các bộ phận: cần đàn, bầu đàn, mặt đàn, thủ đàn và dây đàn. Bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nậm già, tròn và dày đều. Đàn tính được dùng đệm hát trong các nghi lễ Then, là nguồn khải lực để Then thoát hồn, thông quan với các loại thần linh.
Các sáng tác dân gian dân tộc Tày nhắc nhiều đến cây đàn tính như một biểu tượng không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Truyện thơ, truyện kể dân gian, dân ca, tục ngữ… luôn “đậm đặc” những khả năng kỳ diệu mà cây đàn tính tạo nên: Bên đường tùng, trúc ngát xanh tươi/ Mười hai đình cửa trời sạch sẽ/ Hoa ngoài nhìn đẹp đẽ mường tiên/ Đàn tính gảy liên miên dìu dặt (Lưu Đài - Hán Xuân). Tác giả của Tam Mậu Ngọ nói đến “ma lực” khó có thể hình dung của tiếng đàn tính khi được gảy lên: Đàn này đủ mọi lời mọi tiếng/ Người tốt nghe xao xuyến đến ngay/ Vì tiếng đàn nghe say ngây ngất; Nghe tiếng đàn bần thần quên đói; Làm người nghe khát khao say đắm...
Nếu nhạc cụ của người Nùng là cây đàn nhị và bộ xóc đồng lục lạc, người H’mông là khèn ống trúc, khèn môi thì hình ảnh cây đàn tính là một nét nổi bật trong đời sống sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người dân tộc Tày. Nó là sự thể hiện tâm hồn, tình cảm của người Tày. Thực chất, câu chuyện về nguồn gốc của đàn tính được các tác giả dân gian khóac cho một tấm áo “huyền thoại” cũng như nhiều sự tích khác. Đến giai đoạn hiện đại, cây đàn tính vẫn là niềm cuốn hút, say mê của nhiều thi nhân. Họ lại “tái tạo” sự tích bằng những vần thơ say đắm. Theo nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa, ngày xưa có một người đàn ông và một người đàn bà được Trời cho xuống trần thế, họ trồng cây bầu nậm:
Quả khô đem về mài gọt Rút sợi tơ trời làm dây
Mượn ruộng bậc thang làm phím Đàn tính khởi nguồn từ đây.
Bởi sự hình thành rất đặc biệt ấy, tiếng đàn có sức lan tỏa và khả năng kỳ diệu: Hình như tiếng đàn trong gió/ Dồn lên vó ngựa kiêu hùng/ Róc rách lời khe, giọng suối/ Trăm nguồn về một dòng sông. Nông Quốc Chấn “diễn thơ” sự tích đàn tính:
Chiếc đàn tính vốn có mười ba dây Vì tiếng nó vang to vang xa
Nên vua ra lệnh cắt đi gần hết...
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Đa Dạng Của Ngôn Ngữ Và Giọng Điệu Thơ
- Hệ Thống Biểu Tượng Trong Thơ Tày Từ 1945 Đến Nay
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 14
- Thơ Nông Quốc Chấn - Sự Kết Hợp Truyền Thống Và Tinh Thần Thời Đại
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 17
- Thơ Dương Thuấn - Khát Vọng Hướng Về Nguồn Cội
Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.
Nhưng chẳng vua nào cắt nổi âm thanh dân tộc Đàn ba dây vẫn thánh thót giữa cuộc đời
(Đàn ba dây)
Chiếc đàn ba dây ấy được Triều Ân cụ thể hóa:
Cây đàn tính có dây tiền dây hậu Và dây trung hòa thêm vẻ rộn ràng
Tay nhẹ vuốt nhạc bay trên các phím Gọi cỏ hoa bừng đón xuân sang.
Biểu tượng đàn tính trong đời sống tinh thần, trong văn học dân gian của người Tày thống nhất ở ý nghĩa biểu đạt. Đó là cây đàn mang đến sức mạnh tinh thần cho con người, gắn kết tâm hồn của những con người trong một cộng đồng. Thơ Tày hiện đại vẫn bảo lưu ý nghĩa ấy. Các nhà thơ dùng những hình ảnh đẹp nhất, sáng tạo nhất để diễn tả sức mạnh âm thanh cây đàn tính: Dây vải hay dây tơ?/ Tiếng đàn tính lọt vào tai, vào ruột/ Tiếng vang lên ngọn cây, đỉnh núi cao cao vút/ Vượn trố mắt nhìn trượt chân ngã, quên con/ Chim trong tổ bay ra ngơ ngác, bồn chồn/ Ve đậu trên cành hoa im tiếng/ Gái trai đi, hát cười vang bỗng đứng/ Bảo nhau nghe, im lặng, bảo nhau nghe (Chiếc đàn tính và tiếng hát người nghệ sĩ mù - Nông Quốc Chấn).
“Trong mọi nền văn minh, các hoạt động mãnh liệt nhất của đời sống xã hội hoặc cá nhân được nhấn mạnh bằng những phương tiện biểu lộ, trong đó âm nhạc giữ một vai trò trung gian để mở rộng sự giao cảm đến tận giới hạn của cái thần thánh” [19, tr.33]. Một điểm đặc biệt là những sáng tác của thơ Tày hiện đại chú ý đến sự xuất hiện song hành cặp đôi đàn tính - hát then, điều này rất hiếm thấy trong những sáng tác dân gian. Hát then là một cuộc diễn xướng trường ca mang màu sắc tín ngưỡng tường thuật lại cuộc hành trình lên thiên giới để cầu xin Ngọc hoàng ban cho những điều mong muốn. Có nhiều điệu then như then du xuân, then bách điểu, then cầu mùa... Dương Khâu Luông diễn tả trong trẻo: Phải tiếng then bằng gió/ Nên hát cứ bay xa/ Phải then làm bằng hoa/ Nên lời nào cũng đẹp. Hoàng Chiến Thắng có những lời thơ thú vị diễn tả sức mạnh của những lời then:
Người ta săn bằng cung tên Người ta săn bằng lưỡi mác Thít nín đợi bầy thú hoang Ta săn ánh trăng
Bằng lời then thủ thỉ
Buông câu sli ta dắt lối trăng về...
Cây đàn tính cùng với chùm xóc nhạc, quạt giấy là dụng cụ không thể thiếu trong nghi lễ then. Khi cây đàn tính với câu hát then xuất hiện cùng nhau - một chỉnh thể hoàn hảo được tạo lập thì mọi sức mạnh được quy tụ lại. Trong thơ Tày hiện đại, cặp biểu tượng đàn tính - hát then mang đến những ý nghĩa mới, tầng bậc mới. Đấy là niềm vui của bản làng: Hoa dó cắm linh thiêng trên bàn thờ tổ tiên/ Đưa đường ông bà về ăn Tết/ Hoa cứ quyện trong tiếng đàn tiếng hát/ Say ngả nghiêng trong đêm hội then làng (Tạ Thu Huyền); là lời ước hẹn thề nguyền bền chặt: Vịn cây đàn tính tìm nhau/ Dẫu là xưa, dẫu là sau... hỡi người!/ ... Ới la... ước hẹn phương nào?/ Điệu then cứ lặng rót vào tim tôi (Mai Liễu). Và, khi cây đàn tính cùng lời then dìu dặt cất lên đồng nghĩa với tình yêu, hạnh phúc: Ai cũng vội đi mời bà then/ Đến với cây đàn tính hát thâu đêm… Lời then như muôn hạt mưa xuân/ Rơi vào đất nhú lên thành lộc biếc/ Rơi vào tóc cho tình yêu thêm rạo rực/ Rơi vào mây hóa những chiếc cầu vồng… (Dương Thuấn). Trong thơ Y Phương, cây đàn tính là vật thiêng, chất chứa trong ấy những điều hệ trọng, lớn lao chứ không chỉ là một nhạc cụ. Đàn tính là tiếng lòng từ ngàn năm vang vọng lại, là lời đau thương, lời ly biệt: Cây đàn này đâu phải cây đàn/ Bầu nước mắt trăm năm cười khóc/ Cây đàn này đâu phải cây đàn/ Bọc sinh nở, lời chào ly biệt…
3.3.2.4. Biểu tượng ngựa
Với người Tày nói riêng và người miền núi nói chung, con ngựa được nhắc tới nhiều trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong đời sống văn hóa tinh thần. Họ coi con ngựa trong nhà không chỉ là tài sản lớn, là phương tiện vận tải hàng hóa mà còn là người bạn tri kỷ. Những sáng tác dân gian của dân tộc Tày như truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, dân ca, tục ngữ… xuất hiện biểu tượng ngựa với những tầng bậc nghĩa phong phú. Có thể đó là những con vật quen thuộc,
trong nghĩa thực, thường xuyên xuất hiện cùng voi: Liễu dù xanh nàng ngồi chễm chệ/ Ngựa voi trạng mau lẹ rút về/... Voi ngựa về tập trung phò giá... (Lưu Đài - Hán Xuân). Có thể đó là những hàm ẩn cho một triết lý sâu xa về cuộc sống, đặc biệt trong tục ngữ. Khi người Tày nói: “Khuý mạ bấu tả pài lăng” có nghĩa là Cưỡi ngựa không nên quên quê ngoại, giàu sang (có ngựa cưỡi) không quên quê ngoại, nơi sinh thành của mỗi người. Hoặc Ngựa gầy dài lông/ Nghèo khó không có lý lẽ; Có con không có tã/ Có ngựa không có yên… đều là những ẩn nghĩa về cuộc sống khó nhọc của con người.
Sang đến giai đoạn hiện đại, con ngựa xuất hiện trong những sáng tác thơ ca đôi lúc vẫn với ý nghĩa quen thuộc, nhưng các tầng nghĩa được thay đổi một cách đáng kể. Biểu tượng ngựa trong thơ Tày hiện đại không chỉ là con vật với đặc trưng vốn có, mà mang một tâm hồn, gửi gắm những ước mơ, tâm sự.
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy biểu tượng ngựa trong thơ ca Tày hiện đại xuất hiện đậm đặc, biểu đạt bốn lớp nghĩa chính. Đầu tiên, ngựa tượng trưng cho cái đẹp, oai hùng, cái kỳ vĩ. Cái hay, cái đáng nói hơn cả là những chú ngựa với sức mạnh phi thường, những con ngựa hoang của đại ngàn chất chứa nhiều khát vọng. Con ngựa thiên lý, con ngựa bất kham màu hồng của Lê Văn Duyệt (Tổng trấn Gia Định) xuất hiện trong Hai Khôi (truyền thuyết dân gian Cao Bằng) là biểu tượng cho sức mạnh vô song. Ngựa rồng màu trắng của Nùng Trí Cao như người bạn tâm giao mang sức mạnh thần kỳ. Sau khi chiến thắng quân thù, Nùng Trí Cao cùng ngựa rồng bay về trời. Truyền thuyết này gắn với hình ảnh núi Ngựa bay (mỏm Mạ Bân) ở Án Lại, Hòa An, Cao Bằng. Trong thơ Tày hiện đại, vẻ đẹp ấy được nâng lên một cung bậc mới, đó là những chú ngựa kỳ vĩ, thần thánh. Hình ảnh một đoàn ngựa oai hùng trong thơ Nông Quốc Chấn:
Bầu trời cao trong xanh Mặt đất rộng mênh mông Ngựa phi trên đồng cỏ Từng đoàn thi nhau khua vó
Con hồng, con ô, con trắng, con vàng... Phi nước đại dọc ngang
Ở đây tưởng mặt trời chẳng bao giờ lặn...
Y Phương khắc hoạ những con ngựa có sức mạnh vô song, dáng bay tác động cả vào tâm thức: Từng đàn/ Ngựa trắng/ Bay/ Trong nắng/ Đạp/ Mặt trời nghiêng… Hình ảnh được tập trung miêu tả nhiều nhất là tiếng móng ngựa gõ gợi nhiều xao động: Ngựa đi trong mây/ Hơi thở như say/ Chỉ nghe móng gõ/ Chỉ nghe gió bay… hay Ngựa gõ móng lay trời sao lấp lánh/ Phía chợ tình réo rắt tiếng khèn môi (Nông Thị Ngọc Hòa).
Ở lớp nghĩa thứ hai, ngựa xuất hiện khi thể hiện sự đồng cảm với con người, ngựa là một người bạn gắn bó: Ngựa hý đầu nương/ Bờm nặng hạt dương/ Ngựa ơi có mỏi/ Gắng thêm đoạn đường (Triều Ân), ngựa mang tâm trạng con người: Chiều nắng đổ/ Day dứt câu sli giã bạn/ Con ngựa gõ móng lên đèo/ Lừng khừng nỗi nhớ/ Nắng nhạt thẫn thờ gối ngọn cây (Đoàn Ngọc Minh). Ngựa còn ẩn dụ cho một cuộc sống khác. Tiếng ngựa hí trong thơ Triều Ân, khi đất nước còn chịu cảnh áp bức, khổ đau: Tiếng ngựa hí như tiếng dao/ Để quan lách ruột chạm vào tim ta... Đến khi đất nước được giải phóng: Miền đồng ruộng, miền rẻo cao/ Cầm cờ đỏ, phất ánh sao, rực trời/ Nắng hồng rọi chiếu khắp nơi/ Giờ nghe ngựa hí khác thời năm xưa.
Trong thơ ca dân tộc Tày, không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà thơ dụng công khắc họa những chú ngựa có dáng dấp, tính cách như ngựa hoang; nó thể hiện cái tung hoành ngang dọc, thể hiện cái ý chí quyết liệt, mạnh mẽ. Nó như “Một ký ức dường như ăn sâu vào tất cả ký ức của các dân tộc, từ thời nguyên thủy, liên kết con ngựa với bóng tối cõi âm ty, nơi nó đột nhiên xuất hiện, phi như máu chảy trong mạch, từ lòng đất hoặc từ biển thẳm lên cõi dương” [19, tr.654]. Bầy ngựa bay rất đẹp, đó là hình ảnh trong mơ ước, chúng bay từ tiềm thức, từ nỗi nhớ đến cháy lòng miền quê sơn cước của các thi nhân. Nhưng cũng từ những miền quê ấy, họ muốn một sự bứt phá, thay đổi. Ngựa lúc này lại là biểu tượng của những khát vọng con người. Lương Định nói với con, dùng hình ảnh con ngựa, họa mi để thể hiện khát vọng chiếm lĩnh cái mới, mở một con đường: Hãy lên đường/ Bằng đôi chân đạp xô đá núi/ Đừng ngồi trên mình ngựa/ Dong dong theo lối mòn/ Cha không thích những bài ca xưa cũ/ Nghe họa mi hót mãi cũng nhàm/ Nhìn con nhện giăng tơ/ Sẽ làm con rối mắt…/ Bỏ con dao vào bao/ Nhớ mài thật sắc/ Khi cần rút ra/ Tự mở một con đường… (Lương Định). Trong thơ Dương Thuấn, những
con ngựa của đời sống tâm linh mang nhiều nét nghĩa đặc sắc. Bầy ngựa bờm dựng lửa/Con phi ra đồng cỏ/ Con phi về phía mặt trời… Ngựa đã phi không dừng lại… Núi trùng trùng/ Mặt trời lên chưa kịp nhìn đã tắt/ Bầy ngựa hý vang gương mắt/ Khua vó lên trăng... Những câu thơ bộc lộ khát vọng tự do, kiểu “tự do đại ngàn”. Những chú ngựa kiêu hãnh “đã phi không dừng lại” và khua vó lên trăng mang một vẻ đẹp oai hùng.
Ý nghĩa biểu đạt thứ tư, ngựa chính là nỗi đau của con người. Đây là một lớp nghĩa đặc biệt. Nó khác với ý nghĩa vốn có của biểu tượng ngựa cũng như các lớp nghĩa xuất hiện trong văn hóa/ văn học dân gian Tày. Khi diễn tả sự mất mát của con người, hình ảnh ngựa hồng xuất hiện:
Con đã về đây
Bên ngôi nhà của ngoại
...Ông đi xa
Xa kia ngọn núi Những chú ngựa hồng Ông cưỡi
Đã bay lên...
(Ông ngoại - Đinh Thị Mai Lan)
Không chỉ là nỗi đau của sinh ly tử biệt: Con ngựa hồng bờm dài/ Từng đưa cha đi chữa bệnh/ Nay ngựa hồng đưa cha về trời… (Y Phương) mà còn là nỗi đau vì tình yêu tan vỡ: Ngày xưa đi xuống chợ/ Có em cưỡi ngựa hồng/ Giờ ngựa hồng đi xa/ Ngày xưa không còn nữa (Dương Khâu Luông). Đặc biệt “ngựa về tàu khác” trong thơ Dương Thuấn là một biểu tượng của sự chia ly: Bây giờ ngựa về tàu khác/ Một mình anh ôm câu hát/ Đi tìm bóng núi ngày xưa… Trong truyện thơ Tày, ngựa còn trở thành biểu tượng của tình yêu khi cặp đôi ngựa - tàu cùng song hành xuất hiện. Lời của người con gái (Bích Nga) hỏi người yêu trong Tam Mậu Ngọ: Chàng ra đi xa cách nghìn trùng/ Ai chăm sóc cơm bưng nước rót/ Ngựa đi còn nhớ tiếc đến tàu/ Hay vui bạn quên sau quên trước…
Cuộc sống của những con người miền núi là một cuộc sống gắn bó với tự nhiên, đại ngàn rộng lớn, không bị bó buộc trong khoảng không gian tù túng, chật
hẹp. Bởi vậy hình ảnh những chú ngựa khua vó hý vang biểu tượng cho một không gian mênh mông, cho cái khát vọng tự do của đại ngàn. Có thể thấy, con ngựa trong sáng tác dân gian thiên nhiều về biểu thị đời sống vật chất, sang giai đoạn thơ hiện đại, con ngựa là hiện thân của một thế giới tinh thần kỳ vĩ, của những ước vọng lớn lao, của những niềm khát khao vô biên, thậm chí được nâng đến mức thần thánh.
Ngoài ra, ở những mức độ khác nhau mỗi nhà thơ dân tộc Tày còn có những biểu tượng đặc thù, phù hợp với cá tính, phong cách riêng của mình như núi, sông, suối, đá, lửa... nhưng luận án chỉ tập trung vào một số biểu tượng nổi bật nhất, mang nhiều ý nghĩa thường xuất hiện trong thơ dân tộc Tày để khảo sát.
3.3.3. Nhận xét
Biểu tượng - sức sống văn hóa dân tộc
Một trong những biểu hiện cụ thể của sự kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc là sự tìm về những khởi nguyên - cội nguồn, những biểu tượng ăn sâu vào tâm thức con người dân tộc, và tiếp thu sáng tạo từ mạch nguồn lâu bền ấy. Giải mã những biểu tượng như mẹ Hoa, lúa, đàn tính, ngựa… nói riêng, những biểu tượng văn hóa nói chung, phần nào hé mở cánh cửa bước vào thế giới rộng lớn, phong phú của văn hóa dân tộc Tày; xem xét sự biến đổi của những biểu tượng ấy, sẽ nhận ra những chuyển biến tư duy, cách cảm nhận cuộc sống trong thời kỳ hiện tại. Tồn tại cùng với lịch sử phát triển văn hóa của con người, biểu tượng làm phong phú các hiểu biết thẩm mỹ của con người và cao hơn nữa là “khắc sâu trong hoạt động tiến hóa toàn vẹn của con người”.
Trong thơ ca dân gian, truyện cổ dân gian Tày chúng ta thấy xuất hiện một thế giới biểu tượng hết sức đậm đặc và sinh động. Đó là một hệ thống biểu tượng đa dạng từ thiên nhiên, vật thể đến con người. Mỗi biểu tượng giúp hiểu được một ý nghĩa, một giá trị trong đời sống độc đáo mà phong phú của văn hóa dân tộc Tày, chế độ mẫu hệ, sự sùng bái thiên nhiên... Những tác giả của thơ Tày hiện đại đã có những bước đi vững chắc và những thành công đáng ghi nhận, họ đến với cái chung từ cái riêng, đến với hiện đại từ bản sắc của dân tộc mình. Từ đó, người đọc nhận ra những tầng sâu văn hóa về con người, sinh hoạt… một cách tự nhiên. Nhà thơ Y Phương khẳng định: “Những gì mình làm được, đấy là của ông bà cả thôi”; “Ngày
nay, có người mặc áo chàm cài khuy ngang, đi giày cỏ. Hình dáng là thế song bên trong lại không phải là thế… Những gì không thuộc về anh ta sẽ không tồn tại và ổn định được”. Những biểu tượng như mẹ Hoa, lúa, đàn tính, ngựa… đã được tiếp nối một cách sáng tạo trong thơ Tày hiện đại, đem đến những ý nghĩa mới mẻ, thể hiện được cái “khí thiêng sông núi”, đồng thời giúp hiểu thêm về sự kế thừa truyền thống, ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc của mỗi nhà thơ. Thêm nữa, các biểu tượng đó có ý nghĩa rằng, những nhà thơ ấy thực sự sống trong bầu không gian văn hóa độc đáo (khác hẳn với dân tộc Kinh, và dĩ nhiên cùng khác tất cả những dân tộc khác). Đây mới là một trong những điểm độc đáo quan trọng đầu tiên, quan trọng hơn hết làm nên giá trị của thơ Tày nói riêng và thơ các tác giả dân tộc thiểu số nói chung.
Sự biến đổi của ý nghĩa biểu tượng trong thơ Tày từ 1945 đến nay
Những tác giả của thời kỳ hiện đại luôn có ý thức kế thừa và phát huy những lối tư duy đã tồn tại hàng ngàn năm, đặc biệt trong những tác phẩm văn học dân gian. Để hiểu được một cách đúng, cặn kẽ những ý nghĩa của biểu tượng trong những sáng tác hiện đại, đòi hỏi phải có những tri thức về văn hóa dân gian mới có thể hiểu và có cái nhìn đúng đắn. Qua khảo sát, có thể thấy hai xu hướng biến đổi biểu tượng được thấy rõ rệt nhất, đó là xu hướng thần thánh hóa (biểu tượng lúa, đàn tính - hát then); xu hướng “giải thiêng” (biểu tượng mẹ Hoa) nhưng không mất đi ý nghĩa cao đẹp vốn có.
Mẹ Hoa, lúa, đàn tính, ngựa là những biểu tượng riêng, được cả một cộng đồng dân tộc cùng chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong một thời gian lâu dài. Thơ Tày hiện đại đã tiếp thu một cách sáng tạo hệ thống biểu tượng trong văn hóa dân gian, truyền cho nó một đời sống thẩm mỹ được đào sâu, phong phú và độc đáo. Qua đó tạo được những trường liên tưởng rộng, chuyên chở nhiều ý nghĩa mới mẻ so với những sáng tác dân gian. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi này, đó là sự biến đổi của tư duy, ảnh hưởng của cuộc sống ngày một phức tạp và rộng mở, từ đó biểu tượng lại mang đến những ý nghĩa mới mẻ. Biểu tượng là một thực thể sống động, được bồi đắp nghĩa liên tục theo thời gian, có biểu tượng mờ dần, có biểu tượng đậm lên, có biểu tượng vẫn thống nhất về ý nghĩa.