Thể loại tùy bút trong Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975 - 6

38


điệu thẩm mỹ (anh hùng ca, bi ca, lãng mạn); hình thức lời văn (văn vần, văn xuôi, văn biền ngẫu); dung lượng (đoản thiên, trung thiên, trường thiên).

1.3.1. Đề tài của tùy bútrất đa dạng. Với ưu thế riêng của một thể loại nằm ở vị trí trung gian, tùy bút có thể can dự vào mọi phương diện, mọi lĩnh vực đời sống. Từ những vấn đề về lịch sử, văn hóa, phong tục cho tới những nội dung mang tính chất thế sự, đời tư; từ ngoại cảnh đến tâm cảnh, từ ý thức đến vô thức, tất cả đều là đối tượng để cảm nhận và suy tư trong tùy bút.

Trước hết, tùy bút có thể bao quát những vấn đề lớn lao, có ý nghĩa chính trị, liên quan đến sự tồn vong của cả cộng đồng. Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, tùy bút là một trong những thể loại cơ động, linh hoạt nhất. Những tập tùy bút tiêu biểu của Nguyễn Tuân như: Đường vui, Tình chiến dịch, Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi; tùy bút Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành, Dòng kinh quê hương của Nguyễn Thi,... đã dựng lên hình tượng bi tráng về Tổ quốc và Dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước; khẳng định sức sống bất diệt của con người Việt Nam ngay chính trong sự hủy diệt man rợ của kẻ thù. Những nỗi niềm tâm sự cá nhân riêng tư, thầm kín cũng được kịp thời ghi nhận và thể hiện trong sự hòa hợp với không khí chung của thời đại:

“Cuộc chiến đấu của chúng tôi sắp bắt đầu (…). Có thể hôm nay, điều ấy cũng thường tình, tôi sẽ ngã xuống. Nếu như vậy thì cũng có sao đâu. Bởi vì giá như sau đó vì một sự kỳ diệu, tôi được sống lại thì cũng xin cho tôi được sống trong ngày hôm nay của dân tộc ta. Tôi thiết tha yêu cái ngày hôm nay của đất nước, thiết tha yêu đội ngũ trùng trùng điệp điệp của chúng ta đang tiến lên trong cuộc hành quân cả nước sục sôi và chiến thắng này” (Đường chúng ta đi).

Cảm quan nghệ thuật của người viết tùy bút còn tỏ ra hết sức tinh nhạy trước vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên và những giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua việc tái hiện, miêu tả những biểu hiện cụ thể, tùy bút gián tiếp góp phần khẳng định các nguyên tắc, chuẩn mực trong đời sống sinh hoạt; đồng thời bộc lộ quan điểm riêng và đề xuất giải pháp hữu hiệu để tôn vinh, gìn giữ những giá trị cộng đồng. Trong thực tế sáng tác, tùy bút Việt Nam đã có được thành tựu rực rỡ khi khai thác những đề tài có liên quan tới văn hóa. Có lẽ vì ở lĩnh vực này, bản ngã của người

39


viết ít chịu sự câu thúc bởi những áp lực xã hội, nên ý thức dân tộc và cảm hứng nhân văn được thể hiện một cách chân thành, sâu sắc. Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, Cốm Vòng, Giò lụa, Phở, Xoè, Cho giặc Mỹ ăn một cái Tết ta của Nguyễn Tuân, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, Ai đã đặt tên cho dòng sông ? của Hoàng Phủ Ngọc Tường,... là những trang văn hay, ca ngợi các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, gợi lên niềm tự hào vô hạn về dân tộc Việt Nam - một dân tộc nhân hậu, tài hoa, kiên cường, bất khuất.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 247 trang tài liệu này.

