Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 1


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN


TRẦN THỊ MINH TÂM


THƠ VIỆT NAM NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI


Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 62 22 01 21


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC


Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI - 1

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:

GS.TS. Lê Văn Lân


Hà Nội - 2019

LỜI CAM ĐOAN


Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học độc lập của riêng mình. Các số liệu, dẫn chứng sử dụng trong luận án có nguồn gốc rò ràng, đã công bố theo đúng quy định. Các kết quả nghiên cứu trong luận án do tôi tự tìm hiểu một cách trung thực, khách quan, phù hợp với đối tượng nghiên cứu. Các kết quả này chưa từng được công bố trong bất kì nghiên cứu nào khác.


Nghiên cứu sinh


Trần Thị Minh Tâm

LỜI CẢM ƠN


Lời đầu tiên, xin trân trọng cảm ơn GS.TS. Lê Văn Lân đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo từ khi người viết làm luận văn thạc sĩ cho đến bản luận án này. Nếu không có sự hướng dẫn tận tâm của thầy, bản luận án này chắc chắn không thể hoàn thành.

Xin trân trọng cảm ơn các thầy, cô giáo khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn đã chỉ bảo, giúp đỡ người viết trong quá trình hoàn thành luận án.

Sau cùng, xin cảm ơn gia đình, bạn bè đã luôn bên cạnh ủng hộ, động viên để người viết hoàn thành luận án này./.

MỤC LỤC

Lời cam đoan ....................................................................................................................

MỤC LỤC 1

MỞ ĐẦU 3

1. Lý do chọn đề tài 3

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 4

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 5

4. Phương pháp nghiên cứu 5

5. Đóng góp của luận án 7

6. Cấu trúc của luận án 7

Chương 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 9

1.1. Những đánh giá chung về thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI 8

1.2. Những nhận định về đặc điểm thơ Việt Namnhững nămđầuthế kỷXXI 12

1.3. Những nhận định về tác giả, tác phẩm tiêu biểu 19

Chương 2. KHÁI QUÁT THƠ VIỆT NAM NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI...41 2.1. Lực lượng sáng tác 41

2.1.1. Các thế hệ nhà thơ 41

2.1.2. Các hoạt động thơ của lực lượng sáng tác 46

2.2. Quan niệm thơ những năm đầu thế kỷ XXI 49

2.2.1. Cách tân là vấn đề cấp thiết của thơ 50

2.2.2. Sự vận động và đổi mới quan niệm nghệ thuật về thơ 53

2.3. Các khuynh hướng sáng tạo tiêu biểu 62

2.3.1. Khuynh hướng bảo tồn các giá trị thơ truyền thống 64

2.3.2. Khuynh hướng cách tân trên cơ sở truyền thống 68

2.3.3. Khuynh hướng cách tân thơ triệt để 71

Chương 3. NHỮNG CHUYỂN ĐỘNG CỦA NỘI DUNG THƠ VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI 80

3.1. Cảm hứng dân tộc lịch sử 80

3.1.1.Biểnđảoquêhương,chủđềnổibậtnhấttrongcảmhứnglịchsửdântộcđầuthếkỉXXI...82 3.1.2. Lịch sử và truyền thống dân tộc 86

3.2. Dòng thơ thế sự ngày càng chiếm vị trí chủ đạo 91

3.2.1. Thơ phản ánh hiện trạng xã hội trong thời đại kỹ trị và toàn cầu hóa 92

3.2.2. Trở về với các giá trị truyền thống như một giải pháp chống lại sự tha hóa 96

3.2.3. Niềm tin và hy vọng 101

3.3. Tình yêu và khát khao nhục cảm 103

3.3.1. Tình yêu - chủ đề vĩnh cửu 104

3.3.2. Khát khao nhục cảm 106

3.4. Đi tìm cái tôi 108

3.4.1. Cái tôi cá thể 109

3.4.2. Cái tôi bản thể 112

3.5. Đi vào vùng mờ tâm linh, vô thức, đậm chất siêu thực 115

Chương 4. ĐA DẠNG HÓA NGHỆ THUẬT BIỂU HIỆN 121

4.1. Mở rộng đường biên thể loại 121

4.1.1. Cách tân thể thơ truyền thống 123

4.1.2. Tự do hóa hình thức thơ 127

4.2. Hệ thống ngôn ngữ 133

4.2.1. Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, hàm súc 134

4.2.2. Xu hướng gia tăng ngôn ngữ đời thường, trần tục 140

4.2.3. Thử nghiệm chất liệu biểu đạt ngoài ngôn ngữ 143

4.3. Hệ thống hình ảnh 149

4.3.1. Hình ảnh đời thường, trần tục 150

4.3.2. Hình ảnh lạ hóa mang màu sắc siêu thực 152

4.4. Hướng tới đa giọng điệu 155

4.4.1. Giọng độc thoại – giãi bày chiếm vị trí chủ đạo 155

4.4.2. Các giọng điệu khác 159

KẾT LUẬN 165

DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 168

TÀI LIỆU THAM KHẢO 169

PHỤ LỤC 181

MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài

Thơ là thể loại có lịch sử lâu dài, trở thành hình thức nghệ thuật hầu như ai cũng biết đến. Cho dù những năm gần đây thơ không đạt được thành tựu như tiểu thuyết và cũng không được độc giả chào đón mặn nồng như trước nhưng thơ vẫn là phương tiện hữu hiệu nhất bộc lộ đời sống tâm hồn của con người thời nay, vẫn là một thể loại không thể không quan tâm trong nghiên cứu, phê bình văn học.

Những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, đất nước mở cửa hòa nhập với thế giới; các lý thuyết, trường phái thơ từ thế giới bên ngoài tràn vào khuấy động nền thơ trong nước tạo tiền đề cho sự phát triển một giai đoạn thơ mới. Bước vào thế kỷ XXI, bắt đầu từ năm bản lề năm 2000, một không gian văn học mới được mở ra: không gian văn học mạng với nhiều website, blog văn học ra đời, việc truyền bá cũng như tiếp cận tác phẩm trở nên dễ dàng. Môi trường mạng còn là nơi gặp gỡ giao lưu giữa văn học trong nước và ngoài nước, là diễn đàn trao đổi học thuật sôi nổi. Môi trường văn hóa như vậy làm nảy sinh cách cảm, cách nghĩ, cách thể hiện mới. Nhiều người làm thơ ấp ủ hoài bão sáng tạo và thử nghiệm những lối thơ khác lạ. Vậy sau gần hai thập kỷ (tính từ năm 2000) thơ Việt đã có bước phát triển như thế nào, liệu có thể làm nên một cuộc cách mạng thơ như đầu thế kỉ trước? Đó là câu hỏi cần lời giải đáp.

Có một điều không thể phủ nhận: thơ Việt Nam đầu thế kỷ XXI phát triển trong sự đa dạng, phức tạp. Một mặt, lối thơ trữ tình giàu nhạc tính vẫn được ưa dùng như một quán tính, mặt khác là những cách tân thơ quyết liệt từ thể tài đến ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu. Các cuộc tranh luận thơ cách tân hay không cách tân cũng gay gắt chẳng kém tranh luận thơ cũ, thơ mới ở đầu thế kỷ trước. Ngay cả giới phê bình cũng có những đánh giá trái chiều về sự phát triển của thơ giai đoạn này. Một giai đoạn thơ đa dạng, phức tạp như vậy đáng được quan tâm nghiên cứu.

Mỗi chặng đường thơ cần được tổng kết và đánh giá kịp thời để có cái nhìn toàn cảnh và khách quan những thành tựu và hạn chế của nó. Gần hai thập kỷ của thế kỷ mới đã trôi qua, cần có cái nhìn khái quát sự vận động của thơ giai đoạn này,

từ đó có cơ sở so sánh, đánh giá nó với các giai đoạn thơ khác. Tuy nhiên nhận định về một nền thơ đang lưu chuyển là một việc mạo hiểm và nhiều thử thách. Mạo hiểm là bởi có nhiều thứ chưa được định hình, nhiều đặc điểm chưa được ổn định và còn tiềm tàng nhiều bất ngờ mà người nghiên cứu chưa lường đến. Thử thách là bởi phạm vi quá rộng, nhất là trong thời kỳ bung nở ồ ạt tác phẩm thơ với rất nhiều khuynh hướng, thử nghiệm. Việc đi sâu vào biện giải từng trào lưu, khuynh hướng, đánh giá thành tựu, hạn chế của giai đoạn thơ vẫn còn đang vận động, lưu chuyển này là việc làm rất khó, cần phải có thêm độ lùi thời gian. Chúng tôi chỉ đặt ra mục tiêu bằng cái nhìn khách quan và bao quát, vẽ lên những nét cơ bản về diện mạo cũng như khái quát một số đặc điểm về nội dung và nghệ thuật biểu hiện của thơ Việt Nam đầu thế kỷ XXI (tính từ năm 2000 đến năm 2015).

