Những nỗi ám ảnh khôn nguôi trong thời kỳ chiến tranh cũng như thời kỳ hậu chiến chủ yếu hiện lên qua những số phận người phụ nữ, day dứt nhất là hình ảnh người mẹ. Khi con ra trận rồi hi sinh: Mỗi con mỗi góc trời xa/ Trái tim của mẹ chia ra mấy phần? (Từ Ngàn Phố) và cả khi đã hòa bình: Chiến tranh qua từ lâu/ Mẹ hao gầy không ngủ (Bài thơ tặng mẹ - Đoàn Ngọc Minh)... Nhiều tác giả miền xuôi thành công với đề tài này đa phần đều có điểm gặp gỡ là sự tái hiện người mẹ bình dị mà thiêng liêng: Mẹ ta không có yếm đào/ Nón mê thay nón quai thao đội đầu/ Rối ren tay bí tay bầu/ Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa - Nguyễn Duy); những tháng ngày chiến đấu không thể quên thì Mẹ là người chúng con thương nhớ nhất/ Đất nước ngày có giặc/ Môi vẫn đỏ miếng trầu/ Ấm một vùng tin cậy phía sau (Hữu Thỉnh)…
Trong thơ dân tộc Tày, người mẹ được so sánh với những hình ảnh giản dị: Mẹ còng lưng như lúa, Mẹ như bó đuốc/ Cháy hết rồi/ Nay phải về trời; Ngày ngày/ Mẹ tôi cặm cụi cấy trồng/ Toàn thân cúi xuống như khung cửa… Thơ Y Phương, hình ảnh mẹ gắn bó chặt chẽ với đá: - Mẹ mừng ngây như đá; Nhớ mẹ quá thì ngồi lên đá; Nỗi đau/ Hơn trời sập/ Hơn đá lở/ Đau không thành tiếng/ Buốt không thành lời… Người mẹ trong thơ Mai Liễu lại gắn với hình ảnh suối nguồn như một biểu tượng vĩnh cửu cho sự sống: Tình mẹ vẫn đầy như nguồn ấy/ Thỏa thuê ta vục buổi hè oi (Mưa chiều). Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, biểu tượng mẹ gắn liền với đất và biển, bởi thế cũng thấy được tính hai chiều đối nghịch: “sống và chết có mối tương quan với nhau. Sinh là đi ra từ trong bụng mẹ, chết là trở về với đất. Người mẹ là sự an toàn của chỗ trú thân, của sự nồng ấm, yêu thương và dinh dưỡng…” và “dường như có một mối quan hệ tượng trưng hữu hiệu giữa bà mẹ vĩnh cửu và nước (đại dương hoặc sông ngòi), thể hiện tổng thể những khả năng chứa ẩn trong một trạng thái sinh tồn nhất định [19, tr.586]. Bởi thế, tấm lòng người mẹ (dù bên này hay bên kia chiến tuyến) cũng đều thiết tha và đáng trân trọng. Thơ Y Phương tái hiện đầy day dứt tấm lòng của một bà mẹ có đứa con là lính Việt Nam cộng hòa: Tôi đàng hoàng là một người mẹ/ Đứt ruột sinh con ra/ Sung sướng vì con lớn khôn/ Đau đớn vì con dại dột/ Hạnh phúc vì con trưởng thành/ Có gì khác những bà mẹ khác.
Hình ảnh người mẹ trong thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay chủ yếu hiện lên với những đặc điểm tâm hồn, tính cách vùng cao; cả những hành động, lời nói và cách yêu thương con cái cũng đậm sắc thái dân tộc. Có đôi khi người mẹ hiện lên vừa bình dị vừa chuyên chở ý nghĩa mang tính biểu tượng - người mẹ là hiện thân của Tổ quốc, đức hy sinh bền bỉ, kiên cường, số phận mẹ là số phận toàn dân tộc: Trên thế gian này đầy người/ Có ai đau khổ như mẹ tôi không/ Trước mặt là biển Đông/Sóng trào lên nước mắt/... Sau lưng/ Dãy Trường Sơn/ Là phần mộ của toàn dân tộc. Ở các tác phẩm văn học mang tính sử thi, hình ảnh người mẹ thường được khắc họa trong cảm hứng về số phận chung của dân tộc. Thơ của các nhà thơ dân tộc Tày cũng nằm trong mạch cảm xúc đó nhưng vẫn nhận ra những nét khác biệt, đó là hình ảnh người mẹ vùng cao lam lũ được nhắc đến nhiều như là sự trở lại với những con người không tên tuổi, nhưng cuộc đời của họ mãi mãi đọng lại trong tâm hồn mọi niềm cảm thương, sự kính trọng, lòng yêu thương vô bờ pha lẫn chút xót xa.
2.2.2.2. Người lính áo chàm
Với dung lượng phản ánh không đồ sộ như văn xuôi, thơ hạn chế hơn trong khả năng tái hiện những hình ảnh, sự kiện có quy mô lớn (riêng trường ca phần nào có được ưu thế)… nhưng không vì lẽ đó mà kém đi khả năng tạo dựng những hình tượng cao đẹp, tầm vóc lớn lao; thậm chí đây còn là thể loại giúp người viết thể hiện cảm xúc một cách sâu lắng. Chúng ta đã có riêng một giai đoạn văn học chiến tranh 1945-1975, và dư âm của nó còn ở lại chừng hơn 20 năm cuối thế kỷ XX. Sang giai đoạn hiện nay, những năm đầu của thế kỷ XXI, khi nhiều đề tài khác hấp dẫn người cầm bút, đặc biệt là những người sáng tác trẻ thì một thực trạng đáng báo động là những sáng tác hay về mảng đề tài rất hay này còn nhiều “thiếu hụt” (Nguyễn Hữu Quý). Những tác phẩm thơ dân tộc thiểu số tuy không đến sớm được với đại đa số độc giả như văn học Kinh nhưng những người dân tộc thiểu số không “đến muộn” trong cuộc kháng chiến, cũng như thơ của họ không đến muộn trong việc chiếm lĩnh tình cảm của bạn đọc. Thế hệ đầu tiên như Nông Quốc Chấn, Nông Viết Toại (dân tộc Tày), Đinh Sơn (dân tộc Mường), Bàn Tài Đoàn (dân tộc Dao)… xứng đáng được gọi là nhà thơ cách mạng tiêu biểu cho thơ ca dân tộc thiểu số thế kỷ XX. Ở thời điểm hiện tại, dân tộc Tày có nhiều trang viết hay về chiến tranh,
nhưng thành công thực sự được ghi nhận ở những nhà thơ trưởng thành trong cuộc chiến như Y Phương, Ma Đình Thu, Mai Liễu...
Với tác giả là người dân tộc thiểu số, họ cũng tham gia vào công cuộc cách mạng bằng một cảm hứng dồi dào, nhiệt thành rất riêng; những trang viết chính là nét khắc họa về lịch sử tâm hồn, lịch sử đời sống đấu tranh của dân tộc họ. Nông Quốc Chấn đã khẳng định sứ mệnh cao cả của những người con Việt Bắc với đất nước: Chúng tôi người Việt Bắc/ Không một lúc nào quên/ Giành Nam Bắc nối liền/ Giành lấy ngày thống nhất. Hình ảnh cuộc chiến oai hùng, bất khuất của dân tộc hiện lên cũng với những sắc thái phong phú như thơ của những nhà thơ dân tộc Kinh, nhưng cái làm nên nét độc đáo của họ chính là cách thể hiện, truyền tải xúc cảm riêng. Một trong những hình tượng được tạc dựng thành công là người lính áo chàm - nét độc đáo riêng của thơ dân tộc Tày. Nói một cách không quá rằng, khi “bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” thì tinh thần, lòng tin, quyết tâm, khí thế, tình người… có mặt trong khắp mọi nẻo đường, trong mọi bài ca, vần thơ. Vì thế những sáng tác ấy tuy còn mộc mạc, không cầu kỳ câu chữ, không đẽo gọt hình ảnh nhưng vẫn được nhiều thế hệ độc giả yêu mến bởi cảm xúc chân thành của hình ảnh người lính: Không tính tháng tính năm/ Cả chặng đường hành quân/ Của ta đi đánh giặc (Nằm võng ở Trường Sơn - Ma Đình Thu). Họ là anh bộ đội cụ Hồ - nhân vật trung tâm của thời đại, Nông Quốc Chấn viết một cách giản dị: Mình cũng là chiến sĩ cụ Hồ…/ Đôi tay ta đã phải nhiều năm cầm súng/ Đôi mắt ta đang tập cách nhìn xa/ Từ truyền thống ông cha/ Đoàn quân quý trọng con người/ Đoàn quân chất xám/ Trùng trùng đoàn quân cách mạng/ Tiếp tục vượt qua ngọn ngúi cao, bãi sình lầy... Người lính áo chàm ấy cũng mộc mạc như anh bộ đội giải phóng Buôn Mê Thuột trong thơ Alê Yđứp - dân tộc Êđê:
Có thể bạn quan tâm!
- Hai Giai Đoạn Phát Triển Của Thơ Dân Tộc Tày Sau 1945
- Đời Sống Và Tâm Thế Con Người Dân Tộc Tày
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 8
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 10
- Thơ dân tộc Tày từ 1945 đến nay - 11
- Sự Đa Dạng Của Ngôn Ngữ Và Giọng Điệu Thơ
Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.
Ta là con của vạn rừng nghìn núi Nguyện thề xin hiến tuổi xuân
Cùng các bạn diệt hết loài quỷ Mỹ Để trở về giữa mùa hoa Êpang.
(Bài ca hành quân)
Trong thơ Y Phương: Quế/ Anh chiến sĩ áo chàm/ Trán dô/ Mũi thô/ Môi dày/ Chân đi dép bốn hai vẫn thừa năm ngón/ Nhịn đói không kêu/ Ốm đau không kêu/
Nhớ mẹ quá thì ngồi trên đá/ Nhớ rồi khóc không cho ai biết… là những con người lớn lên đụng đầu với đá, mang tâm hồn của núi rừng, suối ngàn; khác với cái hào hoa của những chàng trai Hà Nội trong Tây Tiến của Quang Dũng, Ngày về của Chính Hữu… Nhưng tất cả gặp nhau ở điểm chung là sống cuộc sống gạt bỏ tình riêng, tự nguyện hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho đất nước như cách mà nhà thơ Pháp Louis Aragon khẳng định: Nếu phải đi trở lại/ Tôi đi lại đường này/ Một tiếng từ ngục tối/ Nói đến những ngày mai…
Thơ Việt Nam nói chung và thơ dân tộc thiểu số nói riêng sau năm 1975 vừa tiếp tục thành tựu thơ ca thời kỳ trước đó vừa có ý thức đổi mới, tìm đến những nội dung mới, hình thức mới phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ của cuộc sống. Giai đoạn hòa bình, thơ dân tộc thiểu số vẫn còn tiếp tục mạch cảm hứng ngợi ca trong một khoảng thời gian tương đối dài. Phải thực sự đến thập niên đầu của thế kỷ XXI, thơ dân tộc thiểu số mới có những dịch chuyển đáng kể. Chất liệu dần thay đổi, văn học dân tộc thiểu số nói chung và thơ dân tộc thiểu số nói riêng cũng bắt đầu hướng đến khắc họa những mối quan hệ phức tạp, những mặt trái, góc khuất trong đời sống. Nếu trước 1975, cảm hứng sử thi - ngợi ca Tổ quốc, nhân dân là chủ đạo trong văn học của các tác giả người Kinh, thì sau năm 1975 văn học bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ thức tỉnh của ý thức cá nhân. Thơ dân tộc thiểu số/ dân tộc Tày tuy chuyển động chậm hơn nhưng cũng bắt đầu có những đổi thay. Trong sáng tác của Y Phương, Mai Liễu, Triều Ân, Triệu Lam Châu, Ma Trường Nguyên, Ma Đình Thu..., đề tài được mở rộng: từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ những câu chuyện anh hùng đã hướng đến cuộc sống quen thuộc hàng ngày, từ vận mệnh chung của dân tộc đến số phận cá nhân và cả những tổn thất đau thương do chiến tranh để lại. Thơ dân tộc Tày thời kỳ này đã thâm nhập sâu hơn những khía cạnh bộn bề, phức tạp của cuộc sống và thế giới tinh thần của con người, đặc biệt là những vấn đề về con người cá nhân; phản ánh cuộc sống không chỉ là mặt nổi mà còn ở những mặt khuất, ở giới hạn giữa cái “không thể” và “có thể”. Vẫn tiếp nối mạch cảm xúc cũ nhưng thơ viết về người lính, chiến tranh trong các tác giả dân tộc Tày đã mang dư vị khác trước. Cảm hứng trữ tình chuyển từ sự tự hào, ngợi ca sang suy tư, chiêm nghiệm; bởi thế cái hào sảng, hùng tráng nhường chỗ cho sự bình dị, mộc mạc. Hình ảnh người lính đời thường hơn, giản dị hơn:
Gió mùa đông bắc lại thổi về Nghe tiếng lá trong vườn xao xác
Thao thức mãi, không thể nào ngủ được Đêm nay trở trời, bạn có ngủ ngon không?
(Đêm nay trở trời, bạn có ngủ ngon không? - Triệu Lam Châu) Người lính không còn được khai thác nhiều ở tư thế: Gió bão ta không sợ/
Sấm sét ta không lùi/ Đánh giặc chưa xong/ Nếu anh bỏ về/ Cha mẹ sẽ mắng/ Bạn gái sẽ chê/ Pơ lây Chêm oán trách/ Ới con trai!/ Ta rủ nhau đi làm du kích – giữ làng (Đi làm du kích - Ra dam Dăk Bút) mà trở về với cái thật nhất trong suy nghĩ mỗi cá nhân. Họ không ngại nói đến sự hi sinh của những người chiến sĩ: Đồng lúa chín mênh mông sóng lượn/ Ôm nghĩa trang bia trắng vào lòng/ Hoa súng đỏ điểm bồng bềnh đồng nước/ Hay máu người ngã xuống nở thành bông?(Hoa súng đỏ - Ma Trường Nguyên).
Sau khi cuộc chiến kết thúc, những vần thơ lúc này là sự nhìn nhận lại khi đã có độ lùi cần thiết để thấu suốt hơn, để nói ra những điều mình chiêm nghiệm. Như một tất yếu, ngày trước khi còn chiến tranh, bên cạnh cảm hứng ngợi ca những con người xả thân vì nghĩa lớn là sự lên án, tố cáo tội ác man rợ của kẻ thù. Khi hòa bình, tính chất tương phản để làm nổi bật kia không đậm nét nữa, cảm hứng ngợi ca còn, nhưng sự phê phán nhường chỗ nhiều cho suy tư. Họ biết rằng, cuộc chiến qua đi, không chỉ niềm tự hào ở lại mà nỗi đau cũng ở lại không chỉ với bản thân người lính mà còn với cả gia đình họ: Anh trở về/ Với thiên đường giản dị - hạnh phúc lứa đôi/ Chỉ khi những đứa trẻ dị tật ra đời/ Anh mới hiểu rằng/ Đó là sự trở về với hạnh phúc chẳng bình an! (Hạnh phúc không bình an - Lộc Bích Kiệm).
Sự đồng cảm ấy ta bắt gặp trong thơ Dương Thuấn khi nói đến số phận của bốn em bé bị nhiễm chất độc màu da cam: Bốn em bé ở Bắc Ninh/ Là con một cựu chiến binh/ Lên mười tuổi không em nào lớn nữa (Bốn em bé ở Bắc Ninh). Đó là những cảm nhận về dư âm chiến tranh một cách máu thịt đầy đau đớn mà K. Simonov từng nói: chỉ có nhân dân mới biết chiến tranh là gì. Chiến tranh được phản ánh trong thơ dân tộc thiểu số, chủ yếu là thơ của các tác giả trưởng thành
trong kháng chiến nhưng cái nhìn chiến tranh hôm nay ở nhiều góc độ, quan tâm đến cả cái bi kịch, hi sinh mất mát, chứ không chỉ là những chiến công.
Khi cuộc sống khác, một hiện thực mới mở ra, văn học nghệ thuật cần hướng đến một đối tượng phản ánh mới, đáp ứng thị hiếu của công chúng mới. Hòa mình vào hiện thực mới, không có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn những đề tài đã cũ. Nhiều nhà thơ vẫn kiên trì khai thác và khám phá ra những vỉa quặng còn lấp lánh. Trong đội ngũ những nhà thơ dân tộc thiểu số hiện nay, với đề tài này nổi lên một số tác giả thực sự tạo được ấn tượng, tiêu biểu nhất là Y Phương. Từ Chín tháng, Thơ Y Phương, Thất tàng lồm đến trường ca Đò trăng đều thể hiện một cái nhìn bao dung khi khắc họa vừa chân thực vừa thấm thía nỗi đau của những con người đã từng đi qua cuộc chiến. Cái đòi hỏi cấp thiết là đưa thơ trở về với những gì chân thực của cuộc sống, kể cả đó là những đau khổ, bi kịch được các nhà thơ người Kinh nói nhiều trong các sáng tác của mình - nhất là sau đổi mới. Thu Bồn thì “ta là đất thôi xin đừng nặn ta thành những tượng thần”, Trần Sơn Nam thì “ta vào cuộc chiến tranh, như vị tướng tài ba xông pha trận mạc, nghĩ đời mình là một chuỗi chiến công, tuổi hoa râm về đưa tang mẹ, túi không tiền chỉ có quân hàm và cuống huân chương”... Các nhà thơ dân tộc Tày cũng cùng một xúc cảm ấy. Hoàng Kim Dung viết Dấu thời gian, Sau chiến tranh, Ai là người phán xử?... để nói về những mất mát hằn sâu của con người sau cuộc chiến; Nông Thị Ngọc Hòa dành trường ca Nước hồ mãi trong xanh để nói về người cha Ké Bằng và không ít lần nhắc đến những ngày trở về sau chiến tranh của người lính, tấm Huân chương - biểu tượng của một thời oanh liệt là sự ghi nhận cho những ngày Ở chiến trường, đói rét cứ thừa dư/ Còn tất thảy mọi thứ đều thiếu thốn (…):
Bố vẫn cần cù vất vả lo toan Lòng đôi lúc nghĩ suy như con trẻ Ước gì có phép thần thông nhỉ
Để mọi người lại quý… tấm Huân chương!
(Nghĩ về những tấm Huân chương)
Các nhà thơ dân tộc Tày không ít lần tái hiện những nỗi đau của người vợ - một phần đời của người lính, tảo tần ở hậu phương, và rồi một mình âm thầm gánh
chịu sự mất mát khi các anh ra đi. Điều đáng mừng là một số tác giả thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba của thơ dân tộc Tày vẫn đang mải mê kiếm tìm, làm mới những xúc cảm của mình, và khai thác đề tài này từ nhiều góc độ. Nỗi đau của người ở lại sau cuộc chiến, khi đất nước đã hòa bình tác động vào tình cảm của thế hệ trẻ - đó là một điều đáng quý. Hoàng Chiến Thắng viết về sự dai dẳng của hậu họa chiến tranh:
Những người đàn bà đi qua chiến tranh Hình hài đứa con minh chứng...
Đứa trẻ đi qua bình yên
Từ ngổn ngang nỗi lòng người mẹ... Người đàn bà đi qua cơn mê...
Bên đứa con chưa lần nghe tiếng súng Nhưng mãi là chiến tranh!
(Đứa con của chiến tranh)
Các nhà thơ dân tộc Tày cũng như những nhà thơ dân tộc Kinh, khi bước sang một thời kỳ mới muốn tìm một tiếng nói mới mẻ hơn. Vấn đề không còn là ở đề tài lớn, đề tài nhỏ mà là cách nhìn, cách xử lý của người sáng tác. Chính cái nhìn điềm tĩnh, chín chắn theo thời gian đã đem lại cho thơ một cách chiêm nghiệm sâu sắc, không chỉ là tinh thần yêu nước, mà còn hướng đến tinh thần nhân loại. Cũng vẫn một chặng đường, từ cái hào sảng mang khí thế chung của thời chiến chuyển sang cái trầm lắng nhiều suy tư của thời bình, thơ dân tộc Tày đã đi một chặng đường không lệch khỏi dòng chảy của thơ Việt Nam hiện đại, nhưng ở đó độc giả vẫn cảm nhận được sự khác biệt trong việc khai thác đề tài cũng như cách họ “cầm dao tự phát lối cho riêng mình” trong cách thể hiện. Hiện nay, những nhà thơ dân tộc Tày ngày càng khẳng định tiếng nói của mình, hòa nhập và phát triển với ý thức chung, tinh thần chung của thời đại. Thơ của họ, vì thế, đã khơi mở được nhiều vấn đề lớn lao mang tầm nhân loại. Từ Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Triều Ân đến Y Phương, Mai Liễu, Dương Thuấn... rồi Nông Thị Ngọc Hòa, Dương Khâu Luông, Hoàng Chiến Thắng, những nhà thơ dân tộc Tày không chỉ thể hiện ước mơ hòa bình, mà còn là sự hòa hợp dân tộc bằng tình yêu thương - đấy mới là sức mạnh vô cùng của dân tộc: Nào! Tất cả lại đây/ Khi người đã ngủ say/ Thì đời không phân
biệt/...Hễ là người mất mát bởi chiến tranh/ Dù nay phôi phai hình hài cốt nhục/ Dù biệt tăm ba mươi năm, bốn mươi năm/ năm mươi năm, một trăm năm…/ Cười khóc/ Hãy lăn theo quả trứng khói cơm mà trở về làng/ Ơi muôn hồn con dân Việt Nam.
2.2.3. Tình yêu
Lev Tolstoy từng viết: “Suy cho cùng, bi kịch lớn nhất của con người là tình yêu”. Với ông hoàng thơ tình Xuân Diệu thì: Tôi khờ khạo quá, ngu ngơ lắm/ Chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì. Còn nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, đã tự nhận đi “đến tận cùng xứ sở, đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu” cũng bộc lộ những khát khao hòa nhập hết mình: Em yêu anh hơn cả thời xưa/ Cái thời tưởng chết vì tình ái/ Em chẳng chết vì anh, em chẳng đổi/ Em cộng anh với cả cuộc đời em…
Người ít, người nhiều, dù kín đáo hay trực tiếp, những vần thơ của các nhà thơ dân tộc Tày về tình yêu luôn mang những nét độc đáo riêng. Họ gặp nhau ở một điểm là vừa thẳng thắn vừa kín đáo, ý nhị, vừa mê đắm vừa xót xa, cay đắng… nhưng khác với “giọng điệu đồng bằng” bởi nặng về trực cảm. Những rung động được bộc lộ chân thành, hồn nhiên như chính tính cách con người miền núi. Dương Thuấn nói về một tình yêu giản dị của cuộc sống ngày thường:
Khi làm mệt bảo nhau cùng nghỉ Chung nỗi buồn lớn bé
Người ta nói chẳng sai Vợ chồng như đôi đũa...
Lò Ngân Sủn (Giáy) thì Dẫu có tan thành đất, nát thành bùn, vụn thành cát/ Vẫn còn khát yêu nhau… Trong khi đó, Triều Ân diễn tả một cách cụ thể: Xa cách lâu em mong/ Mỏi như cành lá trụi/ Cái nhìn anh mưa bụi/ Cành sẽ nảy lộc non (Băn khoăn). Ở cấp độ cao hơn, đó là một thứ tình yêu cuồng nhiệt, không kém phần thi vị khi ông so sánh: Em như cơn lốc xoáy bay ngang/ Lao vào ngực anh nóng hổi/ Mang theo hương đồng gió nội/ Tim anh như vó ngựa phi (Trái tim). Tình yêu trong thơ Triều Ân thường trực nhất ở trạng thái hạnh phúc tràn đầy. Người phụ nữ hiện diện ở vị trí trung tâm, có quyền quyết định. Mức độ tươi vui và sống động ở từng bài dù đậm nhạt khác nhau nhưng tất cả đều toát lên một tâm hồn lạc quan. Thơ Triều Ân không chỉ dành cho tình yêu của những đôi bạn trẻ mà còn dành cho