Trước những vấn đề có tính chất thế sự, đời tư, tùy bút càng tỏ rò ưu thế của một thể loại văn xuôi đậm chất chủ quan. Thế giới mênh mông, thẳm sâu đến vô cùng của tâm hồn con người là vùng đề tài thích hợp với tùy bút. Lúc này, người nghệ sĩ có thể xuất hiện với nhiều vai khác nhau: hoặc “chơi độc tấu” như người trong cuộc, hoặc đứng tách riêng ra mà khách quan bình tán. Tùy bút thường tái hiện nội tâm con người trong sự đan xen nhiều cung bậc cảm xúc phong phú, phức tạp hoặc thuật lại nỗi ám ảnh triền miên trong những day dứt tinh thần. Ở mảng đề tài này, Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân là những trang tùy bút tiêu biểu. Tác phẩm đã ghi lại thật chân thành bi kịch tinh thần của người trí thức Việt Nam trong những ngày tháng “phóng túng hình hài” trước 1945, chứ không phải miêu tả về nhà hát với cảnh hành lạc thâu đêm để kích thích óc tò mò của những độc giả hiếu kỳ.

Suy đến cùng, cứu cánh của tùy bút - cũng như của nghệ thuật chân chính nói chung - là phát hiện, ngợi ca và tôn vinh cái Đẹp ở mọi phương diện đời sống, bởi cái Đẹp bao giờ cũng quý hiếm, không tồn tại lộ thiên mà khuất lấp, ẩn tàng như ngọc trong đá, như nụ hoa trong vòm lá. Bằng con mắt tinh đời và tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”, người viết tùy bút luôn biết phát huy tận độ mọi năng lực chủ quan trong việc khám phá và truyền đến cho người đọc những khoái cảm thẩm mỹ trong lành, tinh tế nhất:

Thể loại tùy bút trong Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975 - 6

“Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngò hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện vẻ đẹp ở chính chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức (...). Với tôi sự đẹp có muôn hình vạn trạng phong phú và đầy đủ” (Theo dòng - Thạch Lam).

40


1.3.2. Là một thể loại trung gian, thừa hưởng được ưu thế của cả hai loại hình - tự sự và trữ tình, tùy bút hầu như dung hợp được tất cả các loại cảm hứng, tình điệu thẩm mỹ khác nhau.

Lãng mạn luôn là cảm hứng chủ đạo, ưu trội trong tùy bút. Ở đây, nhà văn phát huy trí tưởng tượng và năng lực tiên cảm tiên giác để vẽ nên viễn cảnh tươi sáng, tốt đẹp hơn. Hiện thực có thể còn bộn bề, u tối, khổ đau nhưng người viết tùy bút tài ba hoàn toàn có thể phả vào đấy nhiệt tình và niềm tin để thắp lên hy vọng, tiếp thêm nghị lực cho con người. Phạm vi của cảm hứng lãng mạn, theo Bêlinxki, “là toàn bộ cuộc sống bên trong, cuộc sống tinh thần của con người, cái mảnh đất bí ẩn của tâm hồn và trái tim mà từ đó vút lên những khát vọng mơ hồ vươn tới sự tốt đẹp và cao cả khi con người cố gắng tìm sự thỏa mãn cho mình bằng những lý tưởng do huyễn tưởng sáng tạo nên” [146; 190]. Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, những tùy bút đặc sắc như Đường vui, Tình chiến dịch của Nguyễn Tuân, Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành, Dòng kinh quê hương của Nguyễn Thi đã có sức cổ vũ mạnh mẽ, bởi nó truyền đến hàng triệu con tim Việt Nam ngọn lửa của ước mơ và niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng. Mặt khác, góc nhìn trần thuật của người viết tùy bút bao giờ cũng xuất phát từ những chuẩn mực về cái Đẹp. Khuynh hướng lý tưởng hóa ở thời chiến góp phần quan trọng đảm bảo cho sự ưu trội của cảm hứng lãng mạn trong tùy bút.

Cảm hứng bi cũng xuất hiện khá thường xuyên, nhất là ở mảng tùy bút sáng tác về đề tài thế sự, đời tư. Loại cảm hứng này nảy sinh khi có mâu thuẫn giữa những khát vọng mang màu sắc lý tưởng với thực tế phũ phàng, tầm thường. Trong khi bộc lộ tâm trạng, người nghệ sĩ dễ bị rơi vào trạng thái bất an, vỡ mộng nếu cái Đẹp thất thế hoặc có nguy cơ bị vùi dập. Những tùy bút đặc sắc trước 1945 của Nguyễn Tuân (Chiếc lư đồng mắt cua; Tùy bút I; Tùy bút II; Tàn đèn dầu lạc; Vòng ngô đồng,...) thực chất là sự giãi bày tấn bi kịch tinh thần của người trí thức dân tộc trong bối cảnh xã hội bế tắc. Thiên tùy bút Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng đã ghi lại những ám ảnh, giằng xé âm thầm mà dữ dội tận trong còi lòng một kẻ tha hương.

Những sáng tác tùy bút ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh thường lấy cảm

hứng anh hùng làm cảm hứng chủ đạo. Nằm trung gian giữa tự sự và trữ tình nên

41


tùy bút vừa in đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ vừa kịp thời ghi nhận những biến cố thời sự lớn lao: “Cảm hứng anh hùng bao hàm việc khẳng định chiến công của một cá nhân hoặc cả tập thể và ý nghĩa to lớn của chiến công đó đối với sự phát triển lịch sử… Đối tượng khơi gợi cảm hứng anh hùng là chất anh hùng của hoàn cảnh thực tại” [146; 144]. Trong giai đoạn đất nước bị ngoại xâm, vận mệnh cộng đồng bị đe dọa, cảm hứng anh hùng thường mang khuynh hướng sử thi. Các tác phẩm tùy bút thời kỳ này tập trung ca ngợi tư thế và hào khí cả dân tộc trong vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng. Nhưng không chỉ có hành động đấu tranh chống kẻ thù từ bên ngoài mới làm nảy sinh cảm hứng anh hùng. Cách thức giải quyết những xung đột âm thầm mà quyết liệt bên trong, để từ đó con người có thể tự nguyện dấn thân gánh vác các nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm cao cả với Tổ quốc - cũng thường được tùy bút ngợi ca bằng cảm hứng anh hùng.

Ngoài ra, các dạng cảm hứng như châm biếm, trữ tình, hài hước,... ở mức độ khác nhau, cũng đều xuất hiện trong tác phẩm tùy bút, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của cảm hứng và tình điệu thẩm mỹ.

1.3.3. Lời văn, giọng điệu của tùy bút bao giờ cũng uyển chuyển, linh hoạt, có sự hài hòa giữa chất thơ với chất trần thuật. Các thể loại trữ tình thường thích hợp với văn vần hơn. Văn xuôi, một khi được sử dụng làm phương tiện để trữ tình thì phải giàu nhạc điệu và thật phong phú về hình tượng.

Lời văn tùy bút thường rất đẹp, vì được trau chuốt bằng cả một “tử công phu” (chữ dùng của Nguyễn Tuân). Người viết tùy bút phải là “nghệ sĩ ngôn từ bậc thầy” thì mới đủ sức làm thăng hoa những vẻ đẹp tiềm ẩn của ngôn từ nghệ thuật. Đến với những trang tùy bút đặc sắc, độc giả sẽ có dịp triền miên trong khoái cảm thẩm mỹ được mang lại từ lời văn ý vị, độc đáo. Mặt khác, trong tùy bút, dạng lời văn trực tiếp của người trần thuật luôn xuất hiện với tần số cao nên độc thoại là hình thức giao tiếp chiếm ưu thế. Thử đọc một đoạn trong Miên man tùy bút của Lý Lan, dù đầy ắp sự kiện, nhân vật, hình ảnh nhưng rất dễ nhận ra ở đằng sau câu chữ một nỗi niềm rưng rưng hoài vọng, xót xa nuối tiếc những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu:

“Sau khi mẹ mất, tôi sống với bà ngoại, lúc nào cũng thắc thỏm sợ

ngoại lại bỏ tôi đi lúc tôi đang mê chơi, mê ăn hay mê ngủ. Tôi không ra

42


quán chơi nữa, lúc nào cũng lẽo đẽo theo chân bà (…). Hễ đầu hôm thấy bà xếp mấy buồng cau hay năm bảy trái mít tố nữ vô thúng, là tôi bám theo áo bà, ngủ trong lòng bà, để nửa khuya bà dậy đi chợ là tôi dậy theo. Bà chìu đứa cháu mồ côi, mặc thêm cho tôi áo ấm, đội nón vải, mang dép cao su. Ba tôi đi làm ăn ở Chợ Lớn gởi về cho tôi đôi dép nhựa màu xanh ngọc đẹp lắm, khi nào dắt tôi đi chợ bà mới lấy ra cho mang (...). Đã vậy, khi qua cầu, tôi lại làm rớt dép (...). Mắt bà tôi lại kém, hai bên bờ rạch bình bát mọc um tùm, biết chiếc dép đâu mà tìm ? Loay hoay soi đuốc một hồi, bà ngoại nói: “Thôi, bỏ đi con. Để ngoại bán cau rồi sẽ mua cho con đôi dép mới”.

Tôi òa khóc, tay khư khư giữ chiếc dép còn lại. Bà tôi gỡ tay tôi lấy chiếc dép để bên vệ cỏ gà ven đường. Tôi tiếc của, nhất định giữ lại. Bà ngoại nói: “Con để chiếc dép này lại đây. Mai có đứa nhỏ nào đi soi ếch hay đi xúc cá lượm được chiếc kia thì có thể tìm thấy chiếc này, hiệp thành đôi mà mang. Chứ người ta ai cũng có hai chân, con giữ một chiếc, người khác lượm được có một chiếc, chẳng ai mang được”.

... Đang lúc tôi còn học đại học thì bà ngoại qua đời. Suốt đời bà không hề biết một chữ i tờ nào. Nhưng bà đã dạy tôi bài học hay nhất mà tôi ôn đi ôn lại suốt cuộc đời mình” [80; 8, 9].

Tùy bút thường có giọng chậm rãi, như thủ thỉ tâm tình. Có lẽ đây là phương diện đậm đà màu sắc trữ tình và chủ quan hơn cả. Nhân vật xưng tôi - người trần thuật trữ tình - quán xuyến toàn bộ tác phẩm, dù không phải lúc nào cũng xuất hiện trực tiếp. Không ai có thể nhầm lẫn giọng nhỏ nhẹ, đôn hậu mà trĩu nặng ưu tư của Thạch Lam với giọng uyên bác, tài hoa, nhuốm chút ngông ngênh, kiêu bạc của Nguyễn Tuân; giọng chiêm nghiệm, mơ màng đến huyền ảo của Hoàng Phủ Ngọc Tường với giọng mạnh mẽ, hào hùng mà đầy thi vị của Nguyễn Trung Thành; giọng hồi tưởng bồi hồi tha thiết đến bỏng rát cả tâm tư của Vũ Bằng với giọng hồn nhiên, hiền lành mà rất đỗi cương quyết của Nguyễn Thi,...

Đã là nhà văn - dù sở trường khác nhau - hầu như ai cũng có thể viết nên một truyện ngắn, truyện vừa, thậm chí cả một quyển tiểu thuyết. Nhưng viết cho ra tùy bút thì không đơn giản. Gần giống sáng tác thơ lục bát vậy, tưởng dễ hóa ra cực kỳ khó. Có người loay hoay cả đời mà vẫn không có tác phẩm để đời. Có người chỉ

43


được mỗi một bài, rồi mặn mà hơn với các thể thơ khác (như Tản Đà, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi). Lại có những người (như Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn) cứ cất bút là có lục bát hay. Nhìn lại những đỉnh cao tùy bút, không khó để nhận ra rằng họ thuộc tạng người sống nặng về tình. Giở lại những trang tùy bút hay, bao giờ người đọc cũng cảm nhận được thật rò nét ở đó một tấm lòng nhân hậu thiết tha, trĩu nặng ân tình đối với thiên nhiên đất nước và sự sống con người. Đó phải là thứ tình cảm tự nhiên, hồn nhiên, có khuynh hướng vượt thoát khỏi mọi câu thúc của định kiến xã hội hẹp hòi. Chính cái thiên hướng ấy là yêu cầu cốt tử đối với người viết tùy bút, ngoài những năng lực cần thiết khác của một nghệ sĩ.

Liên tưởng, so sánh là thủ pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong tùy bút. Xuất phát từ việc quan sát những sự vật, hiện tượng có thực trong đời sống, nhà văn mở rộng biên giới cảm xúc, suy tưởng để gửi gắm vào trang viết một thông điệp mang ý nghĩa nhân sinh. Điều đặc biệt là nếu những cây bút trẻ, chưa dồi dào vốn sống vẫn có thể sáng tác thơ trữ tình thì để viết được tùy bút, họ cần phải có thêm sự từng trải, lịch lãm. Không chỉ là giãi bày, chia sẻ, tùy bút còn phải gây nên được sự tin cậy và ngưỡng mộ nơi độc giả về một nhân cách cao đẹp hoặc một cá tính độc đáo.

1.3.4. Không kể toàn bộ câu chuyện, không dựng lại bức tranh toàn cảnh (như truyện ngắn, truyện ký, tiểu thuyết), không quan tâm xây dựng cốt truyện (cả ở những tùy bút dài hơi như Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân, Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng), tùy bút chỉ chú trọng thể hiện dòng cảm xúc với những khoảnh khắc tâm trạng, những trạng thái suy tư, những tình huống nhận thức. Người viết tùy bút ít khi dồn nén, thắt nút, tạo kịch tính, nên kết cấu thường dàn trải theo nhịp thời gian chậm, trong một không gian rộng. Đó là thời gian và không gian nhuốm màu hoài niệm, bởi cảm quan nghệ thuật của tác giả luôn đi - về giữa hai chiều quá khứ với hiện tại, ít quan tâm đến tương lai.

Trong tác phẩm tùy bút, kể chuyện nếu có cũng chỉ là những mẩu chuyện

nhỏ, tản mạn, mang ý nghĩa khơi gợi, làm nền để tác giả đính vào đấy dòng mạch

44


cảm xúc của mình. Trong lời đề từ cho tác phẩm Miên man tùy bút, nhà văn Lý Lan đã nghĩ như vậy:

“Cái này là những câu chuyện và suy nghĩ tôi viết ra trong những tình huống nào đó qua những thời gian khác nhau. Vì vậy nó biểu hiện cuộc sống quanh tôi và cuộc đời tôi thật thà hơn khi tôi nghĩ lại mà viết theo một đề cương có chủ đề xuyên suốt. Tôi sẽ gọi nó là tùy bút, để cho những câu chuyện và ý nghĩ nối nhau, không hẳn theo trình tự thời gian, mà theo liên tưởng, cảm xúc và ngẫu nhiên của ngón tay gò trên bàn phím chữ” [80; 5].

Trong kết cấu một thiên tùy bút, câu chuyện được thuật lại lùi vào bình diện thứ hai, nhường chỗ cho dòng mạch trữ tình. Người viết tùy bút luôn sử dụng phương thức trần thuật chủ quan khi cảm nhận, suy tư và phản ánh đời sống. Điểm nhìn tâm lý trong quá trình trần thuật đa phần xuất phát từ thế giới nội tâm của chính tác giả - người có khả năng hóa thân, nhập thân vào mọi trạng huống, mọi thăng trầm của số phận:

“Một thí dụ khá tiêu biểu cho phương thức trần thuật nội quan là những tác phẩm trong đó câu chuyện và các sự kiện được trình bày bởi người kể chuyện nói về mình ở ngôi thứ nhất và xuất hiện như một con người thực hiện hữu trong thế giới mà các nhân vật đang hoạt động (...), anh ta đồng thời vừa là nhân vật, vừa là người kể chuyện” [53; 202].

1.3.5. Dung lượng của mỗi tác phẩm tùy bút thường ở mức độ trung bình, vừa đủ để gói ghém tình ý của nhà văn về một đối tượng thẩm mỹ cụ thể. Nếu cần bộc lộ trọn vẹn ấn tượng chủ quan trước những sự việc, hiện tượng đa dạng, phong phú, người viết tùy bút chia tác phẩm thành từng đoản thiên (có hoặc không có tiểu tựa). Đơn cử một vài ví dụ: Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam gồm 20 bài tùy bút ngắn, có quan hệ nội tại từ trong mạch cảm xúc, suy tưởng: Quà Hà Nội, Vẫn quà Hà Nội, Còn quà Hà Nội, Phụ thêm vào phở, Bổ khuyết, Những thứ chuyên môn, Vài thứ chuyên môn nữa,... Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng gồm 12 tùy bút, diễn tả nỗi nhớ triền miên, da diết của tác giả về gia đình và quê hương trong ròng rã một năm trời: Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt; Tháng Hai, tương tư hoa đào; Tháng Ba, rét nàng Bân,…

45


Đặc điểm này có lẽ bắt nguồn từ những trang viết mang hơi hướng tùy bút thời xa xưa. Ở phương Tây, quyển Tiểu sử song song của Plutarch - nhà viết sử, nhà triết học - đạo đức người Hy Lạp (được dịch và giới thiệu vào khoảng năm 1513 - 1593), gồm 46 mẩu chuyện dựng lại tiểu sử, hành trạng của các nhân vật danh tiếng ở Hy Lạp và La Mã cổ đại (gần giống với Thiền uyển tập anh ở Việt Nam). Tác phẩm này có ảnh hưởng nhiều đến Montaigne - nhà triết học, nhà văn Pháp thời Phục hưng, khi ông sáng tác tập Essais vào tháng 7 năm 1580. Tác phẩm “không có kết cấu chặt chẽ. Tác giả trình bày những quan điểm triết học của mình bằng tư duy hình tượng, với văn phong mềm mại, uyển chuyển” [61; 1000].

Mặt khác, hầu hết các định nghĩa về từ essay đều thống nhất với nhau ở chỗ: đây là “Một sáng tác văn chương ngắn, phản ánh cái nhìn bao quát của tác giả” [234]9. Trong văn chương trung đại Việt Nam, các tác phẩm Vũ trung tùy bút (của Phạm Đình Hổ), Tang thương ngẫu lục (của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án) cũng là những tập hợp từ nhiều mẩu truyện tản mạn, được ghi chép bằng ngòi bút phóng túng, không lệ thuộc vào khuôn mẫu cố định.

Có thể khái quát đặc điểm có ý nghĩa khu biệt loại hình của thể loại tùy bút qua những nét cơ bản sau đây: 1- Là thể loại văn xuôi nghệ thuật nằm ở vị trí trung gian, lai ghép giữa tự sự với trữ tình; 2- Đề tài phong phú, đa dạng, bao quát nhiều lĩnh vực đời sống; đặc biệt có ưu thế trong việc tôn vinh các giá trị văn hóa cộng đồng; 3- Dung hợp được hầu hết các dạng thức cảm hứng, tình điệu thẩm mỹ; 4- Không có cốt truyện. Nhân vật trữ tình thường là cái tôi của tác giả; 5- Lời văn giàu tính thẩm mỹ, hài hòa giữa chất thơ với yếu tố trần thuật; 6- Dung lượng thường ở mức trung bình.

1.4. Phân loại tùy bút


1.4.1. Thể loại tùy bút đã có quá trình phát triển trải qua gần trọn một thế kỷ trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Đội ngũ sáng tác tùy bút ngày càng đông đảo, gồm cả chuyên và không chuyên; mỗi thế hệ đều có những tên tuổi lớn với những phong cách độc đáo. Số lượng tác phẩm tùy bút tuy chưa thật phong phú nhưng đa dạng, đề cập đến nhiều phương diện đời sống và được viết với những kiểu bút pháp khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, việc phân loại tùy bút vẫn chưa được đặt thành mục tiêu nghiên cứu hẳn hoi. Thảng hoặc, nó được thực hiện một cách đơn lẻ và chưa

Xem tất cả 247 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí