Những Vấn Đề Cần Tiếp Tục Nghiên Cứu Trong Luận Án


- Về lý luận:

Đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống, đầy đủ về TTDL trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của nước CHDCND Lào tiếp cận từ chuyên ngành kinh tế chính trị học.

Chưa có công trình nào phân tích có hệ thống các yếu tố cấu thành TTDL, mối quan hệ giữa TTDL với sự phát triển kinh tế - xã hội và các nhân tố ảnh hưởng đến TTDL. Các nội dung của các công trình đã công bố chưa làm rõ vai trò của các yếu tố thuộc lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất quá trình vận động TTDL của cả nước nói chung, của tỉnh Luông Pra Băng nói riêng.

Các công trình đã công bố vẫn đang còn thiếu hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động TTDL ở một địa bàn cấp tỉnh có nhiều điểm đặc thù như tỉnh Luông Pra Băng của nước CHDCND Lào.

- Về thực tiễn:

Cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu tổng kết, đánh giá một cách hệ thống về thực trạng, đề xuất phương hướng và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển TTDL ở tỉnh Luông Pra Băng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên cơ sở lý luận kinh tế chính trị học. Với những lý do trên, nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài "Thị trường du lịch ở tỉnh Luông Pra Băng, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào" để nghiên cứu làm luận án Tiến sĩ Kinh tế là mới, không trùng lặp với các kết quả nghiên cứu đã công bố và có ý nghĩa lý luận, thực tiễn.

1.3.2. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong luận án

Để góp phần "lấp đầy" khoảng trống trên và góp phần thúc đẩy phát triển TTDL ở tỉnh Luông Pra Băng, nước CHDCND Lào trong thời gian tới, nghiên cứu sinh tập trung vào nghiên cứu làm rõ những vấn đề sau:

- Về mặt lý luận:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 173 trang tài liệu này.

Xây dựng cơ sở lý luận về TTDL ở một địa bàn cấp tỉnh dưới góc độ kinh tế chính trị học. Cụ thể, luận án sẽ làm rõ các quan hệ kinh tế trên thị trường này bao gồm khái niệm, đặc trưng của TTDL, nội dung, cơ chế vận


Thị trường du lịch ở tỉnh Luông Pra Băng, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào - 5

hành, quan hệ lợi ích kinh tế, tiêu chí đánh giá và các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường này gắn với yêu cầu mới của phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của CHDCND Lào.

- Về mặt thực tiễn:

Luận án tham khảo nghiên cứu kinh nghiệm phát triển TTDL của một số tỉnh có nhiều điểm tương đồng ở trong và ngoài nước CHDCND Lào trên cả hai khía cạnh thành công và không thành công để rút ra bài học kinh nghiệm cho tỉnh Luông Pra Băng.

Luận án nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng TTDL ở tỉnh Luông Pra Băng, nước CHDCND Lào dựa trên có sở khung lý thuyết về các quan hệ kinh tế của thị trường này.

Luận án dự báo về xu hướng và triển vọng phát triển TTDL, trong đó chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với yêu cầu phát triển TTDL ở tỉnh Luông Pra Băng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Luận án đề xuất phương hướng và các giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển TTDL ở tỉnh Luông Pra Băng giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.


Chương 2

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN VỀ THỊ TRƯỜNG DU LỊCH


2.1. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM VÀ VAI TRÒ CỦA THỊ TRƯỜNG DU LỊCH

2.1.1. Khái niệm và các yếu tố cấu thành thị trường du lịch

2.1.1.1. Khái niệm thị trường du lịch

Thị trường du lịch là một bộ phận cấu thành hệ thống thị trường của nền kinh tế. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ, sự phát triển của thị trường này vai trò của nó ngày càng tăng lên. Du lịch ngày càng là nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa - xã hội của con người dù họ sinh sống ở quốc gia phát triển hay quốc gia đang phát triển bất cứ nơi nào trên thế giới. Theo đó, nhận thức về TTDL ngày càng sâu sắc hơn.

Đến nay, đã có nhiều quan niệm khác nhau về du lịch. Theo UNWTO (1986): "Du lịch bao gồm tất cả những hoạt động của cá nhân đi, đến và lưu lại ngoài nơi ở thường xuyên trong thời gian không dài (hơn một năm) với những mục đích khác nhau ngoại trừ mục đích kiếm tiền hàng ngày". Theo Luật du lịch Việt Nam (2017) tại Chương I, Điều 3:

Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác [65, tr.1].

Theo Luật du lịch Lào (sửa đổi năm 2013), tại Chương I, Điều 2:

Du lịch là cuộc hành trình khỏi nơi cư trú thường xuyên của mình đến địa phương khác hoặc quốc gia khác để tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, giao lưu văn hóa - thể thao, phát triển thể chất và tinh thần, khám phá nghiên cứu, trưng bày, hội họp,… loại trừ mục đích tìm việc làm và hành nghề để kiếm tiền [31, tr.1].


Như vậy, du lịch là việc thực hiện một chuyến đi của con người, với nhiều mục đích cụ thể riêng biệt đến một nơi khác mà không phải để định cư và có sự trở về sau chuyến đi. Những hoạt động trong việc cung ứng hàng hóa và dịch vụ du lịch với mục đích kinh doanh thông qua phục vụ khách du lịch gọi là kinh doanh du lịch. Trong nền kinh tế, kinh doanh du lịch đã trở thành một ngành kinh tế riêng biệt, phân biệt với các ngành kinh tế khác. Theo Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hòa cho rằng: “Kinh doanh du lịch là một ngành bao gồm các hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hóa và dịch vụ của những doanh nghiệp, nhằm đáp ứng các nhu cầu về đi lại, lưu trú, ăn uống, tham quan, giải trí, tìm hiểu và các nhu cầu khác của khách du lịch” [46]. Theo đó, kinh doanh du lịch đòi hỏi các chủ thể trong xã hội phải thiết lập các mối quan hệ tương tác lẫn nhau trong tất cả các hoạt động liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng các sản phẩm du lịch với mục tiêu thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người trong một xã hội với một nguồn lực có giới hạn. Theo nghĩa đó, kinh doanh du lịch chính là những hoạt động thuộc kinh tế du lịch.

Kinh tế du lịch cũng như các ngành kinh tế khác là một bộ phận cấu thành nền kinh tế quốc dân. Theo quan điểm tiếp cận của C.Mác và Ph.Ăngghen, quá trình tái sản xuất bao gồm bốn khâu: sản xuất, phân phối, trao đổi (lưu thông) và tiêu dùng. Các ông cho rằng:

Sản xuất và tiếp theo sau sản xuất là trao đổi sản phẩm của sản xuất, là cơ sở của mọi chế độ xã hội, rằng trong mỗi xã hội xuất hiện trong lịch sử, sự phân phối sản phẩm, và cùng với sự phân phối ấy là sự phân chia xã hội thành giai cấp hoặc đẳng cấp, đều được quyết định bởi tình hình: người ta sản xuất ra cái gì và sản xuất ra bằng cách nào và những sản phẩm của sản xuất đó được trao đổi như thế nào [59, tr.371].

Sự vận động của kinh tế du lịch cũng không nằm ngoài quá trình đó. Nó cũng bao gồm bốn khâu nói trên. Trong đó, sản xuất là khâu đầu, tiêu dùng là khâu cuối, trao đổi hay lưu thông và phân phối sản phẩm du lịch là hai khâu trung gian nối liền sản xuất với tiêu dùng.


Trong nền kinh tế thị trường, việc trao đổi/ lưu thông sản phẩm du lịch tất yếu phải được diễn ra trên thị trường. Do việc sản xuất sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch mang tính chuyên môn hóa sâu, tính chuyên nghiệp cao nên việc cung ứng và trao đổi loại sản phẩm này cũng được diễn ra trên một thị trường riêng có tính đặc thù, phân biệt với các thị trường khác và được gọi là TTDL.

Xét về lịch sử kinh tế thế giới, TTDL đã được hình thành và phát triển từ thời Hy Lạp cổ đại với các loại hình kinh doanh du lịch như buôn bán, giải trí, du lịch thể thao (như Thế vận hội Olimpic năm 760 trước công nguyên), rồi lan tỏa sang nhiều nước khác, như Trung Quốc, Ấn Độ, La Mã... và có thêm những sản phẩm dịch vụ du lịch mới như du lịch nước khoáng thiên nhiên, du lịch cảnh quan, du lịch bãi biển... Đến thế kỷ 15 - 17, đi cùng quá trình phát triển kinh tế và những thành công của các cuộc thám hiểm với các phát kiến lớn về địa lý của các nhà thám hiểm ở các nước Tây Âu, thị trường hàng hóa và dịch vụ được mở rộng ra nhiều nước khác đến cả các nơi mà các nước phương Tây gọi là các vùng đất mới, làm cho TTDL được mở rộng hơn không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trên phạm vi quốc tế. Sự ra đời và phát triển của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa thay thế nền kinh tế hàng hóa giản đơn của thời đại phong kiến kể từ sau cuộc cách mạng tư sản Anh vào giữa thế kỷ 17 càng tạo ra điều kiện để phát triển loại thị trường này. Sự ra đời và phát triển của TTDL là kết quả tất yếu của quá trình phát triển lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội. Theo V.I. Lênin: "Hễ ở đâu, khi nào có phân công lao động xã hội và sản xuất hàng hóa, thì ở đó và khi ấy cũng có thị trường. Thị trường chẳng qua là sự biểu hiện của phân công xã hội và do đó có thể phát triển vô cùng tận" [56, tr.114].

Sự phát triển mạnh mẽ của TTDL bắt đầu từ thế kỷ 19, khi những tiến bộ của Cách mạng công nghiệp cho phép phát triển các hoạt động phục vụ mục đích nghỉ ngơi, lý do văn hóa, xã hội, v.v ... Theo các nhà nghiên cứu, thì Thomas Cook (Thomas Cook (1808 - 1892) là một doanh nhân người Anh. Ông nổi tiếng với việc thành lập công ty du lịch Thomas Cook & Son) là doanh nhân đầu tiên coi du lịch là một hoạt động có tính chất thương mại, vào


năm 1841 khi nhắc đến chuyến tham quan lịch sử có tổ chức đầu tiên. Một thập kỷ sau, Cook bắt đầu một khả năng thương mại mới để thành lập một công ty du lịch (được biết đến với tên Thomas Cook và Son), một điều chưa bao giờ được hình thành cho đến lúc đó.

Ngày nay, TTDL là một trong những ngành công nghiệp chính trên toàn thế giới. Nó bao gồm du lịch của các nhóm người được thu hút bởi một công ty lữ hành và du lịch cá nhân (các cá nhân tổ chức hành trình và hoạt động của họ mà không có sự can thiệp của bên thứ ba).

Trong số các thành phố có nhiều hoạt động du lịch trên hành tinh, có Barcelona (nơi thu hút khán giả bằng các tác phẩm nghệ thuật như tòa nhà La Sagrada của Antoni Gaudi, một trong những bậc thầy vĩ đại của chủ nghĩa hiện đại), Paris (với Tháp Eiffel biểu tượng, sông Seine và Champs-Elysées), Madrid (với màu sắc và sự đa dạng của nó, số mũ kiến trúc của nó và Bảo tàng Prado) Cancun (điểm đến của những người khao khát nghỉ ngơi ở các bãi biển) và London (công viên và di tích được trang trí như Big Ben, và với một cuộc sống về đêm nổi bật trong Trung tâm)… Thị trường du lịch không chỉ trở thành phổ biến mà còn trở thành lĩnh vực mở đường, "đầu tầu" cho việc thúc đẩy sự phát triển của các thị trường khác trong nền kinh tế.

Cùng với quá trình phát triển đó, đến nay đã có những quan niệm khác nhau trong nhận thức về TTDL. Theo Văn phòng Lao động Quốc tế (The International Labour Office) "TTDL bao gồm tất cả những người và doanh nghiệp mua và bán các dịch vụ và sản phẩm du lịch được gọi là các bên liên quan" (http://translate.google.com). Khái niệm này dùng để mô tả đây là một quan hệ kinh tế xã hội giữa con người với nhau trong các giao dịch về sản phẩm du lịch được tiếp cận dưới góc độ quản lý kinh tế. Theo Wiki Didactic, TTDL "là nơi lưu chuyển cung và cầu của các sản phẩm và dịch vụ du lịch", "nơi hội tụ việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ du lịch và nhu cầu được quan tâm và thúc đẩy để tiêu thụ những sản phẩm và dịch vụ du lịch đó" [111]. Các lực lượng tham gia trên TTDL bao gồm người mua và người bán. Trên thị trường này, các nhà cung cấp các loại sản phẩm và dịch vụ khác nhau


có thể được điều chỉnh theo các nhu cầu và lý do khác nhau của người mua, tức là cung về du lịch phải đáp ứng cầu về du lịch mặc dù sản phẩm du lịch nhiều khi có tính đặc thù theo vùng, miền, quốc gia. Khái niệm này mô tả hành vi của các chủ thể thị trường, trong đó chú ý đến hành vi của người sản xuất và cung ứng hàng hóa và dịch vụ du lịch.

Theo PGS Nguyễn Văn Lưu, "TTDL là nơi "gặp gỡ" giữa cung và cầu phù hợp về chủng loại, chất lượng, số lượng, thời gian cung cấp, nhịp độ cung cấp cũng như các loại dịch vụ phục vụ khác trong lĩnh vực du lịch" [57, tr.11]. Theo khái niệm này, TTDL được hiểu là nơi hay một địa điểm diễn ra quan hệ trao đổi hàng hóa và dịch vụ du lịch, nơi tập trung và thực hiện của cung và cầu du lịch về một hàng hóa và dịch vụ nào đó, là tổng thể các quan hệ kinh tế hình thành giữa khách du lịch và người kinh doanh du lịch, khi mà lao động xã hội để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ đó được công nhận là lao động xã hội cần thiết. Khái niệm trên được tiếp cận dưới góc độ chuyên ngành kinh tế du lịch.

Với các khái niệm nêu trên, có thể thấy những thuộc tính cơ bản của TTDL bao gồm các sản phẩm du lịch hay hàng hóa và dịch vụ du lịch, người mua và người bán hàng hóa và dịch vụ đó thông qua hệ thống giá cả thị trường. Tuy nhiên, các khái niệm trên mới dùng để mô tả trực tiếp các quan hệ kinh tế của hai chủ thể là người mua và người bán sản phẩm du lịch, chưa chỉ ra được những thuộc tính về động lực của các quan hệ kinh tế xã hội diễn ra trên thị trường này và về mối quan hệ giữa TTDL với các khâu, các thị trường trong nền kinh tế một cách tổng thể.

Thêm vào đó, cần để ý rằng, trong điều kiện ngày nay, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển vượt trội của công nghệ thông tin và kinh tế số làm cho phạm vi TTDL không còn bó hẹp ở một nơi hay một địa điểm như đã hiểu trong nhiều năm trước đây. Ví dụ, công nghệ Internet vạn vật (Internet of things- IoT) có liên quan đến nhiều xu hướng du lịch, trong đó có sự kết nối giữa người mua và người bán sản phẩm du lịch, các quan hệ giao dịch về hàng hóa và dịch vụ du lịch được thực hiện


ngay trên các trang web thông minh mà không nhất thiết phải là đến một nơi hay một địa điểm cụ thể. Sự phát triển nhanh chóng của nhiều loại công nghệ như thực tế ảo (Virtual reality - VR) với nhiều ứng dụng trong ngành du lịch bao gồm giải trí cao cấp, du lịch kết hợp các yếu tố vật lý như bộ điều khiển hoặc ghế ngồi và nền tảng di động. Công nghệ thực tế mở rộng (Augmented reality - AR) là một TTDL trong đó có sự kết hợp trải nghiệm trong thế giới thực và các yếu tố ảo như trò chơi điện thoại thông minh (Pokémon Go) có thể hiển thị cho khách du lịch những thông tin về khu vực họ đang khám phá (như di tích lịch sử, bảo tàng, thực đơn cho các địa điểm giải trí, quán ăn địa phương..) và cung cấp cho du khách những trải nghiệm du lịch tại chỗ mà không nhất thiết phải di chuyển đến nơi có sản phẩm, loại hình dịch vụ du lịch đó, làm cho nhu cầu về du lịch tăng lên rất nhanh. Chính vì thế, TTDL cũng không nhất thiết phải là một nơi hay một địa điểm cụ thể. Nó phải là một quá trình kinh tế có sự tương tác giữa cung và cầu về sản phẩm du lịch.

Từ những phân tích trên, theo tiếp cận của kinh tế chính trị học, có thể hiểu TTDL là một khâu của quá trình tái sản xuất xã hội, một bộ phận cấu thành hệ thống các loại thị trường, trong đó diễn ra các quan hệ giao dịch giữa người mua và người bán sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu và lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường. Nói một cách khác, TTDL là tổng thể các hành vi và quan hệ kinh tế thể hiện ra trong quá trình trao đổi sản phẩm du lịch. Mâu thuẫn cơ bản của TTDL là mâu thuẫn giữa cầu và cung về sản phẩm du lịch.

2.1.1.2. Các yếu tố cấu thành thị trường du lịch

Các yếu tố tạo nên TTDL bao gồm cung và cầu về du lịch, quan hệ giữa các chủ thể gồm người mua, người bán sản phẩm du lịch và các chủ thể cung ứng dịch vụ du lịch.

- Cầu về du lịch

Cầu về du lịch là số lượng hàng hóa và dịch vụ du lịch mà du khách muốn sử dụng và sẵn sàng mua với các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Mỗi mức giá nhất định đều có một lượng cầu nhất định về

Xem tất cả 173 trang.

Ngày đăng: 15/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí