Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 4


Những Lịch sử văn học Việt Nam tập III [94], Giáo trình Văn học Việt Nam tập II [79], Một thời đại mới trong văn học [109], 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám [110], Văn học Việt Nam trong thời đại mới [80], Tiếp cận và đánh giá văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám [81], Văn học Việt Nam hiện đại, nhận thức và thẩm định [3], Tiến trình thơ Việt Nam hiện đại [73], Tư duy và tư duy thơ Việt Nam hiện đại [160], Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước [54],... là những công trình nghiên cứu khá quy mô, trong đó mức này mức khác đều có phân tích, đánh giá thơ trẻ thời chống Mỹ.

Riêng ở Lịch sử văn học Việt Nam tập III Giáo trình Văn học Việt Nam tập II, thơ trẻ thời chống Mỹ được tách thành một chương (tiêu đề “Thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ cứu nước”). Có thể coi đó như công trình nghiên cứu dòng thơ này tương đối trọn vẹn. Các tác giả biên soạn giáo trình tái khẳng định thơ trẻ thời chống Mỹ có chất giọng riêng, rất đặc trưng: “Họ tạo ra một tiếng thơ rất mới mẻ: trẻ trung, tươi nhộn, thông minh, rất có ý thức về trách nhiệm lịch sử của mình đồng thời cũng rất ý thức về tiếng thơ riêng của thế hệ mình... tạo được giọng thơ đặc trưng cho tâm hồn người lính thời chống Mỹ” [94, tr.53]; và chú ý đến “cái tôi thế hệ” - một thuật ngữ mới, hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu thơ trẻ thời chống Mỹ mà trước 1986 chưa có: “Cái tôi thế hệ là dạng thức tiêu biểu, nổi bật của cái tôi trữ tình trong thơ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ” [79, tr.44]; “Thơ trẻ thời kì chống Mỹ là tiếng nói của cái tôi thế hệ vừa trẻ trung vừa già dặn, vừa hồn nhiên trong cảm xúc và sâu lắng suy tư” [94, tr.370]. Ý kiến các tác giả biên soạn hai giáo trình trên đã thuyết phục trong đánh giá: “Thơ trẻ thời kì chống Mỹ tuy còn có những hạn chế, những non nớt nhưng đã làm tròn sứ mệnh vinh quang của nó, có những đóng góp đáng ghi nhận, xứng đáng là một hiện tượng nổi bật trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại” [94, tr.387]. Ngoài chương nghiên cứu tổng thể dòng thơ này, một số nhà thơ tiêu biểu như Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa cũng được các nhà biên soạn dành từng chương riêng để nghiên cứu chuyên sâu từng tác giả theo hướng tiếp cận mới. Đây là hai công trình được sử dụng làm giáo trình chính thức trong các trường Đại học và Cao đẳng Sư phạm, hàm lượng khoa học rất cao.


Tương đồng ý kiến của các nhà biên soạn giáo trình trên, trong tiểu luận “Hệ thống thể loại trong văn học Việt Nam sau 1945”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân phát triển thêm cái tôi trữ tình trong thơ trẻ thời chống Mỹ. Theo ông: “Nếu như lớp nhà thơ này không mấy khi sử dụng cái tôi ở dạng khái quát nhất (cái “ta”- đại diện dân tộc, thời đại kiểu Tố Hữu, Chế Lan Viên, tức là dạng thơ sử thi điển hình) thì họ lại thường thành công trong việc triển khai cái tôi sinh hoạt đời thường” [109, tr.144]. Quan niệm như vậy, từ góc nhìn thể loại, Lại Nguyên Ân đề xuất: “Với sáng tác của những nhà thơ xuất hiện giữa những năm 60 như Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Anh Xuân,v.v...ta không dễ xếp tất cả thơ của họ vào thể tài trữ tình chính trị” [109, tr.144]. Đến nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, vấn đề được khẳng định rõ ràng: “Thế hệ các nhà thơ trẻ trong chống Mĩ cứu nước như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh… đã vượt qua được những trói buộc ban đầu để thơ họ vẫn có phần tuyên truyền chính trị, nhưng không phải hoàn toàn là thơ chính trị” [144]. Đấy là những ý kiến khả tín giúp chúng tôi có thêm cơ sở để nghiên cứu cảm hứng đời tư, thế sự; tương ứng với nó là giọng trữ tình thống thiết và giọng day dứt tự vấn trong trẻ thời chống Mỹ.

Trong chuyên luận Tiến trình thơ Việt Nam hiện đại, tuy nhà nghiên cứu Mã Giang Lân không đi sâu vào thơ trẻ thời chống Mỹ, nhưng khi khảo sát vấn đề liên quan, ông đưa ra những nhận xét sắc sảo, khá chuẩn xác. Chẳng hạn về ngôn ngữ: “Các nhà thơ trẻ có ngôn ngữ tươi mới hơn, góc cạnh hơn, với nhiều màu sắc và khả năng tạo hình” [73, tr.327], về thể thơ: “Các nhà thơ trẻ vẫn là những tác giả xông xáo trong trong tự do nhiều hơn, và phần nào đáp ứng được như cầu phản ánh đời sống phong phú, bề bộn, sôi động” [73, tr.355]; hay về tứ thơ: “Các nhà thơ trẻ từ thực tế chiến trường đã có nhiều tứ thơ độc đáo, mới mẻ” [73, tr.342].

Nhìn thơ trẻ thời chống Mỹ từ góc độ tư duy nghệ thuật, Nguyễn Bá Thành nhận thấy một số cây bút trong dòng thơ này đã có sự chuyển dịch từ thiên về cảm xúc ở chặng đầu sang thiên về trí tuệ ở chặng sau: “Tư duy thơ chống Mỹ đã vượt qua giai đoạn phong trào mà vươn tới chiều sâu khái quát vào những năm 70. Đó là thời kì của những Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Lâm Thị Mỹ Dạ...” [160, tr.248].


Chuyên luận Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Lê Thị Bích Hồng là công trình nghiên cứu công phu. Diện mạo và đặc điểm của thơ kháng chiến chống Mỹ (trong đó có thơ trẻ) được tác giả tìm hiểu và phân tích khá kĩ trên nhiều phương diện: Cái tôi trữ tình và các hình tượng thơ tiêu biểu, những khuynh hướng chính trong sự vận động của thơ, xu hướng tự do hóa hình thức thơ,... Riêng cái tôi trữ tình, ngoài những dạng thức đã được mặc định (cái tôi sử thi, cái tôi thế hệ...), Lê Thị Bích Hồng phát triển thêm “cái tôi phi sử thi” (thực ra, khái niệm này đã được một nhà nghiên cứu nhắc đến trong bài viết trước đó). Nội dung của “cái tôi phi sử thi” mà tác giả triển khai, theo chúng tôi, là sản phẩm của cảm hứng đời tư - thế sự, một dạng cảm hứng tuy không được khuyến khích, thậm chí bị phê phán trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng vẫn không bị triệt tiêu. Khái niệm “cái tôi phi sử thi” (tức ngoài cái tôi sử thi), chúng tôi nghĩ, cần phải gắn cho nó một hàm nghĩa cụ thể, không thể gọi tên một hiện tượng nằm ngoài hiện tượng. “Cái tôi phi sử thi” trong thơ chống Mỹ đích thực là cái tôi đời tư - thế sự (đời tư nhiều hơn), nó được nhận diện nhờ một số sáng tác từ thời chiến tranh nhưng phải mấy chục năm sau mới công bố rộng rãi. Những cứ liệu mà Lê Thị Bích Hồng sử dụng đã làm rõ điều đó.

Mấy năm gần đây, số lượng công trình nghiên cứu thơ trẻ thời chống Mỹ dưới dạng luận văn, luận án ngày càng nhiều. Chẳng hạn:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

