Đặc Điểm Ngôn Ngữ Của Văn Bản Khoa Học

trước, B là kết quả/ hệ quả tất yếu hoặc mong muốn chủ quan của người viết/nói liên quan tới sự tình A trước đó. Trong ngữ cảnh đó, B được đánh dấu bởi các từ ngữ chỉ kết quả/hệ quả như: vì thế, cho nên, do đó.... (trong tiếng Việt); hoặc therefore, so, thus, hence... (trong tiếng Anh). Như vậy, kết quả cùng với nguyên nhân là một trong những mối quan hệ phổ biến thuộc về tư duy, nhận thức, nó thuộc tầng nghĩa sâu và được biểu hiện bằng các phương tiện ngôn ngữ mang sẵn trong mình ý nghĩa đó.

Tương tự, tổng kết cũng là một trong những thao tác trong tình thái nhận thức, tư duy của con người đối với hiện thực. Trong phát ngôn/câu, tổng kết là nêu lại những ý chính, những điều cơ bản, chủ yếu của vấn đề hay đưa ra những nhận định chung, khái quát và chúng cũng được đánh dấu bởi những phương tiện ngôn ngữ mang ý nghĩa chỉ kết quả, tổng kết như: nhìn chung, như vậy, tóm lại, nói một cách tổng quát, kết quả khảo sát cho thấy... (tiếng Việt) hoặc overall, generally speaking, as a result , this suggests that, it could be said that… (tiếng Anh).

Từ những điều trình bày trên cũng như những vấn đề lý luận về phép nối, từ ngữ nối và việc phân loại từ ngữ nối, luận án đưa ra định nghĩa về từ ngữ nối biểu thị ý nghĩa kết quả, tổng kết mang tính chất làm việc như sau: Từ ngữ nối biểu thị ý nghĩa kết quả, tổng kết là một tiểu nhóm thuộc từ ngữ nối có hình thức là từ, cụm từ và mệnh đề được dùng để liên kết giữa các phát ngôn, các đoạn văn trong văn bản với chức năng nêu ra kết quả trực tiếp của sự việc hoặc nguyên nhân vừa được nói đến trước đó; tổng kết lại những ý chính, những điều cơ bản, chủ yếu của những nội dung cụ thể mà các phát ngôn trước đã đề cập đến hoặc đưa ra những nhận định chung, khái quát. Nhìn chung, quan hệ này thường thực hiện sự liên kết giữa phát ngôn chứa nó với nhiều phát ngôn trước đó trong VB.

Trong chương 2 và chương 3, chúng tôi sẽ đi sâu tìm hiểu một cách hệ thống cấu tạo - ngữ nghĩa và liên kết - lập luận của các từ ngữ nối loại này, qua đó làm rò vai trò, vị trí cũng như tầm quan trọng, giá trị của chúng trong hoạt động, hành chức ở VB.

1.2.2.5. Bình diện ngữ nghĩa - ngữ dụng

a. Ngữ nghĩa - ngữ dụng của câu

Nghĩa học (semantics) là phương diện của những quan hệ giữa tín hiệu với hiện thực được nói tới trong thông điệp. Bình diện ngữ nghĩa của ngôn ngữ là một khái niệm rộng. Khi nói đến bình diện ngữ nghĩa trước hết người ta thường tập trung vào

nghĩa tường minh, loại nghĩa được thể hiện qua bề mặt câu chữ. Nghĩa tường minh bao gồm hai thành phần chính là nghĩa miêu tả và nghĩa tình thái.

Nghĩa miêu tả (nghĩa sự vật) phản ánh sự việc, hiện tượng, hoạt động, trạng thái, tính chất,…bên ngoài thực tế khách quan được đưa vào ngôn ngữ. Hay nói cách khác, nghĩa miêu tả là nghĩa đề cập đến sự việc (sự tình) trong hiện thực (hoạt động, trạng thái, quá trình, quan hệ…). Chẳng hạn, Tuấn rủ Lan đi xem phim: phát ngôn này có nội dung miêu tả (phản ánh hiện thực): nói tới sự việc một người tên là Tuấn (thường là con trai) rủ một người tên là Lan (thường là con gái) đi xem phim.

