Hệ Thống Biểu Tượng Trong Thơ Tày Từ 1945 Đến Nay


như lá rừng không thể nào đếm, Ước gì mai ra sông/ Mong con hươu để ra con hươu cái/ Như măng mọc tháng ba, Xe cộ như trâu rập rình trên núi, Chị sẽ thơm như quả lê mới hái về... (Dương Thuấn); nhiều nhà thơ trẻ như Đinh Thị Mai Lan cũng thường sử dụng nhiều so sánh: Một đời khó nhọc/ Cha vun lên những mùa màng tình yêu/ Không chờ ngày gặt hái/ Những đứa con dù chắc như lim/ Dù vững như núi/ Vẫn tròn như đá sỏi/ Lăn về phía cha (Cánh đồng của cha), có lúc so sánh ẩn đi: Ta viên sỏi nhỏ/ Rong rêu lỗi lầm/ Cung đàn ru lạ/ Suối sâu trong ngần (Tiếng đàn trong đêm)... Với Vi Thùy Linh, chị cũng thường xuyên sử dụng những so sánh nhưng cái được mang ra ví von thường góc cạnh, xù xì như chính mặt trái của cuộc sống: Đêm mênh mang như lòng trắc ẩn, Những chiếc lá xác xơ gân như lông mày quả phụ... Ở khía cạnh này, ngôn ngữ thơ tạo hiệu quả đắc lực cho việc biểu đạt những xúc cảm trước kia chìm lấp, nó mang hơi thở của cuộc sống nguyên sơ, táo bạo, mạnh mẽ như Đoàn Thị Lam Luyến khi so sánh: Ghen như sôi và giận như điên, Đêm dài như xác pháo/ Xé tan tuổi đôi mươi... và rất khác với Bùi Thị Tuyết Mai (Mường): Sự bình yên của chúng ta/ Như giọt mưa từ mái nhà tranh rơi xuống/ Ngôi nhà/ Trời và đất/ Bình yên từ đó bước ra, v.v…

3.2.2. Giọng điệu

Thơ ca là sản phẩm sáng tạo của mỗi cá thể, mỗi tâm hồn. Mỗi tác giả có một cách thể hiện và biểu đạt riêng. Bên cạnh ngôn từ, hình ảnh… thì giọng điệu thơ khẳng định và là một yếu tố quan trọng tạo nên phong cách của một nhà thơ. Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ, tình cảm và cả những thị hiếu thẩm mỹ của tác giả. Trong thơ ca, có thể đan xen và pha trộn nhiều chất giọng khác nhau và có những biến đổi phong phú. Rất nhiều nhà thơ đã tìm kiếm chất thơ ngay trong cuộc sống đời thường, nên giọng thơ có những dấu ấn và đạt được những thành công đáng kể. Giọng điệu thể hiện rất rõ cái tôi nội cảm của nhà thơ trước cuộc đời. Đan xen giữa nhiều loại giọng, nhiều chất giọng, có cái đằm thắm, ngọt ngào nhưng cũng có những giọng khỏe khoắn, mạnh mẽ, táo bạo, thậm chí có lúc khô khan kiểu văn xuôi tự sự. Nét riêng của giọng điệu bắt nguồn từ nét riêng của thời đại, của văn hóa, của tâm lý con người. Cách cảm khác, cách tư duy khác đã kéo theo sự khác biệt của cách viết và giọng điệu.


Nhưng nếu như những nhà thơ miền xuôi đã rất thành công trong việc khai thác tính nhạc trong thơ (xu hướng hiện nay nhiều nhà thơ lại từ chối vần, nhịp) thì đa phần các nhà thơ dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Tày nói riêng vẫn không thấy sự chú tâm vào đặc trưng này. Y Phương đôi lúc với những tìm tòi: Tiếng cha tôi rơi rơi ngân nga trong thinh không/ Thinh không mênh mông mang hơi cha tôi đi xa (Con đường về nhà) vẫn còn khác xa với Sương nương theo trăng ngưng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi (Xuân Diệu), Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan/ Đường bạch dương sương trắng nắng tràn (Tố Hữu) hay Tài cao phận thấp chí khí uất/ Giang hồ mê chơi quên quê hương (Tản Đà)... thế kỷ trước.

Maiacovsky từng khẳng định nhịp điệu là sức mạnh cơ bản, năng lượng cơ bản của câu thơ. Câu thơ và vần có một cái duyên mà thậm chí khi lời, ý dở, nhà thơ vẫn quyến rũ người nghe bằng nhịp điệu và sự cân đối (Isokrate). Thơ Mai Liễu, Dương Thuấn, Ma Trường Nguyên thường có giọng thủ thỉ tâm tình khi kể chuyện. Thơ Y Phương, Lương Định thường trầm, sâu bởi chất giọng triết lý; trong khi đó một số tác giả nữ lại có xu hướng thể hiện thiên tính đằm thắm như Nông Thị Ngọc Hòa, Hoàng Kim Dung, Tạ Thu Huyền, Nông Thị Tô Hường... Có một nhà thơ dù chưa hẳn định hình được một phong cách nhất quán nhưng có chất giọng lạ đấy là Bế Thành Long. Quê hương trong xa cách được Bế Thành Long diễn tả một cách tài tình bằng những nét chấm phá mà đủ cả người, cả cảnh và hơn hết là thấy được cái tình của kẻ xa quê:

Chắc sáng nay quê tôi mù sương bạc Bên bờ chen mái thoáng lô nhô...

Chắc chiều xuống hút rừng xào xạc Lũng mờ xanh, xanh ngái nương chàm Cỏ non cứ bời bời không ngủ

Bước trâu chờ bước nghé lang thang.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

(Bóng quê hương - Bế Thành Long)

Dương Thuấn lại khác, anh như người kể chuyện dân gian có vô vàn những câu chuyện muốn kể bằng một giọng rất duyên về những tập tục, đời sống quê mình: Bắc Kạn bóng tùng rợp phố/ Đường đi dốc núi quanh co/ Quê hương bốn

Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 13


mùa hoa nở/ Nhà sàn ở giữa rừng mơ… Giọng điệu trầm tư thường thấy ở một số nhà thơ thuộc về thế hệ thứ hai, thứ ba; ở đó thể hiện rõ nhất sự chiêm nghiệm của con người, đặc biệt chất độc thoại tự ý thức nổi bật hơn cả. Trái ngược với giọng điệu tâm tình nhẹ nhàng, có một số tác giả bộc lộ cảm xúc hết sức táo bạo, phơi bày cái tôi trước cuộc đời. Ở đó ta gặp nhiều “cấp độ” khác nhau, có phóng túng, ngang tàng, khỏe khoắn nhưng cũng có cả những dí dỏm, tinh nghịch, hài hước như để cười và phá phách, để làm mới cuộc đời. Nó giống tính cách mạnh mẽ và tâm hồn bộc trực của người miền núi, như cách Lò Ngân Sủn nói về lục bát vùng cao: Ơ hay lục bát vùng cao/ Quanh co dốc lượn, ầm ào thác reo/ Vần bằng trắc - bắc cầu treo/ Nhịp đi sáu tám vượt đèo Lũng Pung...

Do phát triển điệu nói, cách nói của ngôn ngữ hàng ngày nên thơ dân tộc thiểu số nói chung, thơ dân tộc Tày nói riêng nhiều khi biểu hiện tính chất “lý sự” rất mộc mạc. Khi tố cáo bọn xâm lược tàn phá quê hương, Nông Minh Châu viết bằng giọng điệu vừa căm phẫn vừa xót xa:

Những lũ diều hâu đã ào ào tới Xé nát bầu trời tĩnh mịch thân yêu

Trút bom xuống làm rách thảm lá chiều Cả nương chàm, rẫy bông, đồi bắp

Mái nhà sàn ven rừng quen thuộc Đang yên vui bỗng hóa hoang tàn.

(Qua cánh đồng Lang Chanh)

Thơ Mai Liễu luôn thể hiện những nhớ nhung về quê hương, bởi thế giọng điệu khắc khoải thiết tha thường trực nhất: Ôi quê ta, quê ta/ Khuất mấy tầm mây núi/ Bếp nhà sàn vẫn cháy/ Nẻo về êm bậc thang (Vọng ngàn). Nhiều nhà thơ cố gắng đổi mới giọng điệu bằng sự kéo dài những khoảng trống, khoảng lặng làm cớ cho cảm xúc nhân lên:

Vĩ cầm vĩ cầm ơi Giá mà tôi bên em

M…ộ…t

g…i…ấ…c

t…r…ă…n…g!

(Y Phương)


Những nhà thơ dân tộc Tày thuộc về thế hệ thứ nhất và thứ hai thường có lối viết chịu ảnh hưởng của âm hưởng dân gian như lượn, then, phong slư, phuối pác... Triều Ân lại đem đến sự vui tươi, mỗi lời thơ như một tiếng reo vui, khi thì ngợi ca cuộc sống đổi mới: Thung lũng vào xuân, Cao Bằng ơi/ Quê hương cách mạng một vùng trời/ Non sông là một công trường lớn/ Mảnh đất này thêm mảnh đất vui (Thung lũng vào xuân); khi thì tái hiện không khí của những ngày thanh niên nam nữ người Tày lên đường chiến đấu chống giặc: Con trai bản Ky/ Lại hát/ Những bài hát giải phóng miền Nam/ Những bài hát trao súng kíp cho cô gái hay làm/ Những bài hát gọi trăng lên có hương sen hương cốm/ Hòa tiếng chim khảm khắc đầu sàn (Giữa mùa cốm)...

Một số nhà thơ dân tộc Tày như Y Phương, Mai Liễu, Dương Thuấn, Lương Định, Đinh Thị Mai Lan... thể hiện sự cố gắng dung hòa và kết hợp yếu tố dân tộc, truyền thống với sắc màu hiện đại trong giọng điệu thể hiện, đặc biệt có ý thức trong việc lưu giữ chất nhạc cho thơ. Trong thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay, thơ tự do theo kiểu văn xuôi khá phong phú. Nó phá vỡ cái vỏ hình thức bên ngoài để đi đến cái thống nhất bên trong của cảm xúc. Sự giãn nở của thơ tự do chứa đựng nhiều ý nghĩa: Mình bỏ câu Sli/ Mình rời câu Lượn/ Áo mình gửi lại/ Nước máng mình không gội/ Gạo dẻo mình không lam/ Câu á ời rơi xuống gầm sàn/ Vung vãi/ Mình đi... (Thôi, mình cứ đi - Hoàng Chiến Thắng).

Có thể thấy, những vận động rất sớm cách đây hơn nửa thế kỷ đã chứng tỏ những thành công không thể phủ nhận của thơ dân tộc Tày với sự phong phú về thể loại, từ lối cũ đến những thể nghiệm mới, từ những bài thơ nhỏ đến thể loại dài hơi như trường ca; sự đa dạng của ngôn ngữ, giọng điệu: từ sự giản dị, mộc mạc đặc trưng đến những cách tân mới mẻ... Dù có lúc ghi được dấu ấn mạnh, có lúc chỉ là sự thử nghiệm chưa tới nhưng điều cần khẳng định là sự độc đáo và nổi bật của thơ dân tộc Tày so với các dân tộc thiểu số khác một phần bởi sự linh hoạt và những nỗ lực đổi mới của cả bốn thế hệ tác giả trong tìm tòi về hình thức biểu đạt.

3.3. Một số biểu tượng thơ tiêu biểu

3.3.1. Biểu tượng thơ

Lịch sử dân tộc bắt đầu từ sự hình thành một nền văn hóa nhưng không phải nền văn hóa nào cũng mang đậm bản sắc dân tộc. Nhà nhân chủng học người Pháp


Claude Lévi Strauss cho rằng: “Người ta không thể quyết định đi về đâu nếu trước tiên người ta không biết mình từ đâu đến” [45, tr.282]. Đóng góp của một người nghệ sĩ không phải là sự mô tả văn hóa dân tộc, điều quan trọng là họ phải đứng từ trong lòng văn hóa dân tộc mình để vươn cao, đi xa tới những nhận thức mới. Nghiên cứu mỗi nền văn hóa cần coi trọng việc nghiên cứu biểu tượng bởi biểu tượng là “đơn vị cơ bản” của văn hóa và văn hóa là một tập hợp hệ thống các biểu tượng.

Có rất nhiều cách định nghĩa biểu tượng, theo Từ điển tiếng Việt: Biểu tượng là “hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan đã chấm dứt” [70, tr.67]. Biểu tượng là một sự vật mang tính chất thông điệp được dùng để chỉ ra một cái ở bên ngoài nó, theo một quan hệ ước lệ giữa sự vật trong thông điệp và sự vật ở bên ngoài. Nói khác đi, biểu tượng là cái nhìn thấy được mang một quy ước, kí hiệu dẫn ta đến cái không nhìn thấy được; Đoàn Văn Chúc cho rằng, biểu tượng là “vật môi giới giúp ta tri giác cái bất khả tri giác” [22, tr.67]. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, biểu tượng “làm phát lộ những bí ẩn của vô thức, của hành động, khai mở trí tuệ về cái chưa biết và cái vô tận” [19, tr.VIII]. Biểu tượng mang một ý nghĩa cụ thể được thành viên của một nền văn hóa nhận biết. Nhắc đến biểu tượng ấy, người ta sẽ nghĩ đến dân tộc ấy, miền đất ấy, vùng văn hóa ấy và ngược lại. Như khi nói tới văn hóa Việt Nam không thể quên chùa Một Cột, Văn Miếu, tà áo dài, hoa sen, cơi trầu, chiếc bánh chưng… Biểu tượng bao giờ cũng gắn với văn hóa tộc người và vùng đất bởi quá trình biểu tượng hóa (quá trình liên tưởng so sánh giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt) bị sự chi phối của môi trường tự nhiên và hoàn cảnh xã hội. Vai trò của biểu tượng trong đời sống tinh thần mỗi con người là vô cùng quan trọng. Biểu tượng “khiến đứa trẻ và con người cảm thấy mình không phải là sinh linh đơn độc và lạc loài trong cái tập hợp rộng lớn xung quanh” hay “Biểu tượng diễn đạt một thực tại đáp ứng nhiều nhu cầu về nhận thức, về tình yêu thương và về sự bình an” [19, tr.587], bởi “cưỡng lại các biểu tượng là tự cắt què đi một phần của chính mình, làm nghèo đi toàn bộ tự nhiên; và dưới cái cơ chế là hiện thực chủ nghĩa, chạy trốn lời gọi mời xác thực nhất vào một cuộc sống hoàn chỉnh.


Một thế giới không có biểu tượng thì sẽ ngạt thở: nó sẽ tức thì giết chết đời sống tinh thần của con người” [29].

Khi khảo sát tác phẩm thơ ca, tìm hiểu ý nghĩa của những biểu tượng là công việc quan trọng. Nó giúp nhận rõ hơn cái thông điệp được gửi gắm, giúp khám phá ra cái thế giới tinh thần ngầm ẩn bên trong, những trầm tích văn hóa... Khác với biểu tượng văn hóa, theo Hegel, biểu tượng thơ có thể chiếm hữu được tất cả toàn bộ hiện tượng thực tế, hòa tan vào nội cảm và bản chất của sự vật để tạo nên một tổng thể không chia cắt được. Như cách nói của Jean Chevalier: “Nói chúng ta sống trong một thế giới biểu tượng thì vẫn còn chưa đủ, phải nói một thế giới biểu tượng sống trong chúng ta” [19, tr.XIV]. Tuy nhiên, biểu tượng thơ không trùng khít với biểu tượng văn hóa mà được cấu tạo lại thông qua tín hiệu nghệ thuật, chính là ngôn từ. Lúc này, ở trong một văn bản ngôn từ/ một tác phẩm thơ, biểu tượng văn hóa sẽ đóng vai trò là “mẫu gốc” để từ đó làm phong phú hơn các ý nghĩa cho biểu tượng thơ - ý nghĩa đặc trưng của biểu tượng văn hóa được lưu giữ và ý nghĩa phái sinh sau khi được tri nhận.

Chúng tôi lựa chọn khảo sát biểu tượng trong thơ ca Tày hiện đại nhằm mục đích tìm ra mối liên hệ giữa ý nghĩa của những biểu tượng văn hóa đã tồn tại trong tâm thức người Tày và ý nghĩa bảo lưu/ biến đổi trong các tác phẩm thơ hiện đại.

Người Tày có một nền văn hóa tín ngưỡng sâu đậm ngay từ thời kỳ khởi nguyên, tiếp tục phát triển theo những xu hướng động cho đến hiện tại. Hệ thống biểu tượng của văn hóa Tày vô cùng phong phú. Nguồn gốc hệ thống biểu tượng dân tộc Tày được hình thành từ bốn nguyên nhân chủ yếu sau: xuất phát từ các phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian xa xưa (Mẹ Hoa, Nàng Hai, bếp lửa, hoa Phặc Phiền…); những biểu tượng xuất phát từ trong các sáng tác dân gian cũng như các tác phẩm thành văn nổi tiếng (Tài Ngào, Ngưu Lang - Chức Nữ, Tư Mã - Văn Quân, Bá Nha - Tử Kỳ…); biểu tượng xuất phát từ đời sống văn hóa tinh thần (cây đàn tính, hát then, chiếc khăn, chiếc cầu…); biểu tượng bắt nguồn từ những hình ảnh gắn bó với cuộc sống hàng ngày (đá, cây lúa, con ngựa, áo chàm, ngọn đèn…). Bên cạnh đó có những biểu tượng giống và nhiều nét tương đồng với các dân tộc khác và dân tộc Kinh như núi - sông, cây đa - bến nước - sân đình, cá - nước, bướm - hoa


Việc khảo sát các thể loại văn học dân gian Tày khá đa dạng về thể loại, phong phú về số lượng tác phẩm, cho thấy một điểm độc đáo là các biểu tượng đã gắn bó với đời sống dân tộc Tày đều xuất hiện đậm đặc trong sáng tác dân gian. Nó không có sự trái ngược nhau, phủ định nhau về ý nghĩa biểu đạt. Đặc biệt trong dân ca Tày, thể loại tiêu biểu của sáng tác dân gian, những biểu tượng/ cặp biểu tượng xuất hiện với tần số cao. Trong một “kho tàng” đồ sộ và phong phú các biểu tượng văn hóa của dân tộc Tày như thế, chúng tôi chọn ra một số biểu tượng tiêu biểu: Mẹ Hoa, lúa, đàn tính, ngựa. Khảo sát quá trình phát triển và biến đổi của những biểu tượng đó trong thơ ca Tày thời kỳ hiện đại để từ đó thấy được sự tiếp thu và kế thừa văn hóa như thế nào trước sự “xâm lăng” của văn minh hiện đại.

3.3.2. Hệ thống biểu tượng trong thơ Tày từ 1945 đến nay

Chúng tôi lựa chọn những gương mặt tiêu biểu cho từng giai đoạn phát triển của thơ ca dân tộc Tày để khảo sát nhưng tập trung kỹ hơn vào thơ ca Tày đương đại, với mục đích là thấy rõ hơn sự biến chuyển của biểu tượng trong giai đoạn hiện tại. Tính từ tập thơ đầu tiên của Nông Quốc Chấn ra đời năm 1948, thơ ca Tày hiện đại đến nay đã có hơn 60 năm phát triển. Đó là khoảng thời gian tương đối dài cho những tìm tòi và khẳng định. Điều quan trọng làm nên giá trị cho những sáng tác đó chính là bên cạnh ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, còn là sự cách tân, tìm tòi, đổi mới theo yêu cầu hiện đại hóa; từ đó làm nên diện mạo riêng cho thơ ca dân tộc Tày.

Biểu tượng thuộc về cả nội dung và hình thức, khi biểu tượng thể hiện những ý nghĩa nào đó thì thuộc về nội dung thể hiện; nhưng ý đồ chủ quan của nhà thơ khi sử dụng biểu tượng nhằm diễn đạt những ý nghĩa tiềm ẩn lại đem lại những hiệu quả thẩm mĩ cho sáng tác. Bên cạnh việc tìm ra những tầng nghĩa biểu đạt của biểu tượng, chúng tôi còn tập trung nghiên cứu cách xây dựng biểu tượng trong tác phẩm. Vẫn là những biểu tượng trong tâm thức dân gian như mẹ Hoa, đàn tính, lúa, ngựa, nhưng cách mà mỗi nhà thơ sử dụng nó trong tác phẩm của mình lại mang đến những kiến giải thú vị.

3.3.2.1. Biểu tượng Mẹ Hoa

Mẹ Hoa (các cách gọi khác nhau của mẹ Hoa: mẻ Va - mẻ Bjooc - mé Hoa - mẻ Mụ) trong quan niệm của người Tày là vị thần bản mệnh, chăm sóc thế giới tinh thần


cho con người. Mẹ Hoa có quyền ban phát hoa để sinh ra con trai, con gái. Khi các cặp vợ chồng lấy nhau lâu ngày mà chưa có con, họ làm lễ cầu xin mẹ Hoa ban cho con cái, gọi là lễ cầu hoa. Mỗi gia đình người Tày đều lập bàn thờ mẹ Hoa với rất nhiều nghi lễ liên quan tương ứng với từng giai đoạn đời người. Trải qua một thời gian dài, đến nay tục thờ mẹ Hoa vẫn được người Tày duy trì và mẹ Hoa đã trở thành một biểu tượng mang những ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống tinh thần dân tộc Tày.

Với dân tộc Tày từ thời kỳ khởi nguyên đến nay, tục thờ mẹ Hoa luôn là một nghi lễ quan trọng. Nó bắt nguồn từ truyền thống coi trọng mẹ sinh sản, tôn trọng mẹ sinh sản. Người Tày cho rằng, mẹ Hoa ở trên trời mới là mẹ đẻ còn mẹ ở trần gian chỉ là người thừa lệnh mẹ Hoa sinh ra những đứa con. Trên bàn thờ của người Tày, bát hương thờ Mẻ Bjoóc (mẹ Hoa) được đặt ngang hàng với bát hương thờ cúng tổ tiên. Từ xa xưa, người Tày quan niệm “con trai con gái hoa trái của mường”. Gia đình đông con hay ít con người ta đều cho là do mẹ Hoa ở mường trên (trên trời) chưa biết đến hoặc chưa kịp ban phúc lành cho gia đình, hoặc do mẹ Hoa giận nên không chia con cho mình. Gia tài của mẹ Hoa là Một vườn hoa vàng sinh ra con trai và một vườn hoa bạc sinh ra con gái. Mọi cuộc đời, số phận đều tùy mẹ Hoa định đoạt: Mẻ Bjoóc păn nà mẻ va păn hẩu (Mẹ Hoa sinh ra mẹ Hoa đặt lại).

Sang đến thời kỳ hiện đại, tín ngưỡng thờ mẹ Hoa vẫn giữ được những nét đặc sắc riêng, tuy nhiên mức độ đậm nhạt lại có sự khác biệt tương đối lớn tùy từng nơi, từng gia đình. Theo khảo sát của chúng tôi, các gia đình người Tày ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn vẫn còn lưu giữ tục thờ mẹ Hoa tuy các nghi thức có giản tiện hơn trước. Nơi còn lưu giữ đậm nhất tục thờ này là Cao Bằng. Hầu hết những gia đình người Tày Cao Bằng vẫn giữ bàn thờ mẹ Hoa trong nhà như một nơi gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng tuyệt đối vào vị thần sản sinh và cai quản muôn loài. Y Phương từng nói, “Đối với người Tày, phép thiêng đó là nước mắt của người mẹ. Nước mắt ấy làm cho những đứa con vô tình hay cố ý phạm tội sẽ tự đục, bào, giằng, xé, trong ruột gan của họ… Từ xưa, người Tày đã có tín ngưỡng thờ mẹ. Nó bắt nguồn từ truyền thống kính trọng người sinh ra mình. Một số nơi họ lập đền thờ Nàng Trăng là hình ảnh biểu tượng của người mẹ. Bất cứ cái gì quý nhất người Tày đều gọi bằng mẹ. Mẹ Nước, Mẹ Gạo, Mẹ Chữ, Mẹ Hoa, Mẹ Trăng… Nhưng tiền bạc không bao giờ được

Xem tất cả 168 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023