trình độ lao động…Đây chính là điểm còn hạn chế trong hoạt động thu hút FDI của chúng ta đối với lĩnh vực Công nghiệp Dịch vụ.
Thứ hai, hoạt thu hút FDI vào các địa phương không đồng đều. Hầu hết các dự án FDI Công nghiệp Dịch vụ đều đổ vào các thành phố lớn đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó sẽ tạo ra một lực hút lao động về hai trung tâm kinh tế này. Người lao động đổ dồn về đây đặt ra nhu cầu bức thiết về nhà ở, giáo dục, phúc lợi xã hội…gây ra những tác động tiêu cực tới giao thông và môi trường đô thị. Như vậy, FDI không những không giúp san bằng chênh lệch khoảng cách thành thị nông thôn mà càng làm gia tăng hơn nữa mức chênh lệch về phát triển kinh tế giữa các vùng miền trên cả nước.
Thứ ba, tỷ lệ vốn thực hiện/ vốn đăng ký của các dự án FDI Nhật Bản đầu tư vào ngành Công nghiệp Dịch vụ rất thấp. Nếu như hàng ngày chúng ta vẫn được nghe các thông tin đại chúng thông báo những con số thu hút FDI kỷ lục thì vần phải biết rằng đó chỉ là vốn đăng ký tức vốn mà chủ đầu tư cam kết sẽ đầu tư vào dự án. Còn trên thực tế, để con số đăng ký ấy được đưa vào kinh doanh, sản xuất, được đưa vào vòng luân chuyển vốn của nền kinh tế thì vẫn còn một khoảng cách khá xa. Tỷ lệ vốn thực hiện/vốn đăng ký giúp ta thấy mức độ hiện thực hóa các dự án đầu tư, giúp người tiếp nhận thông tin có
cái nhìn chân thực hơn về các hoạt động đầu tư đang diễn ra bởi chính vốn thực hiện mới là lượng vốn đem lại thu nhập cho nền kinh tế quốc dân, đem lại việc làm cho người lao động …Tỷ lệ này trong các dự án FDI Công nghiệp Dịch vụ của Nhật chỉ mới đạt khoảng 30%. Xét một cách toàn diện thì tỷ lệ này đang giảm dần trong các năm 2006, 2007, 2008. Điều đó có nghĩa là, mặc dù vốn đăng ký tăng kỷ lục nhưng hầu như có rất ít dự án được thực thi trong thời gian này hoặc có được thực thi thì cũng với tiến độ giải ngân rất chậm.
Nguyên nhân
Theo một báo cáo của JBIC năm 2007, ba e ngại lới nhất đối với các nhà đầu tư Nhật Bản (đã có mặt và chưa có mặt) khi thực hiện đầu tư vào Việt Nam là hệ thống pháp lý, chính sách không rõ ràng, hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém và khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lao động có trình độ.
Hệ thống pháp lý còn yếu kém
Mặc dù đã được cải cách và sửa đổi rất nhiều nhưng theo kết quả điều tra do Jetro thực hiện năm 2007, có tới 61% doanh nghiệp FDI Nhật Bản phàn nàn về sự quản lý chính sách không rõ ràng của Việt Nam. Nhiều luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư được ban hành liên tục từ năm 1990 đến nay đã khiến thủ tục thành lập doanh nghiệp và thủ tục đầu tư ngày nay khá thông thoáng, ngay cả so sánh với các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, trong những chính sách, luật pháp khác nhưng có liên quan tới và chi phối khá nặng nề hoạt động của một doanh nghiệp như các quy định về thuế, hải quan, lao động, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, giải quyết tranh chấp dân sự…thì chúng ta lại quá chậm chân. Lịch thảo luận và thông qua các dự án luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua và nhiệm kỳ hiện nay cho thấy hệ thống Nhà nước phải chạy nước rút như thế nào để giảm bớt tình trạng chậm chân này. Nhưng bên cạnh sự chậm trễ về thời gian, điều đáng quan tâm hơn là sự bất cập về
nội dung. Tình trạng quy định không cụ thể, không rõ ràng, không hợp thực tế, thậm chí mâu thuẫn nhau khiến việc thi hành không khả thi vẫn còn phổ biến là nguyên nhân đầu tiên khiến nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài chưa cảm thấy yên tâm.
Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư
So với một số nước trong khu vực thì hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay của chúng ta còn yếu. Chất lượng đường xá và xe tải đang là một vấn đề khiến giá thành vận chuyển cao, mà nếu cải thiện được có thể sẽ giúp doanh nghiệp hạ giá thành vận chuyển ít nhất là 30%. Ngoài hạ tầng giao thông thì hạ tầng điện với nguồn điện thiếu ổn định của Việt Nam hiện đang là mối quan tâm nhức nhối của các nhà đầu tư Nhật Bản. Mặc dù chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch phát triển nguồn điện cho đất nước, song mức độ phát triển của Việt Nam có thể sẽ vượt qua sự phát triển của ngành điện. Đồng thời, khi Việt Nam thu hút thêm được nhiều dự án đầu tư thì thiếu điện sẽ gây ra rủi ro càng lớn. Bên cạnh đó, giá điện lại thay đổi thất thường khiến cho các doanh nghiệp Nhật Bản không thể dự đoán được dẫn đến các nguồn lợi nhuận giảm và các dự án đầu tư không mang lại hiệu quả cao như dự tính. Cơ sở hạ tầng vừa yếu vừa thiếu, đặc biệt là ở vùng nông thôn cũng góp phần tạo nên hiện tượng thu hút FDI không đồng đều giữa các khu vực, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của nền kinh tế.
Nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế
Có thể nói, Việt Nam đang có lợi thế về nguồn lao động giá rẻ tuy nhiên ngành Công nghiệp Dịch vụ có đặc thù đòi hỏi kỹ năng và trình độ lao động rất cao nên nếu chỉ có “giá rẻ” , nguồn nhân lực Việt Nam sẽ không thể được coi là “có lợi thế”. Trong các cuộc khảo sát của Jetro, những bất cập trong vấn đề này đã lộ ra rõ nét. Tạm chia lực lượng lao động thành 3 nhóm: công nhân, kỹ sư và quản lý trung gian. Ta có bảng so sánh mức lương trung
bình của mỗi nhóm lao động ở các thành phố lớn của Việt Nam và Trung Quốc như sau:
Bảng: Mức lương nhân công tại một số thành phố
Đơn vị: USD
Trung Quốc | Việt Nam | |||
Thượng Hải | Thẩm Quyến | Hà Nội | TP. HCM | |
Công nhân | 272~362 | 123~509 | 87~198 | 122~216 |
Kỹ sư | 441~641 | 194~794 | 243~482 | 329~453 |
QL trung gian | 663 | 528~1060 | 597~859 | 681~1690 |
Có thể bạn quan tâm!
- Các Yếu Tố Thu Hút Fdi Của Nhật Bản Vào Ngành Công Nghiệp Dịch Vụ Ở Việt Nam
- Tốc Độ Tăng Trưởng Kinh Tế Đi Kèm Với Đô Thị Hóa
- Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào công nghiệp dịch vụ ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 7
- Cơ Hội Và Thách Thức Đối Với Thu Hút Fdi Của Nhật Bản Vào Ngành Công Nghiệp Dịch Vụ Ở Việt Nam
- Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào công nghiệp dịch vụ ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 10
- Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào công nghiệp dịch vụ ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp - 11
Xem toàn bộ 88 trang tài liệu này.
(Nguồn: Báo cáo về lương công nhân ở Châu á, Jetro, 2006)
Về lực lượng công nhân và kỹ sư, Việt Nam có thuận lợi về chi phí nhân công nhưng nhìn chung lại thiếu trình độ kỹ thuật và ngoại ngữ tiếng Nhật. Theo khảo sát của Quỹ Nhật Bản, năm 2005, số người Việt Nam đạt chứng chỉ tiếng Nhật, kể cả trình độ sơ cấp đến các trình độ cao hơn là 5.248 người. Bất lợi hơn, khu vực phía Nam Trung Quốc ngay sát Việt Nam lại rất dồi dào về lao động thạo tiếng Nhật (con số tương ứng là 126.422 người), tạo thế cạnh tranh về thu hút FDI từ Nhật Bản. Còn về lực lượng quản lý trung gian thì phải khẳng định rằng chúng ta đang thiếu nghiêm trọng. Điều đó đã làm cho mức lương chi trả cho một người ở vị trí quản lý trung gian ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lên đến xấp xỉ 1000 USD, cao hơn 20% ~ 30% so với Trung Quốc và cao nhất trong số các nước Asian. Có đến 59% doanh nghiệp FDI Nhật Bản thừa nhận rằng họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ quản lý trung gian phù hợp. Thêm vào đó, đội ngũ này lại hay có xu hướng “nhảy việc” , thường xuyên tìm đến những chỗ có mức lương cao hơn
vì thế càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và bồi dưỡng nhân sự. Chính những đặc điểm này của đội ngũ lao động Việt Nam là nguyên nhân lý khiến Việt Nam vẫn chưa hấp thụ được trình độ quản lý của người Nhật một cách hiệu quả.
Ngoài ba khiếm khuyết lớn mà các nhà đầu tư Nhật Bản e ngại nhất được đề cập đến ở trên thì hoạt động thu hút FDI của Nhật vào ngành Công nghiệp Dịch vụ vẫn còn hạn chế bởi hoạt động xúc tiến nhiều nhưng chưa hiệu quả, thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu minh bạch, các chính sách khuyến khích đầu tư dàn trải thiếu tập trung, và một số nguyên nhân khác….
Hoạt động xúc tiến đầu tư nhiều nhưng chưa hiệu quả
Hoạt động xúc tiến tỏ ra kém hiệu quả ngay trong nội dung kêu gọi bởi chỉ đưa ra kết quả cuối cùng mà ta muốn trong khi rất thiếu thông tin về những yếu tố cần thiết khiến cho một lời chào mời trở nên hấp dẫn. Hơn nữa, các hoạt động xúc tiến đầu tư thiếu sự gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển ưu tiên nên dẫn đến hiện tượng thu hút tràn lan, không đồng đều và kém hiệu quả.
Thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu minh bạch
Chúng ta nói “cải cách hành chính” đã bao nhiêu năm, nói đến “một cửa một dấu” đã từ lâu nhưng đến nay, gánh nặng thủ tục hành chính vẫn còn rất nặng nề, gây mệt mỏi cho các nhà đầu tư. Ví dụ như về nộp thuế, các cuộc khảo sát cho thấy ở Việt Nam, các doanh nghiệp phải thanh toán thuế 32 lần một năm, mất 1.050 giờ để thực hiện việc này và chịu 41,6% chi phí tổng lợi nhuận để đóng thuế. Việt Nam xếp 120 trên tổng số 175 quốc gia về sự thuận lợi trong đóng thuế, thua Thái Lan, Singapore, Malaysia và cả Campuchia, Philipines về việc này. Nguyên nhân sâu xa là do năng lực quản lý yếu kém, đồng thời làm cho nạn tham ô, tham nhũng tồn tại và phổ biến trong hệ thống quan chức nhà nước, gây phiền nhiễu cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác đang tồn tại khiến cho ngành Công nghiệp Dịch vụ của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản như việc đưa ra các chính sách khuyến khích đầu tư một cách tản mạn, thiếu tập trung, đồng bộ. Hiện nay có quá nhiều các loại ưu đãi đầu tư khác nhau được quy định rải rác trong các luật và văn bản dưới luật khác nhau, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý ưu đãi đầu tư cũng như cho doanh nghiệp trong việc nhận biết các ưu đãi. Sự phức tạp càng được nhân lên do các địa phương, đến lượt mình lại đưa ra các ưu đãi riêng một cách tùy tiện để cạnh tranh thu hút đầu tư.
Một nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ giải ngân FDI thấp là năng lực quản lý của các ngành các cấp đối với hoạt động đầu tư còn kém, khiến cho rất nhiều dự án đăng ký để đấy, không giải ngân được mà vẫn không thấy một sự tác động nào từ phía các ban ngành chức năng.
Trên đây là toàn bộ thực trạng thu hút FDI của Nhật vào ngành Công nghiệp Dịch vụ của Việt Nam hiện nay. Những phân tích được đưa ra đã chứng minh khả năng thu hút vốn của Việt Nam tuy nhiên, nhưng lợi thế và tiềm năng đó đã không phát huy được hết sức mạnh của chúng bởi vẫn còn tồn tại quá nhiều yếu kém và hạn chế. Tuy nhiên, quốc gia nào, nền kinh tế nào, dù có phát triển đến đâu cũng vẫn luôn tồn tại hai mặt như thế. Chính bởi vậy, việc quan trọng hơn đó là tìm ra những giải pháp để phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế, để thu hút được nhiều hơn nữa FDI của Nhật Bản vào công cuộc phát triển ngành Công nghiệp Dịch vụ ở Việt Nam, đưa đất nước tiến xa hơn trên con đường hội nhập.