thật đa dạng, phong phú. Họ bước vào truyện ngắn Kim Lân từ chính cuộc sống đầy đắng cay, tủi nhục của họ. Đọc truyện ngắn Kim Lân, ta dường như thấy thấp thoáng thế giới nhân vật bất hạnh trong truyện cổ tích hiển hiện lên trong từng tác phẩm. Họ là những người lao động già nua, bệnh tật, mồ côi không nơi nương tưạ hoặc phải sống nhờ vào sự cưu mang của người khác, hoặc đói khổ cùng quẫn, đi tha phương cầu thực. Liên kết và xâu chuỗi những truyện ngắn của Kim Lân qua những mảnh đời, những thân phận bé nhỏ, khốn khổ, đói nghèo, chúng ta thấy cả một bức tranh xã hội thu nhỏ.
2.2. Nhân vật mang hồn cốt quê hương
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa, tâm hồn nhà văn như đã được nuôi dưỡng, được đắm mình trong bao nét đẹp cổ truyền của dân tộc, để rồi tạo dựng nên một hệ thống các nhân vật như những đại diện cho quê hương, bản xứ mình.
Truyện ngắn Kim Lân có một mật độ khá dày những nhân vật có cuộc sống hòa mình, máu thịt với những thú vui làng quê, đồng ruộng: Trưởng Thuận (Đôi chim thành), ông Trạch (Người kép già), Cả Chuẩn (Con Mã Mái) ông Cản Ngũ (Ông Cản Ngũ), ông tự Năm (Đuổi tà), ... Nỗi buồn, niềm vui, cao hơn là niềm yêu sống của họ đều gắn liền với những thú chọi gà, thả chim, đấu vật, gắn liền với cái khuôn viên làng xã mình sinh sống.
Ở Người kép già, bạn đọc hẳn sẽ thật ngỡ ngàng với những đổi thay của nhân vật ông Trạch khi được làng tin tưởng gửi gắm làm ông trùm trong ban tuồng phục vụ cho những buổi đám hội: “Từ ngày ông lên chức “trùm”, ông có vẻ sung túc hẳn lên”, ông hoạt bát, nhanh nhẹn, ông chỉn chu từ cái việc hương khói cho bàn thờ tổ đến đôn đáo chạy tìm người tập hát. Từ một ông lão chỉ thu mình vào căn buồng lụp xụp, ẩm thấp, sống nay chưa biết cả mai thì giờ ông Trạch: “khẩn khoản dặn dò tôi, ông sốt sắng giục giã tôi tìm người tập hát”, để rồi “Ông trùm sung sướng lộ ra mặt”, ông thấy mình khoan khoái cả trong hơi thở. Có được điều đó là bởi ngoài chuyện ông lại
được trở lại với nghề, được sống với các vai diễn oai danh một thời. thì đây cũng là một cơ hội để ông góp cái công sức bé mọn của mình tạo thêm nguồn vui cho người dân.
Hay cái tình yêu của ông Cả Chuẩn (Con Mã Mái) với lũ gà chọi mới là đáng kể: “Cả Chuẩn mê thích gà chọi lắm. Suốt ngày chỉ lăn lóc với gà. Ngay từ mờ sáng, chưa dậy được, nằm trên giường, ông đã để ý nghe xem hôm nay con Chuối gáy mấy tiếng, con Bạch Nhạn gáy mấy tiếng. Có được mạnh mẽ không?. Ông mê đến nỗi chẳng thiết làm ăn gì cả'” [27, 50]. Ông chăm sóc, dõi theo con gà cưng của mình mà chẳng khác nào người mẹ chăm đứa con, từ thuở còn trứng nước. Ông cất trứng gà đẻ theo số thứ tự, ông soi xét từng quả trứng đổi thay trong đợt gà mẹ ấp: “Ông để ý từ màu sắc thay đổi, từ màu hồng đổi dần sang màu xám. Những công việc tỉ mẩn không đâu ấy cũng đủ khiến ông vui thích mà bận rộn cả ngày”. Rồi: “ông cũng không muốn ngủ, cứ thích ngồi rù trong chăn bông bên ngọn đèn hút thuốc lào vặt và chú trọng nghe tiếng gà con chiêm chiếp, xao xác đến vui tai.” Và cái cách ông chăm gà ốm thì có lẽ cũng chẳng ai bằng: “Cả ngày hôm ấy, ruột gan Cả Chuẩn rối bời lên để chạy thuốc cho hai con gà. Đứng không yên, ngồi không yên. Ai mách lối nào ông cũng làm... Trong đời ông, từ cha sinh mẹ đẻ đến vợ con đầu gối tay ấp, ông chưa phải hầu hạ ai khổ sở lo lắng đến thế này. Cả Chuẩn như mất hồn, trông người sút hẳn đi, phờ phạc, xanh xao” [27, 60].
Chẳng riêng gì những người trong cuộc chơi, những tay chơi lão luyện, những nghệ sĩ đồng quê như Cả Chuẩn (Con Mã Mái), Trưởng Thuận (Đôi chim thành), cả những người thưởng ngoạn thú chơi ấy cũng đam mê không kém. Với thú thả chim, các cụ dù tuổi đã già nhưng vẫn rất mê, rất đắm: “Trong sân, dưới mấy cây na, cây bưởi, mỗi cụ một chiếc quạt xòe ra che mắt, nếu không có quạt thì úp hai bàn tay vào nhau, ngửa mặt nhìn qua kẽ tay cho đỡ chói”, rồi “họ ngửa mặt lên trời xem mê man, quên cả sức nóng thiêu người của trưa mùa hạ”. Phải tận khi “đàn chim chìm vào mây, mọi
người mới chịu bỏ vào nghỉ ngơi trong nhà'” [27, 32]. Với thú chọi gà, chỉ ngay sau khi hai bên thỏa thuận là đã thấy “mọi người xúm đông quây vòng quanh bên ngoài vạch vôi” [27, 69]. Đam mê hơn cả phải kể đến thú đấu vật. Với người dân quê, đây là điều mong chờ rất mực trong những ngày lễ hội. Bởi vậy nên “người tứ xứ đổ về đông như nước chảy... Người ta chen lấn nhau quây kín quanh sới vật, nhiều người phải trèo lên những cây trôi, cây nhội gần đấy xem cho rõ” Khi keo vật suýt phân thắng bại, người xem bốn phía “reo ồ cả lên”, những pha gay cấn, họ “cắn chặt môi lại mà thở dài”, rồi “lặng đi”, “cay đắng, uất ức, xấu hổ”... Lúc quyết liệt, cả xới tưởng chừng “không ai dám thở mạnh nữa” [27, 225]. Người xem như đã sống trọn cảm xúc của người đấu. Họ cùng nhau vui sướng, hồi hộp, chờ đợi kết quả, và đau buồn, uất ức khi trận đấu diễn ra không theo ý mình.
Những người dân quê, những nhân vật của nhà văn, họ chơi không phải chỉ thỏa cái niềm đam mê cho riêng mình mà còn là thỏa cái tiếng tăm cho xóm, cho làng, cho phủ. Chuyện thắng thua trên sới chọi gà, sới vật là chuyện của danh dự, của danh tiếng, không chỉ là chuyện riêng của chủ gà, của đô vật, mà còn là chuyện của cả xóm, cả làng. Bởi thế nên đi theo con Mã Mái ra sới chọi gà ngày hội đâu chỉ có cha con Cả Chuẩn mà còn có cả hương Chế, ông Tư, ông đồ Thảo, cả Sầy, hương Thân, tư Chuyên. Tất cả mọi người đều lo lắng, hồi hộp đến ngạt thở trong cuộc tranh hùng của Mã Mái, rồi cuối cùng đều vỡ oà trong niềm vui chiến thắng. Mọi người đều hướng về cái danh tiếng của làng. Hay chuyện đấu vật cũng vậy, mỗi đô vật là một đại diện cho sức mạnh, cho ý chí, cho trí tuệ của cả một cộng đồng. Bước lên sới vật là bước vào hành trình bảo vệ cái danh dự cho cộng đồng ấy. “Người ta bảo làng Cẩm Giang có đất vật, nhiều đô nổi. Nên bọn con trai làng gắng công luyện tập dưới sự trông nom, chỉ bảo của đô Cót để giữ tiếng cho sân mình” [28,46]. Trong Ông Cản Ngũ, cái tinh thần đó lại được nhà văn khai thác kĩ lưỡng hơn nữa. Sau khi Quắm Đen, đô vật giải nhất của vùng bị ông Cản Ngũ
Có thể bạn quan tâm!
- Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Kim Lân - 5
- Quan Niệm Của Kim Lân Về Việc Viết Văn
- Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Kim Lân - 7
- Nghệ Thuật Miêu Tả Ngoại Hình Và Tình Huống
- Nghệ Thuật Miêu Tả Tâm Lí Nhân Vật
- Miêu Tả Tâm Lí Nhân Vật Qua Những Biểu Hiện Bên Ngoài
Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.
đánh ngã, mọi người dân trong vùng đều bồn chồn lo lắng. Tí Trâu “bồn chồn không yên. Nó cũng thấy uất ức, xấu hổ và lo lắng cho sân vật vùng mình.” Hội làng cũng vì thế mà rệu rã: “dưới mái tam quan, các bô lão, các ông quan viên, quan đám, các ông đô sở tại, chạy vào, chạy ra thờ thẫn. Hội đám nhạt thếch. Trống vật thập thùng rời rạc, cầm chừng. Thôi, giải vật năm nay cầm chắc về tay người ngoài rồi”. Và khi cụ Cả Lẫm lên xới thì mọi điều bỗng khác hẳn: “Cả xới vật cùng reo lên. Các ông quan đám, quan viên, các ông chức dịch trong làng xã đều đứng cả dậy.... Tiếng trống vật bỗng dồn lên, càng lúc càng dồn lên mạnh mẽ”. Cái ý thức trọng danh dự của cộng đồng như đã ăn sâu vào tiềm thức trong nhân vật của Kim Lân. Và như thế, những thú chơi dân dã kia đã không đơn thuần chỉ là để giải trí lúc nông nhàn nữa. Nó là chuyện của văn hóa, của nghĩa khí, của tinh thần làng xã, mà rộng ra là tinh thần của cộng đồng dân tộc. Nhân vật của ông, vì thế, như mang vẻ đẹp của những nghệ sĩ thực thụ, những người nghệ sĩ của đồng quê, tài hoa mà chân chất. Họ đã góp một phần rất lớn làm nên cái nếp sống yên ả của nông thôn thuở ấy.
Sau Cách mạng tháng Tám, Kim Lân đã có một thành công lớn với truyện ngắn Làng. Nhân vật ông Hai trong câu chuyện đã thực sự trở thành một hình tượng tiêu biểu, mẫu mực cho tình yêu quê hương xứ sở của con người Việt Nam trong thời chiến. Ông theo gia đình đi tản cư mà tâm trí ông như vẫn ở lại cái làng chợ Giầu yêu dấu. Ông tự hào về từng ngõ ngách, từng mái rạ làng mình, ông dõi theo từng cử chỉ của những người con quê nhà ở lại: “ông nói chuyện về cái làng ấy một cách say mê và náo nức lạ thường. Hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển, hoạt động”. Việc “khoe làng” với ông không còn là việc thường làm, hay làm nữa. Nó thành cái “tính” của ông. Tính khoe làng, ông khoe cả những chuyện đẩu chuyện đâu về cái làng đó mà chẳng bận tâm cả việc người nghe có nghe hay không. Ông tự hào với cả những cái mà lẽ ra ông phải căm thù như cái sinh phần của viên
tổng đốc “vườn hoa, cây cảnh nom như động”, thứ đã làm ông và bao người làng này khổ. Sau khi được giác ngộ, ông không khoe nó nữa. “Bây giờ khoe làng, ông lão lại khoe khác. Ông khoe những ngày khởi nghĩa dồn dập ở làng, mà ông gia nhập phong trào từ ngày còn trong bóng tối” [27,129]. Kháng chiến, đi tản cư, ông đem theo cả cái làng của mình trong những câu chuyện kể: “Ông khoe làng ông có cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa, rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh thì cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy. Ông khoe làng ông nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh. Đường trong làng lát toàn đá xanh, trời mưa, trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm,bùn không dính đến gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất” [27, 128]. Với ông, khoe làng cũng chính là cách để giải tỏa nỗi nhớ làng đang đau đáu, giải tỏa niềm khao khát được về làng, được ở lại với anh em kháng chiến. Và nỗi lòng ông cũng là nỗi lòng của bao người dân quê thời ấy: “Quê cha đất tổ một lúc rứt ruột bỏ đi làm gì mà không đau xót” [27,131]. Chính cái nỗi đau xót này đã lí giải vì sao sau này, khi nghe tin làng không phải Việt gian, ông đã sung sướng đến thế: “Cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên. Mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ hấp háy”. Ông loan báo cái sự kiện đáng ra phải tiếc nuối thì nay ông hồ hởi, hoan hỉ đến lạ thường “Tây nó đốt nhà tôi rồi ông ạ! Đốt nhẵn... Toàn là sai sự sai mục đích cả!... Ông lão cứ múa tay lên mà khoe cái tin đấy với mọi người” [27,145]. Với ông, cái nhà bị đốt chính là một minh chứng sống động, thuyết phục cho một ngôi làng kháng chiến. Có kháng chiến, có chống Tây thì mới bị Tây đốt nhà. Nhà văn đã rất khéo léo sử dụng những chi tiết hài hước, tự nhiên mà dí dỏm để tạo nên một ông Hai chất phác, đậm chất nông dân. Ông cần cù, chịu khó, ông thương vợ con và nhất là ông yêu làng, yêu nước ghê gớm. Hai tình yêu đó đã hòa làm một trong con người nhân vật.
Nỗi lòng với bản quán quê hương lại được khắc họa trên một phương
diện khác ở nhân vật ông Tư Mủng trong Bố con ông gác máy bay trên núi Côi Kê. Đó là tình cảm gắn bó với mảnh đất vỡ hoang như là máu thịt của ông. Vì máy bay Mĩ cứ ném bom nên vợ ông dùng dằng đòi tìm nơi ở mới. Nhưng chỉ cần nghĩ đến việc bỏ đất này mà đi, bỏ cái công việc gác máy bay cho bà con ở lại, ruột gan ông đã đau thắt lại, “mảnh đất này đã gắn bó với ông tựa xương thịt rồi. Từng hốc đá, từng búi cỏ trên mảnh đất ông đang sống đây không chỗ nào không mang dấu tích, bóng dáng vợ con ông... Chính lúc ông nảy ra cái ý muốn bỏ đi cũng là lúc ông muốn bám chằng lấy nó. Ông lại muốn được cuốc, xới, được sống mãi mãi trên mảnh đất cheo leo này. ” [29, 94]. Núi Côi Kê không phải là quê gốc, nhưng với phần đời còn lại của ông, nó còn hơn thế. Nó là nơi chắt chiu bao mồ hôi nước mắt, cao hơn thế, chắt chiu cả những kiếp sống nghèo khổ, bần cùng, thèm đất, thèm ruộng đến cháy bỏng của hơn chục con người trong gia đình ông. Cái khát vọng có đất, có ruộng là có cuộc đời mới đã thôi thúc chừng ấy con người vượt qua được bao gian khổ tưởng chừng như không vượt qua nổi để mà đi, mà đến. Cái câu nói văng vẳng của người ông nội cứ như một lời giục giã, một tia sáng chờ mong, hi vọng cho đám con cháu ông Tư: “Cố lên! Cố lên các con ơi! Bắc Giang, Thái Nguyên đất rộng người thưa... Lên được trên ấy là có cái sống rồi...”. Xót xa biết bao cái giấc mơ có ruộng, có đất của người nông dân ngàn đời làm thuê cuốc mướn ấy. Xót xa hơn nữa khi “Mười một con người đói khát, vừa lớn, vừa bé trong gia đình mỗi lần nghe ông nội nhắc đến Bắc Giang Thái Nguyên lại tỉnh ra, vui lên, lại hi vọng, tin tưởng, lại lếch thếch, bồng bế, dắt díu nhau đi” [29, 95]. Để rồi họ “ốm đau, đói rét, rơi rụng dần suốt dọc đường. Người ông nội chỉ còn da bọc xương, gục đầu trên cây gậy lết theo con cháu. Người ông vẫn chỉ rền rĩ mấy câu như mấy câu tụng niệm, khấn khứa: “…Cố lên các con ơi! Thái Nguyên, Bắc Giang đất rộng người thưa. Mấy người còn sót lại trong gia đình vẫn thùi thũi dắt díu nhau đi. Con đường tìm đất nắng mưa, kiền kiệt. Cho đến một buổi chiều, người ông chết
cóng trong túp lều nát, chơ vơ giữa đồng”. Tấc đất họ có được đổi bằng nhọc nhằn, bằng chua xót, bằng cả tính mạng của bao người. Nó gan ruột, nó đau đớn biết bao. Vậy nên, trải bao khó nhọc, phút giây có đất cũng là phút nước mắt chan hòa: “Cái hôm đầu tiên vợ chồng ông lên khai phá trên quả núi này, ông đã khóc như mưa, như gió. Mười một người trong gia đình bỏ làng đi tìm đất, bây giờ có đất rồi thì chẳng còn ai... ” [29, 96]. Quý giá nhường ấy nên ông Tư Mủng đã quyết tâm ở lại, quyết tâm bảo đảm cuộc sống của gia đình ngay trên cái mảnh đất vô giá đó.
Một lí do nữa khiến ông Tư Mủng không thể rời đất này mà đi, ấy là cái việc gác máy bay cho bà con trong vùng. Họ đã quen, đã sống, làm ăn, buôn bán, nhất nhất đều theo tiếng kẻng từ ông. Bao nhiêu con người trông vào tiếng kẻng của ông mà sinh sống. Và ông hiểu rất rõ điều đó. Như thế, mảnh đất núi Côi Kê này không những nhắc ông về cuộc tìm đất đau xót, không những cho ông cuộc sống no đủ thường ngày, mà nó còn cho ông cái niềm vui của một con người thấy mình đang làm việc có ích cho người khác, cho cộng đồng, tập thể. Ngọn núi Côi Kê “hiện ra sừng sững trong một buổi chiều vàng sượm, nơi có nhà của ông, vợ ông, con ông”, cùng với cái tình gan ruột mà ân cần, thân thiết của bà con trong phố đã khiến ông Tư Mủng “đi miết một hơi không ngoái cổ lại”, như một niềm tin tưởng, một quyết tâm lớn cho cái sự lựa chọn gắn bó máu thịt với quê hương thứ hai này.
Sinh ra và lớn lên từ đồng ruộng, nhà văn đã trả ơn mảnh đất sinh thành, nuôi dưỡng mình bằng hàng loạt câu chuyện, hàng loạt nhân vật có niềm yêu tha thiết, mãnh liệt với làng quê như thế. Kim Lân hay cũng chính nhân vật của ông yêu cái làng Việt cổ truyền của mình, yêu tất cả các giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Cũng từ đó, nhà văn như có điều kiện hơn trong cảm nhận một cách sâu sắc về sợi dây ràng buộc giữa các thành viên trong cộng đồng làng xã qua sinh hoạt văn hóa, qua phong tục tập quán bằng một niềm tự hào kín đáo mà tinh tế! Nhân vật của ông vừa chuyên chở một
niềm yêu làng tha thiết, vừa thể hiện rõ cái ý thức trách nhiệm của một người con của làng thực thụ. Viết về nội dung này, tác phẩm của Kim Lân thực sự xứng đáng là những chỉ dẫn văn hóa về không gian làng xã cho bạn đọc.
2.3. Nhân vật có sức sống tiềm tàng
Có ý kiến cho rằng, truyện ngắn thường chú trọng vào việc khắc họa diễn biến hành động, số phận nhân vật trong mối tương quan với biến cố của sự việc. Điều này rất đúng với trường hợp của nhà văn Kim Lân và tác phẩm của ông. Với quy mô thể loại, truyện ngắn Kim Lân không có điều kiện mô tả tỉ mỉ sự thăng trầm của số phận các nhân vật. Tuy nhiên, trên hành trình khám phá và thể hiện hình tượng những người nông dân Việt Nam ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ, nhà văn đã tập trung xoáy sâu vào những nét nổi trội, cơ bản trong cuộc đời, số phận của họ. Nét bao quát nổi bật nơi các nhân vật ấy chính là một sức sống mãnh liệt của con người, ngay trong những lúc cùng quẫn, tuyệt vọng nhất.
Rất nhiều truyện của Kim Lân nói chung không chỉ khám phá, thể hiện mà còn khẳng định bản chất lành mạnh, khỏe khoắn trong nhân cách của người nông dân lao động. Với nhà văn, họ có thể bị dồn đẩy vào những hoàn cảnh cùng đường, họ có thể đứng trước những cám dỗ rất đời, thậm chí tầm thường, như miếng cơm, manh áo, cám dỗ đến cả cái đói - cái no, đến mức còn - mất nhưng họ vẫn có ý thức giữ gìn nhân phẩm. Ở Đứa con người vợ lẽ, cậu Tư dù “đói quá, đói lả người đi. Đã hai hôm nay rồi, anh chưa có hột cơm nào trong bụng” nhưng khi ông anh Cả về, cậu vẫn giữ nguyên cái phép tắc phận làm em trong nhà, lại còn là em thừa, em lẽ: “Tư vùng trở dậy, dạ lớn một tiếng, vội vã ra mở cửa”, “Tư nhu nhú chào anh’”, “Tư len lén quét nhà”. Đặc biệt, anh nghiêm chỉnh thực hiện lời dặn của ông Cả anh, bưng bát phở khói bốc nghi ngút mà tay chân mỏi rã rời, bụng sôi sùng sục, nước bọt ứa mãi ra. Cao hơn thế, anh sẵn sàng đập vỡ, ném mạnh bát phở ra sân chứ không chịu vì cái đói mà bán rẻ cái nhân cách dù rẻ rúng của mình “Tư so