- Một số phong cách tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ chống Mỹ là Luận án Tiến sĩ của Giang Khắc Bình (Viện Văn học, 2009). Trọng tâm của Luận án này, ngoài biện giải khái niệm phong cách nghệ thuật và các cấp độ biểu hiện của nó, tác giả hướng vào làm nổi bật phong cách nghệ thuật của một số nhà thơ: Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh. Phải công nhận rằng, năm nhà thơ trên là những gương mặt tiêu biểu trong thế hệ thơ trẻ thời chống Mỹ. Những sáng tác của họ có dấu ấn riêng, giọng điệu khó lẫn. Nhưng vào thời điểm ấy (khi mới xuất hiện trên thi đàn và một số năm tiếp theo) thơ họ đã hình thành phong cách cá nhân nổi bật hay chưa (hiểu đầy đủ khái niệm này), vấn đề dễ nảy sinh những ý kiến khác nhau. Chúng tôi cho rằng, từ tổng thể những dấu ấn, những giọng điệu của những nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, tìm ra nét tương đồng, cốt lõi (thống nhất trong đa dạng) làm nên phong cách một thế hệ nhà thơ là khá thuyết phục. Nhìn lại thời chống


Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 4

Mỹ, sáng tác của các nhà thơ trẻ, trên tổng thể, thế hệ họ có phong cách đặc trưng; tuy có tiếp nối, kế thừa thế hệ nhà thơ lớp trước nhưng cũng dễ phân biệt. Điểm dễ phân biệt nhất vẫn ở giọng thơ. Tác giả luận án chỉ ra điều đó: “Đến giai đoạn sau này, khi các tác giả đã thực sự nhập cuộc với ý thức tự xác định cho mình một giọng điệu riêng, những cách thức riêng, họ đã tạo nên nhiều chất giọng mới. Cũng là ca ngợi, cổ vũ nhưng thơ của họ dường như đã tách khỏi âm vực cao vút của sử thi để trở nên trầm lắng hơn, suy tư hơn” (12, tr.123).

- Tiếp đến, Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975 là Luận án Tiến sĩ của Bùi Bích Hạnh (Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh, 2012). Ở công trình khoa học này, Bùi Bích Hạnh mở rộng đối tượng nghiên cứu đến mảng thơ trẻ vùng đô thị miền Nam. Theo đó, thơ Trần Quang Long, Ngô Kha, Trần Vàng Sao, Tần Hoài Dạ Vũ, Đông Trình, Lê Văn Ngăn,... tức sáng tác của những nhà thơ trẻ yêu nước tiến bộ được tác giả Luận án khảo sát khá kĩ. Trong quá trình phân tích làm rõ sự vận động của cái tôi trữ tình, các dạng thức và phương thức biểu hiện của nó, Bùi Bích Hạnh nhận ra sự chuyển đổi chất giọng trong thơ trẻ thời chống Mỹ: “Thơ trẻ dường như có một sự chuyển đổi chất giọng (NBL nhấn mạnh) trong trẻo, hồn hậu sang bè trầm của giọng buồn. Dấu ấn đời tư có khi hằn vào thơ viết về dân tộc sự xót xa, hoài nghi trong tuyệt vọng. Đó là giọng điệu chất vấn trong niềm thổn thức của cái tôi trữ tình” [45, tr.173]. Có lẽ cơ sở để tác giả luận án khẳng định như vậy, chủ yếu căn cứ vào thơ trẻ vùng đô thị miền Nam và những sáng tác của Lưu Quang Vũ trong tập Di Cảo

- 2008 (những bài thơ viết từ thời kháng chiến chống Mỹ nhưng hồi ấy chưa được công bố). Rõ ràng là Di cảo có nhiều bài “gần hệ” với thơ trẻ vùng đô thị miền Nam (buồn, hoài nghi, oán trách chiến tranh). Tuy đây không phải là giọng chủ đạo của thơ trẻ thời chống Mỹ nhưng sự hiện hữu của nó là không thể phủ nhận, dẫu nó phải trải mấy chục năm hậu chiến mới được công khai trước công chúng. Về phương diện này, dù không nói rõ vị trí thứ yếu của “giọng buồn”, “giọng chất vấn” trong thơ trẻ thời chống Mỹ, nhưng ý kiến của Bùi Bích Hạnh được coi là mới so với một số công trình nghiên cứu khác.

- Những đóng góp của thơ trẻ thời kì chống Mỹ cứu nước đối với nền văn học Việt Nam hiện đại [116] của Hoàng Kim Ngọc ban đầu là Luận văn Thạc sĩ, sau được


tác giả biên soạn thành tài liệu hỗ trợ dạy và học trong trường CĐSP (thuộc “Dự án Đào tạo giáo viên THCS” - Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ở công trình này, Hoàng Kim Ngọc đặt trọng tâm vào việc khẳng định thành tựu của cả thế hệ nhà thơ từ số lượng, chất lượng đội ngũ đến giá trị về tư tưởng và nghệ thuật trong toàn bộ sáng tác của họ. Những đóng góp về cái tôi trữ tình, thể thơ, giọng điệu, ngôn ngữ,... của thơ trẻ thời chống Mỹ cũng được Hoàng Kim Ngọc tổng hợp khá đầy đủ. Tuy nhiên, phần đánh giá thì Hoàng Kim Ngọc chưa có ý mới, ý khác so với những người đã nghiên cứu trước đó. Còn việc coi phản ánh hiện thực là phẩm chất cao nhất của thơ, đánh giá đó là “hướng đi lớn của thơ trẻ chống Mỹ” (chương II), theo chúng tôi, tác giả công trình đã lùi về trước đổi mới 1986.

- Luận văn Thạc sĩ của Phạm Thị Hoan (đề tài Đặc điểm thơ nữ thế hệ chống Mỹ, Đại học Vinh - 2008) khảo sát khá đầy đủ sáng tác của một số nữ nhà thơ tiêu biểu: Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây,... (dĩ nhiên, thiếu Lý Phương Liên). Với chúng tôi, điểm đáng chú ý trong luận văn này là, tác giả đã đưa ra nhận xét khá ấn tượng về giọng điệu đặc trưng của giới nữ: “Thơ nữ thế hệ chống Mỹ mang đến cho thơ hiện đại một chất giọng riêng, mang đậm dấu ấn của giới nữ (NBL nhấn mạnh), của thời đại mà các chị cảm nhận được bằng tâm hồn của người yêu, người vợ, người mẹ...” [46, tr.90].

- Ở cấp độ bài viết về thơ trẻ thời chống Mỹ đăng trên các tờ báo và tạp chí thì khó tính hết. Tuy nhiên, trước những tranh luận trái chiều xung quanh việc thẩm định và đánh giá lại nền văn học chống Mỹ, một số nhà thơ trẻ thời ấy đã có bài viết thể hiện chính kiến của mình. Những bài viết ấy khiến người nghiên cứu không thể không quan tâm. Bởi đó là ý kiến của những người trong cuộc, họ hiểu thế hệ họ và thời thơ của họ hơn ai hết. Ấy là Bằng Việt, Thanh Thảo, Vân Long, Vũ Quần Phương, Trần Nhuận Minh, Bế Kiến Quốc,... Trong bài “Người của một thời, thơ của một người”, nhà thơ Bằng Việt khẳng định: “Có một điểm, có lẽ là điểm mấu chốt nhất của thế hệ văn học trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ, đó là phạm trù cái tôi biết tự nguyện điều tiết thế nào trong cái ta, bản thể của cá nhân mình hòa nhập đến đâu với cả thế hệ mình và biết đặt mình vào mối quan hệ tương hỗ như thế nào, để sẵn sàng đóng góp trên ý thức xây dựng chung cho tất cả cộng đồng” [198 tr.52]. Nói về một


số sáng tác chưa thể công bố trong những năm tháng chiến tranh, Bằng Việt tỏ ý cảm thông: “Những bài thơ như “Nghĩ lại về Paustovsky” chẳng hạn, tôi để trong sổ tay hàng chục năm, trước khi được in. Tuy nhiên, tôi cũng chẳng lấy đó làm lí do trách cứ gì cơ chế hạn hẹp thời ấy” [198, tr.52]. Như mang “duyên nợ” sâu nặng với một thời thơ oanh liệt, mới đây (2014), Bằng Việt lại có bài viết về lớp nhà thơ trẻ chống Mỹ, theo ông, đó là thế hệ nhà thơ có“số phận đặc thù trong hoàn cảnh cũng đặc thù” [199, tr.35].

Đối với người nghiên cứu, những lời tâm sự như Bằng Việt là rất đáng để ý. Tức, khảo sát thơ trẻ thời chống Mỹ phải bao gồm cả những sáng tác trong bối cảnh chiến tranh nhưng mấy chục năm sau mới được in ấn công khai (số lượng không ít); và cũng cần chú ý đến “số phận đặc thù” của chủ thể đã tạo sinh ra nó.

Thanh Thảo trong bài “Thế hệ chúng tôi không sống bằng kỷ niệm. Nhưng...” có ý kiến rất sắc sảo: “Chiến tranh không làm nhiệm vụ sàng lọc thơ, nhưng chiến tranh đẩy sâu thơ về phía con người, dìm thơ vào số phận con người” [166, tr.3]. Đến bài viết “Số phận, phần thưởng của thơ”, Thanh Thảo phát triển rõ hơn: “Chúng ta đã có một thế hệ nhà thơ cả hai miền Nam - Bắc mà bây giờ được gọi là “thế hệ những nhà thơ chống Mỹ”... Chính cuộc chiến tranh tàn khốc ấy đã khiến thơ họ có số phận, những số phận thơ rất riêng trong số phận chung của nhân dân Việt” [165, tr.13].

Nhà thơ Vân Long thì đặt lại vấn đề cần hiểu cho đúng hai chữ “đồng ca”: “Thơ chống Mỹ có phải dàn đồng ca ?” [85, tr.55]. Hay trong “Bàn tròn thơ chống Mỹ” (Tạp chí Thơ số 2 - 2003), nhà thơ Trần Nhuận Minh cảm thấy “tiếc” về việc “đến tận ngày hôm nay, những giá trị tinh thần to lớn của một thế hệ thơ chủ lực của cuộc kháng chiến sắp đi qua vẫn không được tổng kết một cách đầy đủ và trí tuệ” [113, tr.47].

Ngoài ra, nhận xét của Michelle Cahill về thơ Thanh Thảo cũng rất đáng chú ý khi nghiên cứu cảm hứng và giọng điệu thơ trẻ thời chống Mỹ: “Sự trong sáng của thơ Thanh Thảo, giọng điệu lạ thường và hấp dẫn của ông có thể được gán cho nhiều khuôn mặt của chiến tranh mà ông mô tả. Dù là riêng tư và mang tính cá nhân thì thơ vẫn luôn luôn ám chỉ bối cảnh lịch sử và xã hội của thế giới mà chúng đề cập đến” [13, tr.30].


Riêng mảng thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị miền Nam, sau 1986, nhất là từ thập niên đầu thế kỷ XXI, ngày càng được nhiều người tìm hiểu, khám phá. Sản phẩm là những công trình nghiên cứu ở các tầm độ khác nhau. Trong đó, Khóa luận tốt nghiệp đại học của Trần Thị Mỹ Hiền, đề tài Thế giới siêu thực trong thơ Ngô Kha (Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp Hồ Chí Minh, 2011) được đánh giá xuất sắc. Nhìn chung, hướng tiếp cận trong các công trình nghiên cứu đã có nhiều đổi mới, chủ yếu tập trung sâu vào mặt nghệ thuật; đối tượng nghiên cứu có khi được mở ra ngoài khuynh hướng yêu nước tiến bộ (chẳng hạn sáng tác của Nguyễn Bắc Sơn, Thanh Tâm Tuyền). Nghiên cứu thơ họ, theo chúng tôi, đánh giá cao những đóng góp về hình thức, thi pháp (rõ nhất ở Thanh Tâm Tuyền) thì đó là bổn phận của khoa học, cần được khuyến khích. Nhưng đánh giá cao nhằm hướng tới phủ nhận thơ trẻ chống Mỹ theo khuynh hướng cách mạng (thơ “Việt Cộng”) thì lại là chuyện khác. Nhà thơ Bế Kiến Quốc trong một bài viết đã có ý đề cập đến vấn đề này: “Biểu dương quá mức một vài hiện tượng (như Thanh Tâm Tuyền chẳng hạn) rõ ràng là không đúng. Nhưng gạt bỏ tất cả thì cũng lại không công bằng, không khoa học” [110, tr.279]. Tuy nhiên, số công trình nghiên cứu thơ trẻ vùng đô thị miền Nam (trong đó có mảng yêu nước tiến bộ), những ý kiến đánh giá thỏa đáng, thuyết phục vẫn nhiều và nổi trội hơn. Chẳng hạn, trong bài “Nghĩ về tuổi trẻ, nghĩ về thơ, nghĩ...”, nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá khái quát chất giọng nổi bật của một số nhà thơ tiêu biểu: “Ta dễ nhận ra giọng thơ hào sảng thấm đẫm nhiệt tình của Trần Quang Long, cách thể hiện cô đọng và hiện đại trong thơ Ngô Kha. Ta dễ mến tiếng thơ hồn nhiên chân thật của Hữu Đạo, Võ Quê và lối viết mực thước, tinh tế của Đông Trình... Quan trọng hơn, xét chung cả đội ngũ, sáng tác của họ thật sự có một sinh khí dồi dào và một diện mạo mới mẻ” [53, tr.20 - 21]. Về phương diện tư tưởng, đánh giá sáng tác của những cây bút viết truyện ngắn theo khuynh hướng yêu nước tiến bộ (bên cạnh mảng thơ trẻ), trong Lời tựa Tuyển tập truyện ngắn Việt (Nhà xuất bản Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 1997), nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương viết: “Chúng ta không chỉ đọc tuổi trẻ của họ mà còn đọc số phận nhân dân, số phận những người bị bức hại. Ý thức nhập cuộc đã đưa các nhà văn đi ra ngoài cái thế giới riêng tư của mình để vươn


