những con người dù đã đi quá nửa đời sương gió, trở về vẫn với một tâm hồn tươi mới trong tình yêu: Em vuốt mái tóc anh/ Hay vuốt làn mây thu dịu mát?/ Theo thời gian tóc anh cứ bạc/ Còn đâu khúc hát diệu huyền/ Thuở ấy áp má vào ngực em/ Em bảo anh hiền như đứa trẻ/ Đi công tác chân trời cuối bể/ Trở về tóc đã nhuộm mây thu” (Mây thu). Trong khi đó, Nguyễn Duy nói về sự ngại ngần rồi dang dở của tình yêu bằng những từ ngữ được gọt giũa: Tóc em dài cho ta nhìn thấy gió/ Áo em bay cho mờ tỏ thân hình/ Em sâu sắc như kinh thành cổ kính/ Gốc si già da mốc ngói rêu xanh (…) Lần nữa mãi thế là ta lỡ dại/ Để dành thành mất cắp cả tình yêu/ Thế là ta mồ côi em mãi mãi/ Cái vu vơ chết đuối dưới sương chiều…Nhưng cũng vẫn là tình yêu, là cách diễn tả nỗi nhớ nhung - một đại lượng không sao đo đếm được, Hơ Vê (dân tộc Hrê) lại viết:
Em yêu anh
Như con chim Vơ-linh yêu rừng Em thương anh
Như con cá Ra-tang thương nước Em nhớ anh
Cứ nhấp nha nhấp nhỏm Như có kiến cắn tim
Như có lửa đốt bụng…
Đó là cách tư duy, cách so sánh dựa trên những cái cụ thể dựa trên mối tương quan giữa những cái hữu hình với những cái vô hình của người Hrê nói riêng và người miền núi nói chung. Thơ tình yêu của Y Phương là hình ảnh của những đôi trai gái yêu nhau, đậm chất miền núi trong cái hạnh phúc thơ ngây của dân tộc mình: Để rồi sáng sớm trong rừng/ Lá rụng/ Hoa rụng/ Quả rụng/ Chim chóc cáo chồn ngơ ngác/ Suối chở đầy hương thơm nhàu nát…
Đội ngũ các nhà thơ dân tộc Tày có khá nhiều gương mặt nữ. Thơ tình của Nông Thị Ngọc Hòa, Hoàng Kim Dung, Đinh Thị Mai Lan phần nhiều gặp nhau ở một điểm là sự thể hiện cái thiên tính nữ, đằm thắm và trong trẻo... Điều này rất khác với Vi Thùy Linh. Trong thơ Vi Thùy Linh, mọi cung bậc, sắc thái của tình yêu bao giờ cũng được đẩy lên cao độ. Vi Thùy Linh khắc họa trong thơ mình hình
Có thể bạn quan tâm!
- Đời Sống Và Tâm Thế Con Người Dân Tộc Tày
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 8
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 9
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 11
- Sự Đa Dạng Của Ngôn Ngữ Và Giọng Điệu Thơ
- Hệ Thống Biểu Tượng Trong Thơ Tày Từ 1945 Đến Nay
Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.
ảnh một người đàn bà đa đoan, khao khát, muốn đảo tung tất cả, những gì là trật tự đã an bài, nhưng lại mâu thuẫn với những yếu mềm, thất vọng triền miên; những cô đơn, hụt hẫng của người đàn bà đang yêu, khát yêu, thậm chí có thể nói là “cuồng yêu”: Đừng hỏi em điều gì, hãy nhìn em/ Người đàn bà đa đoan đến cả dáng nằm ngồi cũng mang hình dấu hỏi, chỉ có một niềm tin duy nhất - một niềm tin mãnh liệt: Tôi vẫn tin/ Không gì đẹp bằng con người/ Khi tình yêu giúp họ vượt mọi ngăn trở…Và/ Không gì kỳ diệu bằng việc tạo thành CON NGƯỜI/ Cuộc sống bắt đầu từ sự phôi thai những đứa trẻ. Dư Thị Hoàn (dân tộc Hoa) khác, tuy khát khao nhưng luôn tỉnh táo vơi ý thức về sự hòa nhập đến tuyệt đối là điều không thể: Nếu anh cũng như em/ đòi nhau sự viên mãn/ thì điểm gặp nhau của chúng ta/ còn thảm hại hơn hai hòn bi.
Trong đề tài tình yêu của thơ dân tộc Tày, hình ảnh người phụ nữ luôn ở vị trí trung tâm. Y Phương với cách nói rất đặc trưng của người miền núi khi ngợi ca vẻ đẹp người phụ nữ: Khi lửa tắt/ Nó thoát vào không khí/ Khi mặt trời lặn/ Nó thóat vào không khí/ Khi mặt trăng lặn/ Nó thoát vào da thịt em… Dù mất mát, tan vỡ hay có được hạnh phúc vĩnh viễn, người phụ nữ luôn là cứu cánh của cuộc sống, là khởi nguồn cho tình yêu, cho cuộc sống. Đó là sự đề cao, ngợi ca người phụ nữ: Bốn giờ tiếng gõ cửa/ Anh lại được phục sinh/ Em ấm nồng ngọn lửa/ Em làm mới lại anh (Làm mới lại anh - Ma Trường Nguyên). Thơ thuộc phương thức trữ tình nên thơ lấy điểm tựa ở sự bộc lộ thế giới nội cảm của nhà thơ trước cuộc đời. Điều quan trọng nhất đối với nhà thơ là biểu hiện thế giới tinh thần, là nội tâm, cảm xúc. Nó cho phép tự nhiên nhiều khi bị đảo lộn, lấy cái phi lý bên ngoài (phi hiện thực, phi logic) để diễn tả cái hợp lý bên trong (cái thật của tâm trạng): Tôi muốn tắt nắng đi/ Cho màu đừng nhạt mất; hay Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/ Em có chồng rồi trả yếm cho anh/ Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh/ Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi… Ở đó là những hỉ, nộ, ái, ố, bi, lạc… có vui có buồn, hy vọng và thất vọng, đắm say và chán chường, nhưng dù ở dạng thức nào, nó cũng rất mộc mạc, thành thực. Trục cảm xúc vận động mang lại cho những vần thơ ấy một hiệu quả nghệ thuật cao là sự vận động từ cảm xúc đến suy nghĩ, từ những rung động trực tiếp đến chiều sâu của nhận thức. Sự nồng nàn của cảm xúc cộng với sự sâu sắc của
suy nghĩ đã tạo nên những bài thơ, những câu thơ có tính triết luận, mang màu sắc suy tưởng. Cái “tạng” của Mai Liễu trong thơ cũng giống con người anh, dường như lúc nào cũng thâm trầm, giản dị. Thơ anh là thứ thơ không phải để đọc trước những cuộc vui, tụ họp. Nó là để tâm tình, thủ thỉ, ngay cả trong tình yêu, trong sự hạnh phúc nhất, vẫn một giọng nhẹ nhàng khiêm nhường khi đề cao người phụ nữ: Sông bao nhiêu nguồn đục/ Về biển lại biếc trong/ Đời bao nhiêu cay đắng/ Bên em hóa ngọt ngào (Không đề V).
Thơ Mai Liễu thường trực một tâm trạng ngóng đợi, khi xa quê thì ngóng cố hương, khi yêu thì cũng là những tình yêu trong xa cách: Sông dào dạt về xuôi/ Cỏ níu bờ vẫy lại/ Em vầng trăng xa ngái/ Ta cùng trời heo may (Heo may). Tình yêu vốn mỏng manh, nó cũng như chính hình ảnh người con gái thóang chút mơ hồ trong thơ Bế Thành Long:
...Về trong mộng mái chèo nước đục
bãi bờ khô xác gió hoa lau...
Em có dịu dàng nữa đâu mà anh đợi Em về
thoáng nhẹ
áo trắng ngày xưa lạnh mỏng manh.
(Hư không)
Khác với cách nói của người miền xuôi, thơ dân tộc Tày có những so sánh rất đặc trưng, với Y Phương trong Em - cơn mưa rào - ngọn lửa, vẻ đẹp của người con gái giản dị và gần gũi: Em là mực trong ngòi/Là cơm trong nồi/ Là gà gáy/ Cũng là quả ớt/ Những gì anh có được/ Đều bắt đầu từ em... Cũng là sự yêu mến, tôn thờ phái đẹp, thơ Ma Trường Nguyên ví von:
Em là nắng là trăng anh thầm ví vậy Mang đến cho anh ấm nóng dịu lành... Em là ban ngày em là ban đêm
Là ngày tháng như đời anh nếm trải...
