Thơ Chống Mỹ: Biên Độ Thời Gian, Đặc Điểm Nổi Bật


bút tiêu biểu như Trần Quang Long, Đông Trình, Trần Vàng Sao, Ngô Kha, Tần Hoài Dạ Vũ, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn,… để nghiên cứu. Ở đây, khái niệm “yêu nước tiến bộ” được hiểu theo nghĩa chống ngoại xâm, đấu tranh cho độc lập tự do, thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc; phân biệt với mảng thơ trẻ vùng đô thị nằm ngoài “khung yêu nước” này (và cũng ngoài phạm vi đề tài; tuy nhiên, khi cần có thể so sánh, đối chiếu).

Riêng ở nguồn 1 (thơ trẻ miền Bắc), những thi phẩm vì lí do nào đó mà thời chống Mỹ chưa công bố (hoặc đã công bố nhưng phạm vi hẹp), nay được lưu hành rộng rãi, công khai: như Lưu Quang Vũ - Di cảo; thơ Lý Phương Liên, Lê Huy Quang, Hoàng Hưng, Lê Xuân Đố,... Và cả Phạm Tiến Duật (bài Những vùng rừng không dân), Lâm Thị Mỹ Dạ (bài Những ngày không anh), Bằng Việt (bài Nghĩ lại về Pauxtôpxky),... Hay một số sáng tác mới được sưu tầm (in trong Khúc tráng ca Thành Cổ [10]): Thơ Trần Lê An, Phạm Đông Hưng, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Hải Nghiêm,... đều nằm trong phạm vi khảo sát của chúng tôi.

- Về ngữ liệu: Chúng tôi khai thác thơ của nhiều thế hệ được sáng tác trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Nguồn chính là thi phẩm của thế hệ nhà thơ trẻ, có mở rộng đến thơ kháng chiến chống Pháp và thơ chặng đầu sau 1975 nhưng số lượng không nhiều, chỉ sử dụng khi cần thiết.

4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

4.1. Phương pháp lịch sử

Nghiên cứu cảm hứng và giọng điệu thơ trẻ thời chống Mỹ, chúng tôi đặt toàn bộ sáng tác của thế hệ nhà thơ này vào bối cảnh lịch sử cụ thể (cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc) để khảo sát; nghiên cứu trong mối liên hệ biện chứng theo một trình tự khách quan, khoa học. Đồng thời cảm hứng và giọng điệu của dòng thơ trẻ cũng được xem xét trong mối quan hệ gắn bó với nền thơ chống Mỹ nói riêng, diễn trình thơ ca kháng chiến nói chung.

4.2. Phương pháp hệ thống

Mọi yếu tố đều tồn tại trong hệ thống, bất cứ hệ thống nào cũng bao hàm trong nó những yếu tố hợp thành. Chúng tôi coi cảm hứng và giọng điệu trong thơ trẻ thời chống Mỹ là một hệ thống. Nghiên cứu hệ thống này tức là đi vào khảo sát phân tích


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

các dạng cảm hứng và các kiểu giọng điệu (tức các yếu tố). Mối quan hệ giữa các yếu tố thuộc cảm hứng và các yếu tố thuộc giọng điệu là mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng và nghệ thuật, nội dung và hình thức.

4.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu

Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 5

Từ kết quả của phương pháp hệ thống, chúng tôi so sánh, đối chiếu cảm hứng và giọng điệu trong thơ trẻ thời chống Mỹ với cảm hứng và giọng điệu trong thơ chống Mỹ của các thế hệ trước nhằm làm rõ đặc trưng của thơ trẻ thời chống Mỹ với tư cách là một hiện tượng nghệ thuật, một thực thể thẩm mỹ. Đồng thời, khi cần thiết chúng tôi còn so sánh trên các bình diện: giai đoạn (thơ yêu nước trước và trong chống Mỹ); vùng miền (thơ trẻ chống Mỹ ở miền Bắc - thơ trẻ chống Mỹ ở miền Nam); giới tính (thơ trẻ chống Mỹ giới Nam - thơ trẻ chống Mỹ giới nữ),...

4.4. Phương pháp loại hình

Nghiên cứu cảm hứng và giọng điệu thơ trẻ thời chống Mỹ, tức đối tượng của nó thuộc loại hình trữ tình. Bám sát đặc trưng loại hình, trong quá trình khảo sát, phân tích từng dạng cảm hứng, từng kiểu giọng điệu, chúng tôi luôn chú ý đến các vấn đề như “cái tôi trữ tình”, “nhân vật trữ tình”, “xúc cảm thẩm mỹ”, “biểu tượng nghệ thuật”, “thể thơ”, “nhịp thơ”, “thế giới nội cảm”,...

4.5. Phương pháp phân tích, tổng hợp

Để luận án có tính thuyết phục, chúng tôi vận dụng phương pháp này vào việc phân tích các tín hiệu nghệ thuật, cấu trúc ngôn từ,...; từ đó tổng hợp, làm nổi bật các dạng cảm hứng, các kiểu giọng điệu trong thơ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ.

- Ngoài phối hợp những phương pháp trên, để khảo sát hình ảnh, màu sắc có ý nghĩa biểu tượng; khảo sát cách tổ chức lời văn nghệ thuật,… chúng tôi còn sử dụng phương pháp thi pháp học.

5. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN

Về lí luận:

Góp phần cụ thể hóa cảm hứng và giọng điệu nghệ thuật (qua khảo sát thơ trẻ thời chống Mỹ); vận dụng vào nghiên cứu một dòng thơ nảy sinh trong giai đoạn lịch sử đặc biệt.


Về văn học sử: - Làm rõ biên độ thơ chống Mỹ; khái niệm “thơ trẻ”, mốc hình thành và các chặng vận động của thơ trẻ thời chống Mỹ. Đây là vấn đề hiện đang có những ý kiến khác nhau.

- Biện luận và chứng minh các dạng cảm hứng, các kiểu giọng điệu trong thơ trẻ thời chống Mỹ; khẳng định những đóng góp của dòng thơ này vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và diễn trình thơ Việt Nam hiện đại; chỉ ra một số hạn chế của nó.

Về thực tiễn: Góp một phần vào việc giảng dạy, học tập thơ chống Mỹ nói chung, dòng thơ trẻ nói riêng theo định hướng mới, phù hợp thời đất nước hội nhập.

6. CẤU TRÚC LUẬN ÁN

Ngoài phần Dẫn nhập (30 trang), Kết luận (5 trang), Tài liệu tham khảo (199 đề mục), Các thi phẩm được khảo sát (109 đề mục); cấu trúc Luận án gồm:

- Chương 1. Thơ chống Mỹ và thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ (43 trang): Tổng quan, khái quát thơ chống Mỹ và thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ; giải quyết những vấn đề về biên độ thời gian, đặc điểm (thơ chống Mỹ), khái niệm, diễn trình (thơ trẻ thời chống Mỹ).

- Chương 2. Cảm hứng nghệ thuật trong thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ (58 trang): Trình bày giới thuyết khái niệm cảm hứng; phân tích các dạng cảm hứng (lãng mạn - sử thi, dấn thân - nhập cuộc, bi tráng, đời tư thế sự) và một số phương thức biểu đạt cảm hứng.

- Chương 3. Giọng điệu thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ (56 trang): Trình bày giới thuyết khái niệm giọng điệu; phân tích các kiểu giọng điệu (hào sảng lạc quan, trữ tình thống thiết, triết lí suy tưởng, day dứt tự vấn) và một số thủ pháp kiến tạo giọng điệu.


CHƯƠNG 1


THƠ CHỐNG MỸ VÀ THƠ TRẺ VIỆT NAM THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

1.1. Thơ chống Mỹ: Biên độ thời gian, đặc điểm nổi bật

1.1.1. Biên độ thời gian

Tên gọi “Thơ chống Mỹ” được sử dụng từ thời chiến trường chưa im tiếng súng. Tuy nhiên, biên độ thời gian của nó thì không phải mọi người, mọi lúc đều đồng thuận như nhau.

Chúng tôi cho rằng, biên độ cuộc kháng chiến chống Mỹ theo cách định vị của những nhà biên soạn lịch sử là tương hợp với tư tưởng “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” (Hồ Chí Minh). Nói rõ hơn, có nghĩa là, kể từ khi Mỹ đưa quân vào miền Nam (1955) dưới vỏ bọc “cố vấn” để gây dựng thể chế chính trị, chống lại khát vọng thống nhất nước nhà của người Việt Nam, thì Mỹ đã chính thức xâm lược Việt Nam. Đồng thời, cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam với nhiều hình thức, trên tất cả các lĩnh vực (trong đó có thơ ca) đều được coi là thái độ, hành động chống Mỹ (không phân biệt Bắc - Nam). Còn đến khi bom đạn lan ra cả nước, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, ào ạt đổ quân vào miền Nam (1965) thì cục diện cuộc chiến đã chuyển sang giai đoạn vô cùng ác liệt (leo thang chiến tranh), chứ không phải cuộc kháng chiến chống Mỹ mới bắt đầu từ đây. Sự thực hiển nhiên là vậy, ai cũng hiểu như vậy.

Thế nhưng, xét về phương diện văn học, một số tài liệu lại xác định biên độ thơ chống Mỹ bắt đầu từ 1964 (hoặc 1965) đến 1975, tức trong khoảng mười năm. Sách “Lịch sử văn học Việt Nam” tập III viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để giải phóng miền Nam bảo vệ miền Bắc kéo dài hơn 10 năm…” [94, tr.120]. Không riêng gì sách Lịch sử văn học trên, mà trước đây, hầu hết các nhà văn học sử đều chia thơ Việt Nam giai đoạn 1955 - 1975 thành hai chặng. Chặng thứ nhất từ 1955 đến 1964, chặng thứ hai từ 1965 đến 1975. Thực ra, các nhà văn học sử có cơ sở của họ là căn cứ vào hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam sau cuộc kháng chiến


chống Pháp (1954) thắng lợi: miền Bắc khôi phục kinh tế xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà (tiêu chí chính trị).

Tuy nhiên, trong văn học khó có một lát cắt rạch ròi như vậy. Hơn nữa, tên gọi “Thơ ca đấu tranh thống nhất nước nhà” (chỉ một trong hai nội dung trong thơ 1955 - 1964) với khái niệm “thơ chống Mỹ”, theo chúng tôi cũng chỉ là một. Và càng không thể đợi đến khi giặc Mỹ ồ ạt tiến hành chiến tranh khắp cả nước thì khi đó mới có thơ chống Mỹ. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp, trong bài “Thơ chống Mỹ, thành tựu và những kinh nghiệm nghệ thuật” có đoạn: “Đến nay, khi nghiên cứu về thơ ca chống Mỹ nhiều người cho rằng thơ chống Mỹ nằm trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1975. Tuy nhiên, cần lưu ý thích đáng hơn về biên độ: Sự thực thì thơ chống Mỹ đã xuất hiện khá nhiều ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được kí kết. Hơn nữa, mặc dù cuộc chiến tranh này khép lại vào năm 1975 nhưng những năm cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều bài thơ và nhiều tập trường ca xuất sắc ca ngợi cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc” [29, tr.11].

Cách mở rộng biên độ thơ chống Mỹ, theo Nguyễn Đăng Điệp, nên lùi về trước 1965 hơn mười năm và nên kéo dài sau chiến tranh kết thúc (1975) cũng khoảng mười năm. Tức là, trên thực tế, thập niên đầu của thời hậu chiến, theo quán tính, cảm hứng sử thi vẫn chủ đạo, tuy khuynh hướng biểu hiện đã có khác đôi chút so với thời chiến. Ấy là chưa nói, những năm cuối thập niên 70, khi chiến tranh biên giới Tây - Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, thơ ca lại tiếp tục ra trận, khí thế một thời thơ chống Mỹ lại vọng về, giọng anh hùng ca tái hiện: “Lụt Bắc lụt Nam máu đầm biên giới / Tay chống trời, tay giữ nước căng gân” (Tố Hữu). Tuy nhiên, theo chúng tôi, khoảng mười năm sau ngày miền Nam giải phóng, những nhà thơ viết về cuộc kháng chiến ác liệt mà họ từng trải nghiệm (Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo,…), thì nên coi đó là thơ viết về đề tài chiến tranh, viết về một thời để nhớ, hơn là thơ chống Mỹ như họ đã sáng tác trong những năm tháng chiến tranh. Bởi vậy, không thể tách thơ chống Mỹ với cuộc kháng chiến chống Mỹ. Theo chúng tôi, biên độ thơ chống Mỹ trùng với cuộc kháng chiến mà nhân dân ta tiến hành ròng rã trong hơn hai mươi năm (1955 - 1975). Còn mười năm (1965 - 1975) được coi như


chặng cao trào thơ chống Mỹ, hay nói như Nguyễn Hoàng Sơn, đó là chặng ra đời “Phong trào thơ chống Mỹ” [133, tr.21].

Liên quan đến vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Thành khẳng định: “Thơ chống Mỹ bắt đầu từ thơ đấu tranh thống nhất nước nhà nhưng thực sự nở rộ là từ khi cuộc chiến tranh nổ ra trong phạm vi cả nước” [160, tr.245]. Tương đồng, nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Anh viết: “Thơ chống Mỹ như một dòng sông vọt trào từ năm 1964 nhưng đã có những tiền đề từ trước…. Tiếng thơ chống Mỹ đã cất lên ở miền Nam từ những năm 1955, 1956, khi những tên cố vấn quân sự Mỹ nghênh ngang nện gót trên đường phố Sài Gòn, khi âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới của chúng đã phơi bày” [3, tr.116].

Nếu quan niệm về biên độ thời gian như thế thì tất cả các sáng tác trước 1965 có nội dung thể hiện khát vọng thống nhất nước nhà, lên án tội ác Mỹ - Diệm, ngợi ca tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam, như “Người con gái Việt Nam”, “Thù muôn đời, muôn kiếp không tan”, “Có thể nào yên” của Tố Hữu, “Mồ anh hoa nở” của Thanh Hải, “Quê Hương” của Giang Nam, “Bài ca chim chơ rao” của Thu Bồn, “Nhớ con sông quê hương”, “Tiếng sóng” của Tế Hanh, “Tiếng gà gáy”, “Những dòng sông anh hùng” của Ca Lê Hiến, Lửa sáng rừng của Thái Giang,… đều nằm trong dòng chảy của thơ chống Mỹ cứu nước.

Một vấn đề khác nảy sinh từ các công trình nghiên cứu là, hiện đang có những ý kiến khác nhau về mốc khởi đầu của Phong trào thơ chống Mỹ, tức thơ trong những năm chiến tranh lan ra cả nước (1965 - 1975). Trong “Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước” có đoạn: “Nền thơ chống Mỹ từ năm 1964 là một cao trào với sự phát triển mới về lượng cũng như về chất” [195, tr.117]. Hay, theo các nhà biên soạn “Lịch sử văn học Việt Nam tập III”, thì: 1964 - 1975. Văn học trong cao trào chống Mỹ cứu nước” [94, tr.52]. Thế nhưng đến “Giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại tập II”, lại xác định: “Thơ trong thời kì kháng chiến chống Mỹ (1965 - 1975)” [79, tr.39]. Năm 2005, trong một bài viết của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp xác nhận:“Đến nay, khi nghiên cứu về thơ ca chống Mỹ nhiều người cho rằng thơ chống Mỹ nằm trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1975” [29, tr.11].


Vậy, nên lấy năm nào làm mốc khởi đầu cho phong trào thơ chống Mỹ? 1964 hay 1965? Lấy mốc 1964 cũng có cơ sở của nó. Đó là sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, bom đạn của đế quốc Mỹ chính thức vượt vĩ tuyến 17, thách thức sự tồn vong của dân tộc, miền Bắc trào dâng khí thế đánh giặc; thơ ca chống Mỹ vận động mạnh, tỏ ra “riết nóng”, khẩn thiết hơn so với trước. Tuy nhiên, theo chúng tôi, biên độ chặng thứ hai phải bắt đầu từ 1965 đến kết thúc chiến tranh 1975. Tức, kể từ khi lính Mỹ tham chiến trên chiến trường, đối đầu trực diện với quân dân ta, đồng thời ồ ạt đánh phá miền Bắc; khi khí thế chống Mỹ được đẩy lên đến đỉnh điểm, nhất là sau Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và khi thơ trên khắp mọi miền đất nước đều rừng rực cảm hứng sử thi, đều hành quân ra trận; cũng từ đó, thơ chống Mỹ dâng cao như một phong trào mà tiếng vang của nó vượt ra ngoài bờ cõi.

Ngoài ra, riêng ý kiến của Nguyễn Trọng Tạo, biên độ thơ chống Mỹ lại bắt đầu từ 1960, kết thúc 1975. Trong bài “Chất trẻ trong thơ trẻ chống Mỹ” có đoạn: “Điệu nhạc tâm hồn của thơ chống Mỹ (1960 - 1975) là điệu nhạc hành khúc lạc quan tràn đầy sức sống của một dân tộc dám “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” [149, tr.117]. Do đây không phải là bài nghiên cứu dưới dạng văn học sử nên Nguyễn Trọng Tạo không luận giải tại sao lại lấy 1960 làm mốc mở đầu cho nền thơ chống Mỹ. Chúng tôi phỏng đoán, có thể tác giả bài viết đã căn cứ vào bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra vào năm 1960: Phong trào Đồng khởi Bến Tre, sự ra đời của Mặt trận giải phóng miền Nam, để tiếp năm sau là Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam được thành lập. Những sự kiện này dội vào thơ, đẩy thơ sang một giai đoạn chống Mỹ sôi nổi, quyết liệt hơn, không riêng gì ở miền Nam mà thơ miền Bắc cũng tham gia đánh Mỹ: “Những năm hòa bình xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, các nhà thơ của ta vẫn tham gia đánh địch trên các đề tài về chiến trường miền Nam” [193, tr.482].

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phán đoán của chúng tôi. Dẫu sao đối với các nhà văn học sử, ý kiến trên của Nguyễn Trọng Tạo có thể được coi như một giả thuyết lạ, để nghĩ tiếp. Chúng tôi cho rằng, nếu lấy 1960 làm mốc mở đầu của dòng thơ trẻ thời chống Mỹ thì hoàn toàn có cơ sở (vấn đề sẽ được luận giả trong tiểu mục “Diễn trình vận động của thơ trẻ”).


Như vậy, biên độ thơ chống Mỹ (tên gọi đầy đủ “Thơ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ”) bao gồm thời gian, không gian và khuynh hướng tư tưởng. Chúng tôi cho rằng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955 - 1975), không phân biệt miền Bắc hay miền Nam, vùng Giải phóng hay vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, tất cả những sáng tác hướng về chủ đề yêu nước, chống ngoại xâm, đòi độc lập, thống nhất cho dân tộc, tự do dân chủ cho nhân dân thì đều nằm trong “đường viền” chung của nền thơ chống Mỹ (cốt lõi là thơ ca cách mạng). Nền thơ ấy có đỉnh của nó với tư cách như một phong trào: Phong trào thơ chống Mỹ 1965 - 1975.

1.1.2. Đặc điểm nổi bật

1.1.2.1. Một số đặc điểm về tư tưởng, tình cảm

Như một hiển nhiên, không ai muốn đánh Mỹ, chống Mỹ nếu Mỹ không xâm lược Việt Nam; lại càng không ai muốn phát động cuộc chiến tranh với một siêu cường đế quốc để làm thơ và tự hào. Nhưng điều không muốn vẫn xảy ra. Thực tế là, trên đất nước này đã xuất hiện một nền thơ chống Mỹ. Nền thơ ấy tỏ ra dồi dào sức sống, có vị trí tỏa sáng trong lịch sử thơ ca dân tộc, vang ra ngoài bờ cõi.

So với những lần chống giặc của ông cha ta trước đây, cuộc kháng chiến lần này là cuộc đối đầu lịch sử mang tầm nhân loại, kẻ thù là một đế quốc hùng mạnh và hung bạo nhất thế giới. Để đánh bại kẻ thù như vậy, có thể nói, người Việt Nam đã huy động tổng lực sức mạnh truyền thống và thời đại. Nổi lên hàng đầu vẫn là sức mạnh tinh thần, sức mạnh tư tưởng. Sức mạnh này là cội nguồn của mọi sức mạnh, kết hợp với tiềm lực vật chất để làm nên chiến thắng.

Thơ chống Mỹ đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền về tư tưởng tình cảm, chuyển tình cảm chính trị thành tình cảm nghệ thuật. Hay nói đúng hơn, tình cảm chính trị hoà với tình cảm nghệ thuật, một sự hoà hợp hoàn toàn tự nguyện, đương nhiên. Thơ chống Mỹ nhìn chung là thơ chính trị nhưng chính trị đã được nghệ thuật hoá, thơ hóa: “Ôi hôm nay lòng ta như họng súng / Diệt Mỹ là cao cả của tình yêu” (Chế Lan Viên). Khi cả chính trị và nghệ thuật đều hướng về sự tồn vong của dân tộc, hướng về độc lập, thống nhất của Tổ quốc; khi nghệ thuật đủ sức làm lay động trái tim người, thì nói như Sóng Hồng: “Thơ chính trị cũng là thơ trăm phần trăm như các thơ khác” [82, tr.124]. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023