Quan Niệm Phát Huy Giá Trị Văn Hóa Dân Tộc Thiểu Số Trong Phát Triển Bền Vững Tây Nguyên


vững Tây Nguyên. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho luận án tiếp tục giải quyết, là phải nghiên cứu, luận giải những vấn đề bản chất, những giá trị tiêu biểu, nội dung cốt lõi, xuyên suốt của giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên. Đây là cơ sở lý luận khoa học, để nhận diện những biểu hiện về mặt thực tiễn, qua đó định hướng nội dung phát huy và xây dựng giải pháp phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, có tính khả thi cao trong phát triển bền vững Tây Nguyên.

Hai là, khảo sát, đánh giá tình hình phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay bằng phương pháp mới, góc tiếp cận mới. Các công trình khoa học mới chỉ dừng lại luận giải chi tiết, sâu sắc cơ sở thực tiễn và vai trò của giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển Tây Nguyên. Vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu đánh giá khái quát, toàn diện việc phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay. Vì vậy, xuất phát từ sự đòi hỏi của thực tiễn và sự trống vắng của những công trình khoa học, trên cơ sở nền tảng lý luận thực chất và nhân tố cơ bản quy định quá trình phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Cần khảo sát, đánh giá thực tiễn phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay.

Ba là, đề xuất một số giải pháp cơ bản có tính khả thi cao nhằm phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay. Do đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu khác nhau, nên các công trình chỉ tập trung luận chứng và đưa ra các giải pháp toàn diện, có chiều sâu, mang tính khả thi, đối với việc nhìn nhận vai trò của văn hóa truyền thống với phát triển bền vững Tây Nguyên. Chưa công trình nào đi sâu vào một lát cắt cụ thể, để xác định giải pháp phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên. Do đó, từ đối tượng, phạm vi, khách thể nghiên cứu và xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, cần đề xuất những giải pháp có tính đặc thù, có ý nghĩa thực tiễn cao, mang định hướng phương pháp luận dưới góc độ triết học.


Kết luận chương 1

Tổng quan tình hình nghiên cứu về phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay có ý nghĩa quan trọng với đề tài luận án. Các công trình đã chỉ ra cái nhìn toàn cảnh về văn hóa, văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên, giá trị, giá trị văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Các nhà khoa học khi nghiên cứu về văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên đều cơ bản cho rằng, Tây Nguyên là một vùng văn hóa phong phú, huyền bí với sự chung sống hài hòa của nhiều dân tộc, tôn giáo, nhưng nền văn hóa đó đang đứng trước nguy cơ biến đổi và mai một. Đây là những nội dung quan trọng sẽ được tác giả kế thừa và phát triển sâu sắc hơn trong quá trình hoàn thành luận án. Xuất phát từ đối tượng, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu của mỗi công trình không giống nhau mà các tác giả chỉ khai thác về văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên, xu thế phát triển và những tác động ngoại cảnh đối với văn hóa Tây Nguyên. Cho đến nay, dưới góc độ triết học vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu, bài bản và hoàn chỉnh về “Phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay” thành một công trình cụ thể.

Góc độ tiếp cận của luận án là bằng phương pháp luận triết học: phân tích thực chất phát huy giá trị văn hoá dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên. Với các đối tượng là phát huy giá trị đời sống sản xuất sinh kế, đời sống sinh hoạt tinh thần, phong tục, tập quán của người dân tộc thiểu số vào trong thực tiễn phát triển bền vững Tây Nguyên. Trên cơ sở lý luận và đánh giá thực trạng, chỉ ra những yếu tố quy định và giải pháp phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên một cách hoàn chỉnh.


Chương 2

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TÂY NGUYÊN

2.1. Quan niệm phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên

Phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay - 4

2.1.1. Quan niệm về giá trị văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên và phát triển bền vững ở Tây Nguyên

* Dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Tây Nguyên là một vùng cao nguyên rộng lớn, gồm năm tỉnh của Việt Nam: Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng, với tổng diện tích 54.508,3 km² [phụ lục 2k]. Có hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng, với trữ lượng tài nguyên, sản vật phong phú. Tây Nguyên có lịch sử phát triển lâu dài trải suốt hàng trăm năm từ thời tiền nhà nước, tiền giai cấp đến nay. Xã hội Tây Nguyên duy trì sự ổn định trong thiết chế buôn làng tự quản, dựa vào luật tục và người có uy tín trong cộng đồng là chủ yếu. Người Tây Nguyên cổ truyền có nền kinh tế dựa vào thiên nhiên, tự cấp tự túc là chính. Với nền văn hoá nổi trội là văn hoá rừng, văn hoá làng và văn hoá tộc người. Vùng là địa bàn chung sống của người dân tộc thiểu số tại chỗ, người Kinh và người dân tộc thiểu số mới đến. Trong đó, người dân tộc thiểu số tại chỗ là nhóm người sinh sống lâu đời nhất ở đây. Hiện nay tại Tây Nguyên có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống [17], trong đó có dân tộc Kinh và 46 dân tộc thiểu số. Cộng đồng các dân tộc sinh sống lâu đời nhất ở đây, gọi là dân tộc thiểu số tại chỗ (luận án sẽ thống nhất gọi là dân tộc thiểu số). Dân tộc thiểu số tại chỗ mà đề tài luận án nghiên cứu

cũng chính là cộng đồng tộc người thiểu số tại chỗ của Tây Nguyên.

Dân tộc thiểu số Tây Nguyên là cộng đồng tộc người thiểu số tại chỗ được hình thành trong lịch sử của Tây Nguyên, họ chính là chủ thể sáng tạo ra nền văn hoá phong phú đa dạng và mang sắc thái của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.


Cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên gồm 12 tộc người chiếm 26,58% tổng dân số [69, tr. 147], bao gồm: Gia Rai, Ê Đê, Chu Ru, Ra Glai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Rơ Măm, Mạ, M’Nông, Cơ Ho và Brâu (trước đây thường gọi là người Thượng). Đây là cộng đồng dân cư lâu đời nhất ở Tây Nguyên, sinh sống dọc các sườn núi, rải rác khắp 5 tỉnh của vùng. Trong suốt quá trình sinh tồn và phát triển, họ đã sáng tạo ra nền văn hoá độc đáo, đa sắc màu của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Trước sự dịch chuyển cơ cấu dân cư, người dân tộc thiểu số tại chỗ có nhiều thay đổi về địa bàn cư trú. Có một bộ phận sinh sống ở thị xã, thị trấn, nhưng đa số sống ở vùng ven, và sống bằng nghề nông là chủ yếu. Một bộ phận khác di tản vào những vùng núi cao, vùng xa, quy tụ nhau lại, duy trì tập tục cũ. Cũng có những người sau khi bán hoặc nhường đất cho những người mới đến, không có nghề nghiệp sinh sống ổn định, lại quay lại làm thuê trên chính mảnh đất trước đây là của mình. Có thể nói, cùng với làn sóng di cư ồ ạt từ các vùng miền trên cả nước, là sự gia tăng đột biến cơ cấu dân cư và thành phần dân tộc tôn giáo ở Tây Nguyên. Người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên đang trở thành thiểu số ngay trên chính mảnh đất cha ông mình, đặt ra nhiều vấn đề về biến đổi văn hóa và sinh kế.

* Văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Đến nay đã có rất nhiều quan niệm khi nghiên cứu về văn hoá, tuỳ vào từng góc độ tiếp cận, từng ngành nghề nghiên cứu, mà có những quan điểm khác nhau khi nghiên cứu về nội dung có nội hàm rất rộng lớn này.

Tiếp cận dưới góc độ giá trị, thì "văn hoá là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong quá trình thực tiễn xã hội - lịch sử và tiêu biểu cho trình độ đạt được trong lịch sử phát triển xã hội” [142, tr. 368-369]. Quan niệm này nhấn mạnh văn hoá chính là những giá trị vật chất và tinh thần được hình thành thông qua hoạt động sống của con người.


Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn mặc ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá” [51, tr. 458]. Quan niệm của Hồ Chí Minh về văn hoá khá sâu sắc và toàn diện. Người đã chỉ ra văn hoá là sản phẩm của hoạt động sáng tạo của con người, hoạt động sáng tạo đó tạo nên những giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Trong Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa tại Vơ-ni-dơ (I-

ta-li-a), năm 1970, nguyên Nguyên Tổng Giám đốc UNESCO, ông Federico Mayor đã đưa ra một khái niệm về văn hóa, được cộng đồng quốc tế công nhận. Đó là: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và cộng đồng) trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”. (tác giả nhấn mạnh). Đây là một quan niệm rất rộng và bao quát, khi xem xét văn hoá ở ba yếu tố cốt lõi là: thứ nhất, nhấn mạnh văn hoá là hoạt động sáng tạo của con người trong suốt chiều dài lịch sử, từ quá khứ đến hiện tại; thứ hai, nhấn mạnh hệ thống các giá trị do con người sáng tạo ra. Đó là những giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Điều này cũng tách văn hoá ra khỏi những gì phản giá trị, không nhân văn và không phụng sự con người.; thứ ba, nhấn mạnh bản sắc riêng của dân tộc (đặc tính riêng của mỗi dân tộc). Văn hoá xét đến cùng chính là những gì riêng có, những đặc trưng không thể trộn lẫn. Chính nhờ có văn hoá, mà có thể phân biệt được dân tộc này với dân tộc khác, quốc gia này với quốc gia khác. Hay nói cách khác, văn hoá làm nên bản sắc dân tộc.

Dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng tựu chung lại, văn hoá là những gì liên quan đến con người, do con người sáng tạo ra suốt tiến trình lịch sử. Khẳng định ở đâu có hoạt động sáng tạo của con người thì ở đó sẽ hình thành nên các giá trị văn hoá.


Trên cơ sở đó, có thể quan niệm: Văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên là tổng thể các hoạt động sáng tạo của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ trong suốt tiến trình lịch sử, hình thành nên một hệ giá trị vật chất và tinh thần mang bản sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn Tây Nguyên.

Văn hoá dân tộc thiếu số Tây Nguyên theo cách định nghĩa này, là tập hợp các hoạt động sáng tạo của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Hoạt động sáng tạo đó là cơ sở của hệ thống giá trị mang bản sắc của văn hoá dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Bao gồm các hoạt động sáng tạo cơ bản sau đây:

Thứ nhất, hoạt động sáng tạo trong sản xuất và tổ chức đời sống vật chất gắn liền với việc khai thác và giữ gìn rừng trên địa bàn Tây Nguyên

Sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên chủ yếu là canh tác nương rẫy, trồng lúa nương và các loại hoa màu cung cấp cho đời sống tự cấp tự túc. Việc canh tác của họ vừa khai thác vừa giữ gìn được rừng. Tại mô hình sản xuất này, người đồng bào thực hiện khai hoang, mở rộng nương rẫy trong những khu rừng được cộng đồng cho phép sản xuất. Có một đặc trưng riêng là phương thức sản xuất hưu canh luân khoảnh, vừa khai thác vừa giữ gìn rừng. Trong quá trình khai thác, nếu thấy đất có dấu hiệu bạc màu, thì thu hoạch xong người đồng bào sẽ dừng lại, chuyển sang canh tác ở thửa rừng khác, để cho thửa rừng đã bạc màu khoảng thời gian từ năm đến mười năm để tự phục hồi. Nhờ thế, dù khai thác suốt cả hàng trăm năm nay nhưng người Tây Nguyên vẫn giữ được gần như nguyên trạng sự trù phú của rừng.

Thứ hai, hoạt động sáng tạo ra các thiết chế buôn làng tự quản, tổ chức xã hội cộng đồng mang đặc trưng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Trải suốt một thời kỳ lịch sử lâu dài, xã hội truyền thống của người Tây Nguyên được vận hành bằng luật tục thiết chế buôn làng tự quản qua toà án phong tục. Luật tục là một sáng tạo độc đáo của người Tây Nguyên, tất cả các vấn đề của đời sống xã hội được nhắc đến với từng điều cấm cụ thể. Từ người phụ nữ, người già, trẻ em, người yếu thế trong xã hội đều được bảo vệ, phòng


ngừa các rủi ro. Mỗi người đều bắt buộc phải có trách nhiệm với cộng đồng, với gia đình mình, với những người đã chết và thần linh. Không được xâm phạm thân thể, tài sản của người khác, không được xúc phạm thần linh và những vùng đất cấm như rừng thiêng, rừng mộ địa, rừng đầu nguồn. Cả những người có vai vế, có tiếng nói trong cộng đồng, như già làng, trưởng bản cũng không được nằm trong “vùng an toàn”, nếu vi phạm điều cấm trong luật tục sẽ bị xử phạt công khai tại toà án phong tục. Nhờ vậy, xã hội Tây Nguyên trải suốt hàng thế kỷ phát triển, dù chưa có nhà nước, chưa có pháp luật chính thức nhưng vẫn có thể vận hành trong trật tự ổn định.

Thứ ba, hoạt động sáng tạo trong nghệ thuật và tổ chức đời sống tinh thần với những hình thức văn hoá nghệ thuật đặc sắc của dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên gắn với rất nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phong phú, tiêu biểu như cồng chiêng, đàn đá, sử thi…

Không gian văn hoá cồng chiêng là một di sản văn hóa đồ sộ của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Cồng chiêng không tồn tại đơn thuần như một nhạc khí, hơn thế nó còn xuất hiện trong hầu khắp các nghi lễ, lễ hội quan trọng của người Tây Nguyên. Từ lễ mùa vụ đến lễ vòng đời, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, các hoạt động sống của họ đều có sự tham gia của cồng chiêng, dưới sự chở che của rừng già. Trong sâu thẳm nền văn hóa đầy bí ẩn này, gần như toàn bộ các hoạt động sống của họ đều âm vang những thanh âm trầm hùng của cồng chiêng. Bộ cồng chiêng được người đồng bào lưu giữ như một tài sản. Mỗi bộ phận của bộ cồng chiêng đều được đúc thủ công, tinh chỉnh, thẩm âm cẩn thận, dù thế, các thanh âm của cồng chiêng đều phản ánh đặc trưng riêng của từng dân tộc. Người dân tộc thiểu số Tây Nguyên chỉ cần nghe tiếng cồng chiêng, là biết của dân tộc nào, biết rõ trong tiếng chiêng đó muốn chuyển tải thông điệp gì.


Đàn đá là một sáng tạo độc đáo của người Tây Nguyên trong quá trình chinh phục tự nhiên, nó phản ánh đặc trưng sản xuất nguyên thủy cổ xưa tại vùng đất này. Thoạt nhìn, đàn đá được chế tác thô sơ, nhưng lại phản ánh được sự tinh tế và năng lực thẩm âm của những nghệ nhân, với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau, những thanh đá cũng mang lại những âm thanh khác biệt hoàn toàn. Khi âm thanh của đàn đá cất lên, qua mỗi quãng âm là những thanh âm đơn sơ, thuần khiết nhất, là tiếng thánh thót của âm vực cao, là như tiếng của ngàn xa vọng về của âm vực trầm. Ban đầu, đàn đá được sáng tạo để phục vụ cho quá trình sản xuất, đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng, về sau nó còn được sử dụng tại các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các nghi lễ thờ cúng của người Tây Nguyên.

Sử thi Tây Nguyên gắn liền với những tên tuổi thần thoại, những người anh hùng có công lớn với con người nơi đây như Đăm San, Đăm Di, Dyông… mà đồng bào Tây Nguyên kính trọng, tôn sùng. Sử thi Tây Nguyên chuyển tải những trang sử sống động từ thủa xa xưa của miền đất này, hơn thế nó được lưu giữ bằng hình thức truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Có khoảng hơn hai trăm pho sử thi được sưu tầm, lưu giữ, đây là một nguồn tư liệu phong phú để nghiên cứu lịch sử, văn học dân gian và văn hóa Tây Nguyên, nhất là trải suốt một thời kỳ dài, nhiều dân tộc chưa có chữ viết, không ghi chép sử sách. Dù có một dung lượng đồ sộ nhưng sử thi Tây Nguyên lại đặc biệt dễ nhớ do được kể bằng lối văn vần, điều này là một yếu tố đảm bảo việc lưu truyền sử sách của con người nơi đây. Hằng đêm, bên bếp lửa của nhà Rông, nhiều thế hệ người đồng bào ngồi quây quần bên nhau, nghe già làng hoặc nghệ nhân hát Khan kể về những áng sử thi anh hùng. Khi đêm đã tàn, buổi kể chuyện được khép lại để lại những háo hức, tò mò cho người nghe vào những đêm sau đó. Trong những lần đó, không gian, bối cảnh của những trang sử lần lượt được tái hiện một cách sinh động, điều này tưới tắm vào lớp trẻ tình yêu, niềm tự hào về cha ông mình, đồng thời sẽ lưu giữ

Xem tất cả 200 trang.

Ngày đăng: 15/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí