102
quả thực đã mang đến một bài học thấm thía về “trông nhìn và thưởng thức”, hình như nó chứa đựng một thứ ma lực ngôn từ có thể đánh thức các giác quan để độc giả thức nhận cho kỳ hết mọi chiều kích, mọi tầng bậc sâu xa của cái Đẹp vốn hiện hữu bình dị quanh mình:
“Cơn gió mùa thu hạ lướt qua vùng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thứ quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn ngửi thấy, khi đi qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, ngửi thấy cái mùi thơm mát của bông lúa non không ? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần đông lại, bông lúa càng ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của trời.
… Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam” (Một thứ quà của lúa non: cốm).
Thưởng thức cốm, với Thạch Lam, đã được nâng lên thành một thứ nghệ
thuật thanh cao của sự lịch lãm:
“Cốm không phải thức quà của người ăn vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọc của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ. Chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ủ trong lá sen (…). Hỡi các bà mua hàng ! Chớ có thọc tay mân mê thức quà thần tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chút chiu mà vuốt ve… phải nên kính trọng cái lộc của trời, cái khéo léo của người, sự cố sức tiềm tàng và nhẫn nại của thần lúa. Sự thưởng thức của các bà sẽ được trang nhã, đẹp đẽ hơn và cái vui cũng sẽ tươi sáng hơn nhiều lắm” (Một thứ quà của lúa non: cốm).
103
Có thể bạn quan tâm!
- Những Tác Gia Và Tác Phẩm Tùy Bút Tiêu Biểu Trong Văn Học Việt Nam
- Nguyễn Tuân Là Nhà Văn Có Phong Cách Nghệ Thuật Riêng, Thật Độc Đáo.
- Thạch Lam Với Hà Nội Băm Sáu Phố Phường
- Bình Nguyên Lộc Với Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình Nguyên Lộc
- Nguyễn Trung Thành Với Đường Chúng Ta Đi
- Văn Hóa Dân Tộc Và Hiện Thực Chiến Tranh - Hai Mảng Đề Tài Chính
Xem toàn bộ 247 trang tài liệu này.
Món bún ốc dân dã cũng được Thạch Lam miêu tả bằng những dòng tùy bút
mang âm điệu dìu dặt, trầm bổng, rất đỗi nên thơ - chất thơ của đời thường:
“Có ai buổi trưa vắng hay buổi đêm khuya, đi qua các nhà cô đào và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách tha thiết và chăm chú đến đâu không ? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xuýt xoa những cặp môi héo hắt và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình. Cô hàng ốc có một cái dụng cụ, một đầu là búa, một đầu là dùi nhọn. Một cái gò nhẹ, và một cái trở tay, là con ốc nguyên cả ruột đã gọn gàng rời mình vào bát nước. Cô thoăn thoắt rút ốc không kịp, trông thấy người ta ăn ngon lành, chính cô cũng sinh thèm” (Vẫn quà Hà Nội).
“Quà… tức là người”. Đồng thời với việc đề cao sự phong phú, thơm lành của các món ăn thức uống, tác giả cũng hết lời ngợi ca nét thanh lịch trong nếp sinh hoạt của người Tràng An. Người mua quà vốn rất sành ăn, luôn thưởng thức quà một cách có nghệ thuật đã đành, người rao, bán quà cũng xinh xắn, gọn ghẽ, lịch sự không kém: “Món quà này sạch sẽ và tinh khiết, tự quà cho đến cả quang thúng, cả cô hàng, tóc vẫn gọn, áo nâu mới, quần sồi thâm, cô hàng trông cũng ngon mắt như quà của cô vậy”. Nhà văn có biệt tài quan sát và cảm nhận để có thể phát hiện ra ý nghĩa văn hóa sâu sắc của những món ăn bình dân, thanh đạm: “Bánh cốm chính là thứ bánh cưới, trao đi đổi lại trong những ngày mùa thu, để chứng nhận cho cái sung sướng của cặp vợ chồng mới và cái vui mừng của họ hàng. Vuông vắn như quyển sách vàng, bọc lá chuối xanh buộc lạt đỏ; cái dây lạt đỏ như sợi dây tơ hồng buộc chặt lấy cái ái ân…” (Những thứ chuyên môn).