tới sự cảm thông và chia sẻ thân phận bèo bọt của những người bị thiệt thòi nhất trong xã hội miền Nam trước 1975”.

Như vậy, nhìn tổng thể, cả hai giai đoạn trước và sau đổi mới (1986), dù tiếp cận theo những hướng khác nhau nhưng điểm đến của các nhà nghiên cứu là đều khám phá thơ trẻ về tư tưởng và nghệ thuật. Trong nhiều công trình nghiên cứu, ở mức này mức khác, vấn đề cảm hứng giọng điệu của dòng thơ này đã được tiếp cận. Với chúng tôi, tất cả những công trình ấy đều rất hữu ích, có ý nghĩa khai mở để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu thơ trẻ thời chống Mỹ từ cảm hứng và giọng điệu bằng một công trình khoa học hoàn chỉnh, chuyên biệt.

Đó là Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ: Cảm hứng và giọng điệu, tức đề tài Luận án của chúng tôi.

3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

3.1. Đối tượng nghiên cứu

- Là cảm hứng giọng điệu trong thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ (gọi tắt “thơ trẻ thời chống Mỹ”) với tư cách là hiện tượng nghệ thuật của một thế hệ nhà thơ; có so sánh, đối chiếu với thơ chống Mỹ của các thế hệ trước.

- Ở đây, cảm hứng giọng điệu được chúng tôi tiếp cận theo “loại hình hóa” (chữ của M. Bakhtin), tức quy về từng dạng cảm hứng, từng kiểu giọng điệu của cả thế hệ nhà thơ để nghiên cứu, không chuyên sâu một nhà thơ cụ thể nào, càng không làm phép cộng “cơ học” cảm hứng và giọng điệu của từng nhà thơ gộp lại. Việc khảo sát cảm hứng, giọng điệu của một số nhà thơ tiêu biểu cũng cốt để làm rõ sự thống nhất trong đa dạng của dòng thơ trẻ thời chống Mỹ.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

- Trong thể thống nhất “Bắc - Nam một nước, văn nghệ một nhà”, chúng tôi coi thơ trẻ thời chống Mỹ là hợp lưu ba nguồn: Thơ trẻ miền Bắc, thơ trẻ vùng giải phóng, thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị miền Nam. Biên độ của nó tính từ khi hình thành (đầu thập niên 60) đến kết thúc chiến tranh (1975); có xem xét một số sáng tác trong thập niên đầu sau chiến tranh. Với dung lượng cho phép của một Luận án (theo quy định), để tăng chiều sâu, chúng tôi tập trung khảo sát thơ trẻ miền Bắc thơ trẻ vùng giải phóng, còn thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị miền Nam thì chọn một số cây

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023