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu

Thơ Việt Nam những năm đầu thế kỷ là một dòng thơ còn đang chuyển động, do đó chưa có nhiều đánh giá khách quan khái quát cũng như những nghiên cứu chuyên sâu. Người viết đã khảo sát và bao quát một thực tiễn sáng tác rộng lớn để phác thảo diện mạo cũng như đặc điểm của giai đoạn thơ này để bổ sung phần nào vào chỗ trống trong nghiên cứu về thơ đương đại trong tiến trình văn học sử. Qua việc khảo sát, nghiên cứu diện mạo, đặc điểm thơ những năm đầu thế kỷ XXI, chúng tôi có cơ sở so sánh thơ giai đoạn này với thơ các giai đoạn trước đặc biệt là giai đoạn đổi mới thơ cuối thế kỷ XX, để xem thơ những năm đầu thế kỷ XXI chỉ là một vệt kéo dài của thơ cuối thế kỷ XX hay là đã có được những sự thay đổi đột phá của một nền thơ mới.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Từ mục đích nghiên cứu trên, luận án đặt ra những nhiệm vụ cụ thể như sau:

Khái quát những nét chung của thơ Việt Nam đầu thế kỷ XXI qua việc khảo sát lực lượng sáng tác và sự vận động của quan niệm nghệ thuật; tình hình đổi mới thơ và những khuynh hướng sáng tạo chính của thơ giai đoạn này.

Tìm hiểu những đặc điểm nổi bật về nội dung cũng như nghệ thuật của thơ Việt Nam đầu thế kỷ XXI.

Từ đó đưa ra những đánh giá khách quan những thành tựu cũng như những hạn chế của thơ giai đoạn này.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng

Đối tượng nghiên cứu của luận án là phác họa diện mạo, nhận diện đặc điểm thơ Việt Nam đầu thế kỷ XXI nhìn từ nội dung và nghệ thuật.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Có thể nói chưa có giai đoạn nào trên thi đàn lại xuất hiện đội ngũ người làm thơ đông đảo như bây giờ; cùng với đó là số lượng tác phẩm thơ được in ra cũng không thể thống kê hết, chưa kể thơ trên báo, thơ trên mạng internet, do đó việc khảo sát tất cả các tác giả, tất cả các tập thơ là điều không thể. Luận án chủ yếu khảo sát các tác giả tiêu biểu và các tác phẩm tiêu biểu trong nước trong khoảng 15 năm đầu thế kỷ XXI. Cụ thể, về tác phẩm luận án chủ yếu khảo sát các tuyển thơ đã được tuyển chọn như Thơ trên Sông Hương (tuyển chọn 2003-2013) [133], Thơ mười năm đầu thế kỷ XXI [134], các tập thơ nhận được các giải thưởng văn học uy tín, một số hiện tượng thơ gây chú ý trên thi đàn đầu thế kỷ. Bên cạnh đó luận án có mở rộng đến tác phẩm không thuộc giai đoạn này để phục vụ cho việc so sánh các giai đoạn thơ với nhau. Luận án không khảo sát thơ hải ngoại nhưng tham khảo một số trào lưu có ảnh hưởng khá đậm đến thơ trong nước như thơ Tân hình thức. Ngoài ra, luận án chỉ giới hạn tư liệu khảo sát ở mảng sáng tác dành cho người lớn, không tìm hiểu về văn học thiếu nhi, một bộ phận quan trọng trong diện mạo văn học nước nhà.

Về tác giả, luận án tập trung vào những tên tuổi gây được dấu ấn nhất định với giới nghiên cứu, phê bình cũng như độc giả thông qua những bài viết, nhận định, đánh giá mà người viết tập hợp được. Tất nhiên, với một số lượng tác phẩm đồ sộ và đội ngũ sáng tác đông đảo, việc lựa chọn tác phẩm, tác giả nào là tiêu biểu để khảo sát là việc làm có tính chất tương đối.

4. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài của luận án là một vấn đề văn học sử, do đó chúng tôi chủ yếu sử dụng các phương pháp sau đây:

Xem tất cả 199 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí