cho thấy, viết về Trường Sơn trong những năm chống Mỹ, giọng thơ Phạm Tiến Duật được coi là phù hợp (phần nào thể hiện tinh thần lạc quan, ngạo nghễ, vượt lên hi sinh gian khổ của người lính). Nhưng chuyển sang thời bình, cuộc sống cân bằng trở lại, nếu vẫn giọng “nói chơi”, “bỡn cợt” như thế thì rất khó thành công. Có lẽ đây là lí do vì sao cho đến cuối đời, thơ Phạm Tiến Duật vẫn chưa ra khỏi Trường Sơn.
Hoàng Trung Thông nghiên cứu thơ trẻ miền Bắc, còn Bùi Công Hùng viết về thơ trẻ miền Nam vùng giải phóng. Trong bài “Sự nghiệp giải phóng dân tộc và thơ trẻ ở miền Nam”, tác giả đã sớm đưa ra nhận định tổng quát: “Nhìn vào đội ngũ những người làm thơ ở miền Nam, chúng ta thấy những người cầm bút trẻ chiếm một số lượng đáng kể và có một vị trí nhất định trên văn đàn của nền văn nghệ giải phóng” [57, tr.15]. Điểm mới ở đây là, khác một số nhà phê bình tỏ ý không khuyến khích những bài thơ viết về mất mát hy sinh, thì theo Bùi Công Hùng, thơ trẻ miền Nam cần phải nói lên mặt này, không nên ngợi ca một cách dễ dãi: “Nếu chỉ ca ngợi chiến thắng một cách dễ dàng, có thể làm nhẹ giá trị của những gì chúng ta phải giành lấy từ cái chết, đổi lấy mồ hôi nước mắt, bằng bao suy tư, bằng bao nhiêu trí tuệ thông minh vào đó” [57, tr.16]. Ngay cả một số biểu hiện cảm xúc hoài niệm mà có nhà phê bình hồi ấy cho là nên cảnh giác: “Khi đã tỏ ra gửi lòng mình quyến luyến với quá khứ, không gỡ mình ra khỏi những kỷ niệm thì dẫu sao vẫn là một thái độ tiêu cực...” [33, tr.244]; Bùi Công Hùng lại khác, ông tỏ ý đánh giá cao mạch xúc cảm này: “Tình yêu quê hương, những người thân yêu được thể hiện một cách say mê hơn, tinh tế hơn trong thơ trẻ miền Nam. Vì họ hiểu đó là một phần quan trọng của tình yêu Tổ quốc. Họ trưởng thành trong cuộc sống cụ thể giàu kỉ niệm, ấn tượng, giàu màu sắc cá biệt ấy” [57, tr.21]. Cắt nghĩa rõ hơn, Bùi Công Hùng viết: “nó phải được thể hiện trực tiếp bằng cách nghĩ, cách viết của người dân miền Nam. Những người ở xa chiến trường lâu ngày (tức nhà thơ tập kết mới trở về - NBL) có quyền viết về những kỉ niệm đã có dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn, kinh qua cuộc chiến đấu” [57, tr.23]. Theo chúng tôi, Bùi Công Hùng đã thuyết phục. Mà không riêng gì các nhà thơ miền Nam mới “có quyền viết về kỉ niệm”; thời chống Pháp, nếu không hoài niệm thì Hữu Loan chưa chắc đã có Màu tím hoa sim, Hoàng Cầm có thể trống vắng Bên kia sông Đuống, Nguyễn Đình Thi, đoạn mở đầu không là “Tôi nhớ những ngày thu đã xa” thì có lẽ
Đất nước (tên bài thơ) đã không còn là Đất nước của Nguyễn Đình Thi nữa. Chúng tôi cho rằng, đặt vào khung thẩm mỹ thời chiến tranh, khi phản ánh hiện thực, tính chiến đấu được coi như tiêu chuẩn hàng đầu trong đánh giá nghệ thuật, những ý kiến trên của Bùi Công Hùng là đáng quan tâm. Đồng thời, dấu ấn sáng tạo, giọng điệu nghệ thuật của một số nhà thơ trẻ cũng được tác giả bài viết nhận diện: “Nguyễn Khoa Điềm sâu sắc lắng đọng; Dương Hương Ly nồng say chân thành, Nguyễn Chí Hiếu đằm thắm mượt mà, Ngô Bằng Vũ giàu chi tiết trăn trở tìm tòi, Vũ Ngàn Chi xông xáo, chắc khỏe, Hồng Chinh Hiền giàu chất tạo hình. Mỗi người mỗi vẻ: Diệp Minh Tuyền tươi mát, dịu dàng; Lê Chí giản dị; Nguyễn Bá ấm áp...” [57, tr.15].
Kế tiếp phải nói đến nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Long. Trong bài “Hướng đi của một số người làm thơ trẻ”, cùng lúc, tác giả bài viết so sánh, chỉ ra mặt mạnh mặt yếu của một số nhà thơ: “Bên cạnh Phạm Tiến Duật phong phú thì Nguyễn Duy chắt lọc thâm trầm suy nghĩ, tuy cảm xúc còn hơi nghèo, Nguyễn Đức Mậu lại bề bộn ngổn ngang và đang cố gắng lắng lại để chắt lọc chất sống và dồn thêm xúc cảm” [83, tr.7]; đồng thời đánh giá chung về thế hệ nhà thơ: “Một thế hệ lớn lên trong những năm đánh giặc, một dòng thơ nảy nở ở ngọn nguồn thác lũ. Tuổi trẻ cầm súng và cầm bút làm ra đời và làm ra thơ” [83, tr.7]. Cũng cần nhận thấy, Nguyễn Văn Long viết bài này khi chiến tranh sắp kết thúc, trên nền thơ chống Mỹ hiện hình khá rõ sắc diện dòng thơ trẻ - một dòng thơ mỗi người mỗi vẻ nhưng vẫn có những nét đặc trưng mang dấu ấn thế hệ. Nhìn chung, đánh giá của Nguyễn Văn Long thỏa đáng vào thời điểm ấy; còn về sau, dĩ nhiên thơ của Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu,... đều có những đổi thay nhất định.
Không chuyên ở lĩnh vực nghiên cứu phê bình như Nguyễn Văn Long, Bằng Việt - một cây bút tiêu biểu của thơ trẻ thời chống Mỹ cũng có bài viết về thế hệ thơ mình. Bàn về “Chất trẻ, chất mới và sự từng trải”, là người trong cuộc, ông đưa ra chính kiến khá thuyết phục: “Chất trẻ chỉ cho sinh khí, nhiệt tình, nó chưa phải là cứu cánh. Mới theo tôi phải là cách nhìn riêng của mình vào sự vật, vào cuộc sống xung quanh, phát hiện ra những góc độ chưa ai phát hiện, đón bắt những gì chỉ mới đang manh nha trong hiện thực và cố gắng tìm ra cho nó một câu giải đáp” [197, tr.68]. Tuy vẫn phải bám vào nguyên lí văn học phản ánh hiện thực và ít nhiều vận dụng cách
nói của Nam Cao, nhưng Bằng Việt đã “mới” ở ý “tìm cho nó một câu giải đáp” (gần nghĩa với “nghiền ngẫm hiện thực” - chữ của Lê Ngọc Trà). Cái mới nữa, khi không ít nhà phê bình khẳng định ưu thế của thơ trẻ là chất trẻ, chất trẻ làm nên giá trị; Bằng Việt lại “nói ngược”: “nó chưa phải là cứu cánh”. Ở đây còn liên quan đến việc đánh giá thơ trẻ thời bấy giờ. Nhiều người quen nghĩ, thơ trẻ thường thiếu chiều sâu, dễ “lệch lạc” tư tưởng. Nghĩa là họ cần được “rèn cặp”, bồi dưỡng thì mới trưởng thành. Quan niệm phổ biến là thế, với Nguyễn Tuân thì không nghĩ thế: “Trong sáng tác không có già trẻ gì hết, mỗi anh đều có cái sự sinh của mình, biết đâu cái thằng trẻ nó bật ra những cái bất ngờ mà mình không có được” [190].
Như vậy, nghiêng về phương pháp trực cảm - ấn tượng (Hoài Thanh, Trang Nghị, Định Nguyễn, Vũ Quần Phương,...); phương pháp tổng hợp - so sánh (Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Bùi Công Hùng, Nguyễn Văn Long...) và những phương pháp nghiên cứu khác, trước 1975, nhiều nhà phê bình đã khẳng định rõ tài năng và đóng góp của thơ trẻ thời chống Mỹ. Điểm chung của các nhà nghiên cứu là đều tiếp cận theo hướng “phân đôi” nội dung và hình thức (nội dung trên hết), chú trọng nhiều đến chủ thể sáng tạo (nhà thơ); hướng nghiên cứu phong cách, thi pháp, thể loại trong các công trình khoa học chưa nhiều. Tuy nhiên, cái đạt được nổi bật trong các bài nghiên cứu trước 1975 là tính truyền cảm cao, gây được “hiệu ứng” tích cực cho người đọc, khai mở vấn đề cho các công trình nghiên cứu về sau.
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 1
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 2
- Thơ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ - Cảm hứng và giọng điệu - 4
- Thơ Chống Mỹ: Biên Độ Thời Gian, Đặc Điểm Nổi Bật
- Một Số Đặc Điểm Về Hình Thức Nghệ Thuật
Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.
● Chặng thứ hai: mười năm đầu hậu chiến (1976 - 1986)
Chiến tranh kết thúc, chiến trường im tiếng súng, đất nước thống nhất, thế hệ nhà thơ trẻ thời chống Mỹ đã không còn “trẻ” nữa. Đáng lưu ý là, trong đội ngũ nhà thơ này, một số cây bút dành thời gian nghiên cứu về một thời thơ của thế hệ mình. Chẳng hạn, Nguyễn Trọng Tạo: “Chất trẻ trong thơ trẻ chống Mỹ” - 1981 và “Ghi lại mấy nhà thơ cùng thời” - 1983 (in trong Văn chương cảm & luận); Vũ Quần Phương: “Đôi nét về lớp nhà thơ chống Mỹ 1965 - 1975” (báo Văn nghệ tháng 11 - 1978), Kháng chiến chống Mỹ và một thế hệ nhà thơ (Văn nghệ quân đội tháng 7 - 1984), Phạm Tiến Duật: “Về bút pháp hiện thực trong thơ Việt Nam hiện đại 1945 - 1980” (Tạp chí văn học số 5 - 1980),... Đọc những bài nghiên cứu của họ, chúng tôi thấy Nguyễn Trọng Tạo là người đưa ra chính kiến khá rạch ròi: “Tôi cho rằng sự thay đổi
quan trọng giữa các thế hệ thơ chính là sự thay đổi về giọng điệu thơ (NBL nhấn mạnh). Sự thay đổi giọng điệu không chỉ hiểu là sự thay đổi đơn thuần về hình thức, mà thực chất là sự thay đổi về hồn thơ, sự thay đổi về cái bên trong, cái bản chất của sự vật” [149, tr.117]. Theo Nguyễn Trọng Tạo, thơ trẻ thời chống Mỹ hình thành từ đầu những năm 60 nhưng phải đến khi Phạm Tiến Duật nổi danh trên thi đàn thì giọng điệu riêng của thế hệ mới thực sự nổi bật: “Những đóng góp buổi đầu của thơ trẻ có thể kể đến các tác giả như Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần phương, Nguyễn Mỹ, Thái Giang v.v... Tuy nhiên phải đợi đến sự xuất hiện của Phạm Tiến Duật, thơ chống Mỹ mới bộc lộ thật sự cái giọng điệu riêng của nó, cái giọng điệu riêng của lớp trẻ” [149, tr.117]. Dẫu sao, đây cũng chỉ ý kiến của một người, tỏ ý coi thơ Phạm Tiến Duật như đỉnh của thơ trẻ thời chống Mỹ. Đánh giá như thế không biết có quá lắm không, nhưng phải thừa nhận rằng, đưa thơ vượt Trường Sơn cùng đoàn quân ra trận thì không ai qua được tác giả Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
Còn ý kiến của Nguyễn Trọng Tạo về sự thay đổi giọng điệu, coi đây như bước chuyển quan trọng giữa các thế hệ nhà thơ, theo chúng tôi, hướng tiếp cận này là tín hiệu đổi mới trong phê bình văn học nói chung, nghiên cứu thơ trẻ nói riêng (ông cũng là tác giả của Tản mạn thời tôi sống - một bài thơ “đột phá” tư duy, nổi tiếng trong những năm tiền đổi mới). Ngoài ra, phát hiện của Nguyễn Trọng Tạo về thơ Thanh Thảo, thơ Hữu Thỉnh cũng có những điểm đáng quan tâm. Chẳng hạn: “Điệu thơ thông minh một cách thâm trầm, và sắc sảo một cách ngọt ngào là bước tiến vượt bậc trong thơ Thanh Thảo, đó cũng là bước tiến mới trong thơ chống Mỹ” [149, tr.124], hay: “Hữu Thỉnh giàu lượng thông tin tâm hồn, mang dấu ấn rõ nét cái tôi trữ tình của nhà thơ, góp với Thanh Thảo và lớp thơ trẻ chống Mỹ một tiếng nói nhân hậu về cuộc chiến tranh” [149, tr.130].
Tiếp đến là bài viết “Kháng chiến chống Mỹ và một thế hệ nhà thơ” của Vũ Quần Phương. Ở bài viết này, tác giả tiếp cận dòng thơ trẻ theo hướng nghiên cứu tổng thể và có một số đánh giá khá thỏa đáng. Chẳng hạn, đoạn khẳng định thơ trẻ thời chống Mỹ có chất giọng riêng, không lẫn với thơ của các thế hệ trước: “Đến 1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa kết thúc, lớp trẻ thực sự đã có một giọng
thơ riêng (NBL nhấn mạnh) khác biệt với hai lớp đàn anh, có ảnh hưởng khá rộng trong độc giả thanh niên” [127, tr.115].
Một cây bút phê bình khác cũng tiếp cận thơ trẻ thời chống Mỹ theo hướng nghiên cứu tổng thể. Đó là Mai Hương với bài “Nghĩ về đóng góp của đội ngũ trẻ trong thơ chống Mỹ” (Tạp chí văn học số 1 - 1981). Đây là công trình nghiên cứu khá công phu. Tác giả phân tích, khẳng định những đóng góp của thơ trẻ trên nhiều phương diện, trong đó có giọng điệu nghệ thuật: “Thực tế, họ đã mang đến cho thơ chống Mỹ tiếng nói đặc sắc của riêng của tuổi trẻ mà những thế hệ nhà thơ trước không thể nói thay được” [64, tr.93]. Chất giọng của một số nhà thơ tiêu biểu cũng được “gọi tên”, nhưng nhìn chung, không khác những nhà phê bình trước đó đã nhận diện: “chắc, khỏe như Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Đức Mậu; hồn hậu, nhẹ nhàng bình dị như Nguyễn Duy; mượt mà, thấm đẫm suy tư và tình cảm như Hữu Thỉnh, Lâm Huy Nhuận, Hoàng Nhuận Cầm...” [64, tr.96]. Mai Hương chia thơ trẻ thành hai nhánh để làm bật nổi những đóng góp của họ: thơ trẻ ở hậu phương miền Bắc và thơ trẻ ở tiền tuyến miền Nam. Tuy nhiên, mảng thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát thì chưa đề cập tới (có lẽ thời ấy, mảng này đang “gai góc” đối với nhà nghiên cứu). Điểm đáng lưu ý nữa ở bài viết là, tác giả đã bàn đến sự cân bằng giữa chất liệu hiện thực với chất liệu tâm hồn trong sáng tác thơ: “Muốn có thơ, chỉ chất liệu hiện thực không tôi chưa đủ, mà phải có chất liệu tâm hồn để chuyển hóa chất liệu hiện thực đời sống thành thơ” [64, tr.97].
Tập trung nhiều, có tính chuyên nghiệp vẫn là những nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, các trường đại học. Khi cuộc kháng chiến khép lại, nhu cầu tổng kết, đánh giá nền văn học chống Mỹ được đặt ra; đã có độ lắng thời gian, tư liệu được tập hợp, lực lượng nghiên cứu được bổ sung... là những thuận lợi để các công trình nghiên cứu thơ chống Mỹ tầm quy mô ra đời, trong đó có nghiên cứu dòng thơ trẻ (theo hướng lồng ghép, tích hợp). Bao gồm Nhà thơ Việt Nam hiện đại (Viện Văn học), Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước (Viện Văn học), Văn học giải phóng miền Nam (Phạm văn Sĩ) và nhiều công trình nghiên cứu khác.
Viện Văn học như “đầu mối” tập trung những nhà nghiên cứu uy tín: Viện Trưởng Hoàng Trung Thông (chủ biên), Phong Lê, Vũ Tuấn Anh, Hồng Diệu, Bích
Thu, Vũ Văn Sỹ,... để biên soạn một số công trình khoa học bề thế, bao quát cả giai đoạn văn học, đủ các thể loại. Dĩ nhiên, trong những công trình ấy, thơ trẻ thời chống Mỹ có vị trí được trân trọng, được coi như hiện tượng nghệ thuật nổi bật, như sản phẩm đặc thù của một thời kì lịch sử đặc biệt.
Công trình Nhà thơ Việt Nam hiện đại [176] hướng tới phác thảo chung về lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, đánh giá thành tựu của ba thế hệ nhà thơ nối tiếp nhau. Những người biên soạn chọn một số nhà thơ trong từng thế hệ để nghiên cứu. Hầu hết những gương mặt được chọn đều đã sáng danh trên thi đàn, họ được tập hợp vào Nhà thơ Việt Nam hiện đại là hợp lý. Riêng thế hệ nhà trẻ thời chống Mỹ, những cây bút quen thuộc như Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Dương Hương Ly, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa đều được phân tích đánh giá thấu đáo. Theo chúng tôi, nếu có thêm Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm,... trong công trình thì chân dung thơ trẻ thời chống Mỹ sẽ đầy đặn hơn.
Tiếp đến, Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước [195] là công trình nghiên cứu được triển khai theo từng thể loại: văn xuôi, thơ, kịch. Trong đó, phần thơ (Vũ Tuấn Anh biên soạn) chiếm dung lượng nhiều nhất (11 trong tổng số 21 chương). Ở phần này, bên cạnh đánh giá khái quát về một chặng đường vận động của thơ ca dân tộc trong bối cảnh chiến tranh, nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Anh còn khám phá phong cách các thế hệ nhà thơ từ những cây bút tiêu biểu (chương 8). Theo đó, phong cách của một số nhà thơ trẻ như Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật,... được nhận diện qua những nét phác thảo, mỗi người có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Chẳng hạn: “Vẫn sôi nổi, thiết tha, vẫn những cảm nghĩ mạnh bạo và lối viết trong trẻo, phóng khoáng, thơ Xuân Quỳnh in dấu rõ những chuyến đi, những cảnh vật, con người cụ thể... mạch thơ của chị cũng còn nhiều tản mạn, sức tổ chức nội tại ở một số bài còn yếu” [195, tr.198]. Đồng thời, Vũ Tuấn Anh cũng chỉ ra mối liên hệ, ảnh hưởng cũng như sự tiếp nối giữa các phong cách: “Bằng Việt, Xuân Quỳnh có thời kì giống nhau trong lối viết thiên về cảm xúc, bút pháp nhẹ nhàng êm ả. Lê Anh Xuân và Tế Hanh, hai nhà thơ miền Nam thuộc hai thế hệ cầm bút, sống và sáng tác trong hai hoàn cảnh khác nhau nhưng cũng có những nét gần gũi trong
những bài thơ về quê hương, về người em gái miền Nam” [195, tr.200]. Chúng tôi quan tâm đến những nhận định này, bởi trong sáng tạo nghệ thuật, phong cách không tách rời cảm hứng và giọng điệu.
Trước đó (chương 5), tác giả biên soạn phần thơ có đoạn khái lược chất giọng của một số cây bút trẻ khá thuyết phục, nhận diện đúng “hồn cốt” trong thơ họ: “Lê Anh Xuân sôi nổi và thiết tha, Chim Trắng thủ thỉ ngọt ngào..., Nguyễn Khoa Điềm sôi nổi mà sâu lắng, Trần Vàng Sao mạnh mẽ và phóng túng, Vũ Ngàn Chi hào hùng,...” [195, tr.128 - 129].
Cũng trong công trình Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước, có thể nói, lần đầu tiên mảng thơ trẻ yêu nước tiến bộ vùng đô thị miền Nam được nghiên cứu theo hướng tổng thể, hé lộ cách nhìn mới (chương 20: “Sức bật của một đội ngũ cầm bút trẻ” - Thạch Phương viết). Thực ra trước đó, mảng thơ này đã được một số nhà phê bình để ý: Giang Nam - “Vài suy nghĩ khi đọc tập “Thơ máu” của sinh viên Sài Gòn”, Nguyễn Huy Khánh - “Hai mươi năm văn học yêu nước tại các thành thị miền Nam 1954 - 1975”, Trường Lưu - “Đề tài chiến tranh trong văn học miền Nam vùng tạm bị chiếm”,... Nhưng nhìn chung, ý kiến đánh giá còn dè dặt, thậm chí nghiêng về phê phán. Phải thừa nhận tính phức tạp của mảng thơ này, nhà phê bình Lê Quang Trang viết: “nếu nhìn vào tình hình văn nghệ ở các đô thị dưới chế độ Sài Gòn thì phức tạp nhân lên rất nhiều. Chỉ riêng khuynh hướng văn học cách mạng, yêu nước, tiến bộ cũng không hề đơn giản” [185, tr.50]. Vả lại, một phần còn do sự ràng buộc của tư duy chiến tranh, phải để sau cuộc chiến kết thúc một thời gian, nhà phê bình mới vững tâm viết về nó. Thạch Phương khẳng định: “Có thể nói chưa bao giờ trong các thành thị miền Nam có một đội ngũ làm thơ đông đảo và sung sức như những năm cuối 60 đầu 70, và cũng chưa bao giờ người làm thơ lại có ý thức sử dụng sáng tác của mình đi sâu vào quần chúng để phục vụ cho cuộc đấu tranh như vậy” [195, tr.421]. Đi vào cụ thể, tác giả biên soạn đã phác thảo một số nét nổi bật trong sáng tác của một số nhà thơ tiêu biểu: Trần Quang Long, Thái Ngọc San, Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ, Võ Quê, Trần Vạn Giã,... Những ý kiến của Thạch Phương, theo chúng tôi, là sự cụ thể hóa quan niệm: “Bắc - Nam một nước, văn nghệ một nhà”, hữu ích đối với các nhà nghiên cứu văn học.
Nhìn chung, trong những năm đất nước chiến tranh và vừa ra khỏi chiến tranh, dõi theo diễn trình vận động của dòng thơ trẻ thời chống Mỹ, phần đa các bài viết đều nghiêng về phát hiện, giới thiệu, bình phẩm sáng tác của một số nhà thơ tiêu biểu. Còn nghiên cứu ở dạng tổng thể, “xâu chuỗi” toàn bộ dòng thơ trẻ với tư cách là một hiện tượng nghệ thuật trong một công trình khoa học thì chưa nhiều. Do dòng thơ trẻ đang vận động (trong chiến tranh) và vừa đi hết lộ trình của nó (thập niên đầu sau chiến tranh), độ giãn thời gian chưa là bao, nên nhìn đại thể, tuy đã có một số công trình nghiên cứu làm rõ những đóng góp của các nhà thơ trẻ vào nền văn học chống Mỹ, nhưng về thành tựu của cả thế hệ nhà thơ (nhìn từ cảm hứng, giọng điệu, thi pháp,...) thì phải sau 1986 mới được triển khai với tư cách là những đề tài khoa học chuyên ngành.
2.2. Giai đoạn từ đổi mới 1986 đến nay
Điều mà ai cũng dễ nhận thấy: trước 1986, phần lớn các công trình nghiên cứu thơ trẻ thời chống Mỹ đều nghiêng về mặt nội dung tư tưởng. Phải bắt đầu từ giai đoạn đất nước bước vào đổi mới (1986) trở về sau, hình thức nghệ thuật mới được chú trọng đúng mức; nhiều vấn đề được khám phá, nhận thức lại. Đồng thời cũng nảy sinh những ý kiến trái chiều, thậm chí cực đoan: hoặc khẳng định “giá trị tuyệt đối” của thơ trẻ thời chống Mỹ, hoặc “phủ nhận sạch trơn” thành tựu của dòng thơ này. Kỳ thực cả hai đều không công bằng, chưa khoa học. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, số công trình nghiên cứu có sự đánh giá hợp lí vẫn nhiều hơn, nổi trội hơn.
Do có sự ứng dụng lý thuyết phê bình văn học phương Tây nên nhiều vấn đề thuộc nội dung và nghệ thuật của thơ trẻ thời chống Mỹ được tiếp cận theo hướng mới, bóc tách thành các đề tài chuyên sâu, hay chuyển sang sử dụng thuật ngữ khác (như phong cách, cảm hứng, giọng điệu, cái tôi trữ tình, thi pháp thể loại, đặc điểm thẩm mỹ, tư duy nghệ thuật,...).
Khó tính hết những bài viết về thơ trẻ thời chống Mỹ đăng trên các tờ báo và tạp chí. Số lượng công trình nghiên cứu dòng thơ này khá nhiều, đủ các tầm độ. Ở đây chúng tôi chỉ điểm một số công trình tiêu biểu, liên quan đến đề tài luận án mà bản thân đang nghiên cứu.