Trong Hà Nội băm sáu phố phường, mạch cảm xúc của tác giả luôn đi - về giữa hai chiều quá khứ và hiện tại. Trước tiên là tâm trạng lo buồn, xót xa vì phải chứng kiến những hiện tượng lố lăng, lố bịch, biểu hiện của thị hiếu văn hóa kém cỏi, tầm thường: “Thật đáng tiếc khi chúng ta thấy những tục lệ tốt đẹp ấy mất dần, và những thức quý của đất mình thay dần bằng những thức bóng bẩy hào nhoáng và thô kệch bắt chước người ngoài: những kẻ mới giàu vô học có biết đâu thưởng thức được những vẻ cao quý kín đáo và nhũn nhặn ?”. Nhưng Thạch Lam không hề có phản ứng gay gắt. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, hóm hỉnh, đôn hậu mà rất thâm
104
thúy, tác giả vẽ ra trước mắt người đọc những cảnh tượng chướng tai gai mắt vì cách ứng xử không đúng mực, thiếu tôn trọng các giá trị văn hóa. Trong đời sống xã hội buổi giao thời, cái cũ bị lấn át đi, còn cái mới thì kệch cỡm, thô vụng. Thiên hạ chỉ biết chú tâm vào những mục đích nhất thời, thực dụng mà quên mất cái hồn cốt văn hiến ngàn năm của cố đô:
“Dạo này người ta xây nhiều bóp cảnh sát phụ ở khắp Hà Nội (...). Kiểu bóp như là một cái hòm vuông bốn góc thẳng cạnh, có cửa vào (tất nhiên) và cửa sổ. Việc này chắc là ích lợi nhiều cho việc trị an của thành phố. Duy cái bóp ở Quán Thánh là làm giảm sút vẻ đẹp của ngôi đền đẹp đẽ ấy. Tuy rằng người ta có cẩn thận cho cái bóp ấy đại để hình vuông - một hình dáng giống chùa chiền bằng một cái mái cong cong, nhưng mà cái chùa giả ấy - trong đó cảnh sát thay nhà sư - không đánh lừa được ai hết, nhất là người yêu mỹ thuật, yêu Hà Nội, yêu cái vẻ cổ kính của đền chùa” (Người ta viết chữ Tây).
Cùng với thái độ bất mãn hiện tại là niềm nuối tiếc, hoài vọng về một Hà Nội xưa, cổ kính và thơ mộng. Đã trải qua bao “lớp sóng hưng phế”, một lần nữa Hà Nội lại quặn mình trong một cuộc chuyển giao thầm lặng giữa các lớp văn hóa. Có khi, chỉ một cái biển hàng cũng đủ gợi lên niềm u hoài, trắc ẩn: “Ngày xưa, cái biển hàng còn là một cái gì hơn là một cái biển hàng mà thôi. Đó là một bộ phận gắn liền với cơ nghiệp và số phận của người buôn”. Tất cả chỉ còn là dấu tích, là hồi quang từ vùng ký ức xa lắc, nhưng được diễn tả thật sống động và gợi cảm bằng một ngòi bút văn xuôi giàu chất thơ:
“Hà Nội đã thay đổi nhiều lắm. Những phố cũ hẹp và khuất khúc, với những nhà thò ra thụt vào, những mái tường đi xuống từng bực như cầu thang, những cửa sổ gác nhỏ bé và kín đáo, đã nhường chỗ cho những phố gạch thẳng và rộng rãi, với từng dãy nhà giống nhau đứng xếp hàng. Thẳng và đứng hàng, đó là biểu hiện của văn minh (…). Nhưng đối với người tản bộ đi chơi, lòng thư thả và mải tìm sự đẹp, thì phố xá mới không còn thú vị gì. Không có những cái khuất khúc dành cho ta nhiều cái bất ngờ, không có một ngọn cây hoa nhô sau bức tường thấp, khiến chúng ta đoán được một
105
thửa vườn nhỏ bên trong, ở đấy biết đâu lại không thướt tha một vài thiếu nữ khuê các như xưa” (Người ta viết chữ Tây).
Đoạn kết của tác phẩm là khúc vĩ thanh trầm buồn, bộc lộ rò quan điểm thẩm mỹ và tư tưởng nghệ thuật của Thạch Lam. Vẫn biết sự biến dời các giá trị văn hóa theo thời gian là tất yếu, nhưng đáng buồn làm sao khi thiên hạ chỉ còn biết chạy theo cái mới lạ, cái tân thời một cách hợm hĩnh đến mức không còn phân biệt được đâu là bèo bọt lai căng nhất thời, đâu là di sản muôn đời của cha ông cần được bảo tồn và phát huy:
“Phần nhiều là những thức quà có từ xưa, đã có nền nếp, có quy củ hẳn hoi, và mang trong hương vị cái mùi ngon đằm thắm của đất nước. Sản phẩm của đồng ruộng, của núi sông, những thứ quà ấy là dấu hiệu thưởng thức của người mình, vừa tao nhã lại vừa chân thật…
… Đó là những vật quý mà sự mất đi, nếu xảy đến, sẽ khiến người sành ăn phải ngậm ngùi. Người mình ham thanh chuộng lạ, đã bắt đầu khinh rẻ những thứ đáng yêu ấy, có cái ngon mà họ đã gần quên mùi vị (…). Những cái gia truyền dần dần mất đi, những cái khéo léo không còn giữ được” (Vài thứ chuyên môn nữa).
Lời kêu gọi tâm huyết cuối cùng cũng được nêu ra trực tiếp, nhưng có vẻ yếu ớt và chung chung lắm: “Giờ đến lúc phải nên thẳng thắn, và thành thực: trọng cái mình yêu và công nhận cái mình thích”. Trong bối cảnh xã hội hỗn tạp bấy giờ, khi phong trào Âu hóa được thực dân dung túng đang rầm rộ phát triển thì hoài cổ đã trở thành nét tâm trạng lỗi thời, không dễ tìm được sự đồng điệu. Những dằn vặt, ưu tư của con người cho dù thiết tha, tâm huyết đến đâu cũng không thể cản được bước tiến, không thể xoay chiều lịch sử. Văn chương, trong hoàn cảnh ấy, là phương tiện để giãi bày nỗi lòng, để ký thác những ước vọng mơ hồ, xa xăm và để xoa dịu nỗi đau đời. Viết Hà Nội băm sáu phố phường, gần giống như khi Nguyễn Tuân viết Vang bóng một một thời, Thạch Lam muốn lưu giữ những giá trị đang có nguy cơ bị mai một đi, bằng cách thức riêng của người nghệ sĩ ngôn từ.
Trong tiểu luận Theo dòng, nhà văn đã nói rò quan điểm nghệ thuật của
mình: “Chỉ những tác phẩm nào có nghệ thuật chắc chắn, trong đó nhà văn biết đi
106
qua những phong trào nhất thời, để suy xét đến những tính tình bất diệt của loài người, chỉ những tác phẩm đó mới vững bền mãi mãi”. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn cũng đánh giá rất cao chất văn hóa trong sáng tác của Thạch Lam: “Chính định hướng VỀ NGUỒN ấy đã là một nét làm nên cốt cách trí thức của ngòi bút Thạch Lam, một yếu tố cơ bản tạo nên sự độc đáo của Thạch Lam trong nền văn học 1930 - 1975” [7; 240].
2.3.2.3. Thiên tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường đã thể hiện rò những nét đặc sắc và đầy sáng tạo trong bút pháp nghệ thuật của nhà văn. Trang văn Thạch Lam là hiện thân sinh động của cái Đẹp vĩnh hằng, như “sợi tơ giăng giữa trời giông bão” (Nguyễn Tường Giang), không bao giờ bị mai một hoặc mờ khuất đi qua thử thách của thời gian.
Tùy bút Thạch Lam giàu chất trữ tình và đầy chất thơ. Dường như đó là điệu tâm hồn của một người biết sống an nhiên tự tại, có được sự gắn kết, hài hòa kỳ diệu cùng nhịp tuần hoàn của thiên nhiên tạo vật với đủ sắc màu, hương vị và âm thanh xung quanh: “Cái lối văn nhẹ nhàng, kín đáo và xinh tươi thật là một lối văn đặc biệt của Thạch Lam” (Vũ Ngọc Phan) [140; 1079]. Đặt trong bối cảnh xã hội xô bồ, gấp gáp thời bấy giờ, Hà Nội băm sáu phố phường là khung trời bình yên còn vương sót lại nhờ công lao, tâm huyết của một nghệ sĩ tài hoa, giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Không gian nghệ thuật của tác phẩm thường ít được mở ra theo chiều rộng mà lắng xuống bề sâu, trong các mối tương quan khác nhau: giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, giữa kế thừa, bảo tồn với cách tân, giữa truyền thống với văn minh, hiện đại. Nhịp thời gian chậm, dàn trải, nên không là nỗi ám ảnh thường trực đối với con người. Có vẻ như con người ở đây đủ sức miễn nhiễm để không bị cuốn vào cái vòng xoáy đáng buồn của sự xáo trộn, biến dời thật mau chóng mà chưa định được phương hướng. Cái đẹp của trang văn Thạch Lam có khả năng thanh lọc tâm hồn và hóa giải bớt những muộn phiền. Cảm giác thanh thản, bình yên mà nó mang lại thật đáng quý biết bao:
“Chỉ còn một vài cái ngò con… ngò Phất Lộc, ngò Trung Yên… mấy ngọn cỏ trên mảng tường cổng Ô Quan Chưởng, gọi là dấu vết của Hà Nội cũ. Ngày ấy, đường hẹp, chắc hàng xóm láng giềng ăn ở với nhau thân mật hơn. Người cùng hàng phố tự coi như có một liên lạc cùng nhau. Bên này
107
một cửa hàng tạp hóa có đầy đủ quả sơn đen, có chồng giấy bản và ống bút nho, có cô hàng thùy mị mà hàng phố vẫn khen là gái đảm đang. Bên kia, nhà một ông cụ Tú, có tiếng trẻ học vang, có cậu học trò xinh trai đứng hầu chè thầy bên tràng kỷ” (Người ta viết chữ Tây).
Thạch Lam luôn đề cao trực giác ở người nghệ sĩ. Mọi biểu hiện của tạo vật khách quan xung quanh cũng như những trạng huống trong thế giới tinh thần, theo nhà văn, đều có thể được ghi nhận bằng cảm giác: “Người ta sinh ra là nghệ sĩ hay không, chứ không có thể học tập mà thành được. Muốn cố sức tìm hiểu thế nào cũng không bằng cái trực giác nhiệm mầu của nghệ sĩ” (Theo dòng). Nhờ trực giác làm nền cho cảm giác, nhà văn phát hiện ra bản chất, chân giá trị của cuộc sống trong sự lưu chuyển tuần hoàn, muôn màu muôn vẻ của nó. Trong tác phẩm Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh cũng tỏ ra hết mực đề cao trực giác: “lấy hồn ta để hiểu hồn người”, coi đó như một phương cách để thoát khỏi sự ràng buộc của định kiến xã hội trong khi phê bình. Những từ để chỉ cảm giác hoặc những khoảnh khắc mơ hồ như thoáng thấy, thoáng nghe, thoáng nhìn, thoáng ngửi, bỗng nhiên, mang máng, không rò rệt, mơ hồ… xuất hiện với tần số cao trong mạch văn Thạch Lam. Tất cả làm nên một trường cảm giác, khiến cho đời sống hiện ra đôi khi tựa hồ khó nắm bắt, huyền ảo như hư không nhưng lại có vẻ kề cận, thật gần gũi với con người:
“Thuở ấy, Hai mươi bốn gian còn là một xóm thịnh vượng của cô đầu, mà sự hoạt động vui vẻ còn kéo dài mãi đến khuya. Trước cửa những nhà hát ấy, về phía bên này đường xe điện, có một chiếc nhà lá bé con, ẩn nấp dưới bóng cây xoan xanh tốt. Trong cái nhà nghèo nàn ấy tự mười hai giờ đêm cho đến sáng, một bà già hai cháu nhỏ cúi mình trên một cái nồi con bí mật làm ra những chiếc bánh cuốn nóng sốt và ngon lành. Khách chơi đêm khi lách mình qua cửa liếp bước vào, đã ngửi thấy mùi hành thơm phi mỡ, và trông thấy làn khói trắng bốc lên ở chiếc nồi” (Còn quà Hà Nội).
Trong Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam sử dụng chủ yếu phương thức trần thuật trực tiếp. Nhà văn hóa thân vào nhân vật trữ tình, quán xuyến toàn bộ tác phẩm, từ giọng kể chuyện cho đến cảm xúc, liên tưởng, hoài niệm. Nhưng không vì thế mà tác phẩm trở nên đơn điệu, gây cảm giác nhàm chán. Ngược lại,
108
chính lối hành văn trong sáng với cách chọn lọc từ ngữ chính xác, ý tứ sâu sắc, có pha những nhận xét hóm hỉnh, đã tạo nên nét duyên dáng riêng và sức hấp dẫn bền bỉ cho trang viết của Thạch Lam: “Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra và tươi đậm hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta (…). Ngày nay đọc lại Thạch Lam, vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học” (Nguyễn Tuân) [7; 60].
2.3.3. Vũ Bằng với Thương nhớ mười hai
2.3.3.1. Vũ Bằng là nhà văn có cuộc đời riêng thật éo le, nhiều uẩn khúc. Trong một khoảng thời gian khá dài, ông bị hiểu lầm, bị vu cho đủ thứ tội: nào là không thức thời, bất hợp tác với kháng chiến, dinh tê về Hà Nội; nào là bỏ vợ con, bản quán vào định cư ở Sài Gòn để hành nghề viết văn, viết báo trong vùng tạm chiếm,… Nhân vật nhà văn tên Hoàng không có lập trường tư tưởng vững vàng, chưa có thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, mặc nhiên được không ít người coi như một hình tượng nghệ thuật được khắc họa dựa trên nguyên mẫu là nhà văn Vũ Bằng. Sau ngày đất nước thống nhất, vì những định kiến chưa giải tỏa được, Vũ Bằng mất hút một cách khó hiểu trong đời sống văn học. Mãi đến năm 2000, khi tác giả Văn Giá trong quyển Vũ Bằng - bên trời thương nhớ (Nxb Văn hóa - Thông tin), công bố giấy xác nhận đề ngày 01 tháng 3 năm 2000 của Tổng cục II (tên gọi khác của Cục tình báo chiến lược quân sự - Bộ quốc phòng), chính thức xác nhận quá trình tham gia hoạt động tình báo Cách mạng của nhà văn Vũ Bằng trong suốt thời gian từ 1952 đến 30 - 4 - 1975, mọi nghi vấn mới được khép lại. Gần nửa thế kỷ dằng dặc, nhà văn phải chịu hàm oan để hoàn thành trách nhiệm đã được Cách mạng giao phó. Quả là một sự hi sinh thầm lặng đáng để nghiêng mình tri ân !
Sinh năm 1913, mất năm 1984, Vũ Bằng là nhà văn thuộc thế hệ thứ nhất của văn học Việt Nam hiện đại, có sáng tác trải dài qua hai thời kỳ trước và sau 1945. Ông vừa làm báo vừa viết văn, có tác phẩm hay ở nhiều thể loại khác nhau như tùy bút (Thương nhớ mười hai, Món ngon Hà Nội, Miếng lạ miền Nam), truyện ngắn (Một người bưng mặt khóc, Có một người cũng biết cười, Đợi con, Người làm mả vợ, Mê chữ…), truyện dài (Chớp bể mưa nguồn, Phù dung ơi, vĩnh biệt,…), hồi ký (Cai, Bốn mươi năm nói láo), tiểu thuyết (Một mình trong
109
đêm tối, Truyện hai người, Tội ác và hối hận,…), tiểu luận phê bình (Khảo về tiểu thuyết). Đề tài tác phẩm của ông là những chuyện gần gũi, thiết thân trong đời sống tình cảm con người: chuyện làng quê, chuyện gia đình, chuyện ân oán, hận thù, chuyện nhớ thương, chuyện nợ duyên,… Văn Vũ Bằng đậm chất trữ tình và giàu chất thơ. Ngôn ngữ bình dị, văn phong trong sáng, không cầu kỳ, chuộng lớp từ gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Trong Buồn vui đời viết, Vương Trí Nhàn đã gọi Vũ Bằng là “ngòi bút khai lối mở đường”, là người đầu tiên “mang lối viết có hơi hướng độc thoại nội tâm vào văn xuôi tiếng Việt”:
“Trước đây văn xuôi ta chỉ có lối viết rành rẽ, tách riêng ý nghĩ và hành động con người (…). Còn lối viết bám sát đời sống nội tâm, để cho ý nghĩ và hành động nhân vật quyện chặt lấy nhau, phải về sau mới có. Người áp dụng thành thục hơn cả lối viết này là Nam Cao. Nhưng theo nhà văn Tô Hoài cho biết, chính Vũ Bằng là người mở đầu. Do đọc nhiều sách tiếng Pháp, ông đã tự mình làm một cuộc chuyển giao công nghệ…” [40; 162].
Rời quê hương ở độ tuổi bốn mươi, ông như cánh chim lạc bầy lúc nào cũng da diết nhớ thương về chốn cũ người xưa. Sống nơi xứ lạ quê người, lại mang trọng trách bí mật của tổ chức giao phó, ông nào dám tỏ bày tâm sự cùng ai. Thành ra, với Vũ Bằng, viết văn là hình thức tự giải tỏa những uẩn khúc, những nỗi niềm thầm kín không thể nói được thành lời. Sáng tác văn chương, trong hoàn cảnh đó, trở thành phương tiện để cứu rỗi linh hồn người nghệ sĩ.
2.3.3.2. Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng là sáng tác tiêu biểu thuộc dạng tùy bút văn hóa (khởi bút từ 1960, viết xong vào năm 1971). Đây là “một trong những áng văn bất hủ viết về quê hương đất nước” và tác giả của nó là “một con người nặng lòng yêu thương Tổ quốc, yêu thương quê hương, yêu thương Hà Nội hơn ai hết” (ý kiến của Triệu Xuân in ở bìa sau Tuyển tập Vũ Bằng).
Ngoài phần Tự ngôn mở đầu, tác phẩm gồm 13 đoản thiên, trong đó có 12 đoản thiên giãi bày nỗi nhớ thương da diết quê hương miền Bắc của một đứa con đang lưu lạc nơi đất lạ quê người. Thông qua hồi ức về những ngày sống êm đềm bên người vợ đảm đang, tần tảo và hết mực chiều chồng, tác giả đã tái hiện lại thật sinh động những tập tục, lễ hội truyền thống, những thú chơi dân gian suốt mười hai tháng trong năm âm lịch; đồng thời, mang tới cho độc giả hương vị đậm đà của