Nếu nghĩa miêu tả phản ánh sự việc, hiện tượng, hoạt động, tính chất,… ngoài thực tế khách quan được đưa vào ngôn ngữ thì nghĩa tình thái là phần nghĩa thể hiện mục đích, thái độ, quan hệ, đánh giá của người nói đối với người nghe hoặc hiện thực được phản ánh. Bùi Minh Toán (2012) cho rằng: ―Nghĩa tình thái là một phạm trù bao gồm nhiều nội dung đa dạng và phức tạp… Nghĩa tình thái là phần nghĩa có tác dụng làm cho sự tình mà câu biểu hiện hướng đến mục đích, đến những hành động ngôn ngữ nhất định, hoặc thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá của người nói đối với sự tình được đề cập đến, hay đối với người nghe.‖ [101: 31]. Chẳng hạn, trở lại ví dụ Tuấn rủ Lan đi xem phim: phát ngôn này ngoài việc phản ánh hiện thực nói trên (tức là nghĩa miêu tả), còn có thể là một sự nghi ngờ của người nói đối với sự tình (trong tiền giả định: Tuấn từ trước đến nay chưa bao giờ rủ ai là nữ đi xem phim...).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 224 trang tài liệu này.

Theo Nguyễn Văn Hiệp (2007), ngoài tình thái thuộc phạm vi nghĩa học, tức là những nội dung tình thái đã được mã hoá trong những hình thức ngôn ngữ nhất định (như tình thái nhận thức, tình thái đạo nghĩa, tình thái căn bản, tình thái hướng tác thể, tình thái hướng người nói) có thể nghiên cứu phần nào độc lập với tình huống sử dụng, còn có loại tình thái thuộc phạm vi dụng học vốn chỉ bộc lộ đầy đủ khi xét đến tình huống sử dụng. Đó là tình thái của hành động phát ngôn hay tình thái của mục đích phát ngôn. Như vậy, nghĩa tình thái là phần nghĩa có vai trò quan trọng khi nghiên cứu về ngữ dụng học và gắn liền với ngữ dụng học, bởi ngữ dụng học chính là sự nghiên cứu cách sử dụng ngôn ngữ, xem xét ngôn ngữ trong hành chức và việc sử dụng ngôn ngữ này phải do những con người cụ thể thực hiện và xảy ra trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Có thể thấy điểm nổi bật của ngữ dụng học là khảo sát về ngữ cảnh và việc giao tiếp, cụ thể là xem xét ngôn ngữ trong mối quan hệ với ngữ cảnh giao tiếp. ―Ngữ cảnh, dưới góc độ dụng học, được hiểu không chỉ là mối

tương quan định vị trong văn bản, trong không gian, thời gian giao tiếp mà còn bao gồm những mối quan hệ với các chủ thể giao tiếp, với vốn tri thức nền và ý kiến của họ, với mục đích, định hướng giao tiếp, tiền giả định. Các nhân tố này có thể nói đã tạo nên một bức tranh đa dạng về ngữ cảnh‖ [75: 18-19].

Đối chiếu từ ngữ nối biểu thị ý nghĩa kết quả, tổng kết tiếng Việt và tiếng Anh Trên cơ sở các văn bản khoa học xã hội - 6

Như vậy, nói một cách dễ hiểu, ngữ cảnh chính là bối cảnh ngôn ngữ - những yếu tố bên ngoài ngôn ngữ, làm cơ sở cho việc sử dụng từ ngữ và tạo lập lời nói, đồng thời làm căn cứ để lĩnh hội thấu đáo lời nói. Mỗi phát ngôn đều được sản sinh ra trong một bối cảnh nhất định, muốn lĩnh hội được đầy đủ, chính xác câu đó ta phải đặt nó trong bối cảnh cụ thể. Bối cảnh đó được gọi là ngữ cảnh.

Đi vào cụ thể, những vấn đề cơ bản mà ngữ dụng học tập trung nghiên cứu bao gồm: chiếu vật và chỉ xuất; các hành vi ngôn ngữ; lý thuyết lập luận; lý thuyết hội thoại; nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn... Theo Đỗ Hữu Châu (2009), tất cả các quy tắc, cơ chế ngữ dụng học không chỉ tạo ra nghĩa tường minh mà còn tạo ra các nghĩa hàm ẩn cho các phát ngôn. Và chỉ có thể giải thích được các nghĩa hàm ẩn một cách thoả đáng sau khi đã thông tỏ được các quy tắc chiếu vật, các cơ chế của các hoạt động của các hành vi ngôn ngữ, của lập luận, của sự tương tác (bằng lời và phi lời)... Đồng thời, do bản chất của các đặc tính ngữ dụng của ngôn ngữ, tất cả các vấn đề nêu trên chúng đều liên quan đến nhau [19: 160].

Sự thực đã chứng minh để hiểu được đầy đủ nghĩa của một câu hay một lời nói, chúng ta phải biết ngoài nội dung miêu tả (nghĩa miêu tả), nội dung của mệnh đề còn phải biết ý định của người nói là gì. Và để hiểu được ý định của người nói (nghĩa hàm ẩn), người nghe có thể phải dùng đến thao tác suy ý, phải dựa vào những yếu tố ngoài ngôn ngữ (ngữ cảnh), văn cảnh (hay ngôn cảnh - là các đơn vị ngôn ngữ đi trước và đi sau một đơn vị ngôn ngữ nào đó), hoặc dựa vào các quy tắc điều khiển hành vi ngôn ngữ, điều khiển lập luận, điều khiển hội thoại... mới nắm bắt được.

Chẳng hạn, cùng một câu nói Mai tôi đến ngoài phản ánh hiện thực là một lời thông báo, còn có thể mang những hàm ý khác nhau tuỳ thuộc vào ngữ cảnh: có thể là một lời hứa hay một lời đe doạ. Như vậy, tùy thuộc vào ngữ cảnh mà câu nói sẽ được hiểu theo nghĩa nào. Thậm chí, một số nhà nghiên cứu cho rằng để hiểu được nghĩa tường minh cũng cần phải có sự hiểu biết về hiện thực bên ngoài ngôn ngữ. Chẳng hạn, để hiểu được phát ngôn: con mèo nằm cuộn tròn ở góc sân thì cũng phải xác định được hệ quy chiếu của nó, tức vị trí của góc sân.

Vì vậy, chúng tôi đồng ý với quan điểm: ―không thể tách ngữ nghĩa khỏi ngữ dụng, trong ngữ nghĩa có ngữ dụng và trong ngữ dụng có ngữ nghĩa. Nội dung ngữ nghĩa được tổ chức để phục vụ ngữ dụng. Thông tin được tổ chức theo các kiểu khác nhau để đạt đích. Không có đường ranh giới rò nét giữa ngữ nghĩa và ngữ dụng‖ [75: 18].

b. Ngữ nghĩa - ngữ dụng của từ ngữ nối liên kết

Bản chất của phép nối là ―tạo ra các kiểu quan hệ nghĩa - logic giữa các câu có quan hệ với nhau bằng các phương tiện từ ngữ có tác dụng nối kết‖ [3: 352]. Như vậy, nói đến ngữ nghĩa của phép nối là nói đến các quan hệ ý nghĩa cơ bản. Các kiểu quan hệ nghĩa này ―được hiện thực hoá bằng các phương tiện từ ngữ cụ thể‖ [3: 357] và các phương tiện này chính là các yếu tố tham gia liên kết mà chúng ta gọi chung là các từ ngữ nối liên kết.

Thực tế cho thấy các quan hệ ngữ nghĩa được hiện thực hoá thông qua phương tiện từ ngữ liên kết cụ thể rất phong phú và đa dạng. Tuỳ theo từng mối quan hệ mà phép nối thể hiện các ý nghĩa đặc trưng khác nhau. Chẳng hạn như quan hệ nhân – quả thường dùng các quan hệ từ và từ ngữ chỉ ―nguyên nhân‖ như: tại vì, vì, bởi, vì vậy, do, do đó…; hoặc quan hệ từ và từ ngữ chỉ ―hệ quả‖ như: nên, cho nên, thành ra, thành thử, kết quả là, hệ quả là…; quan hệ mục đích: để, để cho, để mà…; nhằm, nhằm làm cho, nhằm để, khiến, khiến cho, với mục đích…

Tuy nhiên, các phương tiện từ ngữ nối không phải mang ý nghĩa tự thân mà thể hiện chức năng, công dụng thông qua việc biểu đạt ý nghĩa nào đó trong một văn cảnh cụ thể - ngữ dụng. Điều này có nghĩa là các từ ngữ nối cần phải được xem xét trong mối quan hệ với VB bởi lẽ khi đứng độc lập, các phương tiện từ ngữ nối chỉ mang ý nghĩa chung hoặc khái quát. Nhưng khi đặt vào từng văn cảnh, các phương tiện nối sẽ bộc lộ những mối quan hệ ý nghĩa cụ thể, đôi khi là phức tạp giữa hai hay nhiều phát ngôn hoặc đoạn văn trong VB. Trong một số trường hợp, những phương tiện từ ngữ nối này lại biểu thị ý nghĩa khác với thông thường hoặc các từ ngữ nối cùng biểu thị một quan hệ ngữ nghĩa khái quát nhưng cách sử dụng chúng lại khác nhau trong từng văn cảnh cụ thể. Thậm chí, cùng một phương tiện từ ngữ có thể giải thích bằng nhiều kiểu quan hệ khác nhau tuỳ thuộc vào ngữ cảnh. Chẳng hạn: nhưng biểu thị nhiều mối quan hệ ngữ nghĩa khác nhau tuỳ thuộc vào từng văn cảnh:

(a) Chẳng ai buồn ăn cơm. Nhưng cái Viễn thì lại muốn chóng xong việc để còn đi tắm. → Nhưng mang ý nghĩa tương phản;

(b) Đầu đuôi tại con mèo. Nhưng cũng tại trời bức nữa. → Nhưng mang ý nghĩa ý bổ sung: nhưng = và;

(c) Hãy đập bàn đập ghế để đòi được năm đồng, nhưng được rồi thì vất trả lại năm hào “vì thương anh túng quá” → Nhưng mang ý nghĩa ý điều kiện: nhưng = nếu.

Rò ràng, chỉ khi đi sâu vào xem xét các phương tiện nối kết trong những văn cảnh cụ thể thì mới thấy rò chức năng thực sự của chúng.

1.2.3. Thể loại văn bản khoa học

Để phân loại VB, các nhà nghiên cứu thường dựa trên một trong những tiêu chí rất quan trọng, đó là chức năng. Từ đó, họ phân chia thành các loại: văn bản hành chính, văn bản khoa học, văn bản chính luận, văn bản báo chí, văn bản nghệ thuật.

1.2.3.1. Khái niệm văn bản khoa học

Văn bản khoa học (VBKH) là những VB phản ánh hoạt động trí tuệ, nhận thức, với chức năng chủ yếu là thông báo - chứng minh, được chuyên dùng trong phạm vi của các ngành khoa học và trong các lĩnh vực chuyên môn.

Trong VBKH lại có thể chia nhỏ thành 3 loại sau: 1/VBKH chuyên sâu: chẳng hạn như các công trình khoa học, các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học, chuyên luận, luận án, luận văn...; 2/VBKH giáo khoa: các giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo trong nhà trường...; 3/VBKH phổ cập: bài báo, tài liệu phổ biến, thông báo khoa học... Hữu Đạt (2001) cho rằng so với phong cách hành chính (tức văn bản hành chính), phong cách khoa học có phạm vi hoạt động hẹp hơn nhiều. Nó chỉ tồn tại chủ yếu ở phạm vi của những người làm khoa học, trừ dạng phổ biến khoa học và thường thức khoa học (tức là loại VBKH phổ cập) [29: 141].

1.2.3.2. Chức năng của văn bản khoa học

Chức năng cơ bản của VBKH là thông báo và chứng minh. Ngoài chức năng thông báo các sự kiện, sự việc, hiện tượng…,VBKH còn giải thích, chứng minh tính chân thực của thông báo, nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của chúng với tư cách là cơ sở cho một luận điểm hay một quan niệm lý thuyết nhất định, từ đó gợi mở cho con người những suy nghĩ tìm tòi để tiến tới nắm bắt được những vấn đề của khoa học. Cho nên, thông báo chứng minh là hai chức năng quan trọng nhất của VBKH. Theo Đinh Trọng Lạc (1999), ―chứng minh được coi là đặc trưng khu biệt của phong cách khoa học, làm cho nó không giống với các phong cách khác [57: 83].

1.2.3.3. Đặc trưng của văn bản khoa học

a. Tính trừu tượng - khái quát cao.

Khoa học luôn gắn liền với quy luật, phạm trù, khái niệm, nghĩa là khoa học phải thông qua quá trình trừu tượng hóa, khái quát hóa để nhận thức và phản ánh hiện tượng khách quan nhằm phát hiện ra các quy luật tồn tại trong các sự vật, hiện tượng, mà VBKH lại là công cụ để truyền tải các tri thức khoa học ấy. Cho nên, VBKH luôn mang tính trừu tượng - khái quát cao, chúng không dừng lại ở những gì riêng lẻ, bộ phận. Thậm chí, Hữu Đạt (2001) cho rằng tính trừu tượng và khái quát ở khoa học khác hẳn với tính trừu tượng và khái quát trong nghệ thuật. Nếu như ở khoa học, đó là quá trình tư duy logic biện chứng thì ở trong nghệ thuật đó là quá trình tư duy hình tượng, dùng logic hình tượng làm mục đích và để xây dựng các hình tượng văn học. Vì vậy, nói tới tính trừu tượng - khái quát ở trong khoa học chính là nói tới việc xác lập các kiểu quan hệ giữa các sự vật, sự việc, hiện tượng… Trừu tượng hoá chính là con đường của nhận thức lý tính, giúp con người tránh khỏi những nhận biết riêng lẻ, rời rạc của giai đoạn cảm tính [29: 45-46].

b. Tính logic nghiêm ngặt

Do khoa học phải thuyết phục bằng lý tính, cách suy luận phải thể hiện năng lực tổng hợp của trí tuệ cho nên trong VBKH phải có tính logic nghiêm ngặt, tuân theo quy tắc chặt chẽ từ tư duy logic hình thức đến tư duy logic biện chứng. Tính logic của VBKH được thể hiện ở tính nhất quán trong sự phân bố tất cả các đơn vị nội tại của văn bản, cũng như trong những mối liên hệ về nghĩa giữa các đơn vị đó. Ngoài ra, tính nhất quán đòi hỏi các kết luận ở trong VB được rút ra một cách hợp lý từ nội dung, không gây ra mâu thuẫn. Bên cạnh đó, trong một VBKH, những đoạn văn riêng lẻ tạo nên VB phải phản ánh đúng sự vận động của quá trình tư duy từ cái riêng đến cái chung hoặc từ cái chung đến cái riêng.

c. Tính chính xác - khách quan


Yêu cầu hàng đầu trong khoa học phải phản ánh một cách chính xác, chân thực, khách quan các quy luật tự nhiên và xã hội, cho nên có thể nói tính chính xác - khách quan là một đặc trưng nổi bật và quan trọng nhất của VBKH. Tính chính xác - khách quan trong VBKH được thể hiện ở tính một nghĩa trong cách hiểu, nghĩa là nó đòi hỏi không đựợc tạo ra sự khác biệt giữa cái được biểu đạt và cái biểu đạt. Cogina (1983) đã lý giải về tầm quan trọng của bản chất tính chính xác - khách quan, đó là:

bởi vì quá trình nhận thức khoa học (quá trình lời nói bên trong) và quá trình thể hiện các kết quả của tư duy (quá trình lời nói bên ngoài) vốn không đồng nhất về cấu tạo lời nói, về sự thể hiện ngôn ngữ, mà những luận điểm khoa học (sự kết tinh cuối cùng của tư duy) lại được thực hiện chính là ở trong lời nói bên ngoài chứ không phải là lời nói bên trong [Dẫn theo 57: 85].

1.2.3.4. Đặc điểm ngôn ngữ của văn bản khoa học

Ngôn ngữ trong VBKH có một số đặc điểm đáng chú ý về mặt phong cách, cú pháp và từ ngữ dưới đây:

Về mặt phong cách, ngôn ngữ trong VBKH chủ yếu dùng trong hoạt động nghiên cứu khoa học nên nó thuộc về phong cách viết và đó là phong cách gọt rũa.

Về mặt cú pháp, ngôn ngữ trong VBKH chủ yếu sử dụng các câu tường thuật, giải thích và câu hỏi chính danh. Kết cấu câu trong VBKH rất chặt chẽ, thường sử dụng câu có đầy đủ thành phần hoặc câu vô nhân xưng, không có các loại câu tỉnh lược hoặc cảm thán. Đặc biệt, ngôn ngữ khoa học sử dụng nhiều các loại câu ghép, câu mở rộng thành phần phụ như bổ ngữ, trạng ngữ, phụ ngữ... Ngoài ra kiểu câu ghép chính phụ có các cặp quan hệ từ hô ứng (chỉ quan hệ nguyên nhân - kết quả; tương phản...) cũng được sử dụng rộng rãi.

Về mặt từ ngữ, ngôn ngữ trong VBKH thường sử dụng các từ ngữ có nghĩa chính xác, đơn nghĩa, trung hòa về biểu cảm; sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, những từ công cụ, từ đa phong cách.

Về kết cấu và diễn đạt, VBKH thường được xây dựng theo một thể thức nghiêm ngặt. Chẳng hạn, với một bài báo khoa học, thông thường phải có các phần: 1/ lý do của vấn đề, 2/ trình bày hệ thống nội dung vấn đề kèm theo miêu tả, phân tích, lý giải, nhận xét, 3/ đưa ra những kết luận, nhận định (hệ quả của phần thứ hai). Cách diễn đạt trong VBKH đòi hỏi phải mạch lạc, logic và lập luận chặt chẽ.

Như vậy, có thể thấy, VBKH là thể loại VB phản ánh hiện thực bằng tư duy logic, nên nội dung diễn đạt thường mạch lạc, logic, thiên về lập luận, thuyết phục, trong đó các từ ngữ nối thường được sử dụng như là công cụ của các hình thức phán đoán và suy lý khoa học. Vì thế, việc dùng các từ ngữ liên kết, đặc biệt là từ ngữ nối, là rất cần thiết và quan trọng trong VBKH. Nhờ có từ ngữ nối mà tính chất luận điểm trong VB được nổi rò và liên kết trong VB được tăng cường và vì thế, tính logic, chặt chẽ được bảo đảm và thể hiện rò nét.

1.2.4. Ngôn ngữ học đối chiếu

Hiện nay, ngôn ngữ học hiện đại không chỉ dừng lại ở mức đối chiếu có tính chất kiểu loại về mặt ngữ pháp, mà còn so sánh về mặt chức năng, ngữ nghĩa - ngữ dụng... Trong những năm gần đây, việc đối chiếu các ngôn ngữ còn hướng tới những ứng dụng trong lĩnh vực dạy tiếng và trong lĩnh vực dịch thuật bằng cách xác định những tương đồng và khác biệt về các bình diện cấu trúc và hoạt động.

Đi sâu vào đối chiếu, Bùi Mạnh Hùng (2008) cho rằng có 5 nguyên tắc cơ bản cần phải được tuân thủ: (i) Bảo đảm các phương tiện trong hai ngôn ngữ đối chiếu được miêu tả một cách đầy đủ, chính xác trước khi tiến hành đối chiếu để tìm ra những điểm giống và khác nhau giữa chúng. (ii) Việc nghiên cứu đối chiếu không chỉ chú ý đến các phương tiện ngôn ngữ một cách tách biệt mà phải đặt trong hệ thống.

(iii) Phải xem xét các phương tiện đối chiếu không chỉ trong hệ thống ngôn ngữ mà còn trong hoạt động giao tiếp. (iv) Phải bảo đảm tính nhất quán trong việc vận dụng các khái niệm và mô hình lý thuyết để miêu tả các ngôn ngữ được đối chiếu. (v) Phải chú ý cả mức độ gần gũi về loại hình giữa các ngôn ngữ cần đối chiếu [50: 131-146].

Về phạm vi đối chiếu, các nhà nghiên cứu phân thành 2 lĩnh vực: đối chiếu theo hệ thống (đối chiếu tổng thể hai ngôn ngữ) và đối chiếu theo bộ phận (đối chiếu các phạm trù và hiện tượng cụ thể của hai ngôn ngữ). Đi sâu vào đối chiếu theo phạm trù, Krzeszowski (1990) cho rằng có thể đối chiếu theo 3 bình diện: 1/ Đối chiếu những hệ thống tương đương trong hai ngôn ngữ (đại từ, quán từ, động từ, v.v.); 2/ Đối chiếu kết cấu tương đương (kết cấu nghi vấn, kết cấu phủ định); 3/ Đối chiếu các quy tắc tương đương (quy tắc bị động hóa, đảo trật tự trong câu nghi vấn, v.v.) [127: 117]. Tương tự, Lê Quang Thiêm (1989) đã đưa ra 6 bình diện đối chiếu: 1/ Đối chiếu ngôn ngữ; 2/ Đối chiếu phạm trù; 3/ Đối chiếu hệ thống cấu trúc; 4/ Đối chiếu chức năng và hoạt động; 5/ Đối chiếu phong cách học; 6/ Đối chiếu lịch sử phát triển [87: 333-335]. Bên cạnh đó, Bùi Mạnh Hùng lại cho rằng việc xác định phạm vi đối chiếu phải dựa trên cơ sở phân biệt các bình diện phân tích ngôn ngữ (ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng và ngữ dụng).

Ngoài việc nêu ra nguyên tắc đối chiếu và phạm vi đối chiếu ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu còn xác định được phương pháp nghiên cứu thích hợp cho đối chiếu đó là phương pháp miêu tả và phương pháp so sánh. Theo Bùi Mạnh Hùng (2008), phương pháp miêu tả trong đối chiếu là việc xác định đặc trưng khu biệt của các đơn vị, các

Xem tất cả 224 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí