86
bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa” (Nguyễn Đăng Mạnh) [210; 47]. Nhân vật chính trong tác phẩm là cái Tôi ngông nghênh, kiêu bạc của chính tác giả. Sau quá nhiều đắng cay tủi cực, cái Tôi ấy đã hầu như hoài nghi tất cả, chỉ còn tin ở cái vốn tình cảm, ý nghĩ, cảm xúc sắc sảo của mình tích lũy được trên bước đường xê dịch.
Nhưng điều đáng trân trọng là Một chuyến đi được viết bằng một tấm lòng tha thiết với người và thành thực với mình, muốn giãi bày đến tận cùng nỗi u hoài của một kẻ “tha hương ngay chính trên quê hương mình”:
“Tôi lảo đảo đi ra phía cầu thang (…). Tôi thấy khó thở quá. Một ánh sáng vàng cành cạch soi lên mấy trăm hành khách Á Đông đang quằn quại, nôn oẹ, mửa (…). Đối với tôi, sự đổi chỗ trong không gian là một cớ thoát ly mầu nhiệm nhất, thoát ly khỏi hoàn cảnh tủn mủn của cuộc đời đứng yên mãi mãi một chỗ; thoát ly khỏi sự trói buộc bần tiện của cuộc đời hàng ngày dạy mãi cho người những thói quen nô lệ” (Một con tàu say rượu).
“Tôi đi qua phố Hương Cảng, như một thằng người máy, như một tên lính mệt mỏi ở mặt trận về; mắt mờ, hồn mê và chân vẫn bước. Trên vai tôi, tôi càng nhận thấy sức nặng của Định Mệnh mỗi phút mỗi nhiều thêm. Ngày mai đây, thêm một tuổi nữa, trên đầu tôi, trọng lực này còn tăng lên độ đến bao nhiêu ? Cũng như kẻ kia bực mình đã vứt xuống dòng nước dưới chân một vật quý để cho hả cơn điên cuồng nho nhỏ; tôi, chiều nay, hằn học với số phận, dám cáu kỉnh cả với cuộc đời phiêu lưu mà xưa nay tôi vẫn ca ngợi (…). Giữa cái tưng bừng của một thị trấn lớn, tôi lang thang, cô độc như một kẻ bị đi đày” (Một ngày một đêm cuối năm).
Một năm sau, 1939, bằng tập truyện ngắn Vang bóng một thời Nguyễn Tuân đã vươn đến đỉnh cao trong sáng tác. Tác phẩm gần đạt đến sự “toàn thiện toàn mỹ” ấy (Vũ Ngọc Phan) [140; 415] góp phần đưa nghệ thuật văn xuôi Việt Nam phát triển thêm một bước vững chắc trên tiến trình hiện đại hóa. Thiếu quê hương (1940) là truyện dài viết về chủ nghĩa xê dịch, trước hết để cổ xúy cho cái sự đi không cần mục đích, không giới hạn, quay lưng lại với trách nhiệm, bổn phận gia đình và xã hội. Nhưng không chỉ có như thế, người đọc còn nhận ra ở đó tâm trạng đầy bi kịch và nỗi đau bế tắc, vô vọng trên bước đường xê dịch. Có thể nhận
87
ra một thực tế: dù là truyện ngắn hoặc truyện dài, những trang viết của Nguyễn Tuân bao giờ cũng đậm đà màu sắc trữ tình. Câu chuyện được kể lại không nổi lên ở bình diện thứ nhất mà song song tồn tại hoặc nhạt mờ đi trước mạch cảm xúc, suy tư triền miên. Nghĩa là, dù sáng tác ở thể loại nào, chất tùy bút đậm đà vẫn là nét sở trường của ngòi bút Nguyễn Tuân.
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Hình Thành Thể Loại Tùy Bút Trong Văn Học Từ 1900 Đến 1930
- Thể loại tùy bút trong Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975 - 10
- Những Tác Gia Và Tác Phẩm Tùy Bút Tiêu Biểu Trong Văn Học Việt Nam
- Thạch Lam Với Hà Nội Băm Sáu Phố Phường
- Thể loại tùy bút trong Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1975 - 14
- Bình Nguyên Lộc Với Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình Nguyên Lộc
Xem toàn bộ 247 trang tài liệu này.
Chiếc lư đồng mắt cua (1941) là trường thiên tùy bút đặc sắc viết về đời sống trụy lạc trong nhà hát ả đào - một hướng thoát ly của các nghệ sĩ lãng mạn thời bấy giờ. Cảm hứng để viết tác phẩm được khơi gợi từ một chiếc lư nhỏ làm bằng đồng, đồng mắt cua - kỷ vật của người bạn hút đã chết tên là Thông Phu (Trước mỗi cuộc hát, khách chơi thường gây lên một lư trầm để xua bớt xú khí nơi nhà hát tối tăm, ẩm thấp và tạo nên bầu không khí ấm áp, hư ảo). Cứ mỗi lần ngắm chiếc lư đồng đã xỉn màu, Nguyễn Tuân bồi hồi nhớ lại cả quãng đời đau buồn của mình: “Tập vở này không phải là một tập phóng sự về nhà hát và cũng không phải là một thiên nhật ký ghi lại đủ một thời kỳ khủng hoảng tâm thần. Có lẽ tập vở này cũng lại chỉ là những trang tùy bút chép lại một ít tâm trạng tôi trong những ngày phóng túng hình hài”.
Nhân vật chính trong Chiếc lư đồng mắt cua là một người thanh niên đang lâm vào tình trạng khủng hoảng lẽ sống trầm trọng, luôn cảm thấy cuộc đời là vô nghĩa, đơn điệu, bế tắc. Hành vi của nhân vật có lúc mất phương hướng đến mức đã cáu gắt, gây sự với cả cái đinh đóng trên tường để mắc quần áo:
“Ở mãi một chỗ, ngày nào cũng đi hát, cũng nhắc lại bấy nhiêu câu nhảm nhí, diễn lại mãi mấy chương tình sử ôi rẻ ấy, có mà là đời người. Ngày giờ của tôi không thể rời rạc hơn thế nữa. Thời ấy tôi đội mũ và tôi đặt nhiều buổi phiền bực gắt gỏng cả với một cái đinh bảy phân đóng ngập nửa vào bức tường vôi. Tối đến, đội mũ mặc áo để ra đi rồi ngày mai trở về nhà, lại mắc mũ áo vào cái đinh cũ ấy. Cái đinh của mọi ngày. Cái đinh của những ngày đã cũ.
…Phải ruồng bỏ những thói quen xoàng xỉnh đó đi. Ấy thế rồi một buổi ngồi nhà uống rượu một mình nhắm với nỗi bực mình phát nguồn từ trong lòng mình ra, tôi đã vùng đứng dậy đi lại mé tường nhổ mạnh cái đinh
88
bảy phân định vứt nó đi (…). Thế này thì tinh thần tôi bạc nhược lắm rồi
(…). Ối ! Ối tôi ơi ! Ối những người bạn thân nhất của tôi ơi !”.
Nhìn chung, từ sau Vang bóng một thời đến năm 1945, trong tình hình chung của văn chương lãng mạn, sáng tác của Nguyễn Tuân dần đi vào ngò cụt. Nếu như ở tùy bút Chiếc lư đồng mắt cua (1941), tuy mải mê với những lạc thú trần tục, cái Tôi vẫn còn tự trọng và giữ được ý thức về bản thân thì từ cuối 1943, tình hình có khác đi. Vẫn cái Tôi ấy nhưng đã mất hẳn tự tin và niềm tin vào cuộc sống. Trong những năm đen tối này, đời sống tinh thần của Nguyễn Tuân ngày càng khủng hoảng sâu sắc. Những trang viết thưa dần. Bên cạnh những đề tài cũ (vẻ đẹp xưa, đời sống trụy lạc, chủ nghĩa xê dịch), xuất hiện thêm các đề tài mới hướng về thế giới yêu tinh, ma quỷ. Ngay tiêu đề các tác phẩm: Xác ngọc lam, Đới roi, Rượu bệnh, Loạn âm (trong mảng Yêu ngôn) cũng đủ nói lên tình trạng bế tắc của ngòi bút Nguyễn Tuân thời kỳ này.
Dòi theo quá trình sáng tác ở giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, thật dễ nhận ra sự thay đổi rò rệt trong tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Điều này hoàn toàn có thể lý giải được nếu nhìn vào quy luật của chủ nghĩa lãng mạn: bao giờ cũng khởi đầu thật ấn tượng bằng việc hết mực đề cao cái Tôi cá nhân, để rồi về sau cái Tôi ấy lại cảm thấy quá nhỏ bé, ích kỷ, cô đơn. Dẫu sao, những trang viết của Nguyễn Tuân cũng đã được người đọc tiếp nhận bằng thái độ trân trọng và cảm thông sâu sắc. Dù cố tình vùi phần xác vào còi hoan lạc cho nhem nhuốc đi nhưng nhân cách và cái Tâm của Nguyễn Tuân sáng trong quá, tự nó miễn nhiễm với cái xấu. Độc giả luôn cảm nhận được trên từng trang văn của ông một tấm lòng thiết tha đối với đất nước và dân tộc, cả trong thời điểm khó khăn nhất. Những tùy bút tiêu biểu của Nguyễn Tuân ở giai đoạn này là: Một chuyến đi (1938), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Tùy bút I (1941), Tùy bút II (1943), Tóc chị Hoài (1943), Chiếc va li mới (1943).
Những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân có vài tùy bút ngắn ghi lại tâm trạng vừa hoang mang vừa đầy ắp hy vọng của một trí thức tự “lột xác” để dấn thân vào cuộc đời mới (Vô đề, Ngày đầy tuổi tôi cách mệnh). Tiếp theo, hai tập tùy bút: Đường vui (1949) và Tình chiến dịch (1950) kịp thời ghi nhận chuyển biến sâu sắc trong quan niệm thẩm mỹ và tư tưởng nghệ thuật của
89
Nguyễn Tuân. Đáp lời kêu gọi của Đảng, Nguyễn Tuân hăng hái xốc ba lô lên vai dấn thân trên khắp các nẻo đường chiến dịch. Cái Tôi giờ đây không còn phá phách, ngông nghênh nữa mà rưng rưng hòa nhập, sẻ chia với đồng bào đồng chí. Giọng điệu văn chương sôi nổi tin yêu, tràn ngập một tình cảm chân thành đến hồn nhiên đối với quê hương đất nước, với cách mạng và kháng chiến. Ngỡ như sau phút dừng chân bên đường để định phương hướng, Nguyễn Tuân lại tiếp tục bôn ba trên hành trình đi tìm cái Đẹp, cái Thật. Có điều khác là những giá trị ấy giờ đây không phải mất công kiếm tìm ở còi quá vãng hoặc vô hình nào mà hiện hữu ngay trong cuộc đời thực. Nguyễn Tuân như chếnh choáng say sưa trước niềm hạnh phúc vô biên của cả dân tộc. Phở, Cây Hà Nội, Con hồ thủ đô, Tìm hiểu Sê Khốp,… là những tùy bút đặc sắc ra đời từ mạch cảm hứng ấy.
Trong mảng sáng tác về văn hóa và bằng cảm quan văn hóa của Nguyễn Tuân, Phở là tùy bút hay nhất, tài hoa nhất. Tác giả say sưa bộc lộ những cảm xúc tinh tế, những suy tư có tầm tư tưởng về một giá trị văn hóa ẩm thực độc đáo của dân tộc. Cái Đẹp trở nên đầy đủ ý nghĩa hơn khi nó mang màu sắc văn hóa, được tạo tác qua bàn tay và khối óc con người. Từ lai lịch, nguồn gốc, đặc điểm, tính chất, hương vị, ngôn ngữ của phở cho đến nghệ thuật thưởng thức phở đều được phân tích, lí giải bằng vốn kiến thức uyên bác và năng lực liên tưởng phong phú, để cuối cùng tất cả được nâng lên thành “văn hóa phở”: “Người Việt Nam còn thì còn bát phở, bát phở trong tương lai vẫn nóng sốt như bây giờ và còn có thể thơm béo hơn nữa. Phở bát của ta không thể thành một thứ đồ hộp kiểu Mỹ đâu… không, không, không thể có cái sự thô bạo ấy”.
Tập tùy bút Sông Đà, viết từ 1958 đến 1960, là cái mốc quan trọng, đỉnh cao mới trong sáng tác của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám. Tác phẩm là kết quả từ chuyến đi thực tế nhiều ngày của nhà văn lên Tây Bắc để sống gắn bó với bộ đội, công nhân cầu đường, thanh niên xung phong và đồng bào các dân tộc vùng cao. Y hệt con sông Đà “hung bạo và trữ tình”, tập tùy bút như một dòng thác lớn thanh âm ngôn ngữ, cảm xúc, tư tưởng được khơi đúng nguồn mạch chính, vừa mang giá trị hiện thực sâu sắc vừa dào dạt cảm hứng nhân văn. Đọc Sông Đà, thấy trữ lượng cái Đẹp, chất “vàng mười” của đất nước và con người Việt Nam trong cuộc sống mới, quả là phong phú đến vô tận. Cánh cửa tâm hồn tài hoa, lãng tử của
90
Nguyễn Tuân như mở toang ra cho cái Đẹp ùa vào: “Đời sống Tây Bắc ngày nay là một tấm lòng tin tưởng không bờ bến, tin mình tin người, mấy chục dân tộc miền cao và đồng bằng tin cậy lẫn nhau, và nhất là tin chắc vào cái chế độ đẹp sáng do tay mình đắp cao mãi lên trên chỗ cao nguyên tiềm tàng sức sống này” (Đường lên Tây Bắc).
Cảnh sắc thiên nhiên Tây Bắc được ngợi ca bằng những nét bút tài hoa, đầy chất họa, chất thơ: núi lớp lớp mênh mông như biển đá, sông trắng xóa như từng súc lụa tung trải ra, những thung lũng lúa chín vàng chóe, mây trắng điểm lơ lửng như thêu nổi lên… Tây Bắc còn là vương quốc rực rỡ của biết bao loài hoa dại: hoa gạo đỏ, hoa ban, hoa mận trắng, hoa lau tia tía, hoa a phiến xanh, vàng, hồng phấn, đỏ cánh sen, đỏ lửa lựu…Tất cả đã góp thêm hương sắc cho một vùng đất hoang sơ mà chan chứa nghĩa tình. Đẹp nhất, kỳ vĩ nhất là “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân” (Người lái đò sông Đà).
Ở Sông Đà, Nguyễn Tuân không chỉ tập trung miêu tả cảnh sắc thiên nhiên mà còn phát hiện, khẳng định và trân trọng vẻ đẹp của tình người, của tâm hồn con người Tây Bắc. Nhà văn ngược dòng lịch sử tìm về với những chiến sĩ Cách mạng kiên cường đã nêu gương bất khuất ở nhà tù Sơn La, những cán bộ hoạt động bí mật lúc Tây Bắc bị chiếm đóng (Đào Cộng Sản, Đất cũ Sơn La). Trở về với hiện tại, ông ngợi ca những người đi mở đường, suốt ngày suốt đêm, nắng cũng như mưa “không bao giờ để kỷ lục nằm quá 24 tiếng” (Bài ca trên mặt phần đường); những chiến sĩ biên phòng Tây Trang sống nơi heo hút, “một ngày có đủ bốn mùa: sớm mát như mùa xuân cây ban ra hoa, trưa là mùa hè, chiều là mùa thu và đêm là đêm đông trường”, phải chịu đựng sự khắc nghiệt triền miên của gió Lào “thổi lộng óc, thổi cả mùa nóng, thổi cả mùa lạnh, thổi cả ngày, thổi cả đêm, thổi cả tháng thổi cả năm, năm ấy qua năm khác…” (Tây Trang); những đồng chí bộ đội từng chiến đấu để giải phóng Điện Biên nay đáp lời kêu gọi của Đảng, tự nguyện đem cả gia đình lên Điện Biên để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương mới (Dọn nhà lên Điện Biên),…
91
Từ sau Sông Đà, Nguyễn Tuân tiếp tục đi và viết nhiều, chủ yếu vẫn ở thể tùy bút, được tập trung in trong các tác phẩm tiêu biểu: Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972), Ký (1976), Hương vị và cảnh sắc đất nước (1978). Nhìn chung, sáng tác của Nguyễn Tuân thời kỳ này có thể phân thành hai mảng chính: mảng thứ nhất viết về tình cảm Bắc - Nam và đấu tranh chống Mỹ Ngụy chia cắt đất nước; mảng thứ hai tiếp tục ngợi ca vẻ đẹp của đất nước, con người và truyền thống văn hóa Việt Nam trong một giai đoạn mới của Cách mạng.
Công cuộc chống Mỹ đã đưa dân tộc ta lên tầm cao của thời đại mới. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn là đặc điểm chung của văn học thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên, Nguyễn Tuân đã thể hiện tinh thần ấy theo một phương cách riêng. Dưới ngòi bút của ông, người Việt Nam vừa đánh Mỹ vừa sản xuất trong tư thế ung dung, lịch lãm, tài hoa. Đó là tư thế của một dân tộc không chỉ giành được chính nghĩa trong chiến đấu giữ nước mà còn có bề dày truyền thống văn hóa lâu đời. Nhiều trang tùy bút khiến người đọc phải ngỡ ngàng trước một sức bút kỳ lạ: vừa tinh tế, mãnh liệt về cảm xúc, vừa đầy ắp liên tưởng bất ngờ, thú vị và nóng hổi tính thời sự:
“Tôi nghĩ đến bánh chưng đầy đặn mà bọn phi công Mỹ sắp được bóc ăn tại một địa điểm nào đó trên miền Bắc. Nghĩ mà thấy nó kỳ (…). Mình không điều binh khiển tướng sang Mỹ đánh Hoa Kỳ, mặt khác Giôn-xơn cũng chưa lần nào tuyên chiến với nước ta. Vậy mà tự nhiên nghĩa địa tàu bay các tỉnh ta ngày càng ùn lên cơ man nào là xác Hoa Kỳ, đủ các kiểu, không tay chân đâu mà vùi cho xuể, và giặc bay thì cứ lũ lĩ đút đầu vào cổng đề lao (…). Nếu một giờ bay lên để ta cảnh giới bầu trời là biết bao của cải mình tung vãi ra giữa trời, thì một phát đạn cao xạ cũng là tiền mình phải tiêu đi. Một phát nổ lên trời, nói cách khác, tức là bao nhiêu bánh chưng tung lên trời, mất hút giữa trời (…). Đã không ngại tung không bánh chưng lên trời, thì nay tiếc gì ít bánh chưng Tết ta tung thêm vào cái mâm ăn của bọn tù Hoa Kỳ gãy cần lái. Để cho nó mở thêm mắt thêm mồm ra” (Cho giặc Mỹ nó ăn một cái Tết ta).
Những tác phẩm tùy bút tiêu biểu của Nguyễn Tuân từ sau 1945 là: Đường
vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Tùy bút kháng chiến và hòa bình (tập I -
92
1955, tập II - 1956), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972), Hương vị
và cảnh sắc đất nước (1978).
2.3.1.3. Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách nghệ thuật riêng, thật độc đáo.
Trong lời giới thiệu bộ Nguyễn Tuân toàn tập, Nguyễn Đăng Mạnh nhận định:
“Hạt nhân của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể gói gọn trong một chữ ngông. Cái ngông vừa có màu sắc cổ điển, kế thừa truyền thống tài hoa bất đắc chí của những Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà,... và trực tiếp hơn là cụ Tú Lan, thân sinh nhà văn; vừa mang dáng vẻ hiện đại, ảnh hưởng từ các hệ thống triết lý nổi loạn của xã hội tư sản phương Tây như triết lý siêu nhân, quan niệm về con người cao đẳng, thuyết hiện sinh...” [112; 90].
Xưa nay, thú chơi ngông - cả trong đời sống và nghệ thuật - hầu như chỉ dành riêng cho những bậc tài hoa, tài tử như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà. Cái ngông trong tùy bút Nguyễn Tuân biểu hiện ở cách quan sát, cách nghĩ, cách cảm, cách viết đầy sáng tạo, không lặp lại mình và cũng không bắt chước người khác. Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân chơi ngông một cách cực đoan, đó là biểu hiện của sự chống trả những thứ định kiến cứng nhắc, hẹp hòi, tầm thường của xã hội buổi giao thời. Mọi sở thích, quan niệm riêng đều được đẩy lên thành các thứ chủ nghĩa: chủ nghĩa duy mỹ, chủ nghĩa xê dịch, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa ẩm thực. Thực ra, chủ nghĩa độc đáo trong đời sống cũng như trong nghệ thuật mà biểu hiện là thú chơi ngông của Nguyễn Tuân không chỉ đơn thuần là phản ứng tâm lý của một cá nhân trước tấn kịch xã hội. Nó còn bao hàm cái khí khái của người trí thức yêu nước, tự đặt ra những nghịch thuyết để thoát ly, vượt lên trên cái xã hội của những kẻ xu thời, cam phận nô lệ. Như vậy, xét về bản chất, cái ngông trong sáng tác tùy bút của Nguyễn Tuân chứa đựng nội dung luân lý đạo đức truyền thống. Từ sau 1945, Nguyễn Tuân không còn lý do để giữ mối bất hòa, để “gây sự” với đời như trước nữa. Cái ngông mất đi phần cực đoan, chỉ giữ lại cái cốt cách vốn tạo nên nét riêng cho trang viết, thành động lực của sự sáng tạo. Thói quen và sở thích tìm cách nói mới, không giống ai khiến ngòi bút ông luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Cái ngông tồn tại như một phẩm chất tư tưởng nghệ thuật, biểu hiện qua toàn bộ các phương diện của tùy bút
93
Nguyễn Tuân, từ đề tài, nhân vật, cảm hứng cho đến giọng điệu, ngôn ngữ và các biện pháp nghệ thuật.
Mới, lạ, không giống ai là những đặc điểm dễ nhận thấy ở hệ thống đề tài của tùy bút Nguyễn Tuân. Mọi thứ ông đề cập tới đều có hương vị đặc sản, từ những nguồn “chưa ai khơi” nên thường tạo được cảm giác rất mạnh và ấn tượng rất sâu. Có những vấn đề tưởng như quá quen thuộc nhưng qua cách khai thác và thể hiện riêng của ông, bỗng lấp lánh nhiều khía cạnh giá trị mới. Đến với những trang viết của ngòi bút tài hoa ấy, một mặt người đọc thấy say sưa trước cảnh, tình và tri thức phong phú được phô diễn một cách đẹp đẽ; mặt khác, khi cảm giác nhất thời qua đi, bao giờ người ta cũng thấy quý yêu thêm một chút, tự hào thêm một chút về dân tộc mình, về thời đại mình đang sống. Hóa ra, những điều tưởng chừng tủn mủn, lặt vặt được Nguyễn Tuân chú tâm miêu tả là để khơi gợi lên ý nghĩa văn hóa, nhân văn cao cả, chứ không nhằm thỏa mãn cảm giác hiếu kỳ, hời hợt. Đơn cử một ví dụ, xưa nay trong nghệ thuật nói chung, những hình ảnh: dòng sông, chiếc thuyền, ông lái,… bao giờ cũng gợi lên cảm giác u hoài, xa vắng và niềm trắc ẩn về sự bẽ bàng của thế thái nhân tình. Trong tùy bút của Nguyễn Tuân thì khác, cũng những hình ảnh ấy nhưng không làm nảy sinh nỗi buồn mà bừng dậy niềm vui, niềm tin vào cuộc sống, vào những quyền năng có thật của nghị lực và trí tuệ con người (Người lái đò sông Đà).
Tiếp cận cuộc sống theo chuẩn mực cái Đẹp là nét riêng, là thế mạnh của ngòi bút Nguyễn Tuân. Năng lực thẩm mỹ ấy một phần là tài hoa bẩm sinh, nhưng quan trọng hơn, nó xuất phát từ tấm lòng, từ tình cảm thiết tha yêu mến, gắn bó của ông với Tổ quốc và dân tộc:
“Tôi trở về thủ đô đường bằng mà cảm thấy nhớ mây Mèo. Giữa Hà Nội, thật khó tìm ra cái cảnh mây chiều mây sớm xô cửa mà vào giữa nhà mình. Thấy nhớ nhớ cái đôi mắt cô bé Muờ hút theo cái dốc núi hôm nào, đôi mắt thăm thẳm xanh lắc như cái lối nhìn của người lính thủy bói sóng chân trời (…). Lại thấy nhớ những bàn tay ngón tay cánh tay đàn bà Mèo guộn lanh nối sợi gai quay chỉ lanh, vừa cuốn vừa nối vừa đi trên dốc núi. Đèo dốc vòng lên vòng xuống như cái bờm sóng bể động (…). Hà Nội vẫn loáng