(Em là riêng anh cùng mưa nắng)
Dương Thuấn liên tưởng tới nguồn mạch của sự sống gần gũi xung quanh: Em là gì/ Anh không biết nữa/ Em là gì/ Khi sung sướng anh thường hỏi thế/ Em là nguồn nước nhỏ/ Chảy vào vại nhà anh… Cách diễn tả của Y Phương, Dương Thuấn: em đồng nghĩa với những gì đang hiện hữu, “bao bọc”, lan tỏa cả cuộc đời anh; cũng với lối tư duy của người Tày, Triều Ân lại viết: “Em như cơn lốc xoáy bay ngang”. Trong khi đó, Lưu Quang Vũ lại nói theo cách khác, đó là sự hình tượng hóa khác lạ, đường nét hư hư ảo ảo hơn với rất nhiều tính từ: Em tê dại, em âm thầm kiêu hãnh/ Em cô đơn như biển lạ lùng ơi/ Đi tìm nhau suốt đời/ Sao bây giờ mới gặp…hoặc: Em là tia nắng soi anh đến cuối cuộc đời…
Một điều hiển nhiên là đề tài tình yêu không bao giờ là mới nhưng nó vẫn giành được sự ưu ái không thể phủ nhận của tất cả mọi nhà thơ. Thơ dân tộc Tày từ những bài dân ca, phuối pác, phong slư hàng thế kỷ nay đã nói đến tình yêu. Các nhà thơ thời kỳ hiện đại vẫn tiếp tục khai thác đề tài vô tận ấy bằng một cái nhìn mới, cách tư duy mới. Cũng cần nhấn mạnh rằng không phải bài nào cũng hay, có những tác phẩm chỉ “thường thường bậc trung” và cả những bài còn vụng về... nhưng bản sắc riêng của người Tày được thể hiện trong những vần thơ tình yêu mới là điều đáng ghi nhận để khu biệt nó với thơ dân tộc thiểu số khác và thơ dân tộc Kinh. Thơ tình yêu của nhiều tác giả Tày độc đáo bởi những liên tưởng thú vị, đậm chất dân tộc: Bất ngờ/ Em đổ vào tôi/ Củi mục cành khô lại xanh chồi/ Hòn đá vỡ mọc lên cây nghiến” (Y Phương), hay Em muốn ngủ bên anh như rễ cây trong đất (Vi Thùy Linh)... cách nói ấy là của người dân miền núi. Chỉ có người miền núi mới nói: rễ cây ngắn, rễ người dài, mặt trời rơi, mặt trăng rơi, rượu vào mồm - mồm giòn, trâu khỏe vai - ngựa khỏe lưng - đàn bà khỏe da khỏe bụng… GS. Phong Lê trong bài viết về văn học các dân tộc thiểu số đã khẳng định rằng, thiếu bản sắc dân tộc, tức là chưa có gì đáng nói để phân biệt họ với những nhà thơ, nhà văn dân tộc khác. “Nghệ thuật mang tiếng nói của dân tộc này đến dân tộc khác, của thế hệ trước đến thế hệ sau; nó khắc phục những khoảng cách về thời gian và không gian, đem lại sự giao tiếp nhiều chiều, làm cho con người gần gũi nhau hơn và ngày một phong phú hơn” [52, tr.181]. Thơ dân tộc Tày là một minh chứng sinh động và giàu xúc cảm về tâm hồn và tính cách người miền núi, và nói như cách của Dêgơcx,
chừng nào tâm hồn một con người còn cần đến với một tâm hồn khác, chừng đó tác phẩm nghệ thuật còn cần thiết cho con người.
Như trên chúng tôi vừa phân tích, diễn trình văn học dân tộc Tày từ 1945 đến nay trải qua hai giai đoạn phát triển với sự biến chuyển cảm hứng rõ nét. Từ chỗ tập trung phản ánh lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu của đồng bào miền núi đến chỗ có sự phân hóa sâu sắc. Khi đất nước hòa bình, sự đổi mới diễn ra quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Những tác giả thơ dân tộc Tày có ý thức thường trực và rõ ràng hơn trong việc khẳng định tầm vóc, vị thế dân tộc mình trong thời đại mới. Họ viết về quê hương, bản làng, về những con người miền núi (người mẹ, người lính), về tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng... với một niềm tự hào, trân trọng sâu sắc. Dân tộc Tày không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ mà còn có những phong tục đẹp được gìn giữ qua nhiều thế hệ, qua đó ta thấy sự gắn bó sâu nặng của con người với quê hương, sự bám rễ bền chắc của mỗi cá nhân với cộng đồng, với văn hóa dân tộc bởi “văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sự vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách đạo lý. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên bản thân” [84, tr.24].
Chương 3
CÁC PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT CƠ BẢN CỦA THƠ DÂN TỘC TÀY TỪ 1945 ĐẾN NAY
Tác phẩm văn học luôn là một thực thể hoàn chỉnh với sự thống nhất của nội dung và hình thức. Mỗi tác phẩm văn chương đều hướng tới nhận thức và phản ánh mối quan hệ giữa văn học và đời sống, giữa chủ thể sáng tạo và hiện thực khách quan. Tất cả những cảm xúc, nhận xét, đánh giá ấy được biểu hiện thông qua một hình thức nhất định. Hình thức tác phẩm văn học là cái hợp thành của rất nhiều yếu tố: ngôn ngữ, kết cấu, loại thể (thơ, văn, kịch) và các biện pháp (miêu tả nội tâm, hành động…) nhằm mục đích tạo nên một dạng nhất định cho nội dung tác phẩm và khiến tác phẩm văn học được xây dựng thành một chỉnh thể thống nhất. Hình thức phải đáp ứng được đòi hỏi đầu tiên là phù hợp với nội dung, “nội dung nào hình thức ấy”. Hơn nữa, hình thức cần phát huy đến mức cao nhất khả năng biểu hiện nội dung của tác phẩm. Hình thức cũng mang tính độc lập tương đối, những thay đổi của nó khiến nội dung chịu tác động nhất định. Nội dung chỉ tồn tại khi biểu hiện qua hình thức và hình thức chỉ có ý nghĩa khi hướng tới thể hiện nội dung. Hình thức một tác phẩm văn học vừa nói lên được trình độ, quan niệm của tác giả vừa bộc lộ những thị hiếu thẩm mĩ của người đọc.
Như mọi sự vật và hiện tượng, tác phẩm thơ cũng bao gồm hai phương diện: nội dung và hình thức thống nhất biện chứng với nhau. Belinsky cho rằng, tư tưởng và hình thức phải hòa hợp với nhau một cách hữu cơ như tâm hồn và thể xác, nếu hủy diệt hình thức thì cũng có nghĩa là hủy diệt tư tưởng và ngược lại cũng vậy. Hegel cũng khẳng định, nội dung chẳng phải là cái gì khác, mà chính là chuyển hóa của hình thức vào nội dung, và hình thức cũng chẳng là gì khác hơn là sự chuyển hóa của nội dung vào hình thức. Nội dung của tác phẩm thơ thể hiện mối quan hệ giữa con người và đời sống, là một thể thống nhất giữa đời sống khách quan được tái hiện, chiếm lĩnh bởi người nghệ sĩ và thế giới tinh thần của chủ thể sáng tạo. Hình thức tác phẩm thơ chính là cách biểu hiện nội dung ấy. Hình thức có thể phân chia thành hai cấp độ: hình thức bên trong, hình thức bên ngoài. Hình thức bên
ngoài trước tiên được xác định bởi chất liệu đặc thù của loại hình nghệ thuật. Với thơ ca, đó là ngôn từ cùng với các kĩ xảo gieo vần, chia khổ, đặt câu, các biện pháp tu từ, các hình thức quy phạm cố định của thể loại. Đây là lớp vật chất của hình thức thơ. Tác phẩm văn học nào cũng tồn tại hình thức bên ngoài - hình thức vật chất. Song tác phẩm văn học còn bao gồm cả hình thức bên trong, hình thức tinh thần, hình thức cảm thấy, nhìn thấy. Chính hình thức bên trong mới thể hiện cái nhìn sâu sắc tính tích cực sáng tạo của chủ thể, nó là hình thức của cái nhìn về thế giới, về đời sống của nhà văn. Lựa chọn một hình thức cũng có nghĩa là lựa chọn một thái độ đối với đời sống, một góc độ tiếp cận với thực tại cuộc sống và cũng nhờ hình thức bên trong cho thấy sự vận động phát triển và đa dạng của ý thức nghệ thuật và tư duy nghệ thuật. Lựa chọn một hình thức còn có nghĩa là lựa chọn một cách ứng xử với chất liệu nghệ thuật, với những nguyên tắc tạo hình thức đã có sẵn. Hình thức thơ nói riêng tự bản thân nó không thể phát huy hết vẻ đẹp và sức hấp dẫn. Nội dung thơ cũng bị hạn chế nhiều nếu không tìm được phương tiện biểu hiện tương ứng.
Hình thức thơ bao gồm thể thơ, câu thơ, lời thơ (ngôn từ), hình ảnh, giọng điệu, vần, nhịp và các hình thức tổ chức của chúng. Hình thức thơ có tính ổn định, bền vững và cũng mang tính chất linh hoạt, năng động. Chính lý tưởng thẩm mỹ, quan niệm sáng tạo nghệ thuật mới, đã chi phối những hình thức biểu hiện trong thơ nói riêng và trong văn học nghệ thuật nói chung. Tư duy biến đổi kéo theo những thay đổi của sự thể hiện. Chỉnh thể một tác phẩm không phải là sự đóng kín mà là “một tổng thể năng động đang phát triển” (Tynianov). Một sáng tạo nghệ thuật có giá trị không chỉ là sự thành công của riêng nội dung hay hình thức mà là sự kết hợp hài hòa cả hai yếu tố và sự kết hợp ấy phải tạo được những ý nghĩa mới, phải động chứ không tĩnh. Hình thức và nội dung là đồng hành không thể thiếu trong sáng tạo nghệ thuật, hiểu được những cách tân trong hình thức cũng góp phần quan trọng trong việc khẳng định những biến đổi của nội dung.
Trong thơ của những cây bút dân tộc thiểu số, từ trước tới nay, phần đề tài, nội dung biểu hiện luôn được chú ý khai thác nhiều hơn. Những yếu tố thuộc về hình thức nghệ thuật chưa được chú ý đúng mực. Một điểm rất dễ nhận thấy là hầu hết những sáng tác của tác giả người Kinh về dân tộc vẫn có những nét khác biệt
rất lớn trong hình thức thể hiện với những sáng tác do chính các tác giả dân tộc tạo ra. Hơn 50 năm qua, kể từ sau Cách mạng tháng Tám - 1945, mảng văn học về miền núi đã thu hút được ngày càng nhiều các tác giả. Nhưng với tác giả là người dân tộc thiểu số, họ tham gia vào công cuộc ấy bằng một cảm hứng dồi dào, nhiệt thành rất riêng, đó là những trang thơ, những trang văn về lịch sử tâm hồn, lịch sử đời sống dân tộc họ. Ngôn từ, kết cấu, hình ảnh, giọng điệu… của nhiều tác phẩm thơ dân tộc Tày trong hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển đã vượt lên khỏi sự tả, sự kể đơn thuần để thăng hoa, để gợi, để biểu cảm và thực sự mang đến cho người đọc những bài thơ không chỉ hay, ý nghĩa về đề tài, nội dung mà còn đẹp, thú vị trong cách biểu hiện.
3.1. Sự đan xen thể loại
Theo Bakhtin, “Mỗi thời đại lịch sử có hệ thống thể loại của mình” và chúng “vừa rất cổ sơ nhưng luôn luôn mới mẻ”, đồng thời “thể hiện thái độ thẩm mỹ đối với hiện thực, một cách cảm thụ, nhìn nhận, giải minh thế giới và con người” [5, tr.8]. Thể loại văn học từ năm 1975 đến nay có nhiều biến chuyển và thay đổi đáng kể, trong đó đáng kể nhất là thơ ca. Nguyên nhân thay đổi ấy chính bởi thơ thời kỳ này là sản phẩm của những kiểu nhà thơ không hoàn toàn như trước.
“Vấn đề có ý nghĩa quan trọng đặc biệt là mối liên hệ giữa đặc điểm phổ biến của một thể loại văn học với những đóng góp riêng của từng dân tộc về sự phát triển của thể loại đó. Và cũng là hạn chế nếu không chỉ được ra phần đặc sắc riêng của từng dân tộc đã đóng góp vào sự phát triển chung của thể loại” [52, tr.159]. Thể loại của văn học dân tộc Tày có những điểm chung, điểm riêng so với tiến trình phát triển của thể loại văn học Việt Nam. Trước năm 1957, thơ là thể loại duy nhất (người mở đầu cho thể loại văn xuôi dân tộc thiểu số là Nông Minh Châu với Ché Mèn được đi họp - 1958, tác phẩm kịch đầu tiên là Chờ gà gáy của Nông Ích Đạt - 1957) tuy nhiên các thể thơ thường theo lối dân ca truyền thống, có sự đổi mới nhưng ít tạo được sự chú ý. Giai đoạn đầu thơ dân tộc thiểu số nói chung vẫn chịu ảnh hưởng đậm của các thể thơ dân gian (sli của người Nùng, lượn của người Tày, xường, rang của người Mường, khắp của người Thái, dung của người Dao...). Thơ dân tộc Tày giai đoạn đầu phổ biến là những thể thơ theo lối cũ, 7 chữ, 8 chữ hoặc 4 dòng 1 bài, theo các làn