Vì suốt đời mẹ làm đẹp lòng cha; Cũng có lúc là hạnh phúc của người mẹ khi được nghe tiếng cười của trẻ thơ: Ngày nào cũng thế/ Như tiếng cười của con và mẹ/ Bình minh lên. Đó là sự trân trọng, nâng niu niềm hạnh phúc trong đời, nguyện sẻ chia cùng nhau mọi niềm vui nỗi buồn.
Có thể nói, ở ba tập thơ đầu Bùi Thị Tuyết Mai đã có một số bài mang tính chất khái quát, triết lí về cuộc đời như: Lời xóm lời làng ... Tuy nhiên, những tác phẩm này vẫn không tránh khỏi những hạn chế vì kinh nghiệm sống chưa nhiều. Mặc dù, người viết mang tâm thái tươi trẻ, hồn hậu, có nhiều cảm xúc trước mọi vấn đề của cuộc sống nhưng vẫn thiếu một chút chiều sâu , một số bài không tránh khỏi những khiên cưỡng, chưa tạo được ấn tượng mạnh đối với người đọc. So với hai tập thơ Mưa trong nhà và Trầu đỏ môi ai, thì Nơi cất rượu, Mường trong, Binh boong đã tạo cho Bùi Thị Tuyết Mai một bản lĩnh thơ khá rắn rỏi. Chị đã có tiếng nói riêng của bản thân, mặc dù không còn tươi non, hồn nhiên như trước nữa nhưng những tác phẩm này đã vươn tới những vị trí nhất định. Tập thơ chứa đựng vẻ đằm sâu, những trải nghiệm thực tế từ chính cuộc sống của chị. Những vần thơ của chị có sự hòa quyện giữa chất Mường và chất Kinh; vừa truyền thống lại vừa hiện đại. Điều đó đã khẳng định sự nỗ lực không ngừng của chị trên bước đường sáng tạo văn chương của mình trong đời sống
Văn học Việt Nam hiện đại.
Có thể thấy Bùi Thị Tuyết Mai là một nữ nhà thơ dân tộc thiểu số có sức viết, sức sáng tạo mạnh mẽ. Gần 20 năm cầm bút chị đã có 05 tập thơ đã xuất bản, 01 cuốn hồi kí, 01 cuốn tiểu luận phê bình, ngoài ra chị vẫn tiếp tục sáng tác và đăng bài trên các bài báo, tạp chí. Mỗi tập thơ mang một dấu ấn riêng, thể hiện những buồn vui trải nghiệm của một người phụ nữ luôn khát khao sống, khao khát yêu và thành thật đến từng cung bậc cảm xúc. Chị xứng đáng là một cây bút, một nhà thơ nữ dân tộc thiểu số khá tiêu biểu đã có những đóng góp đáng khẳng định, góp phần làm phong phú thêm cho thơ ca nữ DTTS Việt Nam thời kì hiện đại. Hi vọng ở những chặng đường sau này, Bùi Thị Tuyết Mai lại
có những sáng tác mới thể hiện được phong cách riêng, độc đáo, đáp ứng được niềm tin và sự mong đợi của người đọc.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Qua nghiên cứu khái quát về thơ ca dân tộc thiểu số thời kì hiện đại nói chung, thơ nữ dân tộc thiểu số thời kỳ hiện đại nói riêng và nữ nhà thơ Bùi Tuyết Mai chúng tôi nhận thấy:
Thơ ca dân tộc thiểu số Việt Nam được hình thành và phát triển từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945. Qua các chặng đường vận động, phát triển, đội ngũ các nhà thơ ngày càng đông đảo, làm cho các sáng tác thơ ca dân tộc thiểu số ngày càng trở nên phong phú và đa dạng hơn về bản sắc dân tộc độc đáo. Qua những sáng tác của mình các nhà thơ dân tộc thiểu số, đã thể hiện tình yêu quê hương miền núi; tình yêu đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Với nhiều giọng điệu khác nhau, với cách sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật đậm chất vùng cao, thể hiện cách cảm, cách nghĩ, cách nói, cách diễn đạt của những con người miền núi, thơ ca dân tộc thiểu số đã đóng góp vào vườn hoa thơ ca nói chung của dân tộc Việt những bông hoa đa sắc màu, tạo nên một mảng màu riêng biệt trong đời sống thơ ca Việt Nam hiện đại.
Nhà thơ Bùi Thị Tuyết Mai- là nữ nhà thơ Mường khá xuất sắc trong làng thơ Nữ các DTTS Việt Nam hiện đại. Với vốn sống thực tế; với vốn văn hóa văn học dân gian Mường đã thấm sâu vào tâm hồn; với những trải nghiệm từ chính cuộc đời mình trong các môi trường, hoàn cảnh sống khác nhau; với sự đam mê sáng tác văn chương- chị đã đạt dược những thành tựu đáng ghi nhận: 5 tập thơ Mưa trong nhà, Trầu đỏ môi ai, Nơi cất rượu, Mường trong, Binh boong. Thơ chị chính là tâm hồn một người phụ nữ Mường thời kỳ hiện đại, một trí thức Mường luôn trăn trở với một cái Tôi- vừa truyền thống, vừa hiện đại. Với những tập thơ đậm bản sắc Mường mà vẫn mang nét chung của tâm hồn, trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam- Bùi Thị Tuyết Mai xứng đáng là một nhà thơ nữ DTTS
Có thể bạn quan tâm!
- Thơ Bùi Thị Tuyết Mai - 2
- Nữ Nhà Thơ Dân Tộc Mường- Bùi Thị Tuyết Mai
- Thơ Bùi Thị Tuyết Mai - 4
- Con Người Miền Núi: Mộc Mạc, Chân Thành Nhưng Cũng Rất Lãng Mạn.
- Tự Hào Về Vốn Văn Hóa Truyền Thống Của Tộc Người Mường
- Cảm Hứng Viết Về Cái Tôi Cá Nhân Người Phụ Nữ Mường Thời Kỳ Hiện Đại
Xem toàn bộ 115 trang tài liệu này.
Việt Nam khá tiêu biểu, có những đóng góp đáng ghi nhận trong đời sống văn chương các DTTS Việt Nam thời kỳ hiện đại.
Chương 2
NHỮNG CẢM HỨNG CHỦ ĐẠO TRONG THƠ BÙI THỊ TUYẾT MAI
Bùi Thị Tuyết Mai là một cây bút thơ khá tiêu biểu trong đội ngũ các nhà thơ nữ dân tộc thiểu số thời kì hiện đại. Thơ chị hồn nhiên, trong sáng và rất giản dị, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mường nhưng cũng mang vẻ đẹp trí tuệ của một phụ nữ tri thức Mường thời kì hiện đại: một tâm hồn thơ tha thiết , đầy tự hào về dân tộc; một cái Tôi mang vẻ đẹp của người phụ nữ phụ nữ trí thức dân tộc thiểu số thời kì hiện đại. Điều đó đã được thể hiện khá rõ và sinh động trong các tác phẩm của chị.
2.1. Khái niệm Cảm hứng và Cảm hứng chủ đạo trong thơ
Theo cuốn từ điển tiếng Việt thì khái niệm Cảm hứng; Cảm hứng chủ đạo được hiểu là: “trạng thái tâm lí có cảm xúc và hết sức hứng thú, tạo điều kiện để óc tưởng tượng, sáng tạo hoạt động có hiệu quả”; Còn Cảm hứng chủ đạo (tiếng Đức: pathos) “là trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm”. Bê- lin- xki coi cảm hứng chủ đạo là điều kiện không thể thiếu của việc tạo ra những tác phẩm đích thực, bởi nó “biến sự chiếm lĩnh thuần túy trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành”.
Thuật ngữ cảm hứng chủ đạo lúc đầu chỉ yếu tố nhiệt tình say sưa diễn thuyết, sau chỉ trạng thái mê đắm khi xuất hiện tứ thơ. Về sau lí luận văn học xem cảm hứng chủ đạo là một yếu tố của bản thân nội dung nghệ thuật, của thái độ tư tưởng xúc cảm ở nghệ sĩ đối với thế giới được mô tả. Theo nghĩa này, cảm hứng chủ đạo thống nhất với đề tài và tư tưởng của tác phẩm. Cảm hứng chủ đạo đem lại cho tác phẩm một không khí xúc cảm tinh thần nhất định, thống nhất tất cả các cấp độ và yếu tố của nội dung tác phẩm. Đây là cái mức căng thẳng cảm
xúc mà nhờ đó nghệ sĩ khẳng định các nguyên tắc thế giới quan của mình trong tác phẩm.
2.2. Cảm hứng đầy tự hào viết về quê hương, cuộc sống, con người xứ Mường
Bùi Thị Tuyết Mai là người con dân tộc của xứ Mường, tuổi thơ của chị được nuôi dưỡng và đắm mình trong bầu không khí văn hóa Mường. Đó là những truyện thơ, những bài mo, điệu thường rang, những câu truyện cổ, những bài hát, ví đúm, những câu tục ngữ, thành ngữ Mường, những trò chơi dân gian trong các lễ hội Mường... Tất cả những điều đó đã bồi đắp nên một tình yêu quê hương tha thiết, một niềm tự hào dân tộc. Phải chăng vì thế mà trong thơ chị luôn luôn hiện lên cảnh sắc hùng vĩ, hoang dã, tươi đẹp của núi rừng Tây Bắc, hình ảnh cuộc sống sinh hoạt sinh động của cộng đồng Mường yêu quí. Đó là những trang viết đậm màu sắc dân tộc của một người con luôn tự hào và kiêu hãnh về quê hương và dân tộc của mình.
2.2.1. Quê hương xứ Mường với vẻ đẹp đầy huyền tích, huyền thoại
Là người con gắn bó máu thịt với quê hương miền núi, Bùi Thị Tuyết Mai luôn yêu mến, tự hào về quê hương xứ Mường của mình. Cho dù thời gian qua đi, trải qua bao biến cố trong cuộc sống, thì chị vẫn dành cho quê hương yêu dấu bằng tình cảm thiết tha nhất. Trong các bài thơ của chị luôn thấp thoáng hình ảnh núi non xanh biếc, những nếp nhà sàn, những thửa ruộng, nương ngô, con suối, cọn nước, những tiếng mõ trâu lốc cốc: Đã thấy/ Những/ Mảnh/ Ruộng/ Bậc/ Thang/ Những con đường/ Mòn mõ trâu (Trở về); Ai về/ Quê trong nếp nhà sàn/ Khói vỗ/ Như mèo ru (Chiều nay ai về); Mời anh về mùa hội Mường em/ Rau cải đắng trên đồi biêng biếc/ Chiều đổ sương thơm lựng cá đồ (Mời anh). Đây con suối Mường Thàng/ Đôi bờ thơm nương rẫy (Cho con tắm nước Mường Thàng).
Những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, với màu xanh mơn mởn của ruộng lúa, nương ngô, của đồi rau cải đắng; những mái nhà sàn thoáng đãng ẩn hiện trong màu xanh của không gian của núi rừng thơ mộng, những chiều
sương huyền ảo, thơ mộng ... Nơi đó đã nuôi dưỡng một tâm hồn thơ, đã cho chị một trái tim nhạy cảm, dễ rung động trước cuộc đời. Thiên nhiên trong thơ chị dường như đẹp hơn, gần gũi nhưng cũng lung linh, huyền ảo hơn: Xứ mây/ Tôi với người buộc/ Có trời/ Trời cao cao/ Tôi cũng cao cao/ Trời với tôi biết nhau lâu rồi/ Trời cũng bình thường thôi (Người xứ mây). Trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thân thương ấy thì con người hiện lên thật đẹp, thật dũng mãnh: Người Mường trong leo núi như mặt trời/ Đeo kiếm lên nương như cây núc nác/ Đổ khói đổ sương vành khăn piêu đung đưa trăng mùa lũ/ Bám độc mộc xuôi về như con ốc con cua (Mường trong) ...
Với chị thì núi đá không chỉ là người bạn, là nơi che chở, đùm bọc con người, mà nó còn là nơi để người dân dựa vào đó để mà sinh sống. Vì vậy niềm thương nỗi nhớ đối với quê hương miền núi bao giờ cũng bắt đầu là hình ảnh của núi đồi trùng điệp, của nương rẫy, của những ngọt ngào hương nếp xôi: Những mảnh nương hiền lành/ Đếm đủ khói sương mùa giáp hạt/ Chân đất cùng tôi chạy quanh mùa gặt/ Áo nâu cùng bà thơm ngọt nếp sôi (Nương quê tôi).
Niềm thương nỗi nhớ quê hương miền núi còn thể hiện ở những hình ảnh của những cọn nước thong thả nhịp chày giã gạo. Cọn nước là chứng nhân của nền văn minh lúa nước; cọn nước còn là hơi thở, bóng dáng của Mường, thấp thoáng tâm hồn, tình cảm và sự chịu thương chịu khó, tính cần cù nhẫn nại của người vùng cao; Bên chiếc cọn thân thương, là những mối tình đơm hoa kết trái của những đôi lứa yêu nhau sau những đêm trăng hẹn hò; Cọn cũng là mối thắt khẳng định tình đoàn kết thắm thiết của bản trên, làng dưới. Mỗi khi mùa vụ đến, người dân lại gọi nhau ra suối dựng cọn dẫn nước về. Vì thế, đứng trước cọn nước, trong lòng không khỏi xao xuyến: Những mảnh nương quê tôi/ Mùa gieo/ Rực rỡ son môi/ Thong thả chày đôi ngọn nước (Nương quê tôi).
Nếu như nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa- một nhà thơ Tày luôn viết về nỗi nhớ quê hương (Yên Thịnh- Bắc Kạn) với bao nỗi niềm, khao khát được quay
trở về với tuổi thơ: Thèm trở lại ngày xanh thời xưa ấy/ Tôi đi tìm trầm tích tuổi thơ tôi/ Khi nuối tiếc lật tìm trang quá khứ/ Vẫn ngọt ngào, cháy bỏng mãi khôn nguôi (Tìm lại tuổi thơ); Hay nhà thơ Đoàn Ngọc Minh- một cây bút nữ dân tộc Tày viết về quê hương Cao Bằng với tình cảm tha thiết, tự hào: Cho ta mơ về Pắc Bó/ Vấn vương một bóng áo chàm/ Tiếng chày nhịp nhàng giã gạo/ Quen rồi bỗng nhớ mang mang(Tiếng bọng), thì trong thơ của Bùi Thị Tuyết Mai- điều làm chúng ta ấn tượng nhất chính là sự hoài niệm về quê hương miền núi vùng Tây Bắc đầy dấu yêu của mình. Tuy được sinh ra ở miền núi cao nhưng chị đã sớm rời quê để đến với phố phường. Đọc thơ chị ta thấy dưng dưng một nỗi đau, nỗi nhớ mong khôn nguôi về quê hương với bao tâm trạng và nỗi niềm da diết: Đau như người xa xứ/ Đêm mùa đông này/ Bóng chiếc lá già nua khẽ nở/ Tịnh không một tiếng chuông chùa (Ban đêm); Mùa em xa Mường/ Bước chân như con nai nhỏ/ Mùa em xa Mường/ Đêm cựa mình nhớ lời ru của mẹ (Mùa em). Chính vì vậy, chị đã bao lần khao khát được quay trở lại với quê hương, với những kí ức ngọt ngào, cùng những sản vật đặc trưng của dân tộc mình: Tôi mơ giữa căn nhà có đệm bông lau/ Có bếp nhà sàn mùa đông ấm sực/ Gác bếp treo lủng lẳng những tảng thịt thú rừng khô/ đã đen kịt bồ hóng lâu ngày (Tôi mơ giũa căn nhà cha mẹ); Hát đi anh, hát lên nào/ Hát cho Pố Mế biết anh cũng vùng cao/ Có mái nhà khum khum hình mai rùa/ Trước nhà trồng cau phía sau trồng mít (Mời hát).
Nhà sàn của người Mường là kiểu kiến trúc cổ truyền. Việc dựng nhà sàn được thể hiện ở bản mo nổi tiếng của họ là "Te tấc te đác" (Đẻ đất đẻ nước). Trong bản mo đồ sộ này có đoạn nói về sự tích của nhà sàn người Mường. Mo rằng: “Khi người Mường sinh ra nhà chưa có nên phải sống trong các hang núi, hốc cây, họ phải đối mặt với nhiều thiên tai hiểm hoạ. Một hôm, ông Đá Cần (còn gọi là lang Cun Cần) bắt được một con rùa đen trong rừng đang định đem ra làm thịt. Rùa van xin Đá Cần tha chết và hứa nếu được thả thì rùa sẽ dạy cho ông cách làm nhà để ở, làm kho để lúa để thịt: Bốn chân tôi làm nên cột cái/
Nhìn sườn dài, sườn cụt mà xếp làm rui/ Nhìn qua đuôi làm trái/ Nhìn lại mặt mà làm cửa thang cửa sổ/ Nhìn vào xương sống làm đòn nóc dài dài/ Muốn làm mái thì trông vào mai/ Vào rừng mà lấy tranh, lấy nứa làm vách/ Lấy chạc vớt mà buộc kèo (Đẻ đất đẻ nước).
Và trong lần dựng nhà đầu tiên nhà bị đổ. Ông Đá Cần đã doạ làm thịt rùa. Rùa lại dặn lấy gỗ tốt để mà làm cột, làm kèo… kể từ đó, người Mường đã biết cách làm nhà sàn để ở.
Ngoài ra, Đẻ đất đẻ nước còn là bộ sử thi lớn, kể về gốc tích và công cuộc đấu tranh của người Mường ở thời xa xưa, thể hiện quan niệm của người Mường về sự hình thành trời đất và thế giới. Cũng như các dân tộc khác, để lý giải về nguồn gốc của dân tộc mình, trong dân gian người Mường ở Hòa Bình vẫn còn giữ truyền thuyết kể những huyền thoại về sự xuất hiện của dân tộc bằng những áng Mo: “Thuở xưa, khi con người chưa xuất hiện, trời làm hạn hán, khô khan, cây cối khô mà chết, rồi trời lại mưa. Một trận mưa to chưa từng thấy. Nước chảy thành suối thành sông. Đất lở bồi thành đồng bằng. Đá lăn chất đầy thành gò thành đống, thành đồi thành núi. Từ dưới đất mọc lên một cây si. Cây si lớn như thổi trở thành một cây cổ thụ, cành lá che kín cả bầu trời. Cây si bị sâu đục ăn làm cho gãy cành rụng lá. Từ gốc cây si đẻ ra một đôi chim. Chim Ây là đực, Cái ứa là cái. Đôi chim rủ nhau bay lên cành cây si làm tổ. Cành si gãy. Chim bay lên cây đa làm tổ. Cây đa đổ. Chim Ây và Cái Ứa lại rủ nhau bay lên núi đá lấy cỏ làm thành tổ Hang Hao. Cái Ứa đẻ ra trăm ngàn quả trứng. Trứng chim nở ra thành muôn loài muôn vật. Còn lại một trăm cái trứng thì nở ra con người. Đó là người Mường và người Kinh’’ (Đẻ đất đẻ nước).
Như vậy, có thể thấy rõ quê hương xứ Mường còn mang vẻ đẹp gắn với những huyền tích, huyền thoại, gắn liền với bộ sử thi nổi tiếng "Te tấc te đác" (Đẻ đất đẻ nước), gắn liền với câu hát Mường: Mường ta/ nơi Đẻ đất Đẻ nước/ Đẻ ba tầng bốn thế giới (Câu